Hôm nay,  

Phê Phán Công Tác ‘văn Hoá Tư Tưởng’ Của Csvn

22/02/200600:00:00(Xem: 5502)
-(Trích bài viết "góp ý" với đảng CSVN)

(LGT của VB: Dưới đây là trích từ bài Góp Ý của ông Trịnh Đình Khôi, nội dung nêu lên cái mục nát hư rã của “công tác tư tưởng văn hóa” do Hà Nội thực hiện nhiều thập niên nay, và cụ thể là về tư cách ‘’phi đạo đức’ của ông Nguyễn Khoa Điềm người bao thầu công tác naỳ các năm gần đây. Bài do thông tấn VNN trích và phổ biến.)

.....

Đối với công tác văn hoá nghệ thuật, báo chí xuất bản cách thức quản lý vẫn như cách đây vài ba chục năm. Nếu ai đã đọc tác phẩm "Nhận xét về lệnh kiểm duyệt sách báo của nước Phổ" cách đây 150 năm của K. Marx (Vâng, tôi lại dẫn Marx) chắc đều bị ám ảnh và tự vấn. Ban vẫn coi mình là người gác cổng, gác cửa chứ không coi mình là người góp phần định hướng khơi dòng, tôn trọng tự do, tôn trọng tài năng, kích thích sáng tạo. Thời bấy giờ gác cửa gác cổng, tư tưởng văn hoá sẽ bay lên cột ăng ten, lên đầu đột nhập vào. Tư tưởng văn hoá không có chân không, không có văn hoá này sẽ có văn hoá khác. Nó là nhu cầu không thể thiếu của con người. Tư tưởng văn hoá phải tạo ra khả năng tự đề kháng bằng nội lực tinh thần. Làm sao cản được cuộc xâm lăng có ý thức và không có ý thức của tư tưởng văn hoá bên ngoài khi giao lưu hợp tác quốc tế, mà làm như thế là đóng cửa khép kín tự xưng tụng mình, hạn chế phần nào sự phát triển xã hội. Hơn thế dân trí ngày càng cao, thông tin ngày càng nhiều. Một triết học cổ đại đã nói "Tam quân khử đoạt soái dã. Thất phu bất khả đoạt trí dã" (có thể lấy đầu soái của ba quân, khó có thể lấy trí của người bình thường). Ngày xưa còn khó huống chi bây giờ.

Tư duy chính trị theo lối khác ta là xấu là dở, địch khen thì ta chê, địch chê thì ta khen, tư duy văn hoá nghiêng về bình quân về phong trào ít chú ý xây dựng đỉnh cao, nghiêng về cái đúng hơn cái hay cái đẹp là rất cũ.

Công tác tư tưởng văn hoá của ta có thể kết luận "Cái đáng chặt lại lỏng, cái đáng lỏng lại chặt".

Trước tình hình trên cần phải đổi mới cung cách quản lý lãnh đạo tư tưởng văn hoá hơn bất cứ lĩnh vực nào vì đây là khu vực nhạy cảm, khu vực dễ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân và tiến bộ xã hội.Một vài kiến nghị:

1. Trung ương phải có biện pháp giám sát kết quả công tác của Ban Tư tưởng Văn hoá. Thông qua dư luận xã hội đánh giá sai đúng, hay dở của công tác này.

2. Bản thân Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương phải tự đổi mới trên các mặt:

- Hoạch định phương hướng mục tiêu công tác, có chiến lược sách lược cho từng thời kỳ. Công tác tư tưởng nắm chính trong các chính sách của Đảng và Nhà nước chứ không chỉ của ngành tư tưởng.

- Kiện toàn bộ máy theo mô hình chuyên gia cố vấn không hành chính sự vụ. Chúng ta đang lạm phát thủ trưởng các loại mà thiếu những thủ lĩnh chuyên gia ở các ngành.

- Bố trí cán bộ, sau khi tiêu chuẩn hoá: có kiến thức, có kinh nghiệm chuyên ngành, phải đi được, nghĩ được, nói được, viết được. Biết tranh luận và thuyết phục.

