Hôm nay,  

Vn: Đảng Ta Hay Tà Đảng?

17/02/200600:00:00(Xem: 5140)
- Nguyên Bí thư Trung ương đảng Hoàng Tùng: Không kiểm soát được tham nhũng vì đảng không dám dân chủ hoá.

Hoa Thịnh Đốn.- “Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm sao để dân có quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp; xã hội ta thực sự có dân chủ, nhân dân thực sự nắm quyền lực thì tham nhũng, quan liêu có thể bị đẩy lùi.”Đó là lời ông Hoàng Tùng, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được Thông tấn Xã Việt Nam phổ biến trong mục góp ý để “Tiến tới Đại hội Đảng lần thứ X” ngày 9-2 (2006)

Ông Hoàng Tùng, từng giữ chức Tổng Biên tập báo Nhân Dân trong nhiều năm phê bình rằng: ‘Trong dự thảo (Báo cáo Chính trị) có nhiều vấn đề chưa được đề cập, phân tích sâu sắc, chưa có cơ sở lý luận. Việc tổng kết công cuộc đổi mới có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức phong phú về triết học, về tư duy chính trị, tư duy kinh tế chưa được nêu lên, mà chỉ nêu các sự kiện và phân tích sự kiện, chưa đề cập bản chất của các sự kiện.”

Thông tấn xã Việt Nam trích lời Hoàng Tùng viết tiếp: “Báo cáo Chính trị đề ra những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho 5 năm tới nhưng cơ sở lý luận và thực tiễn không được trình bày, không được luận chứng. Theo ông, như vậy định hướng về tư tưởng không được sáng. Nói tóm lại, chất lượng lý luận còn bị hạn chế mà lý luận luôn luôn cần thiết đối với công việc chỉ đạo, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội. Báo cáo cũng chưa nêu được mối tương quan giữa tình hình trong nước và quốc tế.”

“Điều làm mọi người lo lắng nhất là nạn tham nhũng. Ông Hoàng Tùng cho rằng ở Việt Nam không kiểm soát được tham nhũng vì không dám dùng "sức mạnh" quan trọng nhất, có hiệu quả nhất để chống tham nhũng là dân chủ hóa. Đảng Cộng sản Việt Nam có 3 triệu đảng viên, ở tất cả các tổ chức đều có chi bộ, chi đoàn, các tổ chức quần chúng, nhưng các tổ chức đó không dám tố cáo những kẻ tham nhũng.”

Việc này không lạ gì, điển hình như vụ án băng đảng đánh bạc khét tiếng “có cán bộ Nhà nước – Công an bảo vệ” của nhóm Năm Cam, cũng do dân chúng, do không chịu nổi mức độ gây bất ổn trong khu vực và làm tan hoang nhiều gia đình, đã tố cáo với báo chí nêu lên rồi Nhà nước mới nhúng tay vào.

Nhiều vụ tham nhũng cao cấp khác trong Dầu Khí, Thương mại, Đánh bắt Xa bờ, Xây dựng, Miá, Đường, Xi Măng v.v… lãng phí từ 3 đến 5 ngàn tỷ đồng bị phát giác, cũng không do người đứng đầu cơ quan khởi xuớng.

Tại sao, bởi vì Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực đã có lần bảo : “Nói Bộ trưởng là to, nhưng tôi không có quyền xử lý cán bộ địa chính sai phạm!”

Trong bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 8-2- 2006, Trung Tướng Hồng Cư cũng phát biểu: “Trong hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới, nhiều người trong bộ máy nhà nước có ý thức phục vụ nhân dân, làm tròn trách nhiệm trước dân. Nhưng nhìn chung, nhận thức “dân là chủ” chưa sâu sắc, chưa thực sự phát huy quyền làm chủ của dân. Đáng lo ngại là hiện nay một bộ phận cán bộ bị quyền lực tha hóa, lạm quyền, đứng trên dân, ức hiếp dân, “hành dân”, quan liêu xa rời dân, lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng, tham ô, ăn cắp của công, nhũng nhiễu bòn rút của dân, lãng phí tiền bạc phương tiện của nhà nước, kéo bè, kéo cánh, “vinh thân phì gia”...

