Hôm nay,  

Vn: Đảng Càng No, Cán Bộ Càng Béo Thì Dân Teo Lại

24/11/200500:00:00(Xem: 5220)
- Hoa Thịnh Đốn.- Đảng Cộng sản Việt Nam có thói quen “nâng bi” Nhân dân để họ lao động cho đảng vinh quang. Càng kề ngày Đại hội đảng X, dự trù trong sáu tháng đầu năm 2006, việc làm này càng thôi thúc lãnh đạo cho dân ăn nhiều bánh vẽ và uống nước đường qúa tải.
Vũ Trọng Kim ,Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung Ương viết trên Website của Đảng : “Nhận thức đúng đắn vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam, trong thời kỳ mới Đảng ta tiếp tục khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Nhân dân là lực lượng quyết định thành công sự nghiệp đổi mới, thực hiện CNH, HĐH (Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá) đất nước. Bởi vậy, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của công tác vận động quần chúng là không ngừng củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân, tẩy trừ tệ cửa quyền, nhũng nhiễu làm sói mòn lòng tin của dân với Đảng.”
Tại sao đã cầm quyền được tới 60 năm trong 75 năm có mặt trên chính trường Việt Nam mà cái đảng của Hồ Chí Minh vẫn còn phải ra công tuyên truyền, vận động và kêu gọi quần chúng gắn bó với đảng "
Đảng phải năn nỉ nhân dân, đề cao vai trò của quần chúng trong thời kỳ “đổi mới” vì càng ngày dân càng tìm cách lánh xa đảng, nỗi sợ liên hệ với đảng còn cao hơn sợ bị lây nhiễm dịch cúm Gia cầm đang lan rộng ở Việt Nam trong thời gian cuối năm 2005.
Sau 20 năm “đổi mới” làm kinh tế thị trường, ngừời dân đã thấy rõ chỉ có những kẻ có chức có quyền và con cháu họ là giàu thêm, có cơ hội ăn trên ngồi trốc trong xã hội. Dân lao động, công nhân, nhà nông và trí thức dù đã được đảng công kênh lên hàng rường cột của cách mạng nhưng lại đứng hạng chót trong danh sách được hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới ấy.
Bằng chứng là người dân trong nước đến tuổi lao động, mổi năm có thêm gần 3 triệu người, vẫn không có việc làm thường trực. Để có đủ đồng Đô la mua nguyên liệu phục vụ công nghiệp, Nhà nước đã xuất cảng Lao động mỗi năm 4, 5 chục nghìn người, phần lớn sang Đài Loan và Nam Hàn. Đảng cũng đề ra nhiều chủ trương “nâng bi” Việt kiều để họ đem tiền về đầu tư và giản dị mọi thủ tục thăm quê hương, chuyển tiền nên mổi năm Nhà nước đã thu về được trung bình khoảng trên 3 tỷ Mỹ Kim, vượt hơn số tiền cần có để trả lương cho công chức, cán bộ.
Điều làm cho dân ngày nay chán đảng, muốn xá lánh đảng vì khi đất nước còn nghèo, còn chiến tranh thì nhiều cán bộ, đảng viên còn biết giữ kỷ luật để “cần kiệm liêm chính” phục vụ cho các mục tiêu của “cách mạng”. Ngày nay, không còn chiến tranh nữa, đất nước đã khá hơn thì đáng lẽ ra họ phải phục vụ đắc lực hơn để “đền ơn đáp nghĩa” nhân dân thì cán bộ, đảng viên lại thi đua tham nhũng, quan liêu, xa dân, cửa quyền, nhũng nhiễu hơn bao giờ hết.
Và càng ngày, người dân càng nhận ra đảng cầm quyền không thật lòng lo cho dân cho nước mà số đông lãnh đạo chỉ dựa vào quyền hành để kéo dài đục khoét, tham ô và chèn ép nhân dân.
Thế nhưng, qua con mắt méo xếch của “lý thuyết gia” Vũ Trọng Kim thì cái đảng tai tiếng này vẫn xứng đáng là kẻ “soi đường chỉ lối”. Kim viết không ngượng ngùng: “Trải qua sóng gió của lịch sử cách mạng, nhân dân ta nhận rõ và thừa nhận chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là người dẫn đường, chỉ lối cho dân tộc ta thoát khỏi lầm than, nô lệ, đói nghèo. Có Đảng quang vinh, có Dân tộc anh hùng mới có Cách mạng Tháng Tám thành công, lần lượt đánh thắng các đế quốc xâm lược và ngày nay vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh….Đảng tin Dân, Dân tin Đảng - đó là quy luật sinh tồn - đó là nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam…”

THỰC TẾ PHŨ PHÀNG
Có thật là dân còn tin, còn muốn gắn bó máu thịt với đảng không hay dân đã chán đảng đến tận cổ sau 20 năm nghe đảng “đổi mới” để quá độ lên cái gọi là “Xã hội Chủ nghĩa “ mà ngay đảng cũng chưa biết nó ở đâu và khi nào thì tới đó!