- Phải nhận thức được đối tượng của công tác trong tình hình mới vẫn là toàn dân, toàn Đảng nhưng phải chú ý đến các khu vực nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo, trí thức, lớp trẻ và cán bộ hưu trí lão thành.

- Phải nghĩ đến tính hữu ích của tổ chức và mỗi cá nhân trong công tác của mình. Không thể để như hiện nay. Tôi không dám nói tất cả chỉ dám dẫn chứng bộ phận nhỏ nơi tôi làm việc là Vụ Văn hoá Văn nghệ của chúng tôi, lúc nhập vào, lúc tách ra theo ý các thủ trưởng cốt để bố trí được người của mình. Bây giờ là hai Vụ. Không phải đến bây giờ mà ngay từ khi mới về Ban, một lần đến Viện Văn học thăm nhà thơ Hoàng Trung Thông, nguyên thủ trưởng cũ, tôi đã nói với ông: Xem ra nếu còn ở trên Ban bác vẫn phải làm thơ, em vẫn phải viết văn mới có ích. Ông cười đập tay vào vai tôi, vẻ tán đồng: Cho đến bây giờ tôi và một số anh em vẫn nghĩ không có Vụ Văn nghệ chúng mình tình hình văn nghệ vẫn thế thôi. Vậy mà vẫn tăng biên chế, đề bạt cán bộ rồi công tác phí, xăng xe, vé máy bay, bay ra bay vô, một trăm thứ tốn kém cho Đảng cho dân. Mà chắc cũng không chỉ mình Vụ tôi. Có lẽ đã đến lúc Ban phải gương mẫu đi trước các cơ quan văn hoá báo chí xuất bản, các hội văn học nghệ thuật bằng việc tinh giản biên chế. Không thể cả bộ máy văn hoá khổng lồ, Ban Bộ Hội mà không tác động đến người sáng tạo, đến phát triển văn hoá và cũng như các lĩnh vực khác càng ngày càng lạm phát những giá trị giả, hàm vị giả, danh hiệu giả, chức vụ giả mà không có ích bao nhiêu cho đất nước, cho dân tộc.

Trên đây tôi vừa nói vài nét, vài nét thôi về bộ máy của Đảng nói chung và Ban Tư tưởng Văn hoá nói riêng, bây giờ tôi xin đi vào vai trò của người lãnh đạo, người lĩnh xướng, vì người này quyết định rất nhiều đến sự thành bại của tổ chức Đảng. ở phạm vi một Ban, trưởng ban là người chi phối hết thảy. Có các tổ chức đảng uỷ, Công đoàn, có một số ông phó đấy nhưng cũng chỉ là thứ yếu thôi. Vì thế tôi phải đi sâu vào vai trò quan trọng này. Lãnh đạo cũng là con người mà người nào chẳng có ưu có khuyết, có đúng có sai, song không ai dám động đến ông hết. ở các nước nếu mắc khuyết điểm có người tự rút lui, có người buộc phải thôi. Rất tiếc ở ta lâu nay phẩm chất biết xấu hổ ít dần đi. Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, người lãnh đạo đa số đều là những bậc thầy, bậc đàn anh về nhiều mặt, nhưng cũng có người tầm thường len vào. Họ hạ cánh an toàn rồi thì thôi, dẫu có chuyện này chuyện kia. ở đây tôi muốn nói đến người đương nhiệm, vì ông có thể còn lên cao hơn nữa. Trước khi lên cao cần phải rút kinh nghiệm. Có thể tôi đã vuốt râu hùm khi mình còn đương chức lại nói về một ông to kếch cũng đương chức, tiền lệ này ít có ở ta. Dù sao thì đa số cán bộ nhân dân đều muốn biết mình đang phải cúi đầu nghe ai rao giảng đây, suốt buổi phải chiêm ngưỡng những người đang tiệc tùng chúc tụng, đang hùng dũng đứng lên những chủ tịch đoàn là ai đây. Họ là thày mình là anh mình thì mừng cho dân cho Đảng quá. Đất sét nặn lên ông bụt và cũng nặn ra niêu đất.

