Hôm nay,  

10 Điểm Nghi Vấn Quanh Cái Chết Thương Tâm Của Hai Mẹ Con Chị Vân

26/08/200000:00:00(Xem: 4323)
Bệnh viện Mater Mother's Hospital (MMH) tại phía nam Brisbane là một trong những bệnh viện lớn, trang bị hiện đại vào bậc nhất Úc Đại Lợi. Với số lượng 126 giường bệnh, bệnh viện MMH cung cấp đầy đủ các tiện nghi cùng dịch vụ y tế cần thiết cho các sản phụ trong giai đoạn trước, trong và sau khi sanh. Theo tài liệu của bệnh viện, trung bình mỗi năm, khoảng 4800 phụ nữ tin tưởng chọn bệnh viện MMH làm nơi sanh nở. Bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ sanh nở bình thường, bệnh viện MMH còn là nơi có các chuyên viên y tế đặc biệt chăm lo những trường hợp sản phụ gặp khó khăn trong khi sanh, hoặc những trẻ sơ sanh không được bình thường. Riêng với cộng đồng Việt Nam tại tiểu bang Queensland cũng như vùng phía bắc của tiểu bang NSW, bệnh viện MMH còn là nơi chứng kiến tiếng khóc chào đời của cả ngàn trẻ Việt Nam trong thời gian trên dưới hai chục năm qua.

Chính vì uy tín, danh tiếng và truyền thống của bệnh viện tốt đẹp như vậy, nên đầu tháng 6 vừa qua, đông đảo mọi người trong cộng đồng Việt Nam tại Brisbane đã bàng hoàng, ngạc nhiên và đau đớn khi hay tin, trong khi nhập viện để sanh nở, cả hai mẹ con chị Tuyết Vân đã cùng qua đời tại bệnh viện MMH. Điều lạ lùng và đau đớn hơn, là cho đến nay đã gần 3 tháng trôi qua, anh Lê Văn Cảnh, chồng của chị Tuyết Vân, vẫn không nhận được bất cứ lời giải thích thỏa đáng nào từ phía bệnh viện, mặc dù anh đã có rất nhiều nghi vấn quanh cái chết của vợ và con...

Theo lời kể của anh Cảnh, hai vợ chồng anh đã có hai con, một trai và một gái. Vì vậy khi mang bầu đứa con thứ ba, anh chị Cảnh hoàn toàn yên tâm chờ đợi ngày chào đời của cháu. Trong thời gian chờ đợi, chị Vân thường xuyên đi khám thai tại bệnh viện MMH. Đến ngày 2 tháng 6 vừa rồi, chị Vân chuyển dạ. Tính ngày tháng, chị có thai vừa đúng 40 tuần, nên cả hai vợ chồng tin tưởng ngày chị Vân sanh cháu đã tới. Vì vậy, anh Cảnh đã gọi xe cứu thương chở chị Vân vô bệnh viện MMH. Cùng đi với chị Vân có cháu Cường, con trai của chị, 14 tuổi đang học lớp 8. Kể từ lúc nhập viện cho đến lúc nhắm mắt qua đời, trong khoảng thời gian từ hơn nửa tiếng đến ngót một tiếng đồng hồ, chị Vân đã trải qua những trận đau khủng khiếp, và đã 5 lần chị khẩn khoản nhờ con nói với y tá cho chị gặp bác sĩ nhưng vẫn không được gặp. Hậu quả, khi biết mình không thể sống nổi, chị Vân đã thều thào bảo con trai đọc kinh cầu nguyện cho chị... Và trong tiếng kinh cầu nghẹn ngào, nức nở của người con trai, thân thể của chị dần dần nguội lạnh và tê dại... Cho đến lúc đó, y tá mới nhận thức được tầm mức nguy kịch của chị nên vội vàng chạy đi gọi bác sĩ... Khi bác sĩ tới nơi, mọi chuyện đã quá muộn nên không những chị Vân phải vĩnh biệt trần thế trong nỗi đau đớn mà ngay cả hài nhi trong bụng mẹ cũng tím bầm, bất động, mất hết sự sống, mặc dù đó là ngày đáng lẽ em được cất tiếng khóc chào đời...

