Hôm nay,  

Góp Ý Bản Báo Cáo Chính Trị: Khoan Theo Chủ Nghĩa Xh

13/10/200000:00:00(Xem: 3969)
(Các văn kiện chuẩn bị đại hội Đảng CSVN cho thấy nhóm người lãnh đạo đảng vẫn âm mưu tiếp tục bưng bít để lèo lái đất nước vào ngõ cụt theo con đường mơ hồ “chủ nghĩa xã hội”, không nhìn vào thực tế sai lầm đã đưa đất nước đến tình trạng nghèo khổ tụt hậu hiện nay. Đã có nhiều góp ý phản ánh, vạch trần âm mưu này của lãnh đạo đảng qua các dự thảo văn kiện và báo cáo chính trị cho kỳ họp đại hội đảng sắp tới. Trong tinh thần nối kết vì tự do dân chủ cho đất nước, Nối kết xin chọn gửi đến các bạn loạt thư góp ý sâu sắc của chính một đảng viên lão thành kỳ cựu trong đảng nhìn rõ vấn đề đang mang nặng “nổi sĩ nhục kéo dài của cả dân tộc” mà đảng đã góp phần tạo ra.)

Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2000
8 Nguyễn Thượng Hiền

*

Thư số 1
Kính gửi: Bộ Chính trị Trung ương Đảng

Tôi đã được đọc các dự thảo văn kiện Đại hội IX và đã được nghe đ/c Trọng giới thiệu nội dung BCCT trong buổi họp do Bộ Chính trị triệu tập các cán bộ lão thành đầu tháng 8 vừa qua.
Ấn tượng ban đầu của tôi và một số đồng chí đều thấy việc chuẩn bị các văn kiện có nhiều tiến bộ, công phu và bước đầu đã nêu lên được nhiều vấn đề rất đúng đắn, ví dụ như:
- Bổ sung vấn đề dân chủ vào mục tiêu chung.
- Nhấn mạnh vấn đề động lực chủ yếu để phát triển đất nước là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của đại đoàn kết dân tộc, phát huy khả năng tất cả các thành phần kinh tế (trang 16).
- Nhận rõ mục tiêu: “Vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh” (trang 16).
- Thừa nhận công tác lý luận còn nhiều yếu kém, bất cập, không theo kịp đà phát triển của thực tiễn và chưa giải đáp được nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình “Đổi mới” (trang 12).
...v.v...

Tuy vậy, tôi thấy nội dung dự thảo còn nhiều vấn đề cần được trao đổi, kể cả một số vấn đề quan điểm cơ bản, tránh việc quay trở lại những sai lầm trước đây đã từng đưa đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội toàn diện và kéo dài (1978-1989).

Trong các thư tiếp theo, tôi sẽ lần lượt đóng góp ý kiến của tôi với Trung ương.
Trong thư này (tôi coi là thư thứ nhất), tôi xin góp ý kiến vào việc phát huy dân chủ trong thảo luận phản ảnh thái độ thực tâm lắng nghe ý kiến của nhân dân trong quá trình trưng cầu ý kiến đóng góp của cán bộ, của nhân dân và của giới trí thức vào dự thảo văn kiện Đại hội IX.

Qua theo dõi báo chí, nhất là báo Nhân dân, tôi có cảm giác Đảng đang cho tuyên huấn, báo chí đang làm công tác tuyên truyền, cổ động học tập quán triệt dự thảo Báo cáo Chính trị, nhấn mạnh sự đồng ý tuyệt đối với dự thảo. Tôi cho rằng, đó chỉ là nhiệm vụ của công tác tuyên huấn sau khi có nghị quyết chính thức của Đại hội IX. Còn trong thời gian từ nay tới Đại hội, nhiệm vụ chính là cần khéo léo khêu gợi, với một thái độ khiêm tốn lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, của nhân dân, của giới trí thức (kể cả người ngoài Đảng) đóng góp thêm cho dự thảo được đầy đủ, đúng đắn, sửa chữa kịp thời những ngận định, đánh giá chưa sát hợp.

