Hôm nay,  

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh: Tâm Tình Về Nghề Viết

13/08/200400:00:00(Xem: 5204)
Số báo kỳ này Ngọc Thủy hân hạnh được phỏng vấn Ký giả lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, một vị trưởng bối trong nghề làm báo mà tên tuổi đã được nhiều người biết. Sơn Điền viết báo từ năm 1948 tính ra đến nay đã 56 năm. Thời còn trẻ ông đã từng làm phóng viên chiến trường, sau làm Tổng thư ký Việt Nam Thông Tấn Xã (VTX) dưới thời VNCH. Ông cũng đã từng là Giáo sư dạy môn Báo Chí tại trường Đại học Vạn Hạnh và Dalat ở Việt Nam. Hiện nay ở Mỹ tuy tuổi đã cao, ông vẫn viết những bài bình luận hàng tuần cho một số báo tiếng Việt. Ngọc Thủy rất cám ơn ông đã dành cho Suối Văn cuộc phỏng vấn đặc biệt này.
Ngọc Thủy: Thưa ông Sơn Điền, ông đã dành cả cuộc đời cho nghề viết báo, xin hỏi ông vì lý do nào ông đã chọn nghề này"
Sơn Điền: Thưa cô Ngọc Thủy, sự thật tôi không chọn nghề báo mà nghề báo đã chọn tôi. Năm 1948 sau một cuộc di tản tôi đã trở về Hà Nội. Lúc đó tôi chưa biết làm nghề gì để kiếm sống, nhân dịp tôi nhặt được cuốn tiểu thuyết tiếng Anh "The Good Earth" của nữ văn hào Pearl Buck đã rách nát vứt lăn lóc ở ngoài chợ, nên đem về nhà đọc chơi cho đỡ buồn. Thấy có những đoạn hay, tôi bèn thử dịch ra tiếng Việt xem có đủ khả năng như các vị tiền bối của tôi trước đã từng làm hay không. Tình cờ giữa lúc đó có một người bạn lớn tuổi hơn, nghe nói tôi đã trở về nên đến thăm. Thấy tôi đang hý hoáy với một mảnh giấy và cây viết chì bên cuốn truyện, liền cầm lên coi và gật gù. Ở Việt Nam vào thời điểm đó những người thuộc thế hệ của tôi đều biết tiếng Pháp, nhiều người học trường Pháp, viết văn Pháp rất giỏi, còn số người biết tiếng Anh thật hiếm. Anh bạn xem một đoạn tôi dịch rồi nói: "Anh dịch được, anh nên đi làm báo". Ngày hôm sau anh đưa tôi đến tòa báo, tôi mới biết anh đã là chủ nhiệm một tờ báo ở Hà Nội. Nghề báo đã chọn tôi từ lúc đó. Vậy nếu tôi được lựa chọn tôi sẽ chọn nghề gì" Từ lúc thiếu thời tôi đã mê say các môn Khoa học như Vật lý, Không gian và Vũ trụ nên khi còn đi học tôi vẫn ước mơ sau này lớn sẽ trở thành một nhà bác học, ngày đêm cặm cụi trong các phòng thí nghiệm để khám phá những gì mới lạ nhất về Khoa học. Tiếc thay thời thế đất nước đã đưa giòng đời của tôi đi về một hướng khác.
Ngọc Thủy: Ngoài những bài Bình luận Thời cuộc, trước đây thỉnh thoảng N.T thấy ông có những truyện ngắn và nhiều bài đặc biệt về Khoa học, vậy ông đã trở thành một người viết văn từ lúc nào và cũng xin hỏi ông, ông thích viết văn hay viết báo"
Sơn Điền: Công việc đầu tiên của tôi ở tòa báo là dịch các tin tức từ tiếng Pháp và tiếng Anh ra Việt ngữ. Tôi vốn là người mê Khoa học từ thuở nhỏ và thích đọc những truyện Khoa học giả tưởng, thời đó chỉ có sách tiếng Pháp. Việc dịch tin cũng nhẹ nhàng nên có dư thời giờ, tôi bèn phóng tác một cuốn Khoa học giả tưởng để đăng dần từng ngày theo kiểu tiếng Pháp vẫn gọi là "feuilletons". Tôi đã phóng tác một số truyện, truyện tôi thích nhất có tựa đề là "Hồn Quỷ Đêm Trăng". Lúc đó tôi lấy bút hiệu là Tùng Khanh. Ngoài tiểu thuyết khoa học, tôi cũng đã sáng tác một số truyện ngắn. Những truyện ngắn đầu tay viết ở Hà Nội đã được in thành tập lấy tựa đề truyện ngắn mở đầu là "Em về đâu cũng được". Rất tiếc tất cả những tài liệu đó đều bị thất lạc, vì tôi không ở Hà Nội lâu. Năm 1951 tôi vào làm việc cho Văn phòng VTX mới mở ở Hà Nội. Năm 1952 tôi rời Hà Nội đi Huế làm phóng viên chiến trường VTX ở miền Trung. Sau khi đất nước bị chia đôi, tôi vào Saigon tiếp tục làm phóng viên cho VTX, rồi mấy năm sau leo dần lên các cấp như