Hôm nay,  

Việt Nam-giáng Sinh Sài Gòn Với Niềm Vui Và Nỗi Buồn

06/01/200600:00:00(Xem: 5995)

Không năm nào Sài Gòn đón lễ Giáng Sinh như năm nay. Trời se lạnh từ vài hôm trước, có lẽ do áp thấp nhiệt đới và cũng do mùa mưa kéo dài. Có vẻ như người Sài Gòn năm nay ít đi chơi xa hơn mọi năm. Bởi những trận lũ lụt liên tiếp đã làm cho đoạn đường từ Nha Trang đến Phú Yên ngập lụt, đoạn Đèo Cả nằm chắn ngang lối ra miền Trung, có đến một nửa quả núi đổ xuống mặt đường, gây trở ngại, rất nguy hiểm cho khách du lịch.

Còn Đà Lạt, thành phố hoa, nơi du lịch lãng mạn và cũng là nơi thường được rất nhiều cặp uyên ương trong nước chọn làm nơi hưởng tuần trăng mật lý tưởng, lại vừa "tàn một cuộc chơi". Cái Festival Hoa Đà Lạt diễn ra trước đó hơn một tuần vừa "tan hàng".

Nếu như Festival được tổ chức vào khoảng thời gian giữa Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều du khách hơn. Nhất là khách nước ngoài và một số Việt kiều về thăm nhà vào dịp này. Vài người thân của tôi về VN lấy làm tiếc và họ không đi Đà Lạt nữa vì họ nghĩ, sau festival, đến đó vào thời gian này chỉ là để nhìn hoa tàn mà thôi.

Tuy vậy, ở miền Bắc còn khối chỗ để đi, nhưng hầu hết những người đi du lịch miền Bắc vào khoảng thời gian này là những người rủng rỉnh tiền bạc chứ những người "ba cọc ba đồng" thường không đủ khả năng cho một chuyến du lịch xa và tốn kém như vậy. Hơn thế, Vịnh Hạ Long vào mùa mưa lạnh không thể đẹp bằng mùa hè. Cho nên đa số người dân chọn Sài Gòn làm nơi vui chơi Giáng Sinh và "Tết Tây". Vì vậy Sài Gòn đã đông càng đông, đã chật càng chật.

Ngày Noel ở Sài Gòn

Buổi sáng ngày 24-12 trời hửng nắng, báo hiệu một ngày đẹp trời. Buổi chiều lại u ám, mưa lâm tâm, buổi tối thì cơn mưa nặng hạt hơn làm hạn chế những cuộc vui chơi ngoài trời, nhưng những con phố lớn thì vẫn đông vui tấp nập với những nhà hàng, khách sạn ba, bốn năm sao dành cho các "đại gia".

Trên nhiều con đường vào tận những ngõ hẹp quanh co, người ta bắt gặp những ông già Noel đi xe gắn máy, vội vàng đến tận nhà phát quà Noel cho các em nhỏ. Không phải là một cuộc làm từ thiện mà là một "dịch vụ" mới được "nền văn minh" thành phố sản xuất ra từ một vài năm trước. Những ông già áo mũ đỏ lùng thùng, lạ lẫm, cũng làm phố xá vui thêm, nhưng dĩ nhiên chỉ có những trẻ em con nhà khá giả mới nhận được những món quà bất ngờ thú vị như vậy. Còn con nhà nghèo thì đứng chờ ở một nơi nào đó, đợi thành phố phát quà mỗi năm một lần.

Và hàng ngàn người vẫn kéo đến Công viên Đầm Sen để được thưởng thức chiếc bánh buche khổng lồ do công viên này phối hợp với cơ sở bánh ngọt Hỷ Lâm Môn thực hiện. Chiếc bánh nặng khoảng 5 tấn, dài 20,7m, đường kính 1,1m, được hơn 100 công nhân làm từ 605 kg bột, 950 kg đường, 302 kg dầu, 43 kg sữa tươi, 40 kg chocolate, 30 kg bơ, 50 kg mứt dùng trang trí và 40 thùng kem sữa tươi. Đó là nét đặc biệt của Noel Sài Gòn năm nay.

