Hôm nay,  

Hý Họa Gây Đại Họa

09/02/200600:00:00(Xem: 5649)
- Chuyện hý họa Âu Châu đang xoay chuyển cục diện chống khủng bố của Hoa Kỳ…

Cách đây năm năm, Tháng Ba năm 2001, chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban tại Afghanistan đã làm một điều ghê tởm.

Họ đặt chất nổ phá tan hai bức tượng Phật trên vách núi Bamyian; một pho cao 38 thước được tạc trong núi từ 1800 năm trước, một pho 53 thước, 1500 tuổi. Thế giới bàng hoàng, nhưng phản ứng yếu ớt. Không thấy thời sự nói gì về một người hay một nhóm Phật giáo gọi nhau đốt đền Hồi giáo để trả thù.

Trong vụ này, Iran có lên tiếng phản đối, Pakistan thì không. Một số tin tức cho biết là các kỹ sư Pakistan đã giúp Taliban đặt chất nổ và bộ Tôn giáo Pakistan còn tuyên bố rằng việc phá tượng ấy phù hợp với giáo luật của đạo Hồi.

Vụ tượng Phật Bamyian là biến cố bị lãng quên nhưng có thể khiến lãnh tụ Taliban là Mullah Mohammed Omar đánh giá sai phản ứng của Hoa Kỳ, y như lý luận của Osama bin Laden: Tây phương suy nhược và suy đồi sẽ phải thoái lui sau khi đầu sỏ là Mỹ bị một đòn phủ đầu.

Sáu tháng sau, Hoa Kỳ bị al-Qaeda tấn công trong vụ khủng bố 9-11.

Bảy tháng sau, Hoa Kỳ và các nước Tây phương tung quân vào Afghanistan lật đổ Taliban và truy lùng al-Qaeda được chế độ này chứa chấp. Tổng thống Pakistan Pervez Musharaff hợp tác với Hoa Kỳ trong chiến dịch Afghanistan với sự ngấm ngầm chống đối của nhiều phe Hồi giáo cực đoan trong chính quyền và quân đội. Trong khi ấy, Iran ngấm ngầm yểm trợ Hoa Kỳ.

Dưới sự chủ xướng của Hoa Kỳ, cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo ngụy danh "Thánh chiến" đã bắt đầu.

Nhưng Hoa Kỳ mất dần hậu thuẫn của quần chúng Tây phương và các "đồng minh" cố hữu tại Âu châu và Iran đang trở thành một thách đố mới. Cực đoan không kém gì Taliban - dù theo một xu hướng Hồi giáo khác - chế độ Tehran ngày nay còn có tham vọng chế tạo võ khí nguyên tử. Và khẳng định quyết tâm là sẽ sử dụng. Tổng thống xứ này còn nói đến ngày xuất hiện của đấng Tiên tri thứ 12, trong một cuộc thư hùng toàn cầu, dẫn tới sự chiến thắng của đạo Hồi trên toàn thế giới.

Truyện thiếu nhi đau đầu người lớn

Đầu đuôi là một truyện thiếu nhi sau bốc khói thành chuyện người lớn.

Kaare Bluitgen là một nhà văn Đan Mạch đang muốn thực hiện một cuốn sách nhỏ giới thiệu cuộc đời Mahommed với thiếu nhi Đan Mạch trong mục đích tạo ra sự cảm thông cho trẻ em với đạo Hồi. Ngày 17 tháng Chín, ông than phiền trên tờ Politiken là không tìm ra họa sĩ nào dám vẽ hình Mahommed vì sợ bị dân Hồi giáo cực đoan trả thù. (Một chi tiết nhỏ: cuốn sách của Kaare Bluitgen cuối cùng đã được xuất bản, và sau ba tuần nay đang là "best seller", in ra có hai ngàn nay đã phải in gấp ba là 6.000 cuốn. Nghĩa là một dự án nhỏ nhít không đáng kể!) Nhưng cọng rơm nhẹ tênh này đã làm gẫy lưng con lạc đà.

