Hôm nay,  

Những Kỷ Niệm Khó Quên

04/11/200000:00:00(Xem: 4405)
Thử đếm lại, bao nhiêu mùa lá rụng,
Đã mấy mùa sương gió, mấy nắng mưa…

Hè năm 1982, từ Sungei Besi, gia đình tôi đến phi trường Kualu Lumpur ngày 19 tháng 6 năm 1982. Đó là ngày ghi nhớ mãi trong đời tôi. Phi cơ cất cánh vào xế chiều, để rồi đáp xuống phi trường Singapour, và chúng tôi tạm dừng lại vài tiếng đồng hồ để chờ chuyến bay đêm vào đất Úc. Phi Cơ vừa cất cánh, xuyên qua cửa sổ tròn của phi cơ, dưới tầm mắt tôi, muôn vàn ánh đèn lấp lánh phủ trùm thành phố. Mờ mờ sáng tinh sương, con tàu lướt vào không phận Úc châu. Thời tiết tại đây là mùa đông, khoảng hơn 5 giờ sáng, từ trên cao độ nhìn xuống, so với đêm Singapour, chỉ lác đác vài ánh đèn mà thôi. Xứ chi mà âm u lạ!

Gia đình tôi cũng khá đông: Chúng tôi, 4 cô gái và một cậu trai. Con tàu đáp nhẹ nhàng từ từ chạy trên phi đạo để vào bến đậu. Rời thân tàu, chúng tôi vào phòng kiểm tra. Sự ngạc nhiên đầu tiên của tôi, những thức ăn trên phi cơ, tôi gom lại bỏ vào để dành, khi nào về đến nơi nghỉ ngơi sẽ lấy ra dùng lại. Nhân viên kiểm soát bắt gặp, tất cả mọi thứ đó đều quăng bỏ vào thùng rác cạnh đấy, và cắt nghĩa cho tôi, do sự phòng ngừa bệnh tật mang từ nước ngoài vào xuyên thức ăn. Những nước Á châu, có lẽ không có biện pháp đó. Rồi thủ tục quan thuế cũng xong. Hồi năm 1975, mùa đông trong trại cải tạo Hóc Môn, lúc bấy giờ là 17 độ, nhưng hôm nay còn lạnh hơn năm 1975. Theo tôi nghĩ có lẽ khoảng 10 độ hoặc dưới nữa. Lạnh ơi là lạnh.

Ngày rời Việt Nam, đầu năm Nhâm Tuất (khoảng cuối tháng 2 năm 1982), thuyền tôi rời Rạch Giá, đêm đầu tiên ra khơi gặp ngay lúc biển động.

Biển tối đen, biển bát ngát, bao la,
Sóng cấp ba mây che ánh trăng ngà,
Biển gào thét, mưa bắt đầu giăng phủ,
.....
Làm sao biết, may rủi ở cuối tằm,
Canh bạc đời, ăn thua bằng mạng số…

Thuyền bé ti như chiếc lá trôi trên sông, quằn quại chống chọi với mưa giông bão tố trên biển cả. Khoảng hơn hai đêm, một ngày, lúc trời hừng sáng, chúng tôi nhận thấy một giàn đèn trên biển, anh em trên thuyền mừng rỡ la to:

- Chúng ta đã gặp giàn khoan rồi.
- Chúng ta đã lái đúng hướng rồi.

Con thuyền từ từ tiến lại giàn khoan, cập vào và tắt máy. Tại nơi đây, nhân viên giàn khoan chỉ cho chúng tôi ghé tạm để tránh cơn biển động, không được bước lên giàn khoan. Họ sẵn sàng giúp đỡ theo khả năng của họ. Họ tiếp tế cho chúng tôi nhiên liệu, nước uống, bánh ngọt, trái cây và sữa cho trẻ em. Thế là Trời Phật phù hộ cho con thuyền chúng tôi thoát khỏi thảm cảnh trên biển Đông. Chúng tôi tiếp tực lướt sóng khi ánh mặt trời trải khắp mặt biển.

Đó là bước ngắn đầu tiên của cuộc đào thoát. Còn rất nhiều gian nan nguy hiểm đón chờ chúng tôi ở cuối chân trời. Thuyền chúng tôi dài 12 thước, trang bị máy dầu Yanmar đầu xanh 3 lốc, do sự đóng góp của bạn bè quen nhau trong trại cải tạo: Không quân, Hải quân đều có, dân Bộ Binh chiến đấu cũng có. Mỗi người một ít chung sức hoàn thành cuộc đào thoát.