đặc trách Phủ Tổng Thống, Trưởng đoàn Phóng viên, Trưởng ban Pháp ngữ và từ năm 1965 Tổng thư ký Tòa soạn. Cũng trong thời gian này tôi đã viết nhiều bài Bình luận thời cuộc cho các nhật báo ở Saigon, biên khảo về Khoa học và một số truyện dịch hay phóng tác. Những truyện ngắn cô đã đọc ở Mỹ đều do tôi viết ở Mỹ từ năm 1992 vì sau khi ra khỏi trại cải tao tôi đã mất hết những gì tôi viết ở Saigon . Cô hỏi tôi thích viết văn hay viết báo" Tôi xin thú thật tôi thích viết tiểu thuyết hay truyện ngắn hơn viết các bài bình luận, tôi không thích các đề tài chính trị. Có lẽ trong thời Trung học, tôi đã bị ảnh hưởng bởi các nhà văn trong Tự lực Văn đoàn thuộc nhóm Phong Hóa-Ngày nay cũng như nhiều thanh thiếu niên khác trong thập nên 30, nên các truyện ngắn của tôi đều có đượm nét lãng mạn. Khi viết các bài báo về khoa học, tôi thấy thoải mái hơn viết các bài luận về chính trị. Mặt khác nếu một vài truyện ngắn của tôi có bối cảnh nặng về hư cấu đến độ huyền hoặc, đó cũng do ảnh hưởng của loại tiểu thuyết khoa học giả tưởng tôi đã đọc từ lúc còn đi học.
Ngọc Thủy: Ông nghĩ phải có những điều kiện gì mới có thể trở thành một nhà văn, nhà báo"

Sơn Điền: Nghề viết văn viết báo là một nghề tự do, không ai đòi hỏi bằng cấp hay giấy phép. Nhưng tôi thiết nghĩ muốn trở thành một nhà văn nhà báo giỏi cần phải có hai điều kiện chính. Một là cần phải luôn luôn trau dồi kiến thức để có thể nhìn xa thấy rộng hơn, tránh những góc nhìn chật hẹp có thể đưa đến những lập luận một chiều duy ý chí của những bộ óc giáo điều cứng nhắc. Nghề làm báo là môi trường tốt nhất để học hỏi thêm và mở rộng hiểu biết, người ký giả ngày ngày phải học, mỗi ngày phải học, trẻ phải học và già càng phải học nhiều hơn để khỏi bị đào thải bởi những tư duy mới trong thời đại tiến hóa mau lẹ trên thế giới ngày nay. Điều kiện trau dồi kiến thức xuất phát từ một chữ "tâm". Tâm là tâm thức, là nghị lực và ý chí, kiên trì và nhẫn nại để quyết tâm học hỏi. Có cái tâm đó mới có sự thúc đẩy của tinh thần cầu học không sao lãng, không biết mệt mỏi. Điều kiện thứ hai là cần phải giữ đúng đạo đức nghề nghiệp, cũng là đạo lý con người trong xã hội. Điều kiện này có một cái gốc căn bản từ muôn thuở ở một chữ "lương". Lương là lương thiện, hiền lương, lương tâm, nó luôn được tri giác soi sáng nên còn gọi là lương tri. Tôi đã có lần nói kiến thức và đạo đức là hai cột trụ nâng đỡ nghề làm báo. Đây chỉ là một hình ảnh cụ thể hóa cho dễ thấy tầm quan trọng của hai điều kiện đó, trên thực tế đó là hai thành phần của một tổng thể khái niệm, luôn luôn tương tác và bổ sung cho nhau. Kiến thức càng nhiều, suy tư càng phức tạp, cám dỗ càng mạnh, chỉ có lương tri trong sáng mới giúp được ký giả thức tỉnh trước tham vọng quá đáng vì danh lợi, để khỏi bị lôi cuốn vào con đường của những kẻ bất lương, vô liêm sỉ. Báo chí cũng giống như một thứ vũ khí, nếu ở trong tay kẻ ác nó là vật hãm hại người, nhưng ở trong tay người thiện nó là vật bảo vệ những giá trị cao quý nhất của cuộc sống. Văn nghệ có nhiều ngành, ở đây tôi chỉ muốn thâu hẹp vào lãnh vực các nhà văn viết tiểu thuyết ngắn hay dài. Tôi nghĩ làm một nhà văn khó hơn làm một nhà báo. Muốn làm một nhà văn, cần phải có một trí tưởng tượng phong phú, một sự cảm ứng nhạy bén về tình cảm con người, phân tích thấu đạt mọi khía cạnh của yêu thương, thù hận, tham vọng, cuồng loạn, si mê, phẫn nộ... và đặc biệt phải biết nhìn vào nội tâm của chính mình. Bất cứ ai cũng có thể tập luyện thành một nhà báo, nhưng viết văn cần phải có một tâm hồn nghệ sĩ. Đó là một khả năng chỉ có Ông Trời mới cho được, nên gọi là bản năng thiên phú.
