Hôm nay,  

Bí Quyết Của Đoàn Kết: Lòng Bao Dung

09/12/200500:00:00(Xem: 5398)
- Hiện nay, những người thật sự yêu quê hương đất nước đều mong mỏi và làm những gì có thể để dân mình được tự do, hạnh phúc, tiến bộ. Nhưng để được như thế, người dân phải được thật sự làm chủ đất nước, nghĩa là phải có quyền "chọn mặt gửi vàng", lựa chọn những người hay nhóm người mà họ tín nhiệm, xứng đáng, có tài đức, lên điều hành đất nước này. Chúng ta đang tranh đấu để người dân có được cái quyền ấy.

Sở dĩ chúng ta phải đấu tranh như thế là vì những người đang cầm quyền cai trị đất nước này, sau khi chiếm đoạt quyền cai trị trong tay, họ quyết giữ cho được cái quyền cai trị ấy mãi mãi cho một mình phe đảng của họ thôi. Họ nhất định không chịu nhường quyền ấy cho bất kỳ một phe nhóm nào khác, thậm chí tìm cách tiêu diệt bất kỳ phe nhóm nào chủ trương khác với họ.

Họ đã "hợp pháp hóa" cái độc quyền ấy bằng điều 4 trong hiến pháp, nhờ đó phe nhóm của họ đã độc quyền cai trị đất nước này suốt 60 năm nay. Vì thế, họ đã làm cho đất nước bị tụt hậu, nghèo đói, thua xa nhiều nước mà trước đây 60 năm chỉ ngang hàng hoặc còn kém đất nước ta nữa.

Mục tiêu trước mắt của những nhà dân chủ trong nước hiện nay chỉ là lên tiếng thay cho những người dân thấp cổ bé miệng, đòi hỏi những người đang cầm quyền phải từ bỏ độc quyền ấy, để cùng tuân thủ một "luật chơi" công bằng hơn, công bằng cho cả chính họ nữa. Nhờ đó, mọi người dân có thể chọn lựa những người tài đức, thuộc bất kỳ phe nhóm hay chủ trương nào, hầu đại diện cho họ điều hành đất nước. Nhưng nhà cầm quyền hiện tại chỉ chấp nhận cho dân "bầu chọn" qua những cuộc bầu cử giả tạo những người thuộc đảng Cộng Sản và do đảng đề cử mà thôi.

Với quyết tâm bảo vệ độc quyền cai trị, nhà cầm quyền hiện nay đã dùng đủ mọi thủ đoạn, cho dù tồi tệ và thất đức nhất, để duy trì mãi mãi cho mình cái quyền cai trị mà họ đã cưỡng chiếm được của người dân ấy. Do đó, muốn dành lại quyền làm chủ đất nước, người dân phải tranh đấu quyết liệt. Nhưng muốn tranh đấu đi đến thành công, cần phải có đủ sức mạnh để buộc họ phải từ bỏ độc quyền ấy. Nhưng hiện nay, họ đang nắm trong tay họ một sức mạnh rất lớn để bảo vệ độc quyền cai trị của họ. Nếu chúng ta không đoàn kết lại, thì không sao có đủ sức mạnh để làm điều ấy. Vì thế, điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải đoàn kết lại với nhau.

Không nên coi đoàn kết chỉ là một yêu cầu của đạo lý, thực hiện được thì là người tốt, không thực hiện được thì chỉ là một người chưa tốt thôi, mà là một nhu cầu thực tế tối cần thiết để tồn tại và phát triển trong công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ hiện nay: "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết". Vì thế, đoàn kết phải được coi là chuyện sống chết của những người đang tranh đấu cho tự do dân chủ. Nhưng làm sao để đoàn kết lại" Đó là vấn đề quan trọng chúng ta cần nắm vững.

