Hôm nay,  

Việt Kiều Mua Nhà, Còn Rắc Rối Lắm

04/11/200500:00:00(Xem: 6487)
- Trong một vài tuần gần đây, vào giữa tháng 9 đến đầu tháng 10-2005 này, có nhiều thông tin "rất phấn khởi" rằng Việt kiều về tạm trú tại VN 3 tháng trở lên là có thể đứng tên mua nhà mà không cần phải là "nhà đầu tư" hoặc phải hồi hương mang quốc tịch Việt và cũng không cần phải là "người có công với đất nước" như những quy định trước đây. Những thông tin này phần đông đọc được qua những trang báo điện tử hoặc những "tin đồn" không rõ ràng. Vì thế nên có một số bạn đọc hỏi tôi về tin này chính xác như thế nào.

Trong số đó tôi biết chắc có những bạn đọc chỉ hỏi cho biết rõ nguồn tin thực hư ra sao, chứ không phải là muốn mua nhà ở VN. Tôi có vài ông bạn ở San Jose, thỉnh thoảng gọi điện thoại qua internet phone thăm hỏi, đấu láo như ông Hùng Sùi, Ngọc Chả cá, Thanh Thương Hoàng... và khá nhiều bạn bè ở những nơi khác nữa, thì chẳng bao giờ thèm hỏi đến cái sự mua nhà này làm gì cho nó tốn sức khỏe. Thế nhưng cũng có ông, con cháu còn ở lại Sài Gòn hoặc có ý định về VN nghỉ ngơi, ở chơi với con cháu mỗi năm vài tháng, thì lại chú ý đến những tin tức này. Lại có những "cụ ông, cụ bà" vợ hay chồng qua đời, để lại một mình vò võ, con cái đi làm xa, muốn về quê hương sống với họ hàng chòm xóm vài tháng, nếu thấy vui thì ở, buồn thì lại ra đi. Những người có "nhu cầu tìm hiểu" đó không nhiều và cũng chẳng phải là một thứ nhu cầu thiết thân, có thì hay mà không cũng chẳng sao. Nhưng dù thế nào thì những tin tức chính xác cũng không phải là thừa. Có khi ngồi cà phê tán dóc, tán cho "đúng sách" cũng là điều hay.

Tình hình Việt kiều mua nhà ở VN hiện nay ra sao"

Tôi nhớ đã có lần tường trình với bạn đọc về những vấn đề có liên quan đến việc này rồi, nhưng ở VN thì tình hình mỗi lúc một thay đổi. Dù là luật lệ, hôm qua khác với hôm nay, hôm nay lại khác với ngày mai là chuyện thường tình. Tôi chỉ có thể tính đến thời điểm hiện tại mà thôi. Nguyên trong "luật" này đã có đến vài ba lần thay đổi. Xin dẫn chứng:

- Năm 1994, nghị định 60 được ban hành hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh về nhà ở cho các vị Việt kiều, nhưng thực tế hầu như lúc ấy chưa có ai mua được nhà vì có một quy định bất hợp lý là Việt kiều phải có "đăng ký thường trú" trong nước.

- Đến năm 2001, Luật Đất đai có sửa đổi, lại có Nghị định 81 quy định diện Việt kiều được mua nhà là người đầu tư lâu dài trong nước, các nhà khoa học và người có nhu cầu ổn định cuộc sống ở Việt Nam. Tuy đối tượng được cụ thể hóa hơn, nhưng bà con Việt kiều cho rằng như thế vẫn còn hạn hẹp, lại thêm thủ tục rườm rà, nhất là khâu công chứng giấy tờ ở các cấp địa phương còn rất khó khăn (phải xác nhận có quốc tịch Việt Nam, xác nhận bị mất quốc tịch Việt Nam và đăng ký công dân Việt Nam).

- Năm 2003, Luật Đất đai sửa đổi đã có đề cập thêm một thành phần Việt kiều được mua nhà do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo điều 121, nhưng đến nay đối tượng mới này vẫn chưa được công bố chính thức.

- Năm 2005, những ngày gần đây, lại có tin "... Ngoài những đối tượng đã được quy định trong Nghị định 81 được quyền mua và sở hữu nhiều căn nhà như công dân trong nước, Việt kiều tạm trú liên tục từ 3 tháng trở lên cũng được mua và sở hữu một căn nhà".

