Hôm nay,  

New Orleans, Nửa Năm Sau Bão Katrina

15/02/200600:00:00(Xem: 8085)
Trước khi đặt chân xuống phi trường New Orleans ngày 4 tháng 2, những ấn tượng trong đầu tôi về hai trận bão Katrina và Rita, ngoài một mớ dữ kiện và dăm con số thống kê để làm tin đăng báo, vẫn quẩn quanh với chuỗi hồi ức từ hai chuyến đi cứu trợ hồi năm ngoái -- chiếc xe chở gạo, mì gói, nước tương chạy dọc con đường dẫn ra bờ biển đầy cảnh hoang tàn đổ nát, những gia đình lếch thếch xếp hàng lãnh phẩm vật cứu trợ, những mẩu chuyện trao đổi cùng bà con đồng hương nạn nhân Rita ở Port Arthur và nạn nhân Katrina từ New Orleans, Empire, Buras (Louisiana), Bayou Labatre (Alabama), Gulfport, Biloxi (Mississippi) v.v... di tản về Houston, Texas. Lúc đó là tháng 9 và tháng 10 năm 2005. Còn bây giờ là đầu năm 2006, đúng một tuần sau Tết nguyên đán.

Chỉ tính từ chuyến đi lần trước đến nay cũng đã hơn 3 tháng, và nếu tính từ ngày thiên tai ập xuống vùng Vịnh Mexico thì đã nửa năm. Đáng lẽ, với sức mạnh kinh tế và guồng máy chính quyền nước Mỹ, nửa năm trời để khắc phục những hậu quả của một cơn bão chẳng phải là chuyện thiên nan vạn nan, và đáng lẽ tới ngày hôm nay mọi thứ đã trở lại bình thường. Nhưng không. Vì Katrina không đơn thuần là một trận cuồng phong đến rồi đi như những cơn bão trước đây. Katrina đã làm thay đổi hẳn khung cảnh và sinh hoạt của một thành phố, đã lật ngược hẳn đời sống của biết bao nhiêu người trong đó có hàng ngàn đồng bào ruột thịt của tôi. Chuyến đi lần này giúp tôi hiểu được tại sao giới truyền thông Hoa Kỳ đã đưa ra một nhận định bi quan: Sau Katrina, có thể phải mất nhiều năm nữa mới có thể tái thiết New Orleans, và dù được tái thiết, New Orleans cũng sẽ khó mà trở lại như ngày xưa nữa.

Từ phi trường về tới vùng West Bank, anh Huỳnh Hồng Quân (Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam tại Louisiana) cùng các anh trong Ban Chấp hành Cộng đồng (John Hòa, Phạm Duy Văn) thông báo vài tin tức cập nhật về tình hình bà con chạy bão và cho biết thêm một số dữ kiện liên quan đến trận thiên tai. Nhắc lại những gì đã xảy ra để hiểu rõ hơn về nguyên nhân biến cố, để cảm thông với hoàn cảnh của những người trong cuộc, và cũng để tìm thấy niềm an ủi về tình nghĩa đồng bào giữa cơn hoạn nạn.

***

Địa thế của New Orleans giải thích cho sự tàn phá kinh hoàng của bão Katrina. Thành phố như một lòng chảo nằm lọt giữa những nguồn nước khổng lồ: Vịnh Mexico, sông Mississippi (con sông dài thứ nhì nước Mỹ), hồ Pontchartrain (phải gọi là biển hồ mới đúng, vì rộng tới 625 miles, và cầu Pontchartrain Causeway bắc ngang hồ là chiếc cầu dài nhất thế giới: 29 miles).

Đóng vai trò bảo vệ cho thành phố thấp hơn mặt nước biển này là những con đê (levees) xây dọc theo bờ hồ, dọc con kênh kỹ nghệ (industrial canal) chuyển nước từ hồ và sông, và ngăn giữa hai vùng East-West cũng là con đê dài dọc hai bờ sông. Hệ thống đê đã chịu đựng được những trận bão từ bao nhiêu năm qua, nhưng không đứng vững được trước bão Katrina, vì lần này sức nước dâng đã đánh vỡ 8 khúc đê bao quanh thành phố.

