Hôm nay,  

Chiến Lược Iraq: Thắng Rồi Mới Về

01/12/200500:00:00(Xem: 5516)
- Chính quyền Bush cuối cùng đã công bố chiến lược Iraq của mình. Đúng mà quá trễ.

Trong bài diễn văn dài hơn 5.500 chữ, đọc trong 45 phút tại trường Võ bị Hải quân ở Virginia vào sáng 30 tháng 11, Tổng thống George W. Bush đã khẳng định rằng Hoa Kỳ có chiến lược về Iraq, và nói ra một lúc hai điều trái ngược: rằng chiến lược ấy không thay đổi mà thực ra có biến hóa. Chiến lược ấy cũng hàm ý là Hoa Kỳ sẽ rút quân mà không ra khỏi Iraq.

Từ nay đến ngày bầu cử Quốc hội Iraq, trong hai tuần tới, ông Bush tiếp tục khai triển trước dư luận "Chiến lược Chiến thắng tại Iraq", gồm một loạt những điểm trọng yếu về mục tiêu và đường hướng tiến hành chiến tranh tại Iraq.

Đêm trước bài diễn văn quan trọng này, tòa Bạch ốc đã công bố toàn bộ chiến lược trong một tài liệu hơn ba chục trang gồm các chủ điểm và rất nhiều chi tiết. Như cách lượng giá thành quả từ ngắn hạn đến dài hạn, ba đường hướng tiến hành, từ chính trị đến an ninh và kinh tế, qua tám trụ tiến công để bảo đảm là Iraq sẽ trở thành một quốc gia thống nhất, ổn định trong nền dân chủ và là một đồng minh chiến lược tại Trung Đông trên trận tuyến chống khủng bố.

Trước và ngay sau khi ông Bush trình bày chiến lược ấy, một số lãnh tụ đối lập, như Nghị sĩ Trưởng khối Dân chủ Harry Reid, hoặc Nghị sĩ John Kerry hay Dân biểu Nancy Pelosi, tiếp tục đả kích chính quyền là "không có chiến lược gì", hoặc "cứ tiếp tục đường lối cũ" và vì Iraq mà gây trở ngại cho mục tiêu chiến thắng khủng bố.

Dường như họ vội phát biểu hơn là tìm hiểu nội dung của chiến lược hay tình hình tại chỗ nên chỉ phê phán vì mục tiêu chính trị. Lời phê phán ấy vì vậy bị giảm giá trị. Đáng lẽ, họ phải nhìn ra nhiều điều mới lạ trong chiến lược này - và thấy là Hoa Kỳ khó hoàn thành mục tiêu vì ông Bush đang ở vào thế yếu.

Nhiễu âm chính trị tại thủ đô và phản ứng truyền thống của nền dân chủ Mỹ là "quân mình thích đánh quân ta" khiến Hoa Kỳ có thể thất bại trên một trận tuyến sinh tử (xin đọc bài "Du kích tại Thủ đô" trên cột báo này ngày 23 tháng 11).

Việc ông Bush cuối cùng mới mở chiến dịch thuyết phục dư luận về lẽ tất thắng tại Iraq có thể là quá trễ. Nếu thất bại, ông sẽ bị trách nhiệm nặng nhất, nhưng không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm vì tinh thần vô trách nhiệm của một số đối lập.

Riêng Nghị sĩ Dân chủ Joe Lieberman lại là người đáng kính trọng vì không đảo điên lập trường và nhìn ra quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ. Sau khi qua Iraq dự lễ Tạ ơn cùng các đơn vị Mỹ, ông trở về với một bài diễn văn quả cảm, được trình bày hôm 29 trên nhật báo Wall Street Journal, trong đó ông khẳng định là Hoa Kỳ đã có chiến lược, đang trên đà chiến thắng và không thể và không nên triệt thoái lập tức như nhiều người đòi hỏi.

Trở lại bài diễn văn hôm 30, ông Bush chỉ chú trọng đến một khía cạnh của toàn bộ chiến lược, đó là việc tăng cường trang bị đang có kết quả khả quan cho các đơn vị Iraq, khiến họ sẽ đảm nhiệm lấy phần vụ bảo vệ an ninh và góp phần ổn định toàn vùng Trung Đông sau này.

Nhìn trên toàn bộ cục diện, người ta có thể thấy ra nhiều điều đáng chú ý hơn.

Trong tài liệu được công bố, chính quyền Bush gián tiếp cho biết là Chiến lược Iraq đã được trù hoạch từ năm 2003. Điều này không hoàn toàn đúng.

