Hôm nay,  

Cái Chết Bí Ẩn Của Đức Ông Điềm Và Trách Nhiệm Của Nhà Nước Csvn

13/02/200300:00:00(Xem: 4519)
Quốc Trọng (VNN)

* Đức Ông Đào Đức Điềm.
Trong những ngày cuối năm Nhâm Ngọ, cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Anh Quốc và nhất là các giáo dân thuộc giáo xứ Birmingham, Luân Đôn, đã bàng hoàng và đau buồn trước hung tin về cái chết đột ngột của Đức Ông Phêrô Đào Đức Điềm, một công dân Anh gốc Việt, xảy ra vào ngày 25/1/2003 tại Huế. Trong không khí ngột ngạt đầy thương tiếc đó, gia đình thân nhân của một người trẻ tên Đoàn Thanh Christopher - người đồng hành với Đức Ông Điềm tại VN, cũng bức xúc và vô cùng lo lắng về việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã bắt giam anh Thanh ngay sau khi xác của Đ.Ô. Điềm được phát hiện tại hiện trường, ngay trong Khách Sạn Trường Giang ở Huế.
Trước tiên, xin cùng tìm hiểu thêm về cá nhân Đức Ông Phêrô Đào Đức Điềm và anh Đoàn Thanh. Theo bản tin trích từ Website Hội Ái Hữu Simon Hòa Đà Lạt, "Đ.Ô. Đào Đức Điềm sinh ngày 14 tháng 2 năm 1939, tại Lang Gián, quận Nam Sách, tỉnh Hải Dương miền Bắc Việt Nam. Năm 1949, ông bắt đầu đi tu tại tu viện Quảng Yên. Năm 1954, ông di cư vào Miền Nam và theo học tại Tiểu Chủng Viện Chân Phước Liêm, ở Bình Đức tỉnh Mỹ Tho, thuộc Giáo Phận Sài Gòn. Đến năm 1960, Tòa Thánh thành lập giáo phận Đà Lạt và trao cho Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền cai quản. Giáo Phận mới gồm các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Đức và Phước Long, mà trước kia thuộc Giáo Phận Sài Gòn. Thầy Đào Đức Điềm theo Đức Cha Simon Hòa Nguyễn văn Hiền về phục vụ Giáo Phận Đà Lạt từ đó. Thầy Điềm giúp xứ Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt niên khóa 1964 - 1965, sau đó chịu chức linh mục năm 1969 dưới sự đặt tay của Đức Cha Simon Hòa Hiền. Ngài về phụ vụ tại nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt và trường Trí Đức của giáo xứ Chính Tòa trong 4 năm."
Năm 1979, Đ.Ô. Điềm đã vượt biên tỵ nạn thành công sau 14 lần cố gắng thất bại trước đó. Đến Anh Quốc với tư cách "thuyền nhân" tỵ nạn, Đ.Ô. Điềm được linh mục Thomas Fallon, quản xứ vùng Birmingham, đón nhận và giảng dạy tiếng Anh. Đây cũng là trung tâm công giáo đầu tiên của cộng đồng người Việt tại Anh Quốc và sau đó được chuyển dần đến thành phố Luân Đôn. Năm 1990, ông Điềm được phong tước Đức Ông (tước này do Công Giáo Anh phong cho và Đ.Ô. Điềm thuộc hàng Giáo Phẩm Công Giáo Anh, không phải Công Giáo VN), và là Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ Luân Đôn.