Ngay từ ngày 25 tháng 8-1005, dù chỉ mới là một trận bão cấp 1 từ Đại Tây Dương tiến vào Florida, Katrina đã trút hơn 18 inches nước mưa, làm ngập lụt nhiều vùng và gây ra cái chết cho 12 người; sau đó nó xoáy vào Vịnh Mexico, gia tăng sức mạnh và biến thành bão cấp 4. Khi ập vào New Orleans sáng thứ Hai 29 tháng 8, sức gió đã lên tới 140 dặm một giờ. Cuộc tấn công chính thức của Katrina chỉ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, từ 7 giờ 30 sáng đến 11 giờ trưa, nhưng tai biến không ngừng ở đó mà là mới bắt đầu thực sự đến với New Orleans qua những mảng đê vỡ hoặc nước dâng tràn bờ đê, làm tê liệt toàn bộ hệ thống bơm nước của thành phố.

Trong khi Katrina đổi hướng, tiến sang Mississippi, Alabama và Tennessee để tiếp tục phá hủy nhà cửa, cao ốc, tàu thuyền, xe cộ, cây cối; thì lúc đó cả một vùng East Bank và Downtown của New Orleans đã chìm trong biển nước (trung bình mực nước ngập từ 4 tới 8 feet, có chỗ gần 20 feet). Thế rồi ngày 24 tháng 9, đến lượt bão Rita tiến vào khu vực giáp ranh hai tiểu bang Texas - Louisiana, và những mảnh đê vỡ của New Orleans chưa kịp sửa chữa lại đón nhận thêm đợt nước thứ nhì trong vòng chưa đầy 4 tuần lễ.

Đến ngày 31/10, những con số thương vong do Katrina gây ra mới chỉ được công bố tạm thời (vì còn trên 3,000 người mất tích và công cuộc tìm kiếm đang tiếp diễn): Ít nhất 1,101 người chết tại Louisiana (riêng New Orleans là 1,073), 238 người chết tại Mississippi... Sáu tháng sau, con số 1,101 trên đây được cập nhật, dù vẫn chỉ là bán chính thức: 1,407 người đã chết và đã tìm được xác.

Ngoài số thương vong, người ta ước lượng thiệt hại vật chất do bão lụt có thể lên tới 27 tỷ Mỹ kim, và như vậy Katrina đã trở thành trận bão gây thiệt hại về kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, hơn cả bão Andrew hồi năm 1992 tàn phá miền nam Florida làm thiệt hại 26.5 tỉ.

***

Giữa những thống kê kinh hoàng về mực nước lụt, số người chết, số người mất tích -- mà báo chí tại Louisiana đến bây giờ vẫn tiếp tục theo dõi và cập nhật -- các anh em chúng tôi trong chuyến đi lần này đã chia sẻ với nhau một niềm an ủi nhỏ: Biểu đồ đăng trên báo Times-Picayune hồi cuối tháng 10 cho thấy số thương vong (1,073 nạn nhân) được phân tích theo từng vùng của New Orleans, và riêng khu Versailles ở phía Đông thành phố, nơi đồng bào Việt Nam tập trung đông nhất, chỉ vỏn vẹn có 1 người chết (Ban Chấp hành Cộng đồng cho biết đó là một bà cụ trên 70 tuổi).

Tuy sau đó các dữ kiện đã được cập nhật, nhưng chắc chắn số thương vong của người Việt không vượt quá 1 phần trăm trên tổng số của cả tiểu bang Louisiana. Được như vậy là nhờ những nỗ lực thông tin và yểm trợ -- của tổ chức Cộng đồng, của các vị lãnh đạo tinh thần -- để đồng bào kịp thời giúp nhau di tản trước khi bão ập tới và nước lụt dâng lên.

