Hôm nay,  

Giải Thích Về Hiệp Định: Cưa Đôi Thác Bản Giốc 50-50

02/02/200200:00:00(Xem: 3700)
Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng: hiện nay chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung Quốc, cách cột mốc số 0 trên 200m

HÀ NỘI- Trước phản ứng mạnh mẽ của đông đảo người VN trong và ngoài nước trước sự việc CSVN nhượng đất cho TQ, vừa qua, thứ trưởng bộ Ngoại giao CSVN Lê Công Phụng, người đã trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán với TQ về vấn đề biên giới, đã tìm cách biện minh về hành động phản quốc của đảng CSVN và nhà nước CSVN qua việc ký hiệp định biên giới với TQ. Để giúp bạn đọc có đủ chứng liệu về sự kiện này, VB đăng nguyên văn bài phỏng vấn thứ trưởng Ngoại giao CSVN Lê Công Phụng của phóng viên VASC Orient vào chiều 28/1/2002 tại Hà Nội. Cuộc phỏng vấn xoay quanh việc phân định đường biên giới giữa Việt Nam và các nước lân bang. Điều cần ghi nhận: nhà nước CSVN vẫn chưa dám phổ biến nguyên văn 2 hiệp định biên giới.

VASC Orient: Thưa ông, trong mấy ngày gần đây có khá nhiều website được thiết lập ở nước ngoài, một loạt những bài được viết ở trong nước của những người tự xưng là "những người vì dân chủ ở Việt Nam" có nói nhiều đến hiệp định biên giới giữa ta và Trung Quốc, trong khi Hiệp định trên bộ đã ký vào ngày 30/12/1999, còn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã ký vào ngày 25/12/2000. Vậy, xin được hỏi ông thực chất con số "hơn 700 km2" mà họ nêu ra là thế nào"