Anh Đoàn Thanh Christopher năm nay 27 tuổi, là một người Anh gốc Việt. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi thì anh Thanh đã có bằng Cao Học (Master) tại Anh và có thể nói là nghề nghiệp vững chắc, lương cao. Anh cùng cha mẹ tỵ nạn Cộng Sản tại Anh Quốc lúc còn nhỏ. Là con út của ông Đoàn Triết, một cựu sĩ quan quân đội VNCH, anh Thanh được nhiều người cho biết là một thanh niên hiền lành, chăm chỉ làm việc và chưa hề mang tiếng xấu nào. Gia đình cũng rất đàng hoàng, không mang tiếng xấu gì, theo một người bạn của gia đình ông Triết kể lại. Anh Thanh có quen với một người bạn gái theo đạo Công Giáo và người này thường hay cùng anh Thanh đến nhà thờ Việt Nam tại Luân Đôn nên từ đó anh Thanh quen biết thêm Đ.Ô. Điềm. Đ.Ô. Điềm thấy anh Thanh hiền lành, dễ mến nên thương như con cháu trong nhà. Anh Thanh lúc đó cũng đang học đạo để chuẩn bị sau chuyến đi về VN là sẽ cưới vợ theo Công Giáo. Anh Thanh có giúp Đ.Ô. Điềm trong việc quản trị sổ sách tài chánh của nhà thờ công giáo VN tại Luân Đôn và cũng là cố vấn tài chánh cho Đức Ông Điềm. Theo nguồn tin của VNN cho biết, anh Thanh là người đã tận tình giúp đỡ Đ.Ô. Điềm trong việc xin chiếu khán về VN lần này. Và theo một nguồn tin chính xác mà chúng tôi biết được thì Đ.Ô. Điềm không cho ai khác biết về chuyến đi thăm VN đầu tiên nầy của ông. Chỉ một vài người như Linh Mục phó hay Thầy Sáu phụ tá cho Đ.Ô. được cho biết vài giờ trước khi ông lên máy bay. Đây là một bí ẩn nhưng cũng "có thể hiểu được" là Đ.Ô. Điềm có lẽ đã e ngại rằng những người thân sẽ can gián không để ông đi VN, vì họ lo sợ cho sự an toàn của ông. Lý do dễ hiểu là Đ.Ô. Điềm đã từng bị sứ quán Việt Cộng (VC) tại Luân Đôn không cấp giấy Chiếu Khán (Visa) đi VN vào năm 1992, khi ông được chọn đi theo trong phái đoàn dân biểu Anh Quốc qua VN tìm hiểu về tình hình đàn áp tôn giáo. Và cũng vì Đ.Ô. Điềm không được VC cho đi VN nên cả phái đoàn nầy đã phản đối bằng cách hủy bỏ luôn chuyến đi.
Tuy nhiên, ở Anh Quốc có khoảng 7-8 Linh Mục VN và những LM nầy đều có về VN hàng năm. Khi Đ.Ô. Điềm đến VN vào ngày 14/1/2003 thì ở VN cũng có khoảng 4 Linh Mục VN tại Anh Quốc về VN sau ông để ăn Tết Quý Mùi. Hiện nay, theo nguồn tin mà chúng tôi được biết thì 4 vị Linh Mục nầy có thể vẫn chưa trở lại Anh Quốc. Hôm 02/02/03, nhà thờ VN tại Anh Quốc đã tổ chức lễ tang cho Đ.Ô. Điềm và các Giám Mục người Anh đến dự lễ có chứng kiến việc đọc một bức thư của thân nhân Đ.Ô. từ VN gởi qua (một em trai là Luật Sư và một em gái), xin Giáo Hội Công Giáo Anh đem xác Đ.Ô. Điềm về Anh chôn cất. Vì vậy, giáo phận của Đ.Ô. Điềm đã xin bộ ngoại giao Anh can thiệp để xin chở xác ông về Anh. Tuy nhiên, theo nguồn tin mới nhất mà chúng tôi nhận được thì Tòa Giám Mục Đà Lạt đã làm việc với chính quyền CSVN, dàn xếp việc an táng thi hài của Đ.Ô. Điềm để được tiến hành tại nghĩa trang thuộc giáo xứ Lạc Lâm, Đà Lạt, vào hôm thứ ba, 11/2/2003.
