Hôm nay,  

Rổ Rá Cạp Lại Trên Đất Uùc

26/05/200100:00:00(Xem: 5288)
LTS: Bài viết sau đây là bài dự thi Người Việt trên đất Úc của tác giả Vũ Thị Phương; và bài về cuộc mưu sát Gerald Bull. Trước đây tôi có gửi phần, nhưng lại quên phần 2. Mới đây, có hai vị độc giả một ở bên Mỹ và một ở Úc (cùng theo dõi trên Vietbao Online) gửi email nhắc nhở, chúng tôi mới nhận ra sự thiếu sót của mình. Vì vậy, lần này, chúng tôi gửi nguyên cả bài để đăng tải cho qúy độc giả tiện theo dõi.

***
Hai vợ chồng tôi đáp phi cơ đến Úc là lúc cả hai đã ở tuổi ngoài 50. Mười năm trời chờ đợi đằng đẵng và cuộc sống thiếu thốn trăm bề ở trại tỵ nạn đã khiến chúng tôi già trước tuổi và mất hết cả tinh thần, nghị lực. Vì vậy khi đến Úc, cả hai vợ chồng tôi chẳng muốn làm ăn gì, chỉ muốn rong chơi rồi chờ ngày về bên kia thế giới mà thôi. Hơn mười năm trước đó, khi ông xã tôi và tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện vượt biên, cả hai mới ở tuổi ngót 40. Lúc đó, cả hai đều ôm ấp bao nhiêu mộng đẹp cùng nhiều dự tính sẽ làm chuyện này, sẽ làm chuyện nọ khi đặt chân đến Mỹ... Nhưng sau mấy lần vượt biên bất thành, chúng tôi đã chán nản lắm rồi. Tiền bạc thì mất, nhà cửa còn đó nhưng chẳng dám trở lại vì sợ tụi công an phường khóm làm khó dễ, nên chúng tôi phải sống lang thang, ăn nhờ ở đậu hết chỗ này đến chỗ khác. Cũng may, hai vợ chồng chẳng có con cái gì nên nó là cái khổ mà trong hoàn cảnh đó hóa lại là cái may, chứ con cái đùm đề thì ai dám chứa, dám giúp. Giữa lúc đang tuyệt vọng như vậy thì gặp người bạn tài công giúp cho đi mà không phải trả đồng xu các bạc nào. Đi khơi khơi vậy mà lại thành công. Đến trại tỵ nạn, tuy cả hai vợ chồng đều muốn đi Mỹ nhưng điều kiện khó khăn quá. Lại gặp chuyện thanh lọc tỵ nạn, người tự thiêu, kẻ treo cổ tự tử, thiệt bi thảm không kể đâu cho hết. Cuối cùng, hai vợ chồng đành đồng ý đi Úc. (Bây giờ, đọc báo thấy nói đồng Úc kim ngày càng mất giá so với tiền Mỹ, tôi cứ nghĩ giá mà ngày ấy, tôi đi Mỹ thì...)

Đến Úc được một năm thì ông xã nhà tôi đổ bệnh nặng mà lại bệnh nan y mới khổ. Trăm sự cũng tại ổng hút thuốc lá, thuốc lào nhiều quá. Trước kia chẳng bao giờ sờ đến điếu thuốc. Nhưng từ khi đi cải tạo về là hút triền miên, hút không dứt, ngày cũng như đêm. Hỏi ra mới biết, ở trại cải tạo, buồn bực, cô đơn, rồi thấy anh em hút, ổng cũng hút cho vui. Trước vui sau nghiện mấy hồi. Vả lại, cải tạo ở Miền Bắc lạnh lẽo vô cùng. Có hơi thuốc lào vô bụng nó ấm hẳn lên. Ông lão nhà tôi nói vậy thì tôi cũng biết vậy chứ đâu có hút thuốc lá thuốc lào bao giờ đâu mà biết. Mà ai đã hút thuốc là bị bệnh ung thư, trốn tránh sao nổi. Bị ung thư mà ổng đâu có biết. Đến khi bệnh nó chạy tùm lum trong cơ thể mới biết thì đã muộn. Nằm bệnh viện được đúng ba tháng hai ngày thì ổng nhắm mắt qua đời, bỏ tôi ở lại cô quạnh trên thế gian. Những lúc còn tỉnh táo, hễ mở mắt thấy tôi ngồi cạnh là ổng cầm tay tôi, thềo thào bảo: "Tôi đi rồi thì yên phận cho tôi, chỉ khổ cho bà... Bà ở lại một thân một mình, cô đơn biết nương tựa vào đâu!" Những lần nghe ông nói vậy, tôi chỉ khóc ròng không à. Có lần ổng còn bảo, nếu biết cuộc đời ổng ngắn ngủi như vậy, thì hai vợ chồng chẳng vượt biên làm gì. Cứ ở Việt Nam mà sống thì khi ổng ra đi, tôi còn chỗ bà con họ hàng làng xóm tâm sự... Hai ngày trước khi mất, ổng còn bảo tôi, thôi thì kiếm người nào mà gá nghĩa vợ chồng cho đỡ cô quạnh. Nghe ổng nói vậy, tôi giận lắm. Vợ chồng ăn ở với nhau chẳng gì cũng trên ba chục năm trời. Nói có trời làm chứng, tôi có khi nào đầu mày cuối mắt với ai bao giờ mà ổng bỗng dưng lại nói vậy. Giận thì giận thiệt đấy, nhưng thôi thì ổng cũng gần đất xa trời, nên tôi chẳng đôi co làm gì.