Sau khi trò chuyện với anh Cảnh qua điện thoại, tham khảo các thư từ, tài liệu được anh Cảnh gửi tới, chúng tôi nhận thấy quanh cái chết của hai mẹ con chị Vân quả thực có nhiều câu hỏi cần phải được nêu lên để giới chức hữu trách của bệnh viện cũng như bộ y tế tiểu bang Queensland, đứng đầu là nữ bộ trưởng Wendy Edmond, có bổn phận làm sáng tỏ. Đặc biệt, khi gọi điện thoại cho văn phòng bà Wendy Edmond, nữ bộ trưởng y tế tiểu bang Queensland, chúng tôi được trò chuyện với ông Steve Rous, cố vấn báo chí của bà bộ trưởng, và được ông cho biết, bà bộ trưởng biết chuyện đó nhưng đó là chuyện xảy ra tại bệnh viện tư. Nghe vậy, chúng tôi rất ngạc nhiên vì thứ nhất, theo chúng tôi biết, bệnh viện Mater Hospital là một tập hợp bao gồm nhiều bệnh viện trong đó có bệnh viện sản phụ khoa công gọi là Mater Mothers' Public Hospital với 126 giường bệnh; và bệnh viện sản phụ khoa tư gọi là Mater Mothers' Private Hospital với 84 giường bệnh. Theo lời kể của anh Cảnh và giấy tờ của bệnh viện cũng như bài viết đăng trên báo The Sunday Mall số đề ngày 30 tháng 7 vừa qua, thì hai mẹ con chị Vân đã qua đời tại bệnh viện công, được gọi tắt là Mater Mothers' Hospital, chứ không phải tại bệnh viện tư như ông Steve Rous đã nói. Lý do thứ hai, dù là chết tại bệnh viện công hay tư, cái chết của cả hai mẹ con chị Vân đều phải được sự quan tâm của bộ y tế và bà bộ trưởng y tế Wendy Edmond.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy thái độ thờ ơ của các cơ quan truyền thông Úc trước cái chết của hai mẹ con chị Vân. Riêng tờ The Sunday Mall có bài viết về cái chết của hai mẹ con chị Vân nhan đề "Anger at death of mother and baby". Tuy nhiên, trong bài viết, tác giả Ian Haberfield chỉ thuần túy tường thuật sự việc theo lời trình bầy của hai bên, mà quên mất những mâu thuẫn về thời gian, những phi lý về các sự kiện quanh cái chết đầy thương tâm của hai mẹ con chị Vân.

Là những người Việt tỵ nạn, được định cư tại Úc, chúng ta vô cùng biết ơn đất nước, chính phủ và dân tộc Úc. Xuất phát từ lòng biết ơn đó, chúng ta có bổn phận lên tiếng đòi hỏi sự thưởng phạt công minh của công lý, sự đối xử bình đẳng của các cơ quan, tổ chức, công cũng như tư. Thái độ rụt rè, lo ngại hoặc sợ hãi, không dám lên tiếng trước những điều mình cho là oan ức, là sai trái, sẽ tạo điều kiện cho những sai trái, vô trách nhiệm nảy nở trên đất Úc. Như vậy vô hình chung, chúng ta đã bội ơn đối với đất nước, dân tộc đã cưu mang chúng ta.

Chúng tôi thành thực tin rằng, có làm sáng tỏ nguyên nhân cùng trách nhiệm dẫn đến cái chết của hai mẹ con chị Vân, ta mới có thể ngăn ngừa được những bi kịch tương tự trong tương lai, đồng thời tạo được niềm tin trong cộng đồng người Việt cũng như Úc đối với bệnh viện MMH và hệ thống y tế của tiểu bang Queensland.

Nhận thấy sự chậm trễ và thờ ơ của các cơ quan hữu trách, đồng thời thấy được tầm quan trọng của việc nêu lên những câu hỏi quanh cái chết của hai mẹ con chị Vân nên một mặt tòa soạn yêu cầu anh Lê Thảo Minh viết bài phân tích sự việc, một mặt qua điện thoại, fax, email, chúng tôi đã trình bầy những thắc mắc với bộ trưởng y tế Queensland Wendy Edmond, bộ trưởng y tế đối lập Fiona Simpson, và ông Brian Forbes, quyền giám đốc điều hành bệnh viện MMH. Trong số báo tuần này, chúng tôi sẽ đăng bài phân tích của đặc phái viên Lê Thảo Minh, bài viết về 10 điểm nghi vấn quanh cái chết hai mẹ con chị Vân của Hữu Nguyên. Trong những số tới, nếu có sự trả lời từ các cơ quan, giới chức liên hệ, chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải cống hiến qúy độc giả. Sau đây là 10 điểm then chốt cần được nêu lên quanh cái chết thương tâm của hai mẹ con chị Tuyết Vân.

