Hôm nay,  

Đọc “mối Thâm Tình Việt-mỹ” Của Lương Thành Nỉ

12/02/200300:00:00(Xem: 4347)
Từ thuở nhỏ, tôi rất thích nghe người ta kể chuyện. Khi lớn lên, tôi rất say mê đọc truyện, nhất là những sách truyện có liên quan đến lịch sử. Thời gian bị giam giữ trong trại tù “cải tạo” của Cộng Sản VN, tôi thường kể chuyện cho anh em nghe để giải trí trong những lúc cô đơn, lạnh lùng, nhất là những buổi tối mùa Đông ở miền Bắc. Khi ra khỏi tù, tôi đã hoàn thành được hai tập truyện ngắn “Đàn Bướm Lạ Trong Vườn” và “Thu Còn Vương Nắng” và một số truyện khác đăng rải rác trên các báo, chưa có điều kiện in thành sách.
Tất nhiên những câu chuyện tôi đã kể cho anh em nghe hoặc viết ra đăng báo hay in thành sách để giới thiệu với độc giả...đã gói ghém những điều suy nghĩ của tôi về hoàn cảnh lịch sử và xã hội Việt Nam mà tôi đã trải qua trước và sau ngày 30-4-1975 dưới chế độ Cộng Sản.
Từ ngày đến định cư tại Nam California, tôi may mắn gặp được anh Lương Thành Nỉ, một người bạn cùng cảnh ngộ...Nơi chôn nhao cắt rốn của anh là Trà Vinh, anh lớn lên, sống và làm việc tại nhiều nơi ở miền Nam, đặc biệt Tây Ninh như là quê thứ hai. Anh đã chứng kiến hoặc biết qua những biến cố chính trị xảy ra trên quê hương từ 1945 đến nay, đã trải qua những năm tù tội dưới chế độ Cộng Sản, đã trốn trại ra rừng, tiếp tục con đường tranh đấu trong tuyệt vọng, nhưng rất hào hùng bất khuất và đã bị bắt trở lại...Cuối cùng đã được định cư tại Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị (thường được gọi nôm na là diện H.O).
Trên đất Mỹ, anh là người sớm hay biết và nhận thức được tầm mức quan trọng của vụ nông dân đứng lên biểu tình ở tỉnh Thái Bình hồi năm 1997. Anh gợi ý, rồi cùng với một số nhân sĩ thuộc các tôn giáo mời gọi đồng hương, và được hưởng ứng với trên mười ngàn người tham dự biểu tình. Cuộc biểu tình đông đảo nhất kể từ sau năm 1975 cho đến thời điểm đó.
Tôi còn nhớ lúc ấy, có lẽ do bản thân thu thập được một ít kinh nghiệm vì biết tâm trạng, nguyện vọng, nỗi ưu tư của những anh em cùng hoạt động trong lúc trốn trại tù “cải tạo” ra rừng, cũng như cách còng trói, giam cầm, tra tấn như thế nào khi bị bắt, nên qua làn sóng của Đài Phát Thanh, anh nêu ý kiến: “Có lẽ cộng đồng cần có kế hoạch lo liệu cho những người tranh đấu ở trong nước mà bị tù tội. Thứ nhất: Cố tìm biết danh tánh để cung cấp cho các tổ chức nhân quyền hầu tránh cảnh họ bị vùi dập một cách mờ ám hay đối xử tồi tệ quá đáng. Thứ hai: Tìm cách giúp đỡ vật chất vì lý do nhân đạo. Thứ ba: Lưu lại trong văn bản, đề nghị chánh phủ đầu tiên khi đất nước được tự do, dân chủ nên có trách nhiệm bằng một chính sách với thành phần vừa đề cập hoặc gia đình của họ, nếu chẳng may họ đã hy sinh”.
Thiết nghĩ, dù đây cũng mới chỉ là một ý kiến, song trừ một số trường hợp cá biệt, còn lại nói chung, nếu những người dấn thân tranh đấu nghe được, chắc họ cũng cảm thấy ấm lòng và ít lẽ loi hơn là không có gì hết!
Rồi vốn là một người có kiến thức, biết Cộng Sản có nhiều thủ đoạn, nên khi vụ Trần Trường diễn ra, ngoài việc cho rằng CS muốn quấy phá cộng đồng, anh còn tỏ ý nghi ngờ đó là chuyện “giương Đông kích Tây” của chính quyền CS, nhằm đánh lạc hướng hầu vô hiệu hóa Phong Trào đang hỗ trợ về trong nước, để họ dễ bề dập tắt cuộc biểu tình của đồng bào còn đang âm ỹ ở sáu mươi bảy (67) xã tại tỉnh Thái Bình và một số nơi khác. Điều mà họ rất lo sợ. Kế đến khi thấy “Phong Trào Yểm Trợ Quốc Nội Nổi Dậy” bị suy yếu, rồi tê liệt hoàn toàn sau vụ Trần Trường diễn ra một thời gian ngắn, vì bị khủng hoảng nhân sự trong ban lãnh đạo Phong Trào...Anh nói, có lẽ chẳng có một đồng hương nào không lấy làm tiếc về sự việc như vậy, trước những biến động ở trong nước như thế! Đó là một chứng bệnh “nội thương” nguy hiểm, rất lợi hại, đáng lẽ cần phải “chăm sóc”, “nuôi dưỡng” nó hơn bất cứ việc gì khác.