Lê Công Phụng: Có lẽ là dư luận rất quan tâm, ngay cả những người nói là "Việt Nam bán đất, người Việt Nam cắt đất cho Trung Quốc" thì phần nào cũng thể hiện sự quan tâm của họ đối với đất nước, với Việt Nam. Nhưng trong đó cũng không ít người có ý xấu, kích động tinh thần dân tộc, gây phức tạp cho quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, mọi người đều biết là thực dân Pháp và triều đình nhà Thanh đã hoạch định và phân giới cắm mốc theo 2 thỏa ước cách đây hơn 100 năm, tức là vào các năm 1887 và 1895. Theo 2 công ước đó, biên giới Việt Nam và Trung Quốc đã được phân định toàn bộ từ Tây sang Đông trên chiều dài trên dưới 1.300 cây số, và đã cắm trên 300 cột mốc. Trong hơn 100 năm qua, đã diễn ra rất nhiều biến thiên về con người, của thiên nhiên, của các sự kiện chính trị, và vì vậy đường biên giới không còn nguyên vẹn như lúc nhà Thanh và thực dân Pháp phân định một thế kỷ trước. Trong tình hình như vậy, nước CHXHCN Việt Nam chúng ta và nước CHND Trung Hoa có nhu cầu cùng xác định lại đường biên giới, để làm sao mà thực hiện quản lý, làm sao mà duy trì được ổn định nhằm phát triển kinh tế và quan trọng hơn là nhằm xây dựng một mối quan hệ hữu nghị láng giềng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì chúng ta ngày nay và vì thế hệ sau này. Đàm phán lại lần này thì căn cứ để phân định đường biên giới là dựa chủ yếu vào các công ước đã được ký cách đây 100 năm. Và khi chúng ta và Trung Quốc đưa ra bản đồ chủ trương của mình (có nghĩa là theo chúng ta đường biên giới chỗ nào là đúng, theo Trung Quốc đường biên giới chỗ nào là đúng), hai bên chênh nhau 227 km2 tại 164 điểm. Và 227 km2 đó nằm trên quãng 400 cây số. Còn 900 cây số chiều dài còn lại thì hai bên nhất trí với nhau theo phân định của bản đồ Pháp-Thanh. Trong 227 km2 đó, chúng ta đàm phán với Trung Quốc từ năm 1993, đi đến ký kết ngày 30/12/1999. Chúng ta được khoảng trên dưới 113 km2 và Trung Quốc được trên dưới 114 km2. Như vậy có thể nói, qua cuộc đàm phán thương lượng đi đến ký kết Hiệp định trên bộ, chúng ta và Trung Quốc đã đạt kết quả được công bằng và thỏa đáng. Nói chuyện chúng ta mất 700 km2, theo tôi nghĩ, hoàn toàn không thực tế. Bởi lẽ là chúng ta dựa trên đường biên giới mà thực dân Pháp và nhà Thanh đã phân định với nhau hơn 100 năm nay, chỉ đàm phán về 227 km2 thôi. Vậy thì làm sao có chuyện chúng ta nhường đất 700 cây số vuông trên bàn đàm phán! Việc chúng ta phải có nhân nhượng ở điểm này ở điểm khác, Trung Quốc cũng có nhân nhượng ở điểm này điểm khác bởi lẽ cái quan trọng nhất là dân cư. Dân chúng ta và dân Trung Quốc sống sát biên giới, có họ hàng với nhau, có huyết thống với nhau, chuyện di cư đi lại trên 100 năm như vậy là chuyện rất tự nhiên. Mà do tự nhiên như vậy cho nên bây giờ chúng ta mới cần phân định để ổn định, phân định để giữ hòa bình, phân định để tạo điều kiện cho nhân dân hai bên đường biên có cuộc sống ổn định. Có những chỗ nếu như dân cư bên Trung Quốc có sang ta một vài trăm mét thì chúng ta cũng chấp nhận để họ được ổn định. Ngược lại, có nhiều chỗ dân Việt Nam lấy vợ, lấy chồng rồi kéo sang bên phía Trung Quốc, cách đường biên giới từ thời Pháp - Thanh dăm bảy trăm mét, bạn cũng chấp nhận. Chúng ta cũng cần khẳng định một điều nữa là trong chuyện phân định biên giới như thế này, không thể có thắng hay thua được. Chúng ta không hề có ý định nhằm giành chiến thắng trong phân định biên giới với Trung Quốc và chắc chắn chúng ta cũng không chấp nhận phía Trung Quốc giành thắng lợi trong phân định biên giới với chúng ta. Chúng tôi nghĩ rằng người dân chúng ta rất quan tâm, các địa phương cũng rất quan tâm. Nhưng mà mối quan tâm ấy cũng cần đúng mức, không nên làm hoặc nói một cái gì đó không thực tế - nó chỉ gây ra những phức tạp trong quan hệ, gây xáo động trong suy nghĩ của người dân là hoàn toàn không có lợi. Nói là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà đưa ra những lập luận không thực tế, thì có khi lại vô tình gây hại cho đất nước.

Phóng viên: Thưa ông, cả hai bản Hiệp định chúng ta đã ký đã 1-2 năm nay, vậy nhưng lúc này các ý kiến trái chiều mới ồn ào lên. Vậy thời điểm này là có lý do gì không"

Lê Công Phụng : Về Vịnh Bắc Bộ chúng ta đã phân định được hơn 1 năm nay. Hai bên đang tiếp tục đàm phán một số việc kỹ thuật có liên quan đến hợp tác ngành cá, Việt Nam và Trung Quốc cũng chưa duyệt phê chuẩn Hiệp định phân Vịnh Bắc Bộ. Thế còn Hiệp định biên giới trên bộ, chúng ta đã ký được 2 năm nay và cuối năm 2001 đã bắt đầu chính thức cắm mốc. Việc người ta nêu lên vào thời điểm này, chúng tôi cho là có gắn với sự kiện nước ta cắm cột mốc đầu tiên biên giới với Trung Quốc. Thứ hai là trong tình hình hiện nay, rất nhiều lực lượng thù địch từ bên ngoài đang tìm cách gây khó khăn cho Chính phủ và nhân dân chúng ta trong việc phát triển quan hệ đối ngoại. Thứ ba, chúng ta sẽ tiếp tục đàm phán về biên giới với Lào để bổ sung những gì mà chúng ta và Lào chưa làm xong; chúng ta đang tiếp tục đàm phán biên giới với Campuchia; chúng ta tiếp tục đàm phán với Malaysia và chúng ta cũng đang đấu tranh rất là mạnh với các bên liên quan trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên, rất có thể nói người ta nêu ra vấn đề biên giới lúc này để cảnh báo rằng Việt Nam không thể có những người có liên quan, không được tùy tiện bán đất, bán lãnh thổ cho nước ngoài. Nếu những người có ý kiến như vậy hiểu được yêu cầu của nhân dân Việt Nam là làm sao có đường biên giới hòa bình vì hữu nghị và ổn định với các nước láng giềng-vì chỉ có như vậy chúng ta mới tập trung được sức lực để xây dựng phát triển-thì chắc là họ không nói lãnh đạo Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tìm cách bán đất, bán chủ quyền cho người nước ngoài. Chúng ta làm là vì dân, vì đất nước và theo truyền thống ông cha chúng ta, một tấc chúng ta cũng không nhường và một li về biên giới lãnh thổ quốc gia chúng ta không thể dành cho ai được. Với tinh thần như vậy, trong quá trình đàm phán chúng ta cũng đã làm rất nghiêm túc. Chúng tôi cũng không phê phán những người Việt Nam luôn luôn nêu ra những yêu cầu rất cao về đất đai, nhưng rõ ràng là giành thêm đất người khác thì chúng ta cũng không muốn. Đường lối Đảng và Chính phủ chúng ta hiện nay là phù hợp với lợi ích lớn nhất của dân tộc: giữ đất và bảo vệ lãnh thổ chủ quyền, tạo không khí hòa bình để tập trung vào công cuộc xây dựng đất nước.