Nếu chỉ đọc lướt qua những thông tin ấy, nhiều người đã cho đó là một quyết định mới toanh có thể được thi hành ngay trong lúc này. Nhưng thực tế thì khác hẳn. Xin đọc rõ lời giải thích của cơ quan có thẩm quyền:

"Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, cho biết: bộ Xây dựng đang làm tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 81. Quan điểm của bộ là sẽ không mở rộng đối tượng được mua nhà so với Điều 121 Luật Đất đai năm 2003. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81 (gọi tắt là dự thảo) chỉ quy định cụ thể hơn về đối tượng "người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam", điều mà trước đây các văn bản luật không nêu rõ khiến các đối tượng này chưa được giải quyết cho mua nhà trong nước. Ngoài ra, dự thảo còn mở rộng số lượng nhà được mua đối với những đối tượng kiều bào được ưu đãi khác".

Xin cứ vui lòng chờ và chờ

Như thế rõ ràng đây mới chỉ là "một tờ trình" và tờ trình đó chỉ là sửa đổi bổ sung nghị định 81 và điều đáng chú ý là "không mở rộng đối tượng được mua nhà so với điều 121 năm 2003". Nếu chỉ xét đơn thuần về mặt người có quyền mua nhà thì chưa có gì mới, quý vị cứ việc ăn no ngủ kỹ. Và tờ trình ấy lại còn trình chính phủ và rồi chính phủ lại trình quốc hội thảo luận, sau đó mới có thể biến thành luật để thi hành. Và luật ấy lại cũng còn chờ hướng dẫn cụ thể như mọi thứ luật khác mà cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể khiến các quan cấp dưới cứ rối tinh rối mù, nói chi đến người dân. Như luật "sổ đỏ, sổ hồng, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà" vẫn còn lắm "gian nan", cho đến nay vẫn còn nhiều người hoang mang.

Phải chờ một thời gian nữa, chưa biết là bao lâu, nếu "cái tờ trình" kia được chấp thuận và nếu nó không được chấp thuận thì cũng huề cả làng. Bởi ngay lúc này, khi "tờ trình" mới lấp ló ngoài cửa Quốc hội VN, đã có nhiều vị có thẩm quyền lo xa rằng các vị Việt kiều mang đô la về mua nhà búa xua sẽ làm cho giá nhà đất tăng vọt, người lao động sẽ không bao giờ với tới được một căn nhà ở thành phố. Thật ra chẳng cần đợi các vị Việt kiều có nhiều đô la mang về mua nhà mà các vị ở ngay VN thôi, nhất là các "đại gia", các quan lớn quan nhỏ, đô la hàng bó như bó rau muống đã mua nhà mua đất... để dành từ lâu rồi, chính các vị ấy đã đẩy giá nhà đất lên chín từng mây xanh, dân lao động chỉ đứng xa mà ngó xái cần cổ. Sự lo xa này có vẻ như hơi thừa và hoàn toàn có lợi cho những vị ở trong nước nhiều tiền lắm của tha hồ mua nhà... để đó, chẳng có ông Việt kiều nào đẩy giá lên được.

Đến nay trong toàn quốc, mới có 60 Việt kiều được mua nhà ở VN. Tính chi ly ra, tại thành phố Sài Gòn chỉ có 50 Việt kiều được mua nhà (trong số đó có 20 Việt kiều Mỹ, 10 Việt kiều Pháp). Còn một số ít Việt kiều mua lẻ tẻ ở các tỉnh. Vậy thì nhà đất luôn lên cơn sốt giá là tại ai"

Cứ về ở chơi VN 3 tháng trở lên mà mua được một căn nhà thì xem ra khó quá đấy bạn ơi! Xin cứ bình tĩnh uống cà phê và chờ đợi. Nếu không cần thì chờ làm gì cho tốn sức khỏe.

Mà nếu như có một căn nhà ở VN mà bạn không được quyền đứng tên thì lại phát sinh lắm chuyện rắc rối. Như tôi đã tường trình đã có rất nhiều chuyện phức tạp về sự nhờ người đứng tên giùm rồi. Không phải ai cũng có thể lật lọng, người VN chúng ta trọng tình trọng nghĩa lắm. Nhưng đến khi đứng trước hàng trăm lượng vàng thì có thể có một số người nẩy sinh những ý nghĩ khác. Và cũng chính vì thế nên đã có một số trường hợp xảy ra xung quanh chuyện đứng tên giùm này. Dù rằng con số đó không nhiều nhưng ai cũng có thể gặp chuyện bất ngờ.