Nhưng ngoài chuyện giữ được sinh mạng, người Việt ở các vùng bão lụt không may mắn gì hơn các cộng đồng khác. Gió bão tàn phá rồi nước ngập suốt một tháng trời đã gây thiệt hại ngoài sức tưởng tượng cho hầu hết nhà cửa và cơ sở thương mại. Những hình ảnh trên báo chí, kể cả trên các đài truyền hình, không thể nói hết lên được mức độ điêu tàn ở những nơi trực tiếp gánh chịu sự hoành hành của Katrina. Nửa năm đã qua, sau bao nhiêu cố gắng của chính quyền và các cơ quan thiện nguyện, từ việc bơm nước ra khỏi thành phố cho đến các công trình sửa chữa, tu bổ, dọn dẹp rác rưởi, phục hồi hệ thống điện lực v.v..., New Orleans vẫn không trở lại được với phong cách lúc trước, mà chỉ cho thấy đã gần như chia thành nhiều "mảnh thành phố" khác nhau. Bắc ngang con sông Mississippi ngăn giữa hai vùng East và West Bank, là chiếc cầu Crescent City Connection -- mà người Việt quen gọi là "Cầu Con Cò" vì ở nhịp cầu đầu tiên có huy hiệu "Pelican" biểu tượng của tiểu bang Louisiana.

Bây giờ, những dòng xe và dòng người miệt mài nối tiếp nhau qua cầu đổ về phía West Bank, nơi chịu ảnh hưởng bão tương đối nhẹ và không bị ảnh hưởng của nạn lụt nên đã trở thành tụ điểm của mọi sinh hoạt, cùng với khu Downtown được nỗ lực tu bổ để kịp tổ chức lễ hội Mardi Gras cuối tháng 2 (sân football Superdome đã sửa mái để chuẩn bị tái khánh thành ngày 24 tháng 6).

Hình ảnh tương tự cũng có thể được ghi nhận ở khu Mid-city hay Metairie ở phía bờ đê "17th Street" không bị nước lụt phá vỡ. Nhưng ngược lại, dù chỉ cách nhau vài con đường, ở phía bờ đê bên kia, vùng Lakeview hồi cuối tháng 8 là một biển nước, nay tuy đã hết nước ngập nhưng vẫn hoang vắng điêu tàn chẳng khác gì các vùng "tâm bão" Chalmette và Eastern New Orleans. Đó là lý do có những đợt người mỗi ngày lái xe về East Bank, tận dụng vài tiếng đồng hồ để sửa chữa nhà cửa được phần nào hay phần nấy, rồi chiều tối lại ra đi, qua West Bank để tạm cư ở nhà bà con bạn bè...

Hai ngày cuối tuần của đầu tháng 2 đánh dấu những giờ phút không thể quên. Trước khi tới giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam để cùng Việt Dzũng đóng góp trong chương trình văn nghệ Hội Chợ Xuân Bính Tuất, nhóm anh em Hưng Ca và đài truyền hình SBTN từ California -- Nguyệt Ánh, Minh Thư, Nam Lộc, Thiện Thành, Phan Trung Kiên, Đào Trường Phúc -- đã cùng với anh Huỳnh Hồng Quân và anh Long ("Long's Tires & Repair") lần lượt đi tới những vùng có đồng bào Việt Nam cư ngụ trong đợt thiên tai vừa qua, để thấy rằng, sau sáu tháng trời, những dấu vết khốc liệt của Katrina vẫn còn in hằn trên gần một nửa thành phố, để thấy rằng New Orleans chẳng biết tới bao giờ mới có thể trở lại với khuôn mặt ngày xưa, với đời sống bình thường.

Bình thường làm sao được, khi mà xe chạy suốt nhiều dặm, qua vài chục dẫy phố, mà cả hai bên đường không hề thấy một ngôi nhà nào có người ở. Bình thường làm sao được, khi mà từ Đền Thánh Đức Mẹ La Vang cho đến mỗi căn nhà bỏ hoang ấy, tất cả đều vẫn còn hằn dấu ngấn nước của bão lụt, và chỉ cần nhìn dấu ngấn khoảng ngang khung cửa là biết nước đã ngập ít nhất nửa căn nhà suốt trong nhiều tuần lễ. Bình thường làm sao được, khi hàng loạt cây xăng, văn phòng, cửa tiệm, từ các supermarkets cho đến Wendy's, KFC, Home Depot, v.v... vẫn cửa đóng then cài, chưa kể có những cửa tiệm trống trơn từ ngoài nhìn vào chỉ thấy những mảnh tường không nguyên vẹn.

Bình thường làm sao được, khi ngay cả trong khu thương mại đã trở lại hoạt động, các cửa tiệm McDonald's chưng bảng "cần người" ghi rõ "lương $10 một giờ kèm theo $250 bonus" mà vẫn không tìm được nhân viên mới vì quá nhiều người bỏ thành phố đi chưa trở về...

