Hôm nay,  

Bền Duyên Tơ Tóc

09/08/200400:00:00(Xem: 5337)
Đức Khổng Tử ở nước Lỗ qua mấy mùa lá rụng, bèn thấy chí tang bồng trong người thúc bách, liền gọi các đệ tử đến, mà bảo rằng:
- Tiết trời có xuân hạ thu đông, cũng như thầy có lúc buồn lúc chán. Nay tâm trí đương chập chờn thay đổi, thì phải làm sao"
Khổng Miệt là cháu của Khổng Tử, vòng tay thưa:
- Thức ăn dẫu có ngon, mà dzô riết cũng thấy ông bà ông vãi. Huống chi thầy miệt mài trong sớm tối. Lo chuyện… gia sư, thì thân thể yên vui làm sao đặng"
Khổng Tử bỗng nhẹ cả tâm hồn. Khoan khoái nói:
- Ngươi theo ta chưa được bao lâu, mà tinh tế là vậy, thì hậu vận mai sau ắt đường mây thăng tiến!
Miệt sáng rỡ cả mặt mày. Hớn hở thưa:
- Lỗ là một nước nhỏ, lại là chư hầu của nhà Chu. Nay nhân lúc kinh đô của nhà Chu đang vào lúc hoa anh đào nở, thì thầy trò ta đi chơi một chuyến. Trước là đem Đạo của thầy gieo rắc muôn nơi, sau đám chúng con cũng biết thêm nhiều điều mới lạ. Chớ quanh năm suốt tháng chỉ nhà trên lên xuống, thì biết bao giờ mới hiểu thấu được đây"
Khổng Tử đẹp lòng đẹp dạ. Đưa tay vuốt râu, rồi thì thào tự nhủ:
- Ta muốn đi chơi mà không tiện nói ra, bởi sợ người đương thời cho ta thế này thế nọ, thì thiệt là nguy khốn. Thời may có đứa học trò làu thông vạn quyển - nên biết được ý thầy - cho dẫu ta có nghe theo, thì chẳng những không mang tiếng ham mê chốn phồn hoa đô hội, mà còn được thiên hạ nể vì, bởi đã biết lắng nghe những lời chân thật, thì thiệt là nhất tiễn xạ hai điêu. Chờ chi mà không tính"
Đoạn, ưỡn ngực về phía trước. Thong thả nói rằng:
- Các ngươi về thu xếp đồ đạc, an ủi vợ con. Hai hôm nữa sẽ lên đường cho kíp!
Bật Tử Tiện là học trò của Khổng Tử, nghe thế, mới bảo dạ rằng:
- Vợ ta bụng mang dạ chữa. Chưa biết vượt cạn ngày nào - mà ta lại bỏ đi - thì chữ phu thê khó ngon lành đó vậy!
Rồi lật đật về nhà. Đến nơi, thấy vợ là Hàn thị đang xếp mấy bộ đồ bỏ vào giỏ, bên cạnh mấy gói lương khô. Tiện hốt hoảng hỏi:
- Nàng sắp tới ngày khai hoa nở nhụy, mà khăn gói đi đâu" Hay chốn tâm can có điều chi vướng mắc"
Hàn thị mĩm cười, đáp:
- Thiếp ở với chàng. Cho dẫu một nắng hai sương, cũng vui lòng đón nhận. Thậm chí còn tiếc Trời không cho gặp chàng sớm hơn, đặng thỏa tình cá nước, thì còn lấy chi để vướng này mắc nọ" Chỉ là thiếp sợ lúc trở dạ trong đêm, không có giờ chuẩn bị - lại ngại chàng phải lo đời… con gái - nên sửa soạn trước sau, để chàng yên tâm nghỉ, mà tạo lập với đời. Cầm bằng như thiếp thấy chàng vất vã. Tất tả ngược xuôi - thì dù cho nằm trên nhung lụa, ở lầu son gác tía - cũng trong dạ xót xa. Nghìn phen tủi phận. Vả lại, thiếp nghe nói làm trai thì phải lập chí, tạo dựng công danh. Chớ không thể quyến luyến vợ con mà ngồi trong xó bếp!
Tử Tiện nghe vậy mới mừng thầm trong bụng, nói tựa như reo:
- Vậy là chuyến này ta có thể theo thầy lên kinh đô nhà Chu, mà khỏi phải lo đến… trẻ sơ sinh gì nữa cả!