Trước tiên, chính quyền Bush không công nhận là mắc bệnh chủ quan sau khi dễ dàng lật đổ chế độ Saddam Hussein sau một chiến dịch chớp nhoáng. Ông Bush không có thói quen nhận lỗi, nhưng tại chỗ, Hoa Kỳ có thay đổi chiến lược mà không trình bày cho rõ ràng. Đó là phân công lại nhiệm vụ, để các đơn vị Mỹ "rút mà không ra", rút khỏi các thị trấn để tập trung truy lùng và tiêu diệt các ổ kháng cự và khủng bố. Vì vậy mà người ta có thể nói rằng Hoa Kỳ có thay đổi căn cứ trên tình hình cụ thể tại chỗ. Điều đáng trách là ông Bush chỉ đưa ra nhận định chung chung đầy tính lạc quan trong khi tình hình xoay chuyển với những điều quá phức tạp cho người Mỹ trung bình, vốn lại chỉ tìm hiểu sự thể Iraq qua cách trình bày thiên lệch của truyền thông. Trong trận chiến tranh tâm lý giữa chính quyền và truyền thông, ông Bush thua nặng làm Hoa Kỳ thắng mà dân tưởng là thua.

Ông chưa hề trình bày cho rõ ràng như lần này, rằng kẻ thù là những ai và làm sao Mỹ có thể chiến thắng. Vì vậy mà người ta có thể nói là trong khi Hoa Kỳ có ứng phó tại chỗ thì lãnh đạo lại không, hoặc không nói ra cho đúng, khi đa số truyền thông báo chí đã có thiên kiến. Phải chăng vì vậy mà đa số dư luận dần dần nản chí khi Hoa Kỳ bắt đầu chiếm thế thượng phong tại Iraq"

Tại chỗ, Iraq có ba thành phần cư dân, Shia, Sunni và Kurd, thành phần nào cũng muốn giữ thế mạnh trong quốc gia Iraq sau này. Nếu hai phe Shia và Kurd hợp tác với Hoa Kỳ thì phe Sunni lại chống. Lực lượng chống đối gồm ba nhóm, lần đầu tiên được ông Bush kể ra cặn kẽ: 1) những người Sunni không muốn Mỹ đóng quân trên lãnh thổ của họ (ông Bush gọi là "Rejectionists", 2) tàn dư của chế độ Saddam Hussein muốn phá hủy kế hoạch ổn định để tìm lại tư thế thống trị đã mất ("Saddamists") và 3) các nhóm khủng bố có liên hệ với al-Qaeda hoặc muốn học theo al-Qaeda.

Khi phân định được đối thủ như vậy, ai cũng phải thấy là Hoa Kỳ cần ưu tiên hóa giải và thuyết phục thành phần tạm gọi là "nổi dậy chống Mỹ vì lý do ái quốc", đồng thời cô lập hóa và dùng các đơn vị Iraq tiêu diệt ảnh hưởng của thành phần "Saddamists". Đây là điều Mỹ đã thi hành qua chiến thuật vừa đánh vừa đàm suốt năm qua, khiến nhiều lãnh tụ Sunni cuối cùng kêu gọi dân Sunni đi bầu vào tháng 10, sau khi đã tẩy chay bầu cử tháng Giêng. Còn lại, quân khủng bố dưới sự điều động của Abu Musab al-Zarqawi thì mất dần hậu thuẫn quần chúng và thực tế là đang bị càn quét lần mòn.

Hoàn cảnh ấy cho thấy là tình hình Iraq dù sao không đến nỗi bi đát mà Hoa Kỳ thực tế đang ở trên đà chiến thắng.

Điều mà ông Bush không nói ra và dư luận Mỹ không biết hoặc không hiểu là đã từ lâu, Mỹ có nói chuyện với những thành phần trước đây vẫn bị coi là kẻ thù, trước tiên là các lãnh tụ Sunni thuộc xu hướng "chống Mỹ vì ái quốc" và gần đây là cả những người chỉ huy chế độ cũ của Saddam Hussein. Có thể vì khẩu hiệu tung ra đầu năm 2002; rằng "ai không diệt trừ khủng bố là tiếp tay với khủng bố", chính quyền Bush không công khai hóa điều ấy.

Nhưng, có vấn đề rộng lớn hơn chuyện Iraq: vai trò của Hoa Kỳ trên toàn khu vực Trung Đông.

Chiến lược Iraq của chính quyền Bush không công khai nói ra, nhưng hàm ý là Hoa Kỳ cũng sẽ thuyết phục các phe liên hệ, nghĩa là các quốc gia liên hệ, để duy trì một nước Iraq thống nhất và vững mạnh. Trong các nước liên hệ này, có Syria là hậu cứ cho khủng bố và tàn dư Saddam; và có Iran, cường quốc cấp vùng, rất có ảnh hưởng đến thành phần Shia tại Iraq.

