Hôm nay,  

Ba Thế Kỷ Nối Dài (1697 -2006) Từ Chiêm Thành Tới Bình Thuận

06/02/200600:00:00(Xem: 5595)
- Trên danh nghĩa từ năm 1693, Đại Việt đã chánh thức là chủ nhân ông toàn cỏi vương quốc Chiêm Thành nói chung và tại châu Panduranga, tức Thuận Trấn hay Tỉnh Bình Thuận ngày nay. Người lưu dân Đại Việt từ miệt ngoài vào đây, dù phát xuất tại một tỉnh nào chăng nửa, trong họ vẫn mang đậm ảnh hưởng của một vũ trụ quan do tam giáo chi phối. Quả vậy nhìn bề ngoài, khi thấy những lưu dân đầu tiên của Đại Việt tận miền ngũ Quảng hay đám tù binh Đàng Ngoài, theo chân các đoàn quân nam tiến tới lập nghiệp tại vùng đất mới xa lạ, rồi nhanh chóng gắn bó với đất đai cùng thần linh bản địa của Chiêm Thành, nhiều người đã vội kết luận, dân Việt bị người Chiêm đồng hóa ngược trên lãnh vực văn hóa và tôn giáo, qua hình thức hát xướng, bùa ngải và tập tục thờ cúng Cá Ong.

Thế nhưng nếu chúng ta đọc kỹ những tác phẩm cổ nói về thần thánh của người Việt trong 'Việt Điện U Linh' của Lý Tế Xuyên soạn vào thế kỷ thứ XIV sau tây lịch (STL) hay quyển Lĩnh Nam Chích Quái của nhiều tác giả, hoặc nhìn vào những sự kiện biến chuyển của lịch sử, bia miệng, tập quán thêm bớt còn được biết tới hôm nay, ta mới rõ những điều mà người lưu dân Đại Việt phát triển nơi vùng đất tạm dung, thật ra cũng chỉ là những phong tục được truyền lại rất lâu đời. Sở dĩ chúng ta không nhìn thấy vì hệ thống thần thánh trên đã bị phủ nhòa dưới các nghi thức, lễ cúng của Phật, Nho và Đạo giáo vốn đã ăn sâu vào gốc rễ truyền thống của người Việt có từ thời Bắc thuộc.

Ngày nay khi đi tìm lại tung tích châu Panduranga của ba trăm năm về trước, qua đống tài liệu còn sót lại quá ít ỏi, một phần vì người Chiêm không có tác phẩm lịch sử, phần khác giai đoạn từ 1693-1975 là thời kỳ nhiễu nhương và biến động nhất của nước Việt. Do trên phần lớn tài liệu bị thiên nhiên và con người hủy diệt. Mặt khác số tài liệu còn lại mà hầu như tất cả các sử gia VN hay ngọai quốc phải khựng đứng khi tìm tòi, tra cứu, không ít nhiều khiếm khuyết, đứt đoạn, làm cho kiến thức đang dồi dào bất chợt đi vào ngõ cụt không biết đâu mà mò. Sự bế tắt câu chuyện đang ngon trớn, do sách vở ở nước ta bị lưu lạc, mất mát là nguyên nhân thăng hoa tình trạng đạo văn và bóp mép dữ kiện lịch sử, xã hội một cách công khai hợp lý mà nhà cầm quyên Cộng Sản VN đã làm trong mấy chục năm qua , hay xa hơn thảm trạng này cũng đã được thực dân Pháp sử dụng qua sách vở, để đầu độc nhiều thế hệ VN khi bóp méo sự thật.

Nghiên cứu lịch sử để viết lại cho mai sau biết rõ thời đại trước, nhưng như Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, Đại Việt thông sử hoặc các nhà biên khảo L.Cadière và P.Pelliot trong tác phẩm Première étude sur les sources Annamiles de l1istoire d'Annam, thì tình trạng trên khác nào đầu voi đuôi chuột, đó là chưa nói tới sự làm lấy lệ hay dựa bừa vào sử Tàu có sẵn, của các quan viết hay chép sử thời trước, gây nhiều điều lệch lạc, sai lầm dù là kỷ truyện hay biên niên, hai bộ môn chính của lịch sử như lời chỉ trích đứng đắn của quan Tham Tụng đời Trịnh Khải là Bùi Huy Bích.

Tóm lại hiện nay thực tế là có nhiều sách cổ còn được lưu giữ ở các thư viện khắp nước, nhưng do tác hại của cái gọi là Việt Minh tiêu thổ kháng chiến thời kỳ 1946-1954 rồi VN Dân Chủ Cộng Hòa tại Bắc Việt 1955-1975, nhiều bộ sách quý như Thực lục chính biên đệ nhất ký, Hoàng Lê nhất thống chí..không dùng được vì mất quá nhiều quyển và có nhiều phần mới được sử gia Cộng Sản Mao tôn cương sau này, nên không thích ứng khi cần tham khảo. Cũng may trong cái thiếu chết người đó, chúng ta còn có nhiều tài liệu thật, các vật dụng của người xưa như tiền đồng, áo giáp, binh khí kể cả thư từ, được các nhà truyền giáo mang từ VN về cố quốc và lựu trữ tại các văn khố, thư viện quốc gia và ngay trong Tòa Thánh La Mã.

Chính nhờ những tài liệu này, mà các sử gia VN đương thời như giáo sư tiến sỹ Nguyễn thế Anh, Vũ Ngự Chiêu, Nguyễn Phương, Tạ Chí Đại Trường, Hứa Hoành, Trần Gia Phụng, Trần Đại Sỷ..đã nối được mắt xích lịch sử VN và trên hết đưa ra ánh sáng mặt thật của đảng cọng sản đệ tam quốc tế, do chúa trùm Hồ Chí Minh cầm lèo. Cũng do tài liệu quý hiếm này, mà hiện nay các thế hệ Việt mới biết rõ chân tướng lãnh tụ các thời, trong đó có cuộc ra đi cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Tất Thành.

Đi tìm tông tích của một vùng đất mù mịt dấu chân của người xưa, mà chỉ còn lại vết hằn trong bia miệng hay thấp thoáng ẩn hiện trong đống sách báo vô hồn, thì thật là nhiêu khê. Phỏng vấn, tìm tòi, tra cứu..là .những công việc rất bình thường của người viết sử, nhưng mặt khác lại là nỗi đau chết người, giống như sử gia vang danh thời cổ Tư Mã Thiên, chỉ nói thật mà phải bị thiến. Người xưa, người nay, kẻ hữu danh hay vô danh tiểu tốt đều lãnh đạn thù một cách tận tuyệt khi dám gồng mình đi tìm sự thật để nói lên những nỗi đau lòng trong cuộc đời.