Phóng viên: Thưa ông, có một chi tiết mà rất nhiều người nói đến, người ta nói đến thác Bản Giốc, mục Nam Quan. Thưa ông, ở trong đó có cái gì là sự thật và có cái gì thực ra chỉ là sự phóng đại mang màu sắc cảm tính là nhiều"

Lê Công Phụng: Về thác Bản Giốc, thì đây là điều rất phức tạp. Chúng tôi cũng rất lạ là trong sách sử của chúng ta và Trung Quốc từ năm 1960 đến nay, không ai nói thác Bản Giốc có phần là của Trung Quốc. Ngay Trung Quốc cũng không nói đấy là của Trung Quốc. Còn đối với chúng ta, thác này đã đi vào sử sách, nhất là sách giáo khoa của học sinh, thành di tích, điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng. Đây là điều mà chúng tôi rất khó hiểu, bởi lẽ trong công ước giữa nhà Thanh và Pháp, thác Bản Giốc chỉ thuộc về chúng ta có 1/3 thôi; và theo thực trạng cột mốc được cắm từ thời nhà Thanh, thì chúng ta cũng chỉ được 1/3 thác.

- Tức là cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh"

- Đúng vậy. Cột mốc đang tồn tại đã được cắm từ thời Thanh, xác định chỉ có chưa được một nửa thác Bản Giốc là ở bên phía ta. Theo quy định quốc tế, khi phân giới cắm mốc thì thác được coi như 1 dòng sông, 1 dòng suối. Đã là sông suối thì đường biên giới đi qua luồng chính, tức là chỗ tàu thuyền đi lại được. Còn đối với sông suối nơi tàu thuyền không đi lại được, thì đường biên giới phải đi theo rãnh sâu nhất.

Phóng viên: Chẳng nhẽ tất cả các khách du lịch, trong đó có những người có trách nhiệm, đi thăm thác Bản Giốc mà không phát hiện ra cột mốc nằm đó hay sao"

Lê Công Phụng: Cột mốc không nằm sát Bản Giốc. Khi chúng tôi khảo sát thì mới thấy cột mốc nằm trên một cồn nhỏ ở giữa suối, cách đấy khoảng mấy trăm mét. Vì vậy nên cũng không mấy ai quan tâm đến cột mốc ở thác Bản Giốc. Trước tình hình như vậy, chúng tôi nghĩ rằng trong đàm phán phải hợp lý, thỏa đáng phù hợp với mặt pháp lý. Chúng ta phải căn cứ vào những thỏa thuận pháp lý Thanh - Pháp, căn cứ vào biểu đồ, căn cứ vào cột mốc hiện có mà dân địa phương nói là cột mốc đó từ xưa đến nay chưa ai thay đổi cả. Cuối cùng, lãnh đạo chúng ta cũng nhất trí trong tất cả các điều kiện ấy, không thể đòi hỏi thác Bản Giốc phải là của chúng ta hoàn toàn được. Lẽ ra theo thực tiễn thì chúng ta chỉ được 1/3. Nhưng sau đàm phán, chúng ta và bạn đã thỏa thuận thác Bản Giốc được chia đôi, mỗi bên được 50%. Hiện nay cả 2 bên đang tiến hành khai thác du lịch phía bên mình. Ở chỗ này, nếu nói chúng ta bán đất thì hoàn toàn vô lý. Pháp lý lẫn thực tiễn đều không cho phép chúng ta giữ chủ quyền trên toàn bộ thác Bản Giốc.