Sau khi chôn cất chồng thật tử tế, tôi nguyện trước mộ phần của ổng, sẽ sống một thân một mình thờ ổng cho đến chết. Tôi nguyện như vậy và trong thâm tâm tôi cũng muốn được sống như vậy. Chẳng gì mình cũng là phụ nữ Việt Nam, cái đạo tam tòng nó đã thấm vào tâm huyết của mình từ bao giờ chẳng rõ. Cũng biết, thời đại bây giờ, đạo tam tòng nó không ràng buộc ghê gớm như ngày xưa, nhưng phụ nữ còn nhà gia giáo, cũng coi nó là cái đức thiêng liêng mình phải theo. Vả lại, chẳng gì tôi cũng đã ở cái tuổi ngoài 50 rồi. Nhan sắc của tôi cũng chẳng đẹp đẽ gì. Lại vất vả từ bé, nên già trước tuổi, thì có ai quyến rũ gì mà sợ lỗi đức tam tòng. Vì vậy, tôi an tâm nghĩ chuyện sống cảnh góa bụa cho đến khi chết là điều chẳng khó.

Nhưng cuộc sống ở bên Úc này nó lạ lắm. Ở Việt Nam, một người phụ nữ sống tiết hạnh thờ chồng thì được hàng xóm láng giềng kính nể, nội ngoại tôn trọng. Bên nhà chồng qúy mến đã đành mà bên mình cũng coi đó là điều vinh hiển cho gia đình, dòng họ. Bên cạnh đó, nỗi cô đơn tuy có nhưng không ghê gớm bằng bên này. Mình không có con ruột để hú hí thì cũng có cháu gọi bằng dì, bằng bác trông nom cho quên ngày quên tháng. Còn ở bên này, góa bụa thì khổ đủ điều. Cô đơn thê thảm vô cùng. Đã vậy, lại còn mấy cái hội của Úc họ cũng muốn giúp tôi khuyây khỏa bằng cách khuyến khích tôi quen ông này, ông nọ. Rồi mấy bà hàng xóm người Úc cũng xúi tôi đi sinh hoạt để làm quen người này người nọ. Cũng vì cả nể, lại phần cô đơn, nên tôi nghe lời họ. Vì thế mới sinh ra chuyện rổ rá cạp lại trên đất Úc. Câu chuyện đầu đuôi như thế này.

Cách đây hai năm, tôi có đi dự một bữa tiệc sinh nhật con cháu gì đó của một bà hàng xóm người di dân. Không hiểu sao, trong bữa tiệc đó lại có một ông người Hoa nhưng nói tiếng Việt rất sõi. Thì ra ông ta là người Việt gốc Hoa, trước ở Việt Nam học chương trình Việt. Ông bảo, ông nói viết tiếng Việt còn giỏi hơn tiếng Hoa. Tuổi thật của ổng cũng đã gần "sáu bó" (đó là nguyên văn lời của ổng), nhưng trông ổng chỉ ngoài 50 vì ông ăn diện một cây, tóc tai nhuộm đều chi. Ổng bảo vì nghề nghiệp địa ốc nên ổng phải ăn diện để tạo "ấn tượng tốt" cho khách. Tôi chẳng biết với khách hàng ông có tạo được "ấn tượng tốt" như lời ông nói hay không, nhưng với tôi, ông chẳng tạo cho tôi một chút ấn tượng tốt đẹp nào. Tôi luôn luôn nghĩ rằng, sự giản dị trong đời sống cá nhân là một đức tính tốt. Nhuộm tóc, ăn diện se sua, đồ đạc lỉnh kỉnh trên người là điều tối kỵ đối với tôi.

Cũng tưởng hai người quen biết sơ sơ ở bữa tiệc hôm đó rồi chia tay là xong. Không ngờ, hai ngày sau, tôi nhận được một bó hoa hồng thiệt đẹp. Kèm theo bó hoa là tấm danh thiết của ông già địa ốc. Phải nói tôi rất ngạc nhiên và bàng hoàng khi nhận bó hoa rực rỡ đó từ tay người giao hàng. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại hỏi một câu hỏi rất bất lịch sự là bó hoa đó mày nghĩ giá bao nhiêu tiền. Người giao hàng nhún vai, không nói gì. Tôi nhận ra sự bất lịch sự của mình nên ngỏ lời xin lỗi. Thấy tôi xin lỗi, người giao hoa lại nhún vai một lần nữa rồi nói, "Xin lỗi mày, tao không biết. Tao chỉ là người giao hàng. Nhưng tao đoán, bó hoa này cũng phải trên $500 là ít".

Nghe vậy, tôi giật mình. Nhìn bó hoa rực rỡ với trên 200 bông hồng, tôi nghĩ phải đắt tiền lắm. Nhưng tôi không ngờ nó có thể lên đến $500. Tôi ngạc nhiên vì không thề ngờ "ông già địa ốc" lại có thể tặng hoa cho tôi và tặng một cách hào phóng như thế. Tôi biết, bản thân tôi đâu có gì để có thể tạo "ấn tượng tốt đẹp" cho ông ta" Một chiếc áo dài hơi cũ, một chiếc áo khoác màu thanh thiên, với một gương mặt không phấn son và một nụ cười gượng lúc nào tôi cũng đeo trên mặt kể từ khi ông xã tôi qua đời, làm sao tôi có thể tạo "ấn tượng tốt đẹp" cho một người đàn ông "chuộng hình thức" như "ông già địa ốc"" Nhất là buổi tốt hôm đó, tôi đâu có nói chuyện gì nhiều. Chỉ có ông ta là ba hoa đủ thứ chuyện và suốt cả buổi tối chỉ loanh quanh chạy quanh tôi như đèn kéo quân... Nhưng bó hoa hồng rực rỡ trong tay là một bằng cớ chứng tỏ tôi có một vài điểm nào đó "hợp nhãn" ổng.