Trời đất miền Nam VN, vào thời gian này, không ai có thể đoán trước được lúc nào mưa, lúc nào nắng, lúc nào lạnh, lúc nào không. Đi ra đường, đầy những màu sắc của những chiếc áo ấm rất ít khi được "trình diễn" trên đường phố. Mấy hôm nay vắng hẳn những chiếc áo hai quai, hở lưng hở bụng, khoe tấm lưng trần, bộ ngực nõn nà lấp ló như muốn nhảy ra ngoài. Thay vào đó là những thứ hàng kín đáo hơn, đủ loại, khó mà phân biệt được đâu là hàng "sida", đâu là hàng hiệu. Người ta đành phân biệt bằng những chiếc xe đời mới, đời cũ từ vài triệu đến năm bảy chục triệu.

Ngoài ra, phải kể đến những "đại gia", "trung gia", "tiểu gia" của Sài Gòn bây giờ đang đua nhau "lên đời", với những chiếc xe hơi tính bằng đô la. Từ chiếc Matiz hơn mười ngàn đô đến những chiếc Mercedes vài trăm ngàn đô và những chiếc ở vào giữa cái khoảng cách đó, giá năm ba chục ngàn đô....

Cuộc bon chen giữa thành thị lúc nào cũng xô bồ rộn rã, nhất là vào những ngày này.

Cầu nguyện cũng là có tội"

Nhớ lại ngày Noel, tối 24-12, trước năm 75, xung quanh những con đường dẫn đến Nhà Thờ Đức Bà đông nghẹt, bạn không thể đi bằng bất cứ thứ xe gì ngoài việc cuốc bộ giữa dòng người đan ken chật kín. Nhưng trên nét mặt người nào cũng thấy tươi vui rộn rã dù có là tín đồ Thiên Chúa Giáo hay không. Niềm tin vô hình thắp sáng mọi tấm lòng. Nhưng gia đình tôi thường "trốn" sự chen chúc chật chội ấy bằng cách đưa nhau đến một thành phố khác hiền hòa hơn.

Những năm sau này, khi còn ở trong những cái gọi là "trại cải tạo", cứ mỗi độ Giáng Sinh về, nằm trong một trại giam giữa một khu rừng nào đó, ngơ ngẩn nhớ về những ngày tháng cũ. Nằm đó phải giả vờ ngủ, ngủ càng say càng tốt. Những con mắt theo dõi rình rập lúc nào cũng có thể phát hiện ra "anh làm cái gì đó để nhớ về ngày Giáng Sinh". Nó như một thứ tội. Tôi còn nhớ cảnh một anh bạn tù, ở một trại Sơn La vào năm 1976-77, đêm Giáng Sinh lẻn sang một căn nhà nhỏ, nơi tạm thời được dùng làm chỗ để dụng cụ ban ngày và cũng để thỉnh thoảng học tập vài bài "chính trị" ấu trĩ, trong khi anh đang cầu nguyện trong bóng đêm thì bị anh cai tù bắt gặp. Thế là hôm sau anh bị phê bình kiểm điểm và vài hôm sau nữa thì kiếm một cái cớ khác để bị biệt giam. Tín ngưỡng trong những trại tù được coi là một thứ tội. Chẳng biết bây giờ tình hình có thay đổi chút nào không.

Một khoảng hè phố rất... Sài Gòn"

Trước những ngày Giáng Sinh, nơi mà tôi có nhiều kỷ niệm nhất vẫn là một khoảng nhỏ hè phố trước cửa nhà thờ Tân Định. Giáng Sinh ở đây bao giờ cũng đến sớm. Hầu như tất cả mọi gia đình ở Sài Gòn hồi đó đều dành chút thì giờ ghé qua "mảnh" hè phố ngắn ngủi, chừng vài chục thước này để ngắm những món quà Giáng Sinh. Trước hết là những hang động, những máng cỏ, những hình Chúa Hài Đồng, vây quanh là những con thú... được làm bằng giấy bồi hoặc carton, có đủ kích cỡ lớn nhỏ và hình ảnh mà giá cả cũng vừa tầm tay từ người lao động đến những gia đình trung lưu.

