Hôm nay,  

Phỏng Vấn Đặc Biệt: Luật Sư Nguyễn Văn Thân-chủ Tịch Cđnvtd/nsw

01/04/200000:00:00(Xem: 7548)
LTS: Ngay sau khi luật sư Nguyễn Văn Thân đắc cử tân chủ tịch Ban Chấp Hành CĐNVTD/NSW, Sàigòn Times đã có ước vọng phỏng vấn ông. Tuy nhiên, phần do ông quá bận rộn, phần Sàigòn Times mới tái ngộ bạn đọc chưa lâu, nên mãi đến 5 giờ chiều Thứ Bảy, 25 tháng 3 vừa qua, buổi phỏng vấn mới được thực hiện tại văn phòng của ông ở Cabramatta. Mặc dầu là Thứ Bảy, ông Thân tiếp chúng tôi với khuôn mặt rám nắng và vui vẻ sau một ngày cùng các đoàn thể thanh niên trong cộng đồng đi khắp mọi nơi để vận động gây quỹ cho Hội Hồng Thập Tự Úc. Sau đây mời quý độc giả Sài Gòn Times theo dõi buổi phỏng vấn đặc biệt của chúng tôi với tân chủ tịch Nguyễn Văn Thân.

L.T.Minh: Thưa ông chủ tịch, xin ông cho biết một vài cảm tưởng của ông kể từ khi đắc cử tân chủ tịch Ban Chấp Hành CĐNVTD/NSW"

N.V.Thân: Trở thành chủ tịch của ban chấp hành cộng đồng người Việt tự do NSW là một vinh dự rất lớn cho cá nhân tôi. Tuy nhiên trước khi đắc cử, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng công việc của một chủ tịch cộng đồng lại đa đoan, phức tạp và quá bận rộn như thế. Anh thấy đó hôm nay Thứ Bảy, đa số đều nghỉ cả, thế mà tôi cùng linh mục Nguyễn Hữu Lễ và anh em thanh niên trong cộng đồng vừa mới về sau một ngày đi vận động gây quỹ cho Hội Hồng Thập Tự Úc. Nhưng trong sự đa đoan, phức tạp và bận rộn đó, tôi luôn luôn tìm thấy những thử thách mới, niềm vui mới và ý nghĩa mới. Điểm đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là có thực sự lăn mình vào công việc tôi mới thấy những lời đồn đại, cho rằng trong cộng đồng chúng ta có tình trạng bè phái, gây phân hóa là sai sự thật. Thực tế, sau thời gian mấy tháng làm việc, tôi thấy nhìn chung, các hội đoàn, đoàn thể cùng bà con trong cộng đồng đều đoàn kết chặt chẽ để cùng làm công việc chung. Mặt khác, cũng qua tiếp xúc và làm việc, tôi mới thấy, những dị biệt giữa các hội đoàn, đoàn thể, hoặc xu hướng trong nội bộ cộng đồng, cần phải được nhìn nhận và đánh giá như là những đặc tính phải có trong một cơ cấu tự do dân chủ. Chính trong tinh thần này, chúng tôi đã đón nhận những dị biệt một cách trân trọng, cởi mở để từ đó đi đến một sự đồng thuận cần thiết.

L.T.Minh: Trong chức vụ chủ tịch BCH/CDNVTD/NSW suốt thời gian hơn 5 tháng qua, ông thấy đâu là thuận lợi và đâu là khó khăn đáng được đề cập"

N.V.Thân: Chắc chắn ai ở cương vị của tôi cũng có nhiều việc để lo lắng. Tuy nhiên việc đắc cử vào ban chấp hành đối với tôi là một vinh dự to lớn và tôi rất vui khi thấy có đông đảo đồng bào, hội đoàn đã lên tiếng khuyến khích tôi tiếp tục làm việc. Tuy nhiên trách nhiệm làm việc cho cộng đồng không thể chỉ phụ thuộc vào chức vụ chủ tịch mà đó là trách nhiệm chung của mọi thành viên. Nếu tất cả chúng ta đều sẵn sàng góp một tay thì lo gì tương lai của cộng đồng sẽ không khởi sắc.