Như trên tôi đã viết, tôi là người phụ nữ sống bần hàn từ khi còn bé. Nhan sắc lại không đẹp. Truyền thống gia giáo đã khiến cuộc sống của tôi càng thêm khép kín. Tôi được ba má tôi dậy từ cách đi đứng sao phải nhẹ nhàng, ăn nói sao thật từ tốn, lễ phép cho đúng là con nhà gia giáo. Thậm chí ngay cả khi cười tôi cũng không được cười to, cười phá lên hay cười ngặt nghẽo. Sống cuộc sống điềm đạm như vậy từ bé, cho đến khi về nhà chồng, tôi lúc nào cũng khép kín tâm tư và luôn luôn đeo vào bên ngoài con người của tôi một chiếc áo gia giáo, lễ nghĩa. Hơn 50 năm, coi như gần hết cả cuộc đời, tôi sống đạo hạnh vị tha, trên kính dưới nhường, chẳng có khi nào tôi thực sự sống cho chính bản thân. Thậm chí ngay cả khi đi ngủ, chẳng may nằm mơ thấy những chuyện bậy bạ, tôi cũng tự sỉ vả chính mình, thấy đó là những tội lỗi nhơ nhớp mình đã phạm phải, nên tôi phải ngồi dậy đọc kinh sám hối, rồi cứ vậy, thao thức, trăn trở cho đến sáng.

Sống trong cuộc sống tự mình ràng buộc chính mình như vậy nên cả cuộc đời tôi, từ khi biết suy nghĩ, biết mộng mơ cho đến khi cầm trên tay bó hồng rực rỡ của "ông già địa ốc", tôi chưa bao giờ được hưởng cái hạnh phúc được người khác tặng quà, dù là một vật nhỏ bé, nói chi đến cả một bó hồng rực rỡ trị giá trên $500 đô. Tôi bàng hoàng nhìn bó hồng, tim tôi đập mạnh, lòng tôi xao xuyến. Tôi chẳng biết gương mặt của tôi lúc đó như thế nào, nhưng tôi đoán, hai gò má tôi chắc đỏ ửng, vì tôi thấy mặt tôi nóng bừng bừng... Tôi đứng ở cửa, ánh mặt trời buổi sáng chiếu vô rực rỡ, những tia sáng như nhảy múa... Hương thơm hoa hồng nồng nàn trong không gian. Bên ngoài, tiếng một cặp chim hót líu lo nghe thật hạnh phúc... Nhìn ra vườn, tôi thấy cạnh mấy cây hoa là những con bướm đủ màu sắc đang bay chập chờn... Vọng lại từ xa là tiếng nô đùa ồn ào của học sinh tại một trường trung học công lập trong giờ ra chơi buổi sáng...

Sau vài phút tận hưởng những hạnh phúc ngất ngây, tôi vội quay vô nhà tìm một chiếc lọ hoa... Nhưng căn nhà một phòng ngủ của chính phủ dành cho người đàn bà góa thật nghèo nàn. Tôi chỉ có một chiếc lọ hoa nhỏ, đủ cắm vài bông hồng. Sau một hồi loay hoay tìm kiếm không được thứ gì như ý, tôi phải chạy vội sang nhà hàng xóm, mượn lọ hoa. Tôi tính mượn tạm từ giờ đến chiều rồi tôi sẽ mua một chiếc lọ hoa thật đẹp. Bà Sam, một người hàng xóm Libăng tốt bụng, vừa trao chiếc lọ hoa bằng pha lê nặng gần một ký cho tôi vừa tươi cười hỏi:

- Bà Vũ, bà có tin gì vui vậy"

Tôi ngạc nhiên. Khoảng tích tắc đồng hồ sau, tôi hiểu ý, vội nói:

- Không có tin gì vui đâu bà. Có người bạn cho ít hoa, tôi mượn tạm bà chiếc lọ đến sáng mai tôi trả liền.

Bà Sam mỉm cười, dễ dãi:

- Không sao đâu. Bà cứ giữ lấy mà sài. Tại tôi thấy bà vui vẻ khác hẳn mọi khi nên tôi đoán bà đang có tin gì vui lắm...

"Vui vẻ khác hẳn mọi khi"" Lời nói chân tình của bà hàng xóm làm tôi đỏ mặt. Cầm lọ hoa trên đường về, tôi cứ bần thần nghĩ đến câu nói của bà Sam. Vô đến nhà, ngồi xuống chiếc ghế salong duy nhất một chỗ ngồi, tay vẫn ôm chiếc lọ hoa, tôi bâng khuâng nghĩ ngợi. Ngước nhìn lên chiếc bàn thờ nho nhỏ, nơi thờ vong linh người chồng quá cố, tôi thấy mình như người phạm tội bị chồng bắt quả tang... Bó hoa mấy trăm bông nằm trên bàn không còn vẻ quyến rũ rực rỡ như lúc nẫy. Bây giờ, trong căn phòng thiếu ánh sáng mặt trời, màu hoa không còn tươi thắm mà trở nên tím bầm. Hương thơm ngào ngạt lúc ban đầu, nay có lẽ đã quen thuộc với khứu giác của tôi nên tôi không còn nhận ra mùi hương của nó...

Tôi đứng dậy, bước đến bàn thờ chồng, đốt mấy nén nhang. Hương nhang thơm ngào ngạt, lan tỏa trong không gian, khiến tâm hồn tôi trở nên thanh tịnh lạ lùng. Hít thở thật sâu mùa hương quen thuộc, tôi thấy mình trở nên bình tĩnh hẳn lên. Những giây phút yếu lòng qua đi. Tôi bước tới bàn, cầm bó hoa hồng đi thẳng ra phía sau nhà...

