Hôm nay,  

Bị Giam Lỏng, Lm Phan Văn Lợi Kháng Thư Đòi Tự Do

30/07/200100:00:00(Xem: 3807)
HUẾ (VB) - Linh mục Phan Văn Lợi vừa gửi Kháng Thư lên các cấp chỉ huy CSVN tỉnh Thừa Thiên- Huế, phản đối việc công an bao vây, hạch sách, và giam lỏng hơn ba tháng qua. Toàn văn như sau.

Kháng thư
Kính gởi
Ông Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên
Ông Chủ tịch UBND thành phố Huế
Ông Giám đốc sở Công an tỉnh Thừa Thiên
Ông Giám đốc sở Công an thành phố Huế

Kính thưa Quý ông
Tôi là Phan Văn Lợi, sinh năm 1951, linh mục Giáo hội Công giáo, thường trú tại 90/13 Phan Chu Trinh-Huế, xin gởi đến Quý ông lá thư này để bày tỏ sự phản kháng của tôi về những chuyện như sau:

1- Sau khi nhận "giấy mời" của Công an, kể từ 09-3 đến 03-4-2001, tôi đã đến sở Công an Thành phố (52 Hùng Vương) "làm việc" trong 20 buổi (10 ngày, có khi cách khoảng nhau). Thời gian này, tôi đã khai báo những gì bản thân thấy cần khai báo và đã bày tỏ rõ ràng lập trường của tôi là hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền của linh mục Nguyễn Văn Lý. Chiều 03-4, tôi tuyên bố đã làm xong phận sự của mình trước pháp luật và đã đưa đủ dữ kiện để nhà nước có thể xử lý. Nhưng công an thành phố Huế vẫn buộc tôi tiếp tục làm việc. Thành thử từ 04-4 đến 06-4, tôi vẫn có mặt nhưng giữ im lặng hoàn toàn. Vì công an có quyền xét hỏi thì người dân cũng có quyền không trả lời. Chiều ngày 6-4, nhân viên thẩm vấn cho rằng tôi thiếu thiện chí nên bức bách tôi làm việc cả ngày thứ 7 và chúa nhật sát liền (07 và 08-4) là hai ngày nghỉ theo luật hành chánh. Tôi đã phản đối mệnh lệnh vô lý và vô luật này, đồng thời cũng tuyên bố là từ 08 đến 15/4/2001 tôi nhất định ở nhà, vì đó là Tuần Thánh, một thời gian quan trọng và linh thiêng trong đạo Công giáo của tôi.

Thế là sáng ngày thứ 7 mồng 07-4, thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, phó Công an Thành phố, lên "giấy triệu tập" đòi tôi đến sở Công an. Dĩ nhiên tôi không thể làm theo mệnh lệnh có tính áp bức đó. Tiếp theo là 4 giấy triệu tập nữa, ký tiếp nhau, và lương tâm tôi đã không thấy có bổn phận vâng lời. Thế là kể từ 12-4, chính quyền ra lệnh miệng cho một nhân viên công an bám sát tôi mỗi khi tôi ra ngoài, nhằm gây cản trở cho sự đi đứng và tiếp xúc của tôi. Cùng lúc, tôi được biết là linh mục Nguyễn Hữu Giải, người anh em của tôi, cũng bị bám sát mọi nơi và mọi lúc như tôi, cách rất lộ liễu, chỉ vì hai chúng tôi ủng hộ linh mục Nguyễn Văn Lý. Thành thử nhân đây, tôi cực lực lên án việc theo dõi để gây cản trở cho vị linh mục hạt trưởng này. Luật gì cho phép Quý ông được làm như thế"

Ngày 19-4, tôi đi xe từ nhà, định sang Tòa Giám mục Huế thì bị ba nhân viên công an mặc thường phục (trong đó có một người tên Trúc) chặn tôi lại ngay trước Trung tâm Giáo dục Thường xuyên ở số 86 đường Phan Chu Trinh. Ba nhân viên này nói với tôi: "Ông không đi tới làm việc ở đồn công an thì từ nay không được đi đâu cả!" Rồi lấy thịt đè người, dùng sức mạnh áp đảo, họ đuổi tôi lui. Kể từ đó, tại các ngõ dẫn vào nhà tôi đều có công an (khoảng từ 5 đến 10 người) đóng chốt ngày đêm, với ba công tác: một là canh giữ không cho tôi ra khỏi nhà, hai là chặn trước những ai mà họ đoán biết là vào gặp tôi, chẳng hạn các linh mục bạn bè của tôi (đặc biệt là linh mục Giải), ba là theo dõi, ách lại, lùa vào đồn, hạch hỏi khám xét, có lúc đánh đập tàn nhẫn và phạt tiền vô lý những ai "không may" vào nhà tôi, dầu đó là cháu chắt thân thuộc, khiến mọi người đều hoảng sợ xa lánh gia đình tôi và tôi như lánh hủi. Các chứng nhân còn sờ sờ ra đó và họ có thể làm chứng về việc này. Tôi tự hỏi: đó phải chăng là quyền tự do đi lại và tự do tiếp xúc trong nước CHXHCN Việt Nam"