Xin được phép trở lại ông trưởng ban của tôi. Nếu ông Điềm ở lĩnh vực công tác khác chắc tôi không bao giờ nói về ông, nhưng vì ông là người chủ trì và quyết định mọi hoạt động tư tưởng văn hoá của đất nước trong một hoàn cảnh có nhiều cơ hội và cả những thách thức to lớn mà ở thời ông cha ta mấy ngàn năm chưa bao giờ gặp phải. Vận mệnh quốc gia đang đặt vào tay những người có vị trí như ông Điềm. Sai một ly đi một dặm không thể không đòi hỏi sau sự tín nhiệm. Vì vậy với tư cách một đảng viên tôi và hàng triệu đảng viên khác hết sức kỳ vọng ở các đồng chí Trung ương, các đồng chí trong Bộ chính trị, trong Ban bí thư và suy nghĩ rất nhiều về bộ máy của Đảng và những cá nhân lãnh đạo. Có nhiều nguyên nhân làm cho đất nước tụt hậu vì vậy chúng ta phải ngoảnh lại nhìn nhận xem nguyên nhân chính từ đâu. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người, vấn đề bộ máy, vấn đề pháp luật Nhà nước và kỷ luật của Đảng.

Trong những năm qua điều ngạc nhiên nhất trong những điều ngạc nhiên là ông Nguyễn Khoa Điềm trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị, giá có điều ngạc nhiên thứ hai là ông lại làm rất tốt chức trách của mình thì chắc người ta sẽ quên hết điều ngạc nhiên thứ nhất. Rất tiếc không được như thế nên điều băn khoăn ngạc nhiên vẫn kéo dài. Vào thời điểm việc đó xẩy ra nhiều người bất ngờ đến mức phải kêu lên.

Đảng ta đổi mới thật. So với thời giải tán Đảng dân chủ, Đảng xã hội, ta đã tiến một bước khá xa. Nhưng có phải ai cũng được ưu ái như ông Điềm đâu, bao nhiêu đồng chí lão thành đầy công lao thành tích, chẳng may bị địch bắt bị tù rất trung kiên, ra tù vẫn bị khốn khổ, thậm chí đến hết đời. Vậy nên mới có sự nói ra nói vào về việc này. ở thế hệ những người lính chống Mỹ chọn bất kỳ ở chỗ nào cũng có những người nhiều công tích hơn ông Điềm. Thi ca của ông được nhiều người xếp vào loại trung bình khá. Có ý kiến cho rằng bài thơ hay nhất của ông nhà thơ này lại lấy từ của người khác. Văn chương vô bằng cớ biết thế nào mà nói. Văn chương nghệ thuật người này khen, kẻ kia chê đó là lĩnh vực khó đo đếm, tuỳ văn hoá, tuỳ tạng người thưởng thức. Tôi không bình luận. Tài năng hơn kém nhau là chuyện thường nhưng vấn đề lớn hơn là đức độ. Ba dẫn chứng tôi sắp nêu, nên đánh giá thế nào. Nhân cách, cơ hội hay cả hai.

- Thứ nhất, đối với bậc đàn anh Trần Độ, người đã chết. Ai cũng biết ông Độ rất ưu ái ông Điềm, bênh vực che chở khi ông Điềm còn "đổi mới". Cho ông Điềm tháp tùng đi trường Đảng Liên Xô học quản lý văn hoá văn nghệ. Đưa vào dự án cất nhắc cán bộ. Khi ông Độ thôi chức về hưu có vấn đề thì chính ông Điềm đã phê phán mạnh mẽ đến cả chuyện sinh hoạt của ông Độ, nếu thu băng lại chắc ông Độ không thể ngậm cười chín suối về người học trò, người đàn em của mình. Không cần thu băng thì những văn bản thành văn vẫn còn đó. Điển hình là bài điếu văn bị một số cán bộ lão thành, sỹ quan quân đội và nhân dân phản ứng do Ban Tư tưởng khởi thảo mà ông Trưởng ban là một trong những người duyệt cuối cùng trước khi trao cho anh Vũ Mão và đương nhiên anh Vũ Mão cứ thế đọc. Chỗ này cũng phải nói cho công bằng, bản điếu văn có nhiều ý kiến tham gia nhưng ông Điềm với cương vị của mình phải can ngăn, phải góp ý vì đây là vấn đề đạo lý đối với người chết, nhất là người đó một thời đã có công lao. Làm sao ông Điềm lại chịu sức ép để phán xét ông Độ, ý nghĩa khách quan của việc này nói lên điều gì và nó còn chứng tỏ ông Điềm không nhạy cảm trong công tác tư tưởng, làm giảm uy tín của Đảng, và mất lòng một bộ phận nhân dân, không thấu hiểu thế thái nhân tình. Cũng như sau này, Ban tư tưởng ít hiểu biết về lòng dân Tây Nguyên và tâm tư các vị lão thành, cán bộ hưu trí mà chỉ nặng về phán xét.