Giống như tất cả những căn nhà trong khu nhà của chính phủ, ở đó có một cửa hậu đi ra sân sau để phơi đồ và đổ rác. Tôi mở cửa bước thẳng về phía thùng rác, tính vứt bó hoa vô đó... Nhưng ngay lúc đó, ánh sáng rực rỡ của mặt trời, tiếng chim hót, những con bướm bay chập chờn lại khiến tôi ngần ngại... Nhìn những bông hồng tươi thắm dưới ánh sáng mặt trời, tự dưng hình ảnh "ông già địa ốc" lại hiện về trong tâm trí... Từ trong sâu thẳm của tâm hồn, tôi biết, tôi rung động trước món quà bất ngờ và điệu nghệ của người đàn ông. Tôi bỗng nhớ lại, hôm đó, khi đưa ly nước cam tươi cho tôi, ông già địa ốc có nói một câu: "Trông bà mặc chiếc áo dài, tôi lại nhớ tới cô giáo dậy Việt văn của tôi ngày xưa". Lúc đó, nghe nói vậy, tôi chỉ dửng dưng. Bây giờ, cầm bó hoa trên tay, đứng cạnh thùng rác, nhớ lại câu nói đó, tôi thấy có một cái gì xao xuyến trong lòng... Tôi lại nhớ đến lời khuyên của chồng khuyên tôi nên đi thêm bước nữa sau khi ông qua đời. Nhưng làm sao tôi biết "ông già địa ốc" đến với tôi bằng một tấm lòng chân tình hay chỉ là kẻ lợi dụng giống như người khách qua đường" Trông ổng hào hoa, bay bướm, mới thấy đàn bà con gái là xoắn xuýt, là tặng hoa ngay sau lần gặp mặt đầu tiên thì cũng đâu có tử tế gì" Nhưng biết đâu, tiếng sét ái tình khiến ông như vậy thì sao" Dù gì, tôi cũng đâu có thể vội vàng đánh giá ông là người đàng điếm"

Sau mấy phút nghĩ ngợi, tôi thở dài, cầm bó hồng đi vô nhà. Lần này, tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, thản nhiên cắm hoa vào lọ, đổ tí nước có pha đường để giữ hoa được lâu. Làm xong, tôi để lọ hoa trên bàn, ngắm nghía một hồi rồi không biết nghĩ sao, tôi lấy ra một bông đẹp nhất cắm vô chiếc lọ nhỏ, đặt lên trên bàn thờ chồng. Khi làm việc này, không biết vô tình hay cố ý, tôi tránh không nhìn vào cặp mắt của chồng trong hình.

Làm xong mọi chuyện, tôi đóng cửa trước, cửa sau, rồi vô phòng ngủ. Phòng ngủ của tôi thật đơn sơ và giản dị. Chỉ có một chiếc giường đơn, một chiếc gối, một chiếc bàn để đèn, vài quyển sách truyện của Quỳnh Dao và một chiếc gương to của hội Saint Vincent cho khi tôi mới dọn vô sau khi chồng mất được hai, ba tháng. Đứng trước tấm gương phủ đầy bụi, tôi thấy tôi trong gương. Một người phụ nữ Việt Nam, tuổi đã ngoài 50. Mái tóc đã có vài sợi bạc. Gương mặt nhẹ nhõm, tuy không đẹp nhưng cũng không xấu. Nếp nhăn chân chim đã có ở khóe mắt, nhưng nếu trang điểm lớp kem lót cẩn thận, chắc ít người để ý. Riêng cặp mắt của tôi, to tròn, nhưng u buồn. Nhiều người bảo, khi nào tôi cười thật tươi thì mắt tôi trở nên đẹp hơn. Tôi không biết điều đó có đúng không, nhưng tôi đoán, một người khi trò chuyện, có cặp mắt tươi tỉnh cũng đỡ xấu hơn cặp mặt u buồn, cau có. Được cái miệng tôi tươi và thân hình vì không có con, lại kiêng khem, nên ngoài 50 vẫn còn thanh thoát. Tôi biết, nếu tôi chịu khó và để ý cách ăn diện một chút, tôi sẽ có những đường nét quyến rũ riêng của tôi.

Chiều Thứ Sáu tuần đó, "ông già địa ốc" điện thoại cho tôi. Tôi biết, trên phương diện xử thế, tôi không điện thoại cảm ơn ổng là tôi có lỗi. Nhưng nhiều lần, cầm đến điện thoại, tôi lại ngần ngại không biết mình phải nói gì. Lần khân mãi, cuối cùng tôi cho qua luôn. Vì vậy, khi nghe giọng nói của ông trên điện thoại, tôi giật mình, lúng túng. Ông ngỏ lời mời tôi đi ăn vào tối Thứ Bảy. Tôi đang định từ chối thì ông nói thêm, ngoài tôi ra, ông có mời cả bà cụ thân sinh ra ổng và bà chị ruột. Phần cảm động trước bó hoa hồng, phần thấy mình có lỗi không gọi điện thoại cảm ơn ông ngay sau khi nhận hoa, phần thấy có cả thân mẫu và chị của ông cũng tham dự bữa ăn tối nên tôi nhận lời.

Tối Thứ Bảy, tôi băn khoăn đứng trước gương cả tiếng đồng hồ mà không biết mặc bồ quần áo nào. Sự băn khoăn của tôi càng khiến tôi giận dữ với chính mình. Tôi tính điện thoại cho ổng, kiếm cớ không đi, nhưng nghĩ đến thân mẫu của ổng, nên tôi lại thôi. Cuối cùng thì tôi cũng chọn được cho mình một bộ đồ nửa Việt nửa Tàu. Tôi mặc chiếc áo dài xoa màu tím, ngoài khoác chiếc áo vét gấm Thượng Hải kiểu tàu. Mặt tôi chỉ thoa một lớp phấn hồng rất nhẹ và đi phớt một đường son môi. Chỉ vậy thôi đã thấy khác. Đã từ lâu, tôi biết tôi không đẹp. Nhưng nhìn mình trong gương, tôi thấy tôi như lột xác. Lâu lắm rồi, tôi đâu có sờ đến son phấn, quần áo. Nay tôi thấy tôi khác hẳn. Nhìn cặp mắt, làn môi, gò má của mình trong gương, chẳng hiểu sao tôi lại tự nhủ: "Thì ra, mình cũng chưa đến nỗi già như mình tưởng!"