Bí quyết của đoàn kết: tôn trọng tính đa dạng và khác biệt

Nhìn vào vũ trụ, ta thấy sự vật hết sức đa dạng, nghĩa là có đủ loài đủ kiểu khác biệt nhau. Thế giới sẽ trở nên đơn điệu và buồn tẻ biết bao nếu thiếu sự đa dạng và khác biệt ấy. Thử tưởng tượng xem: nếu trên đời chỉ có một loài hoa duy nhất cho dù hết sức đẹp, hoa nào cũng giống y hệt hoa nào, thì chúng đâu thỏa mãn nhu cầu thích cái đẹp của con người như khi có hàng trăm ngàn loài hoa khác nhau như trong thế giới ta đang sống đây! Thế giới này sẽ ra sao nếu chỉ có một loài chim, một loại cá, hay tệ hơn, chỉ có một loài thú duy nhất"

Vũ trụ tuy đa dạng và đầy khác biệt về tính chất, nhưng vẫn có thể hài hòa, bổ túc cho nhau, ăn khớp với nhau. Sự khác biệt ấy vô cùng cần thiết để vũ trụ tốt đẹp, hài hòa, tương tự như một bộ máy phải có những bộ phận rất khác biệt nhau mới có thể chạy được. Không một bộ máy nào chạy được khi mọi chi tiết cấu thành nó đều hoàn toàn giống nhau.

Con người cũng vậy, thế giới con người cũng có đủ mọi chủng tộc, ngôn ngữ, nền văn hóa, tôn giáo, khuynh hướng... rất khác biệt nhau. Trong cùng một chủng tộc, một nền văn hóa, thậm chí trong cùng một gia đình, chẳng ai hoàn toàn giống ai: "bá nhân bá tính". Đó là điều hết sức tự nhiên.

Sự khác biệt giữa người với người là một định luật tự nhiên và tất yếu. Do đó muốn dễ hài hòa, đoàn kết với nhau, ta nên tôn trọng sự khác biệt của nhau, nhận ra sự khác biệt ấy là luật tự nhiên trong vũ trụ. Vi phạm hay đi ngược lại luật tự nhiên thường gây nên đau khổ và bất lợi cho mình.

Thật vậy, càng muốn loại trừ sự khác biệt, càng muốn thống nhất bằng cách ép người khác theo mình, giống mình, thì càng tạo nên chia rẽ. Vì nói chung, chẳng mấy ai thích hay chấp nhận bị ép buộc trở nên giống người khác cả.

Sự vật khác nhau. Điều đó không có nghĩa là hễ vật này được công nhận là đúng thì vật nào khác với nó phải bị công nhận là sai. Nếu con người đi bằng hai chân là đúng, thì không có nghĩa là con chó chạy bằng bốn chân, con rết bò bằng trăm chân, hay con rắn trườn đi không cần chân... phải là sai. Nếu người suy nghĩ theo chiều hướng tổng hợp, đại thể là đúng, là tốt, điều ấy không có nghĩa người suy nghĩ theo chiều hướng phân tích, đi vào chi tiết là sai, là dở. Chiều hướng nào cũng đúng theo cách của mình, và xã hội con người cần phải có đủ hai chiều hướng suy nghĩ ấy để bổ túc lẫn nhau mới có thể hài hòa và tiến bộ.

Vạn vật tuy khác nhau nhưng vẫn có thể đều đúng cả, vì có hàng vạn, hàng triệu kiểu đúng khác nhau. Thật là phi lý và nực cười khi thấy người nào quan niệm hay suy nghĩ khác với ta, ta liền tiên thiên bảo họ là sai! Khốn thay biết bao người trên thế giới lại đi theo chủ trương phi lý ấy!

Vì thế, họ nhất định phải "kéo chân vịt cho dài" và "chặt cẳng hạc cho ngắn" để mọi vật trở thành cùng một kích thước, cái kích thước mà họ cho là duy nhất đúng! Chủ trương ấy chỉ gây đau khổ cho con người, đồng thời tạo nên xung đột, chiến tranh và chia rẽ, vì chẳng mấy ai chấp nhận để người khác ép mình phải đúng theo cái đúng của họ.