- Thứ hai, đối với người đàn anh đang sống Võ Văn Kiệt, trong việc xử lý bài báo của ông. Đa số bạn đọc sau khi đọc bài báo này in trên một số báo đã thốt lên, bài báo rất hay, rất chính trị trong khi chúng ta đang cần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp lực lượng dân tộc cả ở trong nước ngoài nước. Vậy mà bài báo trước đó đã bị bóc, tác giả không được thông tin. Đây là việc làm rất sai, vừa vô văn hoá vừa trái pháp luật. Thói lên gân lập trường, cửa quyền chính trị của người không biết làm chính trị đã làm khổ báo chí, văn nghệ. Ông Điềm chắc biết. Vậy chỉ có cách gặp gỡ xin lỗi bậc đàn anh mới xong. Vậy mà lại đẩy đến chỗ phức tạp. Tôi xin được phép trích một vài lời trong lá thứ của đồng chí Võ Văn Kiệt gửi ông Điềm. Sau khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác tư tưởng và Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, đồng chí Kiệt đã vạch rõ cái sai về pháp lý và cả đạo lý trong việc làm này: "chẳng lẽ Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương được dành cho mình cái quyền ra lệnh được nói hay không được nói, được viết hay không được viết, được đăng báo hay phải bóc bỏ mà không cần giải thích lý do, không kể đến luật pháp, hiến pháp về quyền tự do ngôn luận". Đoạn kết bức thư ngày 1/3/2005 đồng chí Kiệt đã nhận xét về công tác tư tưởng như sau: "Trước hết nhiều đồng chí từng giữ những trọng trách trong Đảng và Nhà nước, không ít anh chị em đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực nhất là các lĩnh vực liên quan đến tư tưởng văn hoá tỏ ra không đồng tình với hiện tượng khá phổ biến là áp đặt cửa quyền, thiếu dân chủ, rất ít khi chịu đối thoại những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, nặng về dùng quyền lực hơn là thuyết phục... Tôi chân thành mong các đồng chí nghiêm túc nhìn lại mình". Sau bức thư này không biết ông Điềm nghiêm túc nhìn lại mình đến đâu, mà đến ngày 30-4-2005 đồng chí Võ Văn Kiệt lại phải gửi bức thư thứ hai với lời lẽ vẫn hết sức nghiêm khắc. Thái độ của ông Điềm người đương quyền đối với bậc cha chú thôi quyền hay với một công dân "lớn" mà thế thì công dân "nhỏ" sẽ như thế nào. Đồng chí Kiệt đã đặt một câu hỏi cũng là một tiếng kêu: "Đã có bao nhiêu trường hợp khác bị các đồng chí đối xử tương tự như vậy, hay các đồng chí tự cho mình cái quyền ấy, quyền đứng trên luật pháp, quyền cho ai nói cái gì, viết cái gì là theo sự áp đặt chủ quan phiến diện của một số rất ít người, song lại nhân danh Đảng. Đây là một cách làm không minh bạch gây phản ứng ngầm không ít trong giới cầm bút, kể cả cán bộ đảng viên trung kiên của Đảng".

