Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

26/08/200000:00:00(Xem: 4114)
Hỏi (Ông Phạm Trần Tuấn): Vào cuối năm 1999, công ty nhập cảng đá marble và đá granite tại Úc của tôi đã ký kết hợp đồng với một công ty khai thác đá của người Đại Hàn tại Việt Nam, để nhập cảng các loại đá này vào Úc.

Công ty chúng tôi đã ký kết hợp đồng FAS với công ty Đại Hàn. Tính đến cuối tháng 5 năm 2000, các đợt hàng đã được chuyển giao xuống tàu để chở về Úc rất suông sẻ, không có gì trở ngại.

Mãi cho đến giữa tháng 7 năm 2000, công ty chúng tôi nhận được một thư do công ty Đại Hàn gởi đến và báo cho biết rằng vì bến cảng đang sữa chữa nên không đủ chổ cho tất cả các thương thuyền ngoại quốc cập bến, vì thế chúng tôi phải trả thêm một khoản tiền là $3,200 Mỹ kim để họ mướn tàu chở hàng ra thương thuyền mà chúng tôi thuê mướn đang bỏ neo ngoài khơi (cách bờ hơn 50 mét). Nếu chúng tôi không chịu trả chi phí đó thì họ sẽ ngưng chuyển giao hàng cho chúng tôi.

Tôi có viết thư hồi đáp là theo hợp đồng FAS, chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm về khoản chi phi đó. Họ bèn gởi điện thư cho chúng tôi biết rằng ngoại trừ trường hợp chúng tôi hồi báo là đồng ý trả phí khoản chuyên chở đó, bằng không họ sẽ ngưng chuyển hàng cho chúng tôi.

Xin LS cho biết là nếu chúng tôi bị khiếu nại đòi bồi thường vì vi phạm hợp đồng đối với các khách hàng tại Úc khi hàng hóa không giao đúng hẹn, thì chúng tôi có quyền khiếu nại đòi bồi thường công ty Đại Hàn này không" Nếu khiếu nại thì khiếu nại ở đâu"

Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi của ông tôi xin lược sơ qua một vài khiá cạnh pháp lý của loại hợp đồng FAS.

Theo "luật lệ về mậu dịch quốc tế" (international trade law), FAS là chữ viết tắt của "Free Alongside Ship". Hợp đồng FAS là loại hợp đồng mua bán và "chuyên chở hàng hóa bằng đường biển" (carriage of goods by sea). Theo hợp đồng này, "trách nhiệm của người bán chấm dứt khi hàng hóa được chuyền đến mạn tàu" (free alongside ship).

Theo hợp đồng FAS, người bán phải chịu trách nhiệm chuyển giao hàng hóa đến "dọc theo thành của chiếc tàu" (alongside ship) được chỉ định bởi người mua. Điều này có nghĩa rằng người bán phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về hàng hóa và sự rủi ro [mất mát hoặc thiệt hại] cho đến lúc hàng hóa được chuyển giao đến dọc theo thành của chiếu tàu do người mua chỉ định.

"Dọc theo thành tàu" (alongside ship) ở đây có nghĩa là nếu chiếc tàu do người mua chỉ định đang cập bến cảng, thì người bán sẽ phải chuyển giao hàng hóa đến bờ, cạnh chiếc tàu đó, hoặc chuyển giao hàng hóa đến nơi mà các công ty bốc dở hàng hóa chỉ định để họ dễ dàng trong việc chuyển hàng lên tàu bằng các "cần trục" (crane) của họ.

Cũng theo hợp đồng FAS này, khi chiếc thương thuyền do người mua hàng hóa chỉ định không thể cập bến cảng (a wharf or a quay) được, và phải bỏ neo ở ngoài khơi, thì người bán phải dùng "xà lan hoặc thuyền bốc dở hàng"(lighter) để chuyển hàng hóa đến sát mạn tàu cho người mua. Trách nhiệm chuyển giao hàng hóa của người bán cho người mua, trong trường hợp này, chấm dứt khi hàng hóa được chở đến sát bên tàu của người mua đang bỏ neo ở ngoài khơi.