*

Sau khi trò chuyện với anh Cảnh, nghiên cứu các tài liệu được anh Cảnh gửi tới và tham khảo một số vị có bằng cấp chuyên môn trong cộng đồng, tôi nhận thấy quanh cái chết của hai mẹ con chị Vân có nhiều điểm cần phải được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin nêu lên 10 điểm then chốt.

Điểm thứ nhất, tại sao trong suốt thời gian hơn nửa tiếng đồng hồ, chị Vân đau bụng quằn quại, và đã 5 lần chị nhờ con trai nói với cô y tá gọi bác sĩ, nhưng cô y tá vẫn không chịu gọi bác sĩ" Cô y tá coi thường lời khẩn cầu của bệnh nhân, hay vì quá tự tin vào khả năng, kiến thức chuyên môn của mình nên cô y tá thấy sự hiện diện của bác sĩ là không cần thiết" Nếu sản phụ trong phòng đẻ hôm đó không phải là chị Vân mà là một người khác có tên Ann, Jane, Sharon... không hiểu thái độ của cô y tá có thờ ơ như vậy hay không"

Điểm thứ hai, theo lời anh Cảnh, anh đã hỏi câu hỏi trên với ông Brian Forbes, người nắm quyền giám đốc điều hành bệnh viện, thì được ông này trả lời là tại vì y tá thấy việc sanh đẻ của chị Vân là bình thường, nên không cần phải gọi bác sĩ. Nhưng sự thực, việc sanh đẻ của chị Vân không hề bình thường như cô y tá nhận định. Bằng cớ là trong lá thư gửi cộng đồng Việt Nam, chính ông Jeremy Oats, giáo sư kiêm giám đốc phụ sản khoa tại bệnh viện MMH, đã viết: "Khi nhập viện, nhịp tim của thai nhi đã được kiểm tra nhưng không nghe thấy" (On admission the baby's heartbeat was checked but could not be heard). Trong một đoạn khác, giáo sư Jeremy Oats cũng viết, "Sự đau bụng của bà Nguyễn không tiêu biểu cho sự đau đẻ" (Mrs Nguyen's adominal pain, wich did not seem to be typical of labour pain). Ngoài ra, theo lời anh Cảnh, trong một lần trò chuyện với anh, giáo sư Jeremy Oats còn cho biết, thai nhi đã chết trong bụng chị Vân trước khi chị Vân được nhập viện. Một sản phụ trong tình trạng đau đớn, lại liên tục đòi gặp bác sĩ, trong khi thai nhi trong bụng sản phụ đã chết, làm sao y tá có thể kết luận đây là một ca sanh đẻ bình thường"

Qua những bằng chứng nêu trên ta thấy, nếu nhận xét của cô y tá là đúng, (nghĩa là việc sanh đẻ của chị Vân là bình thường), thì lời tuyên bố của giáo sư Jeremy Oats phải là sai. Và ngược lại nếu lời giáo sư Jeremy Oats là đúng, (nghĩa là không nghe thấy nhịp tim của thai nhi và nỗi đau đớn của chị Vân không phải là đau đẻ) thì việc sanh đẻ của chị Vân không thể là một ca sanh đẻ bình thường. Và như vậy, sự hiện diện của bác sĩ là rất cần thiết, nhất là khi chị Vân đau đớn quằn quại và đã 5 lần khẩn khoản đòi phải có bác sĩ.

Ở đây, mặc dù ta kính trọng tước vị giáo sư kiêm khoa trưởng khoa sản phụ của ông Jeremy Oats, và tin vào sự phán xét của ông, nhưng chúng ta cũng nên biết, chính giáo sư Oats đã khẳng định với anh Cảnh là các y tá đó còn giỏi hơn cả bác sĩ. Và lời khẳng định này của ông đã được anh Cảnh ghi âm. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu, "ba anh thợ giầy họp lại giỏi hơn ông Gia Cát". Như vậy, ba cô y tá với khả năng giỏi hơn bác sĩ, cùng có mặt bên cạnh giường bệnh của chị Vân, e rằng ý kiến của họ cũng quan trọng không kém gì giáo sư Jeremy Oats. Nên nhớ lời khẳng định của ông Oats với anh Cảnh đã được chính anh Cảnh ghi âm và những gì ông Oats viết cũng được chính bệnh viện MMH đánh máy gửi tới tận tay anh Cảnh để anh Cảnh ký. Rõ ràng đây là những mâu thuẫn khó có thể chấp nhận do chính giáo sư Oats đưa ra.