Bữa ăn tối hôm đó của chúng tôi thiệt vui. Mẹ của "ông già địa ốc" rất nhã nhặn và rất ân cần trò chuyện với tôi. Chị của ổng cũng rất tế nhị và khéo léo nói những điều tôi ưa thích. Thì ra chị cũng là một người ái mộ Quỳnh Dao, nhưng hiểu biết của chị về về tiểu sử tác giả nhiều hơn tôi gấp bội. Qua câu chuyện, tôi mới biết, chị đã từng về Đài Loan chụp hình với Quỳnh Dao nhân dịp ra mắt sách, hay phát phần thưởng sách vở gì đó. Còn "ông già địa ốc" thì suốt bữa ăn, ổng nói rất ít, uống rất ít và ăn cũng rất ít. Suốt bữa ăn, ông chỉ im lặng nghe ba người thi nhau nói (chẳng hiểu sao tối hôm đó tôi cũng nói rất nhiều). Qua chuyện trò buổi tối hôm đó, tôi mới biết rõ, quả thực tôi giống cô giáo dậy Việt văn của ổng thiệt. Giống về gương mặt và đường nét chứ không phải giống ở chiếc áo dài như ông tâm sự trong bữa tiệc quen biết lần đầu.

Sau bữa ăn tối hôm đó, thú thực, tôi thấy mình có cảm tình dành cho ông địa ốc nhiều hơn trước. Cuộc sống của tôi xưa nay luôn thầm lặng, êm ả và cô đơn. Bây giờ, ông ta bước vào cuộc đời của tôi trong lúc tuổi tôi đã xế chiều, làm tâm hồn tôi xao động. Nếu như tôi có con có cháu, chắc là tôi chẳng nghĩ đến chuyện đi thêm bước nữa làm gì. Đằng này, tôi con cháu đã không có, họ hàng ở bên này cũng không. Lủi thủi có một thân một mình, thỉnh thoảng ghé qua thư viện đọc mấy cuốn sách hay báo chí tiếng Việt là thấy lòng mình lại buồn bã hơn trước. Những lúc đi shop, thấy người Việt mình đi có đôi có lứa, con cháu ríu rít, tôi lại tủi thân, chỉ muốn nằm nhà mà khóc... Cứ như cuộc đời tôi, đáng lẽ tôi ở Việt Nam, còn có người này người nọ mà lại đỡ đau khổ.

Ở đây nhiều lúc buồn bã, nhìn cảnh lạ người lạ, nhớ đến quê nhà càng cảm thấy buồn quay quắt trong lòng. Nhưng biết làm thế nào. Thôi thì mỗi cuộc đời mỗi số phận. Từ ngày ông xã tôi mất, tuần nào cũng vậy, nếu không mưa gió bất thường hay tôi không đau yếu gì, tôi đều ghé thăm mộ ổng. Gọi là một chút lòng, chút tình dành cho người bạn đời đã chẳng may nằm xuống. Đốt một nén nhang, đọc vài lời cầu nguyện, rồi về. Như vậy cũng thanh thỏa phần nào. Thôi thì ông sống khôn chết thiêng, phù hộ độ trì cho tôi sống sao cho phải đạo con người... Tôi tìm đến ông, tôi nghĩ đến ông giống như ông là chiếc phao trong cuộc đời bể khổ của tôi vậy.

Thế rồi một ngày nọ, vào thứ bảy, tôi cũng ghé thăm mộ nhà tôi như thường lệ. Đến nơi, tôi ngạc nhiên khi thấy trên mộ của ông nhà tôi đã có sẵn một bó hoa, không biết của ai đặt ở đó. Nhìn bó hoa, tôi đoán người đặt bó hoa đó chưa có lâu, vì hoa còn rất tươi mà ngày hôm đó trời nắng rực rỡ.

Nhìn quanh, tôi thấy thấp thoáng người đi thăm mộ có cả Úc, cả Việt. Chẳng hiểu sao, tôi có linh cảm trong lòng, bó hoa đó là của ông địa ốc. Bấm đốt ngón tay, ông xã tôi mất cũng được hơn một năm. Suốt thời gian đó, tôi viếng thăm mộ ông đều đều nhưng chẳng hề bao giờ thấy có bó hoa như vậy. Bây giờ, bỗng dưng có thì còn ai vào đây được nữa. Tự dưng trong lòng tôi thấy rung động chi lạ lùng. Sao cũng là người đàn ông, mà có người thì dửng dưng, nhạt nhẽo, chẳng để ý đến một cái gì gọi là có. Có người thì tế nhị, sâu sắc, biết quan tâm đến người khác từng chuyện nhỏ nhặt nhất trở đi"

Chẳng phải tôi nói xấu nhà tôi, chứ từ khi tôi và ổng lấy nhau cho đến ngày ông nhắm mắt, chẳng bao giờ ổng tặng tôi được một bông hoa, một món quà. Ngày sinh nhật, ngày cưới, có nhắc khéo thì ổng cười xòa, vỗ tay vô ngực bộp bộp rồi bảo tôi, tình yêu là ở trong trái tim nè nè. Ba cái chuyện quà cáp lẩm cẩm chẳng qua là mấy thằng tư bản làm ăn nó vẽ ra để bán đồ mà bà. Ba cái chuyện đó tôi rành sáu câu quá mà. Ổng đã nói vậy, thì tôi cũng cười trừ chứ biết làm sao. Sống từ bé đến lớn trong một gia đình nghiêm khắc, nên tôi quen đè nén tình cảm, đâu có biết nhõng nhẽo, nũng nịu ai bao giờ. Đến khi lấy chồng, suốt bao nhiêu năm chung sống, thương yêu nhau nhất mực, nhưng tôi cũng chẳng bao giờ vòi vĩnh ổng cái gì. Vợ chồng sống không có con, càng cô đơn, buồn bã nên lại càng thương yêu nhau hơn. Tôi biết, tính ổng cũng cứng rắn và ra vẻ trượng phu lắm. Thương vợ thì thương không ai bằng, nhưng rất ít khi chú ý đến ba cái tiểu tiết vô thường trong cuộc đời.

