Hôm nay,  

Phỏng Vấn Jean Lacouture - Về: Jean Francois Champollion (1790-1832)

13/01/200100:00:00(Xem: 6047)
Lời Tòa Soạn: Vào thế kỷ thứ 18, Châu Âu thực sự bước vào một kỷ nguyên mới với sự thịnh vượng của tri thức được đặt trên nền tảng duy lý của một loạt những nhà tư tưởng lỗi lạc tạo nên trong lịch sử nhân loại một giai đoạn vàng son từng được mệnh danh là The Enlightenment mà sự khởi thủy của nó chính là những dòng chữ "bừng bừng như lửa" của đại văn hào Pháp Vontaire, kế đó là những tư tưởng mới lạ của Montesquieu, Rousseau, Franklin, Jefferson, để rồi thực sự thăng hoa và rực rỡ qua cuộc Cách Mạng Pháp 1789.

Trong khi Châu Âu đang trải qua những biến đổi long trời lở đất như vậy thì tại một thị trấn nhỏ bé, đèo heo hút gió của vùng Quercy, Pháp Quốc, có một cậu bé cất tiếng khóc chào đời trong sự nghèo nàn, đói rách cùng tăm tối và dốt nát. Năm đó là năm 1790 và cậu bé đó được cha mẹ đặt cho một cái tên bình thường như trăm ngàn những cái tên khác ở nước Pháp thời bấy giờ: Jean Francois.(1) Trong bối cảnh bần hàn của gia đình và lạc hậu của một miền thôn quê như vậy, ít ai có thể ngờ được không đầy 19 năm sau, Jean Francois lại có thể trở thành một giáo sư lừng danh tại một trường đại học danh tiếng của Pháp. Hơn thế nữa, người ta càng không thể ngờ, đúng 32 năm sau, Jean Francois Champollion lại trở thành một học giả thiên tài, một nhà khảo cổ học tài ba, một nhà ngôn ngữ học xuất chúng đã có công đọc được tiếng cổ đại Ai Cập khiến những bí mật từng bị chôn vùi mấy ngàn năm trong những Kim Tự Tháp bỗng nhiên một sớm một chiều được phanh phui, tạo nên những đảo lộn sâu xa cho toàn bộ văn minh nhân loại.

Để có thể tìm hiểu cuộc cuộc hành trình từ trong tăm tối của cảnh ngộ, đói khát của hình hài đi đến chỗ bừng sáng thông tuệ, thức ngộ về kiến thức của Jean Francois Champollion, nhân dịp Xuân Tân Tỵ, Sàigòn Times trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn nhà văn Pháp Jean Lacouture(2) của nguyệt san Unesco, do Hữu Nguyên chuyển ngữ.

Unesco: Qua một số tác phẩm của ông về Jean Francois Champollion, người đọc có cảm tưởng, ông đã đặc biệt tái tạo hình ảnh một con người thực thi sứ mạng cao cả của Unesco trong mục đích tạo cho những nền văn hóa trên thế giới nhích lại gần nhau. Cụ thể là qua tác phẩm của ông, người đọc thấy rõ, toàn bộ cuộc đời ngắn ngủi hơn bốn chục năm của Jean Francois Champollion trước sau phụng sự cho một mục tiêu duy nhất: Tìm ra sự bí mật của ngôn ngữ cổ đại Ai Cập khiến hai nền văn minh Ai Cập và Châu Âu thực sự hòa nhập. Như vậy, động cơ gì và những thực tế, những sử liệu gì đã khiến ông đi tới việc tái tạo một danh nhân lịch sử trong chiều hướng đó"

J.Lacouture: Jean Francois Champollion sinh năm 1790, tức là đúng vào giai đoạn cuối của kỷ nguyên Ánh Sáng, một giai đoạn mà tôi nghĩ Jean Francois Champollion chính là người thừa kế xứng đáng nhất. Nói một cách chính xác hơn, Jean Francois Champollion chào đời được vài tháng trước khi sự kết tinh hoàn hảo nhất của kỷ nguyên The Enlightenment qua bản nhạc có tên Magic Flute của nhà soạn nhạc thiên tài Mozart được trình diễn lần đầu tại Châu Âu.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là Jean Francois Champollion sinh trưởng tại Figeac, một thị trấn nhỏ bé tại miền Quercy của Pháp. Miền này còn chìm đắm trong lạc hậu và không hề được tiếp nhận cho dù là một chút những hào quang văn minh của Kỷ Nguyên Ánh Sáng.