Điều cần lưu ý thêm là tập thể giáo dân Công Giáo VN tại Anh với đại đa số là người Mông Cáy, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, v.v... vượt biên bằng thuyền sang Hồng Kông và được Anh Quốc bảo trợ sau đó. Khi có tin đồn đãi do sứ quán VC tại Anh và một số người đã quen sống hoặc thân với chế độ Bắc Việt thời trước lúc còn ở VN, tung ra về anh Thanh như: Công an Huế đã loan tin là Christopher Thanh Đoàn sau khi bị bắt đã ký giấy nhận tội; hoặc là anh Thanh giết Đ.Ô. Điềm là để lấy tiền của ông mang theo.v.v..., thì cha mẹ của anh Thanh đã khiếu nại sứ quán VC tại Anh đưa tin thất thiệt về anh Thanh và Đ.Ô. Điềm. Dư luận quan tâm và hiểu biết tại Anh thì cho rằng rất có thể VC chính là thủ phạm giết Đ.Ô. Điềm theo lối ám sát, rồi tìm cách đổ tội cho Đoàn Thanh Christopher. Vậy thì trước khi chúng ta đi đến kết luận về bất cứ giả thuyết nào, xin tìm hiểu thêm những dữ kiện của vụ án và đặt ra một số vấn đề, một số câu hỏi về những "mờ ám" và "bí ẩn" vẫn chưa được lôi ra ánh sáng trước công chúng.
1. Những hành động mờ ám trong việc che giấu các dữ kiện về vụ án và những vi phạm luật pháp quốc tế về quyền công dân:
Vụ án mạng xảy ra vào ngày 25/1/2003 nhưng báo chí trong nước hầu như im lặng về cái chết đau thương của Đ.Ô. Điềm. Hầu như tất cả các trang web hay báo chí của chính quyền CSVN, nhất là những trang web của các cơ quan truyền thông VC, đến hôm nay vẫn không loan tải về vụ án giết người này. Mãi đến vài ngày cuối năm và trong Tết, dư luận quần chúng tại thành phố Huế mới bàn tán xôn xao về vụ "một Việt kiều Anh" bị giết tại Huế. Nhiều tin đồn thất thiệt được tung ra, làm cho người dân ở Huế hoàn toàn mù tịt về những dữ kiện thật và diễn tiến của vụ án.


Anh Thanh đã nhanh chóng bị công an CSVN xem là "đầu mối", là "tình nghi" duy nhất hiện nay trong vụ án và do đó, họ đã lập tức dùng biện pháp cô lập, tạm giữ để rồi sau đó chính thức bắt giam anh Thanh trước khi thông báo cho sứ quán Anh tại VN. Trong quá trình tạm giam và chính thức bắt giữ anh Thanh mà đến nay vẫn chưa có lệnh truy tố tội phạm, Sở Công An Thành Phố Huế và cả Bộ Nội Vụ CSVN đã rõ ràng có chủ ý che giấu tất cả những chi tiết quan trọng liên quan đến vụ án. Hàng chục bản tin của trên dưới 10 cơ quan truyền thông ngoại quốc khác nhau như Associated Press, Reuters, ABC News, ABC Radio Australia News, The Independent, Metro (Anh), BBC News, RFA.v.v... tất cả đều đưa ra những dữ kiện rất ngắn gọn, ít ỏi và gần như giống nhau hoàn toàn về vụ án này. Lý do đơn giản là họ chỉ nhận được một số ít dữ kiện này từ sứ quán Anh tại VN (sau khi được CSVN thông báo) và những tin đồn mà rất có thể là do công an CSVN tung ra về anh Thanh như là một tình nghi duy nhất và chính yếu của vụ án, để "lấy credit" và đánh lạc hướng cuộc điều tra cũng như sự bàn tán trong dư luận quần chúng và giới truyền thông nói chung!
