Hôm nay,  

Chuyến Đi Karaoke

22/03/200100:00:00(Xem: 4372)
Các ký giả ngoại quốc hành nghề tại Việt Nam đều không được đi ra khỏi Hà Nội, muốn đi đâu phải xin phép. Chuyện “nội bất xuất” này đã có từ lâu và cũng chẳng làm ai ngạc nhiên, bởi vì người ta đã hiểu thế nào là tự do báo chí định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau nhiều lần bị khước từ, tuần trước mấy ông bà báo chí nước ngoài được hộ tống đi Cao Nguyên để thăm dân cho biết sự tình với một màn dàn cảnh khá tinh vi nhưng cũng đầy hài hước. Ngay đêm đầu đến Ban Mê Thuột, họ đã được dẫn đi nghe hát karaoke, một màn giáo đầu có tính cách biểu tượng đầy ý nghĩa cho màn hài kịch tự do báo chí, khiến tôi muốn gọi đây là chuyến đi karaoke. Ký giả ngoại quốc đã săn được tin gì ở Cao Nguyên"

Thời Tây ở Việt Nam (trước năm 1945) các ông thày dạy báo chí bảo “xe cán chó” không phải là tin, “chó cán xe” mới là tin. Đó là bài học đầu tiên của nghề làm báo. Tôi muốn hỏi vậy “chó cán chó” có phải là tin không" Tôi xin lỗi mấy ông nhà báo Tây phương ngày nay, tôi chỉ muốn hỏi đùa cho vui chớ không có ác ý hay ám chỉ ai hết, kể cả mấy ông cán bộ đảng và nhà nước thích hát karaoke. Các ký giả ngoại quốc “Tây nguyên du” 4 ngày liền đã được quan chức địa phương chiêu đãi mặn mà theo đúng chỉ thị của Hà Nội.

Ngay từ đêm đầu ở Đác Lắc, họ đã được mời đi nghe hát karaoke, đi thăm một “làng du lịch” và một công viên quốc gia. Khỏi cần những bản tin của các ký giả đó gửi ra ngoài, chúng ta đã biết họ đã đi vào một màn “karaoke” vĩ đại, chẳng những lời “ca” được sắp sẵn trước cho người hát mà cả đến phong cảnh của buổi trình diễn cũng có sẵn với nhạc đệm, thuận tiện vô cùng. Một làng “du lịch” có nghĩa là cảnh đã được dàn dựng cho du khách đến xem và nghe hát nhái cho đúng giọng. Làng “du lịch” đó là làng của dân gốc Lào, nghĩa là cũng dân thiểu số nhưng từ một nước Cộng sản đồng chí đến, đã được nhà nước cho định cư ở Tây nguyên làm đối tượng cho dân Thượng bị mất đất.

Ngoài cái làng “ca-ra...ô-kê” đó, lúc đi đường hay ở trong thành phố, ký giả nào muốn phú lỉnh “vượt biên”, bèn có cán bộ đảng và nhà nước bám sát. Nếu có gập người dân nào ở địa phương để hỏi chuyện bên lề, người dân liếc mắt thấy có cán bộ an ninh mặc thường phục theo kèm, liền tìm cách né tránh sợ mang họa. Nhưng cho rằng toàn bộ chuyến Tây nguyên du của các ký giả ngoại quốc đều là một màn “ca-ra-ô-kê” là quá đáng chăng" Hãy nhìn cách tổ chức của Hà Nội khi đưa các ông này đến Pleiku vào ngày thứ sáu 16-3. Tại đây đúng ngày hôm sau thứ bẩy còn có một màn “ca-ra-ô-kê” vĩ đại hơn nữa. Các quan chức địa phương vào ngày này đã làm lễ kỷ niệm quân đội Cộng sản tiến chiếm thành phố 26 năm trước. Cố nhiên các ký giả ngoại quốc được mời “săn tin” về buổi lễ chiến thắng này. Hồi đầu tuần, nếu bộ Ngoại giao phải hoãn lại ngày các ký giả ngoại quốc lên đường là cốt để ngày chót chuyến đi trùng hợp “ngày lễ lớn” tại Pleiku.

Thế nhưng buổi hát “ca-ra-ô-kê-quân-hành” này lại trật đường rầy. Trong buổi lễ long trọng, chỉ huy trưởng quân đội CSVN ở Pleiku, Thiếu tá Nguyễn Văn Lao tuyên bố trước dân chúng: “Bộ đội cần phải đề cao cảnh giác đánh tan những âm mưu phá hoại của những bọn thù nghịch”. Trước ngày rời khỏi Cao nguyên các ký giả đã được nghe buổi hát chót để giúp họ có ấn tượng là Cao nguyên nay đã hòa bình yên tĩnh, dân tộc thiểu số đều an vui làm ăn, bọn phá rối đã thất bại. Nhưng cái “phông” vui vẻ hòa bình chạy trên màn hình của bài “ca-ra” này lại bị một ca sĩ hát một bài ngang phè. Đó là khúc quân hành đầy hăm dọa phủ lên đầu hàng ngàn dân chúng bị bắt buộc đến nghe, và các ký giả ngoại quốc cũng được nghe lây để truyền tin hăm he đã có “đề cao cảnh giác” tán phát cho rộng. Té ra Cao nguyên vẫn còn bị hăm dọa.

Đây cũng không phải là trường hợp duy nhất cho thấy các màn “ca-ra” lại không “ô-kê” chút nào. Trong suốt cuộc viếng thăm của các ký giả ngoại quốc, các quan chức đảng và nhà nước đua nhau phụ họa lập trường của trung ương nói vụ biến động vừa qua chỉ là âm mưu xúi bẩy của nhóm FULRO nay đã định cư ở Mỹ, nhất là quả quyết rằng nguyên nhân vụ biểu tình của nguời Thượng không liên hệ gì đến vấn đề tôn giáo. Cũng ở Pleiku, nơi xuất phát đầu tiên cuộc biểu tình chưa từng thấy của đồng bào Thượng lan rộng khắp hai tỉnh Gia Lai và Đác Lắc, các ký giả ngoại quốc được dẫn đi gặp một chức sắc Thượng đã được nhà nước công nhận, một vị Tộc trưởng có tên là Wanh. Đây là một màn “ca-ra” chắc nịch vì kịch bản và lời ca đã in sẵn và ca sĩ lại là một nhân vật Thượng quốc doanh.

Bất ngờ ông Wanh đã ca một bài khác hẳn làm các ông đảng nhà nước bậm môi tím mặt. Ông nói nguyên nhân vụ nổi loạn là vì “chính quyền địa phương đã ngăn cản đồng bào Thượng theo đạo Tin Lành”, và ông nghĩ “những người Tin Lành đã tổ chức biểu tình”. ông Wanh nói với các ký giả ngoại quốc: “Chỉ có những người của Nhà thờ Tin Lành mới biết rõ chương trình biểu tình phản kháng”. Ông giải thích sở dĩ nhà nước cấm đồng bào Thượng theo đạo Tin Lành là vì nếu họ theo đạo, họ phải từ bỏ mọi giá trị văn hóa cổ truyền của họ. Tôi không biết những người thuộc Hội Thánh Tin Lành, và cả các tôn giáo khác trên khắp thế giới nghĩ sao về lý do cấm đạo như vậy. Và cũng không rõ nó có giúp ích được gì cho đại sứ Peterson hay không, vào lúc ông đang vận động Quốc hội Mỹ sớm phê chuẩn thương ước ký với Việt Nam.

Nhưng nghề báo của tôi bảo tin “chó cán chó” còn quan trọng hơn cả tin “chó cán xe”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.