Điểm thứ 3, giáo sư Jeremy Oats khẳng định, đứa con đã chết trong bụng chị Vân trước khi chị nhập viện. Nếu vậy tại sao bác sĩ không khẩn cấp giải phẫu để cứu tính mạng chị Vân ngay khi chị nhập viện, mà lại để chị Vân nằm trong lạnh lẽo đau đớn suốt cả nửa tiếng đồng hồ, mặc dù chị đã 5 lần đòi gặp bác sĩ"

Điểm thứ tư, nếu lời của giáo sư Jeremy Oats vừa nêu trên là đúng, câu hỏi được đặt ra ở đây là, đứa con đã chết trong bụng chị Vân trước khi nhập viện thì chết ở đâu, chết bao giờ" Theo lời kể của anh Cảnh, khi chị Vân được đưa ra xe cứu thương, mọi sự vẫn bình thường và sự bình thường này đã được chính nhân viên xe cứu thương xác nhận (xem chi tiết bài viết của Lê Thảo Minh). Như vậy thai nhi chỉ có thể đã chết trên đường nhập viện. Nhưng nếu quả thực có chuyện đó, thì nhân viên cứu thương có biết hay không" Nếu không thì tại sao không" Khả năng và tinh thần trách nhiệm của nhân viên cứu thương có cần được thẩm định lại hay không" Còn nếu biết đứa con đã chết trên đường tới bệnh viện, tại sao nhân viên cứu thương không cấp báo cho nhân viên bệnh viện biết ngay khi chị Vân nhập viện"

Điểm thứ 5, theo lời của anh Lê Cảnh, xe cứu thương chở chị Vân rời nhà anh Cảnh lúc 6.30 sáng. Theo lời của giáo sư Jeremy Oats, chị Vân nhập viện lúc 7.30 sáng. Đoạn đường từ nhà anh Cảnh tới bệnh viện MMH khoảng 25 cây số, bình thường anh Cảnh chạy mất nửa tiếng. Vậy tại sao cũng trên đoạn đường đó, một xe cứu thương chở chị Vân trong tình trạng trở dạ đẻ, lại mất cả tiếng đồng hồ" Anh Cảnh nhớ sai hay giáo sư Oats nhớ sai" Nếu cả hai đều đúng, chắc chắn xe cứu thương đã gặp trục trặc trên đường di chuyển. Vậy trục trặc này là gì" Tại sao không thấy ai đề cập" Nên nhớ, quanh cái chết thương tâm của hai mẹ con chị Vân, vấn đề thời gian vô cùng quan trọng nên cần phải làm sáng tỏ để biết được thật đích xác, chị Vân đã nhập viện khi nào và khi nào chị qua đời. Chênh lệch một vài phút đồng hồ trong trường hợp này có thể dẫn đến sự hoán chuyển trách nhiệm pháp lý từ cơ quan này sang cơ quan khác. Làm sáng tỏ điều này là chuyện dễ dàng, nhưng không hiểu tại sao, cho đến nay thời gian chị Vân nhập viện vẫn chưa được công bố chính xác.

Điểm thứ 6, đồng ý, chị Vân đã bị xuất huyết trầm trọng trong nội tạng, hậu quả từ một động mạch bị đứt như lời giáo sư Jeremy Oats tuyên bố. Điều này đã khiến cả hai mẹ con cùng qua đời mặc dù đã được các bác sĩ cứu chữa tận tình. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là, chị Vân đã bị xuất huyết trầm trọng từ khi nào" Trước khi nhập viện" Ngay khi nhập viện" Hay sau khi nhập viện" Nếu trước khi nhập viện, tại sao chị không được các bác sĩ cứu chữa tận tình ngay khi chị nhập viện" Tại sao y tá lại thản nhiên để chị nằm đó, mặc dù chị đã đòi gặp bác sĩ tới 5 lần" Còn nếu chị Vân bị xuất huyết trầm trọng ngay khi nhập viện, hoặc sau khi nhập viện thì tại sao y tá, bác sĩ không kịp thời phát hiện, cho dù chị Vân quằn quại kêu đau, và đã 5 lần đòi gặp bác sĩ" Thái độ thờ ơ của y tá là xuất phát từ sự thiếu khả năng và kinh nghiệm trong việc chẩn đoán người bệnh hay do thiếu nhiệt tình và thiếu tinh thần trách nhiệm"