L.T.Minh: Hiện ông và qúy vị trong ban chấp hành đã có những kế hoạch gì mới cho sinh hoạt của cộng đồng trong thời gian tới"

N.V.Thân: Thời gian vừa qua chúng tôi đã có một số quyết định. Thứ nhất chúng tôi khuyến khích mọi thành viên tham gia họp hành đúng giờ. Thứ hai chúng tôi cũng có thành lập một ngân quỹ công tác. Thứ ba chúng tôi dự định phát hành một bản tin sinh hoạt cộng đồng dưới dạng Newsletter để báo cáo công tác định kỳ của cộng đồng cũng như đề đạt những kế hoạch mới trong tương lai. Chúng tôi cũng kêu gọi mọi người, mọi hội đoàn, đoàn thể đóng góp tin tức và bài vở cho bản tin này. Bản tin là một phương tiện hữu hiệu của đối thoại giữa các thành viên trong cộng đồng và là một nhịp cầu để nối liền sự cảm thông. Nếu có đối thoại và cảm thông, chúng ta sẽ dễ dàng bắt tay với nhau và cùng làm việc để gặt hái được những thành quả mỹ mãn hơn.

L.T.Minh: Thưa ông, vừa qua ban chấp hành CDNVTD/NSW có gửi một thông báo đến các cơ quan truyền thông, cảnh giác cộng đồng về âm mưu văn hóa vận của chính quyền cộng sản và kêu gọi mọi người tẩy chay đêm dạ hội của đoàn văn công Việt cộng tại Bankstown đêm 11.3. Vì sao ban chấp hành lên tiếng về vấn đề này"

N.V.Thân: Theo các tài liệu chúng tôi có được thì tại Sydney hiện nay có một số người đang dự tính thành lập một đài truyền hình tư nhân và đài này sẽ tiếp vận các chương trình của đài truyền hình Việt cộng sang Úc. Chính đài này đã đứng ra mời đoàn văn công của Việt cộng sang Úc biểu diễn. Chúng tôi nhận thấy đây là một âm mưu có tổ chức có kế hoạch để xâm nhập văn hóa tuyên truyền của CSVN vào cộng đồng người Việt tại Úc. Do đó chúng tôi đã họp khẩn và cho phát hành bản thông báo nói trên.

L.T.Minh: Sau khi bản thông báo được ban hành, thái độ và phản ứng của đồng bào trong cộng đồng trước lời kêu gọi của ban chấp hành đã biểu hiện như thế nào"

N.V.Thân: Trên phương diện quan điểm lập trường của một cộng đồng tỵ nạn cộng sản, chúng ta phải thừa nhận, việc ban hành bản thông cáo là một điều cần thiết và đúng đắn. Trên thực tế, bản thông báo không có hiệu quả như chúng tôi mong đợi, vì vẫn có cả mấy trăm người đi dự đêm đại nhạc hội. Tuy nhiên, nếu chúng ta bình tĩnh xem xét và tìm hiểu thành phần tham dự, chúng ta sẽ hiểu rõ vì sao và qua đó chúng ta sẽ không thất vọng. Theo tôi được biết một số đông khán giả đêm hôm đó là giới trẻ, một số rất đông khác là du học sinh đã được tòa lãnh sự phát vé miễn phí để đi xem. Ngoài ra, còn có một số ít người xưa nay thích ăn chơi, vui nhộn, hễ chỗ nào có nhảy nhót, ca nhạc là họ tới. Với những người này, bảo đem quan điểm lập trường chống cộng ra thuyết phục họ là điều rất khó.