Xử kiểu nào cũng đúng

Đến khi xảy ra kiện tụng cũng ly kỳ lắm. Những luật sư danh tiếng nhất nước cũng chịu thua. Ba tòa quan lớn mỗi nơi hành xử một kiểu khác nhau. Một thẩm phán tòa phúc thẩm Sài Gòn đã đưa ra một nhận định chắc như bắp: "Khi xử các vụ án tranh chấp về nhà đất như thế này (tức là giữa Việt kiều và người đứng tên giùm) thì hầu như cách xử nào cũng đúng. Bởi trước đây, luật chỉ quy định không cho Việt kiều giao dịch, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể nếu đứng tên giùm thì xử ra sao, công nhận sở hữu hay không. Do vậy dẫn đến nhiều chuyện tréo ngoe trong trong việc giải quyết án. Có thẩm phán xử thế này có thẩm phán xử thế khác... "

Bà luật sư Phùng Thị Hòa cho biết: cái khó là do sự "nửa vời" của pháp luật. Khi xét xử, nhiều thẩm phán nhập nhằng trong việc xác định thời điểm giao dịch, dẫn đến tình trạng "muốn công nhận quyền sở hữu cũng được, không công nhận cũng xong".

Đấy, luật lệ ở đây nó "biến hóa" khôn lường như thế, nên đưa nhau ra tòa chưa chắc ai đã ăn ai. Bạn mất trắng là điều rất có thể xảy ra, phải đến từng nhà, hỏi từng vị có thẩm quyền xét xử chính ngôi nhà đó mới biết rõ được.

Hãy lấy một thí dụ như bây giờ Việt kiều được quyền mua nhà ở VN (thí dụ thôi đấy), nếu ngôi nhà đó bạn đã mua từ những năm trước đó, nhờ người đứng tên giùm, bây giờ họ không trả, bạn đi kiện, dù biết chắc ngôi nhà đó do bạn từ nước ngoài bỏ tiền ra mua, nhưng vào thời điểm đó (năm 2001 chẳng hạn) luật vẫn không cho bạn mua nhà ở VN thì vẫn cứ là bất hợp pháp, sự mua nhà đó vẫn là không có giá trị, hợp đồng giữa bạn và người đứùng tên giùm vẫn là vô hiệu, nhà đó cứ là nhà của người ở trong nước. Cùng lắm là chia tiền, phát mại hoặc bằng một cách nào đó tùy hai bên thỏa thuận mà phần thiệt dĩ nhiên sẽ về bạn, nếu có mất trắng cũng đành chịu. Nhưng nếu bạn làm cách nào đó để thẩm phán "quan niệm" rằng đến thời điểm này bạn có quyền mua nhà thì trước sau gì bạn cũng sẽ được đứng tên nên trả lại nhà cho bạn đứng tên cũng là đúng pháp luật.

Cho nên xử cách nào, kiểu gì không do pháp luật nữa mà do "quan niệm" riêng của ông thẩm phán đối với vấn đề đó ra sao. Hiện nay vẫn chưa có một quy định hoặc một điều luật nào rõ ràng.

Nhìn lại tất cả những chuyện phức tạp trên đây, chắc bạn sẽ "nản chè đậu" lắm và dù có nhu cầu cũng không nên chơi dại. Hãy vui lòng chờ và chờ cho đến khi mọi chuyện rành mạch. Bây giờ thì mọi chuyện "vũ như cẩn", xin cứ ngồi quán uống cà phê nhâm nhi từ từ cho nhàn, thanh thản bàn đến "tin tức mình" khác lại còn đỡ tốn thì giờ hơn.