Thượng vàng hạ cám, ở đây đều có hết các loại quà làm hài lòng những em nhỏ. Tất cả đều mang một vẻ đơn sơ, giản dị, đúng với tinh thần vui vẻ thiêng liêng chứ không là những mặt hàng xa xỉ, có vẻ như để "khoe của". Nếu muốn mua những thứ "cao sang" hơn, người ta chọn những cửa hàng ở Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... Vì thế cái khoảng hè trước cửa nhà thờ Tân Định trở nên thân thuộc với mọi gia đình.

Vài năm nay, cái khoảng hè ấy vẫn còn, và nó vẫn mang cáo vẻ tấp nập giản dị riêng của mình, nó vẫn mang cái vẻ gì như vẻ kiêu hãnh đặc biệt của nó. Nhiều nhất vẫn là những cái lồng đèn "ông sao" lấp lánh kim tuyến vẫn đu đưa trên những sợi dây kẽm đơn sơ. Những bộ quần áo ông già Noel được bày bán la liệt với cái giá rất rẻ. Mặc dầu đôi chỗ đã xen lẫn vài món hàng được gọi là cao cấp để đáp ứng nhu cầu của những người có tiền. Nhưng người Sài Gòn dường như vẫn muốn bảo vệ nơi này là một nơi đã ghi dấu ấn riêng... rất Sài Gòn của mình. Nó cũng giống như người ta vẫn hoài niệm về một chợ hoa Nguyễn Huệ trên một đoạn đường ngắn, hơn là những khu chợ hoa được tổ chức "hoành tráng" trong những công viên lớn bây giờ.

Dạo qua những đường phố lớn, dù là Giáng Sinh, những cửa hàng quần áo, hàng giày dép, từ hàng "son" đến hàng hiệu lúc nào cũng đông vui. Một vài nhà hàng nổi tiếng thì khách khứa chen lấn cứ như không mua ngay là hết, xe gắn máy tràn lấn xuống mặt đường là chuyện thường thấy.

Những cửa hàng điện máy cũng tấp nập, ba bốn tầng lầu đều chật kín, làm những anh chị "tiếp viên" mắt cứ láo liên, đề phòng nạn ăn cắp vặt. Camera của nhiều của hàng không đủ sức ngăn ngừa tình trạng này. Các "tiếp viên" ở tất cả các cửa hàng đều được giao nhiệm vụ vừa bán hàng vừa canh chừng, nếu mất mát thứ gì là trừ ngay vào lương, không ít "tiếp viên" đã khóc đứng khóc ngồi vì không thể nào trông coi xuể nên lương lậu cứ bị trừ lu bù. Các ông bà chủ "shop" thì cứ lạnh lùng như cái tủ lạnh không đóng tuyết.

Một vụ tống tiền vào mùa Noel đầy tình tiết khôi hài

Nhân nói đến chuyện ông bà chủ siêu thị, vào dịp Lễ Gíáng Sinh này tại Sài Gòn vừa xảy ra một vụ tống tiền khá giật gân, kiểu "mafia dỏm". Bà chủ một siêu thị lớn ở Sài Gòn, siêu thị Coop Mart, vừa bị vợ chồng một anh nhóc vừa tròn 18 tuổi (Nguyễn Phạm Duy Cường - sinh năm 1987 và cô vợ là Nguyễn Ngọc Phượng, hơn anh nhóc 4 tuổi - sinh năm 1983) thực hiện một cú tống tiền táo tợn.

Viết thư tống tiền bà chủ siêu thị nhưng lại không "điều nghiên" kỹ nên nhầm là ông chủ siêu thị. Song tất nhiên là địa chỉ thì không nhầm. Bà giám đốc siêu thị nhận được lá thư (dù là thư kính gửi ông giám đốc) nhưng cũng tá hỏa tam tinh. Lá thư sặc mùi "máu lửa giang hồ" của một tay anh chị kiểu "Bố già" như trong những cuốn phim trinh thám. Nói tóm lại là "Bố già" đòi 100 ngàn đô la, phải giao đủ trong 3 ngày. Lá thư viết ngô nghê, sai be bét, song người đọc cũng hiểu được "Bố già" muốn gì và hẹn phải nộp tiền ở đâu.

