Hôm nay,  

Thảm Họa Khôn Lường Nếu Dịch Cúm Gà Xảy Ra Ở Vn

18/11/200500:00:00(Xem: 5941)
- Lúc này cả thế giới đang lo lắng vì cúm gà H5N1. Nó đang xảy ra và đang lan rộng đến bất cứ nơi nào, bất kể nơi đó là châu Âu hay châu Á. Dường như tất cả không do con người, mà do bầy chim di cư quyết định.

- Tại Nga, virus H5N1 đã lây lan 49 huyện tại vùng Novosibirsk.

- Tại Romania, đã phát hiện 3 con vịt cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm chủng H5.

- Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 5-10, 2.000 con gà tây đã chết vì virus H5N1.

- Tại Indonesia đã phát hiện gà dương tính với virus H5N1, nhưng vẫn khoẻ mạnh bình thường. Điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống và nguy cơ con người bị nhiễm là rất cao.

- Tại Trung Quốc cúm gà cũng đã xuất hiện.

- Tại Việt Nam: Không có báo cáo về các ổ dịch cúm gia cầm mới kể từ ổ dịch cuối cùng xảy ra tại Bình Dương (ngày 9/8) và Nghệ An (23/8).

Ăn thì cứ ăn, lo thì cứ lo

Có lẽ chính vì điều này mà bây giờ ở Việt Nam, có một số khá nhiều người coi chuyện cúm gà cứ như "chuyện xưa, tích cũ" rồi vậy. Người ta vẫn cứ "tỉnh bơ" ăn thịt gia cầm như không có chuyện gì xảy ra. Ngay cả tiết canh vịt, người ta cũng cứ ăn như thường. Con phố lớn, ngay lối sang cư xá Thanh Đa, giữa TP. Sài Gòn, lâu nay nổi tiếng là "phố tiết canh vịt", hàng quán bán những món ăn thuộc về vịt, nằm san sát, rộng rãi, rôm rả, bây giờ lại đông đúc ì sèo. Thật ra nó cũng vắng khách một thời gian, khi mà dịch cúm gà làm năm bảy người chết. Họ chỉ chịu "tạm ngưng ăn" để... chờ đợi. Bây giờ, cứ buổi chiều đi qua con đường này, bạn sẽ thấy xe hơi, xe gắn máy đậu san sát trước cửa nhiều đến nỗi đôi khi làm kẹt đường.

Ngay trong thành phố, những quán phở gà, vẫn hồn nhiên mở cửa, những quán cơm gà đặc biệt vẫn treo lủng lẳng những chú gà vàng ươm trong tủ kính mời gọi khách hàng. Chẳng cần mời gọi, khách vẫn đến đông vui. Hồng Phát ở trước cửa chợ Tân Định, Thượng Hải đường Võ Văn Tần, Hải Nam ở Chợ lớn... vẫn nhộn nhịp ra vào tấp nập cùng tiếng chặt thịt gà vang lên bôm bốp cứ như ngày hội.

Nói tóm lại đi đến bất cứ nơi nào, bạn cũng sẽ thấy Việt Nam gần giống là " "điểm đến an toàn nhất về cúm gà". Dường như không ai lo lắng gì đến cái thứ bệnh H5N1. Nói cho đúng hơn là ai lo cứ lo, ta chén vẫn chén. Mặc cho đằng sau nó là mối nguy hiểm khôn lường về cái đại dịch đó. Có những gia đình kiêng khem được vài ba tháng, nhưng thấy thiên hạ ăn đông ăn tây, không ai chết cả, nên lại tiếp tục ăn. Tất nhiên là ăn thì không sao, nếu là thứ thịt gia cầm được bảo đảm không nhiễm bệnh. Nhưng lấy gì để bảo đảm cho cái sự không nhiễm bệnh ấy" Câu hỏi này như một cái gì đó treo lơ lửng, hầu như không có câu trả lời. Liệu có thể tin vào hệ thống kiểm dịch được không" Có lẽ không ai tin hoặc cố mà tin, chẳng lẽ suốt đời phải "kiêng" ăn thịt gia cầm" Vì thế nên ăn thì cứ ăn, lo thì cứ lo.

