Hôm nay,  

Phỏng Vấn - Khánh Linh Và Nghệ Thuật Chơi Non Bộ Cây Cảnh

24/02/200100:00:00(Xem: 4556)
LTS: Trong hội chợ tết do CĐNVTD tại NSW tổ chức nhân dịp Tết Tân Tỵ vừa qua, đã xuất hiệu nhiều gian hàng độc đáo, nhiều khu triển lãm mới lạ, trong đó có khu triển lãm non bộ cây cảnh của anh Khánh Linh, một người tuổi còn trẻ, nhưng kiến thức uyên bác và giầu kinh nghiệm về cây cảnh non bộ. Phần ngạc nhiên trước sự hiểu biết và lòng yêu cây cảnh non bộ của anh Khánh Linh, phần nhận thấy, trong thời gian mấy năm trở lại đây, khuynh hướng chơi cây cảnh, non bộ trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, Úc, Châu Âu... ngày càng gia tăng, nên Sàigòn Times đã tổ chức một cuộc mạn đàm với anh Khánh Linh về nghệ thuật chơi non bộ cây cảnh. Sau đây là một số điểm chính được ghi nhận từ buổi mạn đàm.

Sàigòn Times: Từ xưa đến nay, nghệ thuật chơi non bộ cây cảnh là nghề chơi rất tốn công phu, chỉ những người lớn tuổi, dư giả thời gian, tiền bạc mới có thể thưởng thức. Riêng anh, trong kỳ hội chợ tết vừa qua đã có một khu triển lãm tạo sự ngưỡng mộ cho đông đảo người thưởng ngoạn, trong khi tuổi của anh lại còn rất trẻ. Vậy cơ duyên nào khiến anh đến với nghệ thuật chơi độc đáo này khi tuổi còn quá trẻ"

Khánh Linh: Thực ra, điều đầu tiên mà tôi đến được, và có được nghệ thuật này là nhờ chữ "duyên". Vì tôi sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành trong một gia đình đã có sẵn vốn liếng nghệ thuật của ông bà tôi để lại trong thú chơi này. Tôi được giáo dục và thấm nhuần theo văn hóa cổ truyền, có thể nói là một khía cạnh khác về phong tục, luân lý, đạo đức của người Việt Nam xưa theo ý nghĩa kinh điển trong nghệ thuật chơi sinh vật cảnh. Khi lớn lên, tôi rất yêu thích thú chơi này, và nhân duyên lại đến với tôi. Tôi gặp được sư phụ, ông là người Việt gốc Hoa, sống ẩn dật với thú điền viên, ông đã chỉ dậy và truyền cho tôi tất cả những kiến thức, cùng bí quyết của nghệ thuật cao siêu này. Nhờ vậy, tôi may mắn có được sự kết hợp giữa văn hóa Trung Quốc và văn hóa Việt Nam trong nghệ thuật chơi cây cảnh, non bộ. Thêm vào đó, tôi chịu khó học hỏi tất cả những người ẩn dật, nhưng nhờ "hữu xạ tự nhiên hương" nên tôi biết mà tìm đến với họ.

Sàigòn Times: Trong cuộc triển lãm tại hội chợ tết vừa qua, khu triển lãm non bộ tiểu cảnh của anh được coi là biểu hiện những đặc trưng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, một số người vẫn quan niệm chơi non bộ, cây cảnh là nghệ thuật chơi của Trung Hoa, Nhật Bản. Vậy theo anh, đâu là những đặc trưng dân tộc Việt trong chơi non bộ cây cảnh"

Khánh Linh: Nói cho đúng thì chơi non bộ, cây cảnh của người Việt đã bắt nguồn từ Trung quốc, và người Nhật đã có công đưa nghệ thuật này phổ biến rộng rãi, tất nhiên có kết hợp cả những văn hóa của họ, nên nói non bộ cây cảnh là nghệ thuật chơi của Trung Hoa cũng là điều hợp lý. Nhưng ta cũng nên biết, nghệ thuật chơi non bộ cây cảnh tại Việt Nam đã có cả mấy ngàn năm nay. Với thời gian dài như vậy, dĩ nhiên, phong cách dân tộc Việt, văn hóa Việt và tâm hồn Việt cũng đã thấm nhuần trong nghệ thuật chơi non bộ cây cảnh. Chẳng nói đâu xa, ngay một người đã yêu nghề, chơi với tất cả tâm hồn, sau thời gian vài chục năm, non bộ, cây cảnh mà anh ta tạo dựng cũng đã mang phong thái, tư cách và dấu ấn riêng của anh ta, và những người tri kỷ, tri bỉ với anh ta chỉ nhìn qua cũng biết, cây cảnh nào, non bộ nào do anh ta làm. Nói như vậy có nghĩa, một người chơi vài chục năm còn thể hiện được cái hồn của mình, huống chi cả một dân tộc chơi non bộ cây cảnh suốt mấy ngàn năm thì làm sao không có đặc trưng của dân tộc mình cho được. Còn muốn biết đâu là đặc trưng của dân tộc Việt trong non bộ cây cảnh, thì thật là huyền diệu và khó cắt nghĩa vô cùng. Có điều, tất cả những ai đã chơi non bộ cây cảnh đến một chừng mực nào đó, đều đạt đến mức "ngộ", tức là chỉ cần nhìn qua là biết non bộ cây cảnh đó của Việt hay của Tàu, của Nhật.