Vì vậy, nếu nhìn vào lịch sự những huyền thoại của văn minh Hy Lạp cổ đại, tôi hoàn toàn ngạc nhiên khi thấy Jean Francois Champollion đã sinh trưởng trong một hoàn cảnh cũng có những nét tương đồng với vị thần Prometheus.(3) Nghĩa là Jean Francois Champollion cũng có một người cha làm nghề bán sách nhưng học vấn chẳng là bao và một người mẹ hoàn toàn dốt nát. Vậy mà Jean Francois Champollion có thể tự mình dứt bỏ được những ràng buộc dốt nát của hoàn cảnh để rồi tiến bước trên con đường kiến thức thênh thang của thế giới, hòa nhập vào sự giao lưu tư tưởng với tầng lớp khoa bảng thượng lưu của nhân loại.

Tôi đồng ý, Jean Francois Champollion đã thực sự khởi hành trên chặng đường kiến thức của mình với sự giúp đỡ của người anh, một người đã dẫn dắt cũng như chỉ đường đi nước bước cho Jean Francois Champollion. Ở đây nói thành thực với ông là tôi không có ý sính từ, nhưng quả thực anh của Jean Francois Champollion chính là "chiếc địa bàn" khiến cho Jean Francois Champollion đi đến được mục tiêu cuối cùng của cuộc đời.

Nhìn vào cuộc đời của hai người, ai cũng thấy đó là một mối quan hệ rất tuyệt vời và chính sự thân thương trong tình nghĩa này là động cơ thúc đẩy tôi đặt bút viết về cuộc đời của Jean Francois Champollion.

Trong cuộc đời của Jean Francois Champollion, tia sáng tri thức đầu tiên rọi vào cuộc đời tăm tối của ông chính là những năm ông theo học trung học và đại học tại Grenoble. Và đó cũng chính là con đường thông thường của tất cả những ai muốn leo lên những nấc thang kiến thức trong giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Nhưng khác với tất cả những người đương thời, Jean Francois Champollion đã lướt trên chặng đường đó với tốc độ diệu kỳ. Cụ thể là khi đặt chân đến Grenoble năm 10 tuổi thì ba năm sau Jean Francois Champollion đã lên trung học. Sau khi theo học tại trường Collège de France và trường Ngôn Ngữ Đông Phương Thực Dụng tại Ba Lê, tài năng của Jean Francois Champollion đã khiến ông được mời làm giáo sư đại học khi mà tuổi đời của ông mới có 19. Như vậy là Jean Francois Champollion đã như một mũi tên bay thẳng từ trong tăm tối và mù lòa của kiến thức đến những vùng sáng lạn và thăng hoa rực rỡ vô cùng của tư tưởng nhân loại.

Trong thời đại hôm nay, người có được những tiến bộ diệu kỳ trên con đường học vấn và trở thành một nhân vật ngoại hạng như Jean Francois Champollion tôi nghĩ chỉ có Taha Hussein, người thuộc Thế Giới Đệ Tam. Như ông đã biết, Taha Hussein là con một người vô học lại mù lòa vậy mà ông ta đã trở nên một giảng sư đại học, một vị bộ trưởng đồng thời để lại cho kho tàng văn chương của nhân loại những tác phẩm vô giá.