Kiểm dịch như thế nào"

Trước hết phải khách quan nhận định rằng về phía nhà nước, đã có nhiều cố gắng đưa những giải pháp cấp thời, cần thiết ngăn chặn dịch bệnh. Mọi thông tin không bị bít kín, trái lại nó được phổ biến sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cấp dưới nhận được vô số chỉ thị, biện pháp với hàng đống công việc khẩn cấp. Nào là các cửa ngõ ra vào đường biên giới phải kiểm dịch ra sao, trên những nẻo đường vào thành phố phải lập "chốt" như thế nào, từng trại chăn nuôi, từng "hộ gia đình" phải phòng tránh ra sao... Những chỉ thị ấy tương đối tỉ mỉ, chặt chẽ. Bởi VN đã có khá nhiều kinh nghiệm cùng với mối hiểm nguy đang xảy ra trên toàn thế giới trong thời điểm hiện nay. Tất nhiên, VN cũng không thể làm ngơ.

Thế nhưng tất cả những chỉ thị đó, chỉ thấy náo nhiệt trên giấy tờ, trên những trang báo, còn những cái được gọi là "cơ quan chức năng" địa phương thì "công văn túi áo, thông báo túi quần" như bao nhiêu cái lệnh lạc khác. Cái nào dễ thì làm, khó thì "hãy đợi đó" hoặc làm chiếu lệ, làm cho xong "cái nợ đời". Tệ hại hơn nữa, cái gì có ăn thì sốt sắng thi hành ngay, khó ăn thì bỏ qua "sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi".

Trạm kiểm dịch, rợn người

Hãy thử ghé mắt nhìn vào một trạm kiểm dịch ngay tại cửa ngõ lối vào thủ đô Hà Nội là có thểâ hình dung được cái sự thi hành chỉ thị của cấp trên các ông "cán to cán nhỏ" này ra sao.

Một phóng viên tò mò đến thăm trạm kiểm dịch quốc gia Ngọc Hồi, trên Quốc lộ (QL) 1A, khu vực Thanh Trì. Đây là trạm kiểm dịch quan trọng bậc nhất phía nam Hà Nội, hàng ngày kiểm soát số lượng rất lớn gia cầm hàng ngày vào thủ đô. Người dân cứ tin là dù sao khi có lệnh "khẩn cấp chống dịch" thì ít nhất các ông quan kiểm dịch cũng phải "nỗ lực" hơn mọi ngày. Nhưng thật tệ hại, mọi việc vẫn như mọi ngày. Và cũng chẳng ai cần kiểm tra giám sát xem cái trạm này làm được những gì.

Một tuần sau khi VN phát lệnh "khẩn cấp chống dịch cúm gia cầm", cửa ngõ cho gia cầm vào Hà Nội vẫn mở toang hoang. Các xe chở gia cầm các loại tấp nập đổ về nội thành mà không gặp bất cứ trở ngại nào, bởi không có sự trợ giúp của Cảnh sát giao thông nên nhân viên kiểm dịch... nghỉ khoẻ.

- Gà đi đêm

2g30 sáng một ngày cuối tháng 10-2005, xe chở các loại hàng từ hướng ngoại thành đã lác đác phóng vào nội thị. Trạm Kiểm dịch động vật quốc gia Ngọc Hồi nằm ngay trên quốc lộ 1A, nhưng đi đến tận mốc giới hạn hết huyện Thanh Trì, rồi vòng đi vòng lại, người ta vẫn không tìm được nó ở đâu. Không có biển hiệu, không có barie, không có bóng dáng nhân viên túc trực hay bất cứ dấu hiệu nào cho thấy có một trạm kiểm dịch đang tồn tại. Trên đường, mật độ xe máy chở gia cầm bắt đầu dày hơn. Điện thoại vào số máy của trạm kiểm dịch (04) 6890022, sau cả chục hồi chuông mới có người nhấc máy, người nghe cho biết "4 giờ trạm mới làm việc"...

Chỉ cần trong hơn 1 giờ rưỡi, phóng viên đã có thể đếm được 62 xe máy, 2 xe đạp chở gà, vịt. Mỗi xe chở từ vài chục đến cả trăm con gà, vịt lướt vù vù vào thẳng thành phố Hà Nội.