Đến khoảng trưa, thuyền tách bến giàn khoan tiếp tục chương trình tìm tự do. Biển tạm lắng dịu để đón ánh nắng ấm áp sau hai ngày giông bão. Sóng lăn tăn gợn nhẹ, nước bàng bạc trong xanh. Anh em chúng tôi bàn luận không nên trực chỉ đâm vào Thái Lan, rất nguy hiểm. Vì theo kinh nghiệm của những người đi trước, nếu từ giàn khoan đâm thẳng vào Thái Lan thì không bao giờ thoát khỏi tay bọn hải tặc bất lương. Trên thuyền rất nhiều phụ nữ, phần đông là thân nhân của chúng tôi. Để tránh tối đa những nguy hiểm có thể xảy ra, thuyền chúng tôi bắt buộc phải lướt sóng, tiếp tục hải trình xuôi Nam cho đến khi nào qua được hải phận Thái, mới vững tâm là thoát nạn.

Trời trong sáng, biển lặng êm, sóng gợn lăn tăn như trên mặt ao hồ. Phía trước bầy cá đang đùa giỡn, vọt cao lên khỏi mặt biển. Bên hông từng đàn cá nược bơi đua hai bên thuyền. Xung quanh toàn một màu nước trong xanh, mút tầm mắt xa tít tận chân trời. Một ngày một đêm lặng lẽ trôi qua, thuyền vẫn lướt sóng đều, tiến về Nam, bóng chiều dần phủ xuống trên mặt biển, phía hướng đông con thuyền chúng tôi, một chấm nhỏ xuất hiện từ từ tiến thẳng đến con thuyền.

Chúng tôi lại gặp một tàu đánh cá Thái (anh em than thở sắp xảy ra chuyện gì nữa đây, may hay rủi trên con đường đi tìm tự do) to gấp bốn lần thuyền chúng tôi, hoặc có thể lớn hơn. Chúng lại song song theo...hải trình và chúng cặp sát vào thuyền chúng tôi. Thuyền trưởng Thái cao khoảng 1 mét 65, vóc gầy, trạc độ 40 tuổi, nói tiếng Anh với bọn tôi. Hắn sẽ cung cấp cơm nóng và cá cho bọn tôi để đổi lấy vàng hoặc nữ trang, đàn bà và trẻ em qua tàu của chúng để ăn uống. Thấy bọn thủy thủ và thuyền trưởng có vẻ hiền lành nên có vài bà con lột đồng hồ, nhẫn trao cho bọn chúng. BỌn thủy thủ giúp đỡ các bà con qua ngồi trên sàn tàu của bọn chúng. Xong bọn chúng mang cá hồng hấp và cơm nóng mời chúng tôi. Vài thủy thủ qua thuyền chúng tôi lục xét, chẳng gặp gì cả. Bọn chúng thấy một bức tranh thêu hình nổi đức Phật Bà Quan Âm, chúng trình cho thuyền trưởng, hắn nói khung hình rất trang nghiêm hắn lên tiếng xin chúng tôi. Khuôn hình đó vợ tôi nhờ tiệm Thủy Tiên ở Sa Đéc hoàn thành, khung hình nổi, để mang theo ra xứ người đặng thờ phượng. Chúng tôi lắc đầu tỏ vẻ buồn bã.

Hắn không nói gì cả, và trao khuôn hình lại trả cho chúng tôi. Trong lúc đó, cách khoảng độ 50 mét có hai chiếc tàu lảng vảng quanh đó, như chực hờ sẵn để đón chờ chúng tôi. Hắn giữ chúng tôi lại rất lâu, độ vài tiếng đồng hồ, chờ cho đến khi hai tàu kia chạy khuất xa trong biển cả, lúc đó khoảng 9 giờ đêm, lúc đó hắn mới nói bà con cần về bên thuyền lại và ra lệnh bọn thủy thủ phụ giúp chúng tôi cho máy nổ và mở đỏi cho thuyền chúng tôi tiếp tuc cuộc hải trình. Hắn ra dấu không nên mở đèn trên mui. Thế là thoát được nạn hải tặc trên biển Đông. Qua sáng ngày hôm sau chúng tôi đã vào hải phận của Mã Lai.

Trên hướng đi, chúng tôi gặp một hải đảo, không rõ tên gì. Chúng tôi ghé hải đảo đó, khi trời chạng vạng. Người chỉ huy hải đảo ra gặp chúng tôi, và ra lệnh chúng tôi không được lên đảo. Hắn khuyên chúng tôi, cách 30 hải lý về hướng tây là thành phố Mersing nên ghé vào nơi đó có phái đoàn quốc tế sẽ giúp đỡ.

