Hôm nay,  

Mùa Xuân Đổi Chủ

20/01/200100:00:00(Xem: 4330)

Bạch Cung đã đổi chủ. Ngày thứ bẩy 20-1-01, ông chủ mới đã dọn vào và ông chủ cũ đã ra đi. Tôi thấy chưa cần nói đến ông mới là Tổng Thống George W. Bush vì còn phải chờ xem và phép lịch sự tối thiểu cũng bảo nên để ông ngồi cho nóng ghế ở phòng Bầu dục, trước khi có một nhận xét nào khác. Tôi muốn nói đến người ra đi, Bill Clinton.
Không thiếu gì những lời bình luận trên báo chí Mỹ và cả nước cũng đã biết ông Clinton từ 8 năm qua. Một bài báo đáng chú ý do ông cựu Chánh văn phòng Bạch Cung Leon E. Panetta viết, trong đó có một từ “nghịch lý” (paradox). Bill Clinton là một “nghịch lý”. Và ông Panetta đã cẩn thận chép định nghĩa chữ này trong cuốn từ điển thông dụng Webster’s Dictionary: Nghịch lý nghĩa là “có nội dung mâu thuẫn mà mặc dù có vẻ như vô lý, nhưng vẫn có thể là thật và đúng với sự kiện và ý thức thông thường”. Tại sao một ông Tổng Thống góp phần tạo được một nền kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ lại là người bị Hạ Viện kết tội để sẵn sàng đưa chức vụ của ông lên máy chém ở Thượng Viện và truất phế chức đó. Việc khen chê ông Clinton đều có đủ, nhưng có điều mọi người phải nhìn nhận ông là một trong những Tổng Thống được lòng dân nhất của Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông chỉ được cao nhất là 54% tán thưởng, nhưng từ nhiệm kỳ II đã vọt lên đến 69% vào đầu năm 1998, và kỳ lạ thay, vào cuối năm khi ông bị Hạ Viện buộc tội để đưa lên Thượng viện, mức tán thưởng của người dân Mỹ đối với ông lại vọt lên đến 73%. Trước ngày ông rời khỏi Bạch Cung, trong tháng 1 năm 2001 mức tán thưởng lại vẫn là 65%, thật hiếm có. Riêng tôi trong lúc vụ án Lewinsky đến lúc gay do nhất, tôi đã ngỏ ý tiếc rằng nếu không có vụ án tình này, Clinton sẽ có chỗ ngồi cao trong lịch sử như một trong những ông Tổng Thống tài giỏi nhất. Vậy người Mỹ ngày nay đánh giá Clinton như thế nào" Vẫn chỉ có một từ “nghịch lý”.
Những người tự do phóng khoáng cũng chia rẽ - nhiều người bênh vực nói ông là người tranh đấu mạnh mẽ cho dân quyền, giáo dục, môi sinh, nữ quyền và kiểm soát súng, nhưng cũng có những người nói ông đã phản bội dân nghèo khi chủ trương cải tổ an sinh xã hội. Những người bảo thủ cũng chia rẽ - họ ghi công ông đã làm quân bình được ngân sách liên bang, tranh đấu cho tự do thương mại và cứng rắn đối với nạn tội phạm, nhưng lại chê trách ông về kế hoạch y tế, thuế má và bố trí quân đội ở ngoại quốc. Những người Dân Chủ nói ông đã làm đảng mạnh thêm bằng cách lái lập trường đảng về phía giữa. Còn những người Cộng Hòa nói ông đã ăn cắp những đề tài của họ và làm ghế Tổng Thống mất phẩm chất.


