Hôm nay,  

Tết, Nghĩ Về Gia Đình

08/02/200000:00:00(Xem: 5491)
Tổng hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức thành công hội chợ Tết cổ truyền dân tộc ở Westminster. Hội Sinh Viên Santa Ana College trưng bày hai tuần văn hóa phẩm Việt Nam tại Thư viện trường, nơi trang trọng và nhiều sinh viên lui tới nhứt trường, và làm lễ hội Tết vào 9/2/2000 tại sân khấu lộ thiên, nơi sinh viên các dân tộc thường tổ hội hè văn hóa. Giới trẻ Việt Nam - đa số thuộc thế hệ thứ hai và một số đến Mỹ thời thơ ấu - đang hướng về nguồn. Đó là tin vui cho Cộng Đồng VN lớn nhứt thế giới, cho Little Saigon, thủ đô của người Việt Nam tỵ nạn.

Việc trở về nguồm của thế hệ thứ hai rất phù hợp qui luật xã hội. Hòa nhập vào dòng chính văn hóa Mỹ ngay từ thời thiếu và thanh niên tại mẫu giáo, tiểu, trung và đại học, giới trẻ nói tiếng Anh không sai giọng, tác phong như dân Mỹ, nhưng vẫn cảm thấy khác giòng giống qua màu da, mái tóc, vẫn nghe Mỹ gọi mình là Mỹ gốc Á (Asian American) và gọi Việt Nam, nơi từ đó gia đình mình ra đi, là nước nhà của mình (your home country). Từ đó suy nghĩ, tìm hiểu, và tự hào mình cũng có quê cha đất tổ, có lịch sử dài hơn 200 lần lịch sử Mỹ. Tình tự nầy rất tự nhiên như hơi thở. Nó giải thích tại sao, có một số người Mỹ bỏ hàng triệu đô la về Tô Cách Lan, về xứ Wales mua một ngôi nhà, mướn kiến trúc sư vẽ, gỡ ra, chở về Mỹ từng miếng ngói, viên gạch xây lại giống căn nhà ở miền quê các vùng đã nói. Không phải trưởng giả học làm sang. Đó là sự trở về nguồn rất chính đáng như những điều giới trẻ Việt Nam đang làm trong Tết Canh Thìn.

Nhưng nói đến nguồn cội, truyền thống dân tộc mà không đề cập đến truyền thống gia đình Việt Nam là xây ngôi nhà không nền. Tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ là đạo tu tề của người quân tử. Văn hóa Việt Nam phát triển trên gia đình và làng xã như Hy lạp, trên quốc gia đô thị (city state) khai nguyên cho nền văn minh Tây phương, Gia đình Việt Nam là tế bào, là nền tảng văn hóa, văn minh, và đất nước Việt Nam. Nhưng từ ngày hàng triệu người Việt đến định cư xứ Mỹ nầy - một xứ khác quê nhà và phong cảnh, khí hậu, khác quê nhà về thời gian, Mỹ đêm Việt ngày - số người lớn một hoặc hai thế hệ trước những người trẻ dường như cảm thấy mất mát, lung lay quanh mình, gia đình.

Hãy thả một vòng qua các cơ sở xã hội, gia cư, nhà dưỡng lão, và khu Phước Lộc Thọ, Bolsa. Bao nhiêu là những cảnh não lòng, những mẩu chuyện “đoạn trường, ai có qua cầu mới hay.” Con trai vừa cưới vợ, cha mẹ phải đi chia mướn phòng vì privacy. Con gái chưa tròn Trung học lỡ có mang vì fredom đi đêm với bạn. Vợ thôi chồng vì không hợp tính. Những thứ riêng tư đó, tự do đó không thể có ở gia đình Việt Nam trong lịch sử, kể cả thời kỳ Pháp thuộc.