Tuy nhiên, các bên đương sự của hợp đồng [người bán và người mua] có thể đồng ý để thay thế FAS bằng hợp đồng "free on lighter". "Free on lighter" là loại hợp đồng theo đó trách nhiệm của người bán chấm dứt khi hàng được chuyển lên xà lan hoặc thuyền bốc dở hàng.

Ngoài ra, người bán còn phải chịu trách nhiệm giúp đỡ người mua trong việc làm những thủ tục cần thiết để hàng hóa được bốc dở lên tàu. Ví dụ người bán phải giúp người mua xin giấy phép xuất cảng, giấy chứng nhận hàng đã được miễn dịch và tất cả các giấy tờ cần thiết để việc bốc dở hàng hóa không gặp trở ngại hoặc bị chậm trễ. Tất cả những chi phi liên hệ đến các thủ tục này sẽ do người bán gánh chịu.

Nếu người mua yêu cầu "chứng thư về nguồn gốc của hàng hóa" (a certificate of origin of the goods), trong trường hợp này, người bán phải chịu trách nhiệm về việc xin chứng thư đó cho người mua, nhưng người mua phải chịu mọi phí tổn liên hệ đến việc xin chứng thư đó.

Trong vụ Metro Weat Ltd kiện Fares Rural Co Pty Ltd [1985], công ty Metro Meat đã đồng ý bán 20,000 tấn thịt cừu cho công ty Fares Rural theo hợp đồng FAS từ cảng Adelaide hoặc Fremantle để được chở bằng tàu đến Bandar Shahpour tại Iran. Số lượng thịt này sẽ được chở bằng 5 chuyến tàu. Sau khi chở được 3 chuyến, công ty bán thịt đã từ chối hợp tác để chuyển thịt đến tàu. Công ty mua thịt đã xem sự từ chối hợp tác này là "sự vi phạm hợp đồng có dụng ý trước" (an anticipatory breach) và đã khiếu kiện về sự vi phạm hợp đồng này. Tòa đã đưa ra phán quyết rằng chiếu theo hợp đồng FAS, sự từ chối hợp tác của công ty bán thịt trong việc chuyển giao thịt đến tàu là một "sự vi phạm hợp đồng có dụng ý trước", và tòa đã ra lệnh công ty bán thịt bối thường toàn bộ thiệt hại cho công ty mua thịt.

Vì thế, sự từ chối hợp tác của người bán trong việc sắp xếp để hàng được chuyển giao lên tàu, hoặc việc từ chối để hàng hóa được chuyển giao theo thời gian quy định để tàu rời bến cảng là một sự vi phạm hợp đồng FAS theo sự quy định của "luật lệ về mậu dịch quốc tế".

Theo luật lệ về mậu dịch quốc tế cũng như các phán quyết vừa trưng dẫn, tôi có thể cho ông biết được rằng công ty khai thác đá của Đại Hàn tại Việt Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc chuyển giao hàng hóa đến dọc theo thành của chiếc thương thuyền mà ông đã thông báo cho họ.

Tuy nhiên, việc này cũng còn phải tùy thuộc nội dung của hợp đồng FAS mà ông và công ty Đại Hàn đã đồng ý và ký kết. Tôi đề nghị ông nên mang gấp hợp đồng FAS mà ông đang có đến gặp ngay luật sư chuyên trách về các loại hợp đồng này để được cố vấn tường tận hơn.

Riêng về câu hỏi là ông sẽ khiếu nại ở đâu" hoặc luật pháp của quốc gia nào sẽ phán xử trong trường hợp vi phạm này" Tôi xin trả lời với ông rằng việc này sẽ tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa ông và công ty Đại Hàn khi ký kết hợp đồng. Vì khuôn khổ hạn hẹp của mục "Luật Pháp Phổ Thông" nên tôi không thể trả lời chi tiết cho câu hỏi này của ông trong bài báo này được. Ông có thể liên lạc với Tòa Soạn Báo SAIGON TIMES để xin bài "Luật Pháp Phổ Thông" liên hệ đến câu hỏi này đã được đăng tải trong một số báo trước đây.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.