Unesco: Trở lại với nhân vật Jean Francois Champollion, ông có đồng ý, ông ta quả là một con người có một bản năng ngoại hạng và một tài năng xuất chúng hay không"

J.Lacouture: Tôi nghĩ tài năng của Jean Francois Champollion nên được nhìn nhận trên ba phương diện. Thứ nhất, Jean Francois Champollion là một nhà ngôn ngữ học siêu đẳng. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngôn ngữ Đông Phương, khả năng ngôn ngữ của Jean Francois Champollion hoàn toàn đặc biệt. Cụ thể, khi Jean Francois Champollion bước vào tuổi 15, ông ta đã nói thông thạo tiếng Ả Rập, tiếng Hebrew, tiếng Ba Tư, tiếng Geez, tiếng Syriac và ngay cả tiếng Aramaic.

Ngoài ra, ông còn có ý học tiếng Hoa trong những ngày Chủ Nhật rỗi rãi nên ông đã viết thư cho người anh yêu cầu gửi cho ông một cuốn văn phạm Hoa Văn. Theo sử liệu để lại thì động cơ chính khiến ông quyết tâm học tiếng Hoa là vì ông nhận thấy tiếng Hoa có thể mang lại cho ông những hữu ích to lớn một khi ông nghiên cứu và tìm hiểu ngữ nghĩa của những văn tự tượng hình Ai Cập cổ đại. Chúng ta cũng không quên vào năm 15 tuổi, ông còn học cả chữ Coptic.

Phương diện thứ hai ta phải thừa nhận, Jean Francois Champollion là một nhà sử học tận tụy và có tinh thần thận trọng. Căn cứ vào những bài giảng của ông tại trường đại học Grenoble còn để lại đến ngày nay thì người ta nhận thấy ngay ở thời điểm đó ông đã nhìn nhận và đánh giá những sự kiện lịch sử một cách có phê phán và phân tích theo chiều hướng tư duy khoa học.

Phương diện thứ ba, tôi nghĩ Jean Francois Champollion là một nhà nghệ sĩ có một cảm quan thẩm mỹ cực kỳ sâu sắc và chính những cảm quan thẩm mỹ đặc biệt này đã trở thành những động lực quan trọng thúc đẩy ông đi tới quyết tâm tìm hiểu những bí mật trong văn tự Ai Cập cổ đại. Tại sao tôi lại có thể nói như vậy" Lý do là ngay từ thuở thiếu thời, Jean Francois Champollion đã bị hớp hồn trước vẻ đẹp diệu kỳ của nền nghệ thuật Ai Cập cổ đại.

Ngay trong những năm tháng đó, Jean Francois Champollion đã linh cảm được những mối liên quan sâu xa giữa nghệ thuật cổ đại Ai Cập và ngôn ngữ Ai Cập và ông tin tưởng chính văn tự Ai Cập là hình thức biểu hiện của nghệ thuật cổ đại Ai Cập. Và chính sự nhậy cảm về nghệ thuật này đã thực sự trở nên một trong những phương tiện giúp ông thâm nhập vào những điều diệu kỳ huyền bí của văn tự Ai Cập cổ đại.

Nói tóm lại, ở Jean Francois Champollion người ta thấy song hành cùng một lúc cả ba tài năng vừa ngôn ngữ học, sử học lại vừa thẩm mỹ học và cả ba lĩnh vực này, người ta đều thấy ông xứng đáng ở vị trí bậc thầy so với những người đương thời.

Nhưng trên tất cả những tài năng đa dạng của ông, tôi còn nhận thấy ông là một người có tấm lòng quảng đại và tình yêu thương vô bờ bến dành cho những người đồng loại. Có thể nói, chính những năm tháng sống bần hàn trong thời kỳ thơ ấu đã khiến ông biết rung động sâu xa trước nỗi đau của nhân thế và ông muốn dồn hết tất cả sự yêu thương thiết tha của mình cho Ai Cập, biến niềm khao khát yêu thương chân thành đó thành nỗi đam mê khám phá những bí mật của một nền văn minh vĩ đại đã khuất bóng, đồng thời nhận ra được chân diện của nó.

