Hôm nay,  

Tội Ác Và Khoa Học - Vũ Khí Mới Lợi Hại Của Khoa Học Hình Sự

10/03/200100:00:00(Xem: 3857)
Công lý như một tấm lưới trời lồng lộng và dù cho Wayne Butler hí hửng tưởng rằng không ai biết đến tội ác của hắn, cuối cùng đã phải ra tòa nhận bản án đền tội. Trong ngày lễ tình yêu Valentine năm 2001 vừa qua, Butler một nhân viên bán xe hơi tại Parramatta đã bị truy tố về tội đã giết chết cô gái Tasha Douty vào năm 1983. Kỹ thuật phân tích phân tử di truyền đã phát hiện những bằng chứng không chối cãi được về hành vi sát nhân của hắn.

Các chuyên gia khoa học hình sự cảnh sát đã tìm thấy các phân tử di truyền DNA của Butler trong một chút xíu tinh dịch còn dính trên một chiếc khăn đỏ. Chiếc khăn này đã được tên sát nhân dùng để che phủ thi thể trần truồng của nạn nhân Tasha Douty. Thật ra Butler không tránh được công lý mà tội ác của hắn chỉ được tạm thời không bị phát hiện trước khi ngành khoa học hình sự phát hiện được một vũ khí mới để chống lại tội ác.

Sau khi xét nghiệm các chuyên gia nhận thấy mẫu phân tử di truyền tìm thấy trong tinh dịch trên chiếc khăn đỏ, hoàn toàn phù hợp với mẫu phân tử di truyền trong máu của Butler. Theo các chuyên viên này thì khó có thể có hai người có phân tử di truyền giống nhau hoàn toàn vì tỷ lệ giống nhau này chỉ là 1 phần 43 ngàn tỉ người trên khắp thế giới. Vụ án Tasha Douty được xem là vụ án giết người lâu nhất nước Úc vừa được giải quyết nhờ vào kỹ thuật phân tích phân tử di truyền.

Việc Butler bị bắt giam trùng khớp với việc một tử tù tại Hoa kỳ vừa được trả tự do chín ngày trước khi bị tử hình, sau khi xét nghiệm phân tử di truyền chứng tỏ rằng anh này vô tội. Vì thế phân tử di truyền là một vũ khí vừa chống lại tội ác vừa dùng để minh oan cho những người vô tội. Earl Washington đã sống 17 năm trong những nhà tù dành cho tội nhân tử hình vì tội hiếp dâm và giết người mà anh ta không hề phạm phải. 17 năm tù của Washington cũng là thời gian mà Butler nhởn nhơ sống tự do sau khi hãm hiếp và giết chết Tasha Douty tại đảo Brampton ở Queensland.

Cho đến nay đã có 80 phạm nhân tử hình tại Hoa kỳ đã được trả tự do sau khi các chuyên gia xét nghiệm phân tử di truyền chứng nhận rằng những người này hoàn toàn vô tội. Chính vấn đề trên đã làm bùng lên một sự phản đối mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ những bản án tử hình. Việc dư luận nghi ngờ rằng đã có nhiều người vô tội bị xử tử đã khiến cho nhiều tiểu bang tại Hoa kỳ hiện nay đình chỉ việc tử hình bằng cách tiêm thuốc độc vào người của tử tội.

Tại Úc phân tử di truyền đã được dùng như một công cụ của viện công tố. Tuy nhiên hiện nay việc xét nghiệm cưỡng bức phân tử di truyền các phạm nhân tại Úc sẽ cung cấp nhiều bằng chứng để minh oan cho những người vô tội. Hiện nay dựa vào bằng chứng phân tử di truyền, những định kiến của cảnh sát Victoria về nghi can Robert Lowe, phạm tội giết người cần phải xem xét lại.

Cho dù không hề có bất cứ nghi vấn nào về tội ác của Lowe sau khi y giết chết nạn nhân Beasley Sheree vào năm 1991. Nhưng các bằng chứng phân tử di truyền đã cho thấy Lowe không nhúng tay vào hai vụ giết người khác mà cảnh sát từ trước đến nay vẫn nghi ngờ.

