Hôm nay,  

Diều Hâu Ngũ Sắc Trong Chính Quyền Bush

10/04/200300:00:00(Xem: 4140)
Trong cuộc tranh luận trước đây về lẽ "chiến hòa" tại Iraq, Ngoại trưởng Colin Powell đã bị lãnh đạo của Pháp, Đức và Nga đâm sau lưng. Trong cuộc tranh luận ngày nay về thời "hậu-chiến tại Iraq", có khi ông Powell lại bị lạc quẻ lần nữa.
Cuộc chiến tại Iraq có thể đạt một kỷ lục bất ngờ trong nhiều kỷ lục là gây ra các cuộc tranh luận bên lề. Chẳng hạn như chiến sự vừa bùng nổ có một tuần thì truyền thông nóng ruột đã vội loan tải các lời phê bình kế hoạch hành quân là gây chậm trễ hoặc bị thất bại do không có đủ quân số. Tiềm ẩn bên dưới là lời đả kích Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld là độc đoán và chi phối đến từng tiểu tiết của kế hoạch hành quân do tướng Tommy Franks sọan thảo.
Chưa đầy ba tuần sau, cũng nguồn dư luận nóng ruột đó đã bỏ qua chuyện thắng hay bại của kế hoạch hành quân mà nhảy vội vào tương lai với cuộc tranh luận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld với Bộ trưởng Ngoại giao Colin Powell. Cùng với hệ thống truyền hình CNN, tuần báo Time, một tờ báo loại dở trong ba tuần báo lớn của Mỹ, đã mau mắn nói đến sự thất bại của kế hoạch hành quân và tuần qua lại mau mắn nói đến sự đụng độ giữa hai nhân vật cột trụ này của chính quyền Bush.
Hình ảnh toát ra từ đó là ông Bush chẳng làm gì nên sự, nội bộ luôn luôn có lủng củng, và nhân vật có thẩm quyền về văn lẫn võ là Ngoại trưởng Colin Powell (nguyên Đại tướng Tổng tham mưu trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia) thường xuyên bị Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld lấn lướt. Điều này chưa hẳn là đúng.
Thực ra, ông Powell có bị lấn lướt thật, và còn bị đâm sau lưng, nhưng bởi Tổng thống Jacques Chirac hay Thủ tướng Gerhard Schroeder trong cuộc vận động chiến hòa tại Iraq từ năm ngoái, và trong thời hậu chiến Iraq có khi ông lại bị lạc quẻ nữa là điều ta sẽ thấy sau này.
Trong khi dư luận đang nóng ruột về kết quả chiến dịch Iraq, chúng ta nên tìm hiểu dù rất sơ sài về các xu hướng trong ban tham mưu đối ngoại của Tổng thống Bush, đặc biệt về thời "hậu-Saddam" (ai sẽ lãnh đạo Iraq sau Saddam") và thời "hậu-Iraq" (Mỹ sẽ làm gì sau khi giải quyết xong vụ Iraq")
Bồ câu quay sau vụ 9-11
Truyền thông Mỹ, và sau đó truyền thông Tây Âu, thường đơn giản hóa sự việc cho dễ hiểu mà có khi thành sai (hoặc cố tình sai) rằng ban tham mưu về an ninh và đối ngoại của ông Bush có hai khuynh hướng hòa và chiến. Bộ trưởng Colin Powell và cả Thứ trưởng của ông là Richard Armitage thuộc xu hướng "bồ câu", nghĩa là cầu hòa. Bên kia, Phó tổng thống Dick Cheney, Bộ trưởng Donald Rumsfeld và các cộng sự viên của ông như Thứ trưởng Paul Wolfowitz, (nguyên) cố vấn về chánh sách quốc phòng Richard Perle, Phụ tá Bộ trưởng về Chánh sách Douglas Feith và cả cựu Giám đốc Trung ương Tình báo James Woolsey (thời Bill Clinton) là phe diều hâu chủ chiến. Bên dưới Rumsfeld, các tướng lãnh chỉ là giới quân nhân chuyên nghiệp có nhiệm vụ thi hành kế họach do thượng cấp giao phó, chứ không tham dự vào cuộc tranh luận chiến hòa.
Cách trình bày này không chính xác và có thể cố tính dẫn tới kết luận sai lạc.