Unesco: Liệu tình yêu của Jean Francois Champollion dành cho Ai Cập có được coi là phần nào đi ngược lại những xu hướng tư tưởng căn bản của thời bấy giờ hay không"

J.Lacouture: Sự thực thì Jean Francois Champollion đã lớn lên trong một giai đoạn lịch sử được mệnh danh là "Cơn Khùng Ai Cập" (Egyptomania) hậu quả của những điều kỳ lạ và những món hàng đầy lợi lộc tại Ai Cập. Có thể nói thế kỷ 18 là thế kỷ, Ai Cập trở thành một niềm khao khát chinh phục và sở hữu đối với dân chúng Châu Âu.

Tuy nhiên, bên cạnh những hành động cướp bóc vơ vét những công trình nghệ thuật cho mục tiêu lợi nhuận của thời bấy giờ, ta cũng phải thừa nhận có nhiều trường hợp đi tìm kiếm những công trình nghệ thuật trong niềm say mê kiến thức và hoàn toàn bất vụ lợi. Jean Francois Champollion chính là trường hợp thứ hai này.

Unesco: Thực sự thì nỗi khao khát thuộc địa là khuynh hướng chung của những thế lực hùng mạnh tại Châu Âu lúc bấy giờ đối với tất cả mọi nơi trên thế giới chứ không riêng gì Ai Cập. Tuy nhiên, người ta cho rằng Ai Cập lúc đó được coi là một đối tượng có sức quyến rũ đặc biệt vì ở thời điểm The Enlightenment, Châu Âu đã linh cảm, Ai Cập là vùng đất tiềm tàng những kỳ bí vô tận, cội nguồn của sự thông thái có giá trị to lớn đối với toàn nhân loại. Theo ông, quan niệm này thế nào"

J.Lacouture: Theo tôi, thời kỳ này có thể coi là thời Phục Hưng Đệ Nhị. Vì nếu như thời Phục Hưng Đệ Nhất xẩy ra vào thế kỷ 16 với sự khám phá những dấu ấn của nền văn minh cổ đại Hy La (Hy Lạp và La Mã) thì thời Phục Hưng Đệ Nhị đã xẩy ra vào thế kỷ 18 với sự phát hiện một loạt nền văn minh cổ đại nằm dọc thềm lục địa phía đông của Địa Trung Hải như nền văn minh Assyria, nền văn minh Babylon, nền văn minh Ba Tư và trên tất cả là nền văn minh Ai Cập.

Nói cách khác, giai đoạn này chính là giai đoạn Châu Âu đang khao khát đi tìm kiếm những nền văn minh khác trên thế giới trong mục đích khám phá toàn thể địa cầu. Và đây chính là yếu tố then chốt nhất và là linh hồn của thế kỷ 18, thế kỷ được mệnh danh là The Enlightenment.

Cũng chính vì yếu tố này, người ta đột nhiên nhận ra một thực tế hoàn toàn sống động: Nhân loại là một cái gì hợp nhất không thể phân chia cho dù nhân loại sống tản mát, để lại những dấu ấn của mình ở khắp mọi nơi trên hành tinh này. Và như vậy, ta cũng nhận thấy tính nhân bản là một cái gì phổ quát có tính toàn cầu, chứ không gò bó một cách khuôn sáo trong bối cảnh riêng của Châu Âu như người ta thường quan niệm ở thế kỷ 16.

Giống như những nhân vật Ba Tư trong tác phẩm của Montesquieu, những kẻ Mọi Rợ trong chuyện của Diderot và con người tự nhiên trong học thuyết của Rousseau, bản thân Jean Francois Champollion cũng tự vấn mình ai mới thực sự là những kẻ Mọi Rợ sau khi Jean Francois Champollion chứng kiến một bộ lạc da đỏ thăm viếng viện bảo tàng Louvre.

