Hôm nay,  

Việt Nam: Nghệ Thuật Rừng Rú

13/08/200400:00:00(Xem: 5230)
Quy chế biểu diễn nào dành cho mại dâm, phim ảnh đồi trụy "
Hoa Thịnh Đốn.- Có lẽ chỉ ở Việt Nam dưới thời Cộng sản các Nghệ sỹ trình diễn mới bị kìm kẹp theo các điều khoản khắc nghiệt của "Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp" ban hành ngày 2-7-2004 theo Quyết định số 47/2004 của Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin.
Quy chế 7 Chương, 26 Điều được nói là nhằm mục đích "Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp."
Nhưng thế nào là "quản lý nhà nước" và quản lý nhằm mục đích gì"
Thứ nhất, Từ điển Tiếng Việt định nghĩa "quản lý" có nghĩa là "trông coi và kiểm soát" thì ở đây là việc làm của Nhà nước đối với mọi "Hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam" và "Hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuậït chuyên nghiệp của tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài." (Khoản 1 và 2 của Điều 1)

Thứ hai, chế độ kiểm duyệt từ nội dung bài bản đến phong cách biểu diễn, đầu tóc và trang phục của nghệ sỹ khi trình diễn ở Việt Nam không còn nằm trong khuôn khổ được gọi là để bảo vệ văn hoá và truyền thống dân tộc mà đã cấm cản đến mức lạc hậu, kém văn hoá của những người cầm quyền. Chẳng hạn như khoản 4.5 của Điều 3 viết : "Đối với loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc hiện đại: hoá trang tạo ra kiểu đầu tóc kinh dị, sơn, nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù; trang phục hở hang, lộ liễu."
Phản ứng về ngăn cấm này, Ca-Nhạc sĩ Nguyễn Đạt thuộc nhóm Rock Da Vàng nói với báo Thanh Niên ngày 21-7-04 : " Tôi thấy quy chế cấm để tóc dài là vô lý. Tôi để tóc dài đến nay đã gần 15 năm để phù hợp với sở trường nhạc rock mình theo đuổi. Nếu nói rằng tôi phải cắt tóc để chấp hành theo quy chế của Bộ thì tôi sẽ không cắt. Các cơ quan chức năng không cho biểu diễn thì tôi đành không diễn vậy. Tôi nghĩ rằng từ xa xưa, ông bà ta vẫn để tóc dài và bới lên rất đẹp đâu có vấn đề gì. Để tóc dài nhưng đúng với thuần phong mỹ tục thì vẫn có thể chứ " Nghệ sĩ phải có chút cá tính mà tóc tai là một trong những cách thể hiện cá tính của họ."
Ca sỹ trẻ nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng tiếp lời : " Tôi đã đọc được khoảng 4.5 trong Quy chế 47 trên báo và thấy rằng hơi...quá tay với nghệ sĩ. Chúng tôi có cảm giác như càng ngày nghệ sĩ càng bị "siết" nhiều qúa. Làm cái gì cũng sợ, va vào đâu cũng đụng. Có những bài hát mà ca sĩ cần phải có một đầu tóc nhuộm vàng nâu, hoặc "hai-lai" (high-light) thì mới phù hợp. Bản thân ca sĩ có khuôn mặt lai (như tôi và Thanh Thảo chẳng hạn) thì mái tóc nhuộm hoe một chút mới phù hợp và làm cho khuôn mặt sáng hơn. Mặt khác, trong làm ăn và trong nghệ thuật, ca sĩ cũng khá tin vào tướng số và có những người nhuộm tóc mới...phất lên được. Đây cũng là một trong những lý do tại sao tôi hay nhuộm tóc. Trong quy chế cũng có đọan cấm nhuộm tóc lòe loẹt nên chúng tôi muốn biết rõ như thế nào là lòe loẹt..."
