Hôm nay,  

Một Vài Suy Tư Về Thầy Trịnh Nhật

14/07/200000:00:00(Xem: 6026)
Tuần trước, trên tờ Việt Nam Thời Nay, thầy Trịnh Nhật đã viết một bài viết trong đó có một số điểm tôi không đồng ý. Do trước đây tôi có học thầy Trịnh Nhật một thời gian nên nhận thấy việc trình bầy những điểm không đồng ý của mình trên báo chí là điều không dễ dàng, vì tôi phải chọn lựa và thăng bằng giữa một bên là giữ được lòng kính trọng với thầy, và một bên là phơi bầy một cách trung thực những suy tư của tôi. Vì những khó khăn đó nên tôi đã điện thoại thưa chuyện với thầy Trịnh Nhật, ngỏ ý xin thầy gửi cho bài viết đó đồng thời xin phép thầy được trình bầy những điểm không đồng ý của mình trên báo. Ngay sau đó, thầy Trịnh Nhật đã gửi bài viết tiếng Việt cùng bài viết tiếng Anh cho tôi. Thầy cũng cho biết, nếu đọc bài viết tiếng Việt có điểm nào khiến thầy "có thể bị hiểu lầm" thì nên "truy nguyên" trong bài viết tiếng Anh để hiểu rõ hơn ý của thầy.

Đọc bài viết của thầy Trịnh Nhật, tôi thấy thầy Trịnh Nhật đã đưa ra nhiều điểm gây sóng gió. Những điểm đó không dễ gì có thể làm sáng tỏ trong một sớm một chiều. Mặt khác, muốn làm sáng tỏ những điểm đó cũng đòi hỏi sự đóng góp của qúy độc giả cùng qúy vị thức giả trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Vì lý do đó, nguyên văn bài viết của thầy Trịnh Nhật đã được đăng tải ngay trong số báo tuần này để qúy độc giả có dịp tham khảo. Ngoài ra, để nhiều người có thể đóng góp, bài viết của thầy Trịnh Nhật sẽ được email cho Việt Báo Online, hãng thông tấn VNN, nhật báo Người Việt, cùng hơn 200 nhà văn, nhà báo, hội đoàn, đoàn thể tiêu biểu của người Việt trên thế giới. Làm vậy, tôi hy vọng, nếu bài viết của thầy Trịnh Nhật xứng đáng được nhiều người quan tâm, thì việc phân tích, đánh giá quan điểm của thầy Trịnh Nhật sẽ đúng đắn hơn, chính xác hơn, công bình hơn, để rồi qua đó, chúng ta có được cái nhìn đúng đắn về cuộc chiến Việt Nam, thực trạng Việt Nam hiện nay, và vai trò của người Việt hải ngoại đối với tương lai Việt Nam. Sau đây là bài viết chia làm nhiều kỳ của tôi.

*

Là học trò của thầy Trịnh Nhật, trong suốt nhiều năm qua, tôi luôn luôn cố gắng giữ lòng kính trọng đối với thầy. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đọc những bài thầy viết chỉ dẫn nghệ thuật chơi cá ngựa, mánh khóe đánh bài bạc, tôi vừa buồn vừa khổ tâm. Buồn khi thấy lòng kính trọng của mình dành cho một người thầy bị sứt mẻ. Khổ tâm vì trong thâm tâm luôn luôn phải sống trong sự giằng co giữa một bên là sự cố gắng duy trì lòng kính trọng và một bên là bổn phận của người học trò phải nói thực với thầy những suy nghĩ của mình. Đôi khi, trong tiệc cưới, hay trong bàn nhậu, có ông A bà B đề cập đến những bài viết của thầy với lời lẽ xúc phạm tới thầy, tôi thấy như chính mình bị xúc phạm. Tuy nhiên, không có lần nào tôi có đủ can đảm và lý lẽ để bênh vực cho thầy. Cho đến bây giờ, nghĩ tới những lần đó, tôi vẫn không hiểu sự thiếu can đảm của mình là điều nên mừng hay nên buồn... Cho đến tuần qua, đọc bài viết của thầy, tôi thấy có nhiều điểm khác hẳn sự dẫy dỗ mà tôi đã thụ huấn từ song thân cùng những người thầy khác tôi đã được học trong đời. Vì lòng kính trọng của mình dành cho song thân cùng những người thầy khả kính khác, vì tôn trọng những suy tư, những nhận thức phải trái của chính mình, và cũng vì tôn trọng thầy Trịnh Nhật, lại được thầy cho phép, nên tôi viết bài này trình bầy những điểm bất đồng của tôi đối với bài viết của thầy Trịnh Nhật.

