Hôm nay,  

Đầu Xuân Thăm Cao Niên Tưởng Nhớ Quê Nhà...

02/02/200600:00:00(Xem: 5629)
-Buổi sáng thứ Bẩy 28 tháng 1 tức 29 Tết, trời còn khá lạnh, nhưng những học viên của lớp Khí Công và Thiền Công thuộc Trung Tâm Y Tế An Bình và một số tình nguyện viên khác đã sẵn sàng trước cửa Trung Tâm Y Tế An Bình để chuẩn bị đi thăm những cụ già neo đơn tại nhà Hưu Dưỡng.

Những thùng, hộp, gói mầu đỏ, mầu vàng, những chiếc bánh xanh to nhỏ đủ cỡ, đủ kiểu được khuân vào trong các thùng xe. Lên đường. Đến Garden Park trên đường Haster, thành phố Garden Grove. Nhóm đi thăm bước vào một hành lang hẹp, thoáng sạch, quẹo vài lần tới phòng Sinh Hoạt để thấy các cụ đã ngồi nhiều hàng trên những chiếc xe lăn tay, đang xem truyền hình chương trình nhạc Xuân rộn ràng tiếng pháo. Những khuôn mặt già đang trầm lặng có vẻ hơi bừng lên một chút ánh sáng vui khi thấy nhóm nguời bước vào.

Chương trình truyền hình được tắt đi, nhường lại cho những lời hỏi thăm, những bắt tay đầy tình người. Và, từ đó, không gian nhỏ bé của căn phòng Sinh hoạt như tràn ngập tình cảm và những xúc động bất ngờ. Hình như có những giọt nước mắt rơi nhẹ.

Một cụ ông dáng người tầm thước, ngồi quay mặt vào chiếc bàn chơi cờ tướng, có giọng nói chậm rãi, âm vang của một người từng làm công chức cao cấp thuộc chính quyền Cộng Hòa cho biết cụ đã vào đây từ mấy năm rồi. Con cái có lúc thăm, có lúc không. Cụ bị liệt hai chân, không đi lại được, nhưng tinh thần bình thản. Cuộc sống, theo cụ, có những lý lẽ và nguyên tắc bất di bất dịch, nếu con người biết chấp nhận, sẽ không cảm thấy khổ đau, dù người thân không ở chung quanh. Một cụ bà đã ở đây trên mười năm rồi, cụ cười nhẹ trên chiếc miệng đã biến dạng. Cụ nói trước đây cụ vẫn đi nhà thờ Santa Barbara, nhưng bây giờ thì... thôi rồi! Cụ nhớ nhà thờ và những buổi lễ linh đình, ấm áp. Hỏi về các con cháu cụ, cụ chỉ lắc đầu. Hai cụ bà khác ngồi cạnh cụ, hoàn toàn không nói một lời, chỉ chăm chú nhìn người đối diện. Hình như mắt các cụ đã khô, miệng các cụ đã quen khép kín.

Bên cạnh một cụ ông vui vẻ, trò chuyện nhanh nhẹn như người trên 70, một cụ bà nửa nằm nửa ngồi, đầu vật ra sau, miệng méo hẳn sang một bên. Mắt cụ vẫn mở, nhưng có lẽ cụ không nhìn thấy gì ngoài kỷ niệm. Các cụ khác, đa số, ít nói, và không muốn nói đến chuyện con cháu. Những người đi thăm cũng né tránh nhắc đến việc ấy. Chỉ là những bắt tay, thăm hỏi sức khỏe các cụ, những con người đã từng có một thời để yêu, để vui đùa, chứa chan hy vọng, hồi hộp với cưới xin, lo lắng cho gia đình, trằn trọc với công việc, trên hết, là ưu tư rồi dồn hết năng lực cho con cái...

Trong số ấy, có vài cụ đã bán hết nhà cửa, đồ đạc, lợn gà... để mua vé tầu cho "thằng Út, con Ba, thằng Năm..." vượt biên. Sau khi chúng đã ổn định ở nước ngoài, đỗ đạt Kỹ Sư, Bác Sĩ, chúng đã mắc bệnh... Ademmơ-Có-Chọn-Lọc! Ký ức của chúng chỉ nhớ đến những vui vẻ, hạnh phúc khi thành đạt, nhưng không hề nhớ tới đến những người đã đổ bao nhiêu nước mắt vì chúng, đã cào mòn xương tủy cho chúng, đã đổi tóc xanh thành tóc bạc vì tương lai của chúng...

Tại một góc phòng, một cụ bà lẩm bẩm: "Tôi muốn đi Chợ Lớn...". Cụ nhìn người đối diện: "Sao ở Saigon này lạnh quá, hả bác"" Không nghe trả lời, cụ chép miệng: "Trời đất lạ thật, Tết rồi mà vẫn còn lạnh..."

Đâu đây có tiếng thì thầm: "Chùa Vĩnh Nghiêm chắc giờ này đông lắm, hả cụ""

Chùa Vĩnh Nghiêm ư! Nhất định là đông lắm, cụ ạ. Nhưng, đã tới giờ lên đường, phải chào các cụ để tiếp tục đến thăm một nơi khác.

Bất ngờ, khi đến từ biệt một cụ bị mất khả năng nói, vẫn ngồi bất động như pho tượng trước một tờ giấy lớn có ghi những chữ cái A, B, C, D..., người viết thấy cụ nắm tay mình lại. Cụ kéo người viết lại gần mình hơn, rồi lấy ngón tay chỏ chỉ vào từng chữ cái để nói chuyện. Các chữ lần lượt hiện ra: "C...á...c..... ô..n...g..... đ... ế...n.." Mắt người đọc như nhòa đi. Trái tim như thắt lại vì những gì cụ viết: "chúng tôi vui lắm!" Vui ư! Thưa cụ, chúng cháu đang xấu hổ, đang xót xa đây. Niềm vui của chúng cháu mang đến cho các cụ chỉ là tạm bợ trong giây phút mà thôi. Còn biết bao nhiêu ngày chúng cháu không đến thăm được.. Còn cả những năm tháng chán chường, cô đơn trong căn nhà hưu dưỡng này...Xin tha lỗi.. Xin tha lỗi cho...

Rời căn nhà hưu dưỡng trên đường Haster như chạy trốn. Đến góc đường Magnolia và Garden Grove, rẽ vào một dẫy nhà trông như Appartment thấp, mầu đỏ gạch. Cánh cửa lớn mở toang cho thấy nguyên một bức tường đón Tết với giấy đỏ, kim tuyến và những lời chúc Tết. Ở đây, không khí đang vui vẻ vì có tới hai phòng sinh hoạt khác nhau. Một phòng dành riêng cho các tín đồ Phật giáo, có văn nghệ trình diễn do một nhóm Phật Tử và các Ni Sư thực hiện. Các cụ ngồi trên xe lăn chăm chú theo dõi chương trình tuy đơn sơ nhưng chân tình. Tại cuối phòng, một ông trung niên trên dưới 40 đang vuốt ngực cho mẹ. Anh cười thoải mái: "Tui đến đây mỗi ngày hai, ba lần. Má tui dzui lắm!" Thật vô cùng cảm động khi thấy chữ "Hiếu" vẫn còn đâu đây... Những người con Phật chân chính.

Qua phòng bên cạnh, một nhóm thanh niên nam nữ thuộc nhà thờ Công Giáo, áo dài truyền thống đang ca hát các bài nhạc Xuân cho các cụ nghe. Vẫn những khuôn mặt đăm chiêu, chỉ hơi khẽ nhếch miệng. Vẫn những dáng người ngồi trên xe lăn, yên lặng nhìn về phía trước, nhưng hình như chỉ nhìn vào hư không. Vừa tiến lại gần một cụ ông chừng 80 tuổi với nét mặt cương nghị, cụ nói ngay: "Ông đẩy tôi ra ngoài ngã tư Bến Tre đi!" Chiếc xe lăn băng qua cửa. Cụ hấp tấp, giục dã: "Quẹo trái! Quẹo phải... Đến nới rồi!". Vừa ra tới gần cửa chính, cụ rối rít chỉ tay ra phía ngoài đường: "Đó! Ngã Tư Bến Tre đó!" Đang bàng hoàng vì tiếng "Ngã tư Bến Tre", chợt nghe nước mắt chẩy xuống mặn miệng. Cụ nhìn về phía cửa, gọi lớn: "Hưng ơi! Hưng ơi! Con đâu rồi"" Gọi xong hai lần, như đã quen với thông lệ, cụ lại giục: "Ông chở tôi về chỗ cũ đi!"

Chiếc xe lại lăn đi qua hành lang vắng lạnh, hẹp và dài, trở về đúng chỗ cụ ngồi lúc trước. Cụ gật đầu, hài lòng: "Chỗ đậu xe của tôi đây rồi! Ông đi đi!" Nhìn thoáng qua cụ, một cụ bà ngồi gần bên, nói nhỏ: "Thằng con của ông ở Săng Giô Xê bỏ cụ ở đây..."

Thôi, phải đi thôi. Không thể ở lại để nghe gọi tên con ngào nghẹn như thế nữa. Xa xa, đâu đó, trong những mái nhà sang trọng, ấm êm, có tiếng rượu sâm banh khui mở, có tiếng nhạc dập dình, có tiếng trẻ khóc, và tiếng nựng con, những đứa con khác đang chập chững tiến vào đời...

Chu Tất Tiến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.