Hôm nay,  

Truyện Ngắn Theo Yêu Cầu Độc Giả - Chuyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông (kỳ 2)

23/06/200100:00:00(Xem: 5943)
Trong số báo đề ngày 1 tháng 6, chúng tôi đã giới thiệu cùng qúy độc giả truyện ngắn Loài Hoa Biến Sắc của Dương Thu Hương, và trong bài viết Dương Thu Hương Là Ai, tác giả Hữu Nguyên có đề cập đến một truyện ngắn thứ hai được Dương Thu Hương sáng tác vào năm 1983 nhan đề "Chuyện Tình Kể Lúc Rạng Đông".

Từ đó đến nay, trong thời gian hai tuần lễ, nhiều độc giả đã gửi thư, email, gọi điện thoại và trực tiếp trò chuyện, trình bầy những ý kiến khác nhau quanh truyện ngắn "Loài Hoa Biến Sắc" cùng những tình cảm dị biệt dành cho nữ văn sĩ Dương Thu Hương. Một số độc giả ngạc nhiên trước lối nhìn nhận và đánh giá của tác giả Dương Thu Hương, một số khác thừa nhận bản sắc đặc biệt mang "tính Dương Thu Hương" đã hé lộ trong câu truyện, và một số (nhất là nữ độc giả) đã tỏ ra bất mãn trước lối mô tả "gái Sàigòn" một cách "cay độc và ghen tỵ ti tiện kiểu đỉnh cao trí tuệ" (nguyên văn lời của một nữ độc giả vùng Campsie) của Dương Thu Hương.

Có điều lạ lùng là mặc dù có những dị biệt, nhìn chung tất cả các độc giả đều muốn được đọc tiếp những truyện khác của Dương Thu Hương, nhất là "Chuyện Tình Kể Lúc Rạng Đông" mà tác giả Hữu Nguyên đã đề cập.

Thể theo yêu cầu của qúy độc giả, và cũng là để qúy độc giả có dịp đánh giá tài năng và quá trình chuyển biến tư tưởng của nhà văn Dương Thu Hương một cách gần gũi và chính xác, chúng tôi xin giới thiệu truyện ngắn thứ hai của Dương Thu Hương nhan đề "Chuyện Tình Kể Lúc Rạng Đông".

Đây là một truyện ngắn được Dương Thu Hương sáng tác vào thời điểm bà được chế độ cộng sản biệt đãi nhất. Vì vậy, nhiều đoạn đối thoại, nhiều sự kiện, tình tiết trong truyện đều mang nặng dấu ấn của tuyên truyền và được tác giả nhào nặn qua "lăng kính màu hồng" của một nhà văn cộng sản. Tuy nhiên, qua thái độ Vũ Sinh kiên quyết ly dị người vợ "được huyện đoàn cưới mà anh cứ tưởng là mình yêu", để đi tìm hạnh phúc đích thực cho chính anh, người đọc dễ dàng nhìn thấy mầm mống nổi loạn, mầm mống ly khai khỏi tư tưởng được mệnh danh là "chính thống" của chủ nghĩa cộng sản, đã nảy nở trong tâm trí của nhà văn nữ Dương Thu Hương, dọn đường cho những bất mãn, những phản kháng òa vỡ trong tâm hồn bà sau này.

Mặc dù bố cục của truyện không chặt, cá tính của nhân vật không được thống nhất, sự phát triển tâm lý nhân vật nhiều lúc không được tự nhiên, và câu truyện tuy được sáng tác sau năm 1975 trong khi bối cảnh câu truyện lại trải dài từ thời trước 1954 đến sau 1975, nhưng qua câu truyện, qúy độc giả sẽ có dịp thấy được phần nào cuộc sống nghèo khổ, cách ăn nói, suy nghĩ đầy khuôn sáo, cứng nhắc, đậm đà màu sắc tuyên truyền, của người dân miền Bắc trong chế độ cộng sản ở giai đoạn trước 1975.

*

(Tiếp theo...)

Cách đây hai năm, khi tiếp nhận lớp tân binh mới này, anh thường thường phải quan tâm tới Đỏ. Trước tiên, vì gương mặt mạnh khoẻ, hồn nhiên pha chút lém lỉnh của cậu ta. Sau nữa, vì những vụ nghịch ngợm của Đỏ khiến nhiều lúc, không khí nghiêm trang cần thiết và kỷ luật quân nhân bị phá vỡ. Đại loại, giữa những lúc cần chỉnh đốn hàng ngũ quân trang quân phục thì dăm bảy tân binh người thành phố thường dãy nảy, la hét hoặc chạy cuống lên như người bị kiến cắn, hoặc mặt tái xanh tái tử, nói không ra hơi... Vì họ đột nhiên thấy trong lưng, trong bụng, trong đũng quần một bọc chuột non đỏ hỏn, vài con đỉa nhun nhoe vòi, hoặc một con bọ nẹt xanh lè to bằng ngón tay cái... Lần khác, đang kỳ chỉnh quân một buổi tối, chính trị viên vừa bước lên bục giảng thì từ góc nào đó, có tiếng ho khù khụ vang lên. Tiếng ho khàn khàn, rít khò khè trong họng như tiếng ho của người già mắc chứng siễn lâu năm. Chính trị viên chờ dứt tiếng ho, hội trường im lặng mới bắt đầu nói. Nhưng chỉ hai phút sau, vẫn tiếng ho đó lại cất lên, từng hồi ngắn, liên tục. Chính trị viên đặt giáo án xuống mặt bàn, nhìn mọi người. Dưới hội trường, người nọ nhìn người kia, tiếng ho lục khục, khào khào quái gở đó vẫn cứ vang lên nghe rợn cả tóc gáy.