Hàn thị phớn phở mặt mày. Sung sướng nói:
- Chàng được theo thầy lên kinh đô, ráng mà thu lượm cho đầy trong trí óc. Trước thì cha mẹ vẻ vang, sau vợ con cũng nhân thế mà nở mày nở mặt. Mong chàng hãy tạm gác tình yêu thương thiếp, mà lo chuyện công danh. Cho dẫu không đặng: công hầu bá tử nam, thì cũng lưu được tiếng thơm cho ngàn sau noi dấu. Còn như việc phụng thờ cha mẹ, đóng hụi hai chân, thì thiếp xin tận tình lo lấy…
Hai hôm sau Tử Tiện khăn gói lên đường. Hàn thị đưa ra đầu ngõ. Một tay dụi chai dầu xanh vào bọc. Tay khác nắm lấy eo chồng. Vừa khóc vừa nói:
- Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong chàng mua vàng mua… hột - mà chỉ xin ngày về - Chỉ có một mình em, thì mộng ước thanh xuân đã vuông tròn đó vậy!
Lúc đến kinh đô của nhà Chu, Khổng Tử đi… tua khắp mọi miền của chốn phồn hoa đô hội. Đâu đâu cũng thấy người tấp nập buôn bán, cà… cạc lung tung, khiến trong lòng dâng lên niềm cảm xúc, liền nói với đệ tử rằng:
- Đem Lỗ mà so với Chu, thì chẳng khác chi đem đèn dầu mà so với vầng trăng sáng. Chẳng ép phê gì hết cả!
Lúc ấy, có Mạnh Tử là học trò yêu quý, lên tiếng thưa:
- Thưa thầy, theo ý con, thì Lỗ được năm cái mà Chu mất năm cái!
Khổng Tử ngạc nhiên, hỏi:
- Ngươi nói vậy nghĩa là làm sao"
Mạnh Tử hùng hồn đáp:
- Lỗ hiền hòa. Chu thì ba trợn, là một cái mất. Lỗ chú trọng tình nghĩa, vẹn chữ sắt son, trong khi Chu đua đòi ly dị, là hai cái mất. Lỗ bình thường giản dị, yêu cái đẹp tự nhiên, trong khi Chu ra sức mà… bơm sửa, là ba cái mất. Lỗ trên đường cứ từ tốn mà đi, thong thả mà bước, trong khi Chu vắt giò lên chạy. Thậm chí đi thang máy cũng ráng dzọt cho nhanh, là bốn cái mất. Lỗ thật thà đôn hậu. Chu mánh khóe giàn trời, là năm cái mất. Với năm cái mất đó. Nói theo người nước Lỗ là tham bát bỏ mâm. Nói theo dân nước Chu là bỏ con… bò mà câu con tép, thì lợi hại đôi bên đã rõ ràng lắm vậy!
Không Tử gật gù đáp:

- Người biết nhận xét, thì dẫu đi tới đâu, ở nơi nào, cũng nhận ra được những bài học để rèn luyện nhân cách, làm cho mình hoàn thiện. Ngươi thấy được điều đó. Chẳng những không uổng công học hành, mà còn giúp cho ta… nhìn ra thêm nữa. Thiệt là hết ý!
Ngày nọ. Khổng Tử chuẩn bị hồi cố hương. Trước khi đi, đến thăm Lão Tử để nói lời từ biệt. Lúc chuẩn bị lên đường. Chợt thấy Lão Tử nắm dây cương, nói:
- Ta nghe người giàu sang tiễn người thì dùng của cải. Kẻ nhân hậu tiễn người thì dùng lời nói. Ta tuy không được giàu sang, nhưng mang tiếng là người nhân hậu. Vậy xin tiễn cố nhân bằng một lời nói.
Khổng Tử đáp:
- Của cải rồi sẽ tiêu tan. Lời nói cũng đi vào… quên lãng. Chẳng gì mà ngại!
Lão Tử mĩm cười, nói:
- Phàm kẻ sĩ đời này, nhiều khi tỏ lộ thông minh, sâu sắc, mà có khi thiệt mạng, bởi vì cứ thích chê bai hoặc đem tâm sự của người mà rao bán. Lại có người nhìn xa trông rộng, mà lắm bận khổ thân, bởi cứ moi móc cái không hay của người cho bàn dân bá tánh. Vậy vừa muốn làm kẻ sĩ, vừa không muốn chết non, thì phải nhớ lời ta dặn, là: Không nghe. Không biết. Không thấy, thì dẫu có chu du hết nước này qua nước khác - cũng giữ đặng lấy thân - Khỏi phải lo dao kiếm gì hết cả!
Khổng Tử kính cẩn, đáp:
- Tôi xin kính theo lời người dạy!
Lúc ấy, Tử Tiện ở đằng sau. Nghe thấy, mới bảo dạ rằng:
- Cái hay cái đẹp! Muốn cho người ta chấp nhận, thì phải bước vào đời, mới đánh động nhân tâm, để lê thứ muôn nơi sẽ ùa theo bắt chước. Cầm bằng như chỉ vò võ thân mình - thì dẫu đẹp dẫu hay - cũng chẳng ăn thua gì hết ráo!