Nếu hình ảnh thê lương của những mảnh "thành phố chết" như thế vẫn chưa đủ để nói lên hậu quả tàn khốc của Katrina, thì những căn nhà vùng Chalmette của quận St. Bernard sẽ nói thay tất cả. Đúng như chính phủ đã thẩm định và các hãng bảo hiểm xác nhận mức độ tàn phá của toàn vùng là 100%, khi đi vào từng con đường, chúng tôi thấy tận mắt không một căn nhà nào còn nguyên vẹn. Hầu hết tường vách đã vỡ nát, và ngay cả ở những căn nhà còn đủ bốn bức tường cũng không thể nào nhận ra được hình dáng của một khung cửa. Bước vào trong, chân đặt trên nền đất bùn đã khô, nhưng mũi vẫn ngửi được mùi ẩm mốc xông lên nồng nặc, và mắt chỉ ghi nhận được lác đác vài dấu vết còn lại của những thứ trước đây là tủ, là giường, là bàn ghế...

Chưa hết. Còn một điều vượt ngoài sức tưởng tượng, là khi đi tới một khúc đường bỗng thấy trước mặt nguyên một ngôi nhà nằm chắn ngang giữa lộ, và nhìn kỹ phía dưới những mảnh tường, thấy rõ nền nhà bằng bê tông: Gió bão đã "nhấc" cả ngôi nhà từ một khu phố khác và mang tới "đặt" xuống gọn gàng ở khu phố này. Không phải là một, mà Chalmette có tới 5 ngôi nhà bị Katrina "đổi địa chỉ" như thế.

Rẽ qua thêm vài con đường nữa, mấy anh em chúng tôi được anh Huỳnh Hồng Quân đưa về coi căn nhà của gia đình anh -- hay nói đúng hơn, nơi mà trước trận bão đã từng là căn nhà số 2900 đường Pirate với đủ bốn bức tường, mái ấm của gia đình anh suốt 18 năm trời. Chúng tôi đi qua từng mảnh đất để nghe anh giải thích, chỗ này lúc trước là phòng khách, chỗ kia lúc trước là phòng ngủ, chỗ nọ lúc trước là patio sau nhà... Nhưng bây giờ ở chỗ nào nhìn lên cũng chỉ thấy bầu trời xanh. Phía trước garage, một chiếc xe pick-up đã hư hại hoàn toàn vì nước lụt. Khung cảnh này, anh Quân đã thấy lần đầu tiên khi nhờ Coast Guards dùng xuồng đưa trở về vào tháng 9, và sau đó khi nước cạn hết anh cùng gia đình trở về vài lần nữa, cố góp nhặt vớt vát bất cứ thứ gì còn lại. Hôm nay, anh gom được mấy lá đại kỳ nền vàng ba sọc đỏ từng dùng trong những dịp lễ lạc của Cộng đồng, đem ra phơi trên thành xe cho khô hẳn.

Những bạn bè quen biết đều khen anh Quân là người giầu nghị lực, dù nhà tan cửa nát vì thiên tai anh vẫn kiên cường bình tĩnh lo toan công việc Cộng đồng, chạy đôn chạy đáo tìm đủ cách giúp các bà con đồng hương cùng chung cảnh ngộ. Hôm nay, đứng trên nền đất của căn nhà không còn nhận ra hình dáng, nhìn anh nâng niu thu dọn mấy lá cờ vàng, chúng tôi thấy mắt anh hoe đỏ và nghe giọng anh nói có lúc thoáng nghẹn ngào. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng cảm nhận được nghị lực của anh toát ra trong từng cử chỉ hành động, từng câu đối thoại, từ lúc rẽ vào quận St. Bernard cho tới lúc tiếp tục đưa chúng tôi qua vùng Lakeview để quan sát mảnh đê vỡ của 17th Street Canal.