Do đó muốn đoàn kết và hài hòa với nhau, mọi người phải biết tôn trọng tính đa dạng trong tập thể của mình, chấp nhận cho mọi người được khác biệt với mình: suy nghĩ khác mình, nói năng khác mình, chủ trương khác mình. Thật vậy, người biết 10 không thể suy nghĩ giống như người biết 100, và người biết 100 không thể suy nghĩ giống như người biết 1000. Người biết 100 điều này, không thể suy nghĩ giống người biết 100 điều khác hẳn mình. Ngay cả những người cùng biết và chỉ biết 100 điều giống hệt nhau chưa chắc đã suy nghĩ giống nhau, vì mỗi người đều có khuynh hướng bẩm sinh khác nhau, được giáo dục trong những môi trường khác nhau. Do đó, suy nghĩ, hành động và chủ trương khác nhau là điều rất tự nhiên. Khác biệt nhau là điều còn thường tình hơn cả sự giống nhau!

Hiện nay, nhiều đoàn thể muốn nội bộ mình đoàn kết chặt chẽ hoặc muốn đoàn kết với những đoàn thể khác nhưng không thành công, phần lớn là vì nhiều người không chấp nhận để cho người khác được suy nghĩ hay chủ trương khác mình. Hễ thấy người nào hay nhóm nào chủ trương khác với ta, lập tức ta chụp cho đủ mọi thứ "mũ" xấu xa để kết án họ, loại trừ họ.

Một số người đang tranh đấu cho những lý tưởng cao đẹp, cho nhân quyền, cho tự do, cho dân chủ đa nguyên... cũng vẫn còn mang não trạng phi lý ấy. Họ chủ trương đa nguyên nhưng lại chẳng chấp nhận thực tế đa nguyên giữa những người cùng lý tưởng tranh đấu với mình! Thật mâu thuẫn!

Chính vì chưa đoàn kết mà họ chưa tạo được sức mạnh để chiến thắng những lực lượng phi nhân, độc tài. Nếu có thắng được thì họ cũng chỉ tạo nên một chế độ độc tài kiểu khác, theo một chiều hướng khác với nền độc tài mà họ đang chống. Cứ muốn ép buộc người khác phải giống như mình, đó chính là não trạng phát sinh nên những chế độ độc tài. Những nhà đang tranh đấu cho dân chủ đa nguyên cần phải hết sức tránh não trạng này.

Hiện tượng mất đoàn kết

Vì cứ đòi hỏi phải "thống nhất trong đồng dạng", không chấp nhận "hiệp nhất trong đa dạng", nên biết bao tập thể con người, từ nhỏ đến lớn, từ gia đình đến xã hội, đất nước, không thể hiệp nhất thành một khối hài hòa được. Để hiệp nhất với nhau, nhiều khi họ phải trải qua những kinh nghiệm đau thương về chia rẽ một thời gian, trước khi nhận ra được sự khác biệt giữa nhau là tất yếu để rồi chấp nhận lẫn nhau, cho phép người khác được khác biệt với mình. Lúc ấy họ mới cảm thấy dễ hiệp nhất và sống hài hòa với nhau.

Cũng vậy, trong bất kỳ việc gì, nghề nghiệp nào, giai đoạn đầu bao giờ cũng có những trục trặc và chậm chạp vì người ta chưa có kinh nghiệm về công việc hay về nghề nghiệp ấy. Ai cũng phải trải qua quá trình "thử và sai" (test and error) trước khi nhận rõ được con đường mình phải đi, cách thế mình phải làm. Điều ấy dễ thấy và cụ thể nhất trong đời sống chung vợ chồng: ban đầu thường có những trục trặc, hiểu lầm giữa hai vợ chồng mới cưới, vì đôi bên chưa có kinh nghiệm về đời sống chung hôn nhân, chưa hiểu nhau, chưa thích ứng được với nhau và với đời sống chung, nên phát sinh giận hờn, đau khổ, đôi khi đi đến chỗ gãy đổ.

Nhưng qua thời gian, nếu hai vợ chồng nhận ra được sự khác biệt nhau là điều tất yếu và tìm cách thích ứng với sự khác biệt ấy, thì cuộc sống chung vợ chồng sẽ trở nên dễ dàng và hạnh phúc hơn. Sự kết hợp giữa những người tranh đấu cho những lý tưởng cao đẹp, cho nhân quyền, cho tự do dân chủ trong nước cũng phải trải qua một quá trình tương tự.