Hỏi chuyện một phụ nữ đi xe đạp, chở bu gà chỉ có 17 con, phóng viên hỏi mua. Chị bán hàng hét giá:

- 38 nghìn một cân! Gà em bảo đảm, chỉ có gần hai chục con đưa nhà hàng ngay đầu Đại Cồ Việt đây thôi, có lấy thì em để lại cho một con, gà khoẻ, mượt ra đây này".

- "Thế đã tiêm chưa"" (chúng tôi tường thuật đúng theo tiếng Bắc, tiêm tức là chích).

-"Tiêm thì nói chuyện gì" Khách người ta cũng chẳng thích ăn gà tiêm, cúm đâu chưa biết, đã sợ đưa toàn là hoá chất vào người, gà em thả vườn, ăn thóc, việc gì phải tiêm.

- Thế không sợ kiểm dịch bắt à"

- "Bắt gì" Cả tháng có khi mấy ông mới xem qua loa một lần, mấy ông đứng đường này thì bọn em đi đường khác, mà sao hỏi nhiều thế" Sáng sớm ngày ra".

Hơn 4 giờ sáng, vẫn không thấy bóng dáng viên chức kiểm dịch. Điện thoại - được trả lời "Chắc 5 giờ hơn mới làm". Như vậy có nghĩa là gà vịt bệnh và kể cả chết toi rồi cũng được "vô tư như người Hà Nội chảy vào Hà Nội". Ấy là chưa kể đến anh nào chở "hàng gà vịt lậu" chậm chân, muộn giờ, có qua trạm kiểm dịch, nếu biết "thủ tục đầu tiên" thì có thể sẽ được qua luôn một lèo thẳng tắp. Điều đó như đã thành một "thông lệ", một thói quen ở khắp mọi nơi, từ thành đến tỉnh, chẳng có gì đáng bàn. Quả là điều đáng sợ.

Sự thật đáng buồn

Bác sĩ thú y Nguyễn Kim Anh - viên chức Trạm Kiểm dịch động vật Ngọc Hồi đã thẳng thắn cho biết về tình trạng "chốt kiểm dịch" này:

- Chúng tôi có 4 người, chia làm 3 ca: ca thứ nhất làm từ 4 giờ đến 12 giờ; ca thứ hai từ 12 giờ đến 8 giờ tại Quốc lộ 1A này, còn ca thứ ba từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau thì lại ở bên Km182 Quốc lộ 1B Pháp Vân - Cầu Giẽ kia. Tức là bên 1A này thì không làm buổi đêm, còn bên 1B thì không làm ban ngày.

Như vậy có nghĩa là dân buôn bán gà thịt gia cầm có thể đi cả ban ngày và ban đêm. Cứ giờ nào, chỗ nào, không có kiểm dịch thì phơi phới "bay" qua. Tất nhiên đã là con nhà buôn thì phải thuộc lòng giờ giấc này. Ông bác sĩ thú y này giải thích:

- Thật ra mà nói thì chúng tôi làm việc theo Cảnh sát Giao thông (CSGT), không có CSGT chặn xe, phối hợp thì chúng tôi có đang trong giờ làm việc cũng... chịu. Vì chẳng có quyền hành gì để ngăn xe đang lưu hành lại. Tôi xem trên truyền hình thấy một số nơi đặt trạm barie, nhưng đây là Quốc lộ (QL), có phải chỉ có xe chở gà vịt đâu, nên không làm như thế được, dễ gây tai nạn nguy hiểm. Mà CSGT thì cũng bận việc của họ, họ giúp cho lúc nào thì giúp chứ không có luật nào bắt họ phải làm cho mình cả.

Như bên đội CSGT số 8 là đơn vị trực tiếp giúp chúng tôi chẳng hạn, ngày trước thì các anh còn giúp được lâu lâu, chứ đợt này đang có chủ trương lập lại trật tự trị an trong nội đô, anh em phải đi tăng cường nên cũng chỉ ở đây từ khoảng 6 giờ đến 10 giờ sáng, chiều từ 2 giờ đến 6 giờ thôi.

