Hôm nay,  

Mũi Giáo Gazprom Của Putin

07/01/200600:00:00(Xem: 5093)

Mũi giáo Gazprom đã xuyên thủng tấm giáp Ukraine và thọc vào Âu châu làm Hoa Kỳ giật mình…

Sáng Thứ Năm mùng năm tháng Giêng, trong bữa điểm tâm với báo chí, Ngoại trưởng Condoleezza Rice bất ngờ phóng một mũi tên qua Liên bang Nga. Bà than phiền là Nga dùng năng lượng làm võ khí chính trị và cảnh cáo là nếu muốn là thành viên của kinh tế toàn cầu thì Nga phải tôn trọng luật chơi của thị trường. Truyền thông Nga lập tức phản ứng với lời chỉ trích khiến một số dư luận Mỹ mới để ý tới một vấn đề đang làm các nước Âu châu điên đầu.

Vụ khủng hoảng này đáng chú ý ở rất nhiều khía cạnh.

Bối cảnh vấn đề

Từ giữa tháng 12 năm ngoái, Tổng công ty Gazprom của Nga thông báo với Ukraine rằng kể từ đầu năm 2006, họ sẽ bán khí đốt với giá thị trường là 230 Mỹ kim một ngàn thước khối, cao gần gấp bốn giá bao cấp thường lệ là 50 đồng.

Khủng hoảng bùng nổ giữa Ukraine và Nga về vụ mua bán khí đốt và lan qua Âu châu vào Tết dương lịch khi Nga giảm 30% lượng khí đốt chuyển vận qua Ukraine tới Âu châu. Âu châu than phiền về quyết định ấy thì được Moscow trả lời là vì Ukraine ăn cắp khi đốt ở giữa. Qua mùng ba, đôi bên (Nga và Âu châu) mới đạt một tạm ước về chuyện khí đốt, trong khi quan hệ giữa Ukraine và Nga vẫn căng thẳng (xin xem bài "Khí công mùa Đông" của Võ Thành Văn trên cột báo này vào ngày 04.01.2006).

Về địa dư, Ukraine nằm giữa Liên bang Nga và Âu châu và Nga là nguồn cung cấp đến 40% nhu cầu khí đốt của Âu châu, 80% của số này là qua mạng lưới dẫn khí đốt chạy ngang Ukraine. Khi Nga gây áp lực với Ukraine về giá cả và cúp khí đốt qua xứ này, các nước Âu châu bị ảnh hưởng. Ngay giữa mùa lạnh, vụ cắt giảm khí đốt là một vấn đề chính trị cho Âu châu. Liên bang Nga dùng khí đốt như một võ khí để gây vấn đề cho Âu châu và dùng Âu châu làm sức ép để gây vấn đề cho Ukraine. Gazprom là mũi giáo của đòn chính trị ấy thọc vào Ukraine và đâm thủng phòng tuyến Âu châu, khiến Ngoại trưởng Rice phải than phiền.

Đó là bối cảnh của vấn đề.

Mũi giáo Gazprom

Điều mỉa mai là kể từ đầu năm 2006, Nga là Chủ tịch Luân phiên của nhóm G-8, quy tụ bảy nước kỹ nghệ (và dân chủ) hàng đầu thế giới - là Hoa Kỳ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Canada và Ý - và Liên bang Nga. Ngẫu nhiên, khi nghị trình đầu năm của nhóm G-8 là "an toàn năng lượng", thì các Tổng trưởng Năng lượng Âu châu phải họp khẩn vì vụ khủng hoảng khí đốt. Toàn cõi Âu châu bị lúng túng về chuyện năng lượng và vai trò quá quan trọng của Gazprom, chỉ riêng nước Pháp là có vẻ bình tĩnh ứng phó khi Tổng thống Jacques Chirac đưa ra một kế hoạch năng lượng cho tương lai. Lúc ấy, người ta mới để ý đến Tổng công ty Gazprom.