Vào ngày 17-12, để tăng thêm "uy tín" của mình, "bố già" lại tống thêm lá thư thứ hai, cảnh cáo bằng một quả mìn đặt ngay trong ngăn gửi đồ của khách, đụng vào là nổ tanh banh ngay. Và "bố" đã làm thật. Làm chuyện này chẳng khó khăn gì. Ở Sài Gòn, khi vào các siêu thị nếu bạn có túi sách hoặc bất cứ thứ gì có thể giấu đồ trong đó đều phải gửi lại ngay tại cửa ra vào, mỗi người một ngăn riêng có người của siêu thị trông coi, không cần biết trong đó bạn có những gì.

Sau đó "Bố già" ung dung hẹn bà chủ siêu thị sẽ phải giao tiền vào lúc rạng sáng 20-12 tại nhà thờ An Tôn trên đường Nguyễn Thái Học, Q.1 (lúc ấy Phượng, vợ Cường, sẽ trực tiếp ở điểm hẹn để theo dõi nạn nhân, Cường ở bên Q.4 chờ nghe điện thoại). Thế nhưng, khi gọi điện thoại cho nạn nhân yêu cầu đến nộp tiền mà nạn nhân viện nhiều lý do để không đến thì Cường và Phượng không biết... làm sao, đành phải về nhà. Cường tiếp tục mua thuốc nổ, muốn chế bom định giờ để đem đặt nhưng... không biết làm kiểu định giờ!

Tất nhiên với những "tay ngang" làm anh chị giang hồ này thì bị tóm là cái chắc. Với những chứng cứ để lại, hai vợ chồng Cường bị bắt ngay vào 19 giờ ngày 22-12 vừa qua. Khám xét trong phòng ngủ vợ chồng Cường đã thu được đầy đủ tang vật và có cả những cuốn phim sex. Cường đã cẩn thận ghi lại "kế hoạch hành động" khá chi tiết và cũng khá buồn cười như một kịch bản vụng về. Cường ghi: "Phải nói ngắn gọn "ông đã chuẩn bị tiền chưa" rồi nạt to (tức là quát nạt) "trễ giờ là đừng có trách"...

Nhưng "bố già 18 tuổi" này quá ngây thơ, ngây thơ hơn cả những cầu thủ đá bóng bán độ một cách trắng trợn và bài bản bất chấp danh dự quốc gia.

Nghi án bán độ đã thành vụ án nổi danh thế giới

Nói chuyện Việt Nam lúc này mà không nói đến chuyện mấy anh cầu thủ U23 VN bán độ thì chẳng còn chuyện gì đáng nói hơn và là một sự thiếu sót không chấp nhận được. Bởi vụ án này đã được hầu hết các cơ quan thông tin đại chúng Á châu cùng một số các cơ quan thông tin lớn của các châu lục khác đã loan tin và bình luận. Còn người Việt Nam thì phẫn nộ, và... cúi đầu mắc cỡ với chính mình rồi mới đến bè bạn bốn biển năm châu. Có ở VN, bạn mới thấy được trong những ngày này người ta bình luận, bàn tán xôn xao như thế nào. Nó khác hẳn những vụ án khác. Trong lòng mỗi người đều như có một chiếc gai nhọn.

Tuần trước, tôi dã có dịp nói đến vụ án này và thật lòng mong mỏi đó chỉ là "nghi án" hoặc một sự "hiểu lầm" nào đó. Bởi tự trong thâm tâm tôi không dám tin rằng lại có những cậu trai trẻ "gan cùng mình" đến như thế. Bán độ ở ngay sân bãi trong nước còn có thể hiểu được, ra đến "quốc tế" mà bán rẻ mình thì... chắc là chuyện tưởng tượng thôi. Hầu hết những người dân tôi gặp, khi vụ này mới chỉ trong vòng "nghi ngờ", thì 10 người, có đến 9 người, cũng nghĩ như tôi. Họ không bao giờ dám tin rằng cầu thủ U23, tức là những người con trai còn rất trẻ làm "chuyện tầy trời" như thế. Vâng,. phải nói chính xác, đó là một chuyện tầy trời.

Ít ra cũng còn là người Việt Nam, còn nền giáo dục gia đình, dù cái gia đình ấy có thế nào đi chăng nữa thì đạo đức VN và tôn trọng danh dự của dân tộc vẫn ở hàng đầu. Dân tộc ở đây là con người Việt Nam nói chung. Dù ở đâu, sống trên đất nước nào, vào bất kỳ thời gian nào, chúng ta cũng vẫn tự hào là người Việt. Một dòng giống có hơn 4000 năm lịch sử. Tôi nói điều này có vẻ như đã cũ vì đó là chuyện ai cũng thuộc nằm lòng, ai cũng biết, ai cũng có quyền tự hào.