Tờ Jyllands-Posten khó chịu về sự sợ hãi ấy nên yêu cầu các họa sĩ vẽ hình Mahommed theo cảm quan của họ. Ngày 30 Tháng Chín năm ngoái, vào đầu tuần chay Ramadan của dân Hồi giáo, Jyllands-Posten chọnh đăng 12 tấm hý họa về Mahommed,.

Y như vụ phá tượng Phật giáo, một biến cố tưởng như nhỏ bé ở một vùng đất không có gì là "chiến lược" bỗng như tháo chốt châm ngòi cho một trận động đất chính trị toàn cầu.

Âu châu cười cợt - Hồi giáo nổi giận

Trong toàn cõi Âu châu, các nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy hay Thụy Điển, đều nổi tiếng hiếu hòa bao dung, cũng chẳng có tham vọng xưng hùng xưng bá gì với bất cứ ai. Không ai ngờ là các sứ quán Đan Mạch và Na Uy bị đốt, người dân bị dọa giết. Họ không may nên bị kẹt vào chuyện phi lý của thiên hạ, với những hậu quả bất ngờ - hợp lý và đáng sợ.

Khi mời các họa sĩ tham gia vẽ hình đấng Tiên tri Mahommed của dân Hồi giáo, tay chủ biên tờ Jyllands-Posten đã đụng vào cái vẩy ngược của con rồng, hay đúng hơn, giật đuôi của quỷ, và đáng lẽ phải biết trước hậu quả… hợp lý mà đáng sợ này. Hay là ông ta thấy cái hợp lý Hồi giáo ấy là phi lý, bất công" Là chướng"

"Cười cợt để sửa lại phong hóa" là dang ngôn của một tác giả Âu châu, nhưng cười cợt đến chết người thì Âu châu không ngờ được.

Đạo Hồi chủ trương là không ai được tô vẽ hình ảnh của đấng Tiên tri của họ, lại càng không được chế diễu báng bổ. Người Hồi giáo vì vậy phật ý về những bức hý họa ấy. Người Hồi giáo vốn rất phục tòng các lãnh tụ tôn giáo của họ. Vì vậy, phản ứng của họ tùy thuộc rất nhiều vào phản ứng của các lãnh tụ, mà các lãnh tụ này lại có những tính toán khác…

Không những đạo Hồi chủ trương là không ai được xúc phạm tôn giáo của họ, nhưng còn chủ trương là có quyền trình bày nhân sinh quan và thế giới quan theo giáo lý của họ, trong đó, nếu họ có xúc phạm vào các tôn giáo khác thì cũng là chuyện bình thường. Chẳng những tượng Phật bị phá mà các đạo khác, Thiên Chúa giáo hay Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, cũng bị xuyên tạc, bóp méo, và đả kích mà không hề bị các lãnh tụ tôn giáo khuyên can hay ngăn cấm.

Ta đụng vào một vấn đề thần học. Thế giới nói chung nghĩ là mọi tôn giáo đều bình đẳng, và tôn sùng hay không là quyền từng người mà không ai được ngăn cấm. Dân Hồi giáo đòi hỏi đạo Hồi phải được tôn trọng vì tin rằng tôn giáo của họ có giá trị siêu việt, không giống các tôn giáo khác.

Trên nền tảng ấy, các lãnh tụ có quyền diễn dịch - và xúi giục.

Dù chung đụng với dân Hồi giáo, người dân Âu châu có lẽ lại không hiểu như vậy.

Họ đã từng tranh đấu rất mạnh để tôn giáo hết là một sức mạnh chi phối sinh hoạt thế tục của quốc gia, của xã hội, và tranh đấu quyết liệt không kém để bảo vệ quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí. Trong các quyền tự do ấy, có cả quyền châm biếm tôn giáo, là chuyện thường nhật từ mấy trăm năm nay. Cả nước Pháp - rồi thế giới - đã say mê truyện Ba người Ngự lâm Pháo thủ của Alexandre Dumas, một truyện võ hiệp chính trị trong đó Hồng y Giáo chủ Richelieu được trình bày dưới những góc cạnh (sai lạc) có thể làm một Giáo chủ Hồi giáo nổi điên! Chưa ai phê phán cuốn truyện này là báng bổ Công giáo cả!