Buổi chiều thứ Bảy, suốt dọc xa lộ Chef Highway đi tới khu Versailles của Eastern New Orleans, quang cảnh bên đường cũng chẳng khác gì mảnh "thành phố chết" Lakeview. Ký giả Lance Hill của tờ Louisiana Weekly đã nhận xét rất đúng rằng "làng Việt Nam" ở Versailles giống như ốc đảo duy nhất giữa một sa mạc trống vắng, và cuộc trở về "thành phố bão" của những người Việt là một "phép lạ", vì từ cuối tháng 8 năm ngoái tới nay cả vùng này mới chỉ riêng có khu vực người Việt là bắt đầu có sinh khí trở lại với những cửa tiệm đã mở cửa hoạt động, từ Phở Bằng, Nhà Thuốc Tây Tiến, Giò Chả Tuyết Hương, Chợ Quê Hương, cho đến các tiệm vàng Minh Châu, Kim Mai, Kim Tâm... (có lẽ chỉ trừ một sinh hoạt độc đáo của người Việt ở New Orleans, "chợ chồm hổm", là không có dấu hiệu sẽ nhóm lại).

Chúng tôi đi vào "làng", thăm những con đường quanh nhà thờ Nữ Vương Việt Nam -- trong đó có "Saigon Drive", "Tu-do Drive", "My-Viet Drive"... đã được gắn bảng tên đường chính thức từ hơn 10 năm nay. Theo Ban Chấp hành Cộng đồng, cả tiểu bang Louisiana có khoảng 22 ngàn người Việt định cư, ít nhất 14 ngàn trong số đó là nạn nhân bão Katrina.

Gần 7 ngàn người sống trong giáo xứ Nữ Vương Việt Nam, nhưng sau trận bão mới chỉ có chừng 25% đã trở về sửa sang nhà cửa và tiếp tục sinh hoạt. Con số này thấp hơn tỷ lệ 85% người Việt trở về vùng West Bank tức Jefferson County, nhưng cao hơn con số 20% đã trở về vùng Slidell (St. Thammamy) và cao hơn rất nhiều so với khoảng 3% hoặc 4% đã trở về vùng Chalmette (St. Bernard).

Chính vì muốn khuyến khích bà con trong giáo xứ nói riêng cũng như đồng bào tại New Orleans cố gắng trở về xây dựng lại đời sống, nên Hội Đồng Giáo Xứ Maria Nữ Vương Việt Nam đã thực hiện "Hội Chợ Xuân Bính Tuất" vào đầu tháng 2, với những gian hàng nhộn nhịp từ 10 giờ sáng và chương trình văn nghệ với nhiều nam nữ nghệ sĩ từ khắp nơi về góp mặt: Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Nam Lộc, Diễm Liên, Ngọc Huyền, Thanh Tuyền, Cardin, Lâm Nhật Tiến, Nguyên Khang, Mạnh Đình, Trish Thùy Trang, Gia Nguyên, Tường Nguyên, Minh Thư, Hạnh Phước v.v... Và rõ ràng Ban Tổ Chức đã đạt được mục đích, khi liên tiếp ba ngày cuối tuần, ngày nào hội chợ cũng đông nghẹt người tham dự -- ngoài số cư dân đã trở về Eastern New Orleans còn có các đồng bào đến từ những vùng khác của Louisiana như Baton Rouge, Shreveport, từ Houston (Texas), từ Biloxi (Mississippi) v.v...

Những dẫy xe san sát nhau dọc con đường Dwyer và chật kín bãi đậu xe bên hông nhà thờ. Trước sân khấu ngoài trời từ đêm thứ Sáu qua đêm thứ Bảy và Chủ nhật, mặc dù gió càng về khuya càng buốt lạnh, số khán giả coi văn nghệ lúc nào cũng trên dưới 3 ngàn người, ai nấy đều mặc áo quần dầy và đội nón nỉ để chống hơi lạnh, nhưng những tràng pháo tay, những tiếng hoan hô không lúc nào ngừng.

Buổi sáng thứ Hai, trước khi rời New Orleans, chúng tôi còn được anh Nguyễn Thừa Long (cựu Chủ tịch Cộng đồng và là một chức sắc Cao Đài) đưa đi quan sát một lần nữa vùng bão lụt Lakeview mà cho tới bây giờ vẫn hoàn toàn là một khu vực bỏ hoang, đồng thời đến thăm Thánh Thất Cao Đài -- kiến trúc duy nhất tại hải ngoại do chính các tín đồ địa phương tự góp công góp của khởi công thiết kế theo đúng khuôn mẫu của Tòa Thánh Tây Ninh. Khi ập vào thành phố, trận cuồng phong Katrina đã phá tung hai cánh cổng của tiền diện Thánh Thất, luồn vào chánh điện, thổi bay một mảnh mái bên hông, nhưng may thay ngay sau đó bão đã "tìm đường" đi ra bằng phía cổng sau, nhờ đó công trình xây cất không bị hư hại nặng và hiện đang được tiếp tục để cố gắng hoàn tất với hy vọng sẽ khánh thành vào cuối năm nay.