Một đàng là những nhân vật đã từng ở trong quân ngũ, tham gia chiến tranh tại Việt Nam (cả Powell và Armitage) nhưng nay ở trong lãnh vực ngoại giao và biết rõ những thực tế của chiến tranh nên theo xu hướng chủ hòa. Đàng kia toàn là những người thuộc thành phần dân sự, nhưng lại chủ chiến, có khi chủ chiến vì những quan hệ của họ với doanh giới, kỹ nghệ dầu hỏa hoặc sản xuất chiến cụ. Lối phân biệt đó có vẻ hợp lý với lý luận phổ biến trong cánh tả là đám chủ chiến muốn gây ra chiến tranh để trục lợi. Và còn gì vô trách nhiệm và đáng ghét hơn là những kẻ chưa từng ở trong quân đội mà cứ đòi gây chiến. Thậm đáng ghét là chẳng những đòi gây chiến mà còn xen lấn vào việc quân của các tướng lãnh chuyên nghiệp.
Thực tế thì chính quyền của George Bush gồm toàn những người chủ trương là Mỹ phải dùng võ lực nếu cần để bảo vệ quyền lợi của mình và an ninh thế giới. Nếu còn có ai thuộc xu hướng ôn hòa, cố tránh chiến tranh, thì thành phần đó cũng đã đổi lập trường sau vụ khủng bố 9-11 năm kia. Vụ khủng bố đó đã thiêu sạch mọi con bồ câu trong chính quyền Bush và nếu là một chính quyền Dân chủ thì kết quả cũng sẽ không khác nhiều: trong mọi cuộc bỏ phiếu của Quốc hi, đề nghị chiến tranh của ông Bush đều được đa số tán đồng. Ngoài ra, ta không quên là trong quần chúng, tỷ lệ dân chúng ủng hộ việc tham chiến tại Iraq không thay đổi nhiều, thường là hơn 70%, vào thời 1992-1993 hay 2002-2003 cũng vậy. Điều đáng chú ý khác là dư luận của truyền thông Mỹ, hệ thống truyền thông lớn có khả năng phổ biến toàn quốc, thì có khuynh hướng chủ hòa nhiều hơn quảng đại quần chúng, và gây ra ấn tượng là đa số dân Mỹ đều muốn tránh chiến tranh, hoặc phản chiến. Ngược lại, báo chí, truyền hình hay truyền thanh cấp địa phương lại có quan điểm sát với quần chúng nên ít mùi phản chiến hơn trong lối loan tin và bình luận.
Diều hâu có lễ nghĩa
Trong ban tham mưu toàn những diều hâu của chính quyền Bush, người ta có thể phân biệt ba khuynh hướng khác nhau. Những người như Colin Powell, Richard Armitage (hay các nhân vật trong ban tham mưu của ông Bush cha, cộng sự viên cũ của Powell và Armitage) thuộc thành phần tạm gọi là bảo thủ (trong ý nghĩa diều hâu) nhưng thực tiễn. Trong chính trường Mỹ, thành phần này có những nhân vật như các cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, George Schultz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger (vị chỉ huy cũ của Powell và tác giả đích thực của lý luận mà báo chí gọi sai là "chủ thuyết Powell" về những điều kiện tham chiến tất thắng của Mỹ), Brent Scowcroft... Họ chủ trương tham chiến nếu cần, nhưng nên tiến hành cuộc chiến đó sao cho có lợi nhất trên cơ sở của mối quan hệ quốc tế. Nghĩa là nếu phải tấn công chế độ Saddam thì nên vận động hậu thuẫn của quốc tế để có danh chính ngôn thuận và để các nước khác cùng chia sẻ trách nhiệm trong chiến tranh và trong hòa bình.
Vì chủ trương đó, Ngoại trưởng Powell mới thuyết phục Tổng thống Bush mở cuộc vận động Liên hiệp quốc để tranh thủ hậu thuẫn của thế giới. Kết quả, hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc bỏ phiếu thống nhất ủng hộ Nghị quyết 1441 vào ngày 8 tháng 11 năm ngoái (sau 16 nghị quyết rải rác thông qua suốt 12 năm, từ 1991 đến 2002). Nhưng, sau cùng, chính Pháp đã dựa vào nghị quyết đó để trì hoãn quyết định động binh của Hoa Kỳ, và Jacques Chirac còn tuyên bố trước là sẽ dùng quyền phủ quyết mọi nghị quyết khác do Anh hay Mỹ đề nghị: giải pháp vận động quốc tế do Colin Powell đề nghị đã bị phản tác dụng và Mỹ bị kết án hiếu chiến. Ông Powell đã bị các vị tương nhiệm (các Ngoại trưởng) của Pháp, Đức, Nga phản đòn vào lúc cuối và báo chí Mỹ trình bày sai là vì vậy mà làm ông trở thành diều hâu. Trước sau, Powell không bác bỏ việc dụng binh, ông chỉ đề nghị "tiên dụng lễ" hậu mới dụng binh và Mỹ bị đả kích, bị cầm chân, trong khi phong trào phản chiến có thời giờ huy động và Saddam Hussein có thời giờ phòng thủ suốt giai đoạn dụng lễ đó của Hoa Kỳ.