Điểm thứ 7, cuối bài báo đăng trên tờ The Sunday Mall, ngày 30 tháng 7 năm 2000, trang 9, giáo sư Oats khẳng định, "Thật đáng buồn, không có cách nào có thể ngăn cản được cái chết của hai mẹ con" (Sadly, there was no way in which the deaths could have been prevented). Lời tuyên bố của giáo sư Oats chỉ đúng có một nửa. Nói cách khác, câu hỏi được đặt ra ở đây là, nếu các bác sĩ tận tình cứu chữa chị Vân ngay từ khi chị nhập viện, hoặc ngay từ khi chị Vân đòi gặp bác sĩ lần thứ nhất, liệu cả hai mẹ con chị Vân có bị thảm tử hay không" Và trong trường hợp bi quan nhất, liệu trong hai mẹ con, các bác sĩ có thể cứu được một người hay không"

Điều thứ 8, trong lá thư gửi cộng đồng Việt Nam, ông Jeremy Oats, giáo sư khoa trưởng khoa sản phụ có đề cập đến việc "các cô y tá muốn kiếm một vị thông ngôn nhà nghề để có thể chẩn đoán được một cách khách quan sự đau đớn của bà Nguyen, một sự đau đớn có những biểu hiện không tiêu biểu cho sự đau đẻ". Đọc đoạn văn trên, có mấy câu hỏi được đặt ra. Thứ nhất, tại sao một bệnh viện lớn và nổi tiếng có nhiều người Việt đến sanh đẻ như bệnh viện MMH lại không có một thông ngôn tiếng Việt chuyên nghiệp" Hai, tại sao khi đó các y tá không gọi cô Phuong Nguyen, một thông ngôn chuyên nghiệp đang làm việc ở lầu 2" Ba, tại sao trong trường hợp khẩn cấp như vậy, các cô y tá không tận dụng sự có mặt của em Cường, một học sinh 14 tuổi đang học lớp 8" Bốn, khi nghi ngờ sự đau đớn của bà Nguyen không có những biểu hiện tiêu biểu cho sự đau đẻ, tại sao y tá không gọi bác sĩ ngay, nhất là khi bà Nguyen đã 5 lần yêu cầu"

Điểm thứ 9, trong lá thư gửi cộng đồng Việt Nam, ông Jeremy Oats viết, "Việc một thai phụ chết [trong khi sanh] là một sự hiếm hoi tại Úc. Cứ 10,000 thai phụ mới có một trường hợp bị chết như vậy. Chết vì mạch máu bị đứt trong bụng cũng cực kỳ hiếm hoi. Trong thời gian hơn 10 năm qua, tại Úc, chưa có một trường hợp nào tương tự như thế." Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là, trước cái chết vô cùng hiếm hoi của hai mẹ con chị Tuyết Vân, một cuộc điều tra thật kỹ lưỡng có cần thiết và phải thực hiện càng sớm càng tốt hay không" Nếu có, hiện tại cuộc điều tra đã đi đến đâu" Nếu không, thì tại sao không"

Điểm thứ 10, kể từ khi hai mẹ con chị Tuyết Vân qua đời đến nay, một số nhân vật hữu trách của bệnh viện MMH đã công khai coi đó là "số mệnh". Thậm chí, ngay cả giáo sư khoa trưởng Jeremy Oats cũng viết rõ trong thư gửi cộng đồng Việt Nam: "Quả thực, đó là số mệnh" (It was indeed "fate"). Đây là điều giáo sư Jeremy Oats không nên công bố. Đồng ý, nền tảng đức tin khi bệnh viện The Mater thành lập vào năm 1906 là đạo Công Giáo và bản thân gia đình anh Cảnh cũng là gia đình Công Giáo, nhưng trên phương diện trách nhiệm của mỗi người trong việc đời cũng như trên phương diện trị liệu y khoa, giáo sư Jeremy Oats và các nhân viên hữu trách của bệnh viện MMH không thể coi cái chết của hai mẹ con chị Tuyết Vân là "số mệnh".