L.T.Minh: Có người cho rằng sở dĩ cộng đồng chúng ta có một số người thiếu kiên quyết trong lập trường chống cộng là vì họ thuộc thành phần tỵ nạn kinh tế. Những người này vượt biên ra đi chỉ để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn và khi có cơ hội là họ xoay ra tiếp tay với chính quyền Việt cộng đánh phá cộng đồng hoặc không quan tâm gì đến công cuộc đấu tranh chung của người Việt hải ngoại. Ông nghĩ thế nào về nhận định này"

N.V.Thân: Theo tôi nghĩ thì thành phần tỵ nạn kinh tế đó chỉ là một thiểu số mà thôi. Còn đại đa số bà con mình, một khi đến được bến bờ tự do, được cơm no áo ấm tại hải ngoại cũng đều mong đồng bào trong nước được cơm no áo ấm, cũng mong Việt nam có tự do dân chủ. Chỉ có một số rất nhỏ vì đồng tiền hoặc vì những động cơ chính trị riêng tư đã bắt tay với cộng sản để thủ lợi. Chúng tôi kêu gọi những người nói trên đừng vì lợi lộc về tiền bạc mà tiếp tay cho chính quyền cộng sản làm hại cho công cuộc đấu tranh chung của người Việt hải ngoại và trong nước.

L.T.Minh: Khi đoàn văn công Việt cộng sang biểu diễn tại Sydney, một số cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Sydney, không hiểu vì vô tình hay hữu ý, đã đăng quảng cáo cho đêm đại nhạc hội của chúng. Ông thấy việc này thế nào"

N.V.Thân: Chúng tôi vô cùng thất vọng khi thấy một số tờ báo Việt ngữ nhận đăng quảng cáo cho đoàn văn công Việt cộng. Như ông thấy thông báo của ban chấp hành chỉ chiếm một góc khiêm nhường trong các tờ báo còn quảng cáo của đoàn văn công Việt cộng thì nguyên một trang đầy màu sắc rực rỡ. Có thể những tờ báo này xem đó chỉ là công việc làm ăn thương mãi thuần túy. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng những tờ báo Việt ngữ là những cơ quan truyền thông quan trọng đối với sinh hoạt chính trị của cộng đồng người Việt tự do. Những tờ báo này nên tránh đăng những quảng cáo liên quan đến các hoạt động văn hóa tuyên truyền của chính quyền Việt cộng. Bởi vì chỉ với sự hợp tác của các cơ quan truyền thông Việt ngữ thì những chủ trương chống văn hóa vận của ban chấp hành cộng đồng mới có thể có hiệu quả được.

L.T.Minh: Một số người Việt ngạc nhiên vì sao khi đoàn văn công Việt cộng tổ chức biểu diễn, cộng đồng chúng ta lại không tổ chức biểu tình tẩy chay hay chống đối giống như trước đây"

N.V.Thân: Những năm trước, cứ mỗi lần có đoàn văn công Việt cộng sang biểu diễn, cộng đồng chúng ta lại tổ chức biểu tình chống đối. Phải nói đó là một phương pháp rất hữu hiệu. Chúng ta đã làm như vậy trên dưới 20 năm và rõ ràng, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn cộng sản đội lốt văn hóa tuyên truyền. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng người đi biểu tình giảm trong khi số người đi xem đông hơn trước, nên chúng tôi thấy những cuộc biểu tình như vậy chỉ phản tác dụng và tạo thêm điều kiện tuyên truyền cho cộng sản. Vì thế, ban chấp hành cộng đồng đã quyết định thay hình thức biểu tình bằng những hình thức khác, hữu hiệu hơn và phù hợp hơn. Thực tế trong đấu tranh chống cộng, không phải lúc nào chúng ta cũng cần phải làm thật ồn ào biểu tình mà được việc. Chúng ta nên học tập những cộng đồng như cộng đồng Do thái, họ không bao giờ biểu tình nhưng luôn luôn đấu tranh rất hữu hiệu. Tôi hy vọng cộng đồng chúng ta rồi cũng sẽ có phương thức đấu tranh hữu hiệu như cộng đồng Do thái. Chúng ta phải chủ động trong đấu tranh chứ không nên đợi khi đoàn văn công Việt cộng sang rồi mới tổ chức biểu tình. Biểu tình không phải là phương thức đấu tranh duy nhất mà chỉ dùng trong một số trường hợp ví dụ như biểu tình chống Phan Văn Khải mà thôi.

