Hôm nay,  

Thơ Văn & Nghệ Thuật: “diễm Tình Ca" - Tiếng Thơ Của Tình Yêu Và Đức Tin

28/10/200200:00:00(Xem: 4903)
Kể từ khi Sàigòn Times được hân hạnh tái ngộ bạn đọc đến nay, tính ra cũng đã hơn 3 năm. Trong suốt thời gian hơn ba năm đó, Thùy Dzung thấy trang Thơ Thơ luôn luôn có mặt cùng bạn đọc và ngày càng khởi sắc với sự đóng góp thủy chung và chí tình của nhiều thi hữu, trong đó có những vị tuổi ngoài tám, chín chục, có những người tuổi mới trăng tròn lẻ; có những thi sĩ thành danh đã lâu trên thi đàn, và có cả những người mới chập chững bước vào làng thơ mà tâm hồn lúc nào cũng tưởng như đã gửi gắm cho thơ từ duyên xưa, từ kiếp trước...
Cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật Internet và sự đóng góp bài vở của báo Sàigòn Times trong đó có trang Thơ Thơ trên Việt Báo Online (www.vietbao.com) suốt 3 năm qua, Thùy Dzung thấy trang Thơ Thơ còn được sự đóng góp thậät dễ thương và thầm lặng của những thi hữu từ Pháp, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Ý... và ngay cả Việt Nam.
Thùy Dzung biết, 3 năm tuy chưa được gọi là dài nhưng cũng đủ là một chặng đường thử thách để mỗi độc giả yêu thơ nhận ra, trong những đường nét riêng của Sàigòn Times, trang Thơ Thơ là đường nét có hồn, có tình và dễ thương đặc biệt...
Nhưng dù có tưởng tượng sâu xa đến thế nào, có thông cảm một cách chân thành đến đâu, chắc là các bạn yêu thơ cũng đều đồng ý, những đường nét có hồn có tình và dễ thương xuất hiện trên trang Thơ Thơ mỗi tuần vẫn không thể nào nói hết những bồi hồi thao thức, những xúc động dâng tràn, những giờ phút cặm cụi khi đêm đã vào khuya hay khi lúc trời vừa hửng sáng của những tâm hồn yêu thơ, bền bỉ và say đắm làm thơ gửi cho trang Thơ Thơ của Sàigòn Times suốt mấy năm qua...
Viết đến đây, Thùy Dzung thấy len lén trong tâm tư một niềm hạnh phúc, vừa cụ thể hữu hình có thể nắm bắt, cảm nhận, tận hưởng như niềm vui ngày xưa còn bé thấy mẹ đi chợ về; lại vừa như mênh mông, bất tận, choáng ngợp cả tâm hồn khiến Thùy Dzung không thể nhận thức nổi...
Ngày xưa, một thi sĩ Trung Hoa, mà Thùy Dzung không nhớ tên, đã viết về lòng yêu hoa, yêu trăng của người xưa với những câu thơ thật tuyệt vời:

Tích hoa xuân khởi tảo
Ái nguyệt dạ miên trì
Cúc thúy nguyệt tại thủ
Lộng hoa hương mãn y

Bởi tiếc hoa xuân mà dậy sớm
Vì yêu trăng mà phải thức khuya
Đưa tay vô nước hốt trăng, trăng dính tay
Vì chơi hoa mà áo đầy mùi thơm...

