Hôm nay,  

Phỏng Vấn - Nghệ Sĩ Trẻ Đỗ Khoa

03/03/200100:00:00(Xem: 4734)
Trong dịp Hội chợ tết Tân Tỵ vừa qua, phó thủ hiến tiểu bang New South Wales là bác sĩ Andrew Refshauge đã thay mặt Ban chấp hành cộng đồng người Việt tự do tiểu bang NSW và Úc Châu trao tặng giải thưởng Người Trẻ Úc Gốc Việt Xuất Sắc Nhất Trong Năm cho nghệ sĩ trẻ Đỗ Khoạ Anh Đỗ Khoa 22 tuổi hiện là chủ tịch tổng hội sinh viên Việt Nam NSW, thành viên của ban chấp hành cộng đồng người Việt tự do NSW. Sau khi tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật biểu diễn (Bachelor Of Performing Arts) hiện anh đang là sinh viên Luật năm thứ tư đồng thời vừa làm việc như một nghệ sĩ, một người viết kịch bản, nhà sản xuất phim. Cuốn phim ngắn của anh có tựa đề Ngày Giao Hàng (Delivery Day), vừa qua đã được chọn là một trong ba phim của Úc đi dự Liên hoan phim Clermont Ferrand tại Pháp. Nhằm mục đích giới thiệu một khuôn mặt trẻ nổi bật của cộng đồng trong năm qua, sau đây Sài Gòn Times trân trọng kính mời độc giả theo dõi bài phỏng vấn anh Đỗ Khoa do phái viên Lê Thảo Minh thực hiện.

Lê Thảo Minh (LTM): Xin anh cho biết cảm tưởng của anh khi được trao giải thưởng Người Trẻ Úc Gốc Việt Xuất Sắc Nhất Trong Năm vừa quạ

Đỗ Khoa (ĐK): Phải nói rằng tôi hết sức sung sướng và lấy làm vinh dự khi được nhận giải thưởng nói trên. Trước hết tôi cảm thấy hết sức may mắn được có cơ hội đóng góp công sức của mình vào các sinh hoạt của tổng hội sinh viên, của cộng đồng, các công tác từ thiện trong thời gian quạ Sở nguyện của tôi là được phục vụ cho cộng đồng người Việt tại Úc, bởi vì khi làm những công tác cộng đồng đó, tôi cảm thấy rằng tôi đang làm việc cho bố mẹ tôi, anh chị em và gia đình tôi, cho bạn bè tôi và mọi người khác trong cộng đồng Việt Nam. Tôi không bao giờ làm những công tác nói trên để mong rằng mình được một giải thưởng nào đó. Vì thế kết cuộc khi biết mình được chọn trao giải thưởng cao quý nói trên từ cộng đồng người Việt tự do Úc Châu, tôi cảm thấy vô cùng sung sướng và tự hàọ

LTM: Xin anh cho biết những hoạt động xã hội và cộng đồng của anh trong thời gian quạ

ĐK: Với tổng hội sinh viên Việt Nam NSW trong năm qua, chúng tôi đã có rất nhiều sinh hoạt khác nhaụ Trước tiên cần phải nói đến là các hoạt động gây quỹ cho những người Việt Nam còn sống tại Phi Luật Tân. Chúng tôi đã gây quỹ được 6000 đô la để hỗ trợ cho đồng bào Việt Nam tại Phị Song song với hoạt động từ thiện, tổng hội sinh viên Việt Nam NSW cũng đã tổ chức rất nhiều chương trình sinh hoạt đặc biệt để thu ngắn lại sự cách biệt giữa các sinh viên gốc Việt Nam có những nguồn gốc xuất thân khác nhaụ Nhiều sinh viên Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Úc cho nên không nói sõi tiếng Việt trong khi nhiều sinh viên Việt Nam mới sang định cư tại Úc thì chưa nói giỏi tiếng Anh và có một khoảng cách nhất định về nhận thức văn hóạ Thêm vào đó tôi cũng tham gia tất cả mọi công tác khác của cộng đồng Việt Nam.

LTM: Anh cùng gia đình sang định cư tại Úc được bao nhiêu năm rồỉ

ĐK: Gia đình tôi vượt biên đến định cư tại Úc từ năm 1980 khi tôi mới có hai tuổị Thời gian trước đây tiếng Việt của tôi không tốt lắm, tuy nhiên hai năm gần đây do ước muốn được làm việc với cộng đồng người Việt nên tôi đã cố gắng rất nhiều để có thể nói được tiếng Việt lưu loát hơn.