Hơn thế nữa, cùng với những nhận thức về sự vật chung quanh mình, Jean Francois Champollion còn nhận thấy thế giới không chỉ hiện hữu và tồn tại trong bối cảnh không gian mà nó còn tồn tại trong bối cảnh thời gian xuyên suốt các thế kỷ, các thiên niên kỷ. Nói cách khác, Jean Francois Champollion nhận thấy ở thế kỷ 18 nhân loại đã hiện hữu và tồn tại ở Trung Hoa, ở Moroco, ở Peru không kém gì sự hiện hữu của nhân loại tại Pháp Quốc. Bên cạnh đó Jean Francois Champollion còn nhận thấy nhân loại chẳng phải chỉ tồn tại ở thế kỷ 18, mà nhân loại đã có mặt từ hơn 45 thế kỷ trước khi những Kim Tự Tháp bắt đầu được đặt nền móng.

Như vậy là cùng với sự khám phá nội dung và nghĩa ngữ của văn tự Ai Cập cổ đại, Jean Francois Champollion đã thực sự tạo nên một khám phá kỳ diệu, đào lên từ trong những hoang tàn của quá khứ, trong tro bụi của thời gian để rồi tiến gần tới những cội rễ đầu tiên của nền văn minh nhân loại. Chính nhờ sự phát hiện của Jean Francois Champollion về nền văn minh cổ đại Ai Cập, toàn bộ những định kiến sai lầm lúc bấy giờ về nguồn gốc cũng như nền tảng văn minh của nhân loại đã bị đảo lộn.

Tóm lại, trong nhãn quan của Jean Francois Champollion thì Ai Cập chính là nơi thiêng liêng có tầm mức quan trọng đáng được coi là chiếc nôi đầu tiên của lịch sử, cội nguồn của nền văn minh nhân loại. Tại Ai Cập, Jean Francois Champollion nhìn thấy những đơn vị xã hội đầu tiên có tổ chức được thành hình đặt nền tảng cho nền văn minh Hy La để rồi từ nền văn minh Hy La, văn minh Ai Cập xâm nhập vào Châu Âu và cùng với năm tháng để lại tại Châu Âu những lớp phù sa mầu mỡ.

Unesco: Nhưng điều quan trọng ông nên nhớ là Jean Francois Champollion đã thu thập được những tin tức về Ai Cập hoàn toàn sớm sủa qua việc giao tiếp trực tiếp với những người từng sống ở Ai Cập thời trước đó"

J.Lacouture: Tôi đồng ý với ông về điều này và nhân tiện điều ông vừa nói tôi cũng cho ông biết chính căn bệnh "Cơn Khùng Ai Cập" đã là động lực tạo nên cuộc viễn chinh của Nã Phá Luân thời bấy giờ. Dĩ nhiên cho đến nay người ta có thể không đồng ý về chuyện tốt xấu liên quan đến cuộc viễn chinh đó nhưng có một điều chắc chắn là chính cuộc viễn chinh này đã tạo nên những đóng góp quan trọng đáng chiêm ngưỡng trong lĩnh vực khoa học.

Cụ thể, chính cuộc viễn chinh của Nã Phá Luân thời bấy giờ đã mang đến ba vật báu vô giá có công nuôi dưỡng những nguồn cảm hứng sâu xa cho những công trình nghiên cứu sau này. Trong đó đặc biệt nhất phải kể đến việc khám phá ra ý nghĩa văn tự Ai Cập của Jean Francois Champollion. Ba vật báu vô giá đó là cuốn Địa Lý Ai Cập, thiên hồi ký bằng tranh của Vivant Denon và miếng Cổ Thạch Rosetta.(4)

Trong thập niên đầu của thế kỷ 19, những nhà khoa học tại Châu Âu đã bắt đầu chú ý vào thiên hồi ký của Vivant Denon đồng thời nghiên cứu Cổ Thạch Rosetta và cuốn Địa Lý Ai Cập cũng được chính thức xuất bản. Ở thời điểm này, Jean Francois Champollion cũng bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành và chính sự trùng hợp giữa tài năng cực thịnh của Jean Francois Champollion được nẩy nở đúng vào lúc một loạt những kỳ bí của Ai Cập được tích lũy đang chờ đợi được khai phá, có thể nói là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên và cực kỳ may mắn cho nhân loại.