Khi được hỏi mỗi ngày các ông kiểm soát được chừng bao nhiêu con gia cầm" Không cần suy nghĩ, ông bác sĩ thú y trả lời ngay, không một chút ngượng ngùng:

- Nói thật là ít lắm, rất ít. Không ước lượng được ("). Vì bây giờ đô thị hoá nhanh quá, đường liên thôn, liên xã đều to rộng, đổ bê-tông, đường ngang ngõ tắt nhiều không kể xiết, xe chở gà vịt lại nhỏ, nhanh, nên tránh trạm kiểm dịch nào có khó gì. Như bên đường 1B chẳng hạn, chúng tôi ở trên QL, xe chở gà chạy vù vù trên đường dân sinh bên dưới, chúng tôi thấy cũng chỉ biết... nhìn chứ làm được gì. Mà nếu có chặn được đường bộ thì gà vịt từ Hà Tây, Nam Định, Thanh Hoá... về HN sẽ được chở bằng đường sông, người đâu mà đi bắt cho xuể.

Khi được hỏi về kỹ thuật kiểm dịch, ông Nguyễn Kim Anh lắc đầu:

- Chúng tôi cũng chả có máy móc gì, nên chỉ kiểm theo lâm sàng là chính, tức là nhìn bằng mắt thường mà thấy "nó" bình thường là... được. Còn công việc chính là kiểm theo giấy chứng nhận kiểm dịch do chi cục thú y các tỉnh cấp cho chủ gia cầm; xem chất lượng, số lượng gà vịt trên xe có khớp với giấy hay không" Nhưng phải nói phần lớn các trường hợp là không có giấy. Những lúc đó thì chúng tôi phạt hành chính rồi đuổi về nơi xuất phát chứ không cho tiếp tục lưu hành. Chúng tôi được phép xử phạt dưới 200 nghìn, nhưng mà ít khi bắt được lắm...

Theo tôi được biết thì nơi tiêm phòng phải cấp giấy chứng nhận cho chủ gà, vịt. Nhưng chỉ kiểm trên giấy thì... cũng chẳng biết được thật. Giá bảo tiêm sẽ gây ra vết thương to nhỏ gì đó, hay có cách gì cụ thể để nhận biết, đằng này mũi tiêm bé tí, mà theo quy định thì tiêm xong phải nhốt lại bao nhiêu ngày gì đó rồi mới được lưu hành, thế thì làm sao chúng tôi biết được. Mỗi lần chặn xe người ta cũng chỉ được từ 3 - 5 phút chứ không giữ lâu được, thế nên công tác kiểm cũng... không được chặt chẽ lắm.

Như vậy có thể kết luận rằng trạm kiểm dịch hiện nay làm... cho vui thôi, nó hoàn toàn không có hiệu quả, chẳng mang lại được gì thực tế giữ gìn an toàn cho người dân. Và sự an toàn ở đây phải được hiểu là tính mạng hàng triệu con người.

Tình trạng buôn bán ở các chợ

Không nói đến những cái chợ nhà quê mà tôi đã từng đi qua, như Lộc Ninh, Long Khánh, Thủ Dầu Một... và ngay cả khu chợ Bàn Cờ, chợ Tân Định giữa TP. Sài Gòn, tất cả những khu buôn bán gà vịt ở những nơi này đều xông lên một mùi nồng nặc đến nghẹn thở. Lại nhìn về thủ đô Hà Nội xem nó có gì khác"

Hãy nhìn một thí dụ gần đây nhất: 2g chiều 24-10, mặc dù không phải là giờ cao điểm của việc vận chuyển và giết mổ nhưng tại chợ đầu mối Long Biên, các hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm vẫn diễn ra khá nhộn nhịp. Những người bán hàng, nhân lúc vắng khách, ngả lưng trên chiếc võng mắc ngang qua phía trên những lồng gà và những đống phân, lông và lòng gà lẫn lộn chưa được dọn vẫn còn tấp đống, ủ từ sáng.