Phóng viên: Còn về mục Nam Quan. Đi bộ từ Hữu nghị quan tới cột mốc số 0 đến vài trăm mét. Thực tế sự sai lệch này là như thế nào"

Lê Công Phụng: Trong sử sách, trong văn thơ đều nói đất của chúng ta kéo dài từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Mục Nam Quan ở đây nếu nói là cái cổng thì cũng là một cách, nhưng nếu nói là khu vực thì cũng là một cách nói. Giống như đại đa số các cửa khẩu biên giới, "cửa khẩu" theo nghĩa rộng thường bao gồm hai cửa khẩu.

- Và thường chúng thường cách nhau bao nhiêu mét"

- Ví dụ như ở Bắc Luân thì hai cửa khẩu cách nhau khoảng 100m. Còn các khu vực trên đất liền, sát với sông suối, thì tùy địa hình của từng bên. Chúng ta cũng biết là ải Nam Quan là cuối khúc sông. Nếu chúng ta bắt đầu tính biên giới từ chân tường hoặc chia đôi cửa mục Nam Quan thì cũng không được. Còn cột mốc số không - nhân dân Lạng Sơn báo cáo với Trung ương, Chính phủ và các nhà đàm phán rằng cột mốc có từ khi những người già còn chưa ra đời. Chúng ta tôn trọng cơ sở pháp lý đã có, tôn trọng thực tiễn, nhất là vì lâu nay quản lý đã như vậy. Cho nên hiện nay chúng ta công nhận mục Nam Quan là của Trung Quốc, cách cột mốc số 0 trên 200m. Tính cột mốc số 0 trở về phía Nam là lãnh thổ của Việt Nam. Từ cột mốc số 0 trở về phía Bắc là của Trung Quốc.

Phóng viên: Đó là nói về đất. Bây giờ xin nói về biển. Việc phân định Vịnh Bắc Bộ đã được thực hiện thế nào"

Lê Công Phụng: Vịnh Bắc Bộ có tính đặc thù riêng là vịnh chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng lại là vịnh mở, tàu thuyền quốc tế vẫn qua lại; còn chủ quyền là của Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta tiến hành phân định Vịnh Bắc Bộ bởi lẽ: Một là từ trước tới nay chưa có đường biên giới trên Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai là, 100 năm trước thực dân Pháp thỏa thuận với nhà Thanh vẽ một đường quản lý hành chính; và cũng 100 năm nay, đặc biệt là thời gian gần đây khi mà nghề nghiệp đánh cá, khi mà các vấn đề chính trị-kinh tế biến động, thì việc xâm phạm qua lại trên đường quản lý hành chính do Pháp-Thanh đặt ra xảy ra thường xuyên và phức tạp. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang phát triển rất thuận lợi, cả 2 nước đều có nhu cầu là phải làm rõ đâu là của Việt Nam, đâu là của Trung Quốc. Có như vậy mới tạo sự ổn định trong quan hệ, không để xảy ra những xung đột, va chạm gây bất hòa. Chúng ta đã tiến hành đàm phán với Trung Quốc đặt mục tiêu ký kết hiệp định là cuối năm 2000. Nhưng cũng phải nói thêm việc chúng ta đàm phán vấn đề phân Vịnh Bắc Bộ từ những năm 70, nhưng do nhiều lý do nên chưa đi đến kết quả. Lần này đàm phán được là rất thuận lợi. Với suy nghĩ của một người Việt Nam, mà đặc biệt là người trực tiếp tham gia, chúng tôi cho rằng càng để lâu thì càng khó. Chúng ta cùng với Trung Quốc đàm phán dựa vào các cơ sở sau: Một là Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, mà cả ta và Trung Quốc đều tham gia ký kết. Thứ hai, chúng ta căn cứ vào điều kiện tự nhiên của Vịnh Bắc Bộ và quan trọng nhất là địa lý về phía Việt Nam và về phía Trung Quốc và nguồn lợi trong vịnh như thế nào để phân định.