Trong các tôn giáo bị dân Âu châu châm biếm, lần này có một tôn giáo không giống các tôn giáo còn lại - nhìn từ phía Hồi giáo - đó là đạo Hồi.

Hai thế lực tinh thần - một là quan điểm thần quyền hai là quan điểm dân quyền - đang đụng nhau trong một trận sinh tử và không phe nào có thể lui. Đất chẳng chịu trời mà trời cũng chẳng tha đất.

Báo chí Âu châu nhập cuộc, đăng lại các tấm hý họa Đan Mạch vì tinh thần liên đới và vì muốn khẳng định quyền tự do ngôn luận của họ. Một phản ứng hợp lý và đáng sợ.

Người Hồi giáo thì không thể hiểu được phản ứng rất cá nhân ấy của giới báo chí, mà kết luận theo các lãnh tụ của mình, rằng các chính quyền Âu châu sở dĩ không ngăn cấm và trừng phạt báo chí là vì họ có ẩn ý. Ngược lại, không một xứ Âu châu nào lại chấp nhận để cho dân Hồi giáo quyết định là hình này được đăng, hình kia thì không. Chữ "kiểm duyệt" cũng nặng nề như chữ "báng bổ"!

Từ quyết định của một tờ báo, cả chính quyền, người dân và toàn khối Âu châu đã bị họa lây khi sứ quán bị đốt phá và dân chúng bị hăm dọa. Các doanh nghiệp Tây phương bị thiệt hại, phải được bảo vệ khắp nơi, và nhân viên của họ ở nước ngoài cho khi chết oan. Doanh nghiệp Mỹ vốn đã bị "ghim" vì chuyện khủng bố, chuyện Iraq, có khi sẽ lại là đối tượng bị tấn công. Phí tổn kinh tế và bảo hiểm sẽ được chia đều cho mọi người…

Thế rồi chuyện ấy sẽ ảnh hưởng ra sao đến thế giới, trước tiên là đến cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo quá khích của Hoa Kỳ"

Từ Hý họa đến Khủng bố

Bảo rằng "một số không nhỏ những người theo đạo Hồi sùng tín đến độ cuồng tín như một tôn giáo thời Trung Cổ cho nên có thể làm những chuyện bất thường" là nói ra một điều vô ích. Có ích hơn, có lẽ nên tìm hiểu xem các lãnh tụ Hồi giáo ở trên (từ các Giáo chủ, Trưởng lão đến các Quốc vương, Tộc trưởng, Tổng thống, Thủ tướng, v.v…) muốn những gì trong vụ này"

Chuyện bé mà xé ra to cũng là từ Đan Mạch. Chúng ta phải xét lại diễn tiến nội vụ.

Một số dân Hồi giáo ở Copenhagen bắt đầu lên tiếng phản đối khi đọc báo, các Giáo sĩ thành lập ủy ban và loan báo nội vụ cho sứ quán các nước Hồi giáo, trong đó có Egypt và Saudi Arabia. Ngày 19 Tháng 10, Đại sứ 10 nước Hồi giáo chính thức đặt vấn đề với chính quyền Đan Mạch và được trả lời là Chính phủ không có quyền cấm đoán báo chí! Chuyện hợp lý ở Đan Mạch nhưng phi lý dưới nhãn quan Hồi giáo, ở các nước vốn không coi chuyện dân chủ hay tự do báo chí là đáng kể. Và tờ báo dĩ nhiên không chịu xin lỗi.

Nội vụ được quốc tế hóa vào đúng thời điểm, suốt hai tháng 10 và 11 của năm 2005 và đơm hoa kết trái trong suốt tháng Giêng.