Có lần, sau khi đến Úc, đi học Anh văn buổi tối, thấy người bạn mang quà vào lớp, tôi có hỏi thì mới biết ở Úc này họ có ngày gọi là ngày Valentine dành cho những người yêu nhau. Thật là một ngày ý nghĩa. Ít nhất xã hội Việt Nam mình nên có những ngày như vậy, để mọi người có dịp nghĩ đến nhau và biết cách biểu lộ tình cảm dành cho nhau. Vẫn biết, tình yêu ở trong tim, nhưng không nói ra, biểu lộ ra thì làm sao người khác biết. Lúc mới yêu nhau thì tìm đủ mọi cách cho người mình yêu biết đến tình yêu của mình. Đến lúc lấy nhau rồi thì vỗ ngực bình bịch bảo tình yêu ở trong tim là đâu có được.

Từ ngày biết ở Úc có lễ Valentine, năm nào cũng vậy, tôi đều mua cho ông xã một món quà nho nhỏ. Lần nào nhận quà, ông cũng ôm tôi hôn một cái rồi nói vuốt đuôi bằng một câu nửa đùa nửa thật, "Tiền anh đi làm đưa hết cho em, em muốn mua gì cho em thì cứ việc mua." Ổng nói vậy chỉ đúng có một nửa. Ổng đi làm hai jop. Ổng chỉ đưa tiền cho tôi có một job à. Còn một job, ông bỏ túi tiêu riêng, tôi không bao giờ hỏi. Vợ chồng son, không con cháu, nhà cửa, tiêu pha đâu có gì, nên tôi cũng dễ dãi.

Sau hai tuần liên tiếp, đều thấy có hoa ở mộ ông xã, tôi có điện thoại hỏi "ông địa ốc" thì ông cười nhận chính ông là người đặt hoa trên mộ. Tuy đã đoán trước được câu chuyện như vậy, nhưng khi nghe ông xác nhận, tôi cũng xúc động lắm. Tôi hỏi ông, tại sao anh phải làm vậy" Ông bảo: Tôi thấy P. sống côi cút một thân một mình nhưng vẫn thủy chung tình cảm dành cho ảnh [ý ổng nói là ông xã của tôi đó] nên muốn làm một cái gì để an ủi P. chứ không hề có tình ý gì. Nghe ông nói, tôi vừa cảm động, vừa buồn. Cảm động trước sự cư xử tế nhị, có tình có ý của ông. Buồn khi nghe ông xác nhận "không hề có tình ý gì".

Tâm lý người đàn bà quả thật phức tạp. Ở vào cái tuổi ngoài 50, tôi chỉ muốn sống êm đềm cho đến ngày nhắm mắt sang bên kia thế giới đoàn tụ với chồng. Tôi sợ mọi cuộc phiêu lưu tình cảm, cho dù đó là những tình cảm chân thành. Vậy mà trong thâm tâm, tôi vẫn tha thiết mong muốn có người để ý đến mình. Mấy chục năm trước, ý nghĩ đó đối với tôi là điều tội lỗi, tôi phải tìm mọi cách gạt nó ra khỏi đầu óc của mình. Nhưng bây giờ, sống trong xã hội Úc, tôi cũng đã bị nó tiêm nhiễm nên tôi hiểu, việc một con người đi tìm hạnh phúc cho chính mình mà không làm khổ ai thì đâu có phải là cái tội.

Tuần lễ tiếp đó, tôi nhớ là dịp đó gần Giáng Sinh, ông địa ốc có mời tôi đi chơi. Lúc đầu, tôi định từ chối. Tôi nghĩ bụng, "Y đã nói là không hề có tình ý gì thì còn mời mình đi làm gì"" Nhưng sau tôi lại nghĩ, mình cứ đi để xem ổng có tình ý hay không là biết liền chớ gì. Vì vậy, tôi nhận lời.

Hôm đó, chúng tôi đi chơi với nhau chỉ có hai người. Suốt cả buổi sáng, lang thang trong công viên, trưa ăn uống qua loa, rồi buổi chiều lại đi dạo, ngó biển, ngó thuyền, ngó thiên hạ. Hôm đó là một ngày quan trọng vì tôi tâm sự với ông tất cả những gì tôi muốn thổ lộ. Ngược lại, tôi cũng nghe ông kể về cuộc đời khốn khó đầy gian truân của ông.

Ông địa ốc tên là T. có hai đời vợ. Cả hai bà vợ đều lần lượt bỏ ổng không biết vì lý do gì. Tôi nghe ông nói rất ngạc nhiên. Theo ông kể, tôi đoán có lẽ tại hoàn cảnh. Trước ông là sĩ quan làm việc ngay tại Sàigòn. Sau 1975, ông đi học tập cải tạo, bà vợ ông đi thăm nuôi được vài lần rồi bỏ ông đi biệt tăm, không một lời nhắn nhủ. Đến bà thứ hai, lấy nhau được vài năm thì vượt biên. Sang đến trại tỵ nạn, bà vợ của ổng thấy "ổng già nua không được tích sự gì" (nguyên vẹn lời của ổng) nên bỏ chồng đi theo một anh tài công trẻ, khỏe, đẹp trai. Nhưng sau này, khi sang đến Mỹ, anh tài công lại bỏ bà lấy một người con gái khác. Âu cũng là chuyện nhân quả, mình bỏ người này thì người khác lại bỏ mình. Ông T. bảo tôi, sau hai lần bị vợ bỏ, ông chẳng tha thiết gì đến chuyện vợ con. Cũng may, cả hai bà vợ, chẳng có ai có con, nên cuộc chia tay chóng vánh, ông chẳng bận tâm gì mấy. Sang đến Úc, ông T. lao vào làm ăn trong ngành địa ốc ngay từ đầu nên ông thành công. Trong những năm vào giữa thập kỷ 1980, giá nhà cửa của Úc đột nhiên nhảy vọt, số người mua thì đông, nhà bán ló ra căn nào là bán được liền căn đó. Thời đó, ông kiếm được tiền nhiều. Kiếm được bao nhiêu ông lại bỏ tiền vô đầu tư nhà cửa. Rồi ông quay sang mua đất, xây nhà bán và cho thuê.

