Hôm nay,  

Cuộc Cải Cách Ruộng Đất (bài 3): Hậu Quả

23/02/200600:00:00(Xem: 6415)
- HẬU QUẢ GẦN

Cộng sản độc quyền đất đai: Theo nguồn tin từ phía Liên Xô, cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) đã tịch thu 702,000 mẫu tây ruộng đất, 1,846,000 nông cụ, 107,000 trâu bò, 22,000 tấn thực phẩm. Tất cả những thứ đó đã được chia lại cho 1,500,000 gia đình nông dân và bần nông. Như thế mỗi gia đình nhận được 0,46 mẫu tây, một nông cụ, và những gia đình 13 người mới nhận được một con trâu hay bò. Theo tác giả Bernard Fall, một gia đình nông dân bốn người cần có ít nhất 1,5 mẫu tây để bảo đảm đời sống, đó là chưa kể đến thuế nông nghiệp phải đóng hằng năm.(Bernard Fall, sđd. tt. 271, 282.)

Sự phân chia đất đai theo đơn vị gia đình, dựa trên số thành viên thực sự lao động và không dựa trên giới tính. Ví dụ một gia đình 5 người, hai vợ chồng và 3 người con mà chỉ có 2 vợ chồng và người con lớn nhất (dầu trai hay gái) thực sự làm nông thì được chia 3 phần. Đây là lần đầu tiên người phụ nữ được chia đất. Cách thức chia đất không phân biệt giới tính đã được người cộng sản Trung Hoa thực hiện trong các cuộc CCRĐ tại những vùng do họ chiếm đóng từ trước năm 1949. Việc nầy nhắm phá bỏ phá bỏ quan niệm trọng nam cổ truyền và tục lệ chỉ chia ruộng đất trong làng cho các đinh (nam) dưới chế độ quân chủ trước đây.

Thuế nông nghiệp tính trung bình 17 ký lúa trên một đầu người trong gia đình. Thuế đóng bằng lúa phơi khô, quạt sạch rồi gánh đến nạp kho cơ quan thu thuế. Một điều làm cho nông dân khổ sở nữa là cách cân của các cán bộ cộng sản luôn luôn vượt quá mức quy định. Thuế nầy lại lũy tiến hằng năm, nên mỗi năm mỗi cao. Thuế nông nghiệp có thể đóng bằng tiền, và giá lúa quy định lại cao hơn giá thị trường. Nhiều nông dân không chịu nổi thuế nông nghiệp, đem trả lại đất được phân phối nhưng không ai dám nhận; nông dân phải tiếp tục giữ đất để canh tác. Thiếu hỗ trợ về vốn, lúa giống, dụng cụ canh tác, trâu bò..., mức sản xuất xuống thấp hơn so với trước kia.

Tuy chia đất cho nông dân, nhưng sau cuộc CCRĐ, CSVN tổ chức những hợp tác xã nông nghiệp, và ép nông dân phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Quá khiếp sợ trước cảnh tra tấn trong CCRĐ, không một nông dân nào dám phản đối. Thế là tất cả nông dân phía bắc vĩ tuyến 17 đều phải gia nhập hợp tác xã nông nghiệp. Khi vào hợp tác xã, ruộng đất riêng tư của nông dân đều phải nạp cho hợp tác xã, và trở thành ruộng đất tập thể của hợp tác xã. Thế là chẳng những số đất đã được chia, mà cả đất đai do cha ông để lại, cũng đều bị lọt vào tay hợp tác xã, tức vào tay nhà cầm quyền cộng sản. Toàn thể nông dân nay trở thành vô sản, và nhà cầm quyền CS trở thành chủ nhân ông độc quyền của tất cả ruộng đồng nông thôn. Thật là một tiến trình cướp đất rất hoàn hảo, mà không một nông dân nào dám lên tiếng tố cáo.