Nhưng không phải vì thế mà người viết sử dám tách rời hai nguồn sử liệu, để sự kiện trở nên đối chọi và câu chuyện sử vốn là chuyện thật, thành tiểu truyện hư cấu bằng một vài yếu tố nghe thấy, rằng là của ông đi qua bà đứng lại trong khoảng mênh mông trống vọng biển dâu ngút ngàn. Nhưng trở ngại không phải chỉ tới từ quan niệm đạo đức, mà còn do đòi hỏi phải giải thích tách bạch sự kiện, để cho người đọc hay chính nhân vật lịch sử phải tâm phục khẩu phục. Đó mới là quy luật sử quan, một điều hiện nay rất hiếm hoi người viết sử khắp thế giới đạt tới, ngoại trừ sử gia Tư Mã Thiên. Tóm lại trong con người còn ăn để sống, dù ăn chay, cái u minh không bao giờ thoát được nghiệp chướng, cho nên làm sao tránh được những tư tưởng chính trị chen vào trong những câu chuyện lòng thòng đầu Ngô mình Sở, qua xếp đặt có chủ ý để đánh lạc hướng hay bóp méo sự thật của sử quan.

Ngoài ra trong quan niệm bề trên, người xưa kể cả ngoại quốc, ít chịu để ý tới bia miệng qua hình thức truyền thuyết, ca dao vì cho rằng những thị phi này mơ hồ và mê tín pháp thuật. Tóm lại ba thế kỷ nối dài của Việt Sử, từ năm 1693 tới nay, nhất là trong hậu bán thế kỷ 18,19..là một thời kỳ rối ren nhiễu loạn nhưng đó cũng là giai đoạn mà con cháu Việt sau này khi đối mặt với người ngoại quốc bằng hãnh diện của cha ông, qua sự lột xác của Đại Việt trong những chiến công hiển hách của các chúa Nguyễn, vua Quang Trung và sự khôn ngoan bực nhất của vua Gia Long Nguyễn Anh, khi thẳng thắn từ chối dâng hiến lãnh thổ của cha ông mình, để trả ơn người Pháp có công cưu mang nhà vua dành lại được giang sơn trong những năm nội chiến.

Sau năm 1975, Cộng Sản VN trong quyền hạn của người thắng trận, viết lại lịch sử nước ta, đưa nhà Tây Sơn và cá nhân Nguyễn Huệ lên tận thiên tào, đồng thời xé sách chôn hết sự nghiệp hiển hách và vĩ đại nhất trong 4000 năm lịch sử Hồng Lạc, do các chúa Nguyễn tại Đàng Trong đã gầy dựng thành một giang sơn cẩm tú ngày nay.

Vua Hùng mở nước Văn Lang trên đồng bằng sông Hồng và vùng Thanh Nghệ Tỉnh, cho con cháu mảnh đất lập nghiệp đầu tiên. Các đấng minh quân, dũng tướng Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn..dựng và chống xâm lăng giữ nước. Nhưng phải đợi tới Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Hoàng, Sải Vương, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa, Hiền Vương, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Phúc Trú, Nguyễn Cư Trinh...cương thổ đất nước mới mở tới tận Hà Tiên ngày nay.

Những vĩ nhân nam nữ trên đã làm gì có tội với VN, mà phải bị bôi nhọ trong sử Việt, xoá tên đường và hủy hoại cả tôn miếu. Đây cũng là một câu chuyện lịch sử, để mai sau con cháu đọc lại những hàng ô uế trong dòng sử Việt mà luận tội, như ta hôm nay đã nặng lời với Trần Thiểm Bình, Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc..và các nhân vật thời đại Hồ Chí Minh, Phạm văn Đồng, Lê Khả Phiêu, Trần Đức Lương, Nông Đức Mạnh..vì quyền lợi kiếm cơm, kiếm quyền, từ năm 1958 tới 2003, đã bao lần ký bán sang nhượng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới, lãnh hải cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc là Trung Cộng và trên hết tuân lệnh thiên triều, đem văn hóa Hán tộc vào đồng hóa người Việt, một hành động dã man mà chúng đã đạt được công thành tại các đất đai cướp chiếm của Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông, Mãn Châu, Hải Nam và vùng Lưỡng Quảng.

Năm 1945 các vị tiền nhân như Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh và nhóm Tri Tân, đã bắt đầu phục cổ. Chúng ta hôm nay có nhiều điều kiện hơn ông cha thuở trước, nên chắc chắn trên bước đường đi tìm lại bóng mình chính trên quê hương mình, không phải là chuyện nhiêu khê nếu ta biết đặt tính chất vô tư của sử quan làm mục đích. Sử quan vốn chú trọng tới chính trị, quan chức và các biến động..nên tất nhiên người kể chuyện, cũng đâu có thể bỏ quên được. Sau rốt ta cũng không cần phải hạn định những quan điểm, dù đó là duy vật lịch sử hay tín ngưỡng tôn giáo, cơ chế kinh tế xã hội ..khi ai cũng đã biết rõ tác hại của duy vật biện chứng ngày nay đối với nhân loại.

Đi tìm trong cái hư của duy vật biện chứng, luôn bóp méo và phủ nhận giá trị thiêng liêng của tôn giáo, để chính ta biểu lộ sự hoài nghi về một thời kỳ loạn lạc tại VNCH 1963-1967, thực chất là nổi vọng tưởng của con người trước cám dỗ của vật chất quyền lực hay đây là thời kỳ vong thân của thần linh đất Việt, trước cái bóng ma giáo chủ vô thần Hồ Chí Minh, có phép thần thông học được ở Nga Tàu, cùng bùa ngải luyện từ đầu đường xó chợ khi bôn tẩu giang hồ. Nhưng làm cách nào chăng nửa, Cộng Sản ngày nay chỉ có thể đổi thay da thịt trên xác chết nhưng miên viễn không sao huỷ diệt được các đấng thần linh, các hình ảnh anh hùng liệt nữ, vốn đã có sẵn trong máu thịt chúng ta qua bốn chục thế kỷ trường tồn.

1-NHỮNG GIAO CẢM CỦA LƯU DÂN ĐẠI VIỆT QUA SỰ PHỐI HỢP THẦN LINH CHIÊM-VIỆT TẠI BÌNH THUẬN:

Sử viết vào tháng 12 năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, thành trì đóng tại làng Ai Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày nay. Cũng kể từ đó, dòng họ Nguyễn cha truyền con nối cho tới thời chúa Nguyễn phúc Khoát, phía bắc chống chúa Trịnh, đồng thời làm nên một sự nghiệp hiển hách nhất trong giòng sử dân tộc, đó là mở mang đất nước vào tận Hà Tiên ngày nay. Cũng từ đó, trong ngôn ngữ chính trị đã xuất hiện những danh xưng Đàng Ngoài, Đàng Trong rồi Miền Nam, Miền Bắc để chỉ hai khu vực cùng trong một nước Việt Nam nhưng vì quyền lợi và ý thức hệ mà bôi mặt, chém giết tận tuyệt hơn kẻ thù.