Ngọc Thủy: Ông vừa nói đến tư duy của con người trong thời đại tiến hóa ngày nay, vậy kỹ thuật truyền thông đã phát triển như thế nào và viễn tượng ra sao"
Sơn Điền: Chúng ta đang ở trong một cuộc cách mạng của kỹ thuật học truyền tin khiến sự giao tiếp giữa con người và con người cũng như với tập thể ngày càng nhiều, dễ dàng và mau lẹ hơn. Sự kiện này khiến cho ngành truyền thông nở rộ. Một điểm đáng chú ý là báo hình có vẻ lấn lướt cả báo viết và báo nói. Tôi đã quan tâm đến vai trò của hình ảnh trong báo chí từ lâu. Tôi xin kể lại một truyện cũ. Khoảng 45 năm trước, tôi có dịp sống ở Nhật Bản và tôi đã quen biết một cô sinh viên tên là Haruko. Một hôm chúng tôi đi xem cuộc triển lãm về hình ảnh chiến tranh, cô bạn chú ý xem rất lâu một tấm hình chụp cảnh các nạn nhân chiến tranh giữa lúc bom đạn dội trên đầu họ. Cô bảo tôi cô rất xúc động về hoàn cảnh con người trên tấm hình. Cô nói: "Những nét mặt trên tấm hình đã làm bộc lộ tất cả những tình cảm thật sự của họ, lo âu, kinh hoàng, đau đớn, tuyệt vọng... Người ký giả nhiếp ảnh có cái may là bấm máy hình vào đúng lúc tất cả những trạng thái trong nội tâm của họ bộc lộ ra bên ngoài không cách nào che giấu được". Tôi nghĩ cô nói rất có lý, không một cây viết nào, một bản tin hay bài phóng sự nào có thể mô tả được hết thực trạng lúc đó và phơi bày tâm tư những người trong cuộc bằng một tấm hình ghi trong chớp nhoáng. Ống kính máy ảnh không biết nói dối và cũng không biết ghi lời bàn. Nó đã làm đúng phương châm của nghề báo: Chúng tôi đưa tin, độc giả phán xét. Mấy năm gần đây, kỹ thuật chụp hình và video đã có một tiến bộ dị thường nhờ sử dụng kỹ thuật số tự (digital) khiến công việc thu hình vừa gọn vừa nhanh, chụp được nhiều hình trong thời gian rất ngắn bằng những dụng cụ bỏ túi. Việc thu hình đã phát triển mạnh trong ngành truyền thông và những biến cố gần đây đã cho thấy nó tác động sâu sắc vào tâm trạng người xem đến độ nào. Bước tiến đó đã tạo cho ngành truyền thông nói chung nhiều trách nhiệm và thử thách hơn. Trước mắt tôi tin giới truyền thông có đủ khả năng và sáng suốt đối phó với những thách đố mới đó.
Ngọc Thủy: Thưa ông Sơn Điền, ông nay tuổi đã cao, người ta bảo ông vẫn thích viết và viết dồi dào lắm chớ không chịu nghỉ. Vì lẽ gì vậy ạ"
Sơn Điền: Năm 2000 giải thưởng Văn chương Nobel được trao cho một văn hào Trung Quốc sống lưu vong ở Pháp, tên là Cao Hành Kiên. Lúc đó có người hỏi ông tại sao ông viết nhiều thế. Cao tiên sinh đáp: "Tôi viết cho dịu đi những nỗi thống khổ ở trong lòng". Tôi thấy thấm thía vô cùng. Con người ai cũng có những nỗi đau khổ riêng trong thâm tâm. Ít khi người khác hiểu được những nỗi đau này và cũng rất ít người chịu nói ra những nỗi khổ của mình vì coi như chuyện nhỏ của cá nhân, mặc dầu cái đau nhỏ riêng tư đó thường vò xé tâm can hơn cả những mối đau lớn. Và có những mối đau lớn được chia sẻ chung vì lẽ đồng bệnh tương lân. Chẳng hạn như niềm đau mối sầu... Vong quốc. Viết cho đời đỡ khổ. Tôi ngậm ngùi thông cảm với Cao Hành Kiên.
Ngọc Thủy: Cảm ơn ký giả Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã chia xẻ tâm tình về nghề viết với độc giả Suối Văn. Kính chúc Ông luôn dồi dào sức khỏe và an vui.
Ngọc Thủy xin kính chào tạm biệt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.