Đọc bài viết của thầy Trịnh Nhật, thú thực tôi thấy rất vất vả, vì hai lý do chính. Thứ nhất, trong bài viết, mối quan hệ giữa tác giả là thầy Trịnh Nhật, và đối tượng là người đọc không được thầy trình bầy một cách minh bạch. Đọc phần mở đầu, tôi tưởng đó là một lá thư thầy gửi người bạn tên Thanh. Nhưng đọc xong đoạn một, và tham khảo lá thư tiếng Anh, thấy thầy viết "Letter to the Editor" thì tôi nghĩ đó là thư thầy viết cho một ông chủ bút tên Thanh của tạp chí Tư Tưởng mà thầy có quen biết. Nhưng từ đoạn hai trở đi cho đến gần cuối lá thư, tôi ngạc nhiên khi thấy đó không còn là một "lá thư gửi bạn" và cũng không hề thấy tên Thanh xuất hiện. Rải rác trong các đoạn, có lúc người đọc có cảm giác thầy nói với chính thầy, có đoạn thầy đối thoại với những người chống cộng, có đoạn thầy lên lớp dậy những vị lãnh đạo trong cộng đồng phải thế này, thế khác, rồi cũng có đoạn thầy đột nhiên kêu gọi "Hỡi những người thích gióng lên tiếng nói, thích nhắc nhở những người khác là phải yêu nước thương nòi hãy tự vấn lương tâm"... Thế rồi đến đoạn cuối, thầy lại đột ngột viết, "Anh Thanh thân mến", khiến tôi đã bối rối lại càng thêm bối rối. Vì vậy, mặc dù thầy Trịnh Nhật đã viện dẫn câu nói của nhà văn Vũ Thư Hiên để nhắc nhở mọi người "không nên khởi sự tranh cãi trên nền của sự đọc không kỹ, hoặc hiểu sai lệch ý của người khác do định kiến", và mặc dù tôi đã đọc đi đọc lại bài viết của thầy, e rằng sự vất vả của tôi vẫn không được đền bù, và hậu quả, sự hiểu sai lệch ý của thầy vẫn là điều có thể.

Thứ hai, bài viết dưới hình thức lá thư gửi bạn của thầy Trịnh Nhật là một tập hợp gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn có một vài ý tưởng đáng được bàn bạc, thảo luận. Tuy nhiên, việc hệ thống hóa để tạo ra những ý chính trong bài viết của thầy là điều không dễ dàng đối với khả năng và hoàn cảnh quá eo hẹp thời gian của tôi. Vì vậy, tôi chọn lựa hình thức, "đọc đến đâu trình bầy đến đó", để thể hiện những điểm không đồng ý của mình.

Mở đầu bài viết, trong đoạn một và hai, thầy Trịnh Nhật tỏ ra không đồng ý khi "nhiều người như một sáo ngữ, vẫn thích được gọi mình là sống kiếp lưu đầy, vẫn thích sát muối vào vết thương". Đây là điểm đầu tiên tôi không đồng ý với thầy.

Theo tôi, việc người Việt tỵ nạn gọi cuộc sống của mình là "sống kiếp lưu đầy" không hề là một sáo ngữ, trái lại đó là một thực tế. Khi một người bị buộc phải sống xa tổ quốc, hoặc vì lý do này hay lý do khác, không thể trở về tổ quốc của mình sống một cách tự do, người đó đều có quyền coi mình là người "đang sống kiếp lưu đầy". Thời gian một phần tư thế kỷ dùng cụm từ "sống kiếp lưu đầy" không phải là yếu tố để coi đó là "sáo ngữ" như thầy Trịnh Nhật kết luận. Thực tế, dân tộc Do Thái phải sống gần 2000 vô tổ quốc trên khắp bề mặt địa cầu, họ vẫn coi họ là những người "sống kiếp lưu đầy", và không một người Do Thái nào cũng như cả thế giới không một ai cho rằng đó là một sáo ngữ. Cho đến khi tổ quốc Do Thái được thành lập, xã hội Do Thái có tự do dân chủ, người Do Thái ở khắp nơi trên địa cầu được quyền tự do lựa chọn, về Do Thái sinh sống hoặc sống ở ngoại quốc, khi đó từ "sống kiếp lưu đầy" đối với người Do Thái mới được hủy bỏ.