Năm 1802, Vua Gia Long thống nhất đất nước về một mối nhưng vẫn duy trì Bắc Thành, Gia Đinh và Phiên trấn Thuận Thành của người Chiêm. Đời Minh Mạng (1820-1840), vin vào cớ Nguyễn văn Thành muốn tạo phản, loạn Lê văn Khôi và sự a tòng của Phiên Vương tại Bình Thuận, nhà vua hủy bỏ ba khu vực hành chánh kể trên. Quyền lực quốc gia trực thuộc trung ương tại kinh đô Huế, thống nhất hoàn toàn mọi sinh hoạt chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế, xã hội.song song với việc mở mang lãnh thổ phía tây tại Lào và Cao Mên, làm thành một nước Việt Nam hùng mạnh nhất trong vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.

Từ khi vua Thiệu Trị lên ngôi 1841 tới thời vua Tự Đức 1858, người Pháp lấy cớ đàn áp tôn giáo để xâm lăng cưỡng chiếm nước ta. Cũng từ đó VN bắt đầu suy thoái và trở thành nô lệ ngoại bang năm 1884-1945 mới tạm thoát được cùm gông của thực dân Pháp nhưng lại gánh vào thảm trạng khủng bố của cộng sản đệ tam quốc tế từ Nga-Tàu, do Hồ Chí Minh mang về, gây cảnh núi xương sông máu, dân tộc đồ thán, đất nước lạc hậu đói nghèo, lệ thuộc Trung Cộng và tư bản đỏ-trắng, tới hôm nay vẫn chưa ngoi khỏi cái vũng bùn nô lệ tăm tối như thuở nào.

Thuận Trấn hay Bình Thuận thuộc Nam Hà hay Đàng Trong theo sử liệu thời đó là châu Panduranga cũ của Chiêm Thành, có diện tích rất lớn vì lãnh thổ bao trùm tận các tỉnh nam Darlac, Tuyên Đức, Quảng Đức, Lâm Đồng, Bính Tuy, Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay.

Không giống như tỉnh Phú Yên được chúa Nguyễn Hoàng vào năm 1578, chính thức giao cho Thiên Võ Vệ Đô Chỉ Huy Lương văn Chánh và các Phó tướng Cao Cát, Vân Phong, Trần Tài và quân sĩ dưới quyền cùng 3000 lưu dân, khẩn hoang vùng đất mới. Nhờ đó mà các khu vực hoang địa của người Chiêm tại Cù Mông, Bà Đài, châu thổ sông Cái, Đà Diện, Đà Nông, Thành Hồ, Nhạn Tháp..đều được xây dựng thành làng xã, vườn ruộng, lưu dân nghèo khắp nơi tụ về làm ăn rất phát đạt. Trong khi đó, tìm tất cả các tài liệu cổ từ Đại Nam liệt truyện tiền biên của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn hay ngay cả Việt Sử xứ Đàng Trong của Phan Khoan, cũng không thấy một dòng nào viết về công việc khai hoang của Triều Đình tại Bình Thuận.

Có lẽ như vậy tới ngày nay, tỉnh chúng ta vẫn chưa có một vi thành hoàng chung để thờ cúng hằng năm như Lương văn Chánh của Phú Yên, ba vị đội trưởng Phạm văn Dinh, Lê văn Lộc và Ngô văn Huyền của Vũng Tàu hay Lệ Tài Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được thờ phụng khắp các tỉnh Nam Phần kể cả Sài Gòn.

Sự thiếu vắng của lịch sử khẩn hoang đầu tiên khi Chiêm Thành trở nên Thuận Trấn rồi Bình Thuận, nói lên sự cực khổ gian nan của tổ tiên ta, bước đầu đơn thân độc mã tới kiếm sống ở một vùng hoang địa, chỉ có biển, cát, thú dử, rừng núi và sự hận thù không đội trời chung của người bản địa. Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902) sau năm năm cầm quyền, về nước xuất bản tập hồi ký "Indo-Chine Francais souvernirs", trong đó có một chương nói về "cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận". Đây là hai hình ảnh đặc biệt nhất của miền đất cũ Chiêm Thành ở cuối miền trung, vùng đất lắm rừng nhiều núi và hoang vu cô tịch vì bị bỏ hoang lâu đời.

Theo sử, mãi tới những thập niên cuối thế kỷ 19, Khánh Hòa-Bình Thuận cũng còn là nơi dung thân của những tù nhân bị triều đình đầy ải từ các nơi về. Ngày xưa trong cuộc nam tiến, những lưu dân Đại Việt đầu tiên đặt chân và chấp nhận ở lại vùng đất ma quái này, phần lớn là nông dân tận miền ngũ Quảng không có đất cắm dùi và những ngư dân nghèo suốt miền duyên hải Trung phần từ Thanh Hóa vào tới Khánh Hòa, vì nghèo cực không còn cách nào hơn phải mạo hiểm tới một vùng đất mới, trước mặt là trùng khơi bát ngát, sau lưng là rặng Trường Sơn hung hiểm trùng trùng.

Trong nỗi hoang vu lập nghiệp, giữa cảnh trên bờ đụng thú dử, duới biển giáp mặt với cá mập, cá xà..rồi thì bão gió, giông tố và chiến nạn, người dân tay trắng không còn biệt nương tựa và cầu với ai, nên họ hướng về TRỜI.

Ta cũng biết được ngay đầu thế kỷ XI, nhà hậu Lý đã hai lần đánh chiếm kinh đô Vijaya, tức là thành Trà Bàn của Chiêm Thành. Tuy nhiên đây cũng là sự mở đầu của một cuộc chiến, trường kỳ dành đất sống của hai dân tộc coi như không thể đội trời chung, vì sự khắc nghiệt của quan niệm chính trị và tôn giáo. Có hai vấn đề khi tìm đường vào sử vùng đất Bình Thuận, đó là thời gian nào có người Việt tới lập nghiệp ở đây và ảnh hưởng của thần linh Chiêm Quốc trong nguồn tín ngưỡng của Đại Việt. Về câu hỏi thứ nhất tới nay vẫn chưa có tài liệu xác nhận, ngoại trừ những lý do như người Việt lợi dụng sự suy yếu của người Chàm, không thể kiểm soát hết vùng biển và các hải đảo xa xôi nên một số người Việt nghèo ven biển, dùng thuyền vượt đèo Ngang, Hải Vân, đèo Cả.