Các giáo sĩ tích cực hay cực đoan nhất, trong đó có Abu Laban, một giáo sĩ liên hệ đến khủng bố, đã đem bộ tranh hý họa từ Copenhagen qua Trung Đông mở cuộc vận động. Hồ sơ luận tội được châm thêm ba bức tự biên tự diễn (một bức vẽ hình Mahommed với mõm lợn, một bức vẽ hình Mahommed trong thế "kê dâm" - giao cấu bằng… cửa sau). Ngày 29 tháng Giêng, dân Palestine tại dải Gaza tấn công văn phòng đại diện của Liên hiệp Âu châu. Chủ biên tờ Jyllands-Posten ben xin lỗi và cộng đồng Hồi giáo ở Đan Mạch chấp nhận lời xin lỗi.

Nhưng ông thần đã thoát khỏi cây đèn thần của Alladin dưới tấm áo Tử thần.

Nhiều tờ báo Âu châu nhập cuộc, đăng lại bộ hý họa của Đan Mạch và khắp nơi đã nổi lên các cuộc biểu tình chống Tây phương, Tòa Đại sứ hay Lãnh sự quán Đan Mạch và Na Uy bị đốt… Có bốn nước đáng chú ý trong chuyện khai thác hý họa thành đại họa.

Đang lúng túng với vụ xô đẩy làm 345 người hành hương Thánh địa Mecca bị chết ngày 12 tháng Giêng, Saudi Arabia châm dầu vào lửa, ngày 26 tháng Giêng triệu hồi Đại sứ tại Đan Mạch về nước và quyết định tẩy chay hàng hóa Đan Mạch.

Đang có tranh cử, lần đầu tiên tổ chức tự do và có sự tham dự của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, một lực lượng tiền thân của - và gần gũi với - al-Qaeda, Tổng thống Hosni Mubarak của Egypt tìm được cơ hội chứng minh quyết tâm bảo vệ đạo pháp.

Tại Syria, chế độ độc tài của Tổng thống Ashar al-Assad bị Liên hiệp Âu châu than phiền về tội can thiệp vào Lebanon và liên hệ đến vụ ám sát nguyên Thủ tướng Lebanon là Hafik Hariri vào năm ngoái. Vụ hý họa là cơ hội hý lộng: ngẫu nhiên sao, những sứ quán đầu tiên bị đốt là tại Syria và Lebanon, hai quốc gia vốn ít nổi tiếng về đạo pháp.

Từ đấy, việc dân Hồi giáo nổi lên chống Tây phương lan rộng khắp nơi. Nhưng lại được hạn chế ở tại Iran. Đại đạo diễn của bi kịch hý họa Đan Mạch nằm ở đây chăng"

Và người giám trận bình tĩnh nhất trong toàn vụ chính là Hoa Kỳ.

Âu châu Liên thủ với Hoa Kỳ

Trên trận tuyến chống khủng bố, ta biết rõ quan điểm dứt khoát của Hoa Kỳ, và lập trường ủng hộ của Anh quốc. Nhưng lập trường Âu châu là điều gì đó rất mơ hồ.

Lý do là vì Âu châu thống nhất không có lập trường thống nhất. Lập trường ồn ào nhất thường được dư luận thiên tả và phản chiến tại Mỹ cho là "quan điểm Âu châu" thực ra chỉ là của Pháp và Đức - ít ra là của nước Đức thời Gerhard Schroeder còn làm Thủ tướng.

Quan điểm ấy được truyền thông lưu truyền rộng rãi, rằng Âu châu cho là chính quyền Bush phản ứng quá đáng với vụ khủng bố 9-11 và không biết ứng xử một cách tinh tế hơn với hồ sơ Hồi giáo. Một phần vì ông Bush là người Texas, thiếu chiều sâu văn hóa và lịch sử!

Tiềm ẩn bên dưới lời phê phán này là Mỹ đã châm dầu vào lửa khi mở chiến dịch tấn công al-Qaeda, can thiệp vào Iraq và còn gây hiềm khích với toàn khối Hồi giáo vì ủng hộ Israel, Egypt và Jordan.

Nước Mỹ thiếu tinh tế nên bị vụ 9-11 rồi tự cô lập với thế giới vì phản ứng trả đũa sau vụ khủng bố!

