Hôm nay,  

Một Trường Hợp Tử Vong Có Nhiều Nghi Vấn

26/08/200000:00:00(Xem: 4221)
Ngày 2 tháng 6 vừa qua, hiền thê của anh Lê Minh Cảnh hiện ngụ tại số nhà 42 Elizabeth Crescent, Goodna, Queensland là chị Nguyễn Thị Tuyết Vân chuyển bụng sanh đứa con thứ ba, và được xe cứu thương đưa vào bệnh viện Mater Mothers ở Queensland. Theo lời của bệnh viện thì chị Vân được xe cứu thương bàn giao cho bệnh viện lúc 7 giờ 30 sáng. Tuy nhiên đến 8 giờ 10 phút khi anh Lê Minh Cảnh đến bệnh viện để chờ tin vợ sanh, thì được bệnh viện báo cho biết rằng cả vợ lẫn đứa con chưa sanh của anh đã ra người thiên cổ. Sau khi nghiên cứu cẩn thận mọi chi tiết liên quan đến trường hợp tử vong của hai mẹ con chị Vân, Sài Gòn Times nhận thấy rằng nội vụ có nhiều điểm rất đáng nghi ngờ cần phải được làm sáng tỏ. Mặc dầu sự việc xảy ra đã khá lâu, sau khi tiếp xúc và được sự đồng ý của anh Lê Minh Cảnh, Sài Gòn Times quyết định thực hiện bài phóng sự này hầu hỗ trợ anh Cảnh cùng thân nhân trong nỗ lực tìm hiểu những yếu tố, cũng như trách nhiệm liên quan đến cái chết thương tâm của hai mẹ con chị Vân.

*

Cách đây ít lâu tôi có dịp được mời đi dự một cuộc họp với giới chức y tế của tiểu bang NSW, liên quan đến việc đưa các hoạt động của các thầy thuốc đông y vào nề nếp. Trong cuộc họp đại diện bộ y tế tiểu bang cho biết mục đích chính của nỗ lực này là nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho những người sử dụng các dịch vụ khám và chữa bệnh bằng đông y. Đồng thời cũng tạo cơ sở cho việc truy tố và quy trách nhiệm khi việc tranh chấp giữa thầy thuốc đông y và bệnh nhân được đưa ra trước tòa án. Cuộc họp nhạt nhẽo và chẳng đi đến đâu.

Cuối cùng một vị đại diện cho một hội thực hành đông y, với một tác phong đáng kính và bằng một thứ tiếng Anh lưu loát đã đọc cho những người tham dự cuộc họp hôm đó nghe một thống kê của bộ y tế NSW, cho thấy những lời than phiền của bệnh nhân đối với thầy thuốc đông y chỉ là một con số bé nhỏ so với số lượng khổng lồ những than phiền của bệnh nhân đối với bệnh viện, và các thầy thuốc Tây Y. Sau khi nghe các con số thống kê đó, cuộc họp chấm dứt không kèn không trống.

Không ai lấy làm lạ gì với những sai sót do bệnh viện và các bác sĩ Tây y gây ra đối với sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân khắp nơi trên nước Úc. Gần đây báo Daily Telegraph cho biết những sai sót đó hàng năm ngốn công quỹ của chính phủ đến 6 triệu đô la. Số tiền sáu triệu đô la tuy lớn nhưng chẳng thấm béo gì so với những chịu đựng của các bệnh nhân và sự mất mát của gia đình và thân nhân của những người là nạn nhân của các sai sót nói trên. Khi một bệnh nhân bị tai nạn hay chết tại bệnh viện, đương nhiên vấn đề cần phải làm sáng tỏ là tai nạn hay cái chết đó là do bệnh viện gây ra hay là do bệnh trạng của người bệnh vượt ra ngoài khả năng cứu chữa của bệnh viện.

Trở lại trường hợp anh Lê Minh Cảnh, sau khi vợ con cùng chết một lượt, rõ ràng anh có quyền được bệnh viện cho biết mọi chi tiết liên quan đến cái chết, kèm theo mọi lời giải thích thỏa đáng nhất. Tuy nhiên cho đến lúc này những yêu cầu hợp lý đó của anh Cảnh đã không hề được đáp ứng theo đúng nguyện vọng của anh.