Tại Bình Thuận, qua các gia phả truyền thuyết còn lưu lại của hai nhóm họ lớn nhất ở địa phuơng là Huỳnh và Lê, ta biết chắc chắn đảo Phú Quý là nơi người Việt từ miệt ngoài vào làm ăn trên đất Chiêm Thành, trước năm 1693. Ngoài ra những nhóm lưu dân cũng phát xuất từ nhiều địa phương, qua nhiều thế hệ từ Cổ Việt vào Bình Trị Thiên, rồi Nam Ngải..mới tới Bình Thuận, nên việc truy tìm nguồn gốc của dòng họ, nếu chẳng phải là quý tộc, quan quyền..thì rất khó, bởi người nghèo đâu có đủ phương tiện để làm chuyện dư thừa này. Dòng họ Nguyễn Thông (dựa theo chính ông thuật lại trong tác phẩm ' cuộc đời của tôi', do Cao tự Khanh và Trần lê Giang trích dịch từ bản chính in đời vua Tự Đức), có nguồn gốc từ Quảng Đức (Thừa Thiên), vì tránh loạn Tây Sơn đã dùng thuyền chạy vào lục tỉnh.

Năm 1867 ba tỉnh miền tây mất, kinh lược sứ Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử, Nguyễn Thông đang làm đốc học Vĩnh Long, đã cùng Trương Gia Hội, Trà Quý Bình..dùng ghe bầu chở hết quyến thuộc chạy ngược ra Bình Thuận, lúc đó là lãnh thổ thuộc Triều đình Huế để tị nạn và các dòng họ trên, trở thành dân bản địa cho tới ngày nay.

Về ghe thuyền của người Việt trong giai đoạn trên dùng để sử dụng khi vượt biển, các sử gia cũng chỉ dựa vào hình vẽ của người Chàm tại các đền tháp, qua bóng dáng của những ngư dân đầu búi tóc, khác biệt với trang phục bản địa, rồi đoán đó là dân Đại Việt làm mướn chèo thuyền cho người Chàm. Về các kiểu thuyền của Nam Hà, thì hình ảnh chiếc ghe bầu là tiêu biểu nhất vì loại thuyền này đã trở thành hải hạm của hải quân Tây Sơn vào thế kỷ XVIII, trong chiến cuộc với chúa Trinh, chúa Nguyễn và Xiêm La tại Xoài Mút, Rạch Gầm tỉnh Định Tường.

Năm 1802 nhà Tây Sơn bị diệt vong, riêng chiếc ghe bầu vẫn còn được sử dụng đắc lực nhất là tại Bình Thuận, để chở hàng hóa, nước mắm, trâu bò đi khắp các tỉnh VN và cả Tân Gia Ba, Quảng Châu, Hồng Kông, tới năm 1945 mới bị nằm ụ vì lỗi thời. Quan sát một vài chiếc ghe bầu còn sót lại trên bãi biển Mũi Né, Phú Hài, Phan Thiết, ta thấy ghe đóng bằng gỗ tốt kể cả suờn, chạy buồm. Còn thuyền binh thời Tây Sơn thì lớn hơn thuyền buôn vì để chở voi ngựa công thành bất cứ nơi nào, giống như thuyền của hải tặc Viking tại Bắc Au thời Trung cổ.

Tóm lại chỉ từ khi chúa Nguyễn Hoàng mở nghiệp tại Nam Hà, phong trào nam tiến do chính quyền chủ xuớng mới nở rộ tại đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long Giang bằng thuyền bè trên biển đông vì còn sự hiện diện của nước Chiêm Thành, cho tới năm 1693 mới công khai ồ ạt trên bờ dưới biển vì biên giới đã được khai thông. Đặc biệt nhất của phong trào nam tiến là nét khác biệt từng khu vực, chẳng những do yếu tố địa lý, mà còn bị ảnh hửởng bởi tính chất nhân văn do sự pha trộn giữa Đại Việt, Chàm, Miên và người Minh Hương, dù rằng tất cả lưu dân vẫn giữ dấu vết chung của dân tộc Việt

Vào đầu thế kỷ thứ XIV, biên giới Chiêm Việt đã đến phía nam đèo Hải Vân sau khi Chế Mân dùng hai châu Ô và Rý làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa, con vua Trần Nhân Tôn vào năm 1306. Vua Chiêm Chế Bồng Nga qua sự suy yếu của nhà Trần, tấn công vào kinh đô Thăng Long của Đại Việt năm 1371 và tiếp tục chiến tranh tới năm 1390 bị trúng đạn chết mới yên..thật ra cũng chỉ là những cuộc phản kháng ngắn ngủi trước bước tiến không ngừng của Đại Việt về phương nam, qua chiến thắng quyết định cuối cùng của đại đế Lê Thánh Tôn vào năm 1470, báo hiệu ngày tàn sau đó vào năm 1693 của một vương quốc hùng cường trong quá khứ.

Nhưng lịch sử vẫn có nhiều bất ngờ không giải thích được, giống như tại Trung Hoa, chính những kẻ chiến thắng Khiết Đan, Hung Nô, Đại Liêu, Đại Kim, Mông Cổ và Mãn Châu..lại bị người Hán đồng hóa ngược trên đất nước mình. Lịch sử cũng đã xảy ra tại VN, trong việc vua chúa đời Lý Trần thờ cúng vị nữ thần của Chiêm Thành là Thiên Y. Ngoài ra khó biết được có bao nhiêu tinh hoa của người Chàm, do đám tù binh bị bắt trong chiến tranh, đã ảnh hưởng tới người Việt ngay trên đất Việt. Sự kiện quan trọng đến nỗi năm 1370, triều đình ban lệnh cấm người Việt nói tiếng Chàm và năm 1499 không chấp nhận đàn ông Việt cưới phụ nữ Chiêm.

Ngày nay vẫn còn nhiều di tích của tù binh Chàm để lại trên đất Bắc như bến Lâm Ap ở Hồ Tây, đồng Lâm Ap ở Xuân Đình, Hà Nội hay ngôi đền Thiên Niên, thờ bà chúa Chàm dệt lĩnh mà truyền thuyết đó là người nữ tù binh bị bắt trong chiến tranh. Nhưng đậm nét nhất, có lẽ là ngôi chùa mang tên Bà Đanh tại Thăng Long, qua bia ký còn lưu tới năm 1699, cho biết ngôi chùa mang tên Châu Lâm tự, được lập từ thời nhà Lê, dành cho các nữ tù nhân Chiêm Thành. Ngôi chùa trên đã trở thành hoang phế và tấm bia ký bị phá hẳn năm 1907 nhưng dấu vết cũ vẫn được xác nhận trong truyện ký của Trạng Quỳnh và bài phú Tây Hồ của Nguyễn Hữu Lương. Chùa còn có một tên bình dân khác là Bà Banh, với những nghi thức cúng bái cầu phước theo nghi thức đạo Bà La Môn của người Chiêm, mà sau này ta thấy tại miếu thờ Đĩ Dàng hay bà Lỗ Lường tại đảo Hòn Đỏ thuộc tỉnh Khánh Hòa. Tại xã Đình Xá, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam củng có chùa Bà Banh, qua tên Việt là Bảo Sơn tự.