Những người giác ngộ ra con đường dân chủ mà đất nước mình phải theo đều cảm thấy phải lên tiếng cảnh báo cho nhà cầm quyền độc tài hiện tại rằng sự độc tài toàn trị chỉ làm cho đất nước ngày càng tụt hậu nhiều mặt và tạo nên rất nhiều tiêu cực. Ban đầu, họ lên tiếng độc lập và rời rạc, mạnh người nào người ấy lên tiếng, và vì rời rạc nên bị đàn áp dễ dàng. Dần dần họ cảm thấy nhu cầu phải liên kết với nhau thành một khối để tạo nên sức mạnh. Và sự liên kết này thành hình cách tự nhiên và tiệm tiến theo thời gian.

Nhưng sự hình thành này không phải lúc nào cũng suôn sẻ, vì con người vốn "bá nhân bá tính", mỗi người suy nghĩ một cách, mỗi người có một khuynh hướng tự nhiên khác nhau. Vì khác nhau nên họ không hiểu nhau và khó chấp nhận lẫn nhau. Vì thế, thời gian đầu, tuy có liên kết nhưng họ chưa thể hiểu nhau vì có rất nhiều khác biệt; và chưa phù hợp với nhau vì chưa biết cách thích ứng với những khác biệt của nhau. Do đó chắc chắn phải xảy ra những bất đồng, những xung đột. Điều đó tất yếu phải xảy ra như một quy luật. Thiết tưởng nếu không có những bất đồng và xung đột ấy xảy ra thì đó mới là điều lạ thường. Còn xảy ra xung đột và chia rẽ ban đầu thì đó là chuyện bình thường, khó tránh được.

Vấn đề quan trọng trước tiên là phải chấp nhận thực tại chia rẽ ấy xảy đến ban đầu và cả sau này; kế đến là phải biết hành động thế nào để cải thiện tình trạng chia rẽ ấy. Một cơ thể bị bệnh thì không có gì đáng phải buồn phiền hay bi quan cả. "Sinh, lão, bệnh, tử" là chuyện thường tình của con người.

Khi cơ thể bị bệnh thì điều quan trọng là phải biết chữa bệnh: phải đi bác sĩ, phải uống thuốc, có khi phải giải phẫu, phải cắt bỏ một phần nào cơ thể, v.v... chứ không nên bỏ mặc nó ra sao thì ra, cũng như không nên ngồi đó mà than phiền hay bi quan về chứng bệnh. Bệnh nào cũng có thuốc của nó, trừ những bệnh thật sự nan y thôi. Chữa bệnh rồi thì cơ thể lại khỏe lại và hoạt động bình thường, đôi khi còn khỏe hơn trước vì đã biết cách đề phòng bệnh hoặc đạt được tính "miễn nhiễm" đối với chứng bệnh ấy.

Tương tự, nếu một tập thể xảy ra chia rẽ thì chúng ta phải làm sao để chữa lành sự chia rẽ ấy, phải tạo lại sự đoàn kết trong nội bộ. Đó là bổn phận của những người trong nội bộ khi thấy có những cá nhân đang xung đột hay mâu thuẫn nhau.

Điều tối kỵ là không nên "đổ dầu vào lửa", "thọc gậy bánh xe", "đòn xóc hai đầu" khiến đôi bên đã chia rẽ lại càng chia rẽ hơn. Những kẻ "đổ dầu vào lửa"... rất có thể là người của đối phương đang thực hiện kế ly gián. Hiện nay đối phương đang tìm đủ mọi cách để ly gián, gây chia rẽ, hay ít nhất cản trở sự liên kết và đoàn kết của những người đang tranh đấu cho tự do dân chủ bằng đủ mọi thủ đoạn tinh vi. Nếu không cảnh giác và đề phòng, chắc chắn chúng ta sẽ mắc bẫy họ.

