Hôm nay,  

Phỏng Vấn Ông Hoàng Minh Chính Ở Cali.

21/11/200500:00:00(Xem: 5311)
LGT: Ông Hoàng Minh Chính, sinh năm 1922, từng giữ những chức vụ cao cấp trong guồng máy cai trị của CS, như Thứ trưởng bộ Giáo Dục, Phó chủ nhiệm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin; và ông cũng từng bị CSVN tống tù nhiều năm vì ông đã cố gắng "hoàn thiện chủ nghĩa CS" theo quan niệm của ông. Gần đây, ông được coi là lãnh tụ của phong trào được ông mệnh danh "Phong Trào Dân Chủ" tại Việt Nam. Khi nghe tin ông bị ung thư tuyến tiền liệt, BS Nguyễn Xuân Ngãi đã đứng ra bảo lãnh ông sang Mỹ chữa bệnh, và kể từ khi ông đặt chân tới San Jose vào ngày 30 tháng 8 năm 2005, cho đến nay, trong suốt thời gian hơn 2 tháng, ông luôn luôn tạo nên nhiều xôn xao trong dư luận cộng đồng người Việt hải ngoại qua những lời phát biểu, những bài diễn văn, cùng những kế hoạch được mệnh danh "bổn cũ soạn lại" của ông. Danh chính ngôn thuận, ông đến Hoa Kỳ để chữa bệnh, nhưng sự xuất hiện thường xuyên và liên tục của ông, cùng những đối tượng ông gặp gỡ, và vấn đề ông đề cập, đã khiến mọi người tin tưởng, ông ra hải ngoại với một sứ mạng đặc biệt, mà bản thân ông, cũng như Hoa Kỳ, và cộng sản VN, đều tìm cách lèo lái khai thác, lúc chìm lúc nổi, lúc hư lúc thực. Điều này đã khiến nhiều người cho rằng, "vấn đề Hoàng Minh Chính" trở thành một bàn cờ gồm nhiều người chơi với nhiều dụng ý, thủ thuật khác nhau, và các nước cờ phải liên tục thay đổi tùy theo hoàn cảnh và nước cờ của đối phương; mà dụng ý đích thực của từng người, từng phe phái khó có thể xét đoán, nhận rõ, nếu không có đủ thời gian và hội đủ các yếu tố xác thực. Để qúy độc giả có thể phần nào cảnh giác đánh giá và thận trọng tiên đoán được những diễn biến của các nước cờ thời cuộc mà ông Hoàng Minh Chính "vừa là người chơi cờ chủ động lẫn bị động, đồng thời là một quân cờ trong nhiều bàn tay thế lực", sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết và phỏng vấn ông Hoàng Minh Chính của Bùi Văn Phú (Talawas) do VNN gửi. Phần chú thích trong bài viết là của SGT.