Ca sĩ Phan Đinh Tùng, cựu thành viên nhóm MTV chêm vào : " Tóc tôi không mọc được thì sao " ...Có ai hiểu cho đã từ hơn 4 năm nay tôi mắc bệnh về tóc, chính vì vậy mà tôi luôn luôn để đầu trọc... Theo quy chế thì hẳn tôi sẽ phải quấn khăn nhưng dù sao chăng nữa tôi cũng thích để cái đầu tự nhiên của mình cho thoáng hơn, dễ biểu diễn hơn. Là một ca sĩ tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng không nên cấm cản ca sĩ nhiều thứ quá, vì vậy họ sẽ không dám làm cuộc đột phá và cản trở sự sáng tạo của nghệ sĩ. Khán giả sẽ là người quyết định nghệ sĩ tồn tại hay không tồn tại."
Và như vậy, kể từ nay ca sỹ đầu trọc hải ngọai Henry Chúc sẽ không được trình diễn ở Việt Nam nếu không đội mũ hay cuốn khăn che đầu!
Thứ ba, khi buộc các diễn viên phải "thường xuyên học tập chính trị, văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ để không ngừng nâng cao trình độ phục vụ nhân dân" và phải "tham gia biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị, xã hội, từ thiện theo yêu cầu của Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hoá - Thông tin" (Điều 13) là độc tài và dùng quyền lực để kiểm soát nồi cơm và tư tưởng nghệ sỹ.
Việc làm này trái với điều 33 của Hiến pháp 1992 viết rằng : " Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nghiêm cấm những hoạt động văn hoá, thông tin làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam."
Rõ ràng là việc nhuộm tóc, trang phục trình diễn theo thời trang không trần truồng, không khêu gợi tình dục làm phương hại đến thuần phong mỹ tục và lễ giáo của dân tộc cũng như việc để tóc dài hay cạo trọc đầu chẳng ăn nhằm gì đến việc "làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam."
TRÊN ĐE DƯỚI BÚA
Trong những việc bị cấm ghi ở Điều 3, có những điều phản lại quyền tự do ngôn luận của Hiến pháp như không được "Biểu diễn và tổ chức biểu diễn chương trình, tiết mục, vở diễn chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép". Hay ngớ ngẩn như cấm : "Giới thiệu không đúng chương trình, tiết mục, vở diễn không đúng người, đúng tên diễn viên...để người không có trách nhiệm lên sân khấu trong khi diễn viên đang biểu diễn.."
Các diễn viên cũng bị cấm: "Tự tiện thay đổi động tác diễn xuất, phong cách biểu diễn nghệ thuật, thêm, bớt lời ca, lời thoại khác với nội dung và hình thức thể hiện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép công diễn mà gây hậu quả xấu."
Nhưng thế nào là "gây hậu quả xấu" " Ai là người có thẩm quyền để xác định việc này và dựa vào tiêu chuẩn nào để thẩm định "
Người nghệ sỹ cũng không được "Lợi dụng giao lưu với khán giả để có những hành vi hoặc phát ngôn không đúng với chương trình, tiết mục, vở diễn đã được duyệt, cấp phép."
Các nghệ sỹ trong nước chỉ được ra nước ngoài biểu diển sau khi "có giấy mời của đối tác nước ngoài hoặc trong nước." Và "sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt" các "chương trình, tiết mục và vở diễn sẽ biểu diễn ở nước ngoài" . (Điều 14)
Trường hợp các diễn viên trong nước ra nước ngoài với mục đích khác nhưng "sau đó tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp" thì họ phải : 1) Làm thủ tục bổ sung hoặc chuyển đổi mục đích nhập cảnh tại cơ quan cấp thị thực ở nước sở tại. 2) Có văn bản báo cáo với Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại, nội dung nêu rõ: họ tên, số điện thoại, địa chỉ cá nhân khi cần liên hệ; nội dung chương trình, tiết mục, vở diễn; địa chỉ đối tượng tổ chức biểu diễn; thời gian, địa điểm biểu diễn." (Điều 15)
Chưa hết, họ còn phải "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày về nước, diễn viên phải báo cáo chương trình, tiết mục, vở diễn đã biểu diễn ở nước ngoài cho Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hoá - Thông tin nơi diễn viên thường trú hay đăng ký tạm trú theo phân cấp quản lý tại Điều 20, 21 Quy chế này." (Điều 20 quy định trách nhiệm và quyền hạn của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Điều 21 nói về "Trách nhiệm và quyền hạn của Sở Văn hoá -Thông tin.")