Tóm lại từ thời Hậu Lê trở về sau, ảnh hưởng Nho giáo đã lấn át Phật-Lão và là cơ cấu của chính quyền, cho nên nhiều thần thánh cũ của người Việt chỉ còn được trọng vọng tại miền quê hẻo lành trên đất Bắc. Sau đó, nhân dip chúa Nguyễn Hoàng và con cháu, vào mở nước ngay trên đất đai cũ của người Chiêm từ châu Ô, Rý vào tận Panduranga, cũng là một dịp tốt để các vị thần thánh Chàm từ nữ thần Thiên Y A Na, tới các thần linh sông biển trong đó có Nam Hải Đại Tướng Quân (Cá Ong), lại xuống thuyền theo chân lưu dân, trôi giạt khắp các miền duyên hải từ Quảng Bình vào tới Bình Thuận và tiến về miền nam tận Hà Tiên, theo thời gian đã bị tam giáo và Việt hóa như ngày nay ta đã thấy trong dòng tín ngưỡng Chiêm -Việt.

Lưu dân từ Đàng Ngoài vào khai hoang và lập nghiệp tại Bình Thuận, ở trên bờ hay nơi hải đảo, tận trong huyết quản của họ đã có ảnh hưởng từ những thần linh cổ nơi bản địa, cho nên sự tiếp thu nhanh chóng các thần linh mới nhưng mà cũ, nơi đất Chàm là một sự tự nhiên khó tránh được.

Cái lạ đáng chú ý là sau đó, những vị thần thánh trên chỉ trong một thời gian ngắn, ngẫu nhiên biến thành những vị thần VN chánh hiệu qua các danh xưng như Phật Bà Quan Am, Ong Nam Hải hay Bà Chúa điện Hòn Chén, Cậu Chín Thượng Ngàn..mà không một ai thắc mắc khi cúng bái, cầu khẩn. Trên đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận, hằng năm có đại lễ giỗ cúng Thầy Chúa, đó cũng là một nghi thức giao cảm trong dòng tín ngưỡng dân gian của hai dân tộc Chiêm Việt, đã có tự lâu đời.

2-DÂN ĐẠI VIỆT TRÊN ĐẤT CHIÊM THÀNH:

Người Đại Việt thật sự sống chung với người Chàm trên đất đai của họ, chính thức từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và Quảng Nam. Nhưng cái cao vọng mở rộng bờ cõi phương nam, chính thức thành hình thời Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) nhờ dưới trướng có được những anh hào tài kiêm văn võ, mưu trí đức độ hơn người như Đào Duy Từ, Nguyễn hữu Dật, Nguyễn hữu Tiến..

Chính họ và con cháu sau này đã góp công lớn trong hành trình mở nước, dựng nghiệp và kiến tạo lãnh thổ quốc gia, từ hoang địa, rừng núi, thành gấm vốc cẩm tú như hôm nay ta đang thụ hưởng. Vì một lý do nào đó mà quốc sử triều Nguyễn không chính thức như sử đời Trần, nói về cuộc hôn nhân có thật của các công chúa con Sãi Vương là Ngọc Khoa với vua Chàm và Ngọc Vạn với quốc vương Chey Chetta II của Chân Lạp. Chính hai bà công chúa trên cũng như Huyền Trân buổi trước vì quốc gia, dân tộc mà chấp nhận làm con cờ chính trị, để chính quyền có lý do ngoại giao bước vào đất địch, mà không cần phải tốn xương máu, đao binh. Nhờ đó mà từ năm 1623 người Việt đã chính thức có mặt ở Prey Kôr, tức là Sài Gòn ngày nay. Mặt khác người Việt cũng theo chân Ngọc Khoa vào lãnh thổ Chiêm Quốc khắp Phú Yên, Khánh Hòa.

Ngoái nhìn lại buổi ban sơ của tiền nhân trên đường khai sơn, phá thạch, qua tay gươm tay cuốc và hoài bão trong tim, là làm sao phát triển và giữ vững được miền đất mới vừa tìm được bằng máu và nước mắt chính mình. Công trình gầy dựng tại vùng đất hoang Chiêm Thành và Chân Lạp là của lưu dân Đại Việt, mà qua nhiều thế hệ đã bị lai giống trong sự hợp chủng giữa người Việt, Khờmer và người Trung Hoa chấp nhận VN là quê hương thứ hai, qua danh xưng Minh Hương, sống rải rác khắp Nam-Bắc Hà, nhưng quan trọng nhất vẫn là miền đồng bằng Nam phần, trong giai đoạn khẩn hoang miền nam từ thế kỷ XVII trở về sau.

Danh từ Minh Hương chính là của chúa Nguyễn Phúc Chu, năm Mậu Dần 1698 ban cho nhóm cựu thần nhà Minh đã giúp Đàng Trong mở nghiệp về phương Nam như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Lý Tài..không muốn vào quốc tịch VN, để họ tự lập những làng Minh Hương trên đất Việt tại Trấn Biên, Phiên Trấn, Phú Xuân, Hội An. Thật sự Minh Hương chỉ có ý nghĩa trừu tượng, để những người vong quốc, nuôi một chút quốc hồn tưởng tiếc quê xưa. Vì vậy không bao lâu, những người Minh Hương dần dần bị lai giống và theo thời gian dù nhận mình là người Minh Hương nhưng đời sống và sinh hoạt không còn có riêng trong các làng xã thu hẹp, hay bang hội như trước, mà chung chạ khắp nơi với người Việt. Trong dòng sử, những đại quan triều đình nhà Nguyễn như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lâm Duy Hiệp, Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản..đều có gốc Minh Hương nhưng lại là những người Việt thuần tuý trong quan điểm, nhận thức và bổn phận làm người.