* * *

Cuối tháng 8 vừa qua, ông Hoàng Minh Chính, người được xem là con chim đầu đàn của phong trào tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam, đã đến Hoa Kỳ để chữa bệnh, nhờ những nỗ lực vận động của nhiều người và tấm lòng quảng đại của một bác sĩ người Việt ở vùng San Jose. Trước tình trạng sức khoẻ nguy kịch của ông Hoàng Minh Chính vì ung thư, qua những nối kết giữa một số người tranh đấu cho dân chủ, bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, cũng là phó chủ tịch của Đảng Nhân dân Hành động, đã đứng ra bảo trợ cho ông Hoàng Minh Chính được đến Hoa Kỳ chữa bệnh. Thời gian qua ông đã trải qua hai cuộc phẫu thuật chữa ung thư tiền liệt tuyến và cắt bỏ một phần đại tràng.
Ngoài việc chữa bệnh, vào cuối tháng 9 ông Hoàng Minh Chính đã có buổi nói chuyện tại đại học Harvard và một buổi tường trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trước Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ. Ông cũng đã có những tiếp xúc với một số tổ chức người Việt ở Mỹ cũng như đã gặp gỡ giới truyền thông trong vùng Vịnh San Francisco. Những phát biểu của ông, thẳng thắn và mạnh bạo như ông đã từng phát biểu ở trong nước với các cơ quan thông tin quốc tế, là lời kêu gọi dân chủ hoá Việt Nam. Lần này từ Hoa Kỳ, ông còn lên tiếng kêu gọi lật đổ chính quyền hiện tại ở trong nước.
Truyền thông nhà nước tại Việt Nam thường im tiếng trước những lời phát biểu của ông Hoàng Minh Chính hoặc của những nhà tranh đấu dân chủ khác, nhưng lần này các cơ quan truyền thông nhà nước như Đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam, các tờ báo như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Hà Nội mới... hay mạng điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng loạt có những bài viết lên án ông nặng nề, khiến ông đặt đơn kiện 7 cơ quan truyền thông trong nước về tội "vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm" của ông.
Chiều ngày 9 tháng 11, tại phòng hội của khách sạn Embassy Suite, thành phố Milpitas, vùng San Jose, ông Hoàng Minh Chính đã họp báo để cám ơn bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi và những bác sĩ Mỹ đã tận tình săn sóc sức khoẻ cho ông trong thời gian quạ Ông cũng gửi lời chào tạm biệt đến người Việt hải ngoại trước khi ông trở về Việt Nam vào ngày 20 tháng 11 tới đây.(1)
Sau họp báo, ông Hoàng Minh Chính đã dành một cuộc phỏng vấn cho một số đại diện báo chí, gồm ông Đỗ Quý Toàn, chủ bút nhật báo Người Việt; ông Lý Kiến Trúc, chủ bút và ký giả Nguyễn Tuyển của Nguyệt san Văn hoá và tôi là đại diện cho báo điện tử talawas.
Các ông Lý Kiến Trúc và Nguyễn Tuyển nêu nhiều câu hỏi, trong đó có một số vấn đề mà talawas cũng muốn hỏi ông Hoàng Minh Chính. Chẳng hạn như về những xung đột gần đây giữa ông Hoàng Tiến và ông Nguyễn Thanh Giang, ông Chính nói ông không quan tâm đến chuyện đó: "Chúng tôi muốn liên kết hết tất cả để dân chủ hoá đất nước. Trong ban biên tập tờ báo có độ mươi lăm người thì Thanh Giang phải tham gia vào đó. Ta phải liên kết hết tất cả." Nhà báo Lý Kiến Trúc hỏi tiếp: "Nhỡ ông ấy không chịu thì sao"" Ông Chính trả lời: "Không chịu thì đó là quyền của ông ấy, chứ không thể ép ông ấy được."
Khi hỏi ông Chính xem có thể tiên đoán ai sẽ làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư và Thủ tướng trong Đại hội X năm tới, ông Chính đề nghị: "Nếu quý vị hỏi Chủ tịch nước Trung Quốc là Hồ Cẩm Đào thì sẽ có câu trả lời trúng đến 80-90%."
Về Nghị Quyết 36 "ca ngợi Việt kiều", ông Chính nói: "Nhà nước chỉ vuốt ve tranh thủ Việt kiều mà thôi. Còn anh nào tin ở điều đó thì đem thóc giống ra mà nấu ăn."
Sau đây là phần phỏng vấn ông Hoàng Minh Chính dành riêng cho talawas.

*

Xin ông cho biết nhận xét của ông về ông Hồ Chí Minh"

Đây là bi kịch của ông ấy. Đồng thời nó cũng là bi kịch của cái Đảng của ông ấy và của đất nước Việt Nam.

Ông nghĩ gì về cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975"

Thực sự thì tôi nghĩ đó là chủ trương của Quốc tế Cộng sản, là làm sao bành trướng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới và tiêu diệt chủ nghĩa tư bản đế quốc bằng bạo lực. Vì họ đã ghi trong bản "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" là dùng bạo lực để cướp chính quyền. Dùng bạo lực tiêu diệt giai cấp tư sản và tất cả các giai cấp khác đã có từ trước đến nay. Giai cấp vô sản toàn thế giới liên kết lại để thực thi đường lối ấy. Sau đó Mao Trạch Đông cũng tuyên bố là làm cách mạng toàn thế giới và đi đến chỗ là có thể có chiến tranh hạt nhân.