Tôi còn biết bình luận gì hơn, chỉ có thể minh hoạ thêm cho nhận xét của đồng chí nguyên Thủ tướng Chính phủ. Thời còn làm ở Bộ Văn hoá cho đến khi lên làm Trưởng ban ông Điềm đã gián tiếp, trực tiếp hoả thiêu, bỏ tù "nạo thai" hoặc ít ra là bắt cắt xén dừng diễn, dừng chiếu một số tác phẩm văn nghệ bằng văn bản thành văn và cả phi văn bản. Dẫn chứng cụ thể một chút: Tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng (tôi còn giữ văn bản của ông Điềm) "Kể chuyện năm 2000" của Bùi Ngọc Tấn, "Thượng đế cười" của Nguyễn Khải, tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, Nguyễn Khắc Phê, tập thơ Linh, tập thơ văn Đào Xuân Quý v.v... Trong việc làm này có cái đúng nhưng cũng có cái sai. Có cái lý nhưng giá cái tình nặng hơn một chút với văn hữu, với sáng tạo thì hay hơn.

Dù tác phẩm văn nghệ có nói về chuyện này chuyện kia thì đó cũng là những khuyết điểm ấu trĩ của một thời, xưa nay thời nào chả có cái đúng, cái sai, cái hay, cái dở. Thánh thần còn sai nữa là con người. Việc gì mà nóng mặt lên. Hãy cứ để anh em viết đi, viết cho hay, diễn cho hay, cho sâu sắc, cho nhân văn những vấn đề đó khó lắm chứ. Chỉ có cái xấu cái ác mà không có cái thiện cái mĩ thì không cấm nó cũng tự tiêu vong. Nói một hồi rồi sẽ hết, sẽ sòng phẳng không nợ nần giống như nước bạn Trung Quốc. Đó là cách lãnh đạo của kẻ mạnh, của người có bản lĩnh chính trị và bản lĩnh văn hoá. Gần đây thiếu tướng nhà văn Dũng Hà lại dại dột đem đứa con tinh thần thai nghén nhiều năm đến gặp bác sỹ Điềm nhờ ông mát tay đỡ cho. Nhưng cái "thai nhi" mà ông Hà phải "vắt mồ hôi và cả máu để viết trong 10 năm trời" đã bị "nạo" bằng một bản khai tử với lời lẽ lịch sự đến nỗi nhà văn thiếu tướng phải thốt lên trong lá thư gửi ông Điềm ngày 15/9/2005 rằng: "Sau đó đã có nhiều anh em nhà văn tha thiết mắng tôi là ngu. Tại sao lại phải đưa sách cho ông Đ... đọc, không biết ông ấy đã đốt mấy cuốn sách trước đó rồi à..." Cũng chẳng phải đợi đến khi về Trung ương mà khi còn là "lãnh chúa" ở miền Trung, ông Điềm đã nổi tiếng ngang bậc đàn anh phá đàn Nam giao bằng việc "Phần thư khanh nho" (đốt sách chôn học trò) qua vụ hoả thiêu cuốn tiểu thuyết "Học phí trả bằng máu" của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Sao người lãnh đạo văn hoá lại thế nhỉ" Câu hỏi còn treo trước mắt giới văn hoá Việt Nam. Tai hại thay tất cả những việc làm trên đúng như Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói, đều "Nhân danh Đảng" Ông Điềm độc quyền lòng yêu nước, yêu Đảng đến nỗi ông Kiệt còn sợ thì những người khác chỉ còn viết kêu lên theo cụ Nguyễn Tiên Điền "Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa".