Giống như lòng yêu hoa yêu trăng, Thùy Dzung thấy tình yêu thơ đã khiến hầu hết những thi nhân đều thức khuya dậy sớm, và gần như lúc nào cũng sống trong mộng để suy tư thao thức với ngôn từ, ý tưởng, hình ảnh, niêm luật, vần điệu... Cũng giống như những người yêu hoa áo đầy mùi thơm, yêu trăng, trăng dính cả trên tay, những thi nhân khi làm thơ đọc thơ, hương vị của thơ cũng thấm đượm trong tâm hồn của họ, tỏa ra trong nhân dáng của họ, phảng phất qua ngoại hình của họ... từ một bước đi, một dáng đứng, đến một nụ cười, một ánh mắt, một câu nói...
Một đại văn hào nào đã nói, "Cả thế giới đều yêu một kẻ si tình", và đã từ lâu, Thùy Dzung luôn luôn đinh ninh, bất cứ ai đã yêu thơ, thích đọc thơ, thích làm thơ, người đó đều là một kẻ si tình dù là si người hay được người si...
Không những là một kẻ si tình đáng được cả thế giới yêu, người thi sĩ còn là một thiên tài trong giây phút làm thơ, vì họ là người đã tạo nên tiếng nói của lòng, ngôn ngữ của hồn, mang đến màu sắc cho âm thanh, khiến bóng tối cũng biết nhảy múa, cỏ cây cũng có hồn, và đến cả gỗ đá cũng muốn thỏa tình mây mưa...
Trong cuộc sống của người Việt tha hương, Thùy Dzung thường nghĩ, lòng yêu thơ, thích đọc thơ, thích làm thơ lại càng trở nên quan trọng, vì nó không những duy trì được ngôn ngữ văn hóa Việt, mà còn duy trì được bản sắc Việt trong tâm hồn, tình cảm, tư duy của người Việt.
Nhưng cũng chính trong môi trường tha hương, việc duy trì lòng yêu thơ của người Việt lại càng trở nên khó khăn gấp bội, và nhiều lúc sự khó khăn đi đến những bi kịch đầy đau đớn mà mỗi người Việt yêu thơ đều phải trải qua không nhiều thì ít trong sự quằn quại cả phần xác lẫn phần hồn.
Từ những thực tế đáng qúy đáng trọng, và cũng đầy bi kịch đó, những đóng góp của các bạn yêu thơ đối với trang Thơ Thơ của Sàigòn Times trong thời gian hơn 3 năm trở lại đây, cũng như 5 năm (1993-97) trước đó, rõ ràng là những đóng góp vô cùng qúy giá, mà Thùy Dzung và ban biên tập Sàigòn Times luôn luôn nâng niu, trân trọng...
Cũng trong tấm lòng trân trọng và nâng niu đó, Thùy Dzung luôn luôn ao ước, được đọc, được viết, được trang trải những suy tư, những rung động của mình dành cho mỗi bài thơ Thùy Dzung được hân hạnh giới thiệu trên trang Thơ Thơ. Nhưng phần vì mưu sinh, phần vì những công việc bề bộn không tên trong cuộc sống gia đình mà Thùy Dzung phải lo toan giống như những người phụ nữ Việt Nam được làm vợ, làm mẹ khác, nên Thùy Dzung đã không thể làm được điều mình ao ước. Âu đó cũng là một bi kịch chung của con người, "muốn thật nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu", mà Thùy Dzung cùng các bạn yêu thơ phải trải qua...

* * *

Hôm nay, được tin nhà thơ Joseph Duy Tâm, một thi hữu từng cộng tác với trang Thơ Thơ suốt nhiều năm qua và là người có mối quan hệ đặc biệt với Sàigòn Times, chuẩn bị làm lễ ra mắt tập thơ Diễm Tình Ca, Thùy Dzung xin được có vài dòng trang trải lòng mình cùng qúy độc giả...
Khoảng 2 năm trước, trang Thơ Thơ nhận được một số bài thơ với nội dung vừa đạo vừa đời của nhà thơ Joseph Duy Tâm. Đọc những bài thơ của anh, Thùy Dzung đã có những rung động rất chân thành. Thùy Dzung còn nhớ, trong bài thơ nhan đề "Tình thơ dâng Mẹ" đăng trên Sàigòn Times số 214, ra ngày 8 tháng 6 năm 2001, nhà thơ Joseph Duy Tâm đã tâm nguyện coi những vần thơ của anh là tiếng lòng gói ghém tâm tư và sầu khổ dâng lên Chúa:

Thơ con dâng hiến Mẹ hiền,
Tình con dâng hiến Chúa Chiên nhân từ.
Cho con gởi chút tâm tư,
Sầu dâng lên gối... chừng như nát lòng!

