Hôm nay,  

Các Nhà Dân Chủ Đón Cụ Phạm Quế Dương Ra Tù

09/08/200400:00:00(Xem: 4503)
Cuộc chiến vì dân chủ quê nhà vẫn còn may mắn: nhà hoạt động Phạm Quế Dương ra khỏi tù bình an, nhờ áp lực các chính phủ Tây Phương. Dưới đây là câu chuyện cảm động về các nhà hoạt động dân chủ chờ đón cụ Dương, gửi qua email từ Hà Nội và đăng trên trang web www.phattuvietnam.org như sau.
Hà Nội, ngày 23 tháng 7 năm 2004
Đại Tá Nhà Báo Phạm Quế Dương Đã Trở Về
Ghi chép của nhà văn Hoàng Tiến
Tin nhận được, sáng 29-7-2004, đại tá nhà báo Phạm Quế Dương sẽ được trả tự do. Từ 8 giờ đến 8 g 30 làm thủ tục ra trại. Gia đình đến đón vào giờ đó. Nếu không lo được ô-tô thì Bộ Công an sẽ điều xe của Bộ đưa về. Trước đó có hai đoàn của Bộ Công an vào tận trại giam thăm ông Dương, có mang quà, và gợi ý về xe cộ. Gia đình đã chọn phương án một, để đỡ phiền toái đến cơ quan nhà nước. Thuê một chiếc taxi 4 chỗ. Bà Dương và cô con gái cả, cùng người em trai ông Dương thay mặt họ Phạm, ba người lên xe ô-tô đi từ 7 giờ sáng.
Tại khu tập thể quân đội 37 Lý Nam Đế, nơi cư trú gia đình đại tá PQD, sáng hôm 29 đông đúc người đến. Gia đình phải trải chiếu trên sàn mới đủ chỗ ngồi. Các cựu chiến binh, các vị lão thành cách mạng, các nhà ngoại cảm tâm linh, các bè bạn dân chủ của ông Dương, các người làng Tử Dương, họ hàng xa gần, có một người trong vụ bảo vệ chùa Cảnh Phúc ở tận Đồng Văn-Phủ lý, nghe tin ông Dương trở về cũng đến chúc mừng. "Ông Dương là ân nhân của chúng tôi. Nhờ ông mà chùa Cảnh Phúc không bị xâm phạm. Tôi thay mặt bà con đến để cảm ơn ông. Làng chúng tôi còn chùa là nhờ ở ông Dương." Ông người quê Đồng Văn nói thế.
Người đến ngày càng đông. Người mang hoa. Người mang sâm-banh. Người mang câu đối. Người mang thơ chúc mừng. Có cả những hộp bánh được giới thiệu là lộc Phật mang đến để liên hoan.
Nhiều người lần đầu tiên gặp nhau. Nhưng đều thân mật hồ hởi, bởi họ đều cùng quí mến ông Dương, cùng đến để chúc mừng ông Dương từ cõi chết trở về.
Chuyện nở như hoa phượng vỹ mùa thi. Chuyện tâm linh của các nhà ngoại cảm. Chuyện trong tù của cụ Hoàng Minh Chính. Chuyện thời sự về bức thư của thượng tướng Nam Khánh kiến nghị Bộ Chính trị phải xử lý vụ T4. Đâu đâu cũng xôn xao bàn tán về bức thư này, nhất là những khu vực của cán bộ quân đội.
Bỗng có người nói: "Xem kìa!". Mọi người đều ngẩng nhìn lên ban thờ. Bát hương thờ Phật nhà ông Dương bốc khói nghi ngút. Lúc ấy là khoảng 9 g 30
Nói chính xác là 9 g 22 phút. Từ ngày ông Dương bị bắt đến nay đúng 19 tháng, bát hương không bao giờ hoá. Bà Dương ở nhà vẫn chăm lo cúng lễ. Bà vừa bao sái ban thờ mấy hôm nay (theo nghĩa nhà Phật là quét dọn bàn thờ Phật). Các chân hương cũ bị bỏ đi, các chân hương mới chưa có gì nhiều lắm. Ấy thế mà cháy, mà bát hương hoá, thế mới lạ. Các nhà tâm linh thì hiểu ngay sự việc: ông Dương đâu phải người thường. Chuyện ông trở về là sự cảm ứng của trời đất chuyển vận hạn con người trong cõi tâm linh, nó báo hiệu một giai đoạn mới của ông.