Chưa hết chuyện điện đến chuyện nước

Những tin tức mới nhất khiến người dân lại một phen giật mình, hết chuyện điện kế điện tử "made Singapore ra lò Phú Nhuận" khiến ông Lê Minh Hoàng nguyên Giám đốc công ty điện lực TP Sài Gòn bị mất chức và bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đang còn bị điều tra thì nay nhân vụ nước bẩn tại Sài Gòn, lại khám phá ra một chuyện tương tự. Một "liên minh đại gia" khác nữa chuyên cung cấp đủ các thiết bị về ống nước, nói gọn là ráo tất tần tật những gì thuộc về cung ứng nước cho người dân thành phố Sài Gòn từ bao nhiêu năm nay về tay các "liên đại gia" này hết. Đại gia này được mệnh danh là "tập đoàn nhà Đức", gồm có ba bốn cái công ty mẹ, công ty con có những cái tên như Phú Đức, Đạt Đức, Liên Phú Đức, Đại Lộc. Và thú vị hơn là cả ba cái công ty "Đức" đó lại có chung một trụ sở, đúng như một đại gia đình vui vẻ hòa thuận vậy.

Tất cả những đại gia này hợp thành một gia đình toàn quyền buôn bán và chi phối ngành cấp nước tại TP. Sài Gòn. Họ đều xuất thân từ những cán bộ ngành cấp nước, đang làm việc bỗng xin nghỉ ngang ra lập công ty để cung cấp vật liệu cho ngành này. Những đường ngang ngõ tắt, mọi nhu cầu của ngành họ đều thông thạo như lòng bàn tay. Lập một công ty cho vợ con anh em họ hàng ra làm chủ rồi tha hồ thao túng. Vì thế tình trạng nước bẩn vì cống hư đóng gỉ, đóng vành, dò rỉ nhiễm bẩn đều được vô tư "quên nó đi", bao giờ làm cũng được.

Chẳng phải là riêng biệt

Thật ra đây không phải là tình trạng riêng của một ngành điện nước ở thành phố Sài Gòn, mà nó là tình trạng chung ở hầu hết mọi nơi. Những người dân VN đều "thuộc lòng bài vở" này của các ngài nắm quyền hành ở những nơi được gọi là "cơ quan chức năng" rồi. Những món ngon đều chui vào gia đình nhà quan hết.

Ở khá nhiều các công sở, bố hay mẹ làm Giám đốc cơ quan nhà nước hay có tí chức tí quyền là các con trai, con gái, dâu, rể đều có phần hùn vào một công ty nào đó "ăn có" vào cơ quan này. Đừng nói tới làm đến chức thứ trưởng như bố con ông Mai Văn Dâu. Nếu làm một cuộc điều tra quy mô thì tình hình ấy có thể khiến các bạn giật mình. Các cơ sở "lớn lối" như một khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí... hầu hết đều có nguồn gốc từ "Con Cháu Các Cô, Các Chú, Các Bác" hết. Ông hay bà Giám đốc "doanh nghiệp tư nhân" đó, nhất định phải là con gái "anh Năm", con rể "chị Ba", cháu "chú Tư" chứ khó chạy đằng nào thoát. Nếu không có thế lực, không có che chắn thì chẳng làm ăn gì được. Các ông bà giám đốc tư nhân này thường hách hơn mấy ông quan thật. Có thể nói trắng ra rằng màn kịch bố tỏ vẻ hiền như ma sơ, con cái dữ như quỷ Sa Tăng, ăn như hạm, tham như... gấu.

Bởi vậy nên từ anh cảnh sát đến các quan thanh tra đều phải nể mặt. Hãy cứ lấy một cái thí dụ nhỏ, một tiệm ăn bên đường lớn, không xe hơi nào được đậu, nhưng nếu là "quán nhà quan" thì xe đậu tự do, chẳng bao giờ thấy bóng anh cảnh sát nào lai vãng tới. Một địa chỉ vui chơi của con quan, có thiệp mời là phải đến dù là ca sĩ hạng sao sáng sao mờ, sao xanh sao đỏ, cũng phải "chầu", đố cánh giang hồ nào dám phá thối.

Chuyện đó như là chuyện tất nhiên nó phải thế, nó đã thành luật lệ bất thành văn, người dân cứ thế mặc nhiên công nhận nó như một cái số anh giàu thì cứ giàu, anh nghèo thì cứ nghèo, việc anh nào anh ấy sống. Có thế thôi. Vì vậy mọi thứ không còn là chuyện lạ nữa. Dư luận có rùm beng cũng chỉ là thứ chuyện hàng ngày ở huyện.