Lập luận được gọi là "Âu châu" này được phe phản chiến, chủ hòa hoặc chống Mỹ ngay trong xã hội Hoa Kỳ thổi phồng để đả kích chính quyền Bush. Nhiều người Mỹ cũng bắt đầu tin như vậy.

Bây giờ, từ Âu châu bỗng xảy ra một vụ tày trời, còn lớn hơn vụ đánh bom Madrid hay London, mà hoàn toàn chẳng liên hệ gì tới Hoa Kỳ hay ông Bush.

Nhiều nước Âu châu có thể dửng dưng sau khi nhà điện ảnh Hòa Lan là Theo Van Gogh bị ám sát năm kia vì tội làm phim xúc phạm đạo Hồi - chẳng qua đó là hành vi của một tên Hồi giáo quá khích. Họ cũng có thể dửng dưng khi Madrid và London bị khủng bố, chẳng qua là hành vi của một nhóm nhỏ và vì Tây Ban Nha và Anh tham gia chiến dịch Iraq bên cạnh Hoa Kỳ.

Họ còn có thể dửng dưng khi nước Pháp bị hai tháng đại loạn năm ngoái do những vụ đập phá của người Hồi giáo, chẳng qua là vì chánh sách di dân và hội nhập quá tệ của Pháp mà thôi.

Địa ngục là kẻ khác. Là Hoa Kỳ, kẻ dại dột giật đuôi con quỷ.

Giờ đây, người Âu châu không dửng dưng được nữa vì cả xã hội, quốc gia và toàn khối Âu châu trở thành con tin của một tôn giáo đang đòi kiểm duyệt báo chí của họ, nếu không, sứ quán sẽ bị đánh bom, kiều dân có khi bị sát hại. Đây là một chấn động tâm lý rất lớn, lan rộng khắp Âu châu, nhất là khi hai nước nạn nhân lại thuộc loại hiếu hòa và dễ thương nhất.

Mối nguy bị tấn công không tùy thuộc vào chánh sách ngoại giao của Âu châu đối với khối Hồi giáo hay từng hồ sơ tế nhị của Trung Đông. Mối nguy có thể xảy ra từ bất cứ một sự kiện nào và nằm ngoài khả năng ứng phó của họ. Âu châu có thể bị một vụ 9-11 y như Hoa Kỳ mà người dân Âu châu không thể phòng ngừa hoặc ngăn cản được.

Tâm lý bất mãn, uất ức và tuyệt vọng của người dân sẽ làm thay đổi đối sách của toàn khối Âu châu.

Tâm lý ấy mặc nhiên xác nhận một điều chính quyền Bush từng phát biểu nhiều lần mà dân Âu châu chưa hiểu và lãnh đạo Âu châu chưa chấp nhận: phản ứng Hồi giáo cực đoan quá khích, được thể hiện thành khủng bố, không xuất phát từ một sai lầm hay tội lỗi gì của thế giới, của Tây phương hay Hoa Kỳ, mà từ những vấn đề về nhận thức trong thế giới Hồi giáo. Phản ứng ấy có thể trở thành thảm kịch do bất cứ mọi chuyện rất vu vơ, vô lý. Muốn ngăn ngừa và chống đỡ mối nguy này thì phải, thứ nhất diệt trừ quân khủng bố, thứ hai là tạo ra thay đổi trong thế giới Hồi giáo. Như dân chủ hóa chẳng hạn.

Và nỗ lực ấy sẽ kéo dài vài chục năm mới có kết quả!

Lần đầu tiên, từ quyết định của một tờ báo mờ nhạt trong một quốc gia hiền hòa, Âu châu bỗng thấy số phận của mình và Hoa Kỳ đang hòa làm một. Và lập trường tưởng như quá khích hay cương cường của ông Bush dường như cũng có sự hợp lý của nó!

Hý họa có gây đại họa nhưng cũng tạo ra một chuyển biến tâm lý, rồi ngoại giao và địa dư chiến lược trên trận tuyến chống khủng bố ngụy danh "Thánh chiến".