Theo lời tường thuật của anh Cảnh, lúc 5 giờ 30 sáng ngày 4.6.2000 chị Vân, vợ anh Cảnh chuyển bụng và bảo chồng gọi xe cứu thương đưa chị vào bệnh viện chờ sanh. Theo tính toán của chị Vân thì ngày hôm đó là ngày đứa con trong bụng chị sẽ chào đời. Theo lời mô tả của anh Cảnh thì lần này là lần mang thai thứ ba của vợ anh. Trong cả ba lần mang thai chị Vân đều khỏe mạnh và hai lần trước chị đều sinh nở bình thường, mẹ tròn con vuông không hề có tai biến gì. Bản thân chị Vân cũng không hề có bệnh tật gì khác trong quá trình thai nghén. Trong thời gian có thai chị được bệnh viện Mater Mothers theo dõi và các nữ hộ sinh tại khoa sản của bệnh viện này khẳng định rằng thai nhi phát triển bình thường và sức khỏe của chị Vân cũng trong tình trạng hoàn hảo. Ngày trước khi chuyển bụng, chị Vân vẫn thấy trong người vui vẻ và còn đòi anh Cảnh chở đi chơi, thăm bạn bè.

Lúc 6 giờ sáng xe cứu thương đến. Các nhân viên y tế đã thăm khám tại chỗ cho chị Vân và sau khi lấy mạch, nhiệt độ, đo huyết áp cho chị Vân và nghe tim thai, nhân viên y tế cho anh Cảnh biết, tình trạng sức khỏe của chị Vân và thai nhi hoàn toàn tốt. Một trong các nhân viên xe cứu thương sau khi nghe tim thai nhi còn nói đùa với gia đình chị Vân là đứa bé đang nói chuyện với anh nhưng anh không hiểu, vì có lẽ nó đang nói chuyện bằng... tiếng Việt. Sau khi kiểm tra sức khỏe xong, các nhân viên đưa chị Vân về bệnh viện Mater Mothers để chuẩn bị sanh. Cùng đi với chị Vân là đứa con trai Lê Minh Cường 14 tuổi đang học lớp tám trường St Peter Claver. Anh Cảnh phải ở nhà lo đóng cửa ngõ và sẽ cùng đứa con gái là Lê Thị Thanh Thảo lái xe đến bệnh viện sau. Xe cứu thương rời nhà anh Cảnh lúc 6 giờ 30 phút.

Trong bài viết của mình đang trên báo The Sunday Mail, nhà báo Ian Haberfield cho biết chị Vân được đưa vào phòng sinh của khoa sản bệnh viện Mater Mothers vào khoảng từ 7 giờ đến 7 giờ 30 sáng. Khi trao đổi với anh Cảnh chúng tôi được biết đoạn đường từ nhà anh đến bệnh viện thông thường chỉ lái xe chừng 25-30 phút. Vào lúc sáng sớm đoạn đường này thường bị kẹt xe, tuy nhiên vấn đề kẹt xe không thể xảy ra đối với xe cứu thương được. Vì thế thời điểm chị Vân vào phòng sinh theo ghi nhận của nhà báo Ian Haberfield là có thể tin cậy.

Sau khi xe cứu thương đi khỏi, anh Cảnh dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị vài món đồ mang theo và cùng con gái rời khỏi nhà lúc 7 giờ 10 phút. Do bị kẹt xe, anh đến bệnh viện lúc 8 giờ 10 phút. Tại đây, anh bàng hoàng khi nhận tin vợ và đứa con sơ sanh đã chết. Theo tuyên bố của bệnh viện Mater Mothers thì hai mẹ con chị Vân đã được ghi nhận tử vong lúc 8 giờ 5 phút, tức là 35 phút sau kể từ khi nhập viện.