Bên cạnh sự ngẫu nhiên đầy định mệnh đó, Jean Francois Champollion còn may mắn được gặp ba nhân vật ngoại hạng của thời bấy giờ là Joseph Fourier, Raphael de Monachis và Cheftitchi. Cả ba nhân vật này đều là những người đã trực tiếp tham gia cuộc viễn chinh Ai Cập của Nã Phá Luân. Điều kỳ lạ và cũng may mắn là chính Nã Phá Luân lại có quyết định chỉ định Joseph Fourier, một nhà vật lý học hàng đầu của Pháp Quốc thời bấy giờ từng tham gia cuộc viễn chinh Ai Cập với Nã Phá Luân, làm thị trưởng thành phố Grenoble. Để rồi ngay tại thành phố này, Joseph Fourier gặp gỡ Jean Francois Champollion và nhờ Jean Francois Champollion viết lời tựa cho tác phẩm Địa Lý Ai Cập.

May mắn hơn nữa là trong thời gian đó một linh mục gốc Hy Lạp và Syria tên là Raphael de Monachis đã ghé thăm Joseph Fourier tại Grenoble và trong chuyến ghé thăm này ông thành người bạn tri kỷ của hai anh em Jean Francois Champollion. Chính tình bạn tri kỷ này đã giúp Jean Francois Champollion có dịp thăng tiến vốn liếng ngôn ngữ Ả Rập.

Ngẫu nhiên quan trọng nhất không thể không đề cập đến ở đây là việc một linh mục người Coptic tên là Cheftitchi được bổ nhiệm làm cha phó tại một nhà thờ gần ngay nhà của Jean Francois Champollion. Chính nhờ sự giúp đỡ của vị linh mục Cheftitchi này nên Jean Francois Champollion có cơ hội mài rũa vốn liếng về tiếng Coptic, một thứ tiếng Jean Francois Champollion coi là chìa khóa quan trọng trong việc nghiên cứu những bí mật của văn tự Ai Cập cổ đại.

Thực ra thì đến nay ai cũng phải thừa nhận, chính sự hiểu biết về tiếng Coptic của Jean Francois Champollion đã là yếu tố quan trọng khiến ông có một lợi thế hơn hẳn những nhà khảo cổ đương thời trên con đường khai quật những bí mật chìm đắm từ ngàn xưa trong văn tự Ai Cập cổ đại. Tóm lại, tôi nghĩ không có phát hiện lớn lao nào trong lịch sử nhân loại lại không có sự may mắn phù trợ. Riêng trường hợp của Jean Francois Champollion, tôi nghĩ sự may mắn đã mỉm cười một cách hào phóng với ông không phải một lần mà có thể nói nhiều lần.

Unesco: Nhưng Jean Francois Champollion đã không phải bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình từ con số không, thưa ông" Thực tế cho thấy nhiều công trình nghiên cứu đã được thực hiện và nhiều nhà khoa học cũng đang nghiên cứu về những bí mật của văn tự Ai Cập cổ đại trong thời bấy giờ...

J.Lacouture: Tôi đồng ý với ông là Jean Francois Champollion cũng tương tự như tất cả những nhà phát minh khác trong lịch sử nhân loại, ông đã ít nhiều thừa hưởng những phát minh trước đó cũng như trong giai đoạn đó. Tôi cũng đồng ý là không có một phát minh nào hay một phát hiện nào trên thế giới này mà không ít nhiều thừa hưởng công lao của những người đi trước.

Trong số những công lao to lớn của những người đi trước Jean Francois Champollion, tôi nghĩ người đầu tiên phải kể đến là Kircher, một nhà khảo cổ lừng danh ngay từ thế kỷ 17 đã đưa ra giả thuyết cho rằng ngôn ngữ cung đình của những triều đại vua chúa ngày xưa trong thời Ai Cập cổ đại chính là thứ ngôn ngữ hiện đang được dùng để nguyện cầu trong những nhà thờ Coptic tại thủ đô Ai Cập. Giả thuyết này là yếu tố quan trọng nhất, định hướng cho những cuộc nghiên cứu tìm tòi về sau của Jean Francois Champollion.