Xưa nay, Âu châu nhân nhượng và ve vãn Palestine nhất, trong khi đả kích Hoa Kỳ là thiên vị với Israel, nơi văn phòng Âu châu bị tấn công đầu tiên lại là Palestine. Và những quốc gia dung chứa khủng bố như Syria hay Lebanon đã lại đứng trên tuyến đầu của việc đốt phá Sứ quán. Nếu không bị hôn mê, có lẽ Thủ tướng Ariel Sharon của Israel cũng đang mỉm cười.

Từ đấy bảo rằng Hoa Kỳ có lợi nhờ vụ hý họa là một kết luận tương đối dễ hiểu. Nhưng từ đấy mà bảo rằng tình báo Hoa Kỳ có nhúng tay vào nội vụ thì người ta có kết luận của truyện trinh thám chính trị giả tưởng. Nghĩa là hoang tưởng. Dù sao, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn lại rất kém về ngoại giao khi phát ngôn viên của bộ gián tiếp phê phán sự sai lầm của báo chí Âu châu. Đã thủ lợi rồi thì ngậm miệng ăn tiền, cớ sao dạy dỗ đồng minh làm gì!

Nhưng, còn vai trò của đại đạo diễn đội khăn bịt mặt tại Iran"

Hai phe Sunni và Shia giành banh hý họa

Vụ hý họa có thể khiến Âu châu sát cánh hơn với Hoa Kỳ, nhưng chưa chắc đã thống nhất được thế giới Hồi giáo. Trái lại.

Trong vụ này, ta thấy một số lãnh tụ các nước Hồi giáo đã nhảy vào "ăn có" bằng cách khai thác phản ứng cuồng tín của dân chúng. Nhưng, mỗi quốc gia lại có một mục tiêu riêng và các mục tiêu này không đồng quy. Không thống nhất.

Ngoại giao Âu châu có thể xử lý nội vụ nếu nhìn ra những dị biệt ấy.

Trong thế giới Hồi giáo, có hai khối cũng coi như nước với lửa là Sunni và Shia. Oái oăm của lịch sử khiến dân Sunni có khi lãnh đạo một nước có đa số Shia (như Iraq thời Saddam Hussein) hay một nước theo Shia lại là thiểu số giữa một khu vực toàn người Sunni (như Iran).

Những mâu thuẫn tôn giáo đã chuyển dịch thành tranh chấp chiến lược ngay trong thế giới Hồi giáo, như cuộc chiến tám năm giữa Iraq (do Sunni lãnh đạo) và Iran (do Shia lãnh đạo), hoặc tình hình chiến hòa bất định ngày nay ngay tại Iraq, khi dân Shia có đa số và do Iran ủng hộ phía sau lại muốn lấn dân Sunni thiểu số, mà một nhóm không nhỏ của Sunni lại yểm trợ quân khủng bố của al-Qaeda. Cũng vì sự hiềm khích ấy mà Iran có tiếp tay Hoa Kỳ trong việc tấn công chế độ Taliban tại Afghanistan!

Trên bàn cờ vốn đã phức tạp như vậy, ta còn thấy tranh chấp "đại cường" giữa Saudi Arabia, một vương quốc Sunni bị coi là chư hầu của Mỹ, với Iran theo Shia, một cường quốc đang thách thức Hoa Kỳ nhưng lại bị dân Sunni coi là có kín đáo cộng tác với Mỹ trên các chiến trường Afghanistan rồi Iraq. Không cộng tác với Mỹ thì vì sao các lãnh tụ Shia tại Iraq lại chơi trò dân chủ và tham gia bầu cử rồi soạn thảo hiến pháp!

Dư luận thế giới và Hoa Kỳ chỉ nhìn thấy những lúng túng của chính quyền Bush tại Iraq mà không nhìn ra cái thế "tam quốc" giữa Sunni, Shia và Hoa Kỳ!

Như một trái banh vô tình, bó đuốc hý họa Đan Mạch được tung vào thùng thuốc súng ba ngòi này.