Nền giáo dục căn bản ấy xã hội nào chẳng có. Không tôn trọng chính con người của dân tộc mình thì không còn xứng đáng là con người. Mọi người có thể khác nhau về chính kiến, về chủ thuyết, về con đường xây dựng tổ quốc, nhưng danh dự một dân tộc nói chung, bao giờ cũng chỉ có một. Không lẽ những chàng trai trẻ được tuyển chọn, được coi là những "chàng trai vàng của đất nước" mà lại có hành động phản bội hèn hạ đến như vậy được sao" Không! Tôi không tin được và những người quanh tôi cũng không ai tin.

Không chỉ là "thảm hại" mà là "thảm họa"

Nhưng bây giờ có không muốn tin cũng không được. Mọi chuyện đã rõ ràng rồi. Những "chàng trai vàng" của "thế hệ vàng... khè" này đã bán độ ngay trên đất nước Philippines trong trận gặp đối thủ Malaysia của mình. Hãy cứ nói một trận ấy thôi. Đó là một trận đấu mang tầm vóc quốc tế trong một đại hội thể thao vô cùng quan trọng của Đông Nam Á, khiến hàng trăm triệu người Á châu theo dõi và ít ra cũng được thế giới quan tâm đến. Làm sao họ có đủ can đảm để làm chuyện này"

Thảm hại thay, đó lại là chuyện có thật. Những "chàng trai vàng" đã thú nhận hành động hèn hạ đó của mình. Trước hết là Văn Quyến rồi đến Quốc Vượng. Trong hai cầu thủ "trái tim của nền bóng đá VN hiện nay", ai là kẻ chủ mưu cũng thế thôi. Cả hai người đã lôi kéo những "đồng bọn" khác. Có đến 7 cầu thủ có liên quan đến đường dây cá độ "ngọt ngào" này. Không phải chỉ là "thảm hại" mà là "thảm họa". Nó là đỉnh cao của sự xuống dốc cùng cực của tuổi trẻ. Dù chỉ là một số ít, một con số không nhiều. Nhưng con số ít ấy nếu tính theo tỷ lệ thì lại là rất lớn.

Đội bóng đá có 11 người chơi trên sân, thì có 7 người, tức là có đến già nửa cầu thủ bị cám dỗ. Cũng may có 2 khuôn mặt nổi lên là Tài Em và Công Vinh đã dứt khoát từ chối và chính họ đã tố cáo âm mưu đen tối của đồng đội. Như thế cũng cho chúng ta một của chút an ủi. Nhưng nhìn vào cái tỉ lệ cầu thủ "cắn câu" thì không thể không bàng hoàng. Như thế có nghĩa là nếu những chàng trai trẻ có điều kiện để làm tiền bất chính thì có đến một nửa sẵn sàng tham gia, dù bất kể đó là chuyện gì. Đó là một "thảm họa" cho tuổi trẻ chứ đâu còn là "thảm hại".

Đi tìm nguyên nhân chính

Hãy thử nhìn sơ qua vào con đường phát triển những thảm họa ấy để có một nhận định rõ rệt hơn. Một thí dụ cụ thể như cậu bé Văn Quyến đã được "hình thành và phát triển" như thế nào. Xin nói vắn tắt là cậu bé ấy vốn là một cậu nông dân thuần túy, sớm không có cha, được mẹ nuôi nấng chăm sóc. Từ một cậu bé chăn trâu, nhờ trời có chút "thiên tài" về bóng đá chứ chẳng phải là được dạy dỗ trong một trường lớp nào và cũng chẳng có trường lớp nào dạy cho cậu bước vào nghề bóng đá.