Kể từ đó đến hôm nay, đã hơn 3 tháng, tôi bị giam lỏng trong nhà, không một phán quyết, văn bản nào của tòa án. Tôi đã từng nói với các nhân viên công an thỉnh thoảng lại đến "thăm" tôi: "Các anh về báo với cấp trên là nếu đường hoàng thì cho tôi một cái lệnh bằng văn bản. Còn nếu chỉ dùng sức mạnh số đông để ngăn chặn một kẻ cô thân cô thế thì đó là cung cách của lũ cướp đường chứ không phải là cung cách của người đại diện pháp luật". Mãi cho đến hôm nay, tôi chẳng thấy có văn bản pháp lý nào. Nhưng nếu dựa vào Nghị định 31/CP để ra quyết định quản chế tôi, thì trước hết xin Quý ông nhớ lại: Nghị định đó đang là gì trước Hiến pháp và trước mắt nhân dân"

Việc quản chế tại gia không văn bản mà tôi đang chịu đã làm cho tôi: 1-không thể kiếm kế sinh nhai theo quyền lợi của một con người tự do, 2- không thể chu toàn phận sự của một người con đang phải nuôi cha mẹ già trên 80 tuổi, 3- không thể thi hành chức năng của một kitô hữu là hiệp thông, tham dự vào các sinh hoạt của đạo, 4- không thể thực hiện vai trò một linh mục là phục vụ cộng đoàn Công giáo. Điều khoản nào trong pháp luật cho phép Quý ông hành động như vậy" Khoan nói đến những hậu quả tinh thần đang xảy đến cho cộng đoàn công giáo Huế (vốn đã hiếm hoi linh mục) và cho bản thân tôi, cha mẹ già lão của tôi đang suy kiệt từng ngày. Một hôm nào đó, hai cụ nằm xuống vì chết đói, tôi xin được mời Quý ông đến để chứng kiến thành quả biện pháp của Quý ông.

2- Thật ra, việc ngăn chặn tôi thi hành chức vụ linh mục đã xảy đến từ lâu. Sau khi "trừng phạt" tôi 7 năm tù (1981-1988) vì cái gọi là "tội tuyên truyền phản cách mạng và chịu chức linh mục không xin phép nhà nước", Quý ông còn tiếp tục xử lý tôi, bắt tôi trả giá thêm nữa ngay cả khi đã ra khỏi nhà tù, bằng cách theo dõi các hoạt động mục vụ của tôi như dâng lễ, giảng dạy, biên soạn bài giáo lý cho cộng đoàn Công giáo. Người của công an đã biết bao lần hạch hỏi, hăm dọa những nơi và những ai tôi đến giúp đỡ theo chức năng một linh mục; ngoài ra chính quyền đã một lần tịch thu toàn bộ phương tiện tôi dùng để biên soạn các tài liệu tôn giáo (1998), thành thử chẳng có việc mục vụ nào mà tôi làm được dài lâu. Bị khủng bố và lo sợ hậu họa, các cộng đoàn đã đành phải thôi nhờ vả tôi. Giờ đây thì những việc đó xem như chấm dứt vĩnh viễn với lệnh quản chế miệng của chính quyền. Phải chăng đó là chính sách tự do tôn giáo của nước CHXHCN Việt Nam" đó là cách Quý ông thực hiện điều 18 trong Công ước Quốc tế nhân quyền"

