Hôm nay,  

Cuộc Bầu Cử Đặc Biệt 2005 Ảnh Hưởng Tới Dân Gốc Việt?

04/11/200500:00:00(Xem: 24324)
- LTS. Tác giả bài này là Tiến Sĩ Nguyễn-Lâm Kim Oanh, Phó Giám Đốc Cơ Quan Nghiên Cứu Giáo Dục Học Sinh Thiểu Số, CSU Long Beach; và là một ủy viên tại Học Khu Garden Grove. Bài này nêu lên nhiều vấn đề hết sức quan trọng cho dân gốc Việt. Bài viết như sau.

Vào tuần tới, thứ ba ngày 8 tháng 11, cử tri trong toàn tiểu bang California lại có dịp đi bầu. Kỳ này không phải đi bầu để chọn người đại diện cho chúng ta nhưng để bỏ phiếu cho một số dự luật do Thống Đốc Arnold Schwarzenegger đề xướng. Tuy vậy, cuộc bầu cử này có tầm ảnh hưởng lớn và cần sự quan tâm đúng mức của cộng đồng chúng ta. Là một dân cử trong hệ thống giáo dục công lập, tôi xin được đóng góp ý kiến cùng cộng đồng trên một vài dự luật liên quan đến gia đình và học đường để chúng ta có một cái nhìn trung thực hơn là những tài liệu chỉ nói lên một phía - chống hoặc ủng hộ.

Dự Luật 73: Hủy Thai của Vị Thành Niên - Phải thông báo cho phụ huynh - YES!

Dự luật này đòi hỏi các bác sĩ phải thông báo cho cha mẹ của thiếu nữ dưới 18 tuổi một khi cô ta muốn tiến hành thủ tục phá thai. Bác sĩ phải thông báo tối thiểu là 48 tiếng đồng hồ trước khi làm, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp nguy kịch đến tính mạng của người mang thai hoặc khi người thiếu nữ vị thành niên có giấy miễn của cha mẹ.

Dự luật này thuộc lãnh vực có tên là "Parent Involvement Laws" giúp cho cha mẹ có thẩm quyền nhiều hơn trên các quyết định liên quan đến con cái trong lứa tuổi vị thành niên, từ giáo dục đến sức khỏe. Hiện tại trong tiểu bang California, các em tuổi vị thành niên phải có giấy phép của cha mẹ khi cần những dịch vụ y tế bình thường như chích ngừa, trám răng, uống thuốc cảm ở trường, v..v… Thế nhưng em lại có quyền đi phá thai mà không cần cha mẹ biết!

Dự luật 73 là một dự luật nâng cao vai trò bậc phụ huynh. Chúng ta nên ủng hộ và bỏ phiếu thuận cho dự luật này. Hơn 30 tiểu bang khác đã có dự luật tương tự và thống kê cho thấy tại các tiểu bang này, số vị thành niên mang thai có giảm xuống rõ rệt. Các em vị thành niên đi tới trường hợp mang thai do nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên đa số gặp trở ngại trong các vấn đề tâm lý xã hôi như mặc cảm tự ti, thiếu lòng tự trọng, dễ bị ảnh hưởng bạn bè xấu. Nhiều em đã phá thai vài lần mà gia đình không hay biết. Dự luật này giúp gia đình các em ý thức được thực trạng để tìm cách giúp các em vị thành niên thay đổi để có một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta nên bỏ phiếu thuận.

Dự Luật 74: Nhân Viên Chính Thức Của Các Giáo Chức Trường Công Lập - NO!

Hiện tại các giáo chức mới được nhận vào một trường công lập phải trải qua thời gian làm việc thử là 2 năm. Sau thời gian này thì học khu bắt buộc phải có sự lựa chọn, một là cho thôi, hai là được vào ngạch chính thức. Dự luật này gia tăng thời gian làm việc thử từ 2 năm lên đến 5 năm. Trong thời gian làm việc thử (probationary period) người giáo chức có thể bị sa thải bất cứ lúc nào mà không cần có lý do chính đáng. Điều này rất tai hại cho những người muốn vào ngành sư phạm vì con đường sự nghiệp trở nên quá bấp bênh. Trong một vài tiểu bang có luật tương tự, nhiều giáo chức được thuê vào dạy gần 5 năm thì bị thải để ban điều hành mang vào những người giáo chức khác, tuy ít kinh nghiệm nhưng mức lương thấp hơn vì mới vào. Tại các tiểu bang ấy, có một số các giáo chức cứ phải dời chỗ dạy mỗi 5 năm và cuối cùng nản chí và bỏ ngành. Đây là một điều bất công lớn cho các thầy cô giáo, đã theo đuổi một nghề đạm bạc rồi mà con không được đối xử tử tế!