Thế giới Hồi giáo nhất trí đả kích Đan Mạch và kết tội Âu châu theo phép quy nạp, nhưng, mỗi cộng đồng Sunni hay Shia lại khai thác một cách, không để sáng danh đạo Hồi mà để chứng minh rằng mình mới thực sự bảo vệ đạo pháp, phe kia chỉ là… "giáo gian", thậm chí là đồng lõa vì đã đầu hàng đế quốc Satan.

Syria là một xứ có đa số là Sunni, lãnh tụ lại thuộc hệ phái Allawites của Shia và có liên hệ lâu đời với Iran. Syria khai thác vụ hý họa Đan Mạch tại Damascus và tại Beirut là theo quan điểm của Tehran. Là một xứ theo thế quyền, Syria có cơ hội chứng minh quyết tâm của mình về một vấn đề thần quyền. Điều ấy tạm thời củng cố được chế độ lung lay của Tổng thống al-Assad.

Syria và Iran ở đằng sau mà tích cực tranh đấu cho danh dự của Mahommed như vậy thì một đại cường cấp vùng và tử thù của Iran là Saudi Arabia cũng không thể kém.

Phe Shia hung hãn chừng nào thì phe Sunni tại Saudi cũng quyết liệt chừng ấy. Saudi Arabia, đồng minh của Mỹ và quê hương của Osama bin Laden, là nước đầu tiên kêu gọi tẩy chay kinh tế. Một đằng xua dân đi đốt phá, một phe thì đánh võ ngoại giao. Cả hai đều là những chế độ độc tài có thể tổ chức ra mọi chuyện, như Iran đã lập tức tổ chức cuộc thi hý họa có nội dung xúc phạm dân Do Thái sau khi đòi xóa quốc gia Israel trên bản đồ Trung Đông và xua dân Do Thái qua Âu châu tỵ nạn.

Nếu giữa Hoa Kỳ và Âu châu, người ta có những dị biệt quan điểm về đối ngoại, về kinh tế hay xã hội, thì hai khối này vẫn là các nước dân chủ và không coi nhau là kẻ thù phải tiêu diệt, để làm sáng danh chủ nghĩa tư bản hay truyền thống tự do công bằng bác ái chẳng hạn.

Ngược lại, giữa hai khối Sunni và Shia là cả một cuộc đấu tranh sinh tử, phe nào cũng có dưới

tay vài nhóm khủng bố mệnh danh Thánh chiến hay chủ nghĩa quốc gia, và có thể điều động người dân hò hét đốt phá nếu cần.

Tai hạn hý họa Đan Mạch có khi sẽ khiến Âu-Mỹ sát cánh với nhau, chứ không hàn gắn được nội thù Sunni-Shia, ngược lại. Điều này, chúng ta có khi quên mất khi cứ nghe truyền thông hàng ngày loan tin "Hồi giáo nổi điên vì tự do ngôn luận của Âu châu".

Trong toàn vụ, Iran đáng chú ý nhất ở cách phản ứng.

Đang thách đố cả Liên hiệp Âu châu và Hoa Kỳ về hồ sơ nguyên tử, Tehran cũng đứng trên tuyến đầu chống Mỹ. Các Giáo chủ xứ này rất khéo khai thác qua sợi dây nối dài với Syria và lực lượng Hezbollah tại Lebanon và còn muốn chứng minh với dân Sunni là khối Shia mới thực sự bảo vệ đạo pháp.

Được truyền cho trái banh, cầu thủ hạng tồi có thể nhồi lộn và đá rách "gôn" nhà. Các Giáo chủ tại Iran trao trả gắn bó hơn, với ước mơ là sẽ giúp đấng Tiên tri thứ 12 tái sinh, trong cái nấm nguyên tử. Đấy mới là điều đáng quan tâm.

Đồng dao Việt Nam có câu "Phật ngồi Phật khóc"… biết đâu chẳng ứng vào chuyện này khi cả thế giới lặng thinh vì vụ Taliban phá tượng Phật tại Bamyian hồi tháng Ba năm 2001"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.