Tại phòng chờ sanh chị Vân được một y tá có vóc dáng bề ngoài của người Á Châu trông coi. Nữ y tá này tên là Barbara Soong. Theo con trai của anh Cảnh là cháu Cường thì cô y tá này chẳng có vẻ gì quan tâm đến chị Vân vừa được đưa vào phòng. Theo lời cháu Cường thì ngay khi vào phòng chờ sanh, chị Vân đã liên tục kêu đau bụng dữ dội và 5 lần tất cả chị bảo cháu Cường nói với cô y tá là chị cần bác sĩ khám cho chị gấp. Mỗi lần cháu Cường nói lại với cô y tá Barbara Soong bằng tiếng Anh lời yêu cầu của mẹ cháu, là mỗi lần cô y tá này thản nhiên bảo: "Cứ nằm yên chờ đó. Chưa đến giờ sanh đâu". Khi chị Vân kêu lạnh, thì cô y tá liệng cho chị Vân một chiếc mền để đắp lên người. Hình như chị Vân lúc đó đã cảm thấy điều gì không lành, và khi không thấy bác sĩ đến, chị bảo cháu Cường hãy đọc kinh cầu nguyện cho chị.

Một lúc sau có hai cô y tá khác bước vào phòng. Sở dĩ chúng tôi dùng chữ "hai cô y tá khác" vì theo cháu Cường tường thuật thì cả hai cô này cũng mặc đồng phục màu xanh y như cô y tá Á Châu tên Barbara Soong, tuy nhiên hai cô sau này thì có vóc dáng của người Úc. Sau khi vào khám cho chị Vân, hai cô y tá mới này một người tên là Sherilyn Ruthenberg và một người tên là Julie Bray đã hoảng hốt lật đật cho chị Vân thở oxygen và chạy đi gọi bác sĩ. Ngay sau đó một đám bác sĩ có đến 10 người chạy vào phòng và cháu Cường được yêu cầu rời khỏi phòng để cho các bác sĩ làm việc.

Theo lời của giáo sư Jeremy Oats do nhà báo Ian Habberfield trường thuật trên tờ The Sunday Mail thì ông này trình bày sự việc như sau: "Bệnh nhân vừa nhập viện đã được các y tá và nhân viên y tế nhiều kinh nghiệm thăm khám và trong khi thăm khám người ta đã không nghe được tim của thai nhi đập. Tiếp đó tình trạng sức khỏe của bệnh nhân suy sụp nhanh chóng. Các bác sĩ chuyên khoa đã lập tức đến và việc hô hấp nhân tạo được tiến hành ngay sau đó." Cũng theo giáo sư Oats thì "một cuộc mổ cấp cứu để đưa thai nhi ra ngoài được tiến hành theo đúng hướng dẫn đối với một phụ nữ có thai giai đoạn cuối đang được làm hô hấp nhân tạo. Khi mổ ra, có những dấu hiệu rõ ràng rằng bệnh nhân đã bị xuất huyết nội tạng trầm trọng có khả năng là do đứt một động mạch lớn." Vị giáo sư sản khoa này cũng khẳng định là do tình trạng mất máu trầm trọng như thế, không thể cứu được bệnh nhân và thai nhi dù với bất cứ nỗ lực nào và cái chết của hai mẹ con chị Vân là không thể tránh được!