Nhiều người ở Việt Nam hỏi tại sao Dự thảo báo cáo không có gì mới lạ, không có sức bật làm nao nức lòng người mà chỉ lập lại những điều ai cũng “nghe rồi khổ lắm nói mãi.”

Tình trạng “không nhỏ” cán bộ quan liêu, tham nhũng, sống mất phẩm chất nhan nhản như rươi mà Báo cáo Chính trị chỉ biết than ngắn gọn như đảng đã kêu lên nhiều năm rằng “Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng.”

CÁI MỚI LÀ NÓI LẠI CÁI CŨ

Nhưng Hà Đăng, một trong số cán bộ cáo cấp ngành Tư tưởng đã cố gắng biện giải: “Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X của Đảng đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Một câu hỏi lớn được đặt ra: đâu là cái mới của Đại hội"...”

“…Từ năm 1986 đến nay”, Hà Đăng viết, “trải qua 20 năm đổi mới, Đảng ta đã họp bốn Đại hội đại biểu toàn quốc mà mỗi kỳ đại hội ấy đều để lại một dấu ấn sâu sắc và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển đất nước…”

“…Mặc dù chủ đề của các kỳ đại hội nêu trên đều được xác định, song tại các Đại hội VI, VII và VIII, các Báo cáo chính trị đều không nêu thành tiêu đề. Riêng ở Đại hội IX, Báo cáo chính trị lấy tiêu đề là: "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Tiêu đề này cũng tức là chủ đề của Đại hội, thể hiện rõ tinh thần, nội dung và phương hướng cơ bản của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Lần này, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X chọn tiêu đề: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển…".

“Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển là mục tiêu từng được đề ra tại Đại hội IX, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010. Nhưng nay có thêm chữ sớm với hàm ý phấn đấu đạt càng sớm càng tốt mục tiêu ấy ngay trong nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2006-2010..”.

“…Nếu hiểu, trong thời kỳ 5 năm sắp tới, "sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển" là mục tiêu phải đạt bằng được, thì nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới chính là ba nội dung quan trọng nhất, cũng là ba động lực, ba giải pháp cơ bản để đạt tới mục tiêu ấy.” (Website Trung ương đảng, ngày 14-02-2006)

Vậy ra chỉ có một chữ “sớm” là mới, nhưng nó lại “rỗng tuếch” và trừu tượng. Tại sao không dám nói chắc như bắp rằng từ nay đến năm 2010 (5 năm), đảng “sẽ” đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển" Nếu đảng lãnh đạo không tự tin, không có định hướng, không có mục tiêu rõ rệt thì dân còn phải giương mắt nhìn đảng “định hướng” đến bao nhiêu năm nữa mới tìm ra lối đi để “quá độ” lên Xã hội Chủ nghĩa cũng lơ mơ như sương khói.Cái vớ vẩn là chỗ này nên ông Hoàng Tùng mới chê Báo cáo Chính trị “chưa có cơ sở lý luận”.

DÂN LÀM CHỦ CÁI GÌ"

Nhưng khi ông Hoàng Tùng nói thẳng chỉ khi nào người dân có “quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp; xã hội ta thực sự có dân chủ, nhân dân thực sự nắm quyền lực thì tham nhũng, quan liêu có thể bị đẩy lùi” thì Báo cáo Chính trị lại ngăn dân tố cáo kẻ tham ô.