L.T.Minh: Ban chấp hành có nắm được nhiều thông tin về một đài truyền hình tư nhân có tên gọi là Vietnam Australia Satellite Televison dự tính sắp phát hình tại Úc hay không"

N.V.Thân: Chúng tôi có nhận được một lá thư của đài này gửi cho bà tổng lãnh sự Lê Phương Dung để tổ chức mời đoàn văn công Việt cộng sang biểu diễn.

L.T.Minh: Ông có cảm tưởng như thế nào sau khi đọc lá thư này của đài truyền hình nói trên gửi cho tổng lãnh sự quán Việt cộng tại NSW"

N.V.Thân: Khách quan chúng tôi nhận thấy rằng đài truyền hình này có liên quan rất mật thiết với tòa lãnh sự Việt cộng và những hoạt động trong tương lai của đài này chắc chắn đều nhận được sự hỗ trợ và đồng ý của tòa lãnh sự Việt cộng ở đây. Trong bối cảnh của quyết định 210 của thủ tướng Việt cộng Phan Văn Khải, chúng tôi rất lấy làm lo ngại về hoạt động của đài này. Tuy nhiên Úc là một xã hội pháp trị và mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền hoạt động với điều kiện không vi phạm pháp luật. Nói như vậy có nghĩa là họ có quyền làm và chúng ta có quyền phản đối. Cộng đồng chúng ta cương quyết chống lại mọi âm mưu của đài này nhằm tiếp vận những chương trình truyền hình của cộng sản Việt nam sang Úc.

L.T.Minh: Qua các biến cố như Trần Trường, triển lãm tranh Hồ Chí Minh của họa sĩ Mỹ thân cộng Thomas tại Hoa kỳ, rồi những biến cố tại Úc như đoàn văn công biểu diễn tại Bankstown, đoàn xiếc biễu diễn tại Fairfield, ông có cho rằng cộng đồng mình ở thế hạ phong trong khi Việt cộng đang tiến hành một chiến dịch văn hóa vận quy mô nhằm đánh phá những cộng đồng người Việt hải ngoại"

N.V.Thân: Theo tôi việc tăng cường đánh phá của Việt cộng chống lại các cộng đồng người Việt hải ngoại cho thấy chính Việt cộng mới là kẻ ở thế hạ phong, bắt đầu lo sợ trước sức mạnh đấu tranh, tiềm lực chính trị, kinh tế, trí tuệ vô cùng to lớn của người Việt hải ngoại. Qua những hoạt động của chúng ta vận động giải Nobel hòa bình cho hòa thượng Thích Quảng Độ, những vận động chính phủ Mỹ đối với việc ký hiệp định thương mãi với Việt cộng và những hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền khác, Việt cộng đã nhận thấy không thể coi thường cộng đồng người Việt hải ngoại và bắt đầu tung ra những chiến dịch đánh phá. Nói tóm lại, cộng sản đã bắt đầu nhận ra sức mạnh đa dạng của cộng đồng chúng ta và ngày càng run sợ muốn làm giảm sức mạnh của chúng ta.

L.T.Minh: Cảm ơn ông đã đưa ra một nhận định hết sức xuất sắc. Ngược lại với những nhận định bi quan cho rằng cộng sản đánh chúng ta vì cho rằng chúng ta đang suy yếu, ông lại cho rằng Việt cộng bắt đầu đánh vì lo sợ trước sức mạnh tranh đấu ngày càng phát triển của chúng ta. Mong rằng ý kiến của ông sẽ mang lại tinh thần lạc quan hơn cho toàn thể cộng đồng trong cuộc đấu tranh chung chống lại chính quyền Việt cộng. Thưa ông, khi tung chiến dịch văn hóa vận ra hải ngoại, chính quyền cộng sản muốn nhắm vào đối tượng nào trong cộng đồng chúng ta"