Khi anh Cảnh đến bệnh viện cùng với con gái thì được nhân viên bệnh viện bảo ngồi chờ không hề cho biết chuyện gì đã xảy ra cho vợ con anh. Đến 10 giờ sáng anh được đưa đến gặp giáo sư Jeremy Oats, chủ nhiệm khoa sản của bệnh viện Mater Mothers. Ông này nhờ một nữ bác sĩ gốc Việt tên là Tô Bảo Anh làm thông dịch và báo với anh Cảnh rằng vợ con anh đã chết. Thông qua bác sĩ Anh, ông Oats giải thích sơ bộ rằng chị Vân bị đứt động mạch bụng và máu tràn ra trong bụng làm thai nhi chết vì bị ngộp. Vì bệnh nhân đến bệnh viện quá chậm cho nên các bác sĩ đã không thể nào cứu được hai mẹ con chị Vân. Tiếp đó anh Cảnh đã gặp cô ý tá tên Barbara Soong. Vừa mới gặp anh, cô này đã lên tiếng quở trách anh rằng vì sao anh không chịu xin phiên dịch trước khi đưa vợ vào bệnh viện. Khi anh Cảnh giải thích là cháu Cường được gửi theo với mục đích chính là giúp mẹ nói chuyện với nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên y tá Soong cho biết cô ta không muốn nghe những gì cháu Cường nói vì cho rằng cháu chỉ là một đứa con nít và cô ta không thể nghe một đứa con nít nói được. Sau đó giáo sư Oats đã nhờ một phiên dịch của bệnh viện tên là Bạch Phượng để giải thích trở lại nguyên nhân cái chết của mẹ con chị Vân. Trong cuộc nói chuyện này khi anh Cảnh hỏi vì sao vợ anh vào sanh không được bác sĩ khám và chăm sóc. Giáo sư Oats đã trả lời rằng mặc dầu không có bác sĩ nhưng các y tá đó còn giỏi hơn cả bác sĩ nữa (nguyên văn lời bác sĩ Oats - Buổi nói chuyện này được anh Cảnh ghi âm và thu hình).

Ngày 4.7.2000 anh Cảnh lại được giáo sư Oats mời lên nói chuyện thông qua một phiên dịch. Trong lần này ông giáo sư chủ nhiệm khoa tuyên bố rằng đứa con trong bụng chị Vân đã chết trước khi đến bệnh viện và cho biết trong ba cô y tá nói trên có một người là bác sĩ" Cũng như lần trước, buổi nói chuyện được thu hình và ghi âm. Mục đích chính của lần gặp mặt này là bệnh viện sẽ đưa cho anh Cảnh kết quả xét nghiệm tử thi của hai mẹ con chị Vân, và giải thích chính xác những gì đã xảy ra đối với hai cái chết nói trên. Tuy nhiên cho đến giờ phút này, anh Cảnh chưa từng nhận được bất cứ một văn bản pháp lý nào liên quan đến kết quả mổ giảo nghiệm tử thi của hai mẹ con chị Vân.

Ngày 6.8.2000 bệnh viện mời gia đình anh Cảnh đến tham dự một thánh lễ cầu nguyện cho hai mẹ con của chị Vân. Theo lời của anh Cảnh thì đây là một ngoại lệ vì trước đây bệnh viện này chưa từng tổ chức một thánh lễ cầu nguyện cho bất cứ bệnh nhân nào tử vong tại đây.

Sau khi xem xét mọi chi tiết nêu trên chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề cần được nêu ra như sau:

Trong cuộc nói chuyện với anh Cảnh ngày 4.7.2000 giáo sư Oats bảo với anh Cảnh rằng thai nhi đã chết trong bụng chị Vân trước khi đến bệnh viện. Như trên chúng tôi đã ghi nhận rằng nhân viên xe cứu thương đến khám cho chị Vân xác nhận rằng sức khỏe của chị và thai nhi đều tốt. Sau khi thăm khám chắc chắc họ đã ghi lại trong hồ sơ mạch, nhiệt, huyết áp của chị Vân là bao nhiêu và tim thai nhi đập một trăm mấy chục lần một phút. Hồ sơ xe cứu thương là một văn bản pháp lý và không biết ông giáo sư Oats đã xem hồ sơ do xe cứu thương bàn giao lại cho bệnh viện hay chưa" Phải chăng ông Oats cho rằng thai nhi đã chết trong bụng mẹ khi cả hai mẹ con còn trên xe cứu thương"

Nếu các bác sĩ và y tá của khoa sản biết rằng thai nhi đã chết trong bụng mẹ thì làm gì có những đoạn đối thoại như "Cứ nằm yên chờ đó. Chưa đến giờ sanh đâu" giữa chị Vân và cô y tá tên Barbara Soong. Nếu thai nhi đã chết trong bụng mẹ thì vì sao các bác sĩ chuyên khoa phải tiến hành mổ lấy thai cấp cứu" Ai cũng biết rằng mổ lấy thai (Caesarian section) là một thủ thuật sản khoa nhằm để cứu sống thai nhi trong trường hợp sản phụ không thể sanh tự nhiên được hay để cứu thai nhi trong trường hợp sản phụ đã chết mà thai nhi vẫn còn sống. Theo như lời mô tả của giáo sư Oats thì thai nhi đã chết. Vậy thì 30 phút sau các bác sĩ chuyên khoa nói trên tiến hành Caesarian section để cứu một cái xác chết của thai nhi trong bụng chị Vân hay sao" Nếu thai nhi đã chết thì lúc đó ưu tiên cứu mẹ hay là việc lấy cái xác chết trong bụng ra"