Nếu theo dõi tình hình Liên bang Nga thì phải thấy trước cuộc khủng hoảng này từ tháng 10.

Nhưng lúc ấy, Pháp đang bị khủng hoảng, Đức cũng vậy, cả Âu châu còn chuẩn bị đôi co về ngân sách, trong khi Hoa Kỳ chú mục vào hồ sơ Iraq sau vụ trưng cầu dân ý giữa tháng 10 và những vấp váp của Tổng thống Bush.

Từ giữa tháng Chín, Gazprom bắt đầu được phép mua lại Rosnef, một quốc doanh dầu hỏa của Nga. Kể từ đấy, Gazprom không chỉ là tổng công ty số một về dầu khí của Nga mà đang bành trướng ảnh hưởng bên trong để trở thành số một về năng lượng.

Tổng giám đốc Gazprom là một đồng chí thiết thân của Tổng thống Vladimir Putin khi hai người còn phục vụ trong Tòa Thị chính của thành phố St. Peterburgs. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gazprom là Đệ nhất Phó Thủ tướng Dmitry Medvedev, một người thân tín của Putin. Gazprom có cái thế và cái lực để trở thành một công cụ kinh tế và chính trị của Putin.

Gazprom gồm thâu thiên hạ

Sự thoát xác và lớn mạnh của Gazprom có thể tóm tắt những thăng trầm của Liên bang Nga trong thời hậu cộng sản.

Dưới triều đại Boris Yeltsin, các doanh nghiệp nhà nước bị làm thịt trong tiến trình "cải cách kinh tế" và "cổ phần hóa", dẫn đến sự xuất hiện của những tài phiệt xuất thân từ đảng Cộng sản nhưng trở thành những thế lực mới của Liên bang Nga trong thời "dân chủ" hậu cộng sản. Yeltsin trở thành con tin của các tài phiệt này và quốc doanh Nga trở thành hang ổ của tham nhũng và hối mại quyền thế. Gazprom là một điển hình.

Khi sức khỏe sa sút và ảnh hưởng suy sụp, Boris Yeltsin khéo chọn người kế vị là Vladimir Putin. Chỉ nương tay cho thân nhân của Yeltsin, Putin bắt đầu xăn tay áo thu góp lại tài sản bị tẩu tán trong thời cải cách và thẳng tay loại trừ các tài phiệt muốn tranh giành ảnh hưởng với mình. Điển hình là việc tống giam Chủ tịch Mikhail Khodorskovsky của Tổng công ty Yukos hoặc việc loại bỏ Anatoly Chubais ra khỏi vị trí lãnh đạo Tổng công ty UES (Unified Energy Systems), một quốc doanh độc quyền về phân phối năng lượng trên thị trường Nga.

Gazprom là tập đoàn số một thế giới về dầu khí và đang trở thành tập đoàn năng lượng lớn nhất thế giới, vượt xa đại tổ hợp xăng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ.

Hàng năm, Gazprom sản xuất 540 tỷ thước khối khí đốt, hơn hẳn tổng số của các quốc gia còn lại trên thế giới. Không chỉ nắm giữ độc quyền về khí đốt trong thị trường nội địa - với giá bao cấp - Gazprom còn là nguồn cung cấp khí đốt quan trọng nhất của các nước Âu châu.

Đã vậy, trên bàn cờ nội bộ của Nga và Putin, Gazprom còn được phép mở rộng địa bàn hoạt động ra khỏi lãnh vực dầu khí và sẽ trở thành một thế lực mới về năng lượng - sau khi mua lại Rosnef, Gazprom nhắm đến Zarubezhneft rồi Yuganskneftegaz.