Số lượng người bị giết: Những địa chủ "Việt gian" hay địa chủ "cường hào ác bá" đều bị tử hình. Trong trường hợp họ đã qua đời trước đó lâu ngày, vợ con họ bị đem ra xét xử và kết quả không khác. Những địa chủ Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) hay Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách), dầu đã theo VM tham gia kháng chiến cũng bị tử hình. Những địa chủ các đảng bù nhìn của chế độ Hà Nội như đảng Dân Chủ, đảng Xã Hội cũng chịu y số phận. Một trường hợp cụ thể được dân Nghệ An nhắc đến là ông Vương Quan, trước làm ở tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau năm 1945 là chủ tịch huyện Nam Đàn, rồi đứng ra làm chủ tịch đảng Dân Chủ tỉnh Nghệ An, cũng bị tử hình trong đợt CCRĐ cuối cùng sau năm 1954. Những địa chủ khác, kể cả địa chủ đảng viên đảng LĐ, cũng bị kết án từ 5 đến 20 năm khổ sai.

Một khi bị tử hình, bản án tử hình được thi hành ngay tại chỗ bằng nhiều cách: bị bắn, bị trấn nước chết, bị phơi nắng (không được ăn uống), hoặc bị đánh đập cho đến chết. Nhiều khi nạn nhân qua đời, thân nhân không được cho phép chôn cất, xác bị để phơi nắng mưa. Gia đình quá đau lòng, phải hối lộ các chức việc, rồi ban đêm đến ăn cắp xác đem đi chôn.

"Một xã có từng nầy bần cố nông thì theo kinh nghiệm Trung Quốc, nhất định phải có bằng nầy địa chủ." Ông Nguyễn Văn Trấn, một đảng viên miền Nam đã tham dự khóa học về CCRĐ ở Trung Cộng, cho biết cố vấn Trung Cộng đã dạy như thế. (Nguyễn Văn Trấn, sđd. tr. 167.) Mỗi tỉnh phải đạt chỉ tiêu truất hữu ruộng đất của các địa chủ là 5% dân số. Thực tế cho thấy thành phần địa chủ đúng theo quy định của luật CCRĐ lúc đó ở miền Bắc ít hơn số 5%. Lý do chính là đồng bằng miền Bắc hẹp, lại đã được khai thác trong thời gian quá lâu. Tài sản đất đai cha ông để lại chia cho con cái thừa kế trong gia đình qua nhiều đời, mỗi đời lại phân chia nhỏ thành nhiều mảnh, nên giới địa chủ trên 3 mẫu (ta) rất ít oi. Số địa chủ, theo quy định của luật CCRĐ do đảng LĐ đưa ra, không đạt chỉ tiêu 5%. Ban cải cách liền đôn hạng địa chủ, nghĩa là có nhiều nơi những phú nông hay trung nông theo quy định cũ, nay được đôn lên thành địa chủ, và cũng bị đấu tố như các địa chủ khác, cho đủ chỉ tiêu cấp trên quy định.

Dựa vào tài liệu các nước ngoài, giáo sư Lâm Thanh Liêm, đã từng giảng dạy tại Đai học Văn khoa Sài Gòn và Huế trước năm 1975, cho rằng số người bị giết trong cuộc CCRĐ năm 1955-1956 ở Bắc Việt có thể lên đến từ 120,000 đến 200,000 người. (Lâm Thanh Liêm, bđd., sđd. tt. 203-204.)

Theo sách Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2, viết về giai đoạn 1955-1975, xuất bản tại Hà Nội năm 2004, tức là một tài liệu mới của nhà cầm quyền Hà Nội, cho biết cuộc CCRĐ đợt 5 (1955-1956) được thực hiện ở 3,563 xã, có khoảng 10 triệu dân, và tổng số người bị sát hại trong CCRĐ đợt nầy lên đến 172,008 người, trong đó có 123, 266 người (71,66%) sau nầy được xác nhận đã bị giết oan.

Trong số 172,008 nạn nhân, bảng thống kê cho biết cụ thể như sau:

Thành phần; số bị giết; bị oan, tỷ lệ

- Địa chủ cường hào:

26,453 người; 20, 493; 77,4%

- Địa chủ thường:

82,777 - 51,480 - 62%

- Địa chủ kháng chiến:

586; 290; 49%

- Phú nông

62,192; 51,003; 82%

Tổng cộng:

172,008; 123,266; 71,66%

Những tác giả bộ Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000 tập 2 dựa trên số thống kê do tài liệu của nhà cầm quyền cộng sản lưu trữ, nếu không đúng thì cũng thấp hơn số người thật sự bị giết, chứ không thể cao hơn, vì thông thường, CSVN hạ bớt những số liệu bất lợi cho họ. Nói cách khác, số người bị giết tối thiểu là 172,008 người, còn số thật sự bị giết không thể biết được, ngoài con số dự đoán tối đa của giáo sư Lâm Thanh Liêm là 200,000 người.