Vì vậy, báo chí chớ làm rùm beng quá sớm về sự nhất trí với nghị quyết, dù đó là ý kiến khá phổ biến hiện nay do nhiều nguyên nhân.

Tôi đề nghị hoặc Trung ương Đảng, hoặc báo Nhân dân, cần thông báo công khai hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp (kể cả ý kiến tán thành, hay chưa tán thành, kể cả ý kiến trái ngược với dự thảo). Báo Nhân dân và các báo khác không chỉ đăng các ý kiến đồng tình mà cần phải đăng cả các ý kiến trái ngược với dự thảo, thậm chí cả những kiến nghị đưa ra những dự án khác với dự thảo.

Tôi nghĩ, Trung ương Đảng và báo Nhân dân nên biểu thị sự thành thực, lưu tâm lắng nghe một cách thực sự chứ không phải là một thủ đoạn chính trị một thái độ khôn khéo tạm thời. Đấy mới là phong cách thực sự dân chủ trong thảo luận, trong trưng cầu ý kiến.

Tôi nghe nói, Hội đồng Toàn quốc ĐCS Pháp trong kỳ Đại hội lần thứ 29, còn dám đưa ra cho toàn Đảng không phải chỉ 1 dự án mà là 4 dự án để cho các đảng bộ cơ sở thảo luận thoải mái, sâu rộng mà không sợ kẻ địch lợi dụng quấy rối. Tôi thiển nghĩ nên tham khảo kinh nghiệm đảng bạn.

Kính
(ký tên)
Lê Giản
Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2000
8 Nguyễn Thượng Hiền

*

Thư số 2
Kính gửi: Bộ Chính trị

Trong thư số 2 này, tôi xin đưa ra một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo BCCT.

I. MẤY NHƯỢC ĐIỂM CỦA DỰ THẢO BCCT.
Dự thảo có ý định tổng kết thế giới trong thế kỷ 20, tổng kết nước Việt Nam trong thế kỷ 20 và trong 15 năm qua. Đáng tiếc là nội dung tổng kết còn hời hợt, nông cạn, chủ quan, còn nhiều lệch lạc, dẫn đến những nhận định và đặt ra những phương hướng công tác tới đây chưa thật sát hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.

Xin nêu mấy ví dụ:

1) Dự thảo cần tập trung nhấn mạnh trạng thái nghèo khổ của đất nước so với thế giới. Hiện nay, tính GDP bình quân đầu người, nước ta chỉ bằng 1/12 bình quân của thế giới, xếp thứ 180 trong 210 nước, thuộc nhóm những nước nghèo nhất. Nếu xếp theo chỉ số phát triển con người (HDI), nước ta còn đứng thứ 110.
Nhấn mạnh trạng thái nghèo khổ để tạo nên một ý chí quyết tâm vượt lên cảnh nghèo khổ, nổi sĩ nhục kéo dài của cả dân tộc. Nhưng dự thảo chưa phản ảnh đúng mức được điểm quan trọng này: do đó, có thể gây nên tư tưởng tự mãn với những tiến bộ trong 10 năm vừa qua.

2) Dự thảo cần nêu rõ tình hình ngay trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, thế giới đã bước vào quá trình toàn cầu hóa, vào một thời đại mới, thời đại văn minh thông tin, vào nền kinh tế trí thức. Nhưng Dự thảo đã không nói tới mấy điểm đó khi điểm lại thế kỷ 20 mà chỉ coi đó là những trạng thái sẽ xảy ra khi dự báo về thế kỷ 21.

3) Khi nhìn lại nước Việt Nam trong thế kỷ 20, bên cạnh sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cần phải điểm lại cả quá trình nhân dân ta đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa 100 năm qua, rút ra những bài học bổ ích. Đáng tiếc Dự thảo mới chú ý tổng kết việc xây dựng chủ nghĩa xã hội (trang 4).