Diều hâu có lý luận
Trước khi nhận lời đứng chung liên danh tranh cử cùng George W. Bush, ông Dick Cheney đã có chủ trương đối ngoại cứng rắn của thành phần diều hâu, bảo thủ. Trước đó, ông từng ở dưới quyền Donald Rumsfeld và cùng chia sẻ chủ trương quan điểm với nhân vật này. Hai người có thể được coi là thành phần "quốc gia cực đoan" trong ý nghĩa triệt để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ, thuộc cánh hữu của chính trường Mỹ. Khi chấp chánh, ông Bush thừa hưởng một di sản quốc phòng rất yếu kém do tám năm cầm quyền của Bill Clinton, thời "hậu chiến tranh lạnh", khi Liên xô không còn và nhu cầu quốc phòng bị hạ thấp. Họ cho là bộ máy chiến tranh của Mỹ đã lỗi thời, yếu kém, không thể đối phó với những bất ổn mới vì thời hậu chiến tranh lạnh không phải là một "trật tự mới" như chính quyền Bush cha đã nghĩ (theo lý luận lạc quan và sai lầm của phe bảo thủ và thực tiễn). Ông Rumsfeld là người chuẩn bị một chiến pháp mới của Mỹ để đối phó với những bất ổn mới, trong đó có nạn khủng bố và hình thái chiến tranh "không cân xứng" của các đối thủ kém Mỹ về thực lực kinh tế và quân sự nhưng vẫn giáng cho Mỹ nhiều tổn thất vì lối đánh phi quy ước, thí dụ như dùng cả loại võ khí tàn sát. Bộ Quốc phòng của ông đang thực hiện việc nghiên cứu này thì xảy ra vụ khủng bố 9-11 như một xác nhận cho lý luận của ông. Báo chí thường hay trình bày sai rằng với sự hỗ trợ của Dich Cheney, ông Rumsfeld chủ trương dùng siêu kỹ thuật (kiểu bom lazer hay hỏa tiễn tự điều động tới mục tiêu) để giải quyết chiến tranh. Thực ra, lý luận của Rumfeld có thể phức tạp và tinh tế hơn vậy, như cục diện của chiến dịch Iraq đang cho thấy.
Bên cạnh các nhân vật "quốc gia cực đoan" kể trên, có một lớp trí thức và học giả lại có lý luận hơi khác. Đa số tập trung trong viện nghiên cứu The American Enterprise Institute và cả viện Hoover ở California hay The Heritage Foundation, nhưng không chỉ giới hạn ở những nơi đó. Họ thuộc thành phần gọi là "tân bảo thủ" (neo conservatives, hay viết tắt là neocons) và cho rằng Mỹ phải chủ động phát huy, nến cần thì thực hiện trên toàn cầu, những nguyên tắc có giá trị cho mọi xã hi, mọi quốc gia: tự do kinh tế, dân chủ chính trị, kỷ cương về ngân sách, tự cường về quốc gia. Căn bản nhất, họ tin rằng các định chế quốc tế (Liên hiệp quốc là điển hình) chỉ phản ảnh mối giao thoa về quyền lợi của các quốc gia vào từng thời kỳ nên phải thay đổi vì được thiết lập từ sau Thế chiến Thứ hai, trong hơn nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh. Thành phần này gồm có Paul Wolfowitz, Richard Perle, Douglas Feith trong Bộ Quốc phòng, nhưng còn rất nhiều nhân vật thế giá khác ở bên ngoài chính quyền. Họ có khả năng vận động rất lớn chẳng phải vì mối quan hệ với các doanh nghiệp, nhưng lại thực tiễn hơn thành phần "bảo thủ thực tiễn" kiểu Colin Powell vì có kinh nghiệm trên doanh trường. Cũng vì kinh nghiệm này mà có khi họ bị đả kích là tay sai của tài phiệt, lái súng và tập đoàn dầu hỏa. Nhân vật có ảnh hưởng nhất trong nhóm này là Richard Perle đã mới phải từ chức Chủ tịch hội đồng Chánh sách Quốc phòng (cơ quan tư vấn không lương cho Bộ Quốc phòng) cũng vì những quan hệ chằng chéo đó với doanh trường.
