Hôm nay,  

Giới Thiệu Walter Benjamin Và Trường Phái Frankfurt (đức Quốc)

05/01/200100:00:00(Xem: 6379)
Sinh ngày 15 tháng Bẩy, 1892 tại Berlin, Đức quốc. Mất ngày 26 tháng Chín, 1940 gần Port-Bou, Tây Ban Nha.

Văn nhân, nhà mỹ học, hiện nay được coi là nhà phê bình văn học Đức quan trọng nhất của nửa đầu thế kỷ 20.

Xuất thân từ một gia đình Do thái giầu có, Benjamin học triết tại Berlin, Freiburg im Breisgau, Munich, và Bern. Định cư tại Berlin vào năm 1920 và sau đó làm phê bình văn học và dịch giả. Nửa muốn theo đuổi một chân khoa bảng, nửa không, sau cùng giấc mộng nửa vời này cũng đã tan vỡ, khi Đại học Frankfurt không công nhận luận án tiến sĩ của ông, (sáng chói, nhưng không đúng qui ước, tiêu chuẩn): Nguồn gốc Bi Kịch Đức (1928). Khi Quốc Xã lên nắm quyền (1933), ông qua Pháp, định cư tại Paris. Tiếp tục viết tiểu luận và điểm sách cho các tạp chí, nhưng khi Pháp rơi vào tay Nazi vào năm 1940, ông chạy xuống miền nam với hy vọng tới được Hoa Kỳ qua ngả Tây Ban Nha. Được viên cảnh sát trưởng thành phố Port-Bou gần biên giới Pháp-Tây Ban Nha cho biết ông sẽ bị giải giao cho Gestapo, Benjamin tự hủy mình.

Tính chất siêu hình trong tư tưởng hồi trẻ làm ông nghiêng về Marxist trong thập niên 1930, và là một trong những thành viên của trường phái Frankfurt, gồm một nhóm nghiên cứu liên kết với Viện Nghiên Cứu Xã Hội ở Frankfurt am Main, Đức quốc. Viện này được thành lập năm 1923, bởi Carl Grunberg, và là viện nghiên cứu đầu tiên theo đường hưiớng Marxist được kết hợp với một đại học lớn ở Đức, Đại học Frankfurt. Max Horkheimer nắm quyền giám đốc viện vào năm 1930, và qui tụ quanh ông rất nhiều lý thuyết gia tài năng, bao gồm T.W. Adorno, Erich Fromm, Herbert Marcuse, và Walter Benjamin.

Những thành viên của nhóm này cố gắng phát triển một lý thuyết về xã hội dựa trên chủ nghĩa Marx và triết học Hegel, nhưng còn sử dụng cả những nhận thức về phân tâm học, xã hội học, triết học hiện sinh, và nhiều môn học khác nữa. Họ sử dụng những quan niệm Marxist mang tính cơ bản để nghiên cứu những liên hệ ở bên trong những hệ thống kinh tế tư bản. Cách tiếp cận này sau được biết dưới cái tên “lý thuyết phê bình” (critical theory) nhắm vào những tổ hợp lớn, những cơ sở độc quyền thao túng thị trường, vai trò của kỹ thuật học, kỹ nghệ hóa văn hóa (industrialization of culture), và sự thoái hoá của cá nhân con người bên trong xã hội tư bản. Chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa toàn trị cũng là những đề tài nghiên cứu nổi bật của họ. Rất nhiều bài viết được đăng trên tờ báo của viện (Journal for Social Research, 1932-41). Hầu hết những học giả của viện đã bắt buộc phải rời bỏ Đức quốc, và tị nạn ở Mỹ sau khi Hitler lên cầm quyền (1933), và viện sau đó được kết hợp với Đại học Columbia cho tới năm 1949, khi nó lại trở về nguyên quán là Frankfurt. Vào thập niên 1960, hầu hết trong số họ đều tỏ ra ‘quá chán’ cái gọi là “chủ nghĩa Marx chính thống”, tuy vẫn giữ một thái độ phê bình cứng rắn đối với chủ nghĩa tư bản. Phê bình của Marcuse về điều mà ông gọi là sự gia tăng kiểm soát mọi sắc thái trong cuộc sống xã hội của chủ nghĩa tư bản đã gây một ảnh hưởng lớn lao ở giới trẻ (ông này có thời được coi là một ba ‘đại sư’, tên bắt đầu bằng chữ M: Marx, Mao và Marcuse). Tuy nhiên khuôn mặt nổi bật nhất của lò Frankfurt những thập niên hậu chiến, là Jurgen Habermas. Ông đã cố gắng mở rộng lý thuyết phê bình vào những phát triển trong triết học phân tích, chủ nghĩa cơ cấu và cổ văn.

Với Walter Benjamin, những tác phẩm xuất bản sau khi ông đã mất ngày một làm tăng thế giá của ông, ở cuối thế kỷ 20. Những tiểu luận văn chương hàm chứa đựng những suy tưởng triết học được viết bằng một văn phong cô đọng, nặng chất thơ. Phê bình xã hội và nghiên cứu ngôn ngữ tẩm đẫm nỗi quan hoài lịch sử, và niềm bi ai.

Tính uyên nguyên, độc lập trong tư tưởng của ông thật là hiển nhiên trong tiểu luận về Goethe (Goethe’s Elective Affinities, 1924-25), và những tiểu luận được in trong Illuminations, 1961. Nhà xuất bản Belknap Press/Harvard University Press vừa mới cho ra lò những tác phẩm sau đây của ông:

Selected Writings, Volume I: 1913-1926; 520 trang, bìacứng, giá $37.50.
Selected Writings, Volume II:1927-1934; 870 trang, bìa cứng, giá $37.50.
The Arcades Project; 1,073 trang, bìa cứng, giá $37.50.

Kỳ tới, Jennifer xin cống hiến bạn đọc bản chuyển ngữ bài viết ‘Những điều diệu kỳ về Walter Benjamin”, nguyên tác của J.M. Coetzee, đăng trên tạp chí Điểm sách New York số đề ngày 11, tháng Giêng 2001.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.