Từ một đứa trẻ nghèo như thế khi bắt đầu bước lên "đài danh vọng" từ năm 16 tuổi, thoắt chốc cậu đã biến thành một con người khác. Được các "thầy" các "chú", các cô, nhất là những cô gái ca ngợi, đưa cậu lên mây xanh. Cậu bay là là như con chuồn chuồn gặp trời nắng đẹp. Lúc đó cậu mới có dịp nhìn ra xung quanh mình. Cậu thấy những gì"""

Lúc đó bên cậu là những căn biệt thự khổng lồ, cậu giao tiếp với những người kiếm tiền như rác, tiêu tiền như nước, những quan chức oai quyền tột bực. Ngay cả những cậu ấm cô chiêu, con ông cháu cha cũng là những tay chơi "tuyêt đỉnh giang hồ", xe đời mới, gái đẹp hàng đàn, cờ bạc như ranh, nay quán karaoke, mai khách sạn, mốt vũ trường... Tất cả những thứ đó lên tiếng kêu gọi cậu. Có tiền rủng rỉnh, cậu lao vào những cuộc truy hoan. Tuổi trẻ, có lẽ chuyện ăn chơi chút đỉnh khó mà tránh được và cũng cần thông cảm. Nhưng cậu đã không biết ngừng ở giới hạn nào.

Phần vì ít học, phần vì không được ai chăm sóc dạy dỗ, mọi người xung quanh dường như coi cậu là một "của quý bất khả xâm phạm". Nên mặc dù gặp khá nhiều lỗi lầm, cậu vẫn được tha thứ. Người ta mang cả xe hơi đưa đón cậu khi cậu bị đưa ra hội đồng kỷ luật và rồi cậu lại trắng án, lại tự do tung hoành. Chính vì thế, cái hội đồng kỷ luật chẳng còn giá trị gì đối với cậu, nó như một thứ hội đồng... chuột. Tinh thần vô kỷ luật, coi khinh kỷ luật, coi thường người trên nảy sinh từ đó. Và những người trên ấy có xứng đáng hay không lại là chuyện khác.

Niềm tin đã mất

Theo lời Quyến cùng một số cầu thủ U23 khai tại trại giam Hà Tây gần đây nhất (ngày 23-12) thì "Tiền thưởng của cầu thủ từng bị "ăn chặn" nhiều lần". Chưa biết chuyện đó có thật hay không và đã diễn ra như thế nào, nhưng nó chứng tỏ sự coi thường, khinh miệt đối với những "đàn anh" của mình.

Vì thế ngay tại SEA Games, trước khi trận đấu diễn ra, họ đã đòi chia tiền thưởng, cứ như có chia mới tiếp tục đá. Không còn tin tưởng gì vào các bậc đàn anh, ngồi ghếch chân lên ghế yêu cầu chia tiền tại chỗ. Nhìn vào hành động này thật chẳng khác bọn thảo khấu đòi chia tiền cướp được trước khi bắt tay vào một "phi vụ" mới. Còn những ai đã "ăn chặn" tiền thưởng, ăn chặn trong trường hợp nào thì đó là công việc của người điều tra tội phạm.

Mặt khác, nhìn vào gần 20 vị trọng tài VN đã nhận tiền "bồi dưỡng" trong những trận dàn xếp tỉ số thì các cậu cầu thủ "không nhận tiền cá độ cũng uổng". Các ông vua sân cỏ, các đàn anh mà làm được thì trách gì cầu thủ không làm. Bây giờ người dân mới vỡ lẽ ra, nền bóng đá VN đã bị hủy hoại. Một nửa trong số "những chàng trai là trái tim của người hâm mộ bóng đá VN" chỉ là những con rối. Khán giả VN đều bị lừa dù ngay trong những trận đấu quan trọng mang theo danh dự quốc gia như các kỳ SEA Games.

Như bạn đọc đã biết, ở VN, bóng đá vẫn là môn thể thao vua, là linh hồn của mọi cuộc thi đấu thể thao. Vì thế các cầu thủ ở đây cũng được quý trọng, tôn sùng, nhất là với những cầu thủ có chút tài năng. Thơi bây giờ, họĩ cũng có một đời sống tương đối dễ chịu chứ không "nghèo hèn" như xưa nữa. Bằng cớ là chỉ sau một năm lấp ló có tí tiếng tăm, Văn Quyến, Quốc Vượng và một số cầu thủ khác đã thay điện thoại di động như thay áo, cặp kè với những cô gái hàng "xịn", đôi khi là "danh ca", tiêu tiền không tiếc bao giờ, tối vũ trường, đêm khách sạn, xe máy loại sang, đầu tóc hoe vàng như tài tử Hàn Quốc và ăn chơi theo kiểu công tử Hà Thành thứ thiệt, tranh đua với những cấu ấm cô chiêu, con ông cháu cha, quý tử đại gia, hoặc tụ tập cờ bạc liên miên... Báo chí nhân dịp này đã, đang và sẽ còn khui ra vô số chuyện "ly kỳ rùng rợn" về cuộc sống trác táng của những cầu thủ con cưng của những đội bóng từ trước tới nay khiến thiên hạ bàng hoàng.