Câu chuyện quay về đề tài tâm linh. Một cõi giới vô hình song hàng với cuộc sống chúng ta, có hay không " Những ngày Bác Hồ mất, trời u ám, mưa tầm tã. Ông Hoàng Phương đã cảnh báo lãnh đạo Đảng và Nhà nước về chiến tranh tâm linh tương lai. Họ dùng các nhà ngoại cảm tập trung năng lượng chi phối các hoạt động não bộ của các nhà lãnh đạo các nước, sai khiến làm theo ý họ, chứ không cần đưa quân xâm chiếm. Ông Hoàng Phương vừa mới mất. Ông là nhà nghiên cứu lý luận tâm linh số một Việt Nam. Nước mình đâu thiếu người tài. Tiếc rằng chưa biết dùng người tài mà thôi.
Đã 10 giờ. Rồi 10 g 30. Vẫn không thấy xe ông Dương về. Trục trặc cái gì " Câu chuyện lại dính sang Lê Chí Quang, cử nhân luật, tác giả bài viết "Hãy cảnh giác với Bắc triều". Lê Chí Quang bị bắt. Kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế. Vừa rồi, khoảng trung tuần tháng 6, bỗng được tha. Buổi tha Lê Chí Quang ở trại tù Ba Sao có làm mít-tinh, treo biểu ngữ, kê bàn phát biểu, lọ hoa, quay phim, chụp ảnh đủ cả. Có thể việc ông Dương chậm trễ sáng nay cũng do quay phim. chụp ảnh, ghi cảm tưởng chăng. Để có chứng cớ còn báo cáo, còn tuyên truyền. Công an họ nhiều mưu mẹo lắm. Lãnh đạo bị họ lừa nhiều lắm. Thì đấy, như Tổng cục 2 bịa ra vụ T4, dính toàn những cán bộ cao cấp, đánh lừa cả Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TW, Ban Kiểm tra TW ... với những chứng cớ băng ghi âm, ảnh chụp, tin tức của CIA, thì những vị quan liêu chỉ ngồi ban giấy, ai mà chẳng gật gù, khiếp thật, ghê thật, phải trấn áp thôi, phải thẳng tay trấn áp thôi.
11 giờ. Rồi 11 g 30. Xe vẫn chưa về. Phải có điều gì xảy ra " Bát hương hoá là điềm lành cơ mà " Rồi 12 giờ. Lạ nhỉ " Cũng có khi công an họ chơi trò đến hết buổi chiều mới cho về cũng nên. Hoá ra phỏng đoán gần đúng, vì công an được tin mọi người đến nhà ông Dương đông lắm, nên họ kéo dài thời gian lưu ông Dương lại, cho hai ông giám thị lên tiễn biệt, cứ con cà con kê mãi. ở 37 Lý Nam Đế hàng chục công an mặc thường phục đến ngồi uống nước ở trước cửa khu tập thể.
12 giờ hơn, cháu Quỳnh Anh (con ông Dương) vào báo: "Kính thưa các bác, các chú, các cô, các anh công an vừa bảo cháu: chỉ độ 20 phút nữa xe bố cháu về đến đây. Công an có đề nghị với các bác, các chú, các cô, tiếp đón nhau vui vẻ thân mật, còn không nên hô hào điều gì cả. Mong các bác, các chú, các cô thông cảm."
Rõ là công an cứ suy bụng ta ra bụng người. ở đây toàn là các bậc lão thành, các cựu chiến binh, trình độ chính trị đâu có tầm thường, ai đi làm thế. Mà sao công an không vào nói, lại phải thông qua người khác "
Thôi! Thôi! Thông cảm cho họ. Nói với các cụ họ cũng ngại, cũng sợ.