Quan thanh tra nhà nước cũng dính

Cho nên mới xảy ra vụ ông Lương Cao Khải, thanh tra viên cao cấp của Thanh tra Chính phủ, trưởng đoàn thanh tra, trực tiếp kiểm tra một số nội dung liên quan đến việc thực hiện công trình "Tuyến ống, kho, cảng LPG Thị Vải" thuộc dự án "Hệ thống thu gom và vận chuyển khí từ mỏ Bạch Hổ đến Thủ Đức" vừa bị ngưng chức và vừa mới bị "làm kiểm điểm". Ngay phút ban đầu, ông Khải thú nhận đã đứng tên hộ người khác cho mảnh đất 6.000m2 tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Song ông Khải không thừa nhận việc mình nhận tiền của đối tượng thanh tra để sửa nhà mà chỉ nói rằng có việc "sửa cổng".

Nhận đứng tên giùm hay đất của mình thì trên giấy tờ pháp lý, cũng như nhau, mà việc gì ông lại đứng tên giùm" Người nhờ ông đứng tên có phải là Việt kiều chăng" Nếu là người dân bình thường hay một quan chức nào đó thì cần gì đến ông phải đứng tên giùm" Và sửa nhà hay sửa cổng thì cũng chẳng khác nhau là bao, vấn đề là khi quan thanh tra nhận đứng tên rồi có "xuê xoa" cho người đã từng bị quan thanh tra "đì lên đì xuống" hay không và số tiền miếng đất và cái cổng đó là bao nhiêu. Quan thanh tra cứ chối quanh làm người dân vừa bực mình vừa buồn cười. Chưa biết những ngày sắp tới ông thanh tra này còn thú nhận thêm điều gì nữa.

- Ông chủ tịch huyện Gò Vấp bắt tay bà Phạm Tuyết Lan

Quan thanh tra đã thế thì tất nhiên "đẻ" ra ông chủ tịch Trần Kim Long - nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Gò Vấp, ngay tại thành phố Sài Gòn - cũng vừa bị tóm vì... vô số tội. Hầu hết những tội của ông chủ tịch đều dính dáng vào việc nhà đất. Thời buổi bây giờ không có gì đắt giá hơn nhà đất nên các quan từ thành đến tỉnh thường hay dính vào là điều dễ hiểu. Từ Ngã năm chuồng chó đến mấy cái khu làng hoa xưa kia đều biến thành... vàng giữa đường. Dại gì không nhặt. Nghĩ thế nên quan chủ tịch cứ "vô tư" đóng mộc đỏ cho "phe ta" làm ăn.

Bỏ qua những vụ việc khác, vụ có tính quyết định dẫn tới việc bắt giữ ông Long là vụ Công ty xây dựng Gò Vấp (nay là Cty địa ốc Gò Môn) bắt tay làm ăn với bà Phạm Thị Tuyết Loan làm nhà nước thất thoát hơn 23 tỉ đồng. Vụ việc này đã được đoàn kiểm tra đất đai của Thành phố phát hiện từ tháng 11-2003. Nhưng không hiểu vì sao, ông Long vẫn được tại chức cho đến tháng 8-2005.

Ngoài “phi vụ” làm ăn kể trên, ông Trần Kim Long còn có nhiều dấu hiệu cho thấy có liên quan mật thiết với bà Loan trong vụ biến đất công nghiệp thành khu dân cư ở phường 12, quận Gò Vấp. Trong thời gian đi làm giấy tờ hợp thức hoá nhà, hàng trăm người dân phường 12, quận Gò Vấp mới tá hỏa nhận ra những căn nhà của họ tọa lạc trên đất công nghiệp chứ không phải đất ở. Thống kê sơ bộ cho thấy trên những thửa đất này có 119 căn nhà (chưa kể số nền nhà).

Tính sơ sơ như thế ông chủ tịch Long đã đút túi bao nhiêu tiền khó mà thống kê được. Nguyên cái "dinh cơ" ông ở đã được một anh điều tra viên lè lưỡi lắc đầu tiết lộ: "nó nguy nga quá, diện tích khuôn viên rộng đến... chóng mặt. Cuộc khám xét đã phải kéo dài từ 14 giờ 30 chiều ngày 12 -10, đến hơn 18 giờ mới kết thúc". Chắc là nó nguy nga hơn cả dinh quan công sứ Tây thời xưa.

