Hôm nay,  

Thông Bạch Của Viện Hóa Đạo Ghpgvntn Về Việc Cứu Trợ Bị Ngăn Cản - Phần I

28/10/200000:00:00(Xem: 4055)
Lúc “làm việc” xong với Hòa thượng Thích Quảng Độ, vào 2 giờ trưa, công an “làm việc” với Thầy Quảng Huệ. Công an và Trưởng đội Biên phòng đem bản Nghị định 34/TTCP (về Luật biên giới) tính đọc. Thầy Quảng Huệ chận đứng và nói: “Các ông hãy dẹp chuyện đọc Nghị định đi, vì Nghị định này chẳng mang lại lợi ích gì cho việc cứu trợ đồng bào đang lâm nạn, mà các ông chỉ cần mở mắt là thấy ngay thảm cảnh quanh các ông, từ tỉnh này sang tỉnh khác suốt 16 tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long: người chết, nhà ngập, dân tình khốn đốn, ruộng vườn tan hoang, cơm thiếu, áo không đủ che thân. Các ông có mắt không chịu thấy, có tai không lắng nghe tiếng dân than. Nếu bản Nghị định này là bùa phép của Đảng làm cho nước lụt rút đi, người chết sống lại, thì tôi khâm phục và đem Nghị định tụng đọc cho mọi người cùng nghe. Hồi sáng nay Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo của chúng tôi đã nói với các ông: “Cứu lụt như cứu hỏa, các ông đòi hỏi giấy phép, vậy sự đói rét, chết chóc, dịch bệnh có chờ giấy phép không"”

Thầy Quảng Huệ vừa dứt lời, công an nói xối xả: “Các ông là những kẻ làm càn, đến đây vi phạm biên giới, đi không xin phép chính quyền, không xin phép Mặt trận”. Thầy Quảng Huệ đáp ngay: “Biên giới cách đây mười mấy, hai chục cây số, làm sao chúng tôi vi phạm và vi phạm cái gì" Nếu có phải cứu trợ nhân dân Căm-pu-chia thì cũng tốt thôi. Hai nước có quan hệ hữu hảo mà! Đói khổ, lụt lội không có biên giới! Nghị định biên giới của các ông chỉ cản trở sự sống của người dân, chỉ liên minh với thiên tai lũ lụt làm thành nhân tai cho dân Việt mà thôi. Xin các ông dẹp Nghị định đi!”

Lúc này, ông Trưởng đội biên phòng lên tiếng: “Đoàn các ông vi phạm 3 điều: Vào biên giới không có giấy phép; Đi cứu trợ không thông qua Chính quyền, Mặt trận; Vào đây phát quà với danh nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là tổ chức Nhà nước chưa công nhận. Vậy yêu cầu Đoàn phải chấp hành luật của Nhà nước”. Thầy Quảng Huệ trả lời: “Ở đây là lãnh thổ Việt Nam, đâu phải biên giới mà phải xin phép" Luật của các ông là luật rừng, luật của kẻ cường quyền trấn áp lương dân vô tội. Nếu Nhà nước này thực sự là Nhà nước pháp quyền thì làm chi có chuyện cấm tự do đi lại, cấm cứu trợ người đồng bào, làm chi có chuyện dung dưỡng buôn lậu, tham nhũng, quan liêu cửa quyền từ trung ương tới địa phương" Chúng tôi không tuân thủ và chấp hành Luật khủng bố dân lành. Nói ông nghe, thực tâm chúng tôi cũng muốn đến liên hệ với Hội chữ Thập đỏ ở xã Vĩnh Hội đông, nhưng chưa tới nơi các ông đã chận bắt, câu lưu ở trạm thu thuế giữa sông. Chúng tôi đâu phải hạng người trốn xâu lậu thuế" Chúng tôi cùng với Hòa thượng Viện trưởng đi cứu người lâm nạn. Đây chính là âm mưu có chỉ đạo, có kế hoạch của nhà cầm quyền trung ương các ông, nhằm mục tiêu thu vét hết phẩm vật, tiền bạc cứu trợ của chúng tôi, như đã làm năm 1994. Chứng tỏ Đảng cộng sản và Nhà nước của các ông bất nhân, bất nghĩa với đồng bào ruột thịt đang bị thiên tai hành hạ. Luật pháp các ông làm ra để hại dân hại nước, và chỉ phục vụ cho Đảng các ông...”