Cùng với việc sử dụng kỹ thuật phân tử di truyền và thành lập ngân hàng tư liệu phân tử di truyền, tiểu bang NSW cũng là tiểu bang đầu tiên đã thành lập Hội đồng Công Lý Phân tử di truyền để tái xét các vụ án trong đó nghi can được cho là có thể vô tội. Theo bộ trưởng cảnh sát Paul Whelan thì khác với Hoa kỳ, việc sử dụng kỹ thuật phân tử di truyền để cung cấp bằng chứng không đòi hỏi tốn nhiều thời giờ tại Úc.

Trong một vụ án mới nhất tại Hoa kỳ một phụ nữ đã vác chiếc khăn trải giường trong phòng ngủ ra tòa với cáo buộc rằng chồng mình đã gian dối với mình. Bà Nanette Sexton đã vác tấm trải giường ra tòa vạch mặt ông chồng giàu có là Richard Bailey đã ngủ với người đàn bà khác. Giữa hai vợ chồng này trước khi kết hôn đã có ký một thỏa thuận chia gia tài khi ly dị, trong đó nếu người nào phản bội thì chỉ được nhận phần tài sản ít hơn vì phải bồi thường cho người kia. Theo quy định này thì nếu bà Sexton chứng minh được rằng ông Bailey phản bội bà thì sau khi ly dị ngoài số tiền chia theo quy định, ông Bailey phải trả thêm cho bà mỗi tháng 20 ngàn đô la Mỹ tiền bồi thường.

Theo luật sư của bà Sexton là Joel Weissman thì trong 25 năm làm luật sư đây là vụ án đầu tiên kiện chia gia tài dựa trên bằng chứng chính là một chiếc khăn trải giường. Vụ án này cũng chứng minh rằng hiện nay kỹ thuật phân tử di truyền đã được áp dụng rộng rãi trong ngành tư pháp.

Tuy nhiên kỹ thuật phân tử di truyền không những chỉ được dùng trong ngành tư pháp mà nó còn được dùng trong các lãnh vực khác như phát hiện bí mật về sự thông minh của các thiên tài, ứng dụng trong việc chữa trị các bệnh di truyền trong y khoa, bảo vệ tác quyền của các nhà sản xuất, của các nhà chăn nuôi hay trồng trọt. Có thể nói kỹ thuật phân tử di truyền là một ngành khoa học vạn năng mới của nhân loại trong thế kỷ 21.

Mẫu phân tử di truyền DNA đầu tiên được biết đến vào năm 1869 tuy nhiên mãi cho đến năm 1944 thì nó mới có tên gọi hiện nay là Deoxyribonucleic Acid, viết tắt là DNA và tầm quan trọng của nó mới được các khoa học gia hiểu đến. Năm 1986 DNA lần đầu tiên được dùng như bằng chứng trước tòa liên quan đến hai vụ hiếp dâm tại Anh. Trong vụ án này nghi can chính được xử vô tội và nhiều người đã bị buộc phải đi thử DNA sau đó nhờ vào các mẫu DNA này mà tên thủ phạm hai vụ hiếp dâm nói trên đã sa lưới pháp luật.

Chính nhờ các phân tử di truyền này mà các nhà điều tra đã vạch mặt chỉ tên được vị tổng thống "nói dối như vẹm" của Hoa kỳ là Bill Clinton. Trước đó chính Bill Clinton đã thẳng thừng tuyên bố với toàn thể dân chúng Hoa kỳ là "Tôi không hề có quan hệ chăn gối với người đàn bà đó". Tuy nhiên sau đó khi các nhà nghiên cứu hình sự đã dùng chiếc váy màu xanh của Lewinsky Monica và trích lấy một chút xíu tinh dịch còn dính lại trong đó để phân tích. Tiếp đó họ lịch sự yêu cầu ông tổng thống cho xét nghiệm máu và kết quả là tinh dịch trên chiếc váy màu xanh của Monica chính là của ngài tổng thống Clinton.

Qua sự kiện Linda Tripp đã khuyên Monica không nên đem giặt chiếc váy sau đêm mây mưa với tổng thống Clinton cho thấy Linda Tripp cũng như dân chúng Hoa kỳ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phân tích phân tử di truyền.