- Tất cả các tiểu đội kiểm tra xem đồng chí nào bị suyễn cho về doanh trại nghỉ.

Có lệnh như vậy.

Các A trưởng nghi nghi hoặc hoặc nhìn vào tận miệng từng người trong tiểu đội của mình để tìm ra nguồn gốc tiếng ho quái đảm nọ. Tuy nhiên, không có một tia hy vọng nào... Mất nửa giờ, người ta mới phát hiện ra con cóc to sụ, nằm góc nhà cất tiếng ho đau khổ vì miệng nó bị khâu lại và bên trong, có một mồi thuốc lào to tổ bố...

Sau vài lần cảnh cáo. Đỏ bớt những trò tinh nghịch ấy đi.

Vũ Sinh mến anh tràng tân binh tinh nghịch vì thấy ở Đỏ một điều anh đang thiếu. Đó là sự rành mạch trong cuộc sống, sự thẳng thắn nhiều lúc qúa giản đơn nhưng lại là con đường ngắn nhất tới chân lý.

Một lần, trong giờ giải lao trên thao trường. Vũ Sinh bất chợt nghe được câu truyện về đời tư của Đỏ. Hôm đó, họ đã thực tập một bài tập nặng về xạ kích. Đại đội trưởng Vũ Sinh quyết định kéo dài giờ giải lao thêm mười năm phút nữa. Đám tân binh reo hò ầm ĩ. Tất cả kéo vào chân ngọn núi đất bên thao trường trú nắng. Bóng thông mát rượi phủ xuống mái đầu nóng rực và những gương mặt nhễ nhại mồ hôi của những người lính. Gió mang hương lúa từ phía đồng xa tới và hương bạch đàn liễu ở những trái đồi quanh quất khiến không khí nhẹ bỗng như cánh diều.

Vũ Sinh ngồi một mình sau đống cỏ khô. Dân trong xóm trại đã đánh thành đống đợi tới ngày đốt lấy tro ủ phân. Anh bỏ mũ, nheo mắt nhìn mỏm trời trên chót đỉnh những hàng thông cao vọt. Bên kia, đám tân binh đang uống nước, hút thuốc, tranh nhau xin lửa một cậu A trưởng. Họ bàn tán về đám con gái trong xóm trại. Mấy cậu trai tơ cười rinh rích. cười to nhất lại là Đỏ.

- Mày nhát như cáy ấy - Đỏ cất tiếng nói - Đã thích thì cứ nói tuột ra rằng: Em ơi, anh xin được chết vì em đây. Em muốn sai gì anh cũng làm tất tật. Còn cái con bé Thu béo lặc lè ấy có đến, cứ đứng ngay trước cửa doanh trại, chắp tay vái: Kính thưa em, em săn đón anh khiến lòng anh cảm kích lắm. Nhưng khổ nỗi anh không yêu em được. Vậy thì em lo đi tìm mối khác cho khỏi lỡ ngày lỡ buổi. Kẻo mà tuổi xuân em thổi vèo vèo qua cái cửa doanh trại này thì anh đau ruột lắm... Cứ thế có phải xong chuyện không"... Đằng này, đứa yêu cũng không dám nói rằng yêu. Đứa ghét cũng không dám nói ghét. Ấp úng như ngậm hạt thị. Lúc thì trốn, lúc lại nói dối quanh là đi vắng để nó đứng rình. Ngồi trong nhà mót đái không chịu được chạy ra nhà vệ sinh, nó trông thấy be ầm lên: Ối anh ơi, anh nói dối em nhé... Thế có dại mặt không" Đàn ông gì cái thứ mày"... Cứ mặc quần không đáy của đàn bà lại hơn...

Cả đám cười giàn giụa. Rồi tiếng cậu A trưởng tiếp theo:

- Cứ như Đỏ mà lại hay đấy. Hai mươi ba tuổi, hai đời vợ như chơi.

Đỏ cãi lại:

- Làm gì có hai đời" Tôi đụng tới nó lần nào mà coi là hai vợ được"... Còn chuyện các cụ cưới xin, dẫu có tới năm lần cũng coi như năm lần thịt lợn liên hoan thôi. Tôi tuyên bố rồi. Lập trường vững như bàn thạch.

Đám tân binh nhao nhao:

- Tuyên bố thế nào cơ"... Kể đi Đỏ. Kể chuyện lấy vợ của cậu đi cho anh em nghe. Thủ trưởng cho giải lao thêm mười năm phút nữa cơ mà.