Thế lực quốc tế của Gazprom

Với cán giáo rất dài như vậy, Gazprom đang là mũi nhọn của Nga trên thị trường năng lượng Âu châu với việc thương thảo cùng tổ hợp E.ON của Đức để xây dựng các trung tâm phân phối tại Hung Gia Lợi, Ý Đại Lợi và Phần Lan (Hungary, Italy và Findland) và thiết kế các ống dẫn dầu nối liền bán đảo Yamal của Nga với Đức, xuyên qua biển Baltic phía Bắc.

Chưa hết, ngay trước Giáng Sinh 2005, Tổng thống Putin còn ký sắc lệnh "tư nhân hóa" 49,6% cổ phần của Gazprom để bán cho giới đầu tư nước ngoài. Trên mệnh giá, với cái thế và lực của Gazprom, việc bán cổ phần như vậy là món hời khó cưỡng cho giới đầu tư.

Vào khoảng 124 tỷ Mỹ kim, kết toán tài sản của Gazprom trên thị trường cổ phiếu là một giá bèo so với trữ lượng dầu và khí do Gazprom đang làm chủ: thùng dầu thô chỉ tốn chưa đầy đồng mốt (1,09 Mỹ kim) trong khi giá của các công ty dầu khí khác của Nga là 2-3 đồng và của các công ty Tây phương là từ 16 đến 18 đồng!

Được mua rất rẻ một phần tài sản của một thế lực kinh tế và năng lượng ấy, ai chẳng ham" Giới đầu tư quốc tế có thể lạc quan với cơ hội này, nhưng nếu nhìn sâu xa hơn, họ phải thấy chung tiền vào Gazprom lại dễ đứt tay vì Vladimir Puti nắm dao đằng chuôi.

Putin dùng Gazprom để loại bỏ các đối thủ chính trị bên trong, kể cả các tập đoàn truyền thông cứng đầu, và đòi hỏi Gazprom phải trợ giá năng lượng cung cấp cho thị trường nội địa. Chung vốn để ngồi vào hội đồng quản trị của Gazprom, giới đầu tư vẫn không đảo ngược nổi chánh sách ấy. Cùng lắm thì xoay ra ngoài, tìm mối lợi kinh doanh cho Gazprom với thị trường Âu châu. Nghĩa là đẩy sâu mũi giáo Gazprom vào Âu châu, xuyên qua Cộng hòa Ukraine.

Vladimir Putin dùng Gazprom như một võ khí chính trị bên trong rồi thò xoay mũi giáo thành võ khí ngoại giao bên ngoài, cho nên nếu Condi Rice cảnh cáo thì cũng có lý do.

Cách mạng Cam và Khí đốt

Vì vị trí địa dư ở giữa nước Nga với Âu châu, Ukraine là hành lang dẫn khí đốt của Nga và nhiều xứ Trung Âu hay Nam Á qua Âu châu. Đó là về kinh tế.

Nhưng, Ukraine cũng là hành lang dẫn quân từ Đông qua Tây, hay ngược lại.

Liên bang Nga chỉ có một căn cứ hải quân nằm trong vùng biển nóng là quân cảng Sevastopol bên bờ Hắc hải của Ukraine. Trong thế thủ, xứ này là tấm khiên sau cùng bảo vệ nước Nga chống các đợt Đông tiến của Đức: biên giới Ukraine nằm cách Moscow hay Volvograd chưa đầy 500 cây số. Trong thế công, xứ này là bàn đạp cho các đợt Tây tiến của Nga - Liên bang Xô viết thời chiến tranh lạnh.

Ngày nay, không có thế lực quân sự nào của Âu châu đe dọa biên cương của Nga, nhưng lại có bàn tay vô hình và tai hại của trào lưu dân chủ hóa!

Khi Liên bang Xô viết tan rã, các cơ sở bị làm thịt ở bên trong thì vùng ảnh hưởng của Nga cũng bị bào mỏng ở bên ngoài. Bào mãi rồi cũng tới Ukraine. Sau khi gồm thâu thế lực vào trong tay nhà nước ở bên trong, Vladimir Putin xoay ra bảo vệ các vùng phiên trấn bên ngoài.