Sàigòn Times: Trong điều kiện sống tại hải ngoại, nếu người Việt chơi cây cảnh non bộ, thì nên làm gì và làm thế nào để đặc trưng Văn hóa dân tộc VN được thể hiện và được người ngoại quốc nhận thức và thưởng ngoạn"

Khánh Linh: Theo tôi nghĩ xã hội Úc là một xã hội đa văn hóa, thì lẽ tất nhiên tất cả các đặc thù văn hóa các sắc tộc nói chung, Việt Nam nói riêng đều được tôn trọng. Trong lãnh vực thưởng ngoạn những tác phẩm nghệ thuật rất tế nhị, vì trong tư tưởng giống nhau nhưng thú vị cảm hứng lại khác nhau, tùy theo từng người, từng dân tộc và từng thời đại. Vì thế, việc để người Úc cũng như các sắc tộc khác hiểu được, thưởng ngoạn được, nhận thức được thì việc đầu tiên chúng ta phải nêu cao được giá trị văn hóa của chúng ta cũng như duy trì và bảo tồn được nó. Muốn vậy, chúng ta phải thường xuyên có các cuộc triển lãm nghệ thuật văn hóa truyền thống, giới thiệu bằng Anh ngữ để diễn tả sâu sắc ý nghĩa nội dung những tác phẩm nghệ thuật. Theo quan niệm của người Việt Nam thú chơi chân truyền Sinh Vật Cảnh phải là một nghệ thuật thưởng ngoạn thời thượng trong cộng đồng người Việt tại Úc. Đồng thời chúng ta phải phát triển và nâng cao phong trào chơi nghệ thuật này, nó cũng là một cái mốt thời thượng, vừa bảo tồn được văn hóa của nước nhà, rồi qua đó phát triển mạnh sẽ tạo được sự chú ý của người ngoại quốc.

Sàigòn Times: Nước úc là một nước đa văn hóa. Vậy anh có nghĩ qua nghệ thuật chơi non bộ cây cảnh, người Vịêt có thể tạo cho các sắc tộc khác biết đến văn hóa dân tộc Việt"

Khánh Linh: Thì như tôi vừa nói, trong những vấn đề về văn hóa đa phương, cũng có những văn hóa riêng biệt. Và mỗi một quốc gia đều có một nền văn hóa riêng, như đơn giản khía cạnh về non bộ cây cảnh trong nghiệp của tôi, tôi thấy rằng nếu đem nghệ thuật này so sánh với Nhật hoặc Trung quốc thì trong cách làm cây, làm tiểu cảnh non bộ của Việt Nam có phong cách độc đáo riêng. Qua nhiều tác phẩm tôi thực hiện cho người Nhật, Trung quốc, Tân Gia Ba... đều được sự tán thưởng cổ võ rất mạnh. Qua đó ta có thể đánh giá trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cổ truyền mà cha ông để lại vô cùng quý báu. Chúng ta phải tự hào và phát huy để các sắc tộc khác thấy được những nét đẹp và sự khéo léo của người Việt chúng ta.

Sàigòn Times: Theo anh, chơi non bộ cây cảnh trong điều kiện sống ở hải ngoại, có hữu ích gì"

Khánh Linh: Có nhiều tác dụng lắm. Ai cũng biết, trong đời sống ở hải ngoại, hàng ngày phải lao động trong hãng, xưởng, phải bon chen trong cuộc sống náo nhiệt, phải gặp nhiều áp lực, nên trong cuộc di dưỡng tinh thần bằng nhiều cách, thì môn nghệ thuật non bộ cây cảnh truyền thống này đang chiếm vị trí quan trọng. Đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu được. Cái môn chơi này nó mang tính khoa học, cải tạo môi sinh, góp phần vào cải tạo cuộc sống con người, một thú chơi thoát tục, thanh tao, đem lại sự bổ ích cho tinh thần và sức khỏe, làm sáng giá người chơi, các tao nhân mạc khách thêm cảm phục đồng điệu, và còn làm rạng rỡ thêm nét đẹp văn hóa dân tộc.