Diều hâu chúa George Bush
Ngần ấy khuynh hướng bảo thủ ("thực tiễn", "quốc gia" hay "tân bảo thủ") đều chia sẻ chung một nguyện vọng. Đó là giúp Tổng thống George W. Bush thực hiện những điều có ích cho nước Mỹ, theo phương pháp khảo cập (approach) của mình. Nếu có khác biệt thì là khác biệt trong cách tiếp cận và xử lý vấn đề, chứ không có khác biệt về lập trường căn bản. Và họ sở dĩ được Tổng thống Mỹ mời cộng tác là vì chính ông Bush cũng là một nhân vật bảo thủ. Giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao do hai nhân vật chỉ huy là Rumsfeld và Powell, còn có Tòa Bạch Cung, với Tổng thống Bush là vị chỉ huy tối cao, là diều hâu chúa.
Nếu có chi tiết đáng chú ý là ông Bush cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice của mình đều là những người sùng đạo, cực kỳ duy tâm trong niềm tin vào Hoa Kỳ và Thượng đế (của Cơ đốc giáo). Họ có tinh thần bảo thủ về xã hội và đạo đức, nhưng cũng thực tiễn dung dị trong chánh sách nội chính. Về đối ngoại, khi tranh cử, chính ông Bush đã khẳng định là Hoa Kỳ nên khiêm nhượng với thế giới, và đừng nghĩ rằng nguyên tắc dân chủ của mình là có giá trị cho mọi quốc gia, bắt các xứ khác cùng theo. Hoa Kỳ chỉ can thiệp vào chuyện thế giới, và can thiệp triệt để, rốt ráo, tới cùng, khi quyền lợi của Mỹ bị đe dọa. Ông không chủ trương dùng quân đội đi làm "sen đầm quốc tế", hoặc trải mỏng phương tiện của Mỹ để xây dựng quốc gia hay dân chủ cho xứ khác, hoặc áp đặt mô thức dân chủ cho xứ khác. Trong lý luận này, ông có quan điểm khác với cánh "tân bảo thủ".
Nhưng, vụ khủng bố 9-11 khiến ông hiểu ra một sự thật, là nếu Hoa Kỳ không lý vào chuyện thiên hạ thì thiên hạ vẫn lý vào chuyện của nuớc Mỹ. Do bất cứ một bất mãn nào trên thế giới, các nhóm khủng bố vẫn có thể dùng phương tiện phi quy ước, bất ngờ và bất thường, để tấn công Hoa Kỳ. Vì vậy, ông mới đồng ý với nguyên tắc "tiên hạ thủ", ra tay trước nếu cần, để bảo vệ an ninh của Mỹ, và sau đó, Hoa Kỳ sẽ lý vào chuyện thiên hạ để diệt khủng bố đến tuyệt căn. Tinh thần sùng tín của ông có thể giải thích lập trường nhị nguyên, "chính tà phân minh", một là chống khủng bố cùng Mỹ, hai là đứng ở bên kia chiến tuyến và có thể bị tấn công không báo trước!
Cho đến nay, George W. Bush vẫn là người quyết định sau và thường có quyết định rất triệt để và một đặc tính chung của phe bảo thủ là tôn trọng kỷ cương, khiến ngần ấy khuynh hướng diều hâu đều tuyệt đối phục tùng các quyết định của tổng thống. Tuy nhiên, ở bên dưới, phe nào cũng có những thuộc cấp kín đáo tác động vào dư luận để ảnh hưởng tới những quyết định trên thượng tầng, và họ tác động qua việc tiết lộ tin tức cho báo chí, khiến truyền thông Mỹ mới thường xuyên đưa ra hình ảnh thiếu đoàn kết hoặc đấu đá trong nội bộ, là điều chúng ta sẽ còn có dịp tìm hiểu sau.
NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.