Đành rằng Hoa Kỳ có tỷ lệ ly dị 40%, cao nhất thế giới, có 28% tổng số gia đình chỉ một mẹ, hay cha do thôi nhau (US Bureau of Census, 1998). Các mẫu tin đó, người Việt ta nghe rởn óc, nhưng theo quan điểm làm tin của Pulitzer (cho là Vua Báo Chí) “Chó cắn người không phải là tin; người cắn chó, đó là tin.” thì không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng để một bên tính giật gân, thống kê rất khoa học cho biết con số 40% ly dị đau buồn đó chỉ là biến tướng, hiện tượng bất thường - chớ không phải bản chất và lý tưởng gia đình Mỹ. Thực vậy, năm 1998, số gia đình giàu nhứt Mỹ gồm 20%, sở hữu 80% tài nguyên Hoa Kỳ. Phân nửa gia đình đó giàu do thừa kế tài sản ông cha để lại (Thurow, 1987; Queenan, 1998). Nói gọn, họ giàu là nhờ gia đình.

Chính gia đình cũng là yếu tố thành công lớn trong chính trị; nên đi vận động tranh cử, ai cũng mang bầu đoàn thê tử theo. Khuynh hướng chung của cử tri là muốn người đại diện mình phải là chồng, vợ, cha, mẹ của một gia đình thuần nhứt và hòa thuận.

Về xã hội, mọi biện pháp an sinh và răn đe cũng xây dựng trên sự củng cố gia đình. Cha, mẹ độc thân, trẻ em con nhà nghèo được trợ cấp. Luật pháp xem tội phạm đối với trẻ, loạn luân, lạm dụng trẻ em là gia trọng cũng trong chiều hướng tán trợ gia đình.
Với một môi trường từ quốc gia, xã hội và công luận đều giúp đỡ, trợ trưởng sự thuần nhứt và bền vững của gia đình, khái niệm gia đình Việt Nam rất dễ phát triển.

Phương chi, đối với giới trẻ, nếu giành một phút tự hỏi mình trong Ngày Của Cha, Ngày Của Mẹ, tại sao tôi được đến đất tự do này, hưởng vô vàn quyền lợi khác hẳn với các bạn đồng trang lứa đang khổ sở nơi VNCS. Không cần lý luận, câu trả lời sẽ đến, “Nhờ Gia Đình.” Đúng vậy. Tôi có một người bạn đậu Master năm 1968, làm tùy viên văn hóa cho tòa đại sứ VNCH, mãn nhiệm, xin ở lại, bị Sở Di Trú từ chối thẳng thừng. Các giới trẻ đến đây là nhờ những ngày tù, những gian nguy ngàn cân treo sợi tóc của gia đình mới có được ngày nay - nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con ngoan. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng.

Lớp người lớn tuổi không cần vật chất, vì nghèo thì đã có trợ cấp xã hội, hưu thì hưu bổng; vì đau thì có medicaid và medicare. cái cần là tình nghĩa, không tốn kém gì cả. Trẻ cậy cha, già cậy con vào những lúc tối lửa tắt đèn, sớm thăm tối viếng. Gần bên người thân lớn tuổi có gì là mất tự do, mất tính riêng tư. Số người lớn này đã từng kinh nghiệm, tiếp xúc với văn hóa Tây Phương qua học vấn, việc làm, cũng thừa biết gõ cửa khi vào, tôn trọng cá tính, thừa biết tự do của người này dừng lại nơi ranh giới tự do người khác, thừa biết sự riêng tư phòng ốc, vân vân. Cái mà người lớn tuổi theíu là tình cha con, nghĩa gia đình.

Giới trẻ đã và đang trở về với truyền thống xã hội (lễ, Tết), trở về nguồn ở thượng tầng kiến trúc, ngoài đời. Hy vọng arng từ hội chợ, từ triển lãm trở về, giới trẻ tổ chức hay thưởng ngoạn, tiến thêm một bước vào truyền thống gia đình bằng một tiếng chào cao hơn mâm cỗ “Thưa ba má, con mới về.” Được thế thì thành công của giới trẻ sẽ trọn vẹn, đặt tiền đề cho một phong trào mới nền tảng hơn: Gia đình Việt Nam sống mãi trên đất Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.