Bình minh ló dạng, thuyền cập bến Mersing và được sự giúp đỡ của chánh quyền địa phương. Hôm đó là ngày 1 tháng 3 năm 1982. Chúng tôi được hướng dẫn thủ tục cần thiết, ai có đồ quý, vàng nên đăng ký gởi lại cho chánh quyền địa phương. Và khi nào rời Mã Lai thì chính phủ Mã Lai trao trả lại vì sợ giữ trong mình sẽ sanh ra nhiều phiền toái (những người đăng ký gửi vàng tại Mersing, khi có lệnh đi định cư, đến phi trường Kuala Lumpur trình giấy tờ và nhận lại đầy đủ số vật đã ký thác).

Thế là cuộc vượt thoát của anh em chúng tôi kết thúc nơi đây và qua những thủ tục cần thiết, bọn chúng tôi đến đảo Pulau Bidong ngày 3 tháng 3 năm 1982.

Tôi là một quân nhân, hồ sơ lý lịch rõ ràng, khi vào đến đảo Bidong, phái đoàn Úc cho tôi biết, 4 đứa con của tôi vừa rời trại ngày 1 tháng 3 năm 1982 đi định cư Úc châu. Do đó phái đoàn sẽ lập hồ sơ cho gia đình chúng tôi được đoàn tụ tại Úc châu.

Ngày 20 tháng 6 năm 1982, gia đình chúng tôi có mặt tại Brisbarne. Những người đón chúng tôi gồm có: cô Kiều, nhân viên bộ di trú, ông giáo sư Khánh, chủ tịch CĐNVTD/QLD và vài nhân vật trong ban chấp hành, tôi không thể nào nhớ được vì thời gian đã qua hơn 18 năm và 4 đứa con của tôi. Chúng tôi được hướng dẫn ra xe bus, để đưa về Wacol Hotel. Từ phi trường về Wacol phải chạy ngang qua thành phố Brisbarne. Ngồi trong xe, nhìn hai bên đường, phố xá thật là lộng lẫy, sạch sẽ, nhìn những giải cờ hình tam giác, tôi cứ ngỡ rằng hôm nay là ngày lễ. Sau mới biết, nơi đó là các bãi bán xe hơi. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên, tốc độ xuyên qua thành phố quá nhanh (60km/giờ) đối với cảm nghĩ lúc bấy giờ của tôi. Khi xưa ở Việt Nam, tốc độ ở Sàigòn chỉ có 30km/giờ thường xuyên xảy ra tai nạn, trái lại ở đây không có tai nạn gì cả. Tôi đúng là nhà quê ra tỉnh.

Đến Wacol, cô Kiều hướng dẫn chúng tôi nhận chỗ ở, chỉ nơi ăn, nơi lãnh mền gối ... Bữa ăn đầu tiên trong Câu lạc bộ Wacol, theo tôi nghĩ, như một buổi tiệc nơi quê nhà.

Sự ngạc nhiên nhất của tôi là hướng dẫn tôi ra chi nhánh Commonwealth Bank Wacol mở trương mục. Chúng tôi đến đây với hai bàn tay trắng làm gì có tiền để mở trương mục, tôi tự hỏi" Rồi mọi việc cũng trôi qua, cứ hai tuần, tiền vô sổ bank dài dài.

Đời tỵ nạn của tôi, khi đặt chân đến Úc, tuổi đời vừa tròn 5 bó. Thời son trẻ đã hiến dâng cho binh nghiệp. Với kiếp sống tha hương, ngoại ngữ không, khoa bảng không, lỡ thầy, lỡ tớ, lỡ cu ly và bầy con ở tuổi vị thành niên. Cái suy nghĩ đầu tiên là phải lăn mình vào cuộc sống mới, đem sức tuổi về chiều ra cố gắng tìm việc làm bằng tay chân.

Ngày đầu tiên đi xin việc tại hãng giấy Visy Board Pty.Ltd. ở Carole Park được nhận và chỉ làm có một ngày mà thôi. Sau đó mỗi ngày lên hãng thơm ngồi chờ xin việc (Golden circle canery). Tôi làm việc cho đến tuổi 55 thì được nghỉ hưu trí không nơi nào thâu nhận tôi nữa cả. Thấm thoát đã qua 18 năm.

Trải qua thời gian dài, cảm nghĩ của tôi, một người tỵ nạn chọn Úc làm quê hương thứ hai, đã sống gần hai thập niên, con cái đã trưởng thành, có công ăn việc làm, đóng góp phần xây dựng xã hội Úc, gia đình chúng tôi chân thành cảm tạ chánh phủ Úc đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi.

Người xa quê

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.