Là một con chiên ngoan đạo, lớn lên trong khung cảnh thờ phụng Chúa ngay từ khi mới lọt lòng, nên khi tác giả biết tìm đến với thơ cũng là lúc tác giả đã sẵn lòng dâng thơ cho Chúa. Vì vậy, cũng trong bài thơ trên, nhà thơ Joseph Duy Tâm đã thổ lộ một cách chân thành tâm nguyện của một người Việt Nam ngoan đạo dành cho thơ:

Thơ con chất chứa bi ai
Thơ con ngân tiếng thở dài tha hương!
Thơ con lạc vận sầu vương,
Thơ con thương nhớ quê hương nghèo nàn
Thơ con xót phận gian nan,
Thơ con lên tiếng khóc than cho đời,
Thơ con chan chứa lệ rơi,
Thơ con mong ước cho đời vui tươi.
Thơ con dâng Chúa nụ cười,
Thơ con xin Mẹ cho đời tình thương,
Thơ con vọng về Thiên Đường,
Tung hô danh Chúa, ẩn nương Mẹ hiền.
Thơ con tận hiến Chúa Chiên.
Con xin dâng hiến Mẹ hiền Tình Thơ!

Giống như phần lớn những người yêu thơ đều làm thơ ngay từ khi còn trẻ, nhà thơ Joseph Duy Tâm cũng đã thao thức làm thơ từ xa xưa, và khi anh bước vào tình yêu của tuổi đôi mươi thì cũng là lúc anh tìm đến thơ để nói lên tiếng nói của con tim. Trong trang Thơ Thơ của Sàigòn Times số 213, ra ngày 1 tháng 6 năm 2001, có đăng bài thơ nhan đề "Những chiều thăm em", được Joseph Duy Tâm sáng tác vào mùa hè năm 1962, cách đây hơn 40 năm:

Anh đến thăm em, một buổi chiều,
Làn mây trôi nhẹ, gió hiu hiu,
Anh khẽ nâng tay... làn da em mát dịu,
Ngước mắt nhìn...Em nhận nụ hôn yêu!

Anh đến thăm em, một buổi chiều,
Mưa phùn lất phất, ướt vai em,
Tim anh se lạnh, thương em thêm.
Em có biết tình ta thật êm đềm!"

Anh đến thăm em, một buổi chiều,
Gió lộng, vai em vương làn tóc rối,


Tay anh vuốt nhẹ, tim bồi hồi...
Em nũng nịu..."Chờ anh lâu quá thôi!"

Anh đến thăm em, một buổi chiều,
Gặp em ngồi lặng, ngó đăm chiêu...
Bồi hồi anh hỏi: "Nhìn chi vậy""
Ngây thơ em bảo: "Nhìn cánh diều..."

Anh đến thăm em, một buổi chiều,
Chợt thấy em soi gương bên song cửa,
Anh khẽ cợt em: "Thấy chi không vậy""
Thẹn thùng em không nói, má hây hây!

Anh đến thăm em, một buổi chiều,
Gặp em nắn nót... vần thơ dại,
Anh đùa: "Em viết thơ cho ai""
Em hờn trả lời: "Ai viết cho ai!""