N.V.Thân: Họ muốn nhắm vào giới trẻ sinh ra và lớn lên tại hải ngoại vì con em của chúng ta không có kinh nghiệm về cộng sản, mơ hồ về tình hình chính trị tại Việt nam, và rất dễ bị Việt công mê hoặc bằng những thủ đoạn tuyên truyền của bọn chúng. Vì thế chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác đừng để con em chúng ta ăn phải bả tuyên truyền của cộng sản. Tuy nhiên khi khuyên con em đừng đi xem đại nhạc hội của Việt cộng chúng ta cần phải tìm ra những món ăn tinh thần bổ ích khác mà cộng đồng chúng ta có thể cung cấp. Các cộng đồng người Việt hải ngoại cần phải lưu tâm đến những món ăn tinh thần lành mạnh khác dành cho thế hệ trẻ của chúng ta. Nói đến chính trị và chống cộng với giới trẻ thì khó làm cho các em hiểu và mơ hồ vì sao các em lại phải chống cộng. Tuy nhiên chúng ta có thể phân tích và làm cho các em hiểu rằng chúng ta chống cộng không phải vì chỉ chống cộng một cách mù quáng, mà chúng ta chống cộng là vì cộng sản là một chế độ phi nhân bản, không có dân chủ, không tôn trọng nhân quyền và đàn áp quyền tự do tín ngưỡng.

L.T.Minh: Nếu vậy thì ban chấp hành có kế hoạch cụ thể nào trong tương lai để tăng cường ý thức chính trị cho giới trẻ của chúng ta hay không"

N.V.Thân: Chúng tôi đã kêu gọi sự hợp tác của các hội đoàn trẻ như tổng hội sinh viên, trung tâm võ thuật Đồng Tâm, liên đoàn thanh niên công giáo, nhóm Sóng Việt. Niềm mong mỏi của ban chấp hành là thu hẹp khoảng cách giữa cộng đồng và giới trẻ. Kêu gọi giới trẻ tích cực tham gia những công tác và hoạt động đa dạng của cộng đồng. Chúng tôi cũng sẽ kêu gọi giới trẻ tham gia ngày kỷ niệm 30 tháng tư, tổ chức một ngày sinh hoạt nhân ngày 30.4 tại Canberra để giới trẻ hiểu thêm về ý nghĩa của ngày 30.4 và thắp sáng niềm tin cũng như tinh thần đấu tranh chống cộng trong giới trẻ hải ngoại.

L.T.Minh: Trong số người đi xem đại nhạc hội của Việt cộng cũng có một số người lớn tuổi, đã có nhiều kinh nghiệm thương đau với cộng sản. Những người này lý luận rằng họ chỉ đi xem vì lòng thương nhớ cố hương, muốn lắng nghe những âm hưởng dân tộc, thưởng thức văn hóa chứ chẳng phải thân cộng hay tiếp tay cho cộng sản gì cả. Ông có ý kiến gì về quan điểm nói trên"

N.V.Thân: Vô tình hay cố ý những người này đã trở thành công cụ tuyên truyền của Việt cộng. Cộng sản sẽ dùng những hình ảnh người đi xem đông đúc này để nói với đồng bào trong nước rằng người Việt hải ngoại nay đã thôi không còn đấu tranh chống cộng nữa mà đã hướng về tổ quốc. Việc này có thể làm cho đồng bào quốc nội vốn luôn luôn coi cộng đồng người Việt hải ngoại là nơi thắp sáng và duy trì ngọn lửa đấu tranh sẽ nản lòng và từ bỏ những ý tưởng tiếp tục đấu tranh trong nước. Ban chấp hành đang chuẩn bị thực hiện một văn bản đem ra thảo luận trong cộng đồng về những phương thức đấu tranh ngắn hạn, dài hạn nhằm chống lại chiến dịch văn hóa vận của Việt cộng.