Phản ứng của dân chúng: Cuộc CCRĐ đã "phạm phải những sai lầm nghiêm trọng là đánh tràn lan vào trung nông, phú nông và những người có một ít ruộng đất cho thuê, đánh tràn lan vào cả cơ sở đảng.”(Hoàng Văn Hoan, Giọt nước trong biển cả, viết xong tại Bắc Kinh năm 1986, Oregon: 1991, tr. 361.) Hành động tàn ác trong cuộc CCRĐ khiến dân chúng chẳng những bất mãn mà còn kinh khiếp. Ngoài 172,008 người bị giết, một số lượng người lớn hơn nữa bị tù đày, bị gởi vào các trại cải tạo, bị sỉ nhục cả gia đình; con cái bị người ngoài xa lánh. Số lượng người nầy không được thống kê đầy đủ.

Chỉ riêng với số 172,008 người bị giết, nếu tính trung bình một gia đình Việt Nam gồm có 5 người (vợ chồng và 3 con), thì số người bị liên lụy trong cuộc CCRĐ có thể lên đến 172,008 X 5 = 860,040 trong tổng số khoảng 10 triệu dân ở các làng xã đã thực hiện CCRĐ đợt thứ 5.

Lúc đầu, dân chúng chưa dám tỏ thái độ, nhưng số người bất mãn càng ngày càng đông, nên vào mùa hè năm 1956, nhiều nơi dân chúng nổi dậy phản đối. Tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, tỉnh sinh quán của Hồ Chí Minh, dân chúng đã nổi lên khá mạnh mẽ vào đầu tháng 11-1956. Nhà cầm quyền cộng sản kiếm cách che đậy tin tức nầy, nhưng không thể “lấy thúng úp đầu voi”, nên sau đó, đài phát thanh Hà Nội đành lên tiếng ngày 13-11-1956 thừa nhận đã xảy ra dân biến.(Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua 1945-1964, tr. 208). Hồ Chí Minh gởi sư đoàn 325 đến Nghệ An đàn áp những nông dân không súng ống, chỉ có gậy gộc, cuốc xẻng và tấm lòng uất ức vì bất công tàn bạo của chế độ, trong thời gian từ ngày 10 đến 20-11-1956. Trong cuộc đàn áp nầy, quân đội ông Hồ đã giết khoảng 1,000 người, bắt bớ và lưu đày hàng ngàn người khác. (Bernard Fall, sđd. tr. 289)

Sửa sai của nhà cầm quyền: Trong hội nghị "Tổng kết thành tích cải cách nông nghiệp đợt 5", Hồ Chí Minh đã gởi văn thư đề ngày 1-7-1956 cho đoàn cán bộ CCRĐ, trong đó có đoạn viết:

"Bác thay mặt Đảng và chính phủ gởi lời an ủi gia đình những cán bộ đã hy sinh vì nhiệm vụ, đợt 5 cải cách ruộng đất rất gay go, phức tạp. Song nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và chính phủ, nhờ nông dân hăng hái đấu tranh nên chính sách cải cách ruộng đất đã thu được thắng lợi to lớn…

"Giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ, các tổ chức ở xã đã được trong sạch hơn v.v"và bản thân cán bộ được thử thách, rèn luyện…

"Nhưng đợt 5 cải cách ruộng đất phạm sai lầm cũng không ít, nó đã hạn chế một phần thành tích của chúng ta. Trung ương đã tự phê. Các cô, các chú cần kiểm điểm kỹ công tác của mình, đánh giá đúng thành tích và khuyết điểm. Phải thành khẩn phê bình và thật thà tự phê, để tiến bộ mãi…"(Lâm Thanh Liêm, bđd. sđd. tt. 196-197.)