Tuy thành công, tiền bạc dư giả, nhưng ông sống rất giản dị. Xe vẫn đi chiếc xe Ford cách đây cả chục năm. Nhà ông vẫn ở nhà thuê. Ông bảo, một người khi làm ăn thành công phải biết giấu sự thành công của mình. Có vậy, làm ăn mới bền, thêm bạn bớt thù. Ông bảo, có nhiều người trên đời này kỳ lắm. Họ sẵn sàng giúp mình khi mình sa cơ, lỡ vận, nhưng cũng người đó, khi thấy mình thành công là họ sẵn sàng đạp cho mình đổ.

Trong lần đi dạo đó, ông ngỏ ý muốn làm tất cả những gì tôi muốn để tôi được hạnh phúc. Tôi ngạc nhiên và rất xúc động. Như tôi đã viết ở đoạn trên, tôi không phải là người đàn bà nhan sắc lộng lẫy gì. Ở tuổi ngoài 50 thì lại càng có nhiều điểm đáng chê trách hơn là đáng quyến rũ. Tôi cũng không am tường ba chuyện làm ăn, nội trợ, quán xuyến gia đình gì. Một người đàn bà không có con là mất đi tất cả những khả năng thiên phú. Được cái là nhờ không có con nên tuy đã ở tuổi ngoài 50, thân hình tôi vẫn còn đẹp. Mấy bà bạn có con có cháu, trông tôi mặc chiếc áo dài nhung màu tím vẫn khen tôi. Thậm chí, ngay cả mấy cô bạn học tuổi mới ngoài 30 cũng bảo tôi có thân hình đẹp. Nhưng đẹp gì thì đẹp, tôi biết, sự qúy mến của ông T. dành cho tôi là cả một chuyện lạ. Tôi biết, với ngoại hình của ông, với tiền bạc ông có và gia cảnh của ông hiện tại, ông có thể dễ dàng kiếm được một người vợ tuổi chỉ đáng tuổi con ông.

Ông T. có cho tôi biết, ông đã hai lần về Việt Nam kiếm vợ, và một lần đóng hơn 3 ngàn đồng tiền Úc cho một tổ chức mối lái của người Tàu tại Chinatown. Hai lần về Việt Nam gặp phải 2 người con gái, ông T. rất buồn và chua xót trước lối làm tiền một cách trắng trợn và tham lam của cả cô gái lẫn cha mẹ.

Ông bảo, sống đời sống vợ chồng mà hai bên không có quan hệ bình đẳng thì khó có thể sống về lâu về dài. Lấy vợ Việt Nam, ông có cảm tưởng như ông là người ban ơn cho họ, nên ông không cảm thấy hạnh phúc. Còn chuyện đóng tiền cho một tổ chức mối lái thì họ cho ông mỗi tháng 12 số điện thoại để liên lạc. Sau khi liên lạc, gặp gỡ, nếu thấy hợp, ông có thể tiến xa hay gần là tùy ông. Nếu không hợp, họ sẽ cho ông số điện thoại của những người con gái khác. Ông có quyền tuyển chọn như vậy trong thời gian 6 tháng. Hết 6 tháng, nếu ông muốn tiếp tục, ông phải đóng thêm 2000 đồng nữa. Ông nói với tôi, sau khi gặp được 5 cô, ông quá chán nản vì thấy họ chỉ có ý định lấy chồng để được ở lại Úc. Một khi được ở lại rồi là họ sẽ tìm cách bỏ chồng để kiếm người khác xứng đôi vừa lứa với họ.

Sau khi nghe ông ngỏ lời, tôi xúc động, nhưng không biết làm thế nào. Tôi biết, vong linh chồng tôi sẵn sàng tha thứ nếu tôi có phải đi thêm bước nữa. Tôi cũng biết, bề ngoài nhìn vô, thì người đàn bà góa như tôi mà lấy được ông T. là điều may mắn. Nhưng đó là chuyện bề ngoài. Chuyện bên trong mới là quan trọng. Làm sao tôi biết được, tương lai cuộc sống vợ chồng chúng tôi tốt hay xấu" Vợ chồng trẻ lấy nhau, mỗi khi xung đột còn có con ràng buộc. Còn những người ở tuổi xế bóng như chúng tôi mà lấy nhau, đâu có gì ràng buộc. Như vậy, khi hai người cơm không lành, canh không ngọt, dễ giữa đường đứt gánh lắm. Sợ những chuyện như vậy, nên tôi cứ băn khoăn nghĩ ngợi.

Giữa lúc băn khoăn như vậy, tôi nhớ đến người bạn cùng chạc tuổi tôi. Tôi mới tâm sự với bà ta mọi chuyện. Nghe xong, bà bảo tôi, nếu người đàn ông khi họ mời một người đàn bà đi ăn, mà còn mời cả mẹ và chị đi ăn cùng, thì người đàn ông đó có thể tin cậy được.

Nghe bà ta nói có lý, nên tôi cũng nghĩ lại những gì ông T. nói với tôi. Tôi nhớ cả những kỷ niệm khi ông thỉnh thoảng chở tôi ghé thăm mộ chồng tôi. Trong những buổi viếng thăm mộ như vậy, chẳng hiểu vì đâu, tôi thấy mình cô đơn quá. Nhìn những hàng một chạy dài khắp bốn phương tám hướng trong những buổi chiều tà, ánh nắng hoàng hôn sắp tắt ở chân trời, khí lạnh dần dần bao phủ, tôi thấy kiếp người sao mong manh, đơn giản làm sao. Mới ngày nào, trên đường vượt biên, hai vợ chồng ấp ủ bao nhiêu mộng đẹp. Bây giờ, người nằm đó chìm sâu trong lòng đất lạnh, người ở lại run rảy mong manh, côi cút, khổ đau không để đâu cho hết.