L.T.Minh: Như vậy trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ chủ động đấu tranh và đấu tranh với những hình thức phù hợp hoàn cảnh mới"

N.V.Thân: Đúng như vậy. Thí dụ như chúng ta biết rằng khi sang Úc biểu diễn các đoàn văn công Việt cộng thường thuê những hội trường nhất định nào đó gần khu người Việt. Thông qua các đại biểu của chúng ta tại các chính quyền địa phương, chúng ta có thể vận động để các đoàn văn công này không được phép thuê những nơi đó. Chúng ta có thể in bích chương chống đoàn biểu diễn ngay từ trước khi chúng đặt chân đến Úc. Chúng ta không nên đợi cho đến khi chúng đăng quảng cáo, bán vé rồi mới lên tiếng chống đối. Đó chỉ là một ví dụ đơn giản và thực tế chúng ta có thể có những phương thức đấu tranh sáng tạo hơn nhiều.

L.T.Minh: Như vậy chúng ta sẽ chủ động chứ không phải đợi cộng sản đánh trước rồi mới thụ động đánh trả"

N.V.Thân: Vâng đó chính là khuynh hướng đấu tranh mới của ban chấp hành.

L.T.Minh: Nhân đây Sài gòn Times cũng xin được phỏng vấn ông một số câu hỏi có liên quan đến tình hình đấu tranh chung của cộng đồng người Việt hải ngoại trong thời gian qua. Thưa ông, một số người nghĩ rằng tình hình đấu tranh chống cộng của cộng đồng người Việt hải ngoại trong thời gian gần đây đã không còn khí thế như trước. Ông nghĩ sao về nhận định này"

N.V.Thân: Tôi không nghĩ như vậy. Tôi luôn luôn cho rằng tất cả người Việt nam sống tại hải ngoại luôn luôn mong muốn được nhìn thấy một nước Việt nam có tự do và dân chủ. Qua biến cố Trần Trường tại Hoa kỳ, chúng ta càng nhận thấy rõ hơn nếu như có một biến cố gì đó xảy ra thì tinh thần đoàn kết, ý thức tranh đấu của người Việt hải ngoại lại có dịp được thử thách và cuộc đấu tranh chung của chúng ta lại càng thêm sôi động hơn, mang lại kết quả tốt đẹp hơn. Tôi không chia xẻ cái nhìn có tính chất bi quan của một số người nêu trên.

L.T.Minh: Như vậy ông cho rằng những biến động chính trị khi xảy ra đã không làm suy giảm đi ngọn lửa đấu tranh nhiệt tình của chúng ta, mà lại làm cho lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết đấu tranh chống cộng của người Việt hải ngoại càng thêm sôi động hơn, phát triển hơn.

N.V.Thân: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét đó của ông.

L.T.Minh: Theo quan điểm cá nhân của ông thì kể từ ngày người Việt tỵ nạn cộng sản đặt chân lên các quốc gia hải ngoại, cuộc đấu tranh chống cộng suốt 25 năm qua có mang lại bất cứ kết quả nào" Về đường lối cũng như phương thức đấu tranh chung, ông có ý kiến gì không"

N.V.Thân: Kinh nghiệm đấu tranh của tôi tại hải ngoại, thú thật với ông, cũng rất giới hạn. Tuy nhiên theo cái nhìn của tôi thì cộng đồng người Việt hải ngoại trong cuộc đấu tranh chung chống lại chế độ cộng sản Việt nam đã đạt được rất nhiều thành quả. Cái điểm chính là trong phương diện đấu tranh nếu tất cả chúng ta trên toàn thế giới có thể phối hợp chặt chẽ với nhau, phối hợp tất cả những sở trường của mỗi tổ chức hay đoàn thể, thì hiệu quả đấu tranh sẽ khả quan hơn. Tuy nhiên 25 năm qua, các cộng đồng người Việt hải ngoại không chỉ biết đến đấu tranh mà còn phải chật vật để gây dựng lại cuộc sống trên các quê hương mới. Vì thế chúng ta nói chung có rất nhiều khó khăn phải đương đầu. Thiên niên kỷ mới này có thể đang mang lại cho những tổ chức hay đoàn thể đấu tranh một cơ hội mới để đoàn kết, phối hợp làm việc với nhau và tôi rất lạc quan là trong tương lai gần sẽ chứng kiến một sự kết hợp toàn lực của các phong trào người Việt hải ngoại và cuộc đấu tranh chống Cộng của chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp hơn nhiều so với thời gian qua.