Ngược lại, nếu chúng ta tìm cách giải hòa, giúp đôi bên hiểu và thông cảm nhau hơn, thì đôi khi chính nhờ sự chia rẽ ấy mà đôi bên hiểu rõ tính tình và lập trường của nhau hơn, từ đó biết cách thích ứng để cùng hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Thật vậy, những cặp vợ chồng thỉnh thoảng cãi nhau, giận hờn nhau, thường yêu thương nhau hơn những cặp không hề cãi lộn nhau. Nhường nhịn nhau quá, không dám biểu lộ sự bất đồng của mình, cũng có khi làm cho tâm lý bị dồn nén, sinh bực bội và giảm năng lực làm việc, và duy trì tình trạng không hiểu nhau. Vì thế, đôi khi cũng cần phải bùng nổ một chút để giải tỏa tâm lý, để rồi sau đó làm hòa, xí xóa hết, và rồi hiểu rõ nhau hơn.

Trong cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ hiện nay, các nhà tranh đấu cần đặt nặng tinh thần đoàn kết hơn lúc nào hết, và luôn luôn phải cảnh giác đề phòng kế ly gián của đối phương. Phải có "bụng chung" để đặt nặng sự nghiệp chung của đất nước lên trên những bất đồng, những mâu thuẫn cá nhân, những va chạm quyền lợi, những hận thù nhỏ nhoi, những đố kỵ tự nhiên của bản tính con người...

Về vấn đề này, chúng ta có một mẫu gương rất lớn của Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo), là người "vì nước quên thù nhà". Ông đã không thực hiện việc trả thù Trần Thủ Độ và rửa nhục cho cha mẹ ông, mà cha ông - Trần Liễu - trước khi chết đã trăn trối cho ông. Vì sự tồn tại và quyền lợi chung của đất nước, ông chấp nhận dẹp bỏ thù riêng, sẵn sàng liên kết với Trần Thủ Độ, để cùng chống lại kẻ thù chung của đất nước lúc đó là quân Nguyên đang muốn đưa dân tộc ta vào vòng nô lệ. (Trước đó, Trần Thủ Độ chuyên quyền ép vua Trần Thái Tông cướp vợ của Trần Liễu, anh ruột vua, đang mang thai, để dòng họ Trần có người nối ngôi sau này. Trần Liễu nổi loạn, bị Trần Thủ Độ đánh dẹp và toan giết chết; may mà Trần Thái Tông cản được. Từ đó Trần Liễu căm thù Trần Thủ Độ và truyền cho con mình là Trần Quốc Tuấn phải trả thù).

Hiện nay, hơn lúc nào hết, người Việt yêu quê hương cần ý thức - đồng thời gây ý thức cho mọi người - về sự tối cần thiết phải đoàn kết trong cuộc tranh đấu này. Vì đối phương đang tìm đủ mọi cách để ly gián các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ trong cũng như ngoài nước, tạo sự nghi kỵ, chống đối, chụp mũ nhau giữa các tập thể, đảng phái đang tranh đấu cho tự do dân chủ... Nếu chúng ta quên đi việc hệ trọng của đất nước để chỉ tập trung nỗ lực vào việc giải quyết những chuyện hơn thua hay bất bình cá nhân, đi đến chỗ công khai tố cáo những khiếm khuyết của nhau, thì chỉ có đối phương của chúng ta được lợi thôi.

Trong tình trạng cấp thiết đòi hỏi đoàn kết của cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay, thiết tưởng chúng ta cần dẹp bỏ tất cả những chuyện nhỏ, chuyện bất đồng, thù hận riêng tư của mình để tập trung vào công cuộc chung của đất nước. Nếu chưa thể hợp tác với nhau do quá bất đồng về những điều căn bản, thì ít ra cũng không nên có hành động "đâm sau lưng chiến sĩ", bằng cách nói xấu, thóa mạ, làm mất uy tín người cùng theo một lý tưởng tranh đấu với mình. Trái lại, nên cố gắng có thái độ tích cực: cắt nghĩa tốt cho nhau, thăm hỏi nhau, v.v...

