Hôm nay,  

Thêm Chi Tiết Về Tang Lễ Cố Gs Nguyễn Đăng Thục

25/06/199900:00:00(Xem: 6263)
VIỆT NAM (TV) - Dưới đây là bổ túc thêm tin về tang lễ của GS Nguyễn Đăng Thục, nguyên Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, do một Việt kiều, cũng là một sinh viên cũ của Cố GS Thục, khi về nước thăm gia đình đã tham dự đám tang.
Tang lễ GS Nguyễn Đăng Thục được các cựu môn sinh đứng ra tổ chức với sự chấp thuận của gia đình cố Giáo Sư. Trong tang lễ, anh chị em đã thống nhất là không phân biệt là cựu môn sinh trường nào: Đại Học Sư Phạm, đại Học Văn Khoa, Đại Học Vạn Hạnh hay Huế, Đà Lạt... mà xem tất cả đều là cựu môn sinh của Cố Giáo Sư và đã diễn ra tại tư gia của GS Thục trong không khí vô cùng Trang nghiêm và cảm động.
Số người viếng linh cửu GS Thục khoảng 1,000 người và có thể hơn nữa phần đông là các cựu sinh viên các trường Đại Học nói trên. Kế đến là các đoàn thể tôn giáo như Phật Giáo, Cao Đài, Thiên Chúa giáo và bà con xa gần. Vì thầy Thục có một người con gái ở xa Việt nam, tận Âu Châu, nên quan tài của GS Thục được ráp kính ở trên chờ người con gái ở xa về nhìn mặt cha già lần cuối vào tối thứ sáu, 4/6 rồi linh cữu mới được đậy nắp quan lại.
Sáng chủ nhật, 6/6/99 là lễ động quan và di quan để đi hỏa táng tại Đài Hỏa Táng Bình Hưng Hòa, Thủ Đức. Hàng trăm vòng hoa cườm, hoa tươi và ba bức trướng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài), của một vị Thiền Sư và bức trướng của nhóm cựu Sinh viên Văn Khoa Sài Gòn.
Riêng bức trướng của Sinh viên Văn Khoa Sài Gòn thì mầu đỏ đậm, chữ vàng theo phong tục cổ từ ngàn xưa. Đó là những người thọ 90 tuổi trở lên dược gọi là HỒNG TANG. Người quá cố được mặc quần áo đỏ, khăn đỏ, thắp đèn cầy đỏ, nghĩa là dùng toàn màu đỏ, để tỏ ý mừng thọ hiếm có của người quá cố. Riêng giáo sư Thục thì được mặc quần áo màu vàng theo nghi thức của Phật Giáo.

Lễ di quan được dẫn đầu bởi 2 vòng hoa cườm do hai cựu sinh viên tuổi 60 và 70 cầm gồm: 1 sinh viên Văn Khoa cũ và 1 sinh viên Sư Phạm cũ. Bức trướng của cựu sinh viên Văn Khoa bằng nhung đỏ cao 1,8 mét, ngang 1 mét do hai sinh viên già trên 60 vác đi. Lúc đám tang diễn ra, trời Sài Gòn đang bị ảnh hưởng cơn mưa bão nhỏ nhưng cả trên 100 người hiện diện.
Đây là một đám tang thật lạ mắt và đặc biệt đối với dân chúng Sài Gòn vì học trò của GS Thục có người già lọm khọm 73 tuổi như nguyên Giảng viên Văn Khoa cũ, Giáo Sư Nguyễn Tri Tài (cháu ba đời cụ Nguyễn Tri Phương), từng là cựu sinh viên Văn Khoa Hà Nội, GS Bùi Viện, 70 tuổi và GS Viết Biên, 69 tuổi cùng 5 cụ khác đi theo hai bên linh cửu Thầy lúc khiêng từ nhà ra xe tang, xa chừng 150 mét.
Đặc biệt, tất cả cựu môn sinh đều chít khăn tang trắng. Theo người tham dự, tuổi cũng đã trên 50 cho hay, đây là một hình ảnh đẹp, mà chưa có một ông Thầy học nào trong 50 năm qua trên đất nước Việt Nam có được vinh đự đó. Tất cả cựu môn sinh đều tự động chít khăn tang chứ không ai ép buộc ai. Hơn thế nữa, nhiều cựu môn sinh, tuy đã lớn tuổi, còn khóc thầy nức nở như con khóc cha mất.
Quan tài được hỏa táng. Sau đó tro được đem rải xuống sông Sài Gòn. Người nhà đi đò ra giữa giòng sông, rải tro theo con nước chảy, ngay chiều tối 6/6. Còn cốt, được đem thờ tại Thanh Minh Thiền Viện.
GS THục mất đi với một đám tang cảm động và chân thật xuất phát từ tình cảm của các môn sinh đối với GS và biểu dương tinh thần đạo lý “tôn sư trọng đạo” còn sót lại trong thời buổi nhố nhăng về lễ giáo, đạo đức xã hội. Người môn sinh về thăm nhà cho chúng tôi hay, khi trong xã hội còn có những người học trò cậy thế, cậy quyền của gia đình, ngang nhiên hành hung thầy giáo. Khi cảnh nhà giáo bị coi thường, khinh rẻ. Có những nơi, học trò cùng với sự hợp tác, cổ võ của gia đình công khai dùng vũ khí hành hung trọng thương thầy giáo thì đám tang của GS Thục là biểu tượng của sự việc “giấy rách còn giữ lấy lề” của những môn sinh trước đây.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.