Trong những buổi chiều đi thăm mộ chồng như vậy, tự nhiên tôi thấy mình gần gũi với ông T. thiệt nhiều. Thường thì ông T. rất ít nói. Đứng bên cạnh tôi, bao giờ ông cũng có những cử chỉ thật tế nhị, lúc thì đứng về phía mặt trời để che cho tôi khỏi nắng, lúc lại đứng đầu gió che cho tôi khỏi lạnh... Cuối cùng, chuyện gì phải đến cũng sẽ đến. Một buổi chiều nọ, trời nổi cơn giông bất tử, cả hai đứa chạy thật nhanh đến chỗ xe đậu thì đã ướt như chuột. Ngồi trong xe, rét run cầm cập, ông T. mở máy xe, rồi mở máy sưởi, tôi vẫn không hết lạnh. Trong cơn lạnh lẽo về thể xác, cô đơn về tâm hồn, bàn tay tôi đã tìm bàn tay ông, và hai bàn tay đã nắm chặt lấy nhau suốt cả tiếng đồng hồ mà không ai nói với ai một câu... Từ ngày đó, tôi âm thầm chấp nhận lời cầu hôn của ổng, nhưng vẫn giấu kín trong lòng.

Sau thời gian 3 năm để tang chồng, tôi làm bữa tiệc nhỏ, mời ông T. tới nhà. Trong bữa ăn, tôi nhẹ nhàng ngỏ lời cho ông biết, tôi chấp thuận làm vợ ông. Nghe tôi nói xong, ông T. vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc. Ông biết, tôi không có họ hàng gì ở Úc, nhưng ông vẫn muốn tổ chức một đám cưới nhỏ, mời những người thân trong gia đình ông và một số bạn bè rất thân của ông và của tôi tới dự. Sau đó, hai đứa chúng tôi sẽ đi hương tuần trăng mật ở Cairns...

Tôi quá cảm động. Không ngờ khi tôi đã bước vào tuổi xế chiều, tưởng chừng hạnh phúc gia đình sẽ vĩnh viễn bỏ tôi, vậy mà tình yêu, đám cưới, tuần trăng mật lại đến trong vòng tay của tôi. Đám cưới của chúng tôi tuy nhỏ, nhưng dềnh dang đủ bộ. Cũng có nhẫn cưới hột xoàn, có bánh cưới mấy tầng, có khăn nhiễu đỏ đầy chữ ký của người thân, có quà mừng cùng khách khứa đông đủ...

Sau tuần trăng mật thật hạnh phúc, cả đại gia đình chúng tôi dọn vô một căn nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi hơn. Trước khi cưới, ông T. có bảo tôi, từ khi đón mẹ và chị sang Úc đoàn tụ, ông luôn luôn sống với hai người trong một căn nhà. Nhưng nếu tôi muốn được tự do, hai người sẽ dọn ra ở riêng. Còn mẹ ông và bà chị của ổng [bà chị của ổng không có chồng] sẽ dọn vô một căn flat ông mua ngay gần trung tâm Footscray. Thấy ông chu đáo như vậy tôi rất cảm động. Tôi nói với ổng, cuộc đời của tôi ở Úc thân thích bà con không có ai. Bây giờ, chấp nhận lấy ổng, tôi muốn được làm dâu, sống trong cảnh gia đình có mẹ có con, có chị chồng, có em dâu...

Từ đó đến nay đã mấy năm trôi qua, cuộc sống của tôi thiệt hạnh phúc. Và như vậy, xem ra cuộc đời luôn luôn ấp ủ những điều kỳ diệu bất ngờ. Ai có thể ngờ được một người đàn bà Việt Nam góa bụa, xấu xí như tôi lại có thể tìm được hạnh phúc vào lúc tuổi xế chiều" Trước đây, tôi vẫn nghe một số người nói, ở Úc những người làm nghề bán xe và nghề bán nhà thường hay ba xạo. Với ai không biết, với ông xã tôi, tôi thấy ông rất chân thành, tự trọng và biết bảo vệ quyền lợi của cả người mua lẫn người bán.

Thưa qúy vị, khi tôi viết bài dự thi này, tôi không bao giờ có ý nghĩ bài của tôi sẽ đoạt giải thưởng dù lớn hay nhỏ. Tôi viết chỉ vì tôi muốn giải thoát chính bản thân tôi khỏi những suy nghĩ phiền muộn đã đeo đẳng suốt cuộc đời tôi. Lớn lên trong khuôn khổ lễ giáo gia đình và truyền thống giáo dục của Việt Nam, tôi thấy chuyện một người con gái, sinh ra và lớn lên phải biết thờ kính cha mẹ, khi lấy chồng phải yêu chồng, chồng chết phải giữ trọn tiết hạnh để nuôi con, là điều quá cao đẹp và đúng đắn. Ngay từ những năm tháng xa xưa, tôi đã ước ao được sống như vậy. Thậm chí, nói dại, tôi đã ước ao chồng tôi sẽ chết trước tôi để tôi được sống một cách tiết hạnh, đạo đức, trước sự ngưỡng mộ của gia đình, dòng họ và hàng xóm láng giềng. Nhưng rồi khi đến Úc sinh sống, tôi cũng dần dần nhận ra, một người vợ nếu chẳng may chồng chết, phải đi bước nữa để lấy chồng và sống hạnh phúc trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, thì điều đó cũng đâu có gì là xấu.

Sống vị tha luôn luôn là điều cao thượng nên theo đuổi. Nhưng nếu sống vị kỷ một cách chính đáng, thiết tưởng cũng là điều chúng ta nên bao dung, rộng lượng, không nên có thái độ chê trách, dè bỉu. Phải chăng vì hiểu rõ như vậy, nên khi hấp hối, chồng tôi đã chân thành khuyên tôi, tìm kiếm một người nào đó tốt bụng để gá nghĩa vợ chồng cho bớt cô quạnh. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến chuyện cổ tích ông đầu rau và mối tình tay ba của Việt Nam. Câu chuyện thật ý nghĩa đối với những người gặp hoàn cảnh giống tôi.

Vũ Thị Phương - Melbourne VIC

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.