Điều vô lý và vi phạm luật pháp quốc tế từ phía chính quyền CSVN là những thông tin, dữ kiện rất căn bản mà công luận cần biết như thời điểm, hoàn cảnh xảy ra vụ án, tình trạng của người bị tạm giam ra sao, lý do bắt giam mà không truy tố, chính quyền đã thông báo cho thân nhân hay luật sư của người bị tình nghi như thế nào, vấn đề áp dụng công pháp quốc tế đối với những công dân ngoại quốc ra sao.v.v... Tất cả những dữ kiện này, quần chúng và tất nhiên là thân nhân của những người liên quan đến vụ án đều được quyền biết và công an CSVN không thể giấu giếm thông tin để bắt người hoặc hạn chế quyền trao đổi thông tin, liên lạc giữa bị cáo với gia đình hoặc luật sư biện hộ.v.v... Một hành động vi phạm luật quốc tế và thật đáng trách là chính quyền CSVN đã bắt giữ anh Thanh mà không thông báo ngay lập tức cho sứ quán Anh tại VN. Mờ ám nhất là trong những ngày sau khi xảy ra vụ án, chính quyền CSVN vẫn không chấp thuận yêu cầu của đại diện sứ quán Anh Quốc tại VN được vào xem thi hài của Đ.Ô. Điềm cũng như để họ được gặp mặt trực tiếp với anh Thanh, người đã bị bắt giữ mà không có luật sư hay đại diện biện hộ, theo nguyên tắc luật pháp quốc tế!
2. Những động cơ đằng sau vụ "ám sát" Đức Ông Đào Đức Điềm:
Nói về động cơ thì điều rõ ràng nhất mà đa số đồng bào người Việt tại hải ngoại đều có thể hiểu được là chính quyền CSVN có "nhu cầu" loại bỏ tiếng nói tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo và dân chủ tại VN của Đ.Ô. Điềm. Đ.Ô. Điềm là một trong những nhà hoạt động (activist) đứng đầu sóng ngọn gió trong nhiều công tác tranh đấu cho nhân quyền tại VN của cộng đồng người Việt ở Âu Châu. Đáng kể nhất là trong chiến dịch "Đấu tranh cho tù nhân chính trị và lương tâm tại VN" do nhiều đoàn thể cùng phối hợp tổ chức vào năm 1992, Đ.Ô. Điềm đã thân hành đến ủy lạo 19 tuyệt thực viên VN từ khắp Âu Châu và Bắc Mỹ, kéo đến tuyệt thực trước Phủ Thủ Tướng Anh trong các ngày 8,9,10 Tháng 12/1992, để yêu cầu chính phủ Anh can thiệp, đòi hỏi CSVN thả tù nhân chính trị và lương tâm tại VN. Và đặc biệt trong ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/1992, Đ.Ô. Điềm đã hướng dẫn một phái đoàn đại diện các đoàn thể đấu tranh, tổ chức cộng đồng tại Âu Châu và Bắc Mỹ đi vào Phủ Thủ Tướng Anh để đệ trình thỉnh nguyện thư và một danh sách hơn 700 trăm tù nhân chính trị và lương tâm tại VN lên thủ tướng John Major và xin chính phủ Anh can thiệp sớm. Ngoài ra, chính quyền CSVN cũng rất lo ngại khi thấy Đ.Ô. Điềm về VN với những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ quần chúng trong nước, thì sẽ gây thêm khó khăn cho chính quyền trong việc cô lập và trấn áp những thành phần phản kháng đang đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, tự do dân chủ ngay tại trong nước.