Cụ Hoàng Minh Chính nói: "Họ cấm hô hào, nhưng họ không cấm hoan hô. Vậy thì chúng ta hoan hô bạn ta trở về. Chúng ta không hô hào lật đổ chế độ, không hô hào bạo loạn là được. Ta chỉ hoan hô bạn ta." Mọi người đều cười vui vẻ.
12 gìơ 30, xe ông Dương về đến cổng khu tập thể. Mọi người đều đứng dậy, đổ ra hành lang. Một số người nhanh chân chạy xuống đón dưới sân.
Đại tá Phạm Quế Dương kia rồi. Ông vẫn mặc bộ quần áo giản dị như ở nhà hồi nào (áo sơ-mi, quần dài) bị bao vây giữa họ hàng, bè bạn ngoài hành lang. Bắt tay nhau. Ôm nhau. Cười. Nhiều người chảy nước mắt. Sức khoẻ ông giảm sút. Nước da trắng nhợt. Đi hơi lêt bệt. (19 tháng trời trong phòng giam không được ra tắm nắng, tiếp xúc với khí trời, chỉ riêng chuyện ấy cũng đủ làm con người oải ra, hao mòn sinh lực, huống hồ còn luôn luôn bị những đòn tấn công cân não hỏi cung).
Mọi người cứ đứng ngoài hành lang ôm nhau, bắt tay nhau. Nhà văn Hoàng Tiến tặng hoa. Rồi có người nói: "Mời mọi người vào nhà! Mời mọi người vào nhà! Còn lấy chỗ cho bà con đi!"
Quanh bàn nước lại tíu tít. Ai cũng muốn được bắt tay đại tá Phạm Quế Dương, được chúc mừng ông một câu, được giới thiệu tên mình, sợ rằng ở trong tù 19 tháng cách biệt, bị hành hạ hỏi cung, ông có thể giảm sút trí nhớ.
Nhà thơ Tú Sót viết một câu đối chữ thư pháp trên phôi lụa trắng mừng ông Dương trở về. Mọi người đề nghị đọc to. Phôi lụa trắng được giơ cao bên cạnh ông Dương để chụp ảnh. Nhà thơ Tú Sót đọc theo âm Hán-Việt:
"Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ
Tu tựu Thăng Long vấn Quế Dương."
Nhà văn Hoàng Tiến dịch sang tiếng Việt:
"Đừng buồn trên đời này không có người tri kỷ
Hãy đến vùng đất Thăng Long tìm hỏi ông Quế Dương"
Mọi người vỗ tay hoan hô. Sâm-banh nổ đánh bốp ! một tiếng rõ to, khiến mọi người lại ồ lên reo. Những chiếc cốc được ngửa ra. Màu mậm chín sâm-banh rót vào lóng lánh đẹp.
Cụ Hoàng Minh Chính đề nghị nâng cốc chúc mừng đại tá Phạm Quế Dương người anh hùng đấu tranh dân chủ từ cõi chết trở về. Mọi người lại reo lên vui vẻ. Cốc chạm vào nhau. Những tiếng cười trên những khuôn mặt ròng ròng nước mắt.
Nhà ngoại cảm Nguyễn Đình Soạn kể với ông Dương về hiện tượng bát hương hoá trên bàn thờ Phật sáng nay, và đề nghị ông Dương ra làm lễ Phật. Đại tá Phạm Quế Dương như một người học trò ngoan ngoãn nghe theo lời thầy, ra trước bàn thờ Phật chắp tay cung kính. Mọi người đều đứng cả dậy. Im phăng phắc. Lúc này là thế giới tâm linh ngự trị. Mùi hương toả ngát. Không khí bỗng trong trẻo. Như cảm thụ được cả mùi hoa ngâu, hoa sói, ở những chậu hoa bày trước cửa nhà.