Một điểm mâu thuẫn khác trong các lời giải thích của giáo sư Oats thai nhi chết vì chị Vân bị đứt một mạch máu lớn trong bụng. Chị bị xuất huyết nội tạng nặng và vì người mẹ mất máu nặng, thai nhi cũng bị thiếu oxygen dẫn đến cái chết của thai nhi. Tuy nhiên nếu quả thật chị Vân bị đứt một mạch máu lớn trên đường đến bệnh viện thì chị phải có những dấu hiệu quan trọng mà tại phòng nhận bệnh các bác sĩ nội trú phải phát hiện những dấu hiệu lâm sàng của chị Vân trước khi nhận ra các dấu hiệu của thai nhi. Cụ thể khi chị Vân bị đứt một mạch máu lớn như thế, chị phải có những biểu hiện về huyết áp bị tụt do giảm thể tích máu trong cơ thể và tinh thần rất hốt hoảng (hypovolaemic shock). Tại sao các y tá, bác sĩ nội trú chẳng phát hiện gì những triệu chứng xuất huyết của chị Vân mà lại chỉ phát hiện tim thai nhi không đập" Người mẹ phải mất máu một thời gian thì thai nhi mới bị ảnh hưởng. Trong thời gian đó chắc chắn sản phụ đã có những triệu chứng của xuất huyết nội tạng trầm trọng.

Nói tóm lại nếu thai nhi chết trước khi đến bệnh viện thì điều đó chứng tỏ rằng chị Vân bị xuất huyết trước khi đến bệnh viện và bệnh viện chẳng phát hiện gì triệu chứng xuất huyết của chị Vân. Còn nếu chị Vân bị xuất huyết tại bệnh viện quá nhanh làm bệnh viện không trở tay được, thì thai nhi phải chết trước khi đến bệnh viện vì một lý do khác. Giáo sư Oats giải thích như thế nào về vấn đề mà chúng tôi vừa nêu trên" Chúng tôi xin nhấn mạnh thêm rằng trong khi nằm tại bệnh viện, chị Vân đã kêu van lạnh và y tá chỉ đưa cho cái mền. Lạnh là một dấu hiệu khác của choáng giảm thể tích máu (hypovolaemic shock) mà cô y tá tên Barbara Soong đã bỏ qua không lưu ý. Với một cái thai lớn đến 4.2 kg, nhiều biến chứng sản khoa có thể xảy ra kể cả việc đứt một mạch máu lớn. Tuy nhiên để cho một bệnh nhân xuất huyết nằm chờ hơn 30 phút không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời là trách nhiệm của bệnh viện Mater Mothers.

Cho đến giờ phút này bệnh viện Mater Mothers chưa hề đưa cho gia đình anh Cảnh xem bất cứ một bằng chứng nào rằng thai nhi đã chết trước khi đến bệnh viện như hồ sơ ghi lại mạch, huyết áp của chị Vân, và nhịp tim của thai nhi. Họ cũng chẳng hề đưa văn bản kết quả giám định y khoa sau khi mổ tử thi của hai mẹ con chị Vân. Một điểm khác nữa là giáo sư Oats trong lần nói chuyện đầu tiên xác nhận rằng "dù không có bác sĩ nhưng mấy cô y tá đó còn giỏi hơn cả bác sĩ nữa". Trong lần nói chuyện tiếp theo với anh Cảnh ông Oats lại khẳng định rằng một trong ba cô mặc đồng phục màu xanh đó có một cô là nữ bác sĩ. Tuy nhiên ông từ chối không nói tên của vị nữ bác sĩ này cho anh Cảnh biết. Nếu quả thật giáo sư Oats cho rằng y tá của ông còn giỏi hơn cả bác sĩ nữa thì tại sao ông không ra lệnh cho mấy cô y tá đó làm hô hấp nhân tạo hay mổ lấy thai ra mà hốt hoảng chạy đi gọi một lô một lốc bác sĩ đến làm gì" Tại sao lại có sự bất nhất trong những lời giải thích của ông Oats đối với gia đình của anh Cảnh" Phải chăng ông Oats đang cố tình che giấu điều gì"