Cái xã hội quanh những "chàng trai vàng" đã làm hư hỏng những chàng trai ấy. Đã vấy bẩn cả những trang vàng của bóng đá VN ở các thế hệ trước, thế hệ đã từng đoạt huy chương vàng ở SEA Games cách đây 50 năm mà bao năm nay, dù có cố gắng đến đâu họ cũng chưa với tới được. Xung quanh họ là những chuyện hối lộ, tham nhũng trắng trợn, ăn chơi sa đọa của các chú, các bác, các phu nhân, mỹ nữ, các cậu nhóc con cưng, làm sao các chàng vàng ngóc cổ lên được. Nhìn chỗ nào cũng thấy tiền và có những người kiếm tiền quá dễ dàng, không tốn một giọt mồ hôi. Con số ấy múa may trước mắt các chàng trai vàng khiến họ thèm khát và coi việc kiếm ra tiền bằng bất cứ cách nào cũng là "chuyện vặt". Nó trở nên một thứ "luân lý mới".

Cho nên không chỉ đặt vấn đề giáo dục đạo đức cho cầu thủ mà là vấn đề của toàn xã hội. Chỉ có thế mới mong thoát ra được "thảm họa" này. Nó cũng ngang tầm với "sóng thần" và những thiên tai khác. Nếu xét về mặt tác hại âm ỷ lâu dài thì phải kể là nó còn nghiêm trọng hơn sóng thần.

Bây giờ VN đang có nguy cơ đứng trước việc bị tước lại tấm huy chương bạc. Một nguồn tin mới nhất tiết lộ, các quốc gia khác đang chuẩn bị kiện lên AFC và FIFA. Liên đoàn bóng đá VN đang khẩn cấp tìm biện pháp đối phó, kể cả việc mời luật sư tham gia bào chữa. Theo điều lệ và điều luật của FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) thì với việc dàn xếp tỉ số ở cấp đội tuyển, hình phạt sẽ là tước huy chương, phạt tiền và có thể là cấm thi đấu tùy theo mức độ vi phạm.

Các ngài được gọi là quan chức của nền thể thao VN nghĩ gì và người VN nghĩ gì"

Còn những giọt nước mắt ăn năn của Văn Quyến và những chàng trai trẻ như Quốc Vượng có được tha thứ một lần nữa hay không là chuyện của pháp luật. Tôi thật đau xót khi nghĩ rằng không thể tha thứ cho họ vì một nền thể thao trong sạch, vì một quốc gia đang rất cần sự trong sạch hơn bao giờ hết. Có lẽ nhiều người VN cũng nghĩ như thế.

Lời chúc Năm Mới

Đó là câu chuyện cuối năm, vui buồn lẫn lộn, xin gửi đến bạn đọc. Lại tròn một năm, hơn 50 số "Lẩm Cẩm Sài Gòn thiên hạ sự" đến với bạn đọc, tôi đã cố gắng, bất chấp mọi trở ngại, tường thuật rõ ràng, minh bạch mọi sự thật đã và đang xảy ra trên quê hương VN. "Cái gì, ở đâu, sự thật ra sao..." đó là tiêu chí hàng đầu của tin tức khắp nơi trên thế giới và cũng là lương tâm của người cầm bút. Tôi hy vọng mang đến cho bạn bạn đọc những gì thật nhất, những gì tôi và đa số những người dân lương thiện hiện đang sống ở VN đã thấy và cảm nhận được, để bạn đọc như đang sống trên quê hương hoặc muốn có một phút nào đó nhìn về quê hương mà không bị che tầm mắt bởi bất cứ màn đêm nào.

Kính chúc bạn đọc một năm mới AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.