Đảng chỉ hứa sẽ: “Hoàn thiện cơ chế dân chủ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức và cơ quan công quyền; phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng tham nhũng. Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng….Các cấp uỷ và tổ chức đảng, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, cán bộ lãnh đạo, trước hết là cán bộ cấp cao, phải trực tiếp tham gia và đi đầu trong việc phòng chống tham nhũng, lãng phí.” (Dự thảo Báo cáo Chính trị)

Rõ ràng là những người sọan thảo Báo cáo đã chủ ý tước quyền dân “làm chủ” tố cáo kẻ tham nhũng mà chỉ có những kẻ có chức, có quyền mới có thể tham nhũng. Dân phải dành quyền này cho “các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân”, tức là các “các đoàn thể nhân dân” làm thay, mặc dù ông Hoàng Tùng đã bảo: ”Ở tất cả các tổ chức đều có chi bộ, chi đoàn, các tổ chức quần chúng, nhưng các tổ chức đó không dám tố cáo những kẻ tham nhũng.”

Ngay cả Mặt trận Tổ quốc, cánh “tay dài” của đảng cũng đã bất lực vĩnh viễn trong nhiệm vụ giám sát cán bộ, đảng viên, chống tham nhũng và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Câu nói: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền”, hay bảo “Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ” có nghĩa gì không hay chỉ là những khẩu hiệu lãng nhách, nhạt như nước lã áo bèo, chẳng đánh lừa được ai"

Nguyễn Mạnh Hưởng, Đại tá PGS. TS đã phản ảnh tính “nước bọt” này của đảng: “Nói đến quyền làm chủ của nhân dân, trước hết nhân dân phải được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử và bãi miễn cán bộ Nhà nước; công sức lao động của họ không bị ai ăn chặn, cướp mất; quyền sống và tự do của họ không bị ai ức hiếp. Chừng nào việc bầu cử còn là hình thức, còn trong tình trạng "lấy lệ", cử tri không biết rõ người mình sẽ bầu là ai và như thế nào, thì chừng đó chưa thể nói đã thực hiện tốt quy chế và phương châm làm chủ; chưa thể nói quyền làm chủ của nhân dân về chính trị đã được phát huy đầy đủ.” (báo Quân đội Nhân dân, ngày 13 tháng 02 năm 2006)

Sự việc dân không biết “người mình sẽ bầu là ai” đã dạy cho đảng bài học trong vụ Trần Mai Hạnh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam được Trung ương đưa từ Hà Nội vào miền Nam “tranh cử” Đại biểu Quốc hội ở tỉnh Bạc Liêu ít năm trước đây.

Hạnh đã bị Đại tá Trần Đình Bá, phóng viên báo Quân đội Nhân dân tố cáo đích danh với Bộ Chính trị và nhiều cơ quan đảng rằng Hạnh có dính líu với băng đảng Năm Cam, không xứng đáng tiếp tục làm Đại biểu Quốc hội.

Trung ương “lờ” đi, ém nhẹm hồ sơ. Các cơ quan đảng,kể cả Viện Giám sát, nhận hồ sơ tố cáo cũng im hơi lặng tiếng. Ngay cả Mặt trận Tổ quốc do Phạm Thế Duyệt cầm đầu, có bổn phận rà soát lý lịch “ứng cử viên”, cũng “nhắm mắt” làm theo chỉ thị của Bộ Chính trị cứ kiên quyết đặt Hạnh vào đơn vị Bạc Liêu.

Mãi cho đến khi có vài tờ báo ở Sài Gòn “gồng mình lên” phanh phui tội lỗi của Hạnh, dựa vào hồ sơ tố cáo của Đại tá Trần Đình Bá, thì Bộ Chính trị mới chịu rút tên Hạnh. Trong vụ xử án Năm Cam, Hạnh bị phạt tù 10 năm nhưng chỉ thọ án một thời gian ngắn rồi được ân xá!

Đại tá Trần Đình Bá, người nổ phát súng báo động về Trần Mai Hạnh, đáng lẽ phải được tuyên dương thì phải nghỉ hưu rồi bị “bao vây” ở Hà Nội.