4) Khi đi vào tổng kết việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần nói cả thời gian 25 năm qua - 1975-2000, Dự thảo chỉ nhấn mạnh thắng lợi của sự nghiệp đổi mới mà không phân biệt hai thời kỳ: Thời kỳ khủng hoảng kinh tế-xã hội (1978-1988) và thời kỳ Đổi mới (1989-2000); và phân tích nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng đó, cũng như phân tích nội dung và bản chất của công cuộc Đổi mới, những thái độ khác nhau hiện nay đối với sự nghiệp Đổi mới và rút ra những bài học đích đáng qua sự nghiệp Đổi mới.

5) Dự thảo chưa đi vào phân tích sâu sắc tình hình tham nhũng đang ngày càng phát triển và sự bất lực của công tác đấu ranh, chưa phân tích nguyên nhân của sự tha hóa của một số khá nhiều cán bộ đương chức, đương quyền, cũng như những sự kiện đã diễn ra ở nông thôn ở nhiều địa phương (điển hình là sự kiện ở hơn 100 xã của Thái Bình), tình hình tệ nạn xã hội (ma túy, mãi dâm). Như vậy, Dự thảo chưa đi vào lý giải nhiều vấn đề cốt tử, quan trọng của đời sống xã hội hiện nay.

II. DỰ THẢO BCCT VÀ NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ TRUNG TÂM CỦA ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI GIAN TỚI

Thế giới mấy thập kỷ gần đây đã đi vào quá trình toàn cầu hóa và đã bắt đầu chuyển sang một thời đại mới, thời đại của nền văn minh tin học và kinh tế tri thức - đây là một bước ngoặc lịch sử có ý nghĩa cực kỳ trọng đại và cũng là một thách thức gay gắt đối với nước ta.

Nếu chúng ta không biết tận dụng cơ hội này, nâng cao năng lực nội sinh, đối với cách nghĩ, cách làm, bắt kịp trí thức mới của thời đại, đi thẳng vào những ngành kinh tế dựa vào trí thức và công nghệ cao, thực sự đi tắt dần dần thì đất nước sẽ tụt hậu rất xa.

Do đó, chúng ta không thể rập khuôn theo mô hình công nghiệp hóa mà các nước đi trước đã đi. Chúng ta không thể đặt vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm độc lập tự chủ trong kinh tế theo các quan niệm của các Đại hội IV, VII, VIII đã nêu trước đây: cần phải chuyển hướng toàn bộ các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, hành chính sang một quỹ đạo mới đi thẳng vào nền kinh tế trí thức.

Kinh tế trí thức là vận hội ngàn vàng để nước ta có thể nhanh chóng thoát khỏi cảnh nghèo khổ, tiến tới dân giàu, nước mạnh.

Chính vì vậy. Đại hội IX cần tập trung xây dựng một chiến lược mới đi vào nền kinh tế trí thức trong điều kiện toàn cầu hóa.

III. XÁC ĐỊNH RÕ HƠN CÁC MỤC TIÊU CẤP BÁCH, TẠM GÁC LẠI KHẨU HIỆU CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Theo tôi nghĩ, chúng ta cần nêu cao mục tiêu trọng tâm, cấp bách là “Bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế ổn định, bền vững, tiến tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Tôi đề nghị: nên tạm gác lại khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội, với các căn cứ sau đây:

1) Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn kiện cực kỳ quan trọng cuối đời của Người, được viết từ năm 1965 và được xem xét, bổ sung hằng năm sau đó, chính Người đã không nói tới chủ nghĩa xã hội trong mục tiêu của đất nước Việt Nam:
“Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

2) Trong 70 năm qua, đã nhiều lần bác Hồ và Đảng ta tạm gác khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội, ví như:
- Khi thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941, Bác Hồ đã tạm gác khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội, nhờ đó đã dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Trong ngày Lễ 2/9/1945, khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ không nói gì tời chủ nghĩa xã hội.
- Trong cương lĩnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 2/1962), Bác Hồ và Đảng ta không nói gì tới chủ nghĩa xã hội.
- Trong nghị quyết của Bộ Chính trị về Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất (số 07/NQTW ngày 17/11/1993), khi nói về Nhiệm vụ chung của Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết không nói gì tới chủ nghĩa xã hội.