L.T.Minh: Tiếp theo câu hỏi vừa qua, cũng xin ông cho biết mục tiêu chính của cuộc đấu tranh của chúng ta hiện tại là gì. Chúng ta vẫn tiếp tục đấu tranh để lật đổ chế độ cộng sản hay chúng ta chỉ nhắm đến mục tiêu đấu tranh đòi chính quyền Việt cộng cải thiện dân chủ và mở rộng nhân quyền cho 72 triệu đồng bào quốc nội"

N.V.Thân: Mỗi tổ chức và đoàn thể đều có những mục tiêu đấu tranh khác nhau. Tuy nhiên theo tôi mục tiêu thiết thực và có khả năng thực hiện được nhất là đấu tranh đòi nhà cầm quyền Việt cộng bãi bỏ chế độ cai trị độc đảng tại Việt nam và hủy bỏ điều 4 của hiến pháp của họ. Thực thế nếu chúng ta muốn lật đổ chế độ cộng sản bằng vũ lực thì rất khó khăn vì chúng ta không thể có một lực lượng quân sự hùng hậu để trực diện chiến đấu với họ, tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta có thể tận dụng con đường chính trị ngoại giao hay những tiến bộ về truyền thông như Internet để đánh thức dậy những ý thức dân chủ, nhân quyền của đồng bào quốc nội. Nếu chúng ta biết phối hợp và vận dụng những biện pháp đấu tranh như trên thì một ngày nào đó đồng bào trong nước sẽ có đủ ý thức và tự mình đứng lên đòi hỏi chính quyền Việt cộng lui bước cho phép thực thi một chế độ đa nguyên. Nếu như đảng cộng sản đứng ra tranh cử công bằng tại Việt nam với những đảng phái khác, tôi tin rằng họ sẽ thất bại vì lịch sử Việt nam đã chứng minh đảng cộng sản Việt nam đã sai lầm trong việc lãnh đạo đất nước khiến cho Việt nam lâm vào cảnh chậm tiến và đói nghèo, cả dân tộc lầm than thiếu tự do, nhân quyền và dân chủ.

L.T.Minh: Câu hỏi cuối cùng, thưa ông, cộng đồng Việt nam tại Úc chỉ là một cộng đồng nhỏ và chính phủ liên bang Úc luôn luôn đặt quyền lợi của nước Úc trên quyền lợi của một cộng đồng sắc tộc nhỏ. Đây cũng chính là một trong những cái bất lợi của chúng ta có phải không"

N.V.Thân: Đúng vậy. Tuy nhiên chúng ta có thể khôn khéo làm cho chính phủ Úc nhận thấy rằng quyền lợi của cộng đồng chúng ta luôn đi song song với quyền lợi của cả nước Úc. Tôi có một ví dụ. Chính phủ liên bang Úc đã thành lập một ủy ban để điều tra tình trạng vi phạm quyền tự do tôn giáo của những nước mà Úc có quan hệ về kinh tế. Khi chúng ta đặt vấn đề là tại Việt nam tôn giáo bị chính quyền Việt cộng đàn áp, thì vấn đề chúng ta quan tâm cũng chính là vấn đề mà nước Úc quan tâm. Do đó chúng ta cần phải khai thác phương hướng này để đẩy mạnh cuộc đấu tranh của chúng ta cho dân chủ và nhân quyền tại Việt nam.

L.T.Minh: Chân thành cảm ơn ông chủ tịch đã dành thì giờ quý báu trả lời buổi phóng vấn hôm nay. Thay mặt anh em trong tòa soạn, xin chúc ông cùng toàn thể qúy vị ban chấp hành cộng đồng trong thời gian tới sẽ đạt được nhiều thành quả, tạo được một sức bật mới cho cộng đồng người Việt tự do tại NSW.

N.V.Thân: Xin cảm ơn Sàigòn Times và xin gửi lời chào đến toàn thể độc giả Sàigòn Times.

Lê Thảo Minh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.