Trên mặt đất, ngập giữa những đống rác thải từ gia cầm là rất nhiều xô, chậu đựng lòng, tiết lều phều trên mặt nước, khiến những người đi chợ rất ngại bước qua khu vực này. Người bán bảo đó là "hàng" để đổ cho các nơi bán đồ ăn đêm trong phố. Nghĩa là tất cả những nhà hàng nào cần đến nhu cầu này. Ngày nào họ cũng lấy thịt và lòng, mề ở đây.

Một chiếc xe tải loại nhỏ đang đỗ giữa chợ chờ đám đông người rửa từng bao tải đựng lông gia cầm bốc hàng lên xe. Từng chậu nước to được đổ vào những bao tải chứa đầy lông để rửa rồi vứt lên xe, nước chảy thành dòng len lỏi sang các khu bán hàng khô đem theo rác thải của khu giết mổ đã bốc mùi nồng nặc.

Một phụ nữ đang bốc hàng cho biết: "Lông này được chở về làng Triều Khúc, Hà Tây (nghĩa là chiếc xe đem theo những bao lông và dòng nước chảy tong tỏng đầy mùi xú uế và mất vệ sinh này sẽ chạy qua các phố phường của Hà Nội), phơi khô rồi đem bán sang Trung Quốc"...

Tại chợ Hàng Bè, các "nhà kinh doanh gia cầm" ở tầng một, còn ngay gác xép là nơi sinh hoạt, ăn ở của "khổ chủ".

Các biển cấm buôn bán gia cầm được dựng ở nhiều nơi. Nhưng hầu hết các bu, lồng chứa ngan, gà, vịt bày la liệt trên mặt đất đều không dán tem kiểm dịch. Hơn nữa, công tác kiểm dịch nơi đây "nhanh như chảo chớp", một chị nhân viên kiểm dịch đội mũ lụp xụp và đeo khẩu trang kín mặt "uể oải" cầm con dao nhỏ, tay không đeo găng, lật lật mấy con gia cầm rồi... đóng dấu. Thế là xong qui trình kiểm dịch.

Đóng dấu tuốt luốt

Hàng trăm con gà, vịt, ngan... các loại không dán tem kiểm dịch được đem ra làm thịt ngay tại khu bán gia cầm sống mà không được đem vào khu giết mổ như đã qui định.

Trở lại miền Nam, tại khu vực buôn bán gia cầm chợ Bến Tre chiều 24-10, chị Võ Thị Tuyết, bán gia cầm sống nói:

- Chúng tôi đã nghỉ bán rồi đấy chứ. Nhưng không hiểu sao cách đây ba ngày lại nghe thông báo cho bán lại, nên đùm túm trở ra chợ. Thú y cũng có mặt kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch bình thường chứ có cấm gì đâu!.

Kiểm dịch kiểu của mấy ổng cũng như không, đưa con nào cũng đóng dấu hết. Hôm rồi tui đưa con vịt chết, mấy ổng cũng đóng tuốt luốt.

Thế là người dân cũng ăn tuốt luốt.

Mối nguy đang ở sát nách, nói dại như dịch cúm gia cầm H5N1 lan tới VN thì hàng triệu người sẽ lãnh hậu quả đau thương này. Không thể để tình trạng nhởn nhơ hôm nay để chết ngày mai. Cần phải có ngay một biện pháp kiểm soát thật sự cứng rắn, thật sự hiệu quả mới mong tránh được mối nguy hiểm chết người đang đổ xuống đầu người dân bất kể lúc nào. Đừng để đến lúc có năm mười ông ngã lăn đùng ra rồi mới cuống cuồng lên thì không bao giờ kịp nữa. Giải pháp và biện pháp nếu chỉ treo trên giấy thì chẳng khác nào cái đèn kéo quân chơi Tết Trung Thu cho trẻ con.

Việt Nam đang đứng trước một hiểm hoạ khôn lường.

Hết thuốc chữa

Ngoài hiểm hoạ ấy, trong những ngày vừa qua, tại VN, chuyện đáng nói nhất vẫn là hiểm hoạ tham nhũng. Nhưng lần này là chuyện của những quan tham loại "nặng ký". Các quan tham này lại được một quan thanh tra cấp nhà nước che chở nữa thì không khác gì ngồi trong két sắt mà đớp.