Bên cạnh đó, tôi tin rằng, sống kiếp lưu đầy là một trạng thái bắt buộc, phải chấp nhận, nên không hề có chuyện "thích" như thầy Trịnh Nhật đã viết. Dĩ nhiên, trong số những người Việt sống trên đất Úc, có thể có một số người, vì lý do này hay lý do khác, được chính quyền cộng sản Hà Nội cho hưởng những đặc ân đặc quyền ra vô Việt Nam một cách thoải mái, hoặc được quyền về Việt Nam sinh sống làm ăn. Với những người này, tôi đồng ý với thầy Trịnh Nhật, họ không thể gọi họ là những người "sống kiếp lưu đầy" và bốn chữ "sống kiếp lưu đầy" đối với họ quả thực là những sáo ngữ. Như vậy, bản thân bốn chữ "sống kiếp lưu đầy" là một sáo ngữ hay không, tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng của từng người khi dùng. Tôi không biết lý do nào khiến thầy Trịnh Nhật coi bốn chữ "sống kiếp lưu đầy" là sáo ngữ, nhưng tôi thành thực hy vọng thầy không phải là một trong những người tôi vừa đề cập.

Trong đoạn hai, thầy Trịnh Nhật cũng bầy tỏ quan điểm không đồng ý với nhiều người Việt tỵ nạn "vẫn thích sát muối vào vết thương". Tuy thầy Trịnh Nhật không nói rõ "vết thương" gì, nhưng người đọc ai cũng hiểu đó là "vết thương mất nước". Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là "việc sát muối vào vết thương mất nước" có gì sai trái không" Theo tôi, việc đó không những không sai trái mà còn rất cần thiết. Tại sao tôi nói như vậy" Vì mấy thực tế như sau.

Thứ nhất, mất nước là chuyện đau lòng hơn tất cả những thảm họa khác. Nếu một tai nạn xe, một đám cháy, một vụ động đất hay núi lửa, thảm họa chỉ đến với một vài người đến vài ngàn người, thì mất nước là thảm họa cho cả một dân tộc. Hàng trăm ngàn người phải vô trại cải tạo, hàng triệu người chết trên biển cả, cả một dân tộc bị đầy đọa suốt mấy chục năm, ngay cả những trẻ thơ mới 6 tuổi đầu cũng phải đi nhặt rác... là những thực tế quá hiển nhiên, thiết tưởng không nên nói thêm làm mất thì giờ qúy độc giả.

Thứ hai, kể từ khi chiếm được miền Nam cho đến nay, trải qua thời gian 25 năm, những người cộng sản có thực tâm thay đổi, thực tâm muốn hòa giải trong tinh thần dân tộc hay không" Sự thực những gì xảy ra tại Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy câu trả lời chắc chắn là không. Mọi biểu hiện có vẻ "hối cải" của người cộng sản chỉ là tạm thời và thủ đoạn. Bất chấp thiện chí của quốc tế, của cộng đồng người Việt hải ngoại, bất chấp thái độ an phận của người Việt trong nước, chính quyền cộng sản Hà Nội vẫn tiếp tục đàn áp tôn giáo, chà đạp các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận. Chứng kiến những chuyện đau lòng và tương lai hoàn toàn bế tắc của đất nước, ngay cả những người cộng sản từng nhiều công hãn mã với chế độ cộng sản nay cũng lên tiếng chống lại cộng sản, đòi tự do dân chủ. Những người cộng sản sống trong kìm kẹp trong nước còn "mở mắt bừng tỉnh" như vậy, thử hỏi tại sao những người Việt trí thức đang sống tải hải ngoại lại vẫn u mê"

Từ hai thực tế trên, thái độ đúng nhất cho những người Việt tại hải ngoại là phải "đấu tranh chống cộng sản, giành giật quyền tự do dân chủ cho Việt Nam". Đáp số duy nhất đặt ra là chỉ khi nào Việt Nam có tự do, dân chủ thực sự, dân tộc Việt Nam mới có cơ hội, hội nhập vào cộng đồng thế giới, sánh vai với các dân tộc cùng phát triển và thịnh vượng.