Ngoài ra, dự luật 74 này cũng gây khó khăn cho các giáo chức dạy lâu năm. Nếu bị đánh giá hai lần liên tiếp là không đạt được thành quả thỏa đáng, họ sẽ bị sa thải mà không có quyền khiếu nại để làm sáng tỏ vấn đề. Theo lời tuyên bố của Thống Đốc tiểu bang thì điều này là tốt cho hệ thống giáo dục cộng lập vì chúng ta không muốn con em chúng ta học với các giáo chức dạy kém. Tuy nhiên, hiện tại đã có một tiến trình để sa thải các giáo chức dạy không kết quả hoặc có những hành vi phạm luật bộ giáo dục. Điều khác biệt là trong tiến trình hiện tại, vì các giáo chức có quyền khiếu nại nên có thể kéo dài thời gian hơn. Nếu mất đi quyền khiếu nại thì số mênh các giáo chức tùy thuộc vào người kiểm soát trên mình là vị hiệu trưởng. Khi may mắn có một vị hiệu trưởng có lương tâm thì không có gì phải lo âu. Nếu chẳng may gặp một người hiệu trưởng không công bằng, thưởng phạt tùy theo tình cảm riêng của họ với từng cá nhân giáo chức thì sự công bằng không được bảo đảm. Ví dụ một giáo chức người Mỹ gốc Việt muốn lên tiếng tranh đấu cho quyền lợi học sinh và phụ huynh Việt Nam thì cũng sẽ e dè và có thể không dám làm nếu dự luật này trở thành luật. Các giáo chức sẽ không dám làm bất cứ điều gì phật lòng người hiệu trưởng vì nguy cơ bị đánh giá thấp và đi đến việc bị sa thải.

Nói tóm lại dự luật 74 làm giảm giá trị của ngành sư phạm, coi nhẹ sự công bằng và quyền lợi của giáo chức mà không thật sự đóng góp lợi ích gì cho học sinh. Chúng ta không ủng hộ dự luật này.

Dự Luật 75: Tiền Lệ Phí Công Đoàn của Nhân Viên Chính Phủ - NO!

Hiện tại các nhân viên chính phủ (State employees) thường gia nhập các công đoàn hoặc nghiệp đoàn (union) và đóng tiền lệ phí hằng tháng. Số tiền này được dùng vào nhiều việc khác nhau để giúp thăng tiến cũng như bảo vệ quyền lợi của các nhân viên thuộc các công/nghiệp đoàn khác nhau như y tá, cảnh sát, lính cứu hỏa, giáo chức, v.v… Đa số các nhân viên này thuộc tần lớp lao động (labor force) hoặc công nhân (working class). Họ thiếu phương tiện đảm bảo nghề nghiệp nên chung sức lại để thành một lực lượng đoàn kết có sức mạnh và tiếng nói. Một trong những nghiệp đoàn lớn và mạnh nhất tiểu bang là nghiệp đoàn giáo chức công lập (California Teacher Association) do các nghiệp đoàn giáo chức của từng học khu hợp lại. Họ đã dùng lệ phí thành viên đóng để vận động chống Thống Đốc Schwarzenegger khi Thống Đốc không trả lại cho hệ thống giáo dục công lập số tiền 2 tỉ đô la Thống Đốc đã mượn trong năm trước. Ngoài ra họ còn dùng quỹ lệ phí để vận động ủng hộ các dự luật hoặc ứng cử viên chính quyền nào có lợi cho nghiệp đoàn, đồng thời chống lại những ứng cử viên không cùng đường lối với họ hoặc những dự luật có hại cho ngành nghề của họ. Vận động chính trị là một sự thông thường trong nền dân chủ Hoa Kỳ. Các công ty lớn luôn luôn có ngân quỹ và nhân viên chuyên nghiệp (lobbyists) để vận động ủng hộ những dự luật thuận lợi cho công ty. Họ bỏ ra rất nhiều tiền để ủng hộ các ứng cử viên và dân cử nào có thể giúp cho công ty họ khuếch trương và giàu mạnh hơn.