Ông không tin tưởng vào chế độ hiện thời ở Việt Nam và đòi lật đổ. Xin hỏi ông có tham gia những cuộc bầu cử ở Việt Nam trong những năm qua không"

Có chứ. Sự thực chuyện lật đổ như vầy. Nói chung là nhân dân mong muốn bây giờ phải có một chính quyền khác. Chúng tôi, những người hoạt động dân chủ, tuyên bố là chúng tôi không dùng bạo lực để lật đổ chính quyền. Chúng tôi yêu cầu một cuộc đấu tranh, một cuộc đối thoại và tranh luận trên tinh thần khoa học và thực tiễn để đi đến chỗ thúc đẩy tiến trình dân chủ của đất nước Việt Nam, để nó sang trang một cách hoà bình. Tôi đã đưa đề nghị, khái niệm là làm như Hungari, thì trong nước họ giận dữ lắm. Tức là làm một cuộc cách mạng nhung, một cuộc cách mạng hòa bình. Chính cái đó là điều nhân dân mong muốn hết cả. Không ai muốn đổ máu.

Theo ông hiểu, trong Bộ Chính trị hay Trung ương Đảng, ai là người cởi mở, ai bảo thủ"

Cho đến bây giờ tôi không bao giờ đặt vấn đề hay nghiên cứu xem ai là người có tư tưởng cởi mở. Tôi không bàn đến bởi vì tình hình hãy còn đang rất rối rắm, do đó tôi không đặt vấn đề ấy. Nhưng có trường hợp có người không còn ở trong ấy nữa. Người trước đây tôi thấy có tư tưởng cởi mở là Võ Văn Kiệt. Tôi quan tâm đến ông Võ Văn Kiệt không phải là mới đây mà từ năm 1995. Ông là một con người cởi mở, có tư tưởng mới. Thậm chí đi đến chỗ là có nét triệt để bằng bài ông viết gửi cho Bộ Chính trị, trong đó ông nêu vấn đề là bây giờ tất cả doanh nhiệp nhà nước không phải là những doanh nghiệp có tác dụng dẫn đầu, mà cần phải đi đến chỗ những doanh nghiệp tư nhân mới có lực lượng để đẩy mạnh phát triển kinh tế của đất nước....
Mà chính vì đưa ra những điều ấy mà Võ Văn Kiệt bị lên án. Chính anh em dân chủ đã bị bắt vì họ [Bộ Chính trị] đánh nhau. Họ đánh Võ Văn Kiệt nhưng họ lôi anh em dân chủ ra để kết tội. Ba người đã bị bắt là Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu và Nguyễn Kiến Giang. Họ đánh nhau, vừa lên án anh em dân chủ, vừa đe Võ Văn Kiệt. Chính tuyên bố ấy của Võ Văn Kiệt là điều chúng tôi rất hoan nghênh lúc bấy giờ.

Dịp 30 tháng 4 vừa qua, ông Võ Văn Kiệt có nói rằng: "Ngày 30-4 có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn." Ông Kiệt muốn nói lên điều gì trong câu nói đó" Ông ấy có thực tâm nghĩ đến chuyện hoà hợp hoà giải giữa những người trong nước cũng như giữa người Việt trong và ngoài nước"(2)

Câu nói đó là quá rõ rồi. Tôi hoan nghênh câu nói đó. Nó nói lên điều Võ Văn Kiệt muốn nói. Nhưng ông ấy không nói thẳng ra là không tán thành vì nó đã đẩy tới việc hàng triệu người vui mừng và hàng triệu người đau khổ thì đâu còn gì gọi là chân lý nữa. Như thế cuộc chiến tranh đó là cuộc chiến tranh có hại cho dân tộc. Đấy, ý của Võ Văn Kiệt nói, nhưng nói rất khéo. Tôi thấy cách nói của Võ Văn Kiệt rất đáng hoan nghênh. Ở cái thế của ông ấy, nói như thế là đủ rồi.

