Hôm nay,  

Hội Đàm Trong Bom Nổ

23/03/200200:00:00(Xem: 3860)
Ba ngày, ba quả bom tự sát, nhưng thương thuyết ngừng bắn vẫn tiếp tục. Trước khi mở đàm phán, bom tự sát đã nổ hôm thứ tư, nhưng hội đàm vẫn mở vào sáng thứ năm. Buổi sáng họp không kết quả, vừa ngừng họp, bom tự sát lại nổ ở giữa khu kinh doanh Jerusalem. Hiển nhiên các phe Hồi giáo quá khích Palestine không thích hội đàm và cũng không muốn có ngừng bắn. Qua ngày thứ sáu quả bom tự sát thứ ba vẫn không ngăn cản được thương thuyết. Tình thế này cho thấy dù có đạt được ngừng bắn, vụ xung đột giữa nguời Do thái và người Ả rập Palestine vẫn còn gặp nhiều thử thách trước khi có một nền hòa bình lâu bền. Trong nửa thế kỷ qua, hai bên đã từng nhiều lần chiến, rồi ngừng, để rồi lại xung đột, tại sao vậy"

Lần này, Israel với sự trung gian hòa giải của Mỹ muốn tiến đến kế hoạch ngừng bắn của ông George Tenet, Giám đốc CIA, đưa ra trước đây để hai bên Do Thái và Ả Rập xác nhận lại sự cam kết của họ thi hành các điều khoản ghi trong bản báo cáo Mitchell. Đây là một chương trình xây dựng hòa bình do cựu Thượng nghị sĩ Mỹ George Mitchell thảo ra với điểm chính là hai bên tiếp tục nối lại sự hợp tác về an ninh như đã đạt được dưới thời Tổng Thống Clinton, ngưng những cuộc xây cất các làng định cư Do Thái trên lãnh thổ của người Ả Rập Palestine, hai bên cùng lên án nạn khủng bố và mở lại cuộc hòa đàm. Nhưng mới đây lại có một kế hoạch hòa bình khác được thế giới Ả Rập có thiện cảm hơn. Đó là kế hoạch của Abdullah, hoàng thái tử Ả Rập Saudi, đề nghị Israel rút quân hết khỏi các lãnh thổ Palestine theo lằn ranh sau cuộc chiến năm 1967, và tất cả các nước Ả Rập sẽ mở bang giao hoàn toàn với Israel. Vậy đường ranh giới sau năm 1967 như thế nào"

Thiết tưởng cũng nên nhìn rõ căn nguyên sự xung đột giữa người Ả rập và người Do thái từ lúc khởi đầu. Palestine là một mảnh đất nhỏ ở Trung Đông, chỉ lớn hơn tiểu bang Massachusetts của Mỹ một chút. Cho đến khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt, đất Palestine có người Ả rập và Do thái sinh sống lẫn lộn, dưới chế độ cai trị của của Anh quốc. Từ thời xa xưa khoảng 3,000 năm trước, nước của dân tộc Do thái ở Palestine - lúc đó gọi là vùng đất hứa Canaan - phân thành hai vương quốc Judah và Israel, nhưng sau đã tan rã vì bị các dân tộc xung quanh tổ tiên của người Ả rập xâm chiếm. Dân tộc Do thái mất nước từ lúc đó, đa số đã phải chạy ra ngoài. Đến đầu Công nguyên, chỉ còn rất ít người Do thái ở lại Palestine. Vào thế kỷ 19, những người gốc Do thái tản mác ở khắp nơi đã có mộng ước trở về Palestine để lập quốc. Qua thế kỷ 20, sau Đệ nhị Thế chiến, vì thông cảm với những tai họa khủng khiếp dân tộc Do thái phải chịu do sự đàn áp man rợ của Đức Quốc xã, LHQ biểu quyết chấp thuận chia mảnh đất Palestine cho người Do Thái trở về lập quốc.