Dưới chế độ đương thời, người dân chẳng có quyền hành gì trong hệ thống cai trị của chính quyền. Tiếng than, tiếng khóc của dân đòi công bằng, chống bất công và đòi đảng trừng trị những kẻ tham ô, nhũng nhiễu chèn ép dân từ thành thị về thôn quê vẫn mỗi ngày một chồng chất lên cao ở Quốc hội, ở các Ban Trung ương nhận đơn khiếu kiện.
Kim đã nhìn nhận : “ Qua hơn 6 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Công tác dân vận thực sự đã góp phần làm cho mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân được củng cố và phát triển ngày càng vững chắc. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, cơ sở chưa coi trọng công tác dân vận; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn mắc khuyết điểm: Không sâu sát quần chúng nhân dân. Đó chính là bệnh quan liêu … Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, bệnh quan liêu diễn biến trầm trọng hơn…Có bộ phận cán bộ “áo đủ, cơm đầy” nghĩ rằng mình không cần dân (!) Họ không học hoặc đã lãng quên bài học: “Quyền hành và lực lượng là ở nơi dân”. Cũng có loại cán bộ chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, hay nhũng nhiễu, hà hiếp nhân dân… và do đó họ rất sợ dân. Một phần sợ dân chỉ trích, mất thể diện, một phần ngại tiếp xúc do không trả lời được câu hỏi của dân; tệ hại hơn cả là tham nhũng, ăn chặn của dân, bản thân và gia đình không gương mẫu, vi phạm pháp luật…”
Đội ngũ cầm quyền, công bộc của dân mà như thế thì cái guồng máy cai trị của Đảng, của Nhà nước ngày nay có còn xứng đáng được gọi là “Của dân, do dân, vì dân” hay nó là của một băng đảng chỉ biết bám vào dân để bòn hút và tác oai tác quái "
Vũ Hữu Ngọan, Thường trực Ban Chỉ đạo biên soạn Toàn tập Văn kiện Đảng cũng vừa nhìn nhận trên báo Đảng: “Tham nhũng là hiện tượng tiêu cực lớn nhất trong số các hiện tượng tiêu cực xã hội ở nước ta hiện nay, gây nên nỗi bất bình trong nhân dân, làm hao tổn nhiều công sức của Đảng và Nhà nước.”


“Có thể nói hầu như không nghị quyết nào của Đảng lại không nói đến chống tham nhũng, bởi vì nó đang là vấn đề bức xúc nhất, liên quan trực tiếp đến xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu lực và hiệu quả, liên quan trực tiếp đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng, liên quan trực tiếp đến phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên và của công chức, mà tất cả các vấn đề Đảng, Nhà nước, cán bộ, đều là những vấn đề cơ bản, cốt tử của cách mạng.”
“Đảng và Nhà nước ta đã coi tham nhũng như là một quốc nạn, làm xói mòn lòng tin của nhân dân, cho nên trở thành một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, lại nhìn thẳng vào sự thật, hiện nay nhân dân ta càng cảm nhận tham nhũng như là "giặc nội xâm", chứa chấp tiềm tàng khả năng "tự diễn biến", mất ổn định xã hội, tiêu tan sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, nếu như không được ngăn chặn và đẩy lùi.”
“ Ở nước ta, tệ tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được nói nhiều trong vòng vài chục năm nay, đặc biệt từ khi hình thành và phát triển cơ chế thị trường. Ngày nay, "tham nhũng" được hiểu rộng rãi bao gồm tham ô và nhũng nhiễu, hơn nữa tham ô gắn liền với nhũng nhiễu, nhũng nhiễu gắn liền với tham ô, nhũng nhiễu nhằm mục đích trực tiếp là tham ô, gây phiền hà để vòi vĩnh, "ăn tiền"...
“Tham ô có nhiều loại: tham ô công quỹ gồm tiền và tài sản của nhà nước và của tập thể; tham ô tiền và tài sản của công dân. Trong tham ô công quỹ thì phần lớn nhất là tham ô ngân sách nhà nước, chẳng hạn hiện nay thất thoát đến 20% vốn xây dựng cơ bản của nhà nước vào túi kẻ thoái hóa biến chất (xem báo Nhân Dân ngày 19-9-2005, trang 3). “
"Tham nhũng" là bệnh hoạn của kẻ có quyền lực mà lại sa sút đạo đức lối sống. Quyền lực này không trừu tượng, không chung chung, mà rất cụ thể và cũng rất sinh động, linh hoạt. Có thứ quyền lực rất nhỏ (nhưng vẫn là quyền lực) như cấp giấy giới thiệu, xếp thứ tự người vào khám bệnh... Có thứ quyền lực rất to như cắt cử cán bộ, nhất là cắt cử cán bộ cao cấp, quyền xét xử vụ án, quyền điều tra, quyền kết luận kiểm tra, thanh tra, v.v.”