***

Khác với rất nhiều phi trường tại nhũng thành phố lớn của nước Mỹ, phi trường New Orleans không được đặt tên theo một vị Tổng Thống Hoa Kỳ, mà lại mang tên một ca nhạc sĩ -- Louis Amrstrong, cây kèn trumpet lừng danh từ thập niên 20 và là một trong những khuôn mặt tiêu biểu cho giòng nhạc Jazz. Sau trận bão Katrina, từ chính phủ đến tư nhân đều đã bỏ ra rất nhiều cố gắng để phục hồi nếp sinh hoạt của khu "French Quarter" nổi tiếng khắp thế giới, nơi có những quán rượu tiệm ăn ngày đêm rộn ràng điệu Jazz đầy quyến rũ, thể hiện phong thái văn hóa của người Mỹ da đen và cũng là nét đặc trưng tuyệt vời nhất của New Orleans. Nhưng không ai dám đoan quyết đến bao giờ nếp sinh hoạt ấy mới thật sự trở lại như xưa. Chẳng phải vì những quán rượu bị thiên tai hủy hoại, mà là vì cư dân của New Orleans đã vắng đi rất nhiều từ ngày di tản chạy bão, kể cả những người có ý định rời bỏ luôn thành phố này để lập nghiệp ở nơi khác.

Một bản tin thông tấn cho biết ngày 7 tháng 2 vừa qua, 5 ngàn cư dân New Orleans chạy bão Katrina đã bị trục xuất khỏi những khách sạn mà cơ quan FEMA thuê mướn cho họ tạm trú ở 40 tiểu bang khác nhau trên nước Mỹ, và trong tuần tiếp đó sẽ có thêm 20 ngàn người nữa bị trục xuất. Mặc dù lâm cảnh tứ cố vô thân, hàng chục ngàn người dù có muốn cũng chưa thể trở về nơi cư trú cũ của họ vì tường vách nền nhà đã hư hại quá nặng nề. Một số đành chấp nhận nộp đơn xin lãnh những trailers do chính phủ cấp phát để tạm trú ngay trước căn nhà bị tàn phá; nhưng mặt khác rất nhiều người vẫn ngần ngại chuyện trở về vì lo sợ viễn ảnh mùa bão 2006 chỉ còn vài tháng nữa sẽ bắt đầu, mà hệ thống đê của thành phố đã bị Katrina tàn phá nặng nề chẳng biết có chịu đựng nổi dù là một cơn bão cấp 2 cấp 3 hay không.

Cũng như 80% cư dân địa phương người da đen, cả chục ngàn người Việt chia sẻ mối ưu tư tương tự về mùa bão hàng năm (kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11) từ biển khơi tấn công vào lục địa, trong lúc vẫn trông chờ sự giúp đỡ của chính phủ và các cơ quan thiện nguyện để tu bổ nhà cửa và phương tiện mưu sinh. Cách New Orleans không xa, bên bờ Vịnh Mexico, các ngư dân tại Empire, Buras vẫn chưa biết chừng nào tầu đánh cá của họ mới được sửa chữa, sau khi bị bão Katrina đánh văng lên bờ, lên cả trên mặt xa lộ. Những con số do Ban Chấp hành Cộng đồng ghi nhận vào cuối tháng 1 vừa qua cho thấy vẫn còn khoảng 1,200 ngư thuyền nằm ngổn ngang (một số lớn trong đó do người Việt làm chủ), mà trách nhiệm giải quyết lại không phải của cơ quan FEMA.