Sự đồng hóa đến độ nhất quán đó là do chính con người và văn hóa truyền thống VN tạo ra, giống như trong sự nghiệp hiển hách của Mạc Thiên Tích tại Hà Tiên buổi trước. Do mang tính chất hợp chủng nên người Đại Việt từ Bình Thuận vào tới miền nam rất đa tạp, tự do phóng khoáng, cởi mở, không bảo thủ và luôn sẵn sàng chấp nhận bất cứ một nghịch cảnh nào mà họ gặp trong bước đời. Ngoài ra đa số lưu dân khai hoang, xa triều đình, cách miền Bắc, nên họ không cần phải chấp nhận hay tuân thủ những luật lệ quá khe khắt của Nho giáo áp đặt. Trong dòng người lưu dân, hỗn tạp đủ thứ, từ ngư phủ, nông dân, nhà tu, quan chức, binh sĩ, Minh Hương cho tới những tội đồ...tất cả gần như ngoại hạng, ít học, nhờ thế đã tạo nên một thế hệ mới biết dấn thân, rất chân thành và có đại nghĩa dân tộc.

Trước niên lịch 1693 đánh dấu nước Chiêm Thành bị diệt vong, về lãnh vực ngôn ngữ học, Đàng Trong có hai khu vực: Bình Trị Thiên và Nam Ngãi Bình Phú. Khu vực Bình Trị Thiên lời ăn tiếng nói về hình thức, ngữ âm, từ vựng gần giống với vùng Thanh Nghệ Tĩnh, còn khu Nam Ngãi Bình Phú thì gần gũi nhiều với Đàng Trong, tức là miền Nam. Tuy nhiên những người phía bên kia đèo Hải Vân thì phát âm trọ trẹ, còn phía bên này đèo trong tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thì lại chan chát, khô khan. Hai tỉnh Bình Định và Phú Yên giọng nói gần na ná giống nhau.

Khánh Hòa là vùng chuyển tiếp nên ngữ điệu có phần nhẹ nhàng uyển chuyển hơn vùng ngoài nhưng Bình Thuận mới là cửa ngỏ với giọng mở đầu cho âm sắc miền sông Tiền, sông Hậu.

Do tính chất địa lý mà đèo Hải Vân là một ranh giới hữu hình, đã tạo nên nhiều khó khăn dị biệt trong ngôn ngữ Việt. Để thống nhất, triều đình Huế đã phải chọn giọng Quảng Nam làm âm chính thức cho cả nước khi đọc các sắc lệnh, biểu tấu..như Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đã đề cập:"tuy chốn kinh đô, cũng lấy giọng Quảng Nam làm chính". Nói chung, sự phân phối nhân chủng Đại Việt vào hậu bán thế kỷ XVIII không giống như thời nay, nhất là đối với cuộc sống gần như không tên tuổi của người xưa, qua các giai đoạn rối ren nội chiến.

Bi thảm nhất thời đó, vẫn là đám lưu dân chịu dừng chân trên cửa ngỏ Thuận Trấn, vì không có điều kiện để theo đoàn quân của chúa Nguyễn vào tận miền nam xa xôi với tương lai không biết trước. Tuy lãnh thổ đã thuộc Việt nhưng máu vẫn đổ trong sự giao tiếp đầu tiên và kéo dài nhiều năm sau đó, giữa nông dân ngư phủ Đại Việt và các bộ lạc thiểu số cao nguyên Trường Sơn cũng như người Chàm trong phiên trấn Thuận Thành, duới quyền cai trị của Kế Bà Tử và Chưởng Cơ Tá theo thế tập kế truyền.

Một biến cố chết người đã xảy ra, ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội và chính trị của người Chiêm về sau, đó là việc Chưởng Cơ Tá năm 1782 phản lại chúa Nguyễn, đầu hàng Tây Sơn, khiến cho Bình Thuận trấn trở thành một chiến trường đẫm máu khốc liệt, trong những năm nội chiến tại VN từ 1771-1802.

Năm 1788, quân Nguyễn Anh từ Gia Định ra tái chiếm Bình Thuận, chưởng cơ Tá bị Nguyễn văn Hào giết tại Phan Rí. Từ đó Thuận Trấn lại thuộc Gia Định và cũng chấm dứt luôn vương hiệu phiên trấn kế truyền nhưng vẫn còn do ba tướng lãnh người Chiêm trấn thủ, đó là Nguyễn văn Chiêu (Môn Lai Phù Tử) làm chưởng cơ, Nguyễn văn Hào (Thôn Ba Hú) và Nguyễn văn Chấn (Bô kha Đáo) đồng làm Cai Cơ.

Năm 1793 Bình Thuận lại tiếp nhận thêm ba Sóc về hàng, đó là Phố Châm (tức là Tánh Linh hay Patjam gồm người Chàm và người Churu) và Ba Phủ ở về phía tây trên vùng cao nguyên Trường Sơn có người Thượng Rhade, Koho và Mạ. Do tính chất quan trọng của Bình Thuận lúc đó, vừa là biên ải chống giặc cũng là đầu cầu xuất quân ra bắc tấn công Tây Sơn hay sinh lộ rút quân về Nam, nên Chuá Nguyễn Anh đã tổ chức lại việc phòng thủ và cai trị. Đặt Lịch Sử Ty gồm 10 viên chức coi xét công việc cai trị trong trấn, cũng như ấn định lại các sắc thuế kể cả ruộng đất mà Triều Đình khi trước đã ban cho Hoàng Tộc Chàm làm bổng lộc, gọi là Trà Nương tại Long Hương, Phan Rí và Phố Hải.

Cuộc chiến tại Thuận Phủ kéo dài không dứt giữa Tây Sơn và Gia Định mà trong đó luôn thấp thoáng bóng dáng của người Chàm hay người Thượng Ba Phủ, đã có sức làm ảnh hưởng đến thế quân bình của hai phe đang đối địch.

Lịch sử đã chứng minh như vậy qua lời nói của Nguyễn văn Thành, trước các cuộc nổi loạn liên tục của người Thuợng tại các buôn làng thuộc Ba Phủ, từ năm 1796-1799 "Ba Phủ là cái họa tâm phúc của quốc gia". Nội loạn làm nhiều Sóc Chàm-Thượng phải lánh về Trấn Biên, Đồng Môn, La Bôn, Phước Hưng..Một số không ít người Chàm, có lẽ cũng bỏ xứ nhập chung với đoàn lưu dân, theo Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào khẩn hoang tại Nam phần. Họ tập trung tại Châu Giang, Châu Đốc, sống trên những căn nhà sàn ven bờ sông Hậu.

Tại đây người Chàm tiếp xúc với người Mã Lai, theo Hồi giáo mới, nên người Việt tưởng họ là Chà Và. Theo sử ghi lại, thì có hai thế hệ người Chàm tới định cư ở đây. Nhóm thứ nhất vào năm 1755, khi Nguyễn Cư Trinh làm kinh lược sứ Nam phần, dẹp yên những cuộc nổi loạn của người Khmer, ông dâng kế xin chúa Nguyễn dùng người Chàm làm "phên dậu" chống lại người Miên. Do trên một số người Chàm vì loạn lạc phải chạy lánh nạn trên xứ chùa Tháp, được chiêu dụ về nước, cộng với số lưu dân sẵn có, lập thành các đạo quân Côn Man, được phép khai hoang cũng như trấn thủ tại biên giới Miên-Việt ở vùng Châu Giang, Tân Châu, Hồng Ngự.