”Nạn tham nhũng đi vào ngóc ngách nhiều lĩnh vực của đời sống, như nhân dân ta vẫn thường diễn đạt "làm nghề nào ăn nghề ấy", đương nhiên chúng ta đang nói đến một bộ phận xã hội sa sút đạo đức, lối sống. Người thầy giáo, thầy thuốc, trọng tài bóng đá, cảnh sát giao thông, cán bộ thuế, người có quyền cấp đất xây dựng, cấp quota, cấp dự án, cấp kinh phí, phân chia đề tài, v.v. đều có cơ hội tham nhũng nếu như đã mất đi đức độ người cán bộ cách mạng, người công bộc của nhân dân, đã mất đi lý tưởng cách mạng và lương tâm nghề nghiệp. Một khi đã mắc chứng tham nhũng thì quyền lực càng to càng tham nhũng lớn, bệnh hoạn tham nhũng càng trầm trọng và càng khó chữa.”
Như thế thì có hang cùng ngõ hẻm nào trong hệ thống đảng và nhà nước không có cán bộ, đảng viên tham nhũng, quan liêu. Tất cả những thứ xấu xa nhất của đội ngũ cầm quyền đã được Ngọan vạch ra vì có người dân nào ở Việt Nam mà không bị cán bộ trấn lột khi họ tiếp xúc nhờ giải quyết công việc"
Dù đảng có hứa sẽ “phòng, chống và trừng trị kẻ phạm tội” đến đâu chăng nữa thì tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn không thay đổi. Thực tế đã chứng minh : Đảng càng nói cương quyết giải quyết, Tham nhũng càng nở rộ, Cán bộ càng quan liêu mạnh hơn vì Đảng là Tham Nhũng, Nhà nước là Quan liêu và Hệ thống Cầm quyền đã đạp lên Hiếp pháp và Luật pháp mà đi.
Chỉ có cách duy nhất là cả Đảng cầm quyền và Nhà nước phải lột xác một lần, thay đổiTư duy lãnh đạo và hành động bằng việc thật lòng tôn trọng quyền làm chủ đất nước của Nhân dân.
Chỉ khi nào tiếng nói của nhân dân được Nhà nước tôn trọng, các quyền tự do căn bản của dân ghi trong Hiến pháp được thực hiện thì mới giải quyết được tệ nạn Tham nhũng, thối nát trong guồng máy cai trị.
Hiện nay các nguyên tắc dân chủ như “dân biết – dân bàn – dân kiểm tra” hay “cùng làm cùng hưởng ” chưa bao giờ được cán bộ tuân theo như một nguyên tắc của khẩu hiệu “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền” nên mới có chuyện cán bộ vô kỷ luật ngồi lên đầu dân hung hăng, gấu đá.
Nhưng Vũ Hữu Ngoạn vẫn hiên ngang to miệng bào chữa “:Một quan niệm phổ biến trên thế giới cho là quan liêu và tham nhũng là những bệnh hoạn gắn liền với nhà nước, là nguy cơ của mọi nhà nước. Ngày nay chúng ta thường có thông tin về tệ tham nhũng ở tất cả các quốc gia trên thế giới, và không một nước nào lại không coi đó là tội phạm. Chỉ có điều, tham nhũng trở thành phổ biến và ngày càng phát triển thì hoàn toàn trái với bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, của nhà nước xã hội chủ nghĩa - một nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, một nhà nước mà mọi cán bộ, công chức đều là "đầy tớ của nhân dân...”
“Để khỏi cho những kẻ xấu về chính trị lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta, trong khi đẩy mạnh chống tham nhũng chúng ta thẳng thắn tuyên bố tham nhũng cũng như quan liêu, thiếu dân chủ là hoàn toàn trái với bản chất chế độ ta. Và, chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa mới chống tham nhũng triệt để, thực hành dân chủ rộng rãi, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động.”
Nhưng đã có bao giờ đảng CSVN làm như thế chưa hay chỉ nói võ miệng cho sang rồi “đánh trống bỏ dùi” như đã chứng minh từ Đại hội đảng VI (1986) đến bây giờ " Dâu chỉ có “tuyên bố” xác định lập trường chống tham nhũng là tham nhũng biến mất "
Bằng chứng cán bộ, đảng viên coi dân là cây Tầm gửi, là Bầu sữa, là loài Tép riu trong suốt 20 năm đổi mới đã chứng minh khi Đảng càng no, Cán bộ càng béo thì nhân dân càng teo lại.
Hệ lụy của Xã hội Chủ nghĩa là như thế, không thay đổi được. -/-
Phạm Trần
(11-05)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.