Dự luật 75 cấm không cho các công đoàn và nghiệp đoàn dùng lệ phí thành viên để vận động chính trị, trừ khi họ thông báo và được giấy chấp nhân của từng thành viên cho phép. Dự luật này nếu thông qua sẽ làm giảm hiệu quả của các công đoàn và nghiệp đoàn rất nhiều. Dự luật này thiên vị giới tư nhân vì họ không bị cấm vận động chính trị trong khi giới công nhân và công chức bị mất tiếng nói chung.

Nếu tham khảo và tìm hiểu về quá trình kinh tế Hoa Kỳ, chúng ta sẽ thấy cách đây không bao lâu, chỉ vài thập niên trước, người công nhân trong các hãng xưởng không có một chút quyền lợi nào. Họ bị bóc lột sức lao động, phải làm việc một ngày trên 10 tiếng và cuối tuần vẫn làm mà không được trả thêm "overtime" như bây giờ. Các trẻ vị thành niên cũng vào làm các hảng xưởng để giúp gia đình vì người lao động lúc ấy không có mức lương ấn định tổi thiểu. Chủ nhân muốn trả thấp bao nhiêu cũng được. Người làm cần công ăn việc làm thì phải chấp nhận. Tất cả các quyền lợi người lao động và nhân viên tư và công hiện nay có được là do sự thành lập và tranh đấu của các công đoàn và nghiệp đoàn. Tất cả các quyền lợi căn bản mà bất cứ người đi làm nào cũng được hưởng như mỗi ngày làm tối đa 8 tiếng và mỗi tuần 40 tiếng. Mỗi hai tiếng thì được nghỉ giải lao ngắn và mỗi bốn tiếng thì nghỉ lâu hơn. Các nữ công nhân được quyền nghỉ trong thời gian sanh con và nuôi con lúc sơ sanh mà không bị mất việc khi đi làm trở lại. Các người cha có quyền xin ngày nghỉ ở nhà giúp vợ con, v.v.. Các quyền lợi này một khi các công đoàn và nghiệp đoàn tranh đấu thành công thì thành luật và được áp dụng với tất cả mọi tầng giới bất kể công hay tư.

Quyền tập hợp thành đoàn thể để tranh đấu cho quyền lợi và nâng cao môi trường làm việc của công nhân là căn bản của một xã hội tự do dân chủ. Trong một xã hội độc tài độc đảng, người công dân và các công nhân không bao giờ có quyền này. Chúng ta vẫn biết câu, "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao." Người Việt chúng ta hiểu sức mạnh của một tập khối. Dự luật 75 lấy mất quyền vận động của các công đoàn.

Một điều khác cộng đồng người Việt chúng ta cần lưu ý là hiện tại công đoàn "United Domestic Workers" là những công nhân chính phủ làm việc trong nhà có rất nhiều thành viên Việt Nam. Trong Quận Cam có khoảng 3,000 thành viên nhưng trong toàn miền Nam tiểu bang (Southern California) thì có khoảng 12,000 thành viên Việt Nam. Họ là những người nhận tiền chính phủ để chăm sóc cho các người bịnh tật, già yếu tại nhà thay vì phải đưa vào các viện dưỡng lão hoặc nhà thương. Việc chăm sóc tại gia lợi cho chính phủ và dân chúng vì chi phí chăm sóc tại gia thấp hơn khi đưa thân nhân vào các viện. Nếu công đoàn này mất quyền vận động chính trị, quyền lợi của những nhân công trong ngành này không được bảo đảm và sẽ đưa đến tình trạng thiếu nhân viên hoặc nhân viên thiếu kinh nghiệm và khả năng. Khi xảy ra tình trạng này thì các vị cao niên có nguy cơ bị đưa vào các viện dưỡng lão nhiều hơn thay vì được chăm sóc tại gia.

Nói tóm lại, dự luật 75 bất công và không có lợi cho cộng đồng chúng ta. Chúng ta nên bỏ phiếu chống.