Hồ Chí Minh trở lại vấn đề nầy một lần nữa trong thư ngỏ trước toàn dân đề ngày 18-8-1956:

"Trung ương Đảng và chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm khuyết điểm…, và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất."(Chính Đạo, Việt Nam niên biểu 1939-1975, tập I-C: 1955-1963, Houston: Văn Hóa, 2000, tr. 102.)

Trong tháng 9-1956, hội nghị Trung ương đảng LĐ lần thứ 10 thảo luận vấn đề CCRĐ, và quyết định những biện pháp sửa sai. Những biện pháp nầy đã được Võ Nguyên Giáp, uỷ viên Bộ chính trị Trung ương đảng LĐ, tuyên đọc trên đài phát thanh Hà Nội ngày 29-10-1956.(Chính Đạo, I-C, sđd. tr. 105.) Sở dĩ cộng sản chọn Võ Nguyên Giáp vì lúc đó ông được xem là người hùng Điện Biên Phủ; ông làm bộ trưởng quốc phòng, đứng đầu quân đội, và quân đội có thể nói là ít dính dáng đến CCRĐ.

[Tưởng cũng nên thêm ở đây vào năm 2000, trong quyển hồi ký nhan đề là Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Võ Nguyên Giáp đã viết rằng luật CCRĐ ngày 4-12-1953 “đã thổi một luồng sinh khí mới vào hàng ngũ những người kháng chiến, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vốn phần lớn xuất thân từ nông dân”.(Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2000, tr. 86.) Ý kiến nầy của ông Võ Nguyên Giáp (năm 2000) không nhắc đến số người bị bức tử một cách đau đớn và oan uổng trong cuộc CCRĐ ở Bắc Việt, mà theo tài liệu của CSVN là 172,008 người, trong đó có 71,66% là sai lầm, đến nổi Bộ chính trị đảng LĐ phải ra nghị quyết sửa sai và chính Võ Nguyên Giáp đã đại diện để đọc trên đài phát thanh ngày 29-10-1956.]

Nghị quyết sửa sai của đảng LĐ được báo Nhân Dân đăng ngày 30-10-1956, theo đó Trường Chinh Đặng Xuân Khu bị cất chức tổng bí thư đảng. Tuy nhiên ông nầy vẫn giữ ghế uỷ viên Bộ chính trị cho đến khi tự ý từ chức tại Đại hội 6 đảng Cộng Sản Việt Nam vào cuối năm 1986, rồi lên làm cố vấn đảng cho đến khi chết vào năm 1988. Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương đều bị loại ra khỏi Bộ chính trị, Lê Văn Lương thôi luôn chức Trưởng bản tổ chức Trung ương đảng, còn Hồ Viết Thắng bị loại khỏi ban chấp hành Trung ương đảng. Đó là những biện pháp về mặt đảng LĐ.

Về mặt hành chánh, ngày 2-11-1956, báo Nhân Dân đăng thông báo của Hội đồng Chính phủ, theo đó:

- Uỷ ban CCRĐ không có quyền chỉ đạo nữa, mọi việc sẽ thuộc chính phủ trung ương.

- Huỷ bỏ Tòa án Nhân dân đặc biệt (tức tòa án chuyên đấu tố).

- Hồ Viết Thắng thôi chức Phó chủ nhiệm và Uỷ viên thường trực Uỷ ban CCRĐ Trung ương, cũng như Thứ trưởng Nông Lâm.

- Lê Văn Lương thôi chức Thứ trưởng bộ Nội vụ và Chủ nhiệm phòng Nội chính Chính phủ. (Chính Đạo, I-C, sđd. tr. 106.)

Tuy thế, chẳng bao lâu sau, Trường Chinh được cử làm Phó thủ tướng (29-4-1958), rồi Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội (7-7-1960). Hoàng Quốc Việt lẫn Lê Văn Lương về sau vẫn tiếp tục giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy cầm quyền Hà Nội, còn Hồ Viết Thắng sau đổi tên là Hồ Thắng, làm thứ trưởng bộ Nông nghiệp. (Lâm Thanh Liêm, bđd. sđd. tt. 211-212.)