Phóng viên: Hệ thống đường quản lý hành chính mà Pháp-Thanh đặt ra cho Vịnh Bắc Bộ chúng ta có xem như một cơ sở không"

Lê Công Phụng: Chúng ta không xem như vậy được, bởi lẽ nó hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế, tức là Công ước về biển của Liên hợp quốc năm 1982. Nó cũng không phù hợp với thực tiễn quốc tế. Trước đây, Pháp hoạch định đường biên với nhà Thanh để dễ quản lý. Cũng như trước đây, khi chúng ta bị thực dân Pháp chiếm đóng, thì toàn bộ vùng biển Campuchia là thuộc quyền Việt Nam quản lý, trong đó có rất nhiều đảo, tức là chỉ để tiện trong thời điểm đó mà thôi. Bây giờ đã phân định lại, thì việc phân định phải hợp lý, phù hợp với pháp lý, phù hợp với thực tiễn. -

Phóng viên: Vậy con số đầu tiên mà chúng ta đưa ra để đàm phán tức là khoảng 60% là xuất phát từ những điều kiện này"

Lê Công Phụng: Khi mà ta chưa đưa ra con số 61% Vịnh Bắc Bộ là của Việt Nam thì cơ bản ta đã dựa trên các điều kiện này. Nhưng, ai cũng biết nghĩ khi đàm phán, thương lượng thì cần nêu ra các ưu tiên số 1, 2, 3..., các phương án đưa ra có thể là từ 1 đến 3, có thể từ 1 đến 5 phương án khác nhau để đạt 1 phương án thỏa đáng nhất. Vì vậy, sau nhiều năm đàm phán, đến năm 2000, ta và Trung Quốc đã ký được Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, chúng ta được 53,2% tổng diện tích và Trung Quốc được 46,8% tổng diện tích Vịnh Bắc Bộ. Và chúng tôi cho rằng những gì chúng ta có thể đạt được, cần phải đạt được thì đã đạt được.

Phóng viên: Cụ thể là gì thưa ông"

Lê Công Phụng: Một là diện tích. Hai là về quy chế đối với đảo Bạch Long Vĩ, vì đây là hòn đảo rất đặc biệt nằm giữa Vịnh, mà thông thường các đảo nằm giữa Vịnh thì không có vùng pháp lý xung quanh; nhưng đối với đảo Bạch Long Vĩ thì chúng ta đạt một vùng bao bọc xung quanh là 15km. Thứ ba là đường đóng cửa vịnh của chúng ta đã phân chia một cách thỏa đáng, hoàn toàn đúng như dự kiến, các điểm đó liên quan đến phân định tổng thể Vịnh Bắc Bộ. Cái thứ tư chúng ta đã đạt được, là sự phân định rất hợp lý về vùng cửa sông Bắc Luân, giáp mối biên giới trên bộ. Tất nhiên chúng ta cũng chú ý đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là chúng ta cũng quan tâm đến lợi ích của ngư dân Việt Nam cũng như lợi ích của ngư dân Trung Quốc. Đồng thời chúng ta đã ký với Trung Quốc một Hiệp định hợp tác ngành cá trên toàn Vịnh Bắc Bộ và vùng quá độ (đó là tên gọi của vùng biển phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ). Hiện nay, hai bên đang tranh luận về điều kiện kỹ thuật để có thể sớm hoàn thiện bản Hiệp định hợp tác ngành cá. Theo Hiệp định, vùng đánh cá chung kéo dài khoảng 15 năm và vùng quá độ là 4 năm. Chúng ta làm như vậy có cơ sở của nó bởi vì có lẽ trên thế giới này có rất nhiều vùng đánh cá chung như ở Trung Quốc và Nhật, Nga và Phần Lan... và rất nhiều nước Nam Mỹ có vùng đánh cá chung, thường các hiệp định này ký 10, 20, 50 năm tùy điều kiện. Từ những năm 50, chúng ta đã có Hiệp định đánh cá với Trung Quốc. Trước đây chúng ta cho tàu thuyền Trung Quốc vào cách bờ Việt Nam chỉ có 3 hải lý, 6 hải lý, 12 hải lý để đánh bắt. Còn bây giờ, vùng quá độ cách điểm nhô xa nhất của các đảo ven bờ của chúng ta 22 hải lý và vùng đánh cá cũng cách bờ chúng ta ít nhất là 36 hải lý. Như vậy là sau khi hết thời hạn Hiệp định đánh cá chung cộng với thời kỳ quá độ, tại vùng biển của chúng ta, ai muốn vào đánh cá đều phải xin phép Việt Nam. Tất nhiên, ngay bây giờ, số lượng tàu Trung Quốc vào đánh cá cũng cần có phép của Việt Nam, và tàu nước ngoài thì càng phải xin phép.