Dự Luật 76: Mức Chi Tiêu của Tiểu Bang và Tài Trợ cho Trường Học - NO!

Dự luật này có hai phần. Phần thứ nhất là giới hạn mức chi của tiểu bang mỗi năm theo phương trình là lấy mức chi tiêu năm trước cộng thêm số trung bình gia tăng thu nhập tiểu bang trong ba năm vừa qua. Đây là một điều có lý. Tuy nhiên phần sau của đạo luật này lại muốn bãi bỏ đạo luật 98 đã được cư tri bỏ phiếu thuận từ thập niên trước. Đạo luật 98 bảo đảm cho hệ thống giáo dục công lập tiểu bang mỗi năm một ngân quỹ giáo dục tối thiểu và được gia tăng hằng năm. Năm trước (2004-2005) vì mức thu nhập của tiểu bang thấp nên Thống Đốc Schwarzenegger lấy bớt tiền dành cho ngân khoản giáo dục công lập như đã định theo đạo luật 98. Ông Thống Đốc có hứa là năm sau (2005-2006) nếu mức lợi tức thu nhập tiểu bang lên cao lại thì ông sẽ trả lại cho quỹ giáo dục và lại được cộng thêm vào sự thiếu hut năm trước. Hiện tại, mặc dầu mức thu nhập của tiểu bang lên cao, ông Thống Đốc vẫn không muốn hoàn lại quỹ giáo dục số tiền đã mượn để trang trải các chi phí khác của tiểu bang mà lại còn muốn cắt giảm ngân quỹ đã ấn định theo đạo luật 98. Tuy số tiền dành cho ngân quỹ giáo dục năm nay có cao hơn năm ngoái, sự khác biệt không đủ để khỏa lấp sự gia tăng vật giá của năm nay. Nếu được thông qua, dự luật 76 sẽ cho Thống Đốc Schwarzenegger toàn quyền quyết định tăng giảm các ngân khoản chi tiêu kể cả ngân khoản dành cho giáo dục công lập. Từ nhiều năm, tiểu bang California xếp hàng rất thấp so với các tiểu bang khác trong việc đầu tư vào hệ thống giáo dục công lập. Nếu dự luật 76 được thông qua thì hệ thống giáo dục tiểu bang càng bị xuống thấp hơn. Các lớp học sẽ đông học sinh hơn. Một số đông giáo chức sẽ bị mất việc giữa năm khi các lớp học phải dồn chung lại. Các dịch vụ khải đạo (counseling,) y tế, âm nhạc, hội họa có nguy cơ biến mất để chỉ duy trì các môn học căn bản mà thôi. Đa số người Việt tị nạn không đủ khả năng để cho con theo học các trường tư hoặc đem con đi học thêm các môn giúp phát triển óc sáng tạo và mỹ thuật. Chúng ta cần bảo vệ chất lượng của các chương trình giáo dục trong hệ thống công lập. Do đó, chúng ta nên bỏ phiếu chống dự luật 76.

SINH VIÊN VIỆT NAM HỌC NGÀNH SƯ PHẠM LÊN TIẾNG VỀ CÁC DỰ LUẬT TRÊN

Tôi sẽ bầu KHÔNG cho dự luật 74 bởi vì tôi muốn bảo vệ quyền lợi căn bản nhất, không những là của một giáo viên, mà là của một người bình thường. Tôi sẽ bầu KHÔNG cho dự luật 74 vì tôi muốn bảo vệ lý tưởng cao đẹp của nghề giáo. Tại sao tôi lại nói như vậy" Nếu dự luật 74 được thông qua, tiến trình sa thải sẻ biến ngành giáo dục trở thành một cơ chế độc tài không khác gì chế độ đã ép ba mẹ tôi và chắc hẳn nhiều khác lưu lạc quê người.

(Thúy Vy Nguyễn, CSU Long Beach)

Dự luật 74 sẽ cho hiệu trưởng nhiều quyền lực để khai trừ thày cô giáo không cần lí do. Có nhiều người nghĩ rằng các thày cô dạy kém nên bị sa thải, nhưng sa thải sẽ không giải quyết được gì mà lại tốn tiền và thời gian. Nói tóm lại em phản đối dự luật 74.