Vụ án "dầu khí" vừa kết thúc, đưa năm bảy ông Tổng giám đốc, giám đốc vào tù. Có phải trả lại cho nhà nước 2,2 triệu USD thì chắc cũng còn khối triệu đô ở những vụ khác, chưa hoặc không bao giờ điều tra ra được. Và có vào tù năm mười niên thì rồi vài niên sau cũng được thả ra như các quan của vụ án Năm Cam hoặc như con trai ông thứ trưởng Mai Văn Dâu vừa được "tại ngoại", cô vợ trẻ đẹp lại có cơ hội đẻ thêm vài cậu ấm cô chiêu nữa, chứ lo gì chuyện vặt.

Vụ án kéo theo ông Lương Cao Khải, nguyên Trưởng đoàn thanh tra việc mua sắm thiết bị, đầu tư xây dựng dự án "tuyến ống, kho, cảng LPG Thị Vải" (gọi tắt là dự án kho cảng Thị Vải), đã được lôi ra toà và bị "tạm giam" vì lý do rất... giản dị. Khỏi cần vòng vo Tam Quốc, ai cũng có thể đoán được rằng lợi dụng quyền hạn thanh tra, quan làm tí tiền còm. Quan thanh tra đến nơi nào cũng được "chiêu đãi" tưng bừng là chuyện thường thấy ở đây. Sự "chiêu đãi" lớn hay nhỏ, nhiều hay ít sẽ có tỉ lệ thuận với ở nơi đó "sai phạm", tham nhũng nhiều hay ít. Rượu ngon, gái đẹp, đi đảo "tham quan" bềnh bồng trên sóng nước, "nhất dạ đế vương" không còn là chuyện lạ.

Ngoài một số tiền gọi là "xe pháo bồi dưỡng", còn xây giùm nhà, xây giúp cái cổng cho quan thanh tra, mua giùm vài miếng đất biến thành vàng ròng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nữa.

Vấn đề còn lại là rồi đây sự diệt tham nhũng ra sao mà thôi. Đã có rất nhiều ý kiến, toạ đàm, hội thảo, hội nghị về tham nhũng và lãng phí. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào gọi là "khả thi" để hạn chế bớt tham nhũng chứ chưa nói đến bài trừ tham nhũng. Khi mà quan thanh tra cấp nhà nước cũng "đồng tình", bao che cho tham nhũng thì... hết thuốc chữa. Dù là thành lập ban nào, giới chức nào cũng chỉ là cái vỏ, cái "ruột" mới là quan trọng. Nói cho rõ hơn, đó chính là con người. Khi con người cứ phải thường xuyên sống bằng hai mặt thì cái tâm không còn chỗ xen vào.

Đã có nhiều ý kiến xem ra có vẻ rất tích cực. Các quan chức từ hàng huyện trở lên phải kê khai tài sản, có vị đồng tình, đề nghị vợ con cũng phải kê khai tài sản, có vị còn hăng hơn, đề nghị anh chị em ruột cũng kê khai luôn. Nhưng liệu sự kê khai ấy có mang lại kết quả gì không lại la chuyện khác.

Một ông quan lương thiện... trên cả lương thiện

Xin tạm thời bỏ qua những sự giấu giếm, khai gian, khai dối. Hãy nói đến chuyện kê khai rất thành khẩn. Xin kể một chuyện khá ly kỳ:

Có một nhà hàng rất lớn, giữa thành phố, trang hoàng cực kỳ rực rỡ, bàn ghế thuộc loại model cổ điển Luois XIV... hàng chục em "tiếp viên" cẳng dài, váy ngắn thơm như mít, phục vụ đúng kiểu ông Tây bà đầm... Nói tóm lại nó được kể là loại sang trọng bậc nhất nhì thành phố so với những nhà hàng khác.