Đối với nghệ sỹ người Việt ở nước ngoài muốn về nước trình diễn cũng phải có giấy mời hay giấy hợp đồng với các tổ chức trong nước. Các cá nhân và tổ chức trong nước cũng phải nạp để kiểm duyệt trước "nội dung chương trình, tiết mục, vở diễn, danh sách thành viên tham gia (ghi rõ họ, tên, chức vụ, nghề nghiệp.)"
Khi được yêu cầu, những người tổ chức trong nước phải "gửi băng, đĩa (Video-VCD-DVD) ghi chương trình, tiết mục, vở diễn (của nghệ sỹ) sẽ biểu diễn tại Việt Nam.


Một ràng buộc khác là các nghệ sỹ "Việt kiều" phải "Có ý kiến bằng văn bản của Đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại về việc diễn viên về nước biểu diễn."
Tuy nhiên các nghệ sỹ "Việt kiều" về nước biểu diễn có phải chấp nhận những ràng buộc nào của Hà Nội hay không là điều chưa bao giờ được các nghệ sỹ nói ra.
Từ trước đến nay, đã có các nghệ sỹ "Việt kiều" được về nước trình diễn như Hương Lan, Elvis Phương, Tuấn Vũ, Jimmy Nguyễn, Lệ Quyên, Giao Linh, Trịnh Nam Sơn, Henry Chúc, nghệ sỹ hài hước Hoài Linh và mới đây có thêm các Ca-Nhạc sỹ Duy Quang,Tuấn Ngọc, Đức Huy v.v...
Ca sỹ Elvis Phương, theo hãng Tin nhanh Việt Nam (VNExpress) ngày 27/7/2004 thì "sau thời gian về nước hát đã quyết định mua nhà và ở hẳn Việt Nam". Riêng Giao Linh, vẫn theo VNExpress, "còn mở một tiệm phở tại TP HCM (Sài Gòn) với mục đích đó là nguồn vui và thu thập của chị sau này."
NHỮNG TIẾNG HÁT XỔ LỒNG
Ngoài những phản ứng về "đầu, tóc" của một số ca-nhạc sỹ trong nuớc đối với Quy chế trình diễn quái gở 47, Ca sỹ Thu Phương - người vừa quyết định ở lại Hoà Kỳ sau 17 tháng "du lịch" - đã phản ảnh sự kìm kẹp của chính quyền Hà Nội đối với nghệ sỹ trong nước trong cuộc họp báo ngày 22-7-2004 tại Westminster, miền nam California.
Cô nói : " 17 năm em như con chim hót trong lồng, quá quen thuộc với không gian gói gọn đó. Mọi sinh hoạt, lời ca tiếng nhạc đều có những giới hạn và phải tuân thủ phong cách, ăn mặc, đi đứng và ngôn ngữ trên sân khấu, giữa sàn quay. Khi thử bay ra, em thấy bên ngoài chiếc lồng son có quá nhiều sự chọn lựa, tự do, muốn bay đâu tùy ý, muốn hót gì thì hót, không ngại phật lòng người chủ lồng. Mà ở đây khán giả cũng yêu thương em như mọi nơi khác. Và đó là lý do em muốn thoát ly. Tuy nhiên, em cũng không dối lòng phủ nhận lý do kinh tế cũng là yếu tố thu hút mọi ca nghệ sĩ trong nước muốn ra đi." (Tường thuật của Nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn)
Thu Phương đã đến Hoa Kỳ ba lần, cùng với chồng là nam Ca sỹ Huy MC. Họ đã tự ý kéo dài thời gian "du lịch" và trình diễn không xin phép cơ quan chủ quản là Nhà hát Tuổi trẻ (nơi Thu Phương là nhân viên) nên từ ngày 17-2-2003, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã ra lệnh cấm vợ chồng Huy MC-Thu Phương và ca sỹ Bằng Kiều hành nghề, trình diễn và cấm luôn việc lưu hành, bầy bán băng, dĩa nhạc của họ.