Đợt làm việc thứ 3 lúc 3 giờ chiều. Thầy Long Trình được triệu lên. Công an bảo: “Các ông đến đây tự do, bây giờ cho ra về tự do!” Thầy Long Trình nói ngay: “Chữ tự do của các ông nói nghe hay quá! Tự do mà câu lưu người ta hồi sáng tới giờ" Tự do ra về mà phải có lệnh của công an thì mới được ra đi" Đó là thứ tự do tù ngục! Các ông bắt chúng tôi vào đây thẩm cung từ hồi mười giờ sáng, không có lý do, không có án lệnh của tòa án, như vậy là các ông phạm pháp. Tôi sẽ truy tố các ông. Bây giờ bảo về thì phải có giấy ký nhận, viết biên bản ghi rõ vì sao câu lưu chúng tôi, vì sao cấm chúng tôi cứu trợ đồng bào lâm nạn lũ lụt, chúng tôi vi phạm điều gì chiếu theo bộ Luật Hình sự, lúc đó chúng tôi sẽ ra đi”. Công an đáp: “Về xã hoặc huyện sẽ giải quyết”. Thầy Long Trình phản ứng: “Bắt ở đâu giải quyết ở đó, không có chuyện lừa miếng như vậy. Đừng tưởng dễ bắt nạt chúng tôi”.

Phía Công an thấy khó giải quyết, liền gọi điện thoại lấy chỉ thị (chắc là ở cấp trên). Đồng lúc tăng cường bộ đội biên phòng, tấp nập lính và súng ống nhằm uy hiếp Phái đoàn Viện Hóa Đạo. Thật khủng khiếp, y như bọn quan nha đến cướp nhà Vương Ông trong truyện Thúy Kiều:

Người tay súng, kẻ hăm he,
Đầu trâu, mặt ngựa, lè nhè rượu say
Hóa Đạo cứu trợ năm nay
Bị chặn, bị bắt, thảm thay vô vàn!
Đồng bào bị lụt lầm than,
Mà sao Nhà nước bạo tàn thế ni"
Nguyện cầu Đức Phật từ bi
Cứu cho dân Việt một thì ấm no.

Bộ đội và công an đông tới số trăm, canh chừng cẩn mật bốn bên Trạm thu thuế trên sông, khiến dân chúng khiếp sợ. Công an mặt đằng đằng sát khí, bộ đội đi lại hung hăng. Trong đám họ có nhiều người say rượu, chân nam đá chân xiêu, ăn nói thô lỗ, cộc cằn. Lúc đó, một người trong đám cán bộ cấp tỉnh nói: “Hãy đem tất cả máy quay phim, máy chụp hình và thu băng mang ra đây, nộp hết cho chúng tôi. Các ông coi chừng, chúng tôi sẽ khám xét ghe, còn cất giấu sẽ bắt đi tù”. Đoàn đem tất cả máy móc giao cho Công an. Lúc này đã 5 giờ chiều. Bốn người trong đám này tách ra, ăn nói tục tằn như bọn côn đồ đánh mướn, chém thuê. Đó là các ông: Bùi Phong Giang, Trưởng đồn Biên phòng 941, mặt đỏ gay, thở nồng hơi rượu, ngà ngà chếnh choáng; Huỳnh Văn Phú, Cán bộ; Mai Thanh Dũng, Phó công an xã; và Lê Hoàng Dũng, công an xã, đại diện phía chính quyền.

Còn đại diện phía tang vật của Phái đoàn cứu trợ của Viện Hóa Đạo là hai Thượng tọa Thích Quảng Huệ và Thích Long Trình, ngồi nghe họ lập biên bản tịch thu máy móc và phim ảnh (Biên bản đính kèm). Thoạt đầu họ quyết định tịch thu toàn bộ máy quay phim, máy chụp hình và phim ảnh. Nhưng chư Tăng quyết không chấp nhận. Dằng co nhau khá lâu, cuối cùng chỉ tịch thu phim ảnh. Đang lúc ký biên bản, thì một chú công an mặt dữ dằn hỏi Thượng tọa Long Trình:

- Ở đây, ông nào là Thích Không Tánh"

- Đó, vị mặc áo vàng đó, hỏi có chuyện gì không" Thầy Long Trình vừa chỉ tay vừa đáp.

Công an chỉ mặt Thượng tọa Không Tánh ra lệnh: “Ông vào đây làm việc”. Đây là đợt làm việc thứ tư. Công an dằn mặt: “Ông bị quản chế 5 năm, chưa hết hạn đã đi lung tung. Tôi làm biên bản, trục xuất ông ngay bây giờ, và tức khắc về địa phương cư trú, ông nghe rõ chưa"” Công an bắt Thượng tọa lập biên bản vi phạm. Thượng tọa hỏi ngược:

- Vì sao các ông bắt nhốt Đoàn Cứu trợ" Ông không có thẩm quyền, tôi không làm việc với ông. Chừng nào ông Lê Khả Phiêu hay ông Chủ tịch nước tới đây, tôi sẽ làm việc đàng hoàng. Năm 1994, tôi đã từng tuyên bố trước tòa là tôi không công nhận bản án 5 năm tù giam vì đi cứu trợ lũ lụt đồng bằng sông Cửu Long hồi đó. Nhà nước không pháp quyền, tòa án không dùng luật pháp, nên tôi không chấp hành bộ Luật khủng bố dân của các ông. Tôi sẽ khiếu kiện từ Trung ương ra tới Liên Hiệp Quốc, ông nghe tôi nói rõ chưa"! Bây giờ ông giải thích tôi nghe lý do gì ông ngăn cản cứu trợ và bắt nhốt Phái đoàn chúng tôi" Các ông nghe gì và thấy gì từ ngày lũ ập xuống miền Cửu Long này" Nước cuộn mênh mông, nhà nhà bị ngập, người người bị chết, đói rách vô cùng tận. Các ông không thể độc quyền cai trị theo kiểu giết dân và đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, không cho Giáo hội chúng tôi đi cứu trợ như vậy. Giao tặng phẩm cho các ông để các ông chia chác với nhau sao" Vì vậy chúng tôi phải trao tận tay đồng bào. Các ông không thể mãi mãi xem mạng sống của người dân như cỏ rác. Tôi kết tội các ông: Một là xem thường mạng sống đồng bào bị lũ lụt, không chịu ra tay tế độ; hai là miệng của Đảng và Nhà nước kêu gọi thế giới và mọi tầng lớp nhân dân tham gia cứu trợ, nhưng bàn tay của Đảng và Nhà nước ở khắp nơi ngăn chận việc cứu người hoạn nạn.

Công an giận vung trán, thét:
- Ông không được nói nữa, tôi cấm ông nói! Ông là người bị quản chế, tôi làm giấy trục xuất ông ngay!

Nói rồi, kêu Thầy Hạnh Châu lên làm việc đợt thứ 5 vào lúc 5 giờ 30 chiều. Công an hăm dọa và thúc ép Thầy Hạnh Châu ký vào một văn bản công nhận tội. Thầy Hạnh Châu cương quyết từ khước và nói:

- Các ông muốn bắt cứ bắt, muốn giết cứ giết, tôi không sợ và không ký vào giấy tờ bất hợp lệ.
Nghe lời qua tiếng lại ồn ào, Thầy Long Trình vào can thiệp:

- Các anh quyền gì nạt nộ với đệ tử của tôi như thế" Muốn gì ngồi xuống nói chuyện như người lớn đi. Phải quang minh chính đại, không được mờ ám, cưỡng bức!

Sau đó, công an cho Thầy Hạnh Châu rời văn phòng. Riêng trường hợp Thầy Tâm Ân thấy súng ống bao quanh cùng thái độ hung hăng của công an và cán bộ, Thầy liền ngồi thiền, nhập định, tịnh khẩu trong suốt 6 tiếng đồng hồ, cầu nguyện Đức Bồ tát Quán Thế Âm giáng lâm cứu dân lành đang mắc khổ nạn.

Điều đáng ghi nhận, là suốt thời gian Phái đoàn bị “làm việc”, bị khủng bố tinh thần, dân chúng chèo xuồng rất đông đến gần thuyền của Hòa thượng Quảng Độ xin tặng phẩm. Các em bé xanh xao vì đói suốt bao ngày. Hỏi thăm mới biết, cha mẹ các em đi về các thị xã xin ăn, mong kiếm chút cháo nuôi con. Nhưng bộ đội đã bao vây ngăn cấm, công an còn dùng ca nô rượt theo những xuồng mới được Hòa thượng trao tặng phẩm, tịch thu quà trở lại! Trần gian mà thấy sao như địa ngục" Cảnh này đồng bào nơi hải ngoại có thấu chăng" Đồng bào ở thành phố xa hoa có biết chăng" Hay chỉ nghe, chỉ tin các lời đường mật của Nhà nước mà giá trị không hơn không kém một mảnh giấy báo vô tình, hay hình ảnh truyền hình nói một đường làm một nẻo"
Nước Việt Nam ngày nay có gì lạ" Chỉ có những lời đãi bôi, giả nhơn giả nghĩa, chỉ có bạo tàn và gian ác. Tiếng oan chỉ muốn vạch trời mà lên.

Kính bạch chư Tôn Đức,

Trên đây tôi trích lại một số đoạn trong Bản Tường trình của Ban Từ thiện Xã hội thuộc Viện Hóa Đạo về sự thật đã xẩy ra tại tỉnh An Giang, nơi chúng tôi đi cứu trợ từ ngày 6 đến ngày 11.10.2000. Nếu lời lẽ của bản Phúc trình có khi căm phẫn, kính mong chư Tôn Đức và Phật tử cùng quí đồng bào trong và ngoài nước hoan hỉ thông cảm cho. Đó chỉ là sự trào dâng trong giây phút vì tâm tư các Thượng tọa bị chia sẻ giữa nỗi khổ trầm thống của nhân dân và cảnh bất công phi lý của các cơ quan chức năng Nhà nước. Đã là sự thật thì không nên che giấu.
Ngày 8.10.2000, Thượng tọa Thích Không Tánh bị công an thị xã Châu Đốc kêu đi làm việc, lại “làm việc”. Công an ra lệnh trục xuất về Saigon trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Viện cớ cảm nặng sau 12 giờ câu lưu và hành trình trên sóng gió, công an triển hạn đến 12 giờ trưa ngày 9.10. Thượng tọa rời Phái đoàn trở về Saigon theo giờ giấc hạn định.