Thiết nghĩ, bên cạnh niềm tin vào sự xếp đặt của Bề Trên, những người có niềm tin Công Giáo ai ai cũng tin vào sự cố gắng của bản thân cùng nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mỗi người trong mọi hoàn cảnh. Là một vị giáo sư, một nhà khoa học, cho dù có là người thực sự tin vào "số mệnh", chắc chắn giáo sư Jeremy Oats phải thừa nhận, "science is a revolt against fate". Nói cách khác, trong lĩnh vực y khoa trị bệnh cứu người, người bác sĩ phải luôn luôn gạt bỏ niềm tin vào "định mệnh" để có thể làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một vị lương y kiêm từ mẫu. Như vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là, vào buổi sáng ngày 2 tháng 6 vừa qua, những bác sĩ, y tá dưới quyền của giáo sư Jeremy Oats, đã làm tròn trách nhiệm và bổn phận theo đúng lương tâm chức nghiệp của họ chưa" Trong khi chị Vân đang quằn quại đau đớn với một thai nhi đã chết trước khi nhập viện (theo lời của chính giáo sư Jeremy Oats), và chị đã 5 lần đòi gặp bác sĩ, nhưng bác sĩ vẫn không tới, vậy xin hỏi lúc đó, các bác sĩ của bệnh viện đang ở đâu, làm gì" Phải chăng sự vắng mặt của các bác sĩ, thái độ thờ ơ của y tá vào buổi sáng hôm đó cũng là những "số mệnh" nghiệt ngã đầy tính nhân quả dẫn đến cái chết thương tâm của cả hai mẹ con chị Vân"

Gạt bỏ chuyện "số mệnh" sang bên, ta phải thừa nhận, trong lĩnh vực trị bệnh cứu người có 3 điểm then chốt quyết định tính mạng của người bệnh là thời gian phát hiện bệnh trạng, khả năng cùng kiến thức, kinh nghiệm trị liệu bệnh trạng, và tinh thần trách nhiệm trị liệu của bác sĩ cùng thiện chí trị liệu của người bệnh. Một người mắc bệnh nặng như bệnh ung thư mà phát hiện kịp thời vẫn có cơ hội sống sót. Trái lại, một bệnh nhẹ, nếu phát hiện muộn màng, cũng có thể trở thành nguy hiểm, vô phương cứu chữa. Nhìn vào trường hợp chị Tuyết Vân, ta thấy, tình trạng nguy kịch của chị có lẽ đã không được phát hiện và cứu chữa kịp thời, khả năng chẩn bệnh của các cô y tá cũng không giỏi hơn bác sĩ như giáo sư Jeremy Oats tuyên bố, và các cô y tá, khi được người bệnh khẩn khoản đòi gặp bác sĩ tới 5 lần vẫn không chịu gọi bác sĩ, đã chứng tỏ sự thiếu tinh thần trách nhiệm. Trong 3 điểm then chốt trên, chỉ cần một điểm sai cũng đủ gây tử vong cho người bệnh huống hồ, hai mẹ con chị Tuyết Vân đã gặp cả 3 điểm sai, thì tránh sao khỏi sự uổng mạng của cả hai mẹ con.

Hai mẹ con chị Tuyết Vân cùng qua đời vào buổi sáng ngày 2 tháng 6 là cả một nỗi đớn đau, một tổn thất vô cùng to lớn không gì bù đắp nổi cho gia đình anh Cảnh. Trước nỗi đau đớn to lớn đó, rất mong những người có trách nhiệm mạnh dạn lên tiếng nhìn nhận trách nhiệm của mình; những người có bổn phận lãnh đạo bệnh viện, hoặc lèo lái hệ thống y tế của tiểu bang, phải nhanh chóng thực hiện các cuộc điều tra cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề.

Đồng ý, cho dù tất cả mọi người có làm tất cả những gì có thể làm và phải làm, cũng không thể nào làm cho hai mẹ con chị Vân sống lại. Tuy nhiên, nếu mỗi người đều làm được những gì cần phải làm theo đúng trách nhiệm, bổn phận, và lương tâm chức nghiệp, chắc chắn sẽ an ủi phần nào vong linh của hai mẹ con chị Vân, của gia đình anh Cảnh, đồng thời ngăn chặn được những bi kịch tương tự tái diễn trong tương lai. Có như vậy, niềm tin của cộng đồng đối với bệnh viện, cũng như hệ thống y tế tiểu bang mới được thực sự khôi phục và lớn mạnh.

Hữu Nguyên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.