Hoa Kỳ và Việt Nam đang có những phát triển tốt trong quan hệ nhiều mặt, nếu ông có một đề nghị nào với chính phủ Hoa Kỳ để giúp Việt Nam phát triển hơn, đề nghị đó là gì"

Tôi không đưa ra điều gì thật là cụ thể, còn nói cách chung thì chúng tôi đã đưa ra vấn đề rồi, là mong chính quyền Hoa Kỳ có sự hỗ trợ tích cực cho phong trào dân chủ Việt Nam. Chúng tôi đã nhận định như thế. Còn ở đây vấn đề phải nói là như bà ngoại trưởng Rice đã có ý kiến là vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế hai bên, đồng thời phải đặt vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền. Chính ông đại sứ Michael Marine cũng đã nói ý cơ bản như thế. Tôi thấy phương hướng đi của chính quyền, quốc hội Hoa Kỳ, của tổng thống Bush, ngoại trưởng Rice và của đại sứ Marine là họ hoàn toàn nhất trí. Con đường họ đi rất là đúng. Tôi rất hoan nghênh.

Những ngày ở trong nước, có bao giờ nhân viên sứ quán Mỹ tiếp xúc hay đến nhà thăm hỏi ông"

Họ có đến thăm tôi. Bí thư thứ hai phụ trách về chính trị của sứ quán Mỹ có đến thăm tôi trước khi tôi đi. Ông đến thăm để nói về chuyện visa. Ông nói phía Hoa Kỳ sẽ giải quyết nhanh chóng. Chúng tôi rất hoan nghênh.

Về nước ông sẽ nói gì với những người tranh đấu dân chủ trong nước về những thành quả và cảm nhận của chuyến đi Mỹ này"

Ngày đầu đặt chân đến Hoa Kỳ tôi thấy người dân ở đây hăm hở lao động để đẩy mạnh kinh tế và phát triển, mà cơ bản là dùng khoa học hiện đại để tạo năng suất cao. Thực ra từ trước đến nay Hoa Kỳ đã đều có cái đó. Tôi có thể nói là tôi đã đại diện cho anh em dân chủ gửi lời chào đến chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.

Ông là một nhà nghiên cứu triết học, trong tương lai Việt Nam có cần một mô hình triết học để xây dựng đất nước hay không"

Tôi không đặt vấn đề mô hình triết học vì tất cả các triết lý đều cằn cỗi, còn cuộc sống luôn luôn tươi sống, phải luôn luôn phát triển, nở hoa. Do đó, bây giờ tôi không đặt vấn đề phải có một triết lý cho sự phát triển. Bởi vì khi đặt một triết lý cho sự phát triển của đất nước thì như thế là đã kìm hãm sự phát triển. Sự phát triển của một quốc gia là sự phát triển của nhân dân nước đó, của lực lượng sản xuất của nước đó. Đây là sự phát triển tự nhiên. Nếu triết lý chỉ là những nét khái quát của sự phát triển đó để mình hoan nghênh và thúc đẩy thì triết lý đó hay hơn triết lý cộng sản Marx-Lenin, là anh đặt một cái cầy trước con bò, bắt con bò phải chờ đợi cho cái cày kéo đi, đó là hoàn toàn ngược lại với sự phát triển tự nhiên của loài người.

Ông và những nhà hoạt động dân chủ khác thường nói là trong nước không được tự do phát biểu ý kiến và không có những tự do khác. Theo dõi những sinh hoạt của ông, ông thường xuyên phê phán chế độ khi ở trong nước cũng như khi ra nước ngoài, như thế trong một chừng mực nào đó ông được phát biểu ý kiến của mình"