Đỏ gắt:

- Kể gì kể mãi thế"... Tôi đã nói rồi.

- Làm gì mà kể mãi. Cậu mới kể một lần cho A trưởng với tớ thôi. Còn cả bọn này chưa đứa nào nghe hết.

- Đúng đấy, anh Đỏ kể đi. Để đàn em còn học tập kinh nghiệm chứ.

Đỏ dặng hắng một tiếng thật to rồi đĩnh đặc nói:

- Bố tớ có một cái lò ấp trứng vịt. Năm mười bốn tớ đã phải ra coi lò đảo trứng cho ông cụ rồi. Dạo ấy, tớ có đứa bạn gái tên là Tính. Nó vói tớ cắt cỏ chăn trâu với nhau từ lúc cởi truồng lội sông cơ. Lớn lên hai đứa cùng học một lớp. Hết cấp hai, Tính ở nhà làm ruộng còn tớ lên học lớp tám trên tỉnh. Cứ vụ hè, lại về quê coi lò ấp, đảo trứng cho cụ. Tối nào cũng vậy, tớ ăn cơm trước ra nhận lò. Ông cụ về nhà ăn cơm và ngủ luôn. Khoảng chừng bảy giờ, đom đóm lập loè ngoài đồng là Tính lại ra. Hai đứa tớ nói chuyện rủ rỉ. Chẳng biết chuyện gỉ chuyện gì nhưng cứ say sưa như điếu đổ. Giá bây giờ, có ai hỏi hồi đó hai đứa nói những điều gì thì tớ chịu chêt, không thể nào nhớ ra. Nói chuyện chán, lại luộc trướng ăn. Có đêm hai đứa chén hết mười lăm qủa. Tính bảo tớ, "Lấy qủa hỏng mà ăn, không bố mắng chết." Tớ lắc đầu: "Người hơn của hay của hơn người"... Cứ chọn qủa ngon nhất mà chén. Mình làm ra, mình phải ăn miếng ngon trước đã." Hôm sau,ông cụ cằn nhằn thật nhưng tớ cứ lờ đi như không. Rồi cụ đành phải thôi... Cứ thế đến năm tớ thi hết lớp mười, tròn hai mươi tuổi. Ông cụ bảo: "Thi xong ở nhà lấy vợ." Mình tưởng ông cụ đã thấy hai đứa khăng khít thế thì sẽ hỏi cưới Tính nên gật đầu ngay: "Bố lo cũng vừa rồi đấy bố ạ." Ông cụ bảo: "Mai, mặc áo quần tề chỉnh sang thôn Hạ với tao." Mình trợn tròn mắt lên: "Sang thôn Hạ làm gì cơ chứ""

Ông cụ chỉ cái thúng sơn đựng cau trầu, chè thuốc đã sắm từ lúc nào mà mình không biết:

- Sang hỏi vợ cho mày.

Mình nghi hoặc không hiểu ông cụ định đoạt thế nào, liền hỏi:

- Ai cơ"

Thế là ông già liền dõng dạc nói:

- Hỏi con bé Thuận nhà ông Hương Mộc chứ còn ai nữa"

Mình tái người đi. Lúc đó, mình mới vỡ lẽ câu chuyện. Nhưng mình đối phó ngay. Mặc áo vào, mình dõng dạc tuyên bố:

- Con không lấy cái Thuận. Bố có đánh chết con cũng không lấy nó.

Ông cụ đứng dậy, rút cây phất trần vẫn dắt trên mái nhà đánh phựt một tiếng. Nhưng mình đã tót ra đầu ngõ rồi. Tối hôm đó mình không về. Mình đứng ở đầu làng, chờ bà mẹ. Đúng là thiếu mình, không có người trông lò thay nên bà phải đem cơm cho ông. Chờ bà đưa cơm cho ông xong, mình lẻn về nhà, ăn hết nửa nồi cơm với cá rô kho và hỏi chuyện bà cụ. Mẹ mình bảo:

- Tao biết mày với cái Tính vẫn bìu díu với nhau. Người ta bảo: Thương nhau từ thủa mười ba, khó dứt được dải áo ra mà về. Nhưng bố mày lại khác. Bố mày ngồi chung chiếu uống rượu với ông Hương Mộc bên thôn Hạ đã ba năm nay rồi. Nhất là từ độ ông bà Hương cũng mở lò ấp trứng mang tiền sang đây đặt vốn chung. Đầu năm, nhân đám giỗ ông cụ Bái, ông Hương Mộc với bố mày hẹn hò gả bán con cái, làm thông gia cho thêm gần gũi. Tao ngăn chẳng được. Tính tình bố mày, ai còn lạ"... Trái ý là cầm chày đập vỡ bát vỡ đĩa, châm lửa đốt bếp được ngay.

Tớ đứng lên:

- Cho bố đốt cả nhà đi cũng thế thôi.

Rồi tớ phăm phăm bước ra ngõ. Tớ đi một mạch tới thôn Hạ. Đến trước cửa nhà ông Hương Mộc tớ gọi thật to:

- Cô Thuận có nhà không"

Một