Trong cuộc bầu cử cuối năm 2004, Putin hai lần qua Ukraine để gián tiếp ủng hộ ứng viên thân Nga là Viktor Yanukovich chống lại cuộc Cách mạng Cam do Viktor Yushchenko và Yulia Tymoshenko đề xướng với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, Ba Lan và Liên hiệp Âu châu. Việc Gazprom cung cấp khí đốt với giá cực rẻ cũng nhắm vào việc thuyết phục dân chúng Ukraine rằng sự an toàn kinh tế của họ nằm tại Nga, nằm trong mối quan hệ thân hữu với Moscow.

Cử tri Ukraine chọn hướng khác và Yushchenko lên làm Tổng thống.

Kể từ đấy, chính quyền dân chủ của ông liên tục gặp vấn đề, Tymoshenko đã từ chức Thủ tướng và Yushchenko hiện có tỷ lệ ủng hộ thấp nhất, đảng của ông lại phải chuẩn bị bầu cử Quốc hội vào tháng Ba này.

Giữa tháng 11, Putin bổ nhiệm Medvedev vào ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Gazprom và đòn ngoại giao kinh tế đầu tiên của nhân vật kiệt xuất này là thọc mũi dáo Gazprom cho bể cuộc Cách mạng Cam của Yushchenko.

Đòn độc hiểm ấy có khi khiến dân Ukraine càng thù ghét Liên bang Nga và phản ứng chống Nga sẽ cứu được chính quyền Yuschenko trong cuộc bầu cử tháng Ba này. Nhưng Vladimir Putin và Dmitry Medvedev có thể còn nhìn xa hơn chân trời Tháng Ba tại Ukraine.

Mũi giáo làm đòn bẩy

Có thể là người dân Âu châu nói chung và giới lãnh đạo Âu châu nói riêng có thiện cảm với trào lưu dân chủ và minh bạch của Ukraine. Nhưng nếu thiện cảm ấy lại gây phí tổn cho hóa đơn năng lượng thì mọi chuyện sẽ khác. Mũi giáo Gazprom trở thành đòn bẩy trong quan hệ tay ba giữa Nga, Ukraine và Âu châu. Trong quan hệ đó, Đức giữ vị trí trọng yếu vì lệ thuộc nhiều nhất vào dầu khí của Nga và tổ hợp E.ON của họ lại đang có kế hoạch bành trướng với Gazprom.

Ukraine muốn dùng thế lực và quyền lợi kinh tế của Âu châu để làm giảm sức ép của Nga. Ngược lại, Nga muốn dùng Âu châu, và Đức, làm trọng tài để đẩy Ukraine trở lại vùng ảnh hưởng của mình. Rẻ nhất cũng là làm cho Âu châu khó chịu với Hoa Kỳ về việc xúi giục cách mạng dân chủ tại Ukraine khiến họ bị lôi vào vòng tranh chấp giữa Kiev và Moscow.

Trong thời Chiến tranh lạnh, các nước Tây Âu đều muốn đu giây ở giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Được Mỹ bảo vệ bằng cây dù nguyên tử, Tây Âu thời ấy vẫn giữ thái độ hòa hoãn với Moscow và được cấp khí đốt với giá rẻ.

Âu châu không hề bị phong tỏa dầu khí trong suốt thời kỳ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, khi Thế vận 1980 tại Liên Xô bị tẩy chay, khi Gorbachev bị đảo chánh và khi Liên Xô tan rã. Âu châu vẫn có khí đốt của Nga khi than phiền Moscow về cuộc chiến tại Chechnya, về thái độ thiên vị của Moscow với Cộng hòa Serbia trong vụ tàn sát tại Kosovo và nhất là khi Liên hiệp Âu châu mở rộng qua hướng Đông và Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO đón nhận các thành viên mới từ Đông Âu.