Những điều phát biểu của tôi, tôi phải trả giá. Trước đây chỉ mới nói đến xét lại trong Đảng thôi mà đã bị trả giá rồi. Xét lại trong Đảng là tôi giúp cho Bộ Chính trị, thế mà cuối cùng tôi còn bị tù. Như vậy là tự do cái gì" Cả ba lần phát biểu đều bị đi tù. Những anh em dân chủ khác cũng thế, khi phát biểu chúng tôi nói với nhau là phải chuẩn bị ba lô sẵn sàng để đi tù. Như thế chúng tôi đã phải trả giá khi phát biểu những tư tưởng tự do dân chủ. Thứ nhất, những tư tưởng đó không được nhắc đến. Hai nữa gia đình bị trở ngại. Họ đánh vào tình cảm, tinh thần của họ hàng, của con cháu. Đấy không phải là tự do, mà chúng tôi đã vượt lên những áp đặt này. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận. Thậm chí họ hàng có người ngăn cản là thôi ông vừa vừa chứ, ông làm như thế là khổ cả gia đình, khổ cả vợ con, khổ mọi người. Đấy, cái giá chúng tôi phải trả là như thế, chứ có phải là chúng tôi được tự do đâu. Chúng tôi vượt lên những sợ hãi ấy, vì họ gieo rắc sợ hãi để họ quản lý.

Được biết trong những tháng tới, nhóm của ông sẽ ra một tờ báo điện tử. Trên Internet ngày nay có vô số những mạng thông tin cũng tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam. Vậy tờ báo điện tử mà ông chủ trương sẽ có gì đặc biệt hơn những báo khác để người đọc chú ý"

Phải có những nhân tài, những cây viết giỏi. Làm sao để tờ báo điện tử có chất lượng, đáp ứng được đòi hỏi thiết tha của đồng bào. Chúng tôi đang đi mời những nhân tài, như ông Ngô Nhân Dụng, tôi đã điện cho ông ấy hai lần và hôm nay được gặp để mời ông ấy tham gia. Chúng tôi còn gặp nhiều vị khác. Tôi sẽ trực tiếp mời những cây bút nổi tiếng ở hải ngoại, ở trong nước. Chúng tôi rất tin tờ báo sẽ có một vai trò đáng nể bởi vì khi mỗi người, những nhà trí thức đều thấy tờ báo này là vì tổ quốc, vì nhân dân thì các vị ấy sẽ sẵn sàng tham gia để viết. Bây giờ chỉ là biểu hiện niềm tin của chúng tôi thôi. Nhưng chúng tôi tin vào niềm tin của những vị trí thức tài ba, có tâm huyết, các vị ấy sẽ đóng góp cho tờ báo.

Dưới cái nhìn của ông, có người cộng sản lương thiện ở Việt Nam ngày nay không"

Hiện nay trong nước vẫn có người cộng sản lương thiện. Có những người cộng sản rất lương thiện và họ sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu tự do dân chủ hoá đất nước. Tôi có thể kể tên. Thí dụ như ông Trần Bá, thiếu tá, hay thiếu tá Vũ Kinh, là những bộ đội đã nghỉ hưu. Công an có Lê Hồng Hà là đại tá, đứng hoàn toàn sang phía tự do dân chủ. Vợ ông ấy là giáo sư, quyền cao chức trọng. Hay ông Vũ Minh Ngọc, khoảng 80 tuổi, trên dưới 50 tuổi Đảng. Ông ấy làm những việc không có gì kém những nhà dân chủ. Còn những đảng viên khác, như ông Trần Đại Sơn, 60 tuổi Đảng. Tức là trong hàng ngũ những người cộng sản, có những người bây giờ nhảy sang đứng ở phía tranh đấu cho tự do dân chủ. (3)

Còn những người trẻ, đang nắm chức quyền có ai không"

Những người có nắm chức quyền trong nước, tôi nghĩ có những ông đã lên tiếng nói. Các ông ấy lên tiếng không như chúng tôi một cách thật là rõ, nhưng nội dung những bài của các ông ấy về cơ bản, về lý luận và về sự kiện chẳng kém gì chúng tôi hết. Những bài đó đã được đưa lên Internet rồi và quý vị ở ngoài này chắc cũng đã biết. Có những vị ở vị thế rất cao trước đây, nguyên là Thủ tướng, nguyên là Tổng Bí thư, những hành động của họ, họ tán thành việc làm của chúng tôi rất nhiều. Bây giờ kể hết cụ thể ra thì thực sự không cần thiết. Tôi chỉ nói là phong trào dân chủ đang tiến triển tốt và lôi cuốn không những lực lượng dân oan, mà số dân oan này lên đến hàng triệu người chứ không phải là ít, và đang có tác động vào tầng lớp trí thức. Tầng lớp trí thức đang dần ngả sang phía bên này, ngả một cách công khai, gồm cả những người đảng viên và không phải đảng viên. (4)

Xin cám ơn ông và chúc sức khoẻ ông.