Những điều đó chứng tỏ các người nầy chỉ là những kẻ thừa hành chủ trương chính sách của đảng LĐ. Khi bị dân phản đối, họ bị làm vật hy sinh để chống đỡ và cứu nguy cho đảng, tạm thời bị huyền chức một thời gian, rồi được trọng dụng trở lại. Nếu các kẻ nầy mà tự ý làm sai trái chủ trương của đảng LĐ, nếu không bị thủ tiêu hoặc tù tội, thì cũng bị loại luôn, mà không bao giờ trở lại được chính trường, như trường hợp Dương Bạch Mai, Ung Văn Khiêm, Hoàng Minh Chính…trong vụ án mà CS gọi là "Vụ án Tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài".

Những đảng viên LĐ đã lỡ bị hành quyết hay chết trong các trại tù sau cuộc CCRĐ được xem là thành phần yêu nước, hy sinh vì cách mạng, gia đình được hưởng chính sách ưu đãi. Những đảng viên bị oan, nếu còn sống, được phục hồi danh dự và tái thu nạp vào chức vụ cũ. Thường dân bị oan được bồi thường, nhưng chỉ có tính cách tượng trưng và được sắp xếp lại thành phần giai cấp xã hội, để có thể tái hội nhập trở lại trong đời sống, không còn bị cô lập hay ngược đãi.

Theo đài BBC ngày 17-10-2004, mục “Ý kiến bạn đọc”, có người cho biết rằng: “Theo báo Hà Nội Mới, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa quyết định trợ cấp cho một số trường hợp có tài sản bị trưng thu, trưng mua trong thời kỳ Cải cách Ruộng đất với mức ba triệu đồng một trường hợp.”[3 triệu đồng VN năm 2004 tương đương với khoảng dưới 200 Mỹ kim]. Tuy nhiên cho đến nay, không có tin tức gì về việc bồi thường nầy cả.

HẬU QUẢ LÂU DÀI

Nền nông nghiệp suy sụp: Thông thường, nhà cầm quyền tổ chức CCRĐ nhắm giải quyết những sai lầm của nền nông nghiệp cũ, giúp nông gia tăng gia sản lượng nông nghiệp, thăng tiến đời sống dân chúng. Những cuộc CCRĐ của cộng sản chấm dứt năm 1956 lại đi đến kết quả ngược lại, đời sống nông dân tụt hậu, sản lượng giảm xuống rõ rệt. Lý do vì trong các giai đoạn đầu của cuộc cải cách, đất đai bị chia thành nhiều mảnh nhỏ. Nông dân mới nhận đất chưa có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thiếu tài chánh để mua trâu bò dụng cụ, phân bón để cày cấy. Sau đó, vào cuối giai đoạn 5, việc suy sụp kéo dài nhiều năm vì nhà nước cộng sản đưa ra kế hoạch hợp tác lao động, tổ chức hợp tác xã nông nghiệp và những nông trường quốc doanh tập thể từ khoảng năm 1957, 1958.(Bernard Fall, sđd. tt. 284-287.)

Đảo lộn luân lý xã hội, tiêu diệt tình người: Chiến dịch CCRĐ của cộng sản đã khủng bố tinh thần dân chúng, làm cho mọi người sợ hải khép mình vào kỷ luật cai trị cộng sản, và nhất là đánh tan nề nếp xã hội cũ, làm sụp đổ nền tảng luân lý cổ truyền của dân tộc, tiêu diệt tận gốc rễ tình cảm giữa người với người. Trong khi quyết tâm thực hiện phương châm "trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn" (nghĩa là tiêu diệt từ trên xuống dưới bốn thành phần trí thức, phú thương, địa chủ, cường hào), cộng sản đã khuyến khích, ép buộc, đe dọa mọi người tố cáo, đấu tố lẫn nhau, dù đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái. Do đó, chẳng những đã xảy ra cảnh đấu tố giữa người với người ngoài xã hội, mà trong gia đình cũng xảy ra cảnh đấu tố với nhau giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, và anh chị em.