Nhớ lại những ngày đó, ngồi đánh máy bài thơ trên, Thùy Dzung cứ bâng khuâng nghĩ đến những kỷ niệm riêng tư của chính mình thuở học trò, những kỷ niệm đã từng say ngủ... và nhiều lúc, tưởng chừng như đã chết....
Bài thơ của nhà thơ Joseph Duy Tâm chỉ có 5 đoạn, lời thơ không cầu kỳ, nhịp thơ giản dị, và những kỷ niệm cũng thật gần gũi. Năm đoạn thơ cho 5 buổi chiều, khung cảnh tuy thay đổi, nhưng tâm điểm của mọi xúc động, cội nguồn của mọi cảm xúc khiến tác giả làm thơ vẫn là người con gái bé bỏng xuất hiện qua những đường nét đáng yêu riêng biệt, rất Việt Nam: Một làn da mát trong buổi chiều gió hiu hiu, một bờ vai ướt mưa phùn lất phất, một làn tóc rối vương trên vai trong chiều gió lộng, một nét nhìn đăm chiêu khi ngồi lặng, một nét thẹn thùng má hây hây, một câu trả lời hờn dỗi "ai viết cho ai"... tất cả đều tạo cho người đọc những rung động, những thao thức...
Hơn năm trước, đọc bài thơ trên, chẳng hiểu sao Thùy Dzung cứ bồi hồi nhớ đến những giọt mưa phùn trong bài thơ Ông Đồ, để rồi bâng khuâng tự hỏi, không biết khi viết bài thơ này, nhà thơ Joseph Duy Tâm đang ở đâu trên dải đất cong cong hình chữ S" Sau này, biết được nhà thơ Joseph Duy Tâm quê đất Bắc, nhưng di cư vào Nam năm 54 và sống liên tục ở Cam Ranh, Khánh Hòa, Thùy Dzung mới bâng khuâng nhớ đến vị chua ngọt đặc biệt của những trái xoài Thanh Ca nổi tiếng và cái lạnh se se của những trận mưa phùn ở thị trấn Ba Ngòi...
Là một nhà thơ giầu tình cảm, lại là một con chiên ngoan đạo, nên trong suốt nhiều năm, tâm nguyện lớn nhất của nhà thơ Joseph Duy Tâm là dành phần lớn thời gian và tâm nguyện để hoàn thành thi phẩm đầu tay Diễm Tình Ca. Và đến nay, tâm nguyện của anh đã thành, thi phẩm Diễm Tình Ca sẽ được ra mắt vào trưa Thứ Bảy tuần này, 26 tháng 10, tại nhà hàng Crystal Palace, Canley Heights.
Thi phẩm Diễm Tình Ca dầy 150 trang, in trên giấy qúy, với lời giới thiệu của Linh Mục Giuse Nguyễn Quang Thạnh, Linh Mục Paul Chu Van Chi, và nhà báo Gia Du. Thi phẩm được chia làm hai phần: Phần Diễm Tình Ca khoảng 100 trang là phần chính của tác phẩm; và phần Phụ chương giới thiệu 4 thi tập tác giả sẽ lần lượt xuất bản. Thi phẩm do Văn Thắng và chính tác giả đánh máy, trình bầy bên trong; bìa và phụ bản của họa sĩ Vi Phát. Ngoài ra trong thi phẩm còn có những bản nhạc của các nhạc sĩ Phạm Quang Ngọc, Vũ Hùng, Xuân Ninh.
Trong phần Vào Tập, nhà thơ Joseph Duy Tâm đã giới thiệu xuất sứ của thi phẩm như sau: "Diễm Tình Ca là một thi tập được phóng tác dựa theo cơ bản về hình thức và nội dung của sách Diệu Ca, được trích từ Kinh Thánh Cựu Ước của Giáo Hội Công Giáo Rôma."
Cũng theo nhà thơ Joseph Duy Tâm thì "Ca khúc Diệu Ca là một thi tập trữ tình. Nội dung diễn tả về một mối lương duyên với tình yêu say đắm, thiết tha và huyền nhiệm, cao thượng và chân thành giữa chàng và nàng. Chàng được mệnh danh là Vua có tên là Salômon. Còn nàng là một thôn nữ kiều diễm, đức hạnh tên là Sulamit. Hai người gặp nhau, yêu nhau, rồi phải xa nhau. Nhưng qua dòng thời gian, họ luôn tìm nhau, rồi lại gặp nhau và yêu nhau"...
Việc phóng tác thi phẩm Diễm Tình Ca của nhà thơ Joseph Duy Tâm là việc làm có ý nghĩa tinh thần đặc biệt và vô cùng khó khăn, vì trong phần giới thiệu tác phẩm, Linh Mục Giuse Nguyễn Quang Thạnh đã viết: "Diễm Tình Ca là quyển sách khó chú giải nhất trong bộ sách 46 quyển thuộc Quy Điển Thánh Kinh Cựu Ước. Khó xác định thời gian và soạn giả. Khó tìm được sự nhất trí khi chú giải nội dung. Những bài tình thơ và tình ca trong sách này diễn tả tình yêu vừa rất linh thánh vừa rất nhục dục của một cặp tình nhân. Tính cách chân thực đến mức độ sống sượng đã gây nên tranh luận gắt gao... Và có thời bị coi là gương xấu dưới cái nhìn của Thiên Chúa Giáo."
Theo lời của nhà thơ Joseph Duy Tâm, trước đây, Linh Mục Giuse Nguyễn Thế Thuần đã dịch và đặt tên tác phẩm là Diệu Ca. Dựa vào bản Diệu Ca, nhà thơ Joseph Duy Tâm đã phóng tác thành thi phẩm Diễm Tình Ca với thể loại thơ lục bát để người đọc dễ hiểu và dễ nhớ.
Thùy Dzung xin được nêu một thí dụ điển hình để qúy độc giả thấy được sự liên quan giữa bản dịch Diệu Ca và bản phóng tác Diễm Tình Ca.