Tuy vậy, trước những tin đồn do chính quyền CSVN tại Huế tung ra và những đòn rỉ tai từ sứ quán VC tại Anh Quốc, bà con VN tại Huế nói riêng và trong nước nói chung đều hoang mang và có những nghi ngờ riêng về vụ án này. Nhiều đồng hương tại Huế cho chúng tôi biết rằng trong khoảng thời điểm cuối tuần lễ đầu của vụ án thì có nhiều dư luận bàn tán khá xôn xao, nhưng đến tuần lễ thứ hai thì hầu như không còn ai chú ý đến nữa. Lý do là chẳng có tin tức gì mới thêm (vì đã bị công an và báo chí Huế ém nhẹm ngay từ đầu) và rất có thể vì đây là một "vụ án chính trị", mà theo những người hiện đang sống tại Huế, khá am hiểu tình hình chính trị, tôn giáo tại đây cho chúng tôi biết cảm nghĩ như thế, cho nên đa số đồng bào tại Huế đều e ngại khi trao đổi hay tìm hiểu thêm về những chuyện có liên quan đến "chính trị". Một điều đáng chú ý là trong suy luận của một số người dân tại Huế thì đây là một "vụ án chính trị" nhưng thủ phạm có thể là anh Đoàn Thanh Christopher (cũng gần giống với tin đồn mà phía CSVN tung ra), còn công an hay chính quyền CSVN có phải là thủ phạm hay không thì chính họ cũng không đoán được vì không có đủ chi tiết về vụ án. Họ nghĩ rằng anh Thanh có thể là kẻ mưu sát nhưng động cơ không phải là tiền bạc (vì anh Thanh là người nước ngoài, cũng khá giả...) mà là chính trị, vì những lý do gì đó mà chính họ cũng chưa hiểu hết được. Vả lại, theo họ thì thành phố Huế cũng là trung tâm của những "xáo động" và "bí ẩn" về chính trị, tôn giáo mà lâu nay người dân tại đây ít nhiều đã biết qua như vụ Linh Mục Nguyễn Văn Lý, LM Phan Văn Lợi, LM Nguyễn Hữu Giải, Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất, Tăng Đoàn Thừa Thiên Huế, v.v... cho nên "vụ án chính trị" này có thể rồi cũng sẽ trôi theo dòng thời gian trong sự uất ức của những nạn nhân liên hệ...
Kết Luận:
Thật ra, điều quan trọng hiện nay đối với đồng bào người Việt chúng ta dù đang sống tại VN hay ở nước ngoài không phải là "suy đoán" anh Đoàn Thanh Christopher hay bất cứ ai là thủ phạm của vụ án giết hại Đ.Ô. Đào Đức Điềm. Điều mà tất cả chúng ta muốn biết là chính quyền CSVN phải công khai hóa ngay lập tức những chi tiết căn bản liên quan đến vụ án, những nguyên tắc tạm giam và bắt người không truy tố, những quyền công dân của người ngoại quốc tại VN trong trường hợp có liên quan đến tội phạm dân sự hay hình sự, tình trạng của người bị tình nghi ra sao, diễn biến cuộc điều tra đến nay như thế nào.v.v... để cho gia đình của các nạn nhân và đồng bào biết rõ về tiến trình điều tra vụ án và để công lý được phục hồi cho gia đình của các nạn nhân liên hệ. Chừng nào chính quyền CSVN còn im lặng, cố tình che giấu một cách trắn trợn về những dữ kiện của vụ án giết hại Đ.Ô. Điềm thì ngày đó, dư luận người Việt và ngoại quốc có quyền đặt trách nhiệm tội phạm lên chính quyền CSVN, dầu là một cá nhân hay nhóm người trong chính quyền CSVN trực tiếp nhúng tay vào vụ ám sát Đ.Ô. Điềm hoặc là đã cố tình che giấu sự thật, đánh lừa dư luận quần chúng và vi phạm các quyền công dân của người VN và ngoại quốc. Dư luận đang chờ đợi sự giải thích của nhà cầm quyền CSVN đối với vụ giết hại Đ.Ô. Đào Đức Điềm và cũng như bao vụ ám sát bí ẩn khác trong quá khứ mà họ đã ngang nhiên vùi lấp vào hố sâu tội ác của họ đối với đồng bào Việt Nam!
Quốc Trọng (Tháng 2/2003)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.