Phóng viên: Chúng ta có điều kiện để kiểm soát số tàu ra vào ở vùng cách bờ 40 hải lý đó không, thưa ông"

Lê Công Phụng: Chúng ta cố gắng tăng cường lực lượng hợp tác với Trung Quốc, bởi vì theo Hiệp định này sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp kiểm soát việc đánh cá, lượng hải sản cho phép, đồng thời kiểm tra những hoạt động ngoài đánh cá. Chúng tôi nghĩ rằng biển cả là mênh mông, kiểm soát cho chặt không phải dễ. Nhưng với tinh thần Hiệp định như vậy, chúng tôi tin là ta và Trung Quốc sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để thực hiện tốt Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác đánh cá giữa hai bên.

Phóng viên: Thưa ông, ông là người trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán, ông cảm thấy thế nào trước thực tế là dân chúng không được biết nhiều lắm về nội dung đàm phán. Cho nên bây giờ một số người dễ bị lung lạc bởi những con số mà các thế lực chống đối đưa ra, dù không có gì chính xác theo như lời ông nói"

Lê Công Phụng: Chúng tôi tiến hành đàm phán dựa trên mục tiêu mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước nêu ra, đó là những mục tiêu nhằm bảo đảm lợi ích dân tộc. Quá trình đàm phán về những vấn đề biên giới lãnh thổ, cũng như tất cả những vấn đề có liên quan đến lãnh thổ đều hết sức phức tạp. Chúng tôi cũng báo cáo với quốc dân đồng bào từng đợt đàm phán một, còn kết quả và phương án như thế nào thì cũng không có điều kiện để báo cáo. Bởi lẽ là đang trong quá trình đàm phán, khó có thể nói những phương án, những chủ trương của mình. Việc nhân dân không hiểu sâu lắm cũng là điều dễ hiểu, nhưng chúng tôi tin rằng nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào mục tiêu chúng ta đề ra. Có điều là cả ta và Trung Quốc đều xuất phát từ một nhu cầu rất bức bách là phải phân định lại biên giới cho rõ ràng. Như tôi đã nói, do biến thiên về thiên nhiên, khi phân định cách đây 100 năm thì đường biên giới đi qua một quả đồi; nhưng hơn 100 năm qua, quả đồi này biến mất và lại xuất hiện quả đồi khác. Mà đường biên giới tự nhiên nó phải đi theo địa hình. Nhân dân chúng ta không có điều kiện để theo dõi nhiều, kể cả cán bộ các ngành các cấp của Trung ương cũng không phải tất cả đều biết. Cái quan trọng nhất là xác định mục tiêu của Đảng, của Chính phủ, các thành viên đàm phán, kể cả các thành viên các ngành có liên quan đều bám sát mục tiêu. Chúng tôi cho rằng mục tiêu mà lãnh đạo chúng ta đề ra là chúng ta đã đạt. Vì vậy, trong quá trình chúng ta làm, có thể dân không hiểu, nhưng khi chúng ta báo cáo kết quả với quốc dân đồng bào, thì đồng bào sẽ hiểu.

- Cuộc báo cáo đó được diễn ra trước Quốc hội" -

- Trước khi ký kết với bạn, chúng tôi trình qua rất nhiều cấp. Một là báo cáo Chính phủ, xem Chính phủ đã đồng ý với đề án này chưa. Sau đó báo cáo với Trung ương Đảng và Ban bí thư. Sau đó thì báo cáo với Quốc hội, vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, Quốc hội là cơ quan phê chuẩn hiệp ước, Quốc hội đại diện cho nhân dân. Quốc hội đồng ý thì lúc ấy mới ký kết. Có rất nhiều hiệp định ký với nước ngoài mà chúng tôi không nhất thiết phải báo cáo rộng rãi như thế theo quy định hành chính của chúng ta, riêng trong các vấn đề biên giới, lãnh thổ, chủ quyền thì tất tật dù lớn dù bé, dù ký với nước nào, cũng phải thông qua các cấp trung ương và cuối cùng là Quốc hội.