Tháng 11/2003, Huy MC về nước nhận lỗi không xin phép trước khi trình diễn ở hải ngoại và đã nạp đơn xin thôi việc của Thu Phương với Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng nhà nước không chấp thuận và còn buộc Thu Phương phải về nước trình diện rồi mới cứu xét.
Từ đó đến nay, vai trò của Huy MC trong quyết định ở lại Mỹ của Thu Phương không còn được ai nhắc đến nữa, kể cả trong cuộc họp báo của Thu Phương ngày 22-7-2004 ở Westminster. Báo chí trong nước khi viết về "sự ra đi" của Thu Phương cũng không nói gì về Huy MC.
Tuy nhiên Thu Phương cảm thấy việc làm của Nhà hát Tuổi trẻ có chủ tâm đe dọa nên cô đã quyết tâm ly khai, mặc dù cô phải xa hai con đang ở Sài Gòn với Ông Bà ngoại.
Cô nói : " Tuy em phải chịu tất cả những hậu quả từ quyết định của em, nhưng em rất đau lòng khi nghĩ tới sự liên đới tất nhiên phải có đối với người thân. Em còn bố mẹ và hai con nhỏ. Đây là vấn đề tế nhị và nhạy cảm, em cần được sự cảm thông của mọi người..." (Tường thuật của nhà báo Nguyễn Ngọc Chấn)
Một trong những phản ứng của Việt Nam về quyết định của Thu Phương được phản ảnh trên báo Sài Gòn Giải phóng ngày 27-7-2004 bằng bài viết của Lộc Hưng : " Ca sĩ Thu Phương quả thật là có vấn đề. Cùng với Đơn Dương (Tài tử số 1 của Việt Nam) , Bằng Kiều (Ca sỹ chồng nữ ca sỹ hải ngoại Trizzie Phương Trinh) , Thu Phương hơn ai hết họ biết, họ nổi tiếng là nhờ ai và hiện nay, họ quay lưng lại phủ nhận và chối bỏ tất cả là vì cái gì " Một Đơn Dương, một Bằng Kiều đáng giận và với Thu Phương thì đáng thương và đáng trách."
"Vấn đề của Thu Phương không giống các trường hợp khác. Lôi kéo Thu Phương, một ca sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ, với những từ tự do, họ muốn dùng Thu Phương để lôi kéo, mua chuộc nghệ sĩ trong nước ra nước ngoài phản bội lại Tổ quốc, quê hương, thầy cô, bạn bè và công chúng mình."
Nhưng ai đã "lôi kéo" và "dùng" Thu Phương để "lôi kéo, mua chuộc nghệ sĩ trong nước" để "phản bội lại Tổ quốc" hay chính đảng và nhà nước CSVN đã ra sức kìm kẹp và đè nén nghệ sỹ đến mức họ phải tìm đường tháo chạy "
Trước khi viết bằng giọng điệu hằn học và đe dọa như : " Điều gì sẽ đến với chị, hơn ai hết, chị sẽ biết, nếm trải, hứng chịu và trả giá" hẳn Cán bộ nhà báo Lộc Hưng của Sài Gòn Giải phóng chưa đọc những ngăn cấm "trên đe dưới búa" nhằm vào nghệ sỹ của Quy chế 47.