3) Sở dĩ Đảng ta xác định chủ nghĩa xã hội phải là mục tiêu của cả dân tộc chính là xuất phát từ luận điểm của chủ nghĩa Mác cho rằng: “Chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ bị chủ nghĩa xã hội thay thế, sự vận động tự thân của chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến đấu tranh giai cấp gay gắt giữa tư sản và vô sản, cuối cùng dẫn đến cách mạng vô sản và giai cấp vô sản sẽ giữ nhiệm vụ là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản...”.

Nhưng sự vận động thực tế của các nước tư bản phát triển (hoặc ta lấy 7 nước G7, hoặc lấy 25 nước trong khối OECD) trong suốt thế kỷ 20, đã chứng minh tính không đúng của các luận điểm của Mác.

Thế kỷ 20 cũng chứng minh sự không đúng của Lênin cho rằng, chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng, giai đoạn giãy chết của chủ nghĩa tư bản.

4) Tất cả các nước đã đi vào mô hình chủ nghĩa xã hội Mác-xít trong thế kỷ 20 đều không thành công, phần lớn đã tan vỡ, kể cả Liên Xô, thành trì của phe xã hội chủ nghĩa. Tình hình đó không phải chỉ là thoái trào tạm thời của chủ nghĩa xã hội mà quan trọng hơn, đó là bài học chứng tỏ mô hình chủ nghĩa xã hội Mác-xít là không phù hợp với quy luật của sự phát triển xã hội.

5) Hàng trăm nước trên thế giới, kể cả nhiều nước kém phát triển trước đây, không đi theo chủ nghĩa xã hội, đã vượt xa nước ta xét theo GDP bình quân đầu người, hoặc chỉ số phát triển con người (HDI).

6) Mô hình chủ nghĩa xã hội Mác-xít, thể hiện bằng đường lối của Đại hội IV của Đảng ta, thực tế đã đẩy nước ta vào cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội toàn diện và kéo dài suốt 10 năm trước đây (1978-1988).

7) Thực ra, chủ nghĩa xã hội là gì, cho tới nay vẫn là một ẩn số. Trong các tác phẩm của Mác, Anghen, Lênin, đó chỉ là dự đoán dựa trên cơ sở sự phê phán chủ nghĩa tư bản. Khi nó trở thành hiện thực ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây với các đặc trưng: chế độ công hữu , kế hoạch hóa tập trung, phủ nhận kinh tế thị trường, chuyên chính vô sản..., cuối thập kỷ 80, tất cả đã đi đến chỗ đổ vỡ.
Còn Trung quốc hiện nay thì cho rằng, phải 100 năm nữa mới có chủ nghĩa xã hội (").
Cương lĩnh của Đảng ta trong Đại hội VII về chủ nghĩa xã hội chẳng qua cũng chỉ là dự đoán, chưa có gì chứng minh khi ta chỉ nói đến “định hướng xã hội chủ nghĩa” (").

8) Nếu ta cứ chủ trương nêu cao khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội trong tình hình hiện nay thì khó thực hiện được chiến lược đại đoàn kết toàn dân, khó thể tranh thủ được sự ủng hộ của số đông kiều bào ở ngoài nước và do đó, sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Từ đó tôi kiến nghĩ nên suy nghĩ thay đổi tên nước, không gọi là Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nên lấy tên là Việt Nam, hoặc Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà.

Trên đây là một số kiến nghị bước đầu của tôi, nếu có gì sai sót mong TW chỉ bảo.
Kính

(ký tên)
Lê Giản

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.