Công lao thứ hai ta phải kể đến ở đây là công lao của Barthélemy, người đã đưa ra một giả thuyết qúy báu khi ông cho rằng những hình bầu dục bao chung quanh những nhóm văn tự Ai Cập chính là những miếng có ghi tên những vị vua Ai Cập thời cổ đại. Như ta đã biết, số vị vua Ai Cập trong thời cổ đại chỉ có khoảng vài chục người nên người ta nhận thấy chỉ có thể có vài chục cách đọc có thể được ghi nhận đối với tên của những vị vua này.

May mắn hơn là trên miếng Cổ Thạch Rosetta người ta thấy chỉ có vài hình bầu dục mà người ta tin một trong những hình bầu dục đó có ghi tên vị vua Ptolemy vì tên vị vua này đã được đề cập đến trong những bản dịch ra tiếng Hy Lạp ở thời bấy giờ.

Công lao thứ ba chính là sự đoan quyết của Niebuhr và Zoéga về những liên quan phải có giữa văn tự Ai Cập cổ đại và những đơn vị âm tố trong ngôn ngữ thường đàm. Sự đoan quyết này thực sự được thành hình vào cuối thế kỷ 18, ngay trước khi Cổ Thạch Rosetta được phát hiện không lâu.

Nhưng trong số những người có công lao đặt nền tảng cho sự phát hiện của Jean Francois Champollion sau này, nhân vật có công lao nhất là nhà vật lý học người Anh tên là Thomas Young. Nhưng nếu những phát hiện của Young chỉ là những phát hiện có tính cách ngẫu nhiên thì trái lại những phát hiện của Jean Francois Champollion mới là những phát hiện có phương pháp khoa học đi đến những thức ngộ to lớn khiến cho toàn bộ những bí mật từng ấp ủ mấy ngàn năm trong văn tự Ai Cập cổ đại được phơi bầy dưới ánh sáng của nhân loại một cách có hệ thống.

Hữu Nguyên

Chú Thích:

(1) Jean Francois Champollion (1790-1832) là một nhà khảo cổ học thiên tài người Pháp tuy hưởng dương chỉ có 42 năm, nhưng ông đã đặt nền tảng khoa học cho việc nghiên cứu cũng như phát hiện ra ý nghĩa cũa văn tự Ai Cập cổ đại.

(2) Jean Lacouture là một ký giả người Pháp từng có công lớn lao trong việc tái tạo cũng như thức tỉnh nền văn minh của những quốc gia nhược tiểu đồng thời ông cũng còn là một nhà văn tài ba để lại những tác phẩm danh tiếng có kích thước trên văn đàn thế giới trong đó có tác phẩm "Champollion, une vie de Lumières" xuất bản năm 1988 tại Ba Lê.

(3) Theo huyền thoại của Hy Lạp cổ đại, Prometheus nguyên là một á thần vì thương loài người sống trong tăm tối và lạnh giá nên đã ăn cắp lửa đem cho nhân loại. Sau khi biết được hành động này, thần Zeus, chúa tể của các thần liền xiềng Prometheus vào đỉnh núi Caucasus cho ác điểu moi gan ban ngày, nhưng đêm đến thì vết thương lại lành như cũ, để rồi ngày hôm sau, lại trải qua cực hình bị ác điểu moi gan.

(4) Cổ Thạch Rosetta (Rosetta Stone) nguyên là một miếng cổ thạch có giá trị lịch sử liên quan đến nền văn minh cổ đại Ai Cập được phát hiện vào thời kỳ Nã Phá Luân viễn chinh và chiếm đóng Ai Cập. Trên phiến cổ thạch này có ghi những di chiếu của vua Ptolemy Đệ Ngũ theo kiểu chữ tượng hình. Hiện nay Cổ Thạch Rosetta được trình bầy tại Viện Bảo Tàng Anh Quốc và được coi là một trong những di vật vô giá của nền văn minh Ai Cập nói riêng cũng như của văn minh nhân loại nói chung.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.