Ra phi trường Louis Armstrong, tạm biệt New Orleans mà lòng còn đầy ắp những xúc động từ bao nhiêu hình ảnh của mấy ngày qua, và trong đầu còn rất nhiều câu hỏi chưa tìm thấy câu trả lời. Cái "thành phố của nhạc Jazz" này chắc sẽ phải chờ thêm vài năm nữa mới mong lập lại đời sống cũ, nhưng chẳng biết kế hoạch tái thiết có mang thêm những xáo trộn nào đến cho sinh hoạt của bà con người Việt nữa không. Một trong những nguồn tin ghi nhận được là vùng Eastern (trong đó có làng Việt Nam ở Versailles) có thể sẽ bị giải tỏa để dùng làm nơi xây cất một phi trường liên tiểu bang (Louisiana, Alabama, Mississippi). Điều này nếu trở thành sự thật, sẽ là tin buồn hay tin vui"

Bên cạnh những ưu tư và hoài nghi về tương lai, niềm an ủi còn lại sau một mùa bão tố vẫn chỉ là tinh thần tương trợ đầy cao quý giữa các đồng bào ruột thịt nơi xứ lạ quê người, thể hiện đúng câu tục ngữ ngàn đời "lá lành đùm lá rách". Ngay tuần lễ sau bão Katrina và tiếp đó suốt nửa năm trời, cộng đồng người Việt khắp nơi đã không ngừng góp công góp của qua hàng loạt chiến dịch cứu trợ được phát động từ miền Đông qua miền Tây nước Mỹ, qua cả Âu Châu và Úc Châu. Từng đoàn thiện nguyện nối tiếp nhau đi tới các trung tâm tạm cư để thăm hỏi giúp đỡ các đồng bào nạn nhân phải sống cảnh đời lây lất vì chưa thể trở về những căn nhà bị thiên tai tàn phá. Và cái gạch nối giữa các chiến dịch ấy là nhiệt huyết của những người đã không quản thời giờ công sức lao mình vào việc cứu trợ từ giây phút đầu tiên -- các vị lãnh đạo tinh thần ngay tại vùng bão lụt, các anh chị trong tổ chức Cộng đồng Louisiana, Cộng đồng Houston, mấy trăm anh chị em thiện nguyện viên làm việc hàng ngày để nhận và chuyển phẩm vật cứu trợ đến đồng bào, các đài phát thanh, truyền hình như Saigon Houston, Little Saigon, Radio Bolsa, VATV, Việt Nam Hải Ngoại, những mạnh thường quân đã tận tình tiếp tay vào công tác cứu trợ như chủ nhân thương xá Hồng Kông và chủ nhân một số nhà hàng ở Texas... Tinh thần tương trợ của cộng đồng người Việt đã khiến nhiều cơ quan chính phủ và cơ sở truyền thông Hoa Kỳ phải bày tỏ sự ngưỡng mộ, cũng như họ đang ngưỡng mộ tinh thần kiên cường phấn đấu của những nạn nhân bão lụt người Việt, những con người bé nhỏ nhưng biết nương dựa nhau để vượt qua thiên tai khốc liệt, như đã từng vượt sóng dữ bể khơi để thoát khỏi đêm tối ngục tù đi tìm ánh sáng tự do.

Bài phóng sự của ký giả Lance Hill trên tờ Louisiana Weekly ngày 23/1/2006 đặt câu hỏi là người ta có thể học được gì từ "phép lạ" xảy ra ở ngôi làng Versailles" Câu trả lời: Phép lạ ấy đến từ tinh thần đoàn kết của người Việt, biết đặt nhu cầu của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân; từ nhận thức rằng mỗi cá nhân đều có nghĩa vụ gắn bó, giúp đỡ những người khác xây dựng lại nhà cửa, xây dựng lại đời sống. Nhà báo đã phỏng vấn một cư dân Việt Nam rằng ông ta có lo sợ những trận lụt kế tiếp hay không và tất cả những công việc nặng nhọc của ông ta hôm nay liệu có thể sẽ trở thành vô ích vào ngày mai hay không" Người được hỏi nhún vai, trả lời: Chúng tôi đã từng trốn thoát chế độ bạo quyền tại Việt Nam. Chúng tôi đã thoát được cơn bão Katrina tại New Orleans. Vậy thì bây giờ chúng tôi trở lại và sẽ ở lại đây, vì đây chính là nhà của chúng tôi.

Đào Trường Phúc (2-2006)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.