Phần tôi, khi nghe anh đề cập chuyện “giương Đông kích Tây”, làm tôi nhớ lại trong chiến tranh, mỗi khi tấn công đồn bót hay điểm dừng quân, Cộng sản thường cho một vài tên đào hầm thật sâu ở một hướng nào đó. Đến khi lực lượng tấn công rút lui, thỉnh thoảng tên nầy nổ một vài phát súng. Các đơn vị có nhiệm vụ yểm trợ cho lực lượng bị tấn công, nhất là bằng hỏa lực pháo binh, nếu không có kinh nghiệm, nghe thế liền tập trung nhả đạn về hướng đó, trong khi họ rút đi một hướng khác. Dù là đấu tranh hay đánh nhau đôi khi đối phương cũng dùng xảo kế “hư hư, thực thực” như thế và không khéo chúng ta sẽ mắc mưu họ. Riêng biến cố Thái Bình, tôi và một số anh em khác cũng cho đó là một sự kiện vô cùng quan trọng, nên khi anh gợi ý anh em liền hợp tác...
Thưa quí vị, viết vài dòng như trên tôi cảm thấy đi hơi xa với một bài viết để nói về một quyển sách. Nhưng tôi có ý muốn nhân tiện cũng nên đề cập đến một người từng dấn thân đấu tranh bên cạnh chúng ta, và thiết nghĩ anh ấy có cái nhìn khá sâu sắc ở một số vấn đề. Điều nầy cũng có thể nếu không muốn nói là rất hữu ích cho cuộc tranh đấu.
Và nói chung, cũng như vô số đồng hương khác, anh Lương Thành Nỉ vẫn còn nhiều băn khoăn về chuyện đất nước, nên ngoài việc dấn thân như đã nói, anh còn mượn ngòi bút và đã trải qua những đêm dài thao thức, ngồi viết lại những điều suy nghĩ của mình khi vừa đặt chân lên đất nước tạm dung nầy. Cách nay gần mười năm, anh đã cho xuất bản một tác phẩm viết về “Cuộc Chiến Tranh Việt Nam”.

Như bao quyển sách viết về chiến tranh khác, quyển sách đề cập về “Cuộc Chiến Tranh Việt-Nam” của anh, hình thức diễn đạt ấy có tính cách nghiên cứu hơn là một chuyện phổ thông, nên chưa đi vào lòng người rộng rãi cho bằng những câu chuyện kể có tính cách hư cấu, lại được dựa vào những sự kiện có thực, đã từng xảy ra ở nhiều nơi nếu không muốn nói là bất cứ ở đâu tại miền Nam, và một phần cho cả nước dưới thời Pháp thuộc và Phong kiến nữa, do đó phần lớn nội dung quyển sách đều mang tính sử liệu, được diễn tả dưới hình thức tiểu thuyết.
Với một giọng văn bình dị, sáng sủa, gọn gàng, rất chân thật và thành khẩn lại cũng không kém phần hùng biện của một nhà văn “người miền Nam”. Anh đã cho ra đời “MỐI THÂM TÌNH VIỆT-MỸ”. Truyện kể về cuộc đời của một cậu bé, có cha đi theo Việt Cộng, mẹ là cán bộ nằm vùng...Khi quân đội Mỹ đến để đối phó với cuộc chiến, họ đã lập căn cứ tại địa phương và tiếp cận với người Việt Nam. Nhiều em bé nghèo, sống nhờ “rác Mỹ” và những đồ dư thừa của quân đội. Các em đã bám theo những quân nhân Mỹ để bán các thứ lặt vặt và xin kẹo bánh, thức ăn hay lượm lấy đồ dùng phế thải của họ. Những hộp lon, bịch ny-lon, thùng giấy cạc-ton v...v...đều là những nguồn lợi của các em đem về giúp gia đình. Trong quan hệ đó, có cậu bé tên Thanh đã được một ông Thượng Sĩ có tuổi hiếm con thương mến, và cậu đã trốn mẹ để đi theo ông ta, sau khi ông lên tiếng xin Thanh làm con nuôi mà không được mẹ của em chấp nhận...Vì sự kiện nầy mà cha của bé Thanh đã chuyển hướng, mang súng trở về hồi chánh với quốc gia...Rồi kể từ năm 1975 trở đi, cha mẹ bé Thanh phải sống tại vùng kinh tế mới sau khi ở tù “cải tạo” vì tội hồi chánh...Trong khi đó bé Thanh sống với cha mẹ nuôi trên đất nước Hoa Kỳ, được học hành và rồi trở thành một sĩ quan trong quân đội Mỹ...