Ngoài ra vào năm 1833, người Chàm theo Lê văn Khôi chống lại triều đình Huế, nên bị vua Minh Mạng trừng phạt nặng nề. Một số có liên hệ bị xử tử, dân chúng sợ họa lây đã bỏ trốn vào rừng núi, qua tận Kampong Chàm bên Cam Bốt hay chạy về miền nam sống trà trộn với người Chàm Châu Giang. Tai họa kéo dài tới đời vua Thiệu Trị mới có lệnh ân xá và chiêu an, nhưng chỉ có người Chàm trốn trên rừng núi phía tây, chịu trở về Ninh Thuận-Bình Thuận. Nói chung qua số tài liệu hiếm hoi vắn tắt còn thấy được, có đề cập tới lưu dân đầu tiên tại Bình Thuận, thì chính Nguyễn Hữu Cảnh vào cuối thế kỷ 17 là người đã hoàn tất giai đoạn chót cũng như đặt nền móng đầu tiên cho cộng đồng Đại Việt tại Thuận Trấn vào năm 1697, trước khi Ong vào Hai Huyện ở Nam Phần.

Thực tế người lưu dân Việt tới đây, ngoại trừ những ngư dân lập làng ven biển và ngoài hải đảo Phú Quý xa khơi, ít phải đụng chạm với dân bản địa. Nhưng nông dân thì thảm thê vô cùng vì đất đai châu Panduranga tuy có diện tích rộng lớn bao quát từ biển chạy lên tới núi, thực tế cũng chỉ là hoang địa, sa mạc cằn khô không thể trồng trọt gì được. Người Chiêm sống bao đời ở đây, lập làng mạc ven sông nước và trên các vùng đất châu thổ phì nhiêu của sông Kinh, Lòng Sông, sông Mao, sông Lũy, sông Quao. Đất đai tưởng như mênh mông thì những vùng làm nên cơm gạo đã có chủ sẵn, trừ phi chủ đã bỏ chạy như tại vùng Hà Thây, Cây Cúng tại Ma Lâm Chàm.

Dựa theo lịch sử, kể chuyện người xưa, để chúng ta con cháu hôm nay hiểu được một phần nào qua trí tưởng về sự cực nhọc và thê thiết của tổ tiên trên một vùng đất mới gần như hoang tàn băng lạnh. Cái nỗi bần cùng của phận nghèo bỏ làng quê để tha hương kiếm sống nơi đất thù, dù chẳng có dòng chữ nào muốn ghi lại nhưng chắc chắn buổi đó rất là tận tuyệt.

Hơn 700 năm về trước, Châu Đạt Quan, một sứ thần Trung Quốc, đã viết lên một khúc tình ca trên vùng sông nước Cửu Long, khi ông đến thăm Chân Lạp. Đọc Chân Lạp phong thổ ký, do ông viết, cho biết dọc đường hoàn toàn là cảnh tịch liêu, đất đai bị bỏ phế, hoàn toàn không thấy cây xanh. Ngoài rừng lau sậy đong kín không gian trùng trùng, đó đây có xen lẫn tre mây chằng chịt và bóng dáng của hằng ngàn con trâu rừng nhởn nhơ gậm cỏ dại hay cùng bọn nô đùa trong những bãi bùn ven sông rạch chằng chịt. Rồi 400 năm sau, Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh cùng đoàn khai hoang từ Thuận Quảng cũng tới đây và tất cả phải kinh hoàng trước nỗi:

"Tới đây xứ sở lạ lùng

Con chim kêu phải sợ, con cá vàng phải kinh

Chèo ghe sợ sấu cắn chân

Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma."

Như thế quả vùng đất này là ác địa, nước độc ma thiêng và như thế chúng ta ngày nay phải nghiêng mình kính phục trước cái hùng tâm đầy nghị lực của lớp khai sơn phá thạch buổi trước từ Bình Thuận vào tới tận Cà Mâu ngày nay. Trước thiên nhiên hung hiểm, thêm ác thú và ngoại cảnh ma quái vây bọc, con người bổng cảm thấy loi lẽ và hãi sợ. Từ đó trong đám tứ chiếng giang hồ, bổng phát sinh thứ tình cảm con người ngoại hạn, luôn gắn bó và đùm bọc lẫn nhau, một chất tình không thể nào có được ở chốn quê xưa muôn trùng, vì sự tranh dành cái ăn bả lợi, đã khiến ngay cả thân tộc lắm lúc phải bôi mặt cấu xé không nương tay.

"Bớ chiếc ghe sau chèo mau tôi đợi.

Kẻo giông khói tới bờ bụi tối tăm"

Đó là miệt trong còn vùng ngoài này cũng đâu có hơn gì. Trong nam thì rậm rịt cỏ lau rắn sấu, muỗi mòng đỉa vắt và lòng hận thù. Ngoài này thì bãi bờ cát đụn, ngó đâu cũng toàn xương rồng phất phơ với gió, trước mắt là trùng khơi xanh ngút, sau lưng rừng núi hoang sơ. Người lưu dân cô đơn đùm bọc với nhau để chống lại thú dữ và những tai họa luôn ập tới từ dưới biển cho tới trên bờ.

Tóm lại để được sống còn, đám người Việt mới tới đây trên bờ giết cọp bắt heo rừng, lần mò tìm tới những rẻo đất hoang có nước, bị người Chiêm chê bỏ tại Long Hương, Phan Rí, Phú Hài, Phan Thiết, Ma Lâm..biến những sa mạc nóng bỏng cát gió muôn đời thành đồng ruộng, xóm làng cây xanh bóng mát như hiện tại. Buổi trước bỏ làng xóm lũy tre ra đi dựng nghiệp, hầu hết tổ tiên ta chỉ với hai bàn tay trắng, không trâu bò bừa cầy, cho nên chỉ biết dùng sức người làm dụng cụ, nhiều lắm chỉ có cây rựa vừa để tự vệ và phát quang, cây cuốc phụ với đôi tay móc đất..thế thôi. Dưới biển đánh cá cũng rất sơ sài, ghe nan, thúng chai, lưới gai, buồm kết bằng lá kè, lá buôn quá đổi mỏng manh trước sóng to gió lớn, cho nên khi gặp chướng gió, không chết chìm mới là lạ. Đó là tất cả những bi kịch của người Đại Việt trên bước đường đi tìm cuộc sống trên mảnh đất Chân Lạp và Chiêm Thành.