Thấy cảnh nhọc nhằn, cảm cúm, tôi khuyên các Phật tử tháp tùng phái đoàn về Saigon trước để nghỉ ngơi. Phần tôi cùng với các Thượng tọa Thích Long Trình, Thích Quảng Huệ, Thích Tâm Ân thì ở lại Châu Đốc, uống thuốc tịnh dưỡng hai hôm. Sáng 11.10.2000, tôi và phái đoàn lên đường hướng về Đồng Tháp và Long An tiếp tục công cuộc cứu trợ. Chẳng may trên đường đi, nước cuốn mạnh làm sập chiếc cầu, lưu thông tắc nghẽn, xe cộ phải nằm chờ, tôi đành lấy quyết định trở về Saigon, họp Hội đồng Viện, đúc kết kinh nghiệm vừa qua, vạch kế hoạch thù ứng với tình hình hầu đẩy mạnh công cuộc cứu trợ sắp đến.

Dù tính chất phi lý của Đảng và Nhà nước cấm cản một tổ chức tôn giáo, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cứu trợ đồng bào lâm nạn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Viện Hóa Đạo quyết tiếp tục công tác này trong những ngày sắp đến. Đã tận tai nghe tiếng dân đói rách kêu than, đã chứng kiến tận mắt cảnh nước tiếp trời trôi giạt bồng bềnh các cháu thiếu nhi, phụ nữ đến người già cả, mà ngoảnh mặt làm ngơ, thì không xứng là người con Phật, người thừa kế nền Giáo lý Cứu khổ trừ nguy.

Cho nên trong tuần lễ tới đây, Viện sẽ tiếp tục gửi nhiều đoàn về Miền Tây cứu lụt. Lần này không tổ chức thành đoàn lớn, mà phân nhiệm từng chùa, từng chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cùng với Phật tử đi phân phát. Và sẽ vận dụng mọi phương cách “Tùy thuận” của đạo Phật, các đoàn sẽ thực hiện hạnh bố thí ba la mật hòng vơi bớt niềm thống khổ của nhân dân.

Như trăm suối đổ về sông, như trăm sông đổ về biển, các đoàn cứu trợ sẽ lên đường trong tuần lễ tới. Khi sức khỏe hồi phục, đích thân tôi sẽ lại tháp tùng một trong những đoàn cứu trợ ấy. Do nhu cầu cụ thể của đồng bào, cùng sự gọn nhẹ của các phái đoàn, lần này Viện chủ trương chỉ tặng tiền, mỗi phần quà nâng lên thành 150.000 đồng VN (một trăm rưởi nghìn). Hiện nay mực nước rút rất chậm, theo công bố của Nhà nước, ít nhất đến cuối tháng 12 dương lịch nước mới rút hết. Ở An Giang mực nước còn cao tới 4 thước 29! Đồng bào lâm nạn rất cần xuồng để đi dộng và làm nơi trú thân. Đợt đầu, Viện đã đặt mua 200 chiếc xuồng, mỗi chiếc trị giá 500.000 đồng VN (năm trăm nghìn).

Vậy tôi xin cất lời kêu gọi chư Mạnh Thường Quân trong và ngoài nước hỗ trợ công tác phát xuồng và phát tiền này. Mỗi chiếc xuồng là một chốn lưu thân trên nước lũ; mỗi phần tiền là những lần độ nhật cho một gia đình lâm nạn.

Ở hải ngoại, tiền bạc cứu trợ kính xin chư Tôn Đức, quí Phật tử và quí Đồng bào viết chi phiếu đề tên “Ban Từ thiện Xã hội VHĐ” (Viện Hóa Đạo) và gửi về địa chỉ:

Văn phòng II Viện Hóa Đạo Chùa Diệu Pháp 424 S. Ramona Avenue, Monterey Park, CA 91754 Hoa Kỳ

Ban Từ thiện Xã hội của Viện Hóa Đạo ở trong nước sẽ có thư tri ân và biên lai nhận tiền gửi đến quí Liệt vị mỗi khi nhận được.

Nay Thông bạch.
Làm tại Thanh Minh Thiền viện
Phật lịch 2544 Ngày 16 tháng 10 năm 2000
Viện trưởng Viện Hóa Đạo,
(ấn ký) Sa môn THÍCH QUẢNG Độ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.