Bé Thanh có một đứa em cô cậu tên Loan, thuở nhỏ mỗi chiều em từng chờ đón Thanh để được ăn kẹo chocolate của Mỹ...Và kể từ ngày bé Thanh bỏ trốn để theo ông Mỹ kia thì bé Loan không còn cơ hội để ăn kẹo, và gia đình chỉ bắt liên lạc bằng thư từ được vài lần, rồi bặt tin luôn khi Cộng sản chiếm được miền Nam. Mãi đến khoảng năm 1990, gần 20 năm sau, người sĩ quan quân đội Mỹ gốc Việt tên Thanh cùng với một người bạn Mỹ khác cũng là sĩ quan. Cả hai ở trong quân đội Liên Hiệp Quốc đến Cam-Bốt để giúp đem lại ổn định cho xứ Chùa Tháp. Tại biên giới Việt-Miên nơi cùng làm việc, Thanh quen với một Trung Úy Công An người Khờ-Me. Từ đó, anh tìm cách liên lạc về Việt Nam để hỏi thăm tin tức gia đình, và anh đã gặp lại cha mẹ và bé Loan...Trong cuộc gặp gỡ, người sĩ quan Mỹ đã có cảm tình với Loan, và hai bên đã hứa hôn với nhau...Rồi vì muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn, cũng như để sớm đoàn tụ với con mình và anh sĩ quan Mỹ, hôn phu của Loan, nên hai ba gia đình cùng nhau tổ chức vượt biên...Chuyến vượt biển đầy gian nan, nguy hiểm, bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp, bị Hải Quân Thái Lan xua đuổi, không cho tàu vào bờ biển nước họ...Nhiều người đã chết vì kiệt sức, phải vất xác xuống biển...Cuối cùng cha mẹ của Thanh và Loan đã tới được Phi Luật Tân. Tại đây, Loan đã tìm cách liên lạc với Thanh và viên sĩ quan Mỹ trong lực lượng của Liên Hiệp Quốc tại Cam-Bốt...Họ đã được đoàn tụ trên đất Mỹ để xây dựng một cuộc sống mới tự do và hạnh phúc...Dù bản thân được an cư lạc nghiệp, nhưng Loan và Thanh lúc nào cũng nghĩ đến quê hương...
Ấy là nội dung chính của câu chuyện. Rồi với lối hành văn khá mạch lạc, trình bày khúc chiết, xen lẫn với những bi kịch hãi hùng, đầy lo âu, hồi hộp...hay gặp cảnh nguy khốn, tuyệt vọng tưởng đâu chẳng bao giờ có lối thoát, lại thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm...hoặc khó cầm lòng trước nỗi khổ đau mà một số thành phần trong xã hội phải gánh chịu bởi những thế lực...chèn ép. Tất cả làm cho người độc hồi hộp, lo âu, xúc động, thương tâm, xót dạ...khiến cho quyển sách có sức lôi cuốn...
Thêm vào đó, trên quá trình cấu tạo tác phẩm, tác giả không quên kết hợp với những sự kiện từng xảy ra, liên quan đến đời sống của con người như: Chính trị, kinh tế, tài chính, tôn giáo, v...v.... Đặc biệt dù ở lãnh vực nào, tác giả cũng nêu lên, mổ xẻ, soi rọi hai ba mặt của vấn đề. Sau đó, gợi ý, chọn lựa một cách khách quan mô hình khá hơn hết, hầu hy vọng có được một cuộc sống tương đối an bình hơn hết. Và đây mới là phần sâu sắc nhất, có ý nghĩa nhất, hữu ích nhất làm cho quyển sách có một giá trị nhất định của nó.
Do đó, tác phẩm nầy nếu chưa hẳn đã là, thì cũng có vẻ là, nó đang ở trên con đường cấu tạo, để trở thành một món ăn tinh thần không những chỉ riêng cho người Việt Nam mà còn vượt qua các giới hạn, nếu không muốn nói là cho mọi người. Bởi vì, trong cuộc sống của chúng ta, của con người dù thuộc dân tộc nào đi nữa, thử hỏi có mấy ai không bị chi phối hoặc chịu ảnh hưởng của các lãnh vực chính trị, kinh tế, tài chánh, tôn giáo, xã hội v...v..."
Thế cho nên, tôi xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm cùng quí độc giả, và hy vọng rằng quí vị khỏi phải thất vọng khi có dịp xem qua tác phẩm “Mối Thâm Tình Việt-Mỹ” nầy.
*
Đồng thời chúng tôi được biết vào lúc 9 giờ 30 ngày Chúa Nhựt 23-02-2003, tác giả có tổ chức ra mắt tác phẩm trên tại Hội Trường của Trung Tâm Nguyễn Bá Học ở số 14072 Chestnut Street, Thành phố Westminster (gần góc Westminster BlvD-Golden West). Điện thoại số (714) 891-9304 .
Và tác giả xin với giá ủng hộ chỉ trên Mười Mỹ Kim. Vậy nếu quí vị nào có thời giờ cũng như rộng lòng muốn ủng hộ và rồi cùng với chúng tôi dùng một bửa cơm thân mật vào buổi trưa hôm ấy, thì xin kính mời quí vị vui lòng ghé qua Trung Tâm Nguyễn Bá Học vào thời điểm trên .

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.