Trong tác phẩm Diệu Ca, có đoạn Linh Mục Giuse Nguyễn Thế Thuần viết:

Chúng ta có đứa em gái,
em còn nhỏ bé, nhũ hoa chưa lú.
Ta sẽ phải xử làm sao về em gái chúng ta
ngày người ta dạm hỏi"

Trong thi phẩm Diễm Tình Ca, đoạn trên được nhà thơ Joseph Duy Tâm phóng tác thành thơ lục bát với nhịp điệu, hình ảnh đậm đà tính Việt:

Em tôi trinh nữ ngây thơ,
Nhũ hoa vừa chớm; nhô bờ chủm cau.
Nếu ai ngỏ ý đặt trầu,
Làm sao viện lẽ, nói câu khước từ!"

Nhận xét về việc làm của nhà thơ Joseph Duy Tâm, Linh Mục Giuse Nguyễn Quang Thạnh đã viết: "Dịch Thánh Kinh ra tiếng mẹ đẻ là điều rất đáng ca ngợi. Diễn đạt Thánh Kinh bằng những vần thơ trong sáng, đầy màu sắc, âm thanh và hương vị là việc khó hơn, đáng ca ngợi hơn. Bất cứ độc giả nào chỉ thử đối chiếu những vần thơ trong tập thơ Diễm Tình Ca của anh [Joseph Duy Tâm] với những bản dịch sẵn có, tôi tin chắc ai cũng đều có những cảm tưởng tương tự như tôi."
Điều đáng qúy nữa là nhà thơ Joseph Duy Tâm cho biết, toàn bộ số tiền thu được trong việc phát hành sách, sau khi trừ đi những chi phí in ấn, sẽ được gửi về để giúp đỡ xây cất Nhà Thờ Hậu Bối, Phụng Hiệp, Cần Thơ, Việt Nam. Theo lời tâm sự của anh, Thùy Dzung được biết, mặc dù đức tin và lòng nhân ái của giáo dân ở Phụng Hiệp rất cao, nhưng vì quá nghèo khổ, nên Nhà Thờ Hậu Bối chỉ được dựng nên một cách sơ sài nhà tranh vách lá...

* * *

Diễm Tình Ca là một thi phẩm ca ngợi tình yêu thủy chung của đôi lứa. Sự thủy chung đôi lứa đã được ca ngợi từ khởi thủy của nhân loại, và cho đến nay cũng như mãi mãi về sau, sự thủy chung đôi lứa vẫn luôn luôn được coi là nền tảng của hạnh phúc gia đình, và sự thịnh vượng của xã hội. Những người theo đạo Công Giáo còn tin tưởng cao xa hơn, sự thủy chung của tình yêu đôi lứa còn là phép nhiệm màu của đấng Tối Cao, là Bí Tích thánh thiện được Thiên Chúa chúc phúc, và Bí Tích này vượt lên trên tất cả mọi quyền năng cho dù "án phạt Hồng Thủy cũng không thể xóa bỏ được". Vì vậy, Thùy Dzung thành thực nghĩ rằng, thi phẩm Diễm Tình Ca không phải chỉ mang lại vẻ đẹp của thơ, sự rung động của tâm hồn, mà còn mang đến cho người đọc sự thánh thiện của một tình yêu thủy chung.
Nhất là ngày nay, khi những ràng buộc trong hôn phối xã hội trở nên lỏng lẻo, trách nhiệm đối với người phối ngẫu, với gia đình con cái ngày càng bị lơ là, bị vùi lấp dưới sức nặng của hạnh phúc cá nhân, khiến con người càng ngày càng dễ chọn giải pháp ly dị để giải quyết mọi tranh chấp... thì thi phẩm Diễm Tình Ca càng trở nên giá trị.
Với những suy tư chân thành đó, Thùy Dzung trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả thi phẩm Diễm Tình Ca của nhà thơ Joseph Duy Tâm.

Thùy Dzung

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.