Sàigòn Times: Cuộc triển lãm về non bộ cây cảnh của anh trong hội chợ tết Tân Tỵ vừa qua đã tạo được một góc độ mới lạ cho người thưởng ngoạn. Vậy anh có thể cho biết, cơ duyên nào khiến anh có cuộc triển lãm đó"

Khánh Linh: Trước đây, khi cộng đồng chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm, tôi được anh Lê Phú Cường nhân viên Phát Triển văn hóa cộng đồng mời tham gia triển lãm nghệ thuật văn hóa dân tộc và đặc trưng trong thú chơi "Tứ kỳ viên". Sau đó, có lẽ vì thời gian và địa điểm eo hẹp, nên dự định đó không thành. Đến khi cộng đồng tổ chức hội chợ tết, anh Lê Phú Cường có liên lạc một lần nữa, và lần này tôi rất mừng khi thấy mọi chuyện trôi chảy, và gian hàng triển lãm được ra mắt trước bà con.

Sàigòn Times: Cảm nghĩ của anh qua hội chợ tết. Theo anh, tương lai, nếu có một cuộc triển lãm về văn hóa dân tộc như vậy thì anh có tham gia và làm cho cuộc triển lãm trở nên tốt hơn"

Khánh Linh: Với lần đầu tiên tôi tham gia hội chợ, mặc dù chưa được mỹ mãn cho lắm, lý do khách quan như thời gian chuẩn bị quá gấp rút, tài chánh quá eo hẹp, phần vì không gian, địa thế cũng chưa được như mong muốn..., nhưng tổng quát tôi thấy ngày triển lãm văn hóa là thành công trên nhiều phương diện. Trong tương lai để có những cuộc triển lãm tốt hơn, tôi hy vọng qúy vị trong cộng đồng hỗ trợ tạo điều kiện cho anh Lê Phú Cường nhân viên phát triển văn hóa tạo dựng được những khung cảnh, "môi trường" thực sự văn hóa và nghệ thuật dân tộc truyền thống cho cuộc triển lãm và có thời gian đầy đủ hơn để làm tốt hơn.

Sàigòn Times: Từ khi đam mê trong nghệ thuật chơi non bộ tiểu cảnh, chắc chắn anh có những kỷ nịêm vui buồn. Xin anh kể một vài kỷ niệm đó"

Khánh Linh: Trong nghề chơi và làm non bộ cây cảnh của tôi cũng lắm chuyện vui, buồn như trăm nghìn chuyện khác trong đời thường. Gần nhất là qua cuộc triển lãm vừa qua, đã mang đến cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ như: trong thời gian trang trí, đề tài đầu tiên là tôi định làm suối thác và bể nước tạo cảnh sơn thủy. Sau khi đã chuẩn bị và lập ý xong thì đột nhiên, người phụ trách chỗ cộng đồng mình mướn, sợ ảnh hưởng đến thảm nên kế hoạch của tôi đành phải hủy bỏ. Lúc đó tôi và anh Cường vừa buồn vừa lo: buồn vì tác phẩm không được thực hiện như mong muốn, lo là cuộc triển lãm mà không thực hiện được những tinh hoa của nghệ thuật non bộ sơn thủy hữu tình trong khi thời gian chúng tôi chỉ còn lại nửa ngày để thay đổi một cảnh trí mới: cảnh non bộ bể cạn. Cũng may, nhờ sự khuyến khích tinh thần cũng như sự nhiệt tình hỗ trợ phụ giúp của anh Lê Phú Cường, nên tuy trong một thời gian ngắn ngủi, trời lại mưa tầm tã, công việc lại khá nặng nề, tôi cũng đã hoàn thành xong tác phẩm của tôi. Phải thành thực mà nói: tôi rất vui mừng khi tác phẩm hoàn tất, nó rất có hồn thể hiện được cái thần thái của tự nhiên, và được sự ngưỡng mộ của rất nhiều khán giả. Đặc biệt hôm khai mạc các quan khách các sắc tộc cũng như người Úc, đã không ngớt lời ngợi khen khiến tôi cảm kích vô cùng. Ngày hôm sau, Chủ Nhật khoảng 11 giờ, trong nhà triển lãm văn hóa có rất đông khách tham quan, tôi là người giới thiệu và thuyết trình về tác phẩm của mình. Sau khi tôi giới thiệu toàn cảnh, tôi mượn hai câu thơ của Huy Cận để đặt cho tác phẩm:

Không cầu nhưng nối niềm thân mật Lặng lẽ bờ khe tiếp bãi vàng

Ngay khi tôi đọc xong câu thơ đó, một bác đứng tuổi nét mặt thật đôn hậu, cất tiếng khen ngợi cũng như cho những lời bình về tác phẩm của tôi, bác đã dùng hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan để nói lên sự cảm nhận của người thưởng ngoạn:

Như thu tất cả trời Nam lại, Đem cả sơn hà đất Bắc sang.