Tinh thần bao dung

Bao dung là đức tính của người sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt, sự không hoàn hảo của tha nhân và những hệ lụy phát sinh. Ngoài sự khác biệt giữa nhau, con người còn có tính "không hoàn hảo", "bị hạn chế". Thật vậy, không ai trên đời hoàn hảo về mọi mặt, ai cũng có mặt mạnh, mặt yếu của mình, ai cũng có điều đúng điều sai, chẳng ai đúng hoàn toàn và đúng trong mọi trường hợp cả. Tục ngữ latinh có câu: "Errare humanum est" (it is human to be wrong = sai lầm là chuyện thường tình của con người).

Trong vũ trụ cũng như trong xã hội con người, sự khác biệt và không hoàn hảo khiến người ta phải liên kết với nhau thành tập thể, gia đình, xã hội để bổ túc lẫn nhau mà tồn tại và phát triển. Không ai sống một mình mà đầy đủ được. Muốn tồn tại và phát triển ta phải nhờ tới biết bao người khác: Để hiện hữu ta phải nhờ cha mẹ, để có gạo ăn ta phải nhờ bác nông dân, để có áo mặc ta nhờ người dệt vải, để có sức khỏe phải nhờ bác sĩ...

Sự khác biệt cần thiết và ích lợi như vậy. Nhưng cái lợi nào cũng có mặt trái của nó, sự khác biệt cũng thế: "khác thì khắc". "Khắc" là không hợp nhau, mâu thuẫn nhau, xung đột lẫn nhau. Hễ không hợp nhau, hễ có xung đột là phải có khó chịu, đau khổ, bực bội, mất mát. Đó là cái giá phải trả của sự khác biệt, của sự hợp tác, bổ túc lẫn nhau. Hễ giống nhau thì đâu bổ túc cho nhau được, có hợp tác với nhau cũng chẳng đi đến đâu. Không chấp nhận khó chịu, đau khổ do sự khác biệt gây ra thì chẳng thể hợp tác xây dựng được gì cả.

Thật vậy, con diều bay lượn lơ lửng trên bầu trời được là nhờ hợp tác với sợi dây. Nhưng sự hợp tác đó không phải là không có đau khổ. Con diều cảm thấy thật là bực bội vì sợi dây: nó muốn bay cao hơn, xa hơn, mở rộng phạm vi hoạt động ra, nhưng sợi dây cứ cầm giữ nó lại một cách thật nghiệt ngã.

Còn sợi dây cũng bực bội không kém: nó muốn được tự do bay lơ lửng trên bầu trời một cách thoải mái để ngắm sông núi bên dưới, nhưng con diều lúc nào cũng lôi kéo nó đi hết chỗ này tới chỗ kia, nhiều lúc kéo căng quá làm nó như muốn đứt. Thật là khó! không chịu đựng nổi nhau nữa, hai đứa quyết định chia tay, hy vọng đứa nào cũng sẽ được tự do theo ý mình trên bầu trời rộng thêng thang. Nhưng khi chia tay, sự việc đã không xảy ra như chúng mong ước mà tệ hại hơn trước rất nhiều. Tất cả đều rơi xuống đất! Đó là kết quả của việc không chấp nhận chịu đựng nhau để hợp tác với nhau!

Cái lý trong việc sống chung, hợp tác là như thế! Không hợp tác, không sống chung thì không thể làm được việc gì. Hay chỉ hợp tác với những người giống mình thì cũng thế. Mà sống chung, hợp tác với nhau giữa những người khác nhau thì thật là khó chịu. Nhưng thà khó chịu, xung đột mà tồn tại còn hơn! Vấn đề còn lại là làm sao để chấp nhận nhau, chấp nhận những đau khổ khó chịu do những khác biệt của nhau. Tinh thần chấp nhận đó chính là một khía cạnh của tinh thần bao dung.

Thiết tưởng những người, những tập thể... đang liên kết và hợp tác với nhau để thực hiện những lý tưởng cao đẹp, như đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do dân chủ... nên có lòng bao dung, độ lượng để chấp nhận nhau, đoàn kết với nhau. Có như thế, chúng ta mới tạo sức mạnh và năng lực lớn lao để thực hiện thành công lý tưởng ấy, mới có thể đem lại ấm no và hạnh phúc cho con người, cho quê hương dân tộc mình.

Nguyễn Chính Kết

(Sàigòn, 5-12-2005)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.