Một điểm nữa có liên quan đến cô y tá Barbara Soong. Cô này nói với anh Cảnh rằng tại sao anh lại không xin phiên dịch trước khi đưa vợ đến bệnh viện. Cô ta cũng nói thêm là cô ta không thích nghe lời nói của cháu Cường vì nó là con nít. Chuyện này thật hiếm có trong hệ thống bệnh viện Úc. Theo chúng tôi được biết bác sĩ và y tá Úc thường rất sẵn lòng dùng thân nhân của bệnh nhân làm phiên dịch cho họ. Chỉ có khi nào họ không dùng được thân nhân họ mới cần một thông phiên dịch có bằng cấp hẳn hoi. Hơn nữa cô Barbara Soong quên rằng vào ngày hôm đó trong bệnh viện có một thông dịch Việt nam làm thiện nguyện là cô Bạch Phượng. Cô này đang làm việc ở tầng hai và sau đó được bác sĩ Oats mời xuống để làm thông dịch cho ông nói chuyện với anh Cảnh. Y tá Barbara Soong phải chăng đã kiếm cách để đổ một phần trách nhiệm lên cho chị Vân và anh Cảnh vì tội không nói được tiếng Anh với cô ta"

Với tư cách một cơ quan truyền thông, chúng tôi nhận thấy rằng lời giải thích của giáo sư Jeremy Oats là thiếu khách quan, thiếu những bằng chứng về chuyên môn y học và thiếu những bằng chứng về pháp lý liên quan đến cái chết của hai mẹ con của chị Vân. Chúng tôi hiểu rằng mọi bệnh viện đều có chính sách bảo vệ nhân viên của mình, tìm cách tránh né tối đa những trách nhiệm đối với bệnh nhân, luôn luôn làm mọi việc để bảo vệ tiếng tăm của bệnh viện và tránh những kiện tụng có thể dẫn đến việc bồi thường. Tuy nhiên sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân và sự thỏa mãn hoàn toàn của thân nhân và gia đình của họ phải được đặt lên trên hết. Sau cái chết của vợ con của mình, ngoài sự đau đớn mất mát mà bệnh viện Mater Mothers không thể nào chia xẻ được, họ phải có trách nhiệm làm cho anh Cảnh hiểu một cách chính xác mọi chi tiết liên quan đến cái chết của vợ con. Mọi câu hỏi của anh Cảnh và thân nhân phải được bệnh viện trả lời thành thật nhất, thỏa đáng nhất với đầy đủ giấy tờ và bằng chứng pháp lý lẫn y học.

Anh Cảnh là một người không rành rõi tiếng Anh để có thể trực tiếp thảo luận vấn đề cái chết của vợ con anh với giáo sư Oats. Cũng có thể anh không rành lắm về thủ tục hành chính và pháp lý của bệnh viện. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng giáo sư Oats, khoa sản và bệnh viện Mater Mothers không thể lợi dụng những yếu điểm trên của anh Cảnh để không trả lời những sự việc mà họ có trách nhiệm phải trình bày minh bạch.

Chúng tôi tin rằng giáo sư Jeremy Oats, bệnh viện Mater Mothers và bộ y tế tiểu bang Queensland phải có trách nhiệm tiến hành điều tra cái chết của hai mẹ con chị Vân đến nơi đến chốn. Nếu cái chết của hai mẹ con chị Vân, theo các kết quả giám định y học là có thể ngăn chận được, giới chức y tế Queensland cần phải có một thông báo chính thức nêu rõ ai là người chịu trách nhiệm trong hai trường hợp tử vong thương tâm này.

Lê Thảo Minh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.