LTM: Anh có thể cho biết lý do vì sao anh lại chọn theo học ngành nghệ thuật biểu diễn. Theo tôi được biết thì hầu như có rất ít người Việt theo học ngành nàỷ

ĐK: Lý do chính là khi còn học trung học, tôi rất ưa thích nghệ thuật tạo hình (visual arts). Nhưng khi vào đại học tôi lại muốn tìm những cách thức khác để diễn đạt những suy nghĩ của tôi một cách hình tượng hơn. Tôi có nhiều điều muốn nói ví dụ như những kinh nghiệm của tôi như một di dân lớn lên tại Úc. Tuy nhiên nghệ thuật tạo hình không giúp tôi thể hiện được những suy tư trên theo ý của tôị Vì thế tôi đã đến với nghệ thuật biễu diễn như các màn tấu hài, sân khấu và điện ảnh. Điều may mắn là gia đình tôi rất ủng hộ việc tôi muốn theo đuổi con đường nghệ thuật vì có rất ít sinh viên Việt Nam theo học ngành nàỵ Theo tôi nếu con cái làm cho bố mẹ tin tưởng mình một cách hoàn toàn thì cha mẹ có thể để cho mình làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhiều sinh viên Việt Nam rất yêu thích nghệ thuật nhưng vì không thuyết phục được bố mẹ nên không thể theo đuổi con đường nghệ thuật được.

LTM: Tôi từng biết đến nghệ sĩ hài nổi tiếng của Úc là anh Đỗ Anh, không biết anh và anh Đỗ Anh có bà con gì với nhau hay không"

ĐK: Đỗ Anh là anh ruột của tôi

LTM: Như thế gia đình anh chắc chắc phải có một truyền thống hoạt động nghệ thuật. Không biết bố hay mẹ của anh có từng hoạt động nghệ thuật trước đây hay không"

ĐK: Đây chính là câu hỏi mà nhiều người đã từng hỏi chúng tôi và chúng tôi cũng từng nhiều lần hỏi bố mẹ chúng tôị Tuy nhiên sau đó tôi biết rằng anh Đỗ Anh và tôi là hai anh em đầu tiên trong gia đình chọn đi theo con đường nghệ thuật. Bố mẹ của tôi cũng chỉ là những người làm nghề may bình thường và không hiểu tại sao anh Đỗ Anh và tôi lại say mê nghệ thuật ngay từ lúc còn nhỏ. Gia đình tôi cũng không hề khuyến khích con cái đi xem phim, hay nghiên cứu về nghệ thuật. Chắc có lẽ đó là những thiên hướng trời cho anh Đỗ Anh và tôi hay sao đó.

LTM: So với anh Đỗ Anh, anh có ý định sẽ trở thành một nghệ sĩ tấu hài hay sẽ đi theo hướng trở thành diễn viên điện ảnh, người viết kịch bản hay là đạo diễn phim"

ĐK: Tôi cũng đã tự hỏi mình rất nhiều lần rằng mình thực sự muốn trở thành cái gì. Nhưng trước mắt tôi phải thử tất cả để tìm ra khả năng thực sự của mình. Nếu nói về diễn viên thì tôi nghĩ rằng vị trí của mình trong làng nghệ thuật Úc rất khiêm nhường và nhiều khi phải chờ đợi không biết đến bao giờ mới có vai diễn cho mình. Cho nên tôi nghĩ tốt hơn cả mình nên đi vào lĩnh vực viết kịch bản, đạo diễn và chọn các đề tài có liên quan đến cộng đồng người Việt tại Úc. Nhiều nhà viết kịch bản hay đạo diễn Úc cũng từng chọn các đề tài Việt Nam nhưng không thành công vì họ không hiểu những kinh nghiệm, tình cảm và văn hóa của người Việt.

LTM: Vừa qua anh đã đi Pháp để ra mắt cuốn phim Ngày Giao Hàng (Delivery Day). Anh có thể cho độc giả của Sài Gòn Times biết về nội dung của cuốn phim này không"

ĐK: Vâng. Phim Ngày Giao Hàng có nội dung khá đơn giản. Một cô bé Úc gốc Việt 10 tuổi đang theo học tại một trường trung học có rất ít học sinh Á Châụ Gia đình của cô bé sống bằng nghề may và bản thân cô cũng phải phụ giúp bố mẹ làm việc tại nhà. Câu chuyện xảy ra vào ngày hội đồng giáo viên mời bố hay mẹ của cô bé phải đến trường họp, nhưng hôm đó cũng chính là ngày gia đình phải giao hàng và vì thế mọi người đều rất bận rộn. Cô bé biết rằng mình không thể yêu cầu bố mẹ đi họp được và phải tìm một cách khác để có người đến họp với hội đồng giáo viên cho mình. Chủ đề cuốn phim là sự khác nhau giữa hai thế hệ trẻ và già trong cộng đồng người Việt tại Úc. Yêu cầu của cô bé là muốn bố mẹ phải quan tâm đến công việc học hành của cô, ngược lại bố mẹ yêu cầu con cái phải thông cảm với mục đích chính của bố mẹ. Trong bối cảnh mâu thuẫn đó chính anh trai của cô bé đã đứng ra đi họp thay cho bố mẹ. Điều này nói lên chính thế hệ trẻ Việt Nam tại Úc phải tự đứng ra để giúp lấy mình. Bên cạnh đó cuốn phim còn kêu gọi người trẻ Việt tại Úc phải tôn trọng những kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến của lớp cha anh, ngược lại lớp già phải lắng nghe nguyện vọng của thế hệ trẻ. Tuy nhiên chính thế hệ trẻ là những người phải làm mọi điều để thành công trong xã hội mớị