Nhưng sống trong một xã hội có tự do dân chủ, có đầy đủ về vật chất, lại có không biết cơ man nào những trò chơi giải trí như truyền hình, phim ảnh, cờ bạc, cá ngựa... làm sao người Việt tỵ nạn có thể duy trì được tinh thần đấu tranh, sức mạnh đoàn kết nếu không chịu "xoa muối vào vết thương mất nước"" Ngày xưa, Việt Vương Câu Tiễn vì mất nước phải chịu bao nhiêu nỗi nhục, kể cả nhục nếm phân Phù Sai. Khi được Phù Sai tha về, sống trong nhung lụa phú qúy, sợ quên thù cũ, nên ngày nếm mật đắng, tối ngủ giường gai, lại sai binh sĩ sắp hàng nhổ bọt vào mặt mình, liên tục chửi rủa mình, nhắc mình nhớ lại nỗi nhục mất nước. Nhờ vậy, Câu Tiễn mới không đắm chìm trong rượu ngon, gái đẹp, sau này cất quân đánh thắng được Phù Sai, trả được thù cũ.

Nhắc lại truyện xưa ở đây, tôi tuyệt nhiên không có ý cổ võ cho việc "chấm dứt chế độ cộng sản tại Việt Nam" bằng bạo lực. Như trên tôi đã trình bầy, tương lai Việt Nam có thịnh vượng hay không, đời sống của người Việt Nam có sung sướng hay không, hoàn toàn tùy thuộc đất nước Việt Nam có thực sự có tự do dân chủ hay không. Mà điều kiện tiên quyết để Việt Nam có tự do dân chủ là quyền chuyên chế của đảng cộng sản phải được hủy bỏ. Muốn vậy, người Việt ở hải ngoại phải đấu tranh, hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh ôn hòa của người Việt trong nước. Đây là một cuộc đấu tranh vô cùng cam go, vất vả đối với người Việt hải ngoại. Cam go vất vả không phải vì kẻ thù cộng sản ba đầu sáu tay gì, mà vì cuộc sống sung sướng có đầy đủ tất cả tại hải ngoại, vì thời gian ở hải ngoải hễ hở phút nào là kiếm tiền được phút đó. Do vậy, để có thể nuôi dưỡng được tinh thần đấu tranh cho mình cũng như cho thế hệ trẻ, chúng ta phải "sát muối vào vết thương mất nước", phải kể cho con cháu nghe những tội ác của cộng sản, phải nhắc đến những kỷ niệm kinh hoàng mà người cộng sản đã tàn nhẫn gây ra cho dân tộc, cho đất nước, cho gia đình...

Tôi đồng ý, không phải tất cả mọi người Việt hiện sinh sống tại Úc đều coi việc cộng sản chiếm được Miền Nam là một đại họa. Sự thực, khi cộng sản chiếm được Miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số người Việt vì hoàn cảnh này hay lý do khác, đã nhờ vậy thừa hưởng những bổng lộc, quyền lợi nhất định. Có người nhờ lúc cộng sản vô Sàigòn, đã lao vào các cuộc hôi của, hôi đồ của Mỹ mà trở nên giầu có trong chốc lát. Có người chạy vội ra đường đeo chiếc băng đỏ, hòa mình vào dòng cán bộ "30-4" để rồi trở thành những kẻ nắm quyền sinh sát cả một phường, một quận. Ngoài ra, có một số người du học ngoại quốc sắp hết hạn, đang lo ngày phải trở về Việt Nam, đang tìm cách cưới vợ lấy chồng để ở lại ngoại quốc hưởng thụ, bỗng nhiên cộng sản chiếm Miền Nam, khiến họ có cơ hội ở lại ngoại quốc một cách hợp pháp.