Chú thích SGT:
(1) Trong thông báo báo chí gửi từ San Jose, đề ngày 12-11-2005, được Việt Báo Online loan tải, BS Nguyễn Xuân Ngãi cho biết: Vì lý do đặc biệt ông và bà Hoàng Minh Chính đã về đến phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, Việt Nam sớm hơn dự định vào lúc 10:30 tối ngày 12-11-2005. Sau khi bị câu lưu khoảng 3 tiếng, ông bà Hoàng Minh Chính đã về đến nhà của người con gái bình an. Ra đón ông bà Hoàng Minh Chính tại phi trường Tân Sơn Nhất, có giáo sư Trần Khuê và gia đình cô Thanh, con gái của ông bà.
(2) Thực tế, giữa người Việt trong nước; và người Việt trong và ngoài nước, không hề bao giờ có mâu thuẫn. Năm 1954, người Việt bỏ miền Bắc di cư vô Nam không hề bao giờ mâu thuẫn với người Việt ở lại ngoài Bắc. Trong suốt 20 năm chiến tranh VN, người Việt Miền Nam và người Việt miền Bắc cũng không hề bao giờ mâu thuẫn với nhau. Sau 20-4-1975, khi CS cưỡng chiếm Miền Nam, người Việt trên khắp lãnh thổ VN đều muốn vượt biên, không muốn sống với chế độ CS. Thậm chí ngay cả "cột đèn" có chân, cũng muốn vượt biên, trốn chạy CS. Điều đó có nghĩa, nếu vượt biên được thì cả 80 triệu người VN đều vượt, và cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ gồm 80 triệu người chứ không phải 3 triệu như hiện nay. Vì vậy đặt vấn đề "hoà hợp hoà giải giữa những người trong nước cũng như giữa người Việt trong và ngoài nước" là không hợp lý, và đặt vấn đề như vậy, vô tình đã quên mất mâu thuẫn duy nhất hiện hữu tại VN suốt 70 năm qua đó là mâu thuẫn giữa CSVN và dân tộc VN.
(3) Bản chất cốt lõi của người CS là tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo. Có vậy, người CS mới hy sinh hết thảy để phụng sự cho quyền lợi của đảng CS. Nói vậy có nghĩa, một người lương thiện, hiểu theo nghĩa biết phụng sự cho quyền lợi của gia đình, tổ quốc, tôn giáo, người đó không thể nào là người cộng sản. Vì vậy, năm chữ "người cộng sản lương thiện" chỉ nhằm đánh lừa người đọc, ngụy tạo một khái niệm "lương thiện" giả hình, thay thế cho bản chất "bất nhân" vốn dính liền với người cộng sản. Điểm thứ hai, tất cả những thí dụ được ông Hoàng Minh Chính nêu ra ở đây đều là những người tuy mang danh đảng viên CS nhưng đều trên dưới 80 tuổi, không có quyền lực, chức vụ, bổng lộc... Phải chăng như vậy có nghĩa, người cộng sản là người tàn nhẫn bất nhân khi còn trẻ, và khi về già sắp chết, hết quyền hết thế, hết nanh vuốt, sẽ trở thành "người CS lương thiện""
(4) Câu này ông Hoàng Minh Chính đã trả lời lạc đề. Người hỏi muốn hỏi ông Chính về những người "cộng sản lương thiện còn trẻ, đang nắm chức quyền" tại VN có ai không. Ông Hoàng Minh Chính không trả lời vào câu hỏi, vẫn tiếp tục viện dẫn toàn là những người già, và những "nguyên thủ tướng" những "cựu bí thư", nghĩa là hiện tại, họ không hề nắm quyền hành gì cả.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.