LTM: Trong liên hoan Clermont Ferrand vừa qua, cuốn phim có mang lại thành công nào cho anh không"

ĐK: Phim Ngày Giao Hàng dù không nhận được bất cứ giải thưởng nào nhưng là cuốn phim Úc duy nhất nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng. Điều đặc biệt trong số khán giả có nhiều người Việt tại Pháp đã hiểu sâu sắc nội dung cuốn phim và ngay cả lời đề tặng cuối phim cũng thu được những tràng vỗ tay nồng nhiệt.

LTM: Anh có thể cho biết thêm các chi tiết chung quanh phim Ngày Giao Hàng được không"

ĐK: Phim do tôi viết kịch bản và được đạo diễn Jane Manning giàn dựng với kinh phí 300 ngàn đô la do đài SBS tài trợ. Bốn diễn viên chính đều là những người lần đầu tiên xuất hiện trước máy quay phim. Tôi đã chọn những diễn viên đều là những người trong nghề may để cho cuốn phim rất thực. Phim màu dài 30 phút này sẽ được trình chiếu trên đài SBS vào khoảng giữa năm, là thời điểm mà khán giả xem đài SBS nhiều nhất.

LTM: Anh có những dự án nào khác trong tương laỉ

ĐK: Hiện nay tôi đang viết và giúp dàn dựng vở kịch Tầm Trú (Asylum) sẽ được trình diễn tại Bankstown trong tháng năm sắp đến. Đồng thời tôi cũng đang cố gắng viết thêm nhiều kịch bản mới khác.

LTM: Anh đang học luật năm thứ tư. Theo anh giữa nghệ thuật và luật có sự liên hệ nào hay không"

ĐK: Nghệ thuật và luật đối với tôi có liên quan vì nghệ thuật giúp tôi đưa nền văn hóa và nghệ thuật của Việt Nam đến với cộng đồng Úc và luật giúp tôi có thể đại diện cho tiếng nói của cộng đồng người Việt tại Úc.

LTM: Theo anh sinh hoạt nghệ thuật Việt tại Úc có những điểm gì đặc biệt"

ĐK: Theo tôi sinh hoạt nghệ thuật Việt tại Úc cũng rất thú vị vì có nhiều tài năng mới càng ngày càng nhiều, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình như hội họa, nhiếp ảnh. Về kịch nghệ thì có đạo diễn Lê Châu Quỳ, dù rằng đạo diễn Lê Châu Quỳ làm kịch theo một cách thức hoàn toàn khác. Trong tương lai thế nào sinh hoạt nghệ thuật của cộng đồng người Việt cũng sẽ khởi sắc hơn.

LTM: Anh có những lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ Việt Nam đang muốn chọn con đường nghệ thuật không"

ĐK: Các bạn trẻ cần phải mạnh dạn để chọn đi theo con đường nghệ thuật. Theo tôi từ trước đến nay cộng đồng chúng ta vẫn thông qua con đường hoạt động chính trị để gióng lên tiếng nói của mình. Nhưng những hoạt động chính trị đó có người nghe mà có người không muốn nghẹ Vì thế tôi chọn cách nói bằng con đường nghệ thuật để tiếng nói của cộng đồng mình có thể được người Úc lắng nghe một cách sâu sắc hơn và dễ thông cảm hơn. Thay vì biểu tình thì mình có thể diễn kịch. Kịch cũng có thể nói lên rằng Việt Nam không có nhân quyền, người Việt nam không có quyền tự do tín ngưỡng.

LTM: Nhân nói về chính trị, anh có tin rằng các hoạt động đấu tranh ủa sinh viên Việt Nam tại Úc có thể mang lại những kết quả gì không"

ĐK: Tôi không muốn nói đến những kết quả xa vờị Trước mắt những sinh hoạt đó đã làm cho giới trẻ Việt Nam tại Úc hiểu được chuyện gì đang xảy ra tại Việt Nam và qua đó thông cảm với những trăn trở của bố mẹ. Đó cũng là một sự thành công lớn rồị

LTM: Xin chân thành cảm ơn anh Đỗ Khoa đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn hôm naỵ Chúc hai anh Đỗ Anh và Đỗ Khoa đạt được nhiều thành công hơn nữa trên đường hoạt động nghệ thuật.

Lê Thảo Minh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.