Hôm nay,  

Nhìn Lại Tình Hình Việt Nam Năm 2005

03/01/200600:00:00(Xem: 5566)
Năm 2005 đang khép lại với nhiều biến cố to lớn sẽ đi vào lịch sử của nhân loại như sự ra đi của Đức Giáo Hoàng vào tháng 4; Trận bão Katina làm cho thành phố New Orleans bị chìm trong biển nước hồi cuối tháng 8; Cuộc bầu cử quốc hội Iraq để kiến tạo lại thể chế dân chủ sau 2 năm lật đổ chính quyền độc tài Sadam Hussein, hồi tháng 12 năm 2005. Nhưng nói đến năm 2005, người ta không thể nào quên một số những dấu ấn đặc biệt:

Thứ nhất, đây là năm đánh dấu 60 năm kết thúc Đệ nhị thế chiến (1945-2005) giải phóng nhân loại ra khỏi gọng kềm khủng bố của chủ nghĩa Phát xít. Trong bối cảnh đó, nếu không có biến cố Việt Minh cướp chính quyền nhân cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim ngày 19 tháng 8 năm 19945, thì dân tộc Việt Nam đã có một đời sống tự do, đất nước phát triển không thua gì các quốc gia trong vùng. Thảm kịch của cái gọi là "cách mạng mùa thu" năm 1945 của ngưòi Cộng sản, đã trở thành một vết nhơ trong giòng lịch sử tiếp tục kéo dài đến hôm nay.

Thứ hai, đây là năm đánh dấu 30 năm kết thúc cuộc chiến tại Miền Nam Việt Nam, khi Cộng sản Bắc Việt xua quân cưỡng chiếm Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Biến cố này cũng đã đưa hàng triệu người Việt Nam phải tìm cách vượt biên, vượt biển tỵ nạn cộng sản tại những quốc gia tự do, đưa đến sự hình thành một cộng đồng đa dạng của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, chưa hề có trong lịch sử cổ kim của Việt Nam. Đánh dấu 30 năm cũng đã nói lên sự ra đời của một thế hệ Việt Nam mới với nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế, chính trị, chất xám, thương mại... không thua kém gì đối với các cộng đồng sắc tộc khác.

Bên cạnh hai dấu ấn nói trên, tình hình Việt Nam năm 2005, có thể nhìn trên hai góc độ với những biến cố nổi bật như sau:

Một là nhìn từ góc độ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có bốn biến cố lớn đáng chú ý:

Biến cố đầu tiên là Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) sau nhiều nỗ lực vận động ngoại giao và ép mình thay đổi hầu làm hài lòng các khuyến cáo của quốc tế. Sự thất bại này cho thấy là Cộng sản Việt Nam đã chưa có một tầm nhìn đúng đắn trong việc thay đổi đất nước để phù hợp với những biến chuyển chung của thế giới, nhất là chưa đưa Việt Nam lên ngang tầm với những tiến bộ chung của nhân loại.

Biến cố thứ hai là qua nhiều cuộc họp của ban chấp hành trung ương đảng chuẩn bị đại hội X trong năm 2005, người ta thấy là Hà Nội đang cố uốn nắn để đi theo các bước đi của Bắc Kinh như chấp nhận cho đảng viên làm giàu, giảm bớt sự xưng tụng chủ nghĩa Mác-Lênin... để làm bớt đi màu sắc chuyên chính vô sản. Tuy nhiên do những đấu đá nội bộ, đặc biệt là sự xung đột ngày một gay gắt giữa hai phe Lê Đức Anh - Đỗ Mười với phe Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp -Lê Khả Phiêu trong việc sắp xếp nhận sự lãnh đạo và đường lối đảng cho 5 năm tới, đã làm việc chuẩn bị đại hội toàn đảng lần thư X rơi vào tình trạng lúng túng đầu mâu thuẫn giữa các cấp bộ.