Một số người vô tâm hay ngoại cuộc, cứ đem đạo đức cuội ra để phê phán những chuyện của ba trăm về trước, rồi kết tội hay than trời trách đất bâng quơ mà quên đi cái thuần nhất của luật nhân quả nhà Phật, gieo gì được nấy, tất cả chúng sanh đều có chung một nụ cười thanh thoát của Phật Tổ Như Lai và cũng do ta tự làm rơi nước mắt, cho nên biết trách ai trong đời"

Về những sinh hoạt thường ngày của người Đại Việt Đàng Trong, tuy không thấy sử sách nào ghi chép nhưng ta cũng có thể tím một vài bằng chứng mà nhân viên phái bộ Macartney đã ghi lại, cũng như những nét đổi thay thấy rõ tại các làng quê của người lưu xứ, mang đầy ý nghĩa của sự tiến bộ nơi bản địa từ khi có người Việt hiện diện. Tất cả dường như đã mang một bộ mặt mới từ cách thức làm ruộng, dẫn thủy, gieo trồng qua những xe nước làm bằng gỗ, cày bừa. Riêng người dân chài ven biển cũng thấy tiến bộ, từ ghe thúng, thuyền nan giản dị bằng tre quết vôi và dầu chai, nay cũng đã thành ghe gỗ do chính ngư dân tự đóng lấy bằng năm miếng ván ghép.

Sự trao đổi thổ sản giữa đồng bằng và miền núi không còn bị hạn chế như trước, gỗ tre lâm sản trên rừng xuống biển đối lấy cá mắm vải vóc. Các nghề tiểu công như làm muối, muối mắm, chế biến hải sản lần lượt tạo nên một giai cấp khá giả ở Bình Thuận, Phan Thiết, Phan Rí, Mũi Né, Phố Hài, mở đầu cho việc buôn bán đường xa bằng ghe bầu sau đó. Đàn bà nhiều hơn đàn ông nhất là trong giới nông dân, phụ nữ làm tất cả công việc đồng áng. Người Việt, Chàm, Thượng và Minh Hương thuở đó, đàn ông cũng như đàn bà đều ăn trầu, hút thuốc nên mới có câu "miếng trầu là đầu câu chuyện". Mọi người nam lẫn nữ ăn mặc quần bô áo vải phần lớn nhuộm màu chàm, người Trung ra đường đội nón, còn ở trong Nam thích đội khăn, đi chân đất. Quan quyền, những người khá giả ra ngoài dùng ngựa, võng cáng có cánh sáo mành mành.

Về tín ngưỡng, phong tục thờ cúng tổ tiên ông bà trong gia đinh và tục thờ cá ông được chính quyền chấp nhận coi đó như một thứ tôn giáo dân gian nhưng đồng thời nghiêm cấm phù thủy, đồng bóng, bói tướng. Tuy lén lút nhưng lại rất có ảnh hưởng rất lớn trong mọi tầng lớp dân chúng đương thời. Điều này cũng không trách được tâm lý quần chúng buổi đó phải sống trong nỗi vui buồn lẫn lộn của thời chiến, nên phải tin tưởng vào các hiện tượng siêu hình để tự an ủi mình, là một thái độ mặc khải đã xảy ra trong bất cứ thời nào cũng có. Rồi thì tất cả lại trở về với đời sống bình lặng của dân nghèo khi cuộc phân tranh chấm dứt, đóng lại một giai đoạn rối ren tàn bạo của lịch sử cứ thế mà xoay vần mở đầu cho thời kỳ cận đại.

Đứng trên quê xưa mà lòng sao vẫn thấy lâng lâng ngùi ngùi, nên có bài thơ bất chợt để thay thế những gì không muốn viết hay nhắc tới Bình Thuận, vì sợ sẽ chan hòa huyết lệ khi trái tim phanh phui từng mãnh thịt da chính mình;

'Tôi sinh ra trên bờ sông Mường Mán

Cạnh Trường Sơn hùng vĩ của quê hương

hai chục tuổi đã rời bỏ phố phường

vì kiếp lính mười phưong sầu cô lẽ

Em lớn lên nơi Sài Gòn hoa lệ

đời thơm tho bên sách vở học trò

chỉ biết buồn hay giận dỗi vu vơ

và ngụp lặn giữa mộng mơ hoan lạc

Riêng quê tôi, bao điêu tàn đổ nát

ba chục năm chịu đầy rẫy tai tương

đạn pháo kích làm vở cả mái trường

bom, mìn, chông..khiến ruộng đồng hoang dại

Tôi trưởng thành trong vô vàn sợ hãi

giữa kinh hoàng vì chết chóc triền miên

Việt giết Việt như lũ thú cuồng điên

mới đã đảo, rồi hoan hô rất lạ

Quê tôi tôi, máu nhuộm hồng luống mạ

thây làm phân bón cây lá rừng hoang

quá đau đớn nến mất hết tình thương

nhiều dâu bể không còn tin ai nữa

Tôi sống trong nổi hận hờn chất chứa

phận thấp hèn cúi gặp trước bất công

tuổi hoa niên như chiếc lá giữa giòng

đời chinh chiên thêm hãi hùng nghiệt ngã

Nên cõi hôn đã biến thành sõi đá

và con tim cũng cằn cổi thương đau

đôi mắt sớm hoen lệ, môi nghẹn ngào

hiện hữu chỉ còn,nản phiền si dại

Quê hương em phố phường như gấm trãi

suốt đêm ngày dồn dập bóng ngựa xe

người mãi mê toan tính sống hả hê

tình đảo lộn theo đèn hoa, tiếng nhạc

Em nửa đời chỉ cười vui, ca hát

mộng nhung tơ như dòng suối trong veo

nên biết gì cảnh bom đạn, đói nghèo

mà nhân thế đã trùng trùng khổ hận

Em biết đâu trăm ngàn điều căm phẩn

của Nam quân khi rã ngũ, tan hàng

bao người chết, triệu kẻ sống lầm than

nuốt máu lệ, đón đòn thù rên xiết

Và như thế bây giờ em đã biết

là tại sao tôi như kẽ khờ điên

tim hồn mắt, ẩn ức vạn buồn phiền

cười hê hã mà bờ mi ràn rụa

Vì đời tôi, người lính già tàn tạ

nơi xứ người héo hắt lắm em ơi

nhớ quê hương, tận góc biển chân trời

nên dò dẵm đường về trong ngấn lệ.."

Trong mịt mùng của cơn mưa xuân đầu mùa, khiến đôi mắt người lính già thương nhớ quê làng Phan Thiết, cũng đầm đìa nước mưa và nước mắt -/-

Xóm Cồn

Tháng giêng 2006

MƯỜNG GIANG

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.