3- Song song với những việc làm thô bạo, tùy tiện nói trên, Quý ông còn cắt đứt những đường dây liên lạc cuối cùng của tôi. Tôi muốn nói đến điện thoại và điện thư. Kể từ đầu năm nay, điện thoại của gia đình tôi bị gây rối liên tục, khiến sinh hoạt gia đình gặp trở ngại nhiều, và đến tháng 02 thì bị cắt hoàn toàn, mà không một thông báo đàng hoàng của cơ quan chủ quản về lý do cắt. Tôi buộc lòng phải đi nhờ nhiều chỗ khác. Và những chỗ này lập tức bị công an đến hăm dọa. Tiếp đó, điện thư của tôi bị phá. Lợi dụng việc nắm được mật khẩu tôi đã đăng ký, theo sự chỉ đạo của Công an, Bưu điện đã tự quyền đổi mật khẩu của tôi, làm cho chính tôi không còn có thể sử dụng địa chỉ điện thư của mình nữa. Đảng và nhà nước nắm trong tay mọi phương tiện thông tin nên muốn ra tay thế nào đối với nhân dân cũng được sao" Phải chăng đó là quyền tự do thông tin có ghi trong Hiến pháp và trong điều 19 Công ước Quốc tế Nhân quyền"

4- Cuối cùng, trong những ngày gần đây, Công an thành phố lại gởi giấy triệu tập (thiếu tá Nguyễn Văn Hòa ký), buộc tôi đến trụ sở công an phường Phước Vĩnh để làm việc. Tôi đã nhận được giấy ba lần (ký ngày 18, 19 và 23-7-2001) nhưng tôi khẳng khái trả lời là không thể chấp hành được. Tôi có nói và viết trên giấy biên nhận: "Các anh cần trao đổi chuyện gì, xin mời đến nhà tôi. Ngược lại các anh muốn bắt thì cứ bắt, tôi luôn sẵn sàng. Chẳng lẽ các anh giam lỏng tôi trong nhà đã lâu ngày, nay ban cho tôi ân huệ được thở chút khí trời tự do ngoài đường qua việc đến đồn công an sao" Tôi là một con người, một con người tự do (chưa lãnh bản án hợp lý nào của tòa án chính đáng nào), chứ không phải là một con vật mà các anh muốn giam giữ ở nhà thì giam giữ, lôi cổ đến đồn thì lôi cổ qua các lệnh triệu tập". Sau gần bốn tháng trời bị quản chế vô pháp luật, vô nhân đạo, bị cấm cản làm phận sự của một con người, một người con, một kitô hữu, một linh mục, đồng thời chứng kiến trong đau khổ và bất lực những ai đến thăm gia đình tôi bị công an hành hạ đủ kiểu, tôi thấy mình không có nghĩa vụ phải tuân hành những mệnh lệnh mang tính áp bức công dân như thế.

Thưa Quý ông, đó là những lời phản kháng tôi muốn thẳng thắn trình bày với Quý ông. Những trường hợp nêu lên trên đây, thật ra chẳng phải chỉ mình tôi chịu. Rất nhiều nhà tu hành trong các tôn giáo tại Việt Nam lúc này cũng đang gặp số phận đó. Tôi cũng muốn qua kháng thư này nói thay cho các vị. Tôi rất xấu hổ phải sống trong một chế độ mà nhà cầm quyền luôn rêu rao là "pháp trị", nhưng trên thực tế, luật pháp luôn nằm trong sự giải thích và áp dụng cách tùy tiện võ đoán của Đảng, nhà nước và công an.

Dĩ nhiên "nói thật mất lòng"! Tôi biết có nhiều nguy hiểm đang chờ tôi, nhiều hình phạt sẽ giáng xuống trên tôi, nhưng lương tâm của một con người, một kitô hữu, một linh mục Công giáo không cho phép tôi im lặng. Vì đây không phải là chuyện của một cá nhân, mà là chuyện điển hình cho vô số cá nhân trong đất nước Việt Nam hôm nay. Tôi sẵn sàng chịu sự xử lý nặng nề của Quý ông với tâm hồn bình thản, vì đối với tôi là nhà tu hành, sống và chết cũng như nhau; ở ngoài đời hay trong tù, tôi đều có thể làm chứng nhân cho tình thương và ngôn sứ cho sự thật. Nhưng dù bị bất cứ biện pháp ghê gớm nào, lòng tôi cũng chẳng hề oán hận Quý ông. Tôi chỉ ước mong một điều là Quý ông biết thành tâm nghĩ lại, để tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền được thực sự tôn trọng trên quê hương đất nước thân yêu của chúng ta. Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho Quý ông.

Viết tại Phước Vĩnh, Huế, ngày 25-7-2001
Phan Văn Lợi

Nơi nhận:
- Ông Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Linh mục Giáo hội Công giáo Việt Nam
- Ông Chủ tịch UBND thành phố Huế - 90/13 Phan Chu Trinh - Huế
- Ông Giám đốc sở Công an tỉnh TT
- Ông Giám đốc sở Công an tp Huế
- Tòa Tổng Giám mục Huế
- Linh mục Nguyễn Hữu Giải
- Lưu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.