Nghe bác đọc hai câu thơ, tôi cảm động và thích thú vô cùng. Tiện đây, tôi cũng xin báo Sàigòn cho phép tôi được ngỏ lời tha thiết mong muốn được làm quen với bác, người đã đọc hai câu thơ trên. Vì hôm đó quan khách quá đông, phải trả lời quá nhiều thắc mắc nên tôi đã lỡ dịp may xin địa chỉ của bác, vậy mong bác lượng thứ và xin bác cho biết số phôn để có dịp được hầu chuyện bác.

Sàigòn Times: Nhận thấy trong những năm gần đây, người Việt hải ngoại ở Úc, Mỹ, Châu Âu, càng ngày càng có nhiều người quan tâm đến thú chơi này. Thậm chí có cả một số người trẻ tuổi cũng thích chơi non bộ cây cảnh. Theo anh, nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này" Đây có phải là hiện tượng "lão hóa" trong cộng đồng người Việt hải ngoại hay không"

Khánh Linh: Trước hết, tôi không đồng ý với quan niệm cho rằng chơi cây cảnh, non bộ là một trạng thái "lãi hóa". Trái lại, điều này chứng tỏ trong cộng đồng chúng ta, càng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi biết tìm đến cội nguồn của văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Nói như vậy vì tôi nghĩ, cội nguồn của triết học đông phương là tự nhiên, là hòa hợp, hội nhập. Trái lại, triết học tây phương đặc trên căn bản chinh phục tự nhiên, khuất phục hoàn cảnh bằng tinh thần, kỹ nghệ máy móc. Trong một giai đoạn nhất định, nền văn minh máy móc, kỹ nghệ của tây phương tràn ngập tạo cho người đông phương chúng ta sự ngưỡng mộ, nên nhiều người vội vàng chạy theo những sản phẩm của tây phương. Tuy nhiên, sống ngay giữa xã hội tây phương, ta sẽ thấy, với người Á đông, nền văn minh tây phương chỉ đáp ứng được những nhu cầu về vật chất trước mắt. Còn những nhu cầu về tâm linh, tình cảm, đòi hỏi chúng ta phải trở lại với cội nguồn của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Điểm nữa, theo tôi nghĩ, người Việt chúng ta lớn lên ở một đất nước luôn luôn có cây cảnh, có non bộ bao bọc. Sang đến ngoại quốc, môi trường sống xa lạ, cây cối, phong cảnh cũng xa lạ, khiến nhiều người Việt tìm đến cây cảnh non bộ để khuây khỏa phần nào lòng nhớ quê hương đất nước. Xu hướng này phải được đón nhận và phải được truyền bá rộng rãi, và phải hiểu đó là dấu hiệu tích cực của một cộng đồng lớn lên ở đất khách, nhưng vẫn không quên được cội nguồn của văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Tuyệt nhiên không phải là trạng thái "lão hóa" như một số người quan niệm.

Sàigòn Times: Anh vừa nói chơi non bộ tiểu cảnh cần phải được truyền bá rộng rãi, nhưng xem ra nghề chơi này công phu, tốn kém tiền bạc, thời gian, đất đai... thì làm sao truyền bá rộng rãi cho được"

Khánh Linh: Đồng ý, các cụ ngày xưa đã nói, nghề chơi bao giờ cũng tốn kém, công phu. Chẳng cứ chơi cây cảnh, non bộ, mà ngay cả chơi từ những thứ tầm thường như chọi dế, đá gà, chơi tem... cũng tốn kém, công phu nếu muốn chơi cho ra chơi. Nhưng nói đi đã vậy, nói lại, tôi nghĩ, nghề chơi nào cũng tùy thuộc cái tâm, cái hồn của mình. Đã có cái tâm chân thành, có được cái hồn nhậy cảm, thì cảm hứng nghệ thuật sẽ đến, hạnh phúc cũng sẽ tới và bằng hữu tri kỷ, tri bỉ cũng sẽ tụ tập, chia xẻ những cảm hứng tuyệt vời, cao thượng. Một người, nếu có tiền, có đất, có thì giờ, thì non bộ cây cảnh có thể mênh mông, hoành tráng, bao trùm vài mẫu đất cũng chưa phải là lớn. Còn nếu không có tiền, không có đất, không có thì giờ, thì ngồi cạnh nhau, khề khà vài lon bia, nhâm nhi dăm ba con tôm khô với củ kiệu, rồi ngắm cây cảnh non bộ nho nhỏ trong góc vườn, hay trên chiếc bàn trong góc nhà, cũng đủ thích thú, khoan khoái, sung sướng đến "rên mé đìu hiu"... để rồi thấy thật chí tình, chí lý, vừa ngắm, vừa ư ử ngâm hai câu thơ:

Như thu tất cả trời Nam lại,
Đem cả sơn hà đất Bắc sang.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.