Hoa Kỳ sẽ phải ổn định được Iraq nhưng đồng thời phải khống chế được hai lân bang là Syria và Iran. Sự hiện diện của quân đội Mỹ là điều kiện cần thiết cho việc ấy, vì vậy mà Mỹ sẽ rút mà không ra khỏi Iraq. Nhưng trước mắt, Hoa Kỳ cũng phải bẻ tay hoặc đàm phán với Iran để đạt mục tiêu ổn định Iraq.

Chiến lược Iraq của chính quyền Bush vì vậy mà có một vế rất lạ là vai trò của Iran.

Ông Bush từng gọi Iran là một trong ba nước của "trục tội ác" (hai xứ kia là Iraq và Bắc Hàn). Chiến dịch Iraq có làm thay đổi tình hình chính trị tại các nước Hồi giáo lân bang (như Lybia hay Ai Cập, Lebanon và cả Syria), nhưng lại khiến chế độ Tehran trở thành cực đoan và chống Mỹ gay gắt hơn. Tuy nhiên, sự thật bên dưới có khi lại khác.

Trước khi Tổng thống Bush mở chiến dịch giải bày chiến lược cho dư luận Mỹ cùng rõ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Baghdad là ông Zalmay Khalilzad bỗng lên tiếng, và rất nhiều lần. Ông là người Hồi giáo gốc Afghanistan và đã từng là Đại sứ tại Afghanistan. Qua các cuộc phát biểu mới đây, ông gián tiếp cho biết là đã từng có liên lạc nói chuyện với Tehran về hồ sơ Afghanistan. Gần đây nhất, ông phát biểu là đã được lệnh của Tổng thống Bush và thượng cấp là Ngoại trưởng Condoleezza Rice để mở đường dây liên lạc với Tehran nhằm giải quyết vấn đề Iraq. Lời tuyên bố ấy mới là biến cố đáng chú ý về tình hình Iraq!

Ngày 30, trong khi Tổng thống Bush chuẩn bị bài diễn văn tại trường Võ bị Hải quân thì một giới chức ngoại giao Iran lên tiếng là không có chuyện gì để nói với Hoa Kỳ, nhưng một tờ báo có ảnh hưởng của chế độ Tehran lại nói điều trái ngược trong bài quan điểm. Rằng Iran nên nói chuyện với Hoa Kỳ. Trước sau là một tiến trình nói thách để mặc cả, để ngã giá.

Như vậy, sau khi vừa đánh vừa đàm với phe Sunni tại Iraq, Hoa Kỳ thực ra vẫn có tiếp xúc và đàm phán với một kẻ thù ồn ào nhất là Iran. Dư luận Mỹ không hiểu ra điều kỳ lạ là Mỹ vừa đánh vừa đàm với kẻ thù chính thức của mình! Khi vừa nhậm chức, Richard Nixon đã kín đáo làm điều trái khoáy: mật đàm với Bắc Kinh để cô lập Liên bang Xô viết. Chính quyền Bush cũng vậy: có những tính toán tinh vi hơn chuyện dội bom hay bóp cò súng.

Tuy nhiên, và đây mới là điều khó khăn: với dư luận ngày càng nản chí về chuyện Iraq và với chính quyền Bush đang bị suy yếu ở nhà, Hoa Kỳ có còn thế mạnh để gây áp lực với Tehran hay không"

Chúng ta e rằng không.

Chính quyền Syria từng bị điêu đứng vì nhúng tay vào vụ ám sát nguyên Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri, vậy mà chẳng những Tổng thống Bashar Al-Asad không bị lật (là điều chưa chắc Hoa Kỳ đã muốn) mà còn củng cố lại quyền lực của cá nhân mình. Sự suy yếu của Hoa Kỳ có thể giải thích điều ấy. Bây giờ, ông Bush còn yếu thế hơn nữa, làm sao Đại sứ Khalilzad hay các giới chức quân sự và tình báo Mỹ có thể gây sức ép với Iran"

Mà ông Bush càng yếu thế ở hậu phương thì đối phương - từ quân khủng bố đến các lãnh tụ Sunni, Shia hoặc các nước liên hệ trong vùng - càng cưỡng chống để giành thế chủ động trên chiến trường Iraq và ở nhiều nơi khác.

Vì vậy chúng ta mới kết luận là ông Bush phản ứng quá chậm để mất niềm tin của quần chúng và mất thế mạnh có thể đưa Hoa Kỳ đến chiến thắng.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.