Biến cố thứ ba là tình trạng khiếu nại, tố cáo của dân chúng liên quan đến các vụ tranh chấp về ruộng đất, nhà cữa, cũng như các vụ tham ô nhũng lạm... đang nâng lên thành một phong trào, gây nhiều áp lực cho Hà Nội. Để ngăn chận tình trạng khiếu nại, tố cáo. từ năm 2002, ban bí thư CSVN đã ra chỉ thị mang số 09/CT/TU đề ra 6 nhiệm vụ thuộc hai lãnh vực khiếu nại về hành chánh, tức là những hướng dẫn về thủ tục giải quyết các vụ khiếu kiện của dân chúng và khiếu nại về tư pháp, tức giải quyết những tố cáo của dân chúng liên quan đến các hành vi nhũng lạm, tham ô của cán bộ, đảng viên. Theo CSVN thì họ đã nhận trong nhiều năm qua cả thảy 1 triệu 200 ngàn gia đình đã làm đơn khiếu nại tố cáo mà chỉ có khoảng 65% đơn được giải quyết. Đây là một vấn đề có thể bộc phát tạo thành những điểm nóng trong xã hội.

Biến cố thứ tư là nạn cúm gà đang đe dọa tình hình kinh tế và y tế Việt Nam. Việt Nam phát hiện có người bị mắc Virus cúm gà đầu tiên vào ngày 16 tháng 12 năm 2003. Từ đó cho đến nay có hơn 40 người đã chết trên địa bàn của 32 tỉnh và thành phố Trung ương. Năm 2005 là năm bộc phát lại dịch cúm gà trên toàn quốc với nhiều nguy cơ mới trong sụ cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới. Mặc dù CSVN đã tung ra nhiều loại chiến dịch để cảnh báo về nạn cúm gà nhưng vì trình độ y tế vốn đã yếu kém và lạc lậui cộng thêm sự phân biệt đối xử khiến cho các cơ quan y tế của CSVN hoàn toàn bất lực trong việc vận động dân chúng ý thức về việc ngăn chống dịch cúm gà cũng như lúng túng trong việc kiểm soát nạn buôn bán thịt gia cầm trái phép hiện nay.

Hai là nhìn trên góc độ của công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam, có ba biến cố lớn đáng quan tâm.

Biến cố đầu tiên là sự trả tự do những nhà đối kháng Việt Nam trong đợt thả tù của CSVN hồi tháng 2 năm 2005 với Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo sư Nguyễn Đình Huy, Thượng Tọa Thích Thiện Minh. Đây là một thắng lợi đấu tranh vận động các áp lực quốc tế của Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại. Từ thành tựu này đã dẫn đến một số thành quả đấu tranh khác như đã vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp tục để CSVN vào trong danh sách những quốc gia đáng quan tâm (CPC) hay vận động các tổ chức Ân xã quốc tế, Asia Watch lên tiếng can thiệp các vụ khủng bố của Cộng an CSVN đối với các nhà đối kháng Hoàng Minh Chính, Đỗ Nam Hải, Trần Khuê...

Biến cố thứ hai là sự giáo tiếp và thảo luận giữa các nhà đối kháng ở miền Nam cũng như miền Bắc diễn ra thường xuyên hơn. Trong sự giao tiếp này, có cả sự liên hệ giữa các vị lãnh đạo tôn giáo và công khai lên tiếng hỗ trợ đấu tranh cho nhau giữa các tôn giáo như sự kiện các vị linh mục Nguyễn Văn Lý, Chân Tín cùng với Hòa Thượng Thích Quảng Độ ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo hồi đầu tháng 8 vừa qua.

Biến cố thứ ba là sự ra đời Phong Trào Dân Chủ với sự xuất hiện Web site Phopng Trào Dân Chủ do ông Trần Khuê làm tổng biên tập, xuất hiện ngay vào ngày 10 tháng 12,nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Đây là một sự kiện hy hữu, kết quả của nỗ lực tạo sự liên kết trong ngoài mà nhiều đoàn thể đã âm thầm làm việc từ hơn 10 năm qua. Ngoài ra, sự ra hải ngoại chữa bệnh và trở lại Việt Nam để tiếp tục đấu tranh của cụ Hoàng Minh Chính đã giúp tạo thế nối kết các nhà đối kháng ở trong và ngoài nước hầu có thể xúc tiến hợp tác đấu tranh một cách tích cực trong tương lai.

Nói tóm lại, những biến cố xảy ra trong năm 2005 tại Việt Nam đã cho chúng ta một hình ảnh là Hà Nội ngày càng đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc cải thiện tình hình để giữ chặt quyền lực cai trị; trong khi dân tộc Việt Nam đang gặp những thuận lợi trong việc tạo dựng sức mạnh cho lực lượng đối kháng, hầu tổ chức quần chúng thành những phong trào đấu tranh trong những ngày tháng tới.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.