Năm 1315, vua Trần Minh Tông (trị vì 1314-1329) ra chỉ dụ cấm trong một nhà, cha con, vợ chồng, nô tỳ tố cáo lẫn nhau. Điều luật nầy dung túng những sai trái diễn ra trong gia đình, nhưng cũng góp phần gìn giữ trật tự gia đình, đơn vị căn bản của xã hội. Trong khi đó, vì muốn khai thác triệt để tin tức hoạt động cá nhân, cộng sản khuyến khích việc đấu tố giữa những người trong gia đình, đã làm hỏng hoàn toàn giềng mối nề nếp luân lý đạo đức gia đình Việt Nam.

Sống trong hoàn cảnh như thế, không còn ai tin ai, không còn tình người, dù giữa những người thân nhất trong gia đình. Sau đây là lời trong hồi ký của một nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt lúc đó về cuộc đấu tố trong các tòa án nhân dân: "…Các đội cải cách ruộng đất đã để cho nông dân xỉ vả người bị gọi là địa chủ , thậm chí để nàng dâu xỉ vả mẹ chồng, con xỉ vả bố mẹ, mà người bị gọi là địa chủ cứ phải cúi đầu không được thanh minh phải trái…"(Hoàng Văn Hoan, sđd. tr. 361.)

Gần đây, nhà văn Hoàng Tiến ở Hà Nội, đã kể lại câu chuyện một nông dân tham gia CCRĐ, chất vấn ông địa chủ như sau: “Thằng kia! Ngẩng mặt lên! Mày biết tao là ai không"” Địa chủ: “Dạ thưa ông, có ạ. Ông là con của con!” (trích Ánh Dương, ngày 26-11-2005). Câu chuyện nầy được nhà văn Hoàng Tiến, hiện ở trong nước, kể lại trong lá thư đề ngày 25-11-2005, gởi cho các cấp lãnh đạo đảng CSVN, để góp ý với Đại hội đảng CSVN sắp diễn ra trong năm 2006, thì không thể là một câu chuyện bịa đặt được, mà phải là một câu chuyện có thật. Theo nhà văn Hòang Tiến, “nó đã làm thương tổn đến cõi tâm linh sâu thẳm của người Việt Nam, còn đau thắt đến tận hôm nay.”Một sĩ quan cấp tiểu đoàn trưởng quân đội cộng sản Bắc Việt, từng chứng kiến những ngày tháng hãi hùng trong CCRĐ, đã nói lên cảm nghĩ chua chát về người lãnh đạo tối cao của nhà nước cộng sản Hà Nội, kẻ đã đạo diễn tất cả những tấn tuồng đau thương và đẫm máu của dân chúng Bắc Việt: "Ông ấy [chỉ Hồ Chí Minh] biến những con người lương thiện thành những con quỷ..."(Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 249.)

Chính ông Hồ đã làm gương cho cán bộ đảng viên trong việc đấu tố nầy. Năm 1952, trong thí điểm CCRĐ tại 6 xã thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, tòa án nhân dân đã kết án tử hình bà Nguyễn Thị Năm, tức bà Cát Hanh Long, một ân nhân của đảng LĐ, người đã từng che chở, nuôi ăn chẳng những ông Hồ, mà hầu hết các nhà lãnh đạo đảng LĐ. Khi bị đấu tố, bà kêu cứu đến ông Hồ. Ông ta biết chuyện nầy, nhưng ông ta đã để mặc cho bà bị giết thảm thương. Chuyện nầy của ông Hồ thật đúng với một câu tục ngữ Việt Nam: “Giúp vật, vật trả ân, giúp nhân, nhân trả oán.”

Dư luận lúc đó ở Hà Nội còn cho rằng, một nhà lãnh đạo khác của đảng LĐ, tổng bí thư Trường Chinh Đặng Xuân Khu, đã đấu tố cả cha mẹ của ông ta. Vì vậy, ở Hà Nội lưu truyền một câu đối hết sức bất hủ: "Đấu tố phụ mẫu, tôn thờ Mác-Lê, nhục ấy đời chê thằng họ Đặng/ Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa, tội kia sách chép đứa tên Khu."