Phóng viên: Thưa ông, hình dung Tổ quốc chúng ta là một mái nhà, thì chúng tôi - những công dân ở trong đó - luôn luôn có cảm giác như nhà mình vô cùng vững chãi, kín đáo, có đủ 4 bên tường, có cả mái, có cả phên dậu đàng hoàng. Thực tế, như ông cho biết, chúng ta đang trong quá trình đàm phán phân định biên giới với các bạn láng giềng, rồi đưa những kết quả đàm phán đó vào thực tế. Vậy ông có lời tâm sự nào với giới làm báo chúng tôi, bởi chúng tôi sẽ là người làm nhiệm vụ đưa thông tin tới quốc dân đồng bào"

Lê Công Phụng: Chúng ta không phải đàm phán nhiều nữa. Đối với bạn Lào, chúng ta đã làm xong rồi, chỉ còn sửa sang một vài chỗ sai lệch giữa thực tế và pháp lý, giữa việc cắm mốc với văn bản hiệp định. Đối với Trung Quốc - bây giờ chỉ còn vấn đề phân giới cắm mốc. Điều này không hoàn toàn đơn giản. Có điểm cột mốc, đi bộ phải mất 10 ngày, thì khi đưa nguyên vật liệu cắm một cái mốc thì chắc cả tháng. Phân giới cắm mốc là phải thể hiện đường biên giới trong hiệp ước vào thực tế, nhưng cũng không dễ dàng như chúng ta nghĩ. Việc phân chia trong nội địa, giữa huyện này, xã này còn tranh luận được, thì giữa hai quốc gia chắc chắn còn cần phải có những thương lượng trong quá trình phân giới cắm mốc. Với Campuchia, chúng ta đang tiến hành đàm phán. Trường Sa, Hoàng Sa chúng ta cũng đang tiến hành đàm phán. Chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã có một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình thương lượng đàm phán để đạt kết quả và tạo được sự ủng hộ rộng rãi nhất của toàn dân. Chúng tôi đề nghị như thế này: Trong điều kiện cho phép và với những thông tin cho phép, chúng tôi sẽ thường xuyên thông báo với giới truyền thông trong nước và chúng tôi cũng đề nghị với giới truyền thông trong nước giúp chúng tôi quảng bá cho nhân dân biết. Chúng tôi đề nghị với báo chí nếu có những thông tin gì gây băn khoăn, sai lệch hãy cho chúng tôi biết ngay. Chúng tôi còn có hướng giải quyết và cùng với các bạn trong giới thông tin cùng đấu tranh với những luận điệu phá hoại lợi ích của đất nước chúng ta.

Phóng viên: Câu hỏi cuối cùng, thưa Thứ trưởng. Có lẽ cuộc phỏng vấn của tôi không làm ông vui"

Lê Công Phụng: Có lẽ không phải thế! Cái làm tôi không vui có lẽ là vì chúng ta chưa làm cho mọi người hiểu hết cái mà chúng ta đã làm. Cảm ơn nhà báo, vì cuộc phỏng vấn này là một cơ hội để giải thích. Tôi đã thực hiện được nhiệm vụ là thông qua đây góp phần quảng bá cho những người chưa hiểu chuyện này thì hiểu thêm, cho những thành viên trong cộng đồng của chúng ta trong nuớc cũng như ngoài nước biết thêm những điều mà chúng ta đã làm là hợp lý và vì lợi ích của dân tộc ta.

Điều cần ghi nhận thêm, sau khi bài phỏng vấn này đăng trên trang web http://www.vnn.vn và được tức khắc lưu truyền trên các diễn đàn Internet của người Việt hải ngoại trong buổi sáng và buổi trưa thứ sáu, thì vào buổi chiều, khi phóng viên VB vào trang này thì không gặp nữa. Có thể nhà nước đã gỡ bỏ, hay là đang lưu vào kho hồ sơ cũ mà phóng viên chưa đủ quen thuộc với trang này để dò tìm lại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.