Khi ảnh hưởng của Liên bang Nga bị bào mỏng, Âu châu vẫn yên tâm là sẽ được sưởi ấm với khí đốt của Nga. Bây giờ, với sự xuất hiện của Gazprom, tình hình đã đổi khác.

Luật chơi mới trong cục diện mới

Các nước phải xét lại mục tiêu, phương thức và khả năng ứng phó của Vladimir Putin.

Liên bang Nga không chỉ gây sức ép với Ukraine nhằm chặn đứng trào lưu cách mạng dân chủ tại đây và kéo xứ này về vị trí phên giậu của mình.

Putin muốn Âu châu từ nay phải nhìn vào nước Nga với con mắt khác.

Liên bang Nga hết là con nợ và con bệnh bị Âu châu coi thường như dưới thời Boris Yeltsin. Nga không muốn gây hiềm khích với Âu châu, nhất là các nước Âu châu cũ, đứng đầu là Pháp và Đức, nhưng muốn được kính trọng. Võ khí Gazprom của Putin không chỉ chọc thủng trái cam cách mạng của Ukraine mà còn tạo ra một luật chơi mới, dựa trên quy luật thị trường mà thực sự là bàn tay thô nhám của quyền lực.

Lúc ấy, Liên hiệp Âu châu càng thấy dị biệt giữa hai khối Âu châu cũ và mới.

"Cũ" là các nước thân Nga vì ở xa, các nước Tâu Âu. "Mới" là các nước chống Nga vì đã từng nằm trong vòng sinh sát của Liên Xô khi Tây Âu được bảo vệ trong thời Chiến tranh lạnh. Các nước ấy, như Ba Lan, Hung Gia Lợi hay ba nước Cộng hòa Baltic, đang là một cám dỗ lớn cho Ukraine và là cái gai trong mắt Putin.

Sâu hơn thế, mũi giáo Gasprom còn muốn xuyên tới Mỹ: các nước Âu châu có thể tự hỏi là Hoa Kỳ ở đâu và làm gì sau khi yểm trợ cách mạng dân chủ tại Georgia, Serbia và Ukraine. Mỹ chẳng cần đến một giọt dầu hay một lon khí đốt của Nga, chứ Âu châu thì đã mắc nghiện năng lượng miền Đông rồi. Trào lưu chống Mỹ tại Âu châu lại được dịp sưởi ấm!

Không những vậy, Gazprom còn tạo ra một cơ hội mới cho các Cộng hòa Trung Á hay Nam Âu. Các nước Turkmenistan, Kazakhstan hay Uzbekistan có muốn bán khí đốt cho Ukraine và qua Ukraine cho Âu châu thì cũng phải nói chuyện phải quấy với Liên bang Nga, với Gazprom, vì luồng khí đốt ấy phải vượt qua Nga mới qua tới Âu châu.

Nếu Âu châu muốn tìm một nguồn cung cấp an toàn hơn thì có thể mua khí đốt của Iran, là quốc gia đang đòi xóa Israel trên bản đồ thế giới và vừa bị Hoa Kỳ cảnh cáo là đừng lợi dụng lúc Thủ tướng Ariel Sharon ngã bệnh mà tính chuyện vọng động với kế hoạch nguyên tử.

Một quốc gia có thể giúp Iran trong kế hoạch ấy chính là Liên bang Nga.

Lúc bấy giờ người ta mới giật mình nhớ lại vai trò của Condi Rice, một chuyên gia về Liên Xô, một nhân vật có thẩm quyền trong nội các Bush về ngoại giao chiến lược và không phải là không biết gì về chuyện dầu khí.

Bà đã từng ngồi trong Hội đồng Quản trị của Đại tổ hợp Chevron.

Gazprom vì vậy là một hồ sơ đáng theo dõi không chỉ vì lý do đầu tư hay kinh doanh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.