Cũng do tình trạng “đảng tiếm quyền làm thay dân” mà những “Sáng tác gia” của Báo cáo Chính trị đã viết ra những điều mờ mịt, tối nghĩa, lý luận “chổi cùn” , chậm tiến làm ai cũng phải lắc đầu. Ông Nguyễn Du, một trong số người góp ý, đã yêu cầu: ”Để người dân đọc và hiểu những từ ngữ trong văn kiện, cần có trang giành chú giải hoặc định nghĩa, ví dụ: Kinh tế thị trường là gì" XHCN là gì" Kinh tế TT định hướng XHCN là gì" Dân chủ khác gì với dân chủ XHCN"....v..v.”

Nguyễn Du còn nói: “Chúng ta "thống nhất" Đảng lãnh đạo toàn diện, thì người đứng đầu trong Đảng phải do dân lựa chọn hoặc ít nhất dân phải biết trứơc là ai đang được tôn vinh để bầu trong Đại Hội 10, rộng hơn là dự kiến Ban CHTW...cần công khai.”

Hai yêu cầu của Nguyễn Du khá gay gắt vì từ khi có đổi mới, bắt đầu từ sau Đại hội đảng VI năm 1986, chưa bao giờ đảng dám “định nghĩa” những thứ “há miệng mắc quai” hiểm hóc như thế. Nếu làm thì tự đảng sẽ vạch áo cho người xem lưng thấy hết sự giả dối của mình trong cái điều vô nghĩa lý gọi là “nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Bởi vì trong các nhà nước xã hội chủ nghĩa, hay Cộng sản, làm gì có thứ kinh tế thị trường. Nó là sản phẩm của Tư bản Chủ nghĩa mà Mác-Lênin đã chống đỡ cho đến lúc chết vẫn chưa làm rụng được chân lông nó!

Còn nói chuyện để cho dân quyền trực tiếp chọn người lãnh đạo hay công khai tên “lãnh đạo tương lai” cho dân biết trước ngày đại hội đảng bầu thì còn gì là tính “bí mật”, tính “mặc cả”, tính “chia phần” vẫn là truyền thống bất di dịch của đảng Cộng sản Việt Nam"

Cái mặt trái bây giờ của chế độ còn được phơi ra bởi giới khoa bảng như lời GS- Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng trên báo Người Lao Động: “VN không thiếu nhân tài nhưng lại mắc nhược điểm rất đáng trách là đố kỵ. Không ít lãnh đạo ngành do đố kỵ đã không tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc. Nhiều cuộc hội thảo như thế này đã được tổ chức, nhưng xong hội thảo là ai lại về nhà nấy, người có trách nhiệm chẳng thay đổi gì.”

Nhưng thế nào là người tài" Báo này viết tiếp: “Theo GS Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương bằng cấp, học vị, học hàm hiện nay đều có thể “chạy” được và chuyện lạ hiện nay là đề tài khoa học nào khi nghiệm thu đều xuất sắc nhưng thực tế rất ít đi vào cuộc sống. Đồng quan điểm với ông Hùng, GS Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu những vấn đề phát triển, nhận xét hiện nay VN đang xảy ra tình trạng “phủ sóng thạc sĩ” trên toàn quốc, có khi đến anh văn thư, cô thủ quỹ cũng cậy cục “sắm” cho mình một tấm bằng thạc sĩ.”

Trình độ “giáo dục”, nền tảng của dân trí, mà còn gian dối phổ biến như thế thì chuyện cán bộ, đảng viên mất phẩm chất, tham ô, nhũng nhiễu, hành dân, tranh quyền, chạy chức là đương nhiên vì có nhân nào mà sinh ra qủa khác đâu"

Nhưng Đảng lãnh đạo mà như vậy thì có còn xứng đáng được gọi là “đảng ta” nữa không hay nó đã biến chất thành “tà đảng”" -/-

Phạm Trần

(02-06)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.