Còn một việc nữa không thể không đem ra xem xét, vì nó đang nhức nhối dư luận, nó nhâng nháo trơ trẽn và thách thức đạo lý, pháp luật nếu hành vi đó phơi bày ra. Có thể dẫm lên dư luận để cơ cấu để cất nhắc nhưng không thể coi thường lòng dân. Xã hội hết sức quan tâm, nhất là anh em trí thức, văn nghệ, báo chí. đó là lá thư của ông Trần Đình Bá gửi đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ VIII và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan pháp luật về việc ông Điềm và phó của ông đã xoè ô che cho những cán bộ thoái hoá hư hỏng. Không biết hư thực đến đâu mà những người có trách nhiệm cứ để rơi vào im lặng. Sự im lặng đáng sợ khi mọi người nhìn vào chúng ta và đặt một câu hỏi: Cao đạo thế, rao giảng thế sao lại thò tay đếm những đồng tiền bẩn thỉu. Hoá ra người ta đang dùng uy quyền của "giáo chủ" tư tưởng che chở cho những con chiên ghẻ, những thế lực hắc ám để mưu lợi riêng. Cuộc mua bán quyền tiền diễn ra như thế nào chưa đến phần kết luận, chỉ biết qua ngôn ngữ văn tự của nhà báo Trần Đình Bá, người chống tiêu cực có hạng và xuất hiện rất sớm đã khiến dư luận bán tín bán nghi mà phần tín lại cao hơn phần nghi. Theo lôgich hình thức thì việc ông Hồng Vinh phải thôi chức chủ tịch Hội Nhà báo đã nói lên điều đó. Đây là một việc làm cực kỳ nguy hại cho uy tín của Đảng. Cán bộ cao cấp của Đảng đã thị trường hoá quyền lực, đã đem công tác sang trọng tư tưởng văn hoá ra giữa chợ Trời mua bán. Tại sao Trần Đình Bá lại dám đem tính mạng mình ra thế chấp như vậy, thật mạo hiểm. Những kết luận của ông ta có vội vã không, có hồ đồ không" Tôi rất mong đó không phải là sự thật nếu không thì cái tì vết này sẽ làm xấu hổ Ban Tư tưởng Văn hoá, gây khó cho người viết lịch sử Ban sau này.

Tôi lại xin phép dẫn chứng bức thư ngày 19/7/2005 của Trần Đình Bá viết: "Ông Hồng Vinh cùng ông Nguyễn Khoa điềm - Trưởng Ban tư tưởng Văn hoá TW đã từng có chỉ thị, văn bản cản báo chí phanh phui vụ Trần Mai Hạnh dính dáng đến tập đoàn xã hội đen Năm Cam".

- "Cũng ông Hồng Vinh cùng ông Nguyễn Khoa Điềm đã có nhiều hành vi chạy tội hiếp dâm trẻ em cho ông Lương Quốc Dũng".

Sau khi kết tội hai ông lãnh đạo Ban, Trần Đình Bá đã thiết tha đề nghị, cũng là thách thức các cơ quan và ông Điềm, ông Vinh rằng "Để làm rõ sự thật tôi thiết tha đề nghị các nhà lãnh đạo, các cơ quan chức trách cùng ông Nguyễn Khoa Điềm ông Hồng Vinh tổ chức một cuộc đối chất công khai với tôi. Trong cuộc đối chất này nếu ông Nguyễn Khoa Điềm, ông Hồng Vinh khẳng định được hai ông chưa hề làm gì để ngăn chặn báo chí phanh phui ông Trần Mai Hạnh có dính líu đến tập đoàn xã hội đen Năm Cam. Và hai ông cũng chưa hề làm gì để nhằm mục đích chạy tội hiếp dâm trẻ em cho ông Lương Quốc Dũng thì tôi đề nghị cơ quan chức năng bắt tôi ngay tại chỗ và khi xét xử tôi vui vẻ nhận mức án cao nhất là tử hình". Không có lửa sao có khói. Tại sao lại im lặng khi ông Bá mạnh mồm như vậy. Nếu không đúng như ông Bá nêu ra thì chả cần án tử hình, nhà báo Trần Đình Bá đã đủ thân bại danh liệt trước con mắt của công chúng và dư luận. Kẻ thức giả ai lại ngậm máu phun người như vậy. Còn nếu đây là sự thật thì ông Điềm nghĩ gì, một thi nhân đã có nhiều đại ngôn trong đạo lý câu chữ hay đấy chỉ là câu chữ có xác không hồn, năng lý nhẹ tình. Còn ông Hồng Vinh không nên nặng lời thoá mạ bạn bè. Theo tôi, ông nên đọc kỹ trường ca "Bài ca tháng Tám" của Hà Thị Hy Vọng và phản bác lại Trần Đình Bá. Về ông Điềm còn nhiều chuyện khác nữa chẳng hạn như chuyện Nhà hát Lớn, dư luận vẫn xì xầm nhưng chỉ mấy ví dụ trên cũng quá đủ rồi. Qua việc này tôi mong Trung ương nên xem xét kỹ lưỡng những cán bộ cấu tạo vào bộ máy của Đảng nhất là Ban chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, cái lõi sáng của đất nước niềm hy vọng của nhân dân.