Trong số những người "may mắn nhờ mất nước" nếu có ai đủ hiểu biết và có được tấm lòng vị tha, họ sẽ vươn lên trên những may mắn nhỏ nhoi của bản thân, để nhận thức được cái bất hạnh vô cùng lớn lao của cả dân tộc. Khi đó, họ cũng sẽ thấy việc "sát muối vào vết thương mất nước" là chuyện cần phải làm. Còn đối với những người khác, do ích kỷ, hoặc do nhận thức hạn chế, chỉ thấy được cái may mắn của bản thân qua cơn đại hồng thủy cuốn chìm cả một dân tộc, chắc chắn "mất nước đối với họ không phải là một vết thương", trái lại "mất nước là một cơ hội bằng vàng" cho họ tiến thân, cho họ sung sướng. Thậm chí có một số người trong số này, đã công khai bô bô lên tiếng "cảm ơn cộng sản" coi cộng sản là những ân nhân, vì trong con mắt của họ, nhờ có cộng sản chiếm được miền Nam nên họ mới có dịp vượt biển làm người tỵ nạn, có thịt cá ăn thả dàn, bia uống thả cửa, xe cộ lái vung vít như ngày nay. Có điều, những người này chỉ nói trong cơn say, giữa bàn nhậu, chứ chưa có ai dám viết bài công khai lên tiếng "cảm ơn cộng sản" trên báo chí. Viết đến đây, tôi thành tâm hy vọng, thái độ không thích "sát muối vào vết thương mất nước" của thầy Trịnh Nhật đã bắt nguồn từ những lý do chính đáng, chứ không phải từ những may mắn riêng tư thầy có được nhờ cộng sản chiếm Miền Nam.

Cũng trong đoạn hai, thầy Trịnh Nhật viết, "Tôi đã nghe, đã đọc Vũ Thư Hiên, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín, Dương Thu Hương. Tôi đã đọc Nhật Tiến, đã nghe Nguyễn Cao Kỳ. Tôi đã nghe đương kim Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Tôi đã nghe chính tôi. Tôi thấy mình không khác họ mấy trên căn bản "tư tưởng" cho một cái nhìn về quá khứ và tương lai của Việt Nam."

Đọc đoạn trên tôi thấy thầy Trịnh Nhật đã nghe đã đọc khá nhiều những nhân vật tên tuổi bàn đến chuyện đúng sai trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, thầy Trịnh Nhật đã vô tình quên mất tên một số nhân vật quan trọng thầy đã nghe. Ở đây tôi nghĩ thầy là một nhà trí thức khoa bảng. Với thân phận như vậy, sự minh bạch bao giờ cũng là điều bắt buộc, có vậy thầy mới thể hiện lòng tôn trọng đối với độc giả cũng như đối với chính bản thân thầy. Là học trò của thầy, tôi đã nghe rất nhiều người đề cập đến việc thầy Trịnh Nhật thường xuyên về Việt Nam. Điều này tôi biết là đúng nên tôi mới viết lên đây. Khác với nhiều người về Việt Nam chỉ thuần túy thăm gia đình, mồ mả, hoặc về để được gặp cha mẹ già lần cuối, thầy Trịnh Nhật về Việt Nam nhiều lần là để làm ăn với cộng sản.

Ở đây, tôi không hề có ý phê phán, chỉ trích việc thầy Trịnh Nhật làm ăn với cộng sản. Lý do là việc thầy làm có lợi hay hại cho đất nước, cho dân tộc, và cho thầy là chuyện ngoài khả năng của tôi ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, khi về Việt Nam làm ăn với cộng sản, chắc chắn thầy phải tiếp xúc với cán bộ cộng sản và những người cộng sản Việt Nam được mệnh danh là "trí thức". Chắc chắn trong những lần tiếp xúc đó, thầy Trịnh Nhật đã nhiều lần "chăm chú lắng nghe những người trí thức cộng sản" giảng giải về cuộc chiến Việt Nam, về thái độ nên có của người Việt hải ngoại đối với nhà nước Hà Nội. Có thể trong những dịp như vậy, thầy Trịnh Nhật cũng "mạnh dạn lên tiếng" trình bầy quan điểm của thầy, nhưng chắc chắn sự "mạnh dạn" nếu có cũng nằm trong giới hạn và không thể nào "làm phật ý" những người trí thức cộng sản có quyền có thế. Đọc bài viết của thầy Trịnh Nhật, chắc chắn qúy độc giả phải đồng ý, ở bên này có tự do dân chủ mà thầy Trịnh Nhật còn viết như vậy thì chắc chắn khi tiếp xúc với những người cộng sản Việt Nam, ngôn ngữ của thầy Trịnh Nhật sẽ mềm dẻo hơn nhiều. Tôi tin chắc, thầy Trịnh Nhật đã lắng nghe những người cộng sản nói và đã được người cộng sản thuyết phục khá nhiều. Chỉ lạ lùng một điều là tại sao trong bài viết của thầy, bên cạnh những tên được thầy đề cập như Vũ Thư Hiên, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín, Dương Thu Hương... không hề thấy thầy đề cập đến tên những người trí thức cộng sản thầy đã tiếp xúc, đã lắng nghe"

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.