Đoạn, thở hắt ra một cái, lại ào ào nghĩ tiếp:
- Bước vào đời mà không nghe không thấy không biết. Mần răng mà bước được"
Tối ấy, Tử Tiện không sao ngủ đặng, bèn chạy ra đầu làng, kéo xị nếp than mà uống. Chợt Khổng Miệt đi đến. Hớn hở nói rằng:
- Rượu mà độc ẩm. Trước là uổng rượu. Sau mất cái hào khí của bậc trượng phu. Chẳng uổng lắm ư"
Tử Tiện nhìn vào mắt Khổng Miệt, buồn bã đáp:
- Có tài mà không gặp được thầy giỏi để tỏ cái tài của ta, mà lại cứ đi theo hầu, thì có khác chi người ăn kẻ ở. Uổng phí lắm thay!
Khổng Miệt ngạc nhiên, nói:
- Chú của ta được người người kính nể. Trọng vọng đón đưa. So trong sử sách đã ra ngoài… kim cổ. Nay ngươi được làm học trò của người. Đáng lẽ phải vui. Sao lại tiêu tan như vừa bay đứt chến"
Tử Tiện dõi mắt vào khoảng mịt mù trước mặt, rầu rĩ nói:
- Ta theo thầy, mà thất vọng vì thầy, là không có Tín. Thất vọng vì thầy, mà tính chuyện dong, là không có Trung. Tính chuyện dong, mà không dám làm, là không có Trí. Không dám làm, mà còn kể cho… cháu của thầy nghe, là người không có Lễ. Làm trai mà tào lao như vậy, thì còn vui được hay sao"
Rồi nốc một hơi bay luôn nửa xị, đoạn đem chuyện của Lão Tử ra mà kể, không sót một chỗ nào. Lúc kể xong, mới tức tối nói:
- Lão Tử dặn như vậy. Thầy vẫn đồng ý, là cớ làm sao"
Khổng Miệt thở phào ra một cái, rồi thủng thẳng đáp:
-Thầy của mình hay đi chu du các nước, hầu bày cái lẽ phải trái của vua các nước chư hầu, ắt có ngày mệnh yểu ai tai, thì thiệt là tiếc lắm. Lão Tử thấy vậy, mới khuyên thầy chăm lo dạy học. Mặc cho con tạo xoay vần, thì mới mong giữ được tấm thân cho đến giờ sau hết!
Tử Tiện lắc đầu hổng chịu. Hỏi:
- Nếu thầy chỉ dạy học, mà cái học đó không đem ứng được vào trường đời. Nào đã lợi chi"
Miệt đáp:
- Thầy chỉ là khai tâm. Còn ứng dụng được hay không là do cách hành xử của mỗi người. Sao lại có thể… chê thầy như thế được"
Tử Tiện mím môi lại mà suy nghĩ. Mãi một lúc sau mới nói này nói nọ:
- Chỉ dạy lý thuyết, mà bản thân không thực hành - thì học trò dẫu sáng dạ đến đâu - cũng như dã tràng xây trên cát!
Rồi ngoái cổ lại kêu thêm một xị nữa. Miệt thấy vậy, mới nhỏ nhẹ bảo rằng:
- Mình đem gà vịt tới xin thầy theo học. Chớ thầy có bắt như vậy đâu, mà lại trách móc e có điều không phải. Vả lại, nếu không nhờ thầy vén màn mây u tối. Gạn đục khơi trong, thì sao biết thầy… sai mà đi cho đúng đường đúng lối" Con người ta, thường hay phụ bạc, nên có tí cơm canh đã vội quên tháng ngày dưa với muối. Theo thiển ý của đệ, thì huynh lấy lời dạy của thầy, mà áp dụng vào đời sống thường nhật. Vẫn hơn là ngồi đây trách móc. Chẳng đặng hơn ư"
Lúc về đến Lỗ, Tiện nghe trong ruột nóng từng cơn. Nghĩ đến vợ yêu. Không biết ngồi chơi hay vượt cạn, liền bắt xe ôm chạy về, thì thấy nhà gọn gàng ngăn nắp, nhưng chẳng thấy vợ đâu, bèn chạy qua hàng xóm. Gấp gáp nói:
- Tôi về mà không thấy vợ đâu, khiến lòng khi lo khi mừng. Thiệt là rối trí!
Người hàng xóm đáp:
- Bà nhà sanh không được, nên đi đánh bài cho bớt phần nóng ruột. Chớ chẳng có gì hết cả!
Tử Tiện giật mình, nói:
- Vợ chồng cùng đánh bài. Hóa ra lại tâm đầu ý hợp, thì chắc chắn sẽ bền duyên giai ngẫu. Sống đặng trăm năm. Cho thỏa tình tơ tóc!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.