Cuối cùng tôi rất tiếc cho ông Điềm đã để uổng phí thời gian, nhẽ ra khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của ngành ông phải làm được một việc gì đó có ích cho tư tưởng văn hoá nước nhà, khi mà Đảng đã mở ra thời kỳ đổi mới nhưng có lẽ vì sự an toàn ông đã thúc thủ, đã xem cái ghế hơn sự nghiệp. Ông đã không dựa vào những người tài năng và tạo ra tự do cho họ: Hơn bất cứ ở lĩnh vực nào, văn hoá cần tài năng và tự do. Trong công tác ông chủ yếu dựa vào những người chỉ biết sai bảo mà không biết tham mưu. Khi ông bảo xanh. Họ: vâng xanh. Khi ông bảo đỏ. Họ: vâng, đỏ. Cuối cùng chính họ đã làm hại ông. Bài học con chiên thứ 13 đã lặp lại. Người có nhân cách có trình độ chẳng ai lân la đến ông nhưng tự ông phải biết, phải tôn trọng họ. Không nên nhìn đồng dạng họ là cấp dưới. Có người thất vọng bảo: Ông "đổi mới" theo thời. Để chiều lòng dư luận đôi khi ông ngôn hành bất nhất, nói hữu làm tả, nói tả làm hữu. Chả biết có thế thật không" Tôi chưa tin và vẫn hy vọng. Kẻ sĩ, kể cả kẻ sĩ Bắc Hà sơ uy ông, kẻ thì nịnh bợ, người thì rụt rè, ngậm miệng. Không biết đã có ai nói thật với ông chưa nhưng đa số ngại ông, tránh ông không hiểu vì sao.

Thiệt thòi lớn nhất là tư tưởng văn hoá không làm được gì nhiều. Thực là lỗi với dân tộc, với đất nước. Ông Điềm không có bảo hiểm của chiến tranh như những người tiền nhiệm. Mọi chuyện đổ tại thời chiến, không được thế này, không nên thế kia. Nếu cứ để cái cửa hẹp của tư tưởng văn hoá kiều này sẽ có hại cho dân trí, cho sáng tạo và phát triển văn minh tinh thần. Ban Tư tưởng phải bảo vệ Đảng, nhưng phải làm sang cho Đảng bằng việc giúp Đảng thực hành tự do dân chủ, phải chứng minh được điều đó vẫn tồn tại trên đất nước này, đừng để thiên hạ đem Ban ra để chứng minh cho điều ngược lại.

Trước khi dừng bút người viết lá thư này chỉ mong muốn, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương ngày càng đổi mới, có nhiều thành tựu trong công việc của mình, góp phần xây dựng Đảng và phát triển tinh thần xã hội, văn hoá dân tộc. Mong ông Trưởng ban suy ngẫm trước những lời nói thẳng, có gì không phải xin ông bỏ quá cho. Chúng ta là văn hữu, những người dễ tha thứ.

Là một thương binh, một đảng viên đã gần bốn mươi tuổi Đảng, được kết nạp tại Mặt trận và đề nghị tặng huân chương. Sau mười năm chiến đấu trở về đã viết trên hai chục tập sách, nhiều kịch bản làm phim với hàng trăm bài báo, tôi hết sức lo lắng băn khoăn trước hiện tình của Đảng và sự phát triển của văn hoá. Xin chia sẻ một vài ý kiến nhỏ. Mong được sự quan tâm lắng nghe. Tuy nhiên như người xưa nói "trung ngôn nghịch nhĩ" sẽ có nhiều đồng tình nhưng khó tránh khỏi có điểm chưa đồng tình vì đã nói một sự thật trái với tinh thần ngợi ca xưa nay. Mong được trao đổi thân tình có văn hoá, tránh lên gân "hồng vệ binh" với người phê bình mình - Hơn nữa tôi có nói gì nhiều đâu, chỉ dẫn những văn bản những lời nói của người khác kèm đôi lời bình luận để người đọc tự rút ra kết luận.

Nhà văn, nhà báo Trịnh Đình Khôi

Chuyên viên cao cấp Ban TTVHTW

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.