Vị đại tá suốt cả thời trai trẻ nam chinh bắc chiến, đánh Pháp, đánh Mỹ, rồi tham dự cả đánh Tàu xâm phạm sáu tỉnh biên giới, nay mái đầu hói bạc, thành kính lễ Phật, rồi quay sang ban thờ bên cạnh lễ cụ Vỵ (ân nhân và thầy dạy của ông Dương), song ông lại ra ngồi bàn nước. Ông nói, giọng rất chân thành:
- Tôi gần cả đời chinh chiến. Mười chín tháng trong tù, tôi mới có điều kiện chiêm nghiệm tâm linh. Tôi nhận ra rằng có một thế giới tâm linh hiện hữu thật sự. Nhờ cõi giới ấy phù hộ, tôi mới sống được tới hôm nay.
Ông vén quần lên cho mọi người thấy, chiếc đầu gối gầy guộc của ông đã thành chai, vì ông thường quỳ nguyện cầu và thiền nhiều tiếng đồng hồ trong ngày. Ông nói tiếp:
- Tổ tiên mình thường bảo dương phù âm trợ. Được dương phù âm trợ thì tai qua nạn khỏi, mọi việc hanh thông. Tôi tuổi Tân Mùi, tân biến vi toan, sướng vui thì ít gian nan thì nhiều. Nhưng đựơc dương phù, là bè bạn không bỏ tôi lúc hoạn nạn, các cựu chiến binh, các vị lão thành cách mạng, các tướng lĩnh quân đội, họ hàng làng mạc ... và cả các bè bạn nước ngoài, các Việt Kiều, các tổ chức quốc tế ... đều lên tiếng bảo vệ tôi. Còn âm trợ là thế giới tâm linh, các đức Phật, các vị anh hùng tôi thường cầu nguyện như đức Trần Hưng Đạo, đức Nguyễn Trãi, các công thần bị oan trái như cụ tiến sĩ Lê Văn Thịnh, các tài nữ bị oan trái như bà Nguyễn Thị Lộ ... , tôi đều được sự phù hộ của các vị đó. Nhờ đó mà tôi đã tai qua nạn khỏi, được trở về với gia đình, được gặp lại bè bạn đổng đảo như thế này.
Ông nói trong giọng nghen ngào: "Tôi thật không ngờ, mọi người đối với tôi chân tình đến như thế này. Tôi chỉ còn biết cảm ơn. Hết sức cảm ơn."
Bà Đỗ Thị Cư tức bà Dương tiếp lời chồng:
- Thay mặt vợ chồng tôi, chúng tôi xin vô cùng cám ơn các bác, các vị lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, các bạn bè của ông Dương, xin cám ơn bà con làng Tử Dương, cám ơn họ hàng xa gần. Xin cám ơn bà con Việt kiều hải ngoại, các tổ chức quốc tế, các nhà báo quốc tế, chính phủ các nước đã lên tiếng bênh vực chồng tôi. Xin đặc biệt cám ơn 4 ông luật sư nước ngoài đã xin sang Việt Nam để bào chữa cho chồng tôi. Xin cám ơn tất cả mọi người.
Bà Đỗ Thị Cư cũng nghẹn ngào. Đôi mắt đỏ hoe.
Nhà ngoại cảm Nguyễn Đình Soạn báo một tin vui, có một vị nhân sĩ Bắc Hà (xin được giấu tên), có một ngôi biệt thự bên Hồ Tây khá đẹp, xin sẵn sàng nhường ngôi biệt thự để đại tá Phạm Quế Dương lên nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Muốn ở bao lâu thì ở. ở miễn phí.
Mọi người lại reo lên. Ông Tú Sót lại xuất khẩu thành thơ mấy câu:
"Được gần bác, tôi hay tính bác
Giản đơn, không nhếch nhác là xong
Việc gì cũng cứ ung dung
Gươm kề tận cổ cũng không là gì!
Mần chi cũng chẳng mần chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng mần răng
Mần răng cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng mần chi!"
Mọi người đều cười ồ rất vui.
Lúc bấy giờ đã quá 13 giờ 30, gần đến giờ làm việc buổi chiều. Bà Cư cho biết ông Dương sáng chưa ăn gì. Mọi người hiểu ý. Cũng cần để ông Dương nghỉ ngơi. Thời gian còn dài, còn nhiều điều kiện để hàn huyên tình cảm.
Lại bắt tay ôm nhau thắm thiết, tạm biệt ra về.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.