Nhưng lạ một điều là từ ngày mở cửa đến nay, nó chỉ đông vui đúng vào ngày khai mạc. Còn từ đó trở đi mỗi tối chỉ lèo tèo vài bàn khách. Anh quản lý nhà hàng này lại là con một người bạn tôi, có lần tôi nói với anh ta: "Cửa hàng sang như thế, mỗi ngày phải chi bao nhiêu tiền để duy trì được nó. Thế mà với tình hình khách khứa vắng như chùa bà Đanh thì chỉ chịu nổi sáu tháng là cùng." Anh quản lý cũng tỏ vẻ lo âu: "Chắc rồi cháu cũng phải đi kiếm chỗ làm khác thôi". Nhưng rồi một năm sau, tôi vẫn thấy anh quản lý ung dung đi làm.

Tôi hỏi: "Cửa hàng của cậu chưa đóng cửa sao"" Anh chàng quản lý cười: "Cháu bảo đảm với chú, nó không bao giờ đóng cửa, dù nó lỗ trắng máu". Tôi ngơ ngác không hiểu nổi cái lý lẽ ngược đời ấy, còn đang trố mắt lên nhìn thì anh chàng quản lý đã có việc phải ra đi". Lân la một hồi ngồi nói chuyện bù khú với ông bạn, tôi lại mang cái thắc mắc này ướm lời: "Chắc cái cửa hàng thằng con trai ông đang làm nó buôn lậu mới chịu nổi cái kiểu lỗ vốn như thế. Mỗi tháng đi đứt năm bảy chục triệu chứ ít sao". Và tôi lên giọng khuyên can: " Nếu đúng như thế thì ông bắt thằng con ông nghỉ đi, dây làm gì với hủi. Rồi có ngày hui nhị tì lại hối hận".

Ông bạn tối vuốt râu cười đầy tự tin: "Ông an tâm đi, cửa hàng ấy nó còn lương thiện hơn chán vạn những cửa hàng lương hiện khác. Phải nói là nó.. trên cả lương thiện mới đúng. Nó lỗ vốn nhưng vẫn khai lời cả tỉ đồng một tháng và nộp thuế cho nhà nước đàng hoàng".

Quả thật từ xưa tới nay, tôi chưa từng được nghe một chuyện vô lý như thế bao giờ. Người ta trốn thuế còn phải chạy chọt chưa xong mà bỗng dưng có một anh nhảy ra xin đóng thuế thì chỉ có là điên! Nhưng vẻ mặt ông bạn tôi nghiêm túc chứ không phải nói đùa. Tôi cau mày, nhất định không chịu tin. Mãi về sau, thương hại cái sự nhăn nhó của tôi, ông mới nhỏ nhẹ tiết lộ: "Cái cửa hàng ấy của nhà quan đấy ông ạ". Đến lượt tôi cười khẩy: "Thì trong thành phố này có mấy cửa hàng lớn mà không có quan dính vào đâu, nhưng quan cũng thế thôi, quan chịu nộp thuế sòng phẳng đã là may rồi, chứ sức mấy mà lỗ vốn lại khai lời để nộp thuế! Ít khi có quan điên lắm".

Ông bạn tôi vẫn nhỏ nhẹ: "Để phòng khi quan phải khai tài sản thì chứng minh được rằng gia đình quan làm ăn lương thiện từ bao nhiêu năm nay, quan có dăm ba cái cửa hàng, cửa hiệu, cái nào cũng lời to cả, cái nào cũng nộp thuế rành mạch. Vậy thì quan có vài chục tỉ, chẳng có gì đáng nghi ngờ."

Lúc đó tôi mới bật ngửa ra và thầm kính phục cái "chiêu lương thiện kinh hoàng" này. Nếu trong trường hợp đó, có điều tra đến tận gốc cũng chẳng ăn thua gì. Đấy mới chỉ là một chiêu thức đơn giản, còn chán vạn những "chiêu lương thiện" khác nữa mà những anh rách có nghĩ đến nát óc cũng chẳng ra.

Nói chuyện tham nhũng mãi chán như cơm nếp nát, chán đến nỗi mỗi khi nói tới chuyện này, người dân phải van nài: "Xin để yên cho chúng tôi làm ăn sinh sống, cứ nhắc tới nó là hết muốn làm ăn chi nữa! Nhức đầu lắm rồi!

Vậy xin tạm ngưng để quý bạn đỡ đau đầu.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.