Tâm lý "kiêu nông": Mao Trạch Đông chủ trương "lấy nông thôn bao vây thành thị". Nông dân được xem là thành phần nòng cốt trong cuộc cách mạng cộng sản, dùng làm giai cấp tiên phong trong cách mạng, trên cả công nhân. Chủ trương nầy được CSVN noi theo. Do đó, thành phần nông dân rất được CSVN đề cao.

Trong cuộc CCRĐ, CSVN đã sử dụng bần nông làm công cụ để đẩy mạnh phong trào đấu tố. Từ trước đến nay, các bần nông chỉ giữ chức cao nhất là "thằng mõ", thuộc hạng chót cùng ở xã thôn, phụ trách việc đánh mõ rao tin tức trong làng, nay lần đầu tiên được làm "quan tòa", rồi có người được đề bạt nắm giữ vai trò lãnh đạo thôn xã, trở thành những hào mục mới. Bỗng chốc "thăng quan", các bần nông không khỏi mang tâm lý hãnh diện về giai cấp nông dân và nhất là bần nông. Tâm lý hãnh diện nầy đôi khi biến thành tâm lý "kiêu nông". Họ tự cho rằng chính họ là thành phần rường cột trung kiên của chế độ cộng sản, đã góp công đầu làm cho cuộc CCRĐ thành công. Tâm lý kiêu nông nầy cũng giống như tâm lý kiêu binh ở Thăng Long thời chúa Trịnh vào thế kỷ 18.

Từ bần nông ít học được đưa vào hàng ngũ lãnh đạo cơ sở làng xã vào đầu thập niên 50, một số người nầy, nhờ thâm niên tuổi đảng, dần dần thăng lên các cấp cao hơn trong hàng ngũ lãnh đạo đảng Cộng Sản, từ địa phương đến trung ương. Ngoài ra, nhờ lý lịch gia đình "tốt", và càng "tốt" hơn nữa nếu "tam đại bần cố nông" (ba đời bần cố nông), con cái của giai cấp nầy được ưu tiên chọn vào làm việc trong những ngành quan trọng và nắm những chức vụ then chốt trong chế độ cộng sản.

Tâm lý chung cố hữu của nông dân, nhất là nông dân Việt Nam, thường bảo thủ, nên những nhà lãnh đạo cộng sản xuất thân từ giai cấp nầy thường thiển cận, không cởi mở. Dư luận kể rằng có một nông dân làm nghề hoạn heo (tức thiến heo theo lối cổ truyền ở nông thôn) đã lên tới chức thủ tướng CHXHCNVN, rồi tổng bí thư đảng CSVN, nên hết sức bảo thủ và ngoan cố. Phải chăng tâm lý kiêu nông là một trong những lý do giải thích vì sao trong một thời gian dài, đảng CSVN là một trong những đảng Cộng Sản khép kín nhất trên thế giới"

Tóm lại, hậu quả của cuộc CCRĐ thật tai hại. Những sai lầm trong CCRĐ không phải chỉ là sai lầm chính trị, mà cả sai lầm văn hóa. Những hậu quả về nhân mạng, về kinh tế, về vật chất dầu to lớn và đau thương nhưng dần dần sẽ qua đi và có thể sửa đổi được. Riêng hậu quả về văn hóa và xã hội thật trầm trọng. Con người cấu xé con người như súc vật. Tình người, đạo đức, luân lý, niềm tin hoàn toàn bị tan vỡ, và sẽ còn tiếp tục bị tan vỡ khi chế độ cộng sản còn tồn tại trên đất nước thân yêu. Ngày xưa, Lão Tử đã nói đại khái rằng: “Làm thầy thuốc sai thì hại một người; làm chính trị sai thì hại một thế hệ; làm văn hóa sai thì hại muôn đời.” Không biết khi nào Việt Nam mới có thể hàn gắn được những chấn thương văn hóa trầm trọng do chế độ cộng sản gây ra từ khi ông Hồ Chí Minh nhập cảng chủ nghĩa CS vào Việt Nam, rồi cướp chính quyền, thực hiện cuộc CCRĐ và cho đến ngày nay"

(Kỳ tới: Vì đâu nên nỗi")

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, Canada)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.