Dù vậy ở bên ngoài chính trường, người dân thường ở Mỹ có những ý nghĩ chất phác và đơn giản hơn. Tôi còn nhớ trong ngày Đại hội đảng Dân Chủ ỏ Los Angeles ủy nhiệm Phó Tổng Thống Ai Gore ra tranh cử Tổng Thống, Bill Clinton vẫn là ngôi sao sáng có nhiều ánh đèn rọi nhất trong cái nhìn của dân chúng, hơn cả ông Gore. Từ lúc đó nhiều ý nghĩ phức tạp đã đến với tôi. Ông Gore đã thất cử, ông đã làm mất đi một cái nhịp cầu mà kỹ sư Clinton hứa bắc qua thế kỷ 21. Tôi không trách ông Gore và vẫn thấy ông là một người chiến bại đáng quý, dù khi ông không chịu chấp nhận để Clinton sát cánh với ông trong mấy tháng vận động tranh cử, một sai lầm lớn có thể đã làm ông bại trận, tôi vẫn ngưỡng mộ ông vì có như vậy mới chứng tỏ được tinh thần tự lập, không cần nhờ cậy vào hơi hướng của ai. Trong lúc cuộc tranh cử đến lúc gay go nhất, vào cuối tháng 12 năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Rolling Stone, Clinton nói nếu Hiến pháp Mỹ cho phép ông ứng cử lần thứ ba, có lẽ ông sẽ thắng trong cuộc đua này. Tin của AP nhắc lại lời của cựu Tổng Thống Cộng hòa Reagan, vị Tổng Thống sau chót trước Clinton đã được hai nhiệm kỳ. Reagan nói: “Hai nhiệm kỳ không đủ thời gian cần thiết để làm tất cả những gì tôi muốn làm. Tôi vẫn còn có việc phải làm sau khi từ giã chức vụ Tổng Thống”. Tôi đã ghi bên cạnh bản tin lúc đó một ý nghĩ man mác: Điều này chỉ cho thấy “khó khăn” lắm đó...cho mấy ông kế tiếp.
Tôi viết bài này không phải để tiễn đưa Bill Clinton, tôi không có tài làm chuyện đó. Các chuyên gia, các phân tích gia chính trị, các nhà báo Mỹ có đủ tư cách hơn tôi rất nhiều. Tôi viết vì một lý do khác. Địa vị Tổng Thống của Bill Clinton như thế nào cố nhiên rồi đây sẽ do lịch sử phán xét. Lịch sử là việc ghi chép lại những sự kiện đã qua, nhưng cũng là cái nhìn ngược trở lại quá khứ của các thế hệ hàng chục hàng trăm năm sau. Cái nhìn đó có thể khác, nó sẽ phù hợp với tư tưởng con người sống trong thời đại tương lai xa xăm đó. Nhưng trong lúc này, cái nhìn của những người ở thế giới bên ngoài cũng có thể đã khác với cái nhìn của người Mỹ. Khác ở chỗ họ không thấy “nghịch lý”.
Trong cuộc họp Thượng đỉnh G7 thêm Nga là 8 tại Tokyo vào tháng 9 năm 2000, cuộc họp gọi là giã biệt Clinton vì lần tới sẽ có ông Tổng Thống khác của Mỹ đến dự, tất cả 7 lãnh tụ của nhóm “kỹ nghệ hàng đầu thế giới” đã nâng ly chức mừng Clinton và tất cả cùng gọi ông là một vị Tổng Thống “vĩ đại nhất của nước Mỹ”. Có thể các ông đó đã không có cái nhìn bảo thủ bằng các ông Mỹ và cũng có thể văn hóa mỗi nơi một khác.
Ở Việt Nam các nho gia của chúng ta có câu: Nhân vô thập toàn. Nhưng tôi thích câu nói bình dân dễ hiểu hơn: Ngựa hay phải có tật. Vấn đề là cái tật đó có làm hại cái giỏi hay không. Nếu cái tật đó làm cho con ngựa giỏi hơn thì cũng nên thẳng thắn chấp nhận. Việt Nam ngày nay chưa thấy con ngựa nào hay, mà chỉ thấy toàn ngựa tồi và có tật. Chỉ riêng việc không chấp nhận bầu cử tự do mà lén lút họp bàn với nhau tìm người kế vị cũng đủ là một cái tật quá lớn rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.