Đô la Mỹ, sao mà hấp dẫn thế

Chưa hết, trong tuần này và sẽ còn kéo dài sang tuần sau, phiên tòa xét xử vụ tham nhũng trong ngành dầu khí tại Vũng Tàu cũng đang làm xôn xao dư luận. Gần như "toàn ban lãnh đạo" Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (VSP) và Công ty Dịch vụ - Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đều ra tòa. Cứ như toàn ban cải lương trình làng trước khi đóng tuồng. Đứng trước vành móng ngựa gồm toàn những vị giám đốc tai to mặt lớn như Dương Quốc Hà (nguyên Phó Tổng Giám đốc VSP), Cao Duy Chính (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ cơ khí hàng hải), Nguyễn Quang Thường (nguyên Giám đốc PTSC), Trần Quang (Xưởng trưởng Xưởng Điện lạnh của PTSC), Trần Ngọc Giao (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Interpet Việt Nam), Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Trưởng Phòng Thương mại của Công ty PTSC) và Trần Ngọc Long (em trai Trần Ngọc Giao, nhân viên của Công ty PTSC).

Theo nhận định của tòa án: Đây là vụ án tham nhũng đầu tiên trong xây dựng cơ bản của ngành dầu khí Việt Nam bị phát hiện. Các bị cáo đã tham ô với số tiền đặc biệt lớn. Các quan này "ăn" toàn đô la Mỹ. Cụ thể trong một "phi vụ" giá bỏ thầu khoảng 15,5 triệu USD nhưng lại được các bị cáo nâng khống lên thành 16,9 triệu để chia nhau số tiền chênh lệch là 1,4 triệu USD. Trong các phi vụ, "ê-kíp" này đã rút ruột được trên 1,2 triệu USD, số còn lại 1.081 triệu USD chưa rút thì bị phát hiện. Sau đó các quan lại tiếp tục giả mạo chứng từ, hóa đơn của Corall để hợp thức hóa việc "cung cấp vật tư" của Công ty Interpet. Cũng với thủ đoạn này, Trần Quang đã "bỏ túi' được trên 902.000 USD.

Tôi không thể kể dài dòng về những thủ đoạn các quan đã thực hiện như thế nào. Nhưng có thể nói trong vụ này, cái hơi đô la Mỹ hấp dẫn quá nên các quan "chơi bạo" lắm, bạo cũng vào hàng nhất thế giới. Làm hợp đồng giả, giao thầu cho anh em nhà, nâng khống giá thầu, làm dối làm gian... không từ một thủ đoạn nào mà không làm. Chỉ với bằng ấy vụ thôi, các quan "xơi" hàng triệu USD thì người ta không có gì ngạc nhiên khi đến các nhà hàng sang trọng thấy có những vị uống một lúc năm bảy chai rượu ngoại, giá mỗi chai 150 USD, chẳng bõ bèn gì với số tiền kiếm chác được. Đấy là không kể các quan còn "giao thiệp" ở những nơi kín đáo khác với những người mẫu cẳng dài, eo nhỏ, ngực nở, múa dẻo như rắn. Các cô chiêu cậu ấm xài tiền như rác, chơi toàn đô chứ không thèm xài tiền Việt Nam (các cậu cho là dân nhà quê, tỉnh lẻ). Ở VN xài không "đã", bay sang Tây sang Tàu ăn chơi như công nương hoàng tử cho biết mùi đời.

Chưa biết vụ này sẽ kết thúc ra sao, đến nay tòa mới chỉ đề nghị vài mức án: Trần Quang tù chung thân; Dương Quốc Hà 18-20 năm tù; Nguyễn Quang Thường 24-25 năm tù; Trần Ngọc Giao 25-28 năm tù; Nguyễn Mạnh Hùng từ 6-8 năm tù...

Tuy nhiên những luật sư được coi là danh tiếng nhất Sài Gòn đang ra sức biện hộ cho các "bị cáo" và đang có đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung...

Nhìn những đồng đô la chui vào túi các quan tham lại chợt nghĩ đến những khoản nợ mà VN đang "mượn tạm" của những ngân hàng, những cơ quan nước ngoài. Không biết bao giờ con cháu chúng ta mới trả hết nợ được đây. Bao nhiêu công lao xương máu của người dân bao nhiêu năm qua và những năm sắp tới sẽ chảy đi đâu"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.