Một chuyên gia về phân tử di truyền thế giới là tiến sĩ Peter Gunn còn cho rằng trong tương lai phân tử di truyền có thể được ứng dụng vào lĩnh vực tuyển mộ nhân viên và bảo hiểm. Trong năm ngoái các công ty bảo hiểm tại Úc đã tuyên bố bắt đầu nghiên cứu việc buộc các người mua bảo hiểm phải cung cấp các bằng chứng về phân tử di truyền của họ. Trong tương lai tiền đóng bảo hiểm nhân mạng thường cao hơn đối với những người có phân tử di truyền cho thấy họ có thể có những chứng bệnh mà lúc mua bảo hiểm chưa xuất hiện. Hiện nay người ta chỉ dựa trên các bằng chứng như người mua bảo hiểm hút thuốc nhiều, hay có nhiều bệnh đã được ghi trong hồ sơ y tế.

Nhiều ông chồng đã tỏ ra hết sức phấn khởi trước các tin tức về phân tử di truyền vì các ông cho rằng từ nay đã có vũ khí chống lại các bà vợ chuyên nghề cắm sừng chồng. Vừa qua một người đàn ông tại Melbourne đã kiện một bà vợ ra tòa đòi bồi thường vì bà này đã gian dối với ông không thể nào tha thứ được. Hóa ra hai đứa bé mà ông chăm bẵm nuôi dạy và yêu thương từ xưa đến nay, sau khi được xét nghiệm phân tử di truyền, chúng chẳng phải là con của ông, mà là con của hai thằng cha căng chú kiết nào đó. Hiện tại các nhà khoa học cho rằng có đến 10% các trẻ con trong các gia đình không phải là con ruột của các ông bố danh chính ngôn thuận.

Ngân hàng liên bang Úc cũng đang có chương trình nghiên cứu một năm việc dùng các phân tử di truyền để chống lại việc làm giấy bạc giả của bọn tội phạm. Tuy nhiên các khoa học gia cho rằng việc cấy phân tử di truyền vào bề mặt của tờ giấy bạc không có hiệu quả lắm. Tuy nhiên cũng các nhà khoa học trên cho rằng có thể dùng những kỹ thuật phân tử di truyền khác in lên bề mặt của tờ giấy bạc mà mắt thường không thấy được để chống lại việc bọn tội phạm in bạc giả.

Công ty nghiên cứu phân tử di truyền cộng tác với ngân hàng liên bang Úc cũng đã cung cấp những dụng cụ an ninh đặc biệt có các phân tử di truyền cho 33 triệu sản phẩm của ủy ban thế vận Sydney bán ra cho du khách thế giới.

Cho đến hiện nay công ty DNA Technology Australia từ chối không tiết lộ chi tiết về các sản phẩm nói trên, nhưng nói chung dư luận được biết đến các sản phẩm như các con thú nhồi bông Millies, và những chiếc áo thun Sydney 2000 đã được cấy các phân tử di truyền để phân biệt với đồ giả. Các chuyên viên đã dùng kỹ thuật này và phát hiện nhiều đồ giả đã được tung vào thị trường Úc. Trong các kỳ thế vận trước tại các quốc gia khác có đến 40% các sản phẩm thế vận bày bán là đồ giả. Trong kỳ thế vận Sydney vừa qua số hàng giả chỉ chiếm 0.5% mà thôi. Điều đó đủ thấy việc sử dụng phân tử di truyền trong thương vụ sẽ mang lại một lợi nhuận khổng lồ.

Trong tương lai có thể nước Úc là quốc gia đầu tiên ứng dụng kỹ thuật phân tử di truyền để cấp các thẻ căn cước và các passport cho công dân của mình. Qua đó các cơ quan an ninh và cảnh sát sẽ dễ dàng phát hiện các di dân lậu, những người nhập cảnh bất hợp pháp và bọn tội phạm làm giả các giấy tờ chứng minh nói trên. Vừa qua bộ tư pháp Úc có phong phanh nghe nói về vụ làm thẻ căn cước giả, nhưng có lẽ các chuyên gia phân tử di truyền đang nghiên cứu những biện pháp tối ưu để có thể cấy phân tử di truyền đặc hiệu vào các loại thẻ căn cước và passport của Úc. Khi đó, chuyện giả mạo, nếu có sẽ vô cùng khó khăn, nếu không nói là bất khả thực hiện.

Đoan Hùng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.