Mặt khác, khi đặt ra những cỗ giây thòng lọng cột cổ nghệ sỹ, những người có trách nhiệm về Văn hóa và Thông tin của CSVN không biết rằng họ đã hoàn toàn bất lực trước tình trạng các ổ mại dâm trá hình dưới dạng tắm hơi, thư giãn, ngủ trưa, cà phê đèn mờ, cắt tóc, gội đầu ; các dịch vụ tự sản xuất và buôn bán phim ảnh đồi trụy cùng cảnh tụ tập, đứng đường chào khách của các nhóm đồng tình luyến ái nam và nữ và dịch vụ trao đổi mại dâm qua mạng (Internet), qua Điện Thoại di động (cell phone) đang thi đua bộc phát ở Việt Nam.
Dưới tựa đề "Những nhà hàng rực lửa", báo Thanh Niên số ra ngày 10/8/2004 viết về những ổ mại dâm trá hình nhà hàng đã trích lời một lãnh đạo Quận Tân Bình ở Sài Gòn nhận xét : "Gái mại dâm hiện không còn đứng đường mà đã "rút" vào các hoạt động trá hình trong...nhà. Gần đây, khi cơ quan chức năng mạnh tay dọn dẹp, hoạt động này đã biến tướng tinh vi và chu đáo hơn."
Bài báo viết thêm : " Theo tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, loại hình mại dâm bán công khai nói trên khá phổ biến, cần là có. Riêng các điểm ranh ma hơn thì chỉ tiếp khách có "mật khẩu".
Vậy các trinh sát hình sự của Công an Thành phố đã làm gì " Nhóm Phóng viên của Thanh Niên trả lời : "Một trinh sát hình sự than, các nhà hàng trá hình này không ít lần đã bị cơ quan công an ra quân truy quét, xoá sổ song nó vẫn không giảm mà ngược lại có chiều hướng gia tăng không ngừng. Theo anh, nó đã có "phép" khác, lạ và hiệu nghiệm hơn :đó là tiền chung chi và các mối quan hệ "ngoài luồng".
Nhưng chung chi cho ai và quan hệ "ngoài luồng" là với quan chức hay cơ quan nào mà các chủ nhà hàng dám "coi trời bằng vung " như thế"
Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin và các viên chức đã đóng góp kiến thức sáng tác ra Quy chế 47 để đè đầu, bóp cổ các nghệ sỹ trong tay không một tấc sắt nên đọc đọan dưới đây trong điều tra của báo Thanh Niên để xem vấn đề tóc tai, ăn mặc, phong cách biểu diễn của các diễn viên có xấu xa phạm thuần phong mỹ tục bằng cảnh này không"
"Một vòng về hướng Chợ Lớn. Chúng tôi dừng chân tại nhà hàng B.B trên đường Trần Hưng Đạo - nơi được giới ăn chơi định danh là "trại tập trung" (vì có "đào" rất nhiều). Cụng vài ly bia, một người yêu cầu một em nhảy kiểu Thái Lan hay Ấn Độ gì đó. Ngay lập tức, cô gái tên H. có thân hình bốc lửa, mặc váy mầu tím cực ngắn vọt ra giữa bàn đứng lắc đầu, lắc mông, uốn éo, ưỡn ngực. Rồi H. lần lượt cởi bỏ chiếc áo trên người và sau đó là cái váy ngắn...Tiếng vỗ tay, hò hét của đám đông khiến H. giựt đùng đùng, uốn éo. Tưởng chuyện chỉ dừng lại ở đó, không ngờ H. vòng tay ra phía sau lưng bứt văng móc khóa để tháo nốt cái "vướng víu" trước ngực, căn phòng trở nên cực kỳ náo nhiệt...Quá cuồng nhiệt, H. đưa cái mông nựng vào...má mấy người khiêu khích."
Như vậy thì cảnh này thuộc về Quy chế Biểu diễn nào của Nhà nước " -/-
Phạm Trần (8/04)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.