Hình ảnh sự chia cắt lúc ban đầu đó khác với hình ảnh hai vùng Israel-Palestine ngày nay. Lúc đầu phần của Israel rất hẹp ở một vùng giáp Địa Trung Hải, còn phần lớn nhất lại là bãi sa mạc Negev ở miền Nam. Người Ả rập có nhiều vùng rộng phì nhiêu hơn, tuy chia làm ba mảnh, nhưng vẫn có những hành lang nối liền nhau. Còn khu vực Jerusalem được dự định cho quốc tế quản trị. Người Do thái ào ạt trở về Palestine lập quốc và đến năm 1948, quốc gia Israel được chính thức tuyên bố thành lập. Liền sau đó các nước Ả rập tấn công Israel, khiến số người Ả rập sống trên mảnh đất này phải đi tị nạn. Năm 1949, Israel thắng trận và lấy được thêm nhiều đất, trong khi người Ả Rập chỉ còn lại hai mảnh đất tách rời là dải Gaza và Tây Ngạn sông Jordan.

Năm 1967, ba nước Ai Cập, Syria và Jordan khởi binh tấn công Israel. Trận này ngắn ngủi chỉ có 6 ngày, Israel toàn thắng, chiếm luôn những vùng dành cho người Ả rập ở Gaza và Tây Ngạn, đồng thời còn chiếm luôn cả bán đảo Sinai rộng lớn của nước Ai Cập. Năm 1978, Ai Cập phải thừa nhận Israel, ký hòa ước để đổi lấy việc trao trả Sinai. Còn đất Gaza khi xưa của Ai Cập, nay thu lại thành một dải đất hẹp do Israel tạm chiếm, và mảnh Tây Ngạn thu hẹp sát bên nước Jordan cũng do Israel tạm chiến, gọi là hai mảnh đất dành cho người Ả rập Palestine tự trị. LHQ chưa hề nhìn nhận hai mảnh đất Palestine là quốc gia của người Ả rập. Phong trào Giải phóng Palestine bùng nổ. Trong khi đó, điều đau khổ nhất cho người Ả rập là trong khi "tạm chiếm" hai mảnh đất, Israel tiếp tục đưa dân Do Thái đến đó và liên tục xây dựng những khu định cư để cắm dùi cố thủ.

Xét theo tình hình đó, nếu bây giờ Israel phải rút hết quân và cả người định cư đã chiếm đất sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, phía Palestine vẫn phải chịu thiệt thòi rất nhiều vì đất của họ đã thu hẹp chỉ còn hai mảnh Gaza và Tây Ngạn. Các vụ đánh bom tự sát giết Do Thái xẩy ra trong khi Palestine đã đồng ý hội đàm với Israel tự nhiên đưa vai trò của Yasser Arafat vào trung tâm điểm. Trước đây cả chính phủ Bush lẫn chính quyền Sharon của Israel đã muốn gạt Arafat ra ngoài lề, nhưng nay đã đổi ý để trói buộc luôn Arafat vào vấn đề ngừng bắn. Sharon còn xiết chặt thêm, nói Arafat chỉ có thể rời lãnh thổ Palestine đi dự Hội nghị Ả rập khi có ngừng bắn. Mọi nước cờ đều tốt, chỉ có điều đáng buồn là bom tự sát vẫn nổ và Arafat không bị chiếu bí.

Tuần này Phó Tổng Thống Mỹ Dick Cheney đã thăm Israel trong 24 tiếng, nói chỉ gặp Arafat khi có ngừng bắn. Nhưng nay Cheney đã về Mỹ, nói sẵn sàng gặp Arafat ở Ai Cập vào thứ hai này nếu ông ta sớm rời khỏi Palestine để qua Ai Cập trước khi đi dự Hội nghị Ả rập vào cuối tuần tới. Nếu bây giờ bom vẫn nổ mà Sharon phải "cho phép" Arafat ra đi, Trung Đông sẽ có nhiều chuyện lạ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.