(Bảo Châu Nguyễn, CSU Fullerton)

Tôi nghĩ rằng dự luật 76 sẽ làm hại đến ngành giáo dục. Dự luật này cho phép thống đốc cuả tiểu bang có quyền cắt giảm các chi tiêu tùy ý. Sự cắt giảm này có nghĩa là học sinh sẽ không có đầy đủ tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập. Dự luật 76 cho phép thống đốc cắt chi tiêu ở giữa năm. Điều này sẽ tạo nhiều bất tiện cho học sinh vì khi cắt giảm chi tiêu, nhiều giáo viên có khả năng sẽ bị sa thải và học sinh phải di chuyển đến lớp học khác và số học sinh trong một lớp sẽ tăng lên. Nếu bỏ phiếu chống dự luật 76, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho con em có một nền giáo dục tốt và đầy đủ bằng cách giảm số học sinh trong một lớp để giáo viên có thời giờ chăm sóc riêng từng với học sinh.

(Trùng Dương Trương, CSU Long Beach)

Theo ý kiến cá nhân, em không đồng ý với dự luật này, bởi vì những bất công của dự luật phát sinh. Ví dụ ở điểm dự luật không giúp đỡ và hỗ trợ giáo viên mới. Giáo viên mới phải theo một thời gian thử việc là 5 năm, một khoảng thời gian khá dài để nắm chắc một công việc ổn định nếu không thành công cũng đã quá trễ để thay đổi. Một vấn đề nhức nhối có thể phát sinh đó là nạn phân biệt đối xử, một ví dụ nhỏ: khi một vị hiệu trưởng không thích hay có sự phân biệt đối xử đối với một giáo viên thì sau thời gian thử việc, giáo viên này sẽ không được nhận vào làm chính thức cho dù có năng lực. Hy vọng trong lần bầu cử sắp tới về dự luật 74, người đi bầu sẽ hiểu rõ và bầu phiếu chống dự luật này!

(Tamara Trần, CSU Long Beach)

Khi đọc qua các Dự Luật 74, 75, 76 thì Phương Đài (Casity Hà) thấy rất có lý, nhưng sau khi tham khảo và tìm hiểu thêm với các thầy cô giáo khác thì thấy ba Dự Luật đó không có lợi ích gì cho các con em của thế hệ mai sau. Ban đầu Casity nghĩ các Dự Luật này rất hay, vì nếu mình là một cô giáo tốt thì mấy dự luật này đâu có làm gì được mình. Nhưng sau này Casity mới thấy những ám chỉ sau lưng của các dự luật này rất có hại cho những thầy cô giáo mới ra trường và tất cả những học sinh của các thế hệ sau này. Dự Luật 74 sẽ làm cho các thầy cô giáo mới rất nản lòng, vì thay vì sau hai năm thì các thầy cô giáo mới được đánh giá về khả năng, nhưng Dự Luật 74 muốn tăng lên thành năm năm. Điều đó cũng không sao, nhưng sau khi thầy cô giáo mới đó dạy được 5 năm, có nhiều học khu không muốn trả thêm tiền và đánh giá thấp để đuổi và cho những người mới không có kinh nghiệm vào để trả tiền ít hơn.

(Casity Hà, CSU Long Beach)

Dự luật 76 không những thêm quyền hạn cho thống đốc mà còn cắt giảm thêm một số tiền lớn cuả ngành giáo dục đã đang bị cắt giảm trầm trọng. Hiện tại, chi tiêu của ngành giáo dục tiểu bang đã không đủ để cung cấp sách vở, tài liệu giáo khoa, và dụng cụ học tập cho học sinh và giáo viên. Sự cắt giảm này sẽ gây ra nhiều thiệt hại như: lớp học đông hơn, giáo viên có khả năng bị sa thải nhiều hơn, và các lớp năng khiếu sẽ bị giảm thiểu, v.v.. Chúng ta cần phải thăng tiến nền giáo dục của tiểu bang California để đào tạo con em một cách tốt hơn. Dự luật 76 giới hạn chi tiêu cuả ngành giáo dục nhằm đem đến những thiệt hại lớn cho học sinh. Tôi khuyến khích quý vị nên bỏ phiếu chống dự luật 76 để chúng ta có thể tạo một tương lai tốt đẹp cho thế hệ trẻ và cho con em chúng ta.

(Hồng Dương, CSU Long Beach)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.