Hôm nay,  

Từ Huynh Trưởng Phan Cảnh Tuân Đến Đđ Thích Phổ Hòa

10/08/200400:00:00(Xem: 5824)
"Người đã xuất gia mà còn được ở với gia đình"
Trong gian nhà rộng, chính giữa là nơi thiết trí bàn thờ Phật, hai bên là những kệ đựng sách báo và chiếc bàn rộng vừa dùng làm nơi tiếp khách vừa làm bàn học Tiếng Việt cho các em trong gia đình Phật Tử . Một bên bàn thờ là chiếc giá treo quốc kỳ Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa và lá cờ Phật Giáo thế giới. Trên tường treo phù hiệu hoa sen của Gia Đình Phật Tử và chân dung của Bồ Tát Thích Quảng Đức, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thượng Tọa Thích Quảng Độ.
Bây giờ là chiều chủ nhật, ngoài sân các em thuộc Gia Đình Phật Tử Huyền Quang và sinh hoạt xong đang chơi đùa và đợi cha mẹ đón về.
Chốc chốc lại một em "oanh vũ" chạy vào níu áo Thích Phổ Hòa: -"Thưa Thầy thầy cho con uống apple juice". -"Con vào mở tủ lạnh ra lấy mà uống". Thầy quay đầu lại trả lời và xoa đầu cháu bé. Một em bé trai khác:-"Thưa Thầy con ăn cam được không""-"Con qua bàn bên kia mà lấy, ăn xong nhớ vứt vỏ vào thùng rác nghe". Một nhóm hai em, vào vòng tay lễ phép: "Thưa Thầy con về"! Một ông trụ trì, một ông thầy tu, một ông ngoại với bầy cháu đồng phục màu lam trong một buổi chiều chủ nhật.
Tôi đang ngồi nói chuyện với Đại Đức Thích Phổ Hòa, người phụ trách trông coi Trung Tâm Huấn Luyện và Tu Học Thích Quảng Đức. Năm nay Thầy đã 79 tuổi, tóc rụng gần hết đến nỗi không cần cạo, da Thầy bị bạch tạng loang lổ, một con mắt bên trái có một màng trắng đục che gần tới con ngươi. Trong bộ đồ nhà sư màu nâu đã bạc màu, với đôi dép da lẹp xẹp, thầy trông quá khắc khổ nhiều nếu so với những ngày còn trẻ hoạt động trong Gia Đình Áo Lam hay trong quân ngũ, nhưng nụ cười của Thầy còn vui, rạng rỡ. Lúc có đông người, tôi vẫn thưa Thầy, nhưng riêng rẽ trong khi nói chuyện tôi vẫn gọi Thầy bằng Anh, anh Tuân- huynh trưởng của gia đình Hướng Thiện (Huế) ngày xưa.
Không, đây là anh Phan Cảnh Tuân (pháp danh Hồng Liên) của tôi như ngày nào hơn năm mươi năm về trước trong gia đình Hướng Thiện, khi Anh là Liên Đoàn Trưởng của Gia Đình và tôi là một thiếu niên Phật Tử thuộc Đội Sen Vàng do Anh Phạm Mạnh Cương làm Đội Trưởng. Năm mươi hai năm, hai phần ba của một đời người, hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn giữ trong tôi hình ảnh của Anh, trẻ trung, năng nổ, người Anh Cả mà các em ai cũng thương quý. Thân phụ Anh, bác Phan Cảnh Tú, một nhà giáo và cũng là một Gia Trưởng của Gia Đình Hướng Thiện. Anh chị em của Anh, Chị Thái các anh Phan Cảnh Bút, Phan Cảnh Ấn cũng đều sinh hoạt trong gia đình Hướng Thiện. Anh Tuân là một trong những người thanh niên đầu tiên góp tay xây dựng cho Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Hóa Phổ Việt Nam và trong Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên cùng với các anh Võ Đình Cường, Văn Đình Hy, Cao Chánh Hựu...
Anh bị động viên khóa 3 Trừ Bị Thủ Đức năm 1953 và gần 22 năm trong quân ngũ Anh thường được giao phó giữ các chức vụ Ban, Phòng 5, mà về sau này là Chiến Tranh Chính Trị. Trước tháng tư 1975, làm việc ở Phòng Báo Chí Quân Đội, thỉnh thoảng tôi còn gặp Anh là Trưởng Khối CTCT / Bộ Tổng Tham Mưu đến liên lạc lấy sách báo.
Tháng 3 năm 1981, anh Tuân và tôi, hai người tù "cải tạo" rách rưới, gầy đói, mừng mừng tủi tủi gặp nhau trên sân ga Mỹ Lý (Thanh Hóa) trong khi đợi tàu chuyển tù về Nam. Cho mãi đến năm 1987, người cựu Trung Tá CTCT này mới được ra khỏi tù, khi ấy chị Tuân cũng đã dành hết thời giờ của tuổi già cho sinh hoạt các chùa và chị muốn ở lại Việt Nam. Anh Phan Cảnh Tuân lên đường sang Mỹ ngày 22 tháng 11 năm 1993 theo diện H.O.36 dành cho các cựu tù nhân chính trị.
Trong thời gian đầu, anh Phan Cảnh Tuân định cư tại quận Cam, California. Đến đây, anh Phan Cảnh Tuân rất mừng và ngạc nhiên thấy sinh hoạt GĐPT vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển trên đất tạm dung. Ở nơi nào có đông người Việt sinh sống là có một mái chùa, nơi nào có mái chùa là có những đàn chim nhỏ về ẩn náu và sinh sôi, đó là sinh hoạt của các Gia Đình Phật Tử. Nhất là ở nước ngoài, dù là Úc, Canada, Hoa Kỳ hay các nước Âu Châu hiện nay đời sống gia đình không được chăm sóc, cuộc sống vật chất quá đầy đủ và tệ nạn xã hội dễ phát sinh, một mặt khác, sang đây các em thiếu niên xa dần nguồn cội, có em không nói và viết được tiếng Việt, thì sinh hoạt Gia Đình Phật Tử là một trong những tổ chức rất cần thiết cho người Việt tại hải ngoại. Hầu hết nơi nào có chùa, có gia đình Phật Tử là có lớp dạy Việt Ngữ.
Vậy mà cơ duyên nào đã đưa đẩy huynh trưởng Phan Cảnh Tuân thành Đại Đức Thích Phổ Hòa"
Suốt trong thời gian 22 năm ở trong quân ngũ, người cựu huynh trưởng không có thời gian và không thể tham gia những sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử, đoàn thể mà anh đã từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm từ ngày nó còn trong trứng nước. Bây giờ sau một thời gian lao nhọc trong nhà tù, sang đây tuổi đã cao, không còn năng nổ được như ngày xưa, nhưng huynh trưởng Phan Cảnh Tuân còn nặng nợ với gia đình Áo Lam, muốn làm một điều gì có hữu ích cho sinh hoạt này. Cùng với một số cựu huynh trưởng, Anh có ý định hợp soạn một tài liệu về sinh hoạt của GĐPT trong năm mươi năm qua. Sau chiến tranh và sau những cuộc di cư vĩ đại, hầu hết tài liệu, hình ảnh đã thất lạc, mất mát. Muốn sưu tập lại đầy đủ, phải cần rất nhiều thời gian và công sức và phương tiện. Từ đó với ao ước được soạn một cuốn sách lịch sử ấy, anh đã lên xuống San Jose là nơi có nhiều huynh trưởng Phật Tử cũ định cư như các anh Lê Hữu Đàng, Phan Duy Chiêm, Lê Hữu Đỗ, và liên lạc với một số anh chị em khác như Cao Chánh Hựu, Vương Thúy Nga, Nguyễn Thị Ngà, Hoàng Lệ Chi và Trần Văn Nhuận, cũng như muốn tìm một nơi yên tĩnh, một địa điểm thuận lợi để soạn cuốn sách. Mối duyên lành đã cho anh cựu huynh trưởng Phan Cảnh Tuân gặp được thầy Từ Lực, Viện Chủ Trung Tâm Phật Giáo Hayward, Bắc California. Mái chùa này là nơi trú ngụ của anh và cũng là nơi anh xuống tóc xuất gia năm 1995.

Sau gần mười năm sinh hoạt với gia đình Phật Tử trước khi mặc áo lính, 12 năm tù "cải tạo" tại hai miền Nam và Bắc Việt Nam, giờ đây anh đã gần 70 tuổi, vẫn chưa muộn màn để dâng hiến cuộc đời cho Đạo Pháp, nhất là lại được gần gũi và sinh hoạt với các sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử.
Cuối năm 2000, vì nhu cầu phải xây dựng một trung tâm huấn luyện cho Gia Đình Phật Tử Hải Ngoại, một số anh chị em Phật Tử đã vận động gọi đóng góp để mua một miếng đất tại quận San Bernadino để xây dựng một ngôi nhà gỗ, đặt tên là "Trung Tâm Huấn Luyện & Tu Học Quảng Đức". Miếng đất này nằm ở một vị trí khá xa với Thủ Đô tỵ nạn Little Saigon khoảng một giờ xe, bất tiện cho sự liên lạc hoặc đi lại của các gia đình Phật tử và các anh chị em Phật tử trong vùng, nhưng không có cách gì khác hơn vì chỉ ở vùng này mới có thể có một miếng đất rẻ tiền, phù hợp với khả năng đóng góp của anh chị em lúc đầu. Sau đó, trung tâm lại cần một người về đây sống thường trực ngày đêm, điều hành công việc đang lúc khởi sự thành hình của Trung Tâm, trong khi hầu hết anh chị em đều vì sinh kế hay bận bịu việc gia đình, chỉ có một người duy nhất, vừa là huynh trưởng Phật Tử, vừa là một vị sư có đủ khả năng và tâm huyết lo việc cho "Gia Đình", đó chính là Đại Đức Thích Phổ Hòa hiện đang ở tại Trung Tâm Phật Giáo Hayward.
Một phái đoàn của Ban Chấp Hành Gia Đình Phật Tử do anh Nguyễn Tư Tín hướng dẫn đã lên Hayward thưa chuyện với Thích Từ Lực với ý muốn cung thỉnh Đại Đức Thích Phổ Hòa về quản nhiệm Trung Tâm. Vào ngày chủ nhật 7 tháng 1 năm 2001, Đại Đức Thích Phổ Hòa chính thức "nhập tự" Ngôi Nhà Chung của Gia Đình với sự chứng minh của Thượng Tọa Mãn Giác và một số Chư Tăng khác, cùng với sự hiện diện của một số đông huynh trưởng và các em trong các Gia Đình Phật Tử.
Ngày nay, căn nhà trệt năm gian tọa lạc ở số 1838 trên đường Base Line, thuộc thành phố San Bernadino được gọi là một Trung Tâm Sinh Hoạt, một Đoàn Quán, một Tổ Đình của anh chị em gia đình Phật Tử hay một ngôi chùa đều đúng cả.
Từ khi ngôi nhà được dựng lên, làm nơi sinh hoạt đào tạo các huynh trưởng Gia đình Phật Tử, một gia đình Phật Tử cũng được thành lập, đó là Gia Đình Phật Tử Huyền Quang. Anh Nguyên Tịnh Nguyễn Tư Tín, Trưởng ban Hướng dẫn TĐPT tại Hoa Kỳ đã di chuyển từ quận Los Angeles về định cư ở San Bernadino để cùng Đại Đức Thích Phổ Hòa chăm lo cho sinh hoạt của Trung Tâm. Các anh chị em cựu huynh trưởng trong quận San Bernadino là anh chị Ngô Văn Thi & Nguyễn Lương Giang, đã cùng với chị Nguyễn Victoria và hai anh Võ Đạt và Văn Minh Hồng đã hết lòng ngày đêm lo cho các em trong gia đình Phật tử Huyền Quang.
Các đạo hữu hảo tâm đã gom góp một số tiền để mua thêm một miếng đất bên cạnh, nhằm phát triển trung tâm trong tương lai và những vị "bồ đề tâm" khác cũng đã thỉnh cho trung tâm những tượng Phật lớn, chuông trống cúng cho niệm phật đường của Trung Tâm. Đây là "Ngôi Nhà Lam" mà hơn nửa thế kỷ mơ ước, ngày nay tập thể áo lam mới thực hiện được.
Trong thời gian qua, Trung Tâm đã tổ chức các Đại Hội thường niên của Ban Hướng Dẫn GĐPT hải ngoại, Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT, mở trại Huấn Luyện A Dục- Lộc Uyển, trại Huấn Luyện Huyền Quang, khóa tu nghiệp cho các Huynh Trưởng GĐPT. Năm nào anh chị em Gia Đình Phật Tử cũng có tổ chức những cuộc hội họp, trại sinh hoạt hay huấn luyện và gần đây nhất là Lễ Kỷ Niệm 60 năm thành lập Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Riêng Gia Đình Phật Tử Huyền Quang hiện nay có tám lớp dạy Việt ngữ và quy tụ dược hơn một trăm em Phật tử về sinh hoạt định kỳ trong ngày chủ nhật cũng như vào những dịp Phật Lễ.
Gọi là tổ đình, vì nơi đây chúng tôi quan sát thấy có ảnh thờ của Bác Lê Đình Thám, Chị Hoàng Thị Kim Cúc, chị Hoàng Thị Thảo, các Anh Nguyễn Khắc Từ, Lương Hoàng Chuẩn, Nguyễn Xuân Quyền...là những người tiên phong mở đầu cho phong trào Phật Tử lớn rộng ở Việt Nam từ những năm 1943- 1944.
Gọi là Chùa vì nơi đây cũng là nơi thờ Phật, hương khói quanh năm, mỗi tối thứ hai, tư và sáu bà con quanh vùng đến đọc kinh và nghe thuyết pháp. Những sinh hoạt cần thiết cho các gia đình Phật tử trong vùng như những dịp phục tang, cầu siêu, cầu an...bà con cũng đến nhờ tới Thầy, do đó sinh hoạt ở đây nghiễm nhiên là sinh hoạt của một ngôi chùa Phật Giáo.
Trung Tâm hy vọng sẽ là nơi cho các anh chị huynh trưởng về an nghỉ tuổi già và dành những thời gian còn lại trong đời mình để lo cho các em trong gia đình Phật Tử. Nhưng vì tài chánh còn đang eo hẹp, từ bốn năm nay, mặc dầu ngôi nhà chính bằng gỗ trước kia đã xây lại bằng gạch khang trang, những khoảng đất hai bên đã được mua lại để dành cho những dự án phát triển Trung Tâm, nhưng hiện nay gian nhà chưa phát triển được một thước vuông nào. Các em trong gia đình Phật Tử Huyền Quang hằng tuần vẫn phải sinh hoạt ngay trước bàn thờ Phật của Trung Tâm và khí hậu vùng San Bernadino cũng là một thứ khí hậu khắc nghiệt, không phải lúc nào các em cũng dễ dàng sinh hoạt ngoài trời.
Tôi vẫn thường ái ngại cho tuổi già và sức khỏe của Thầy, một người đã trải qua thời gian mười hai năm tù Cộng Sản, nhất là thời gian ở miền Bắc, bây giờ lại sống một mình ở trung tâm hẻo lánh, thiếu tiện nghi này. Nhưng những lúc sinh hoạt với Thầy, tôi luôn luôn đọc được trên khuôn mặt Thầy niềm vui vô tận, lạc quan và hiền hòa, vì chưa ai đi tu mà hạnh phúc được như Thầy, "người đã xuất gia mà còn được ở với gia đình". Đó là gia đình Phật Tử, cái gia đình mà suốt cuộc đời thầy đã tận tụy cống hiến từ tuổi thanh xuân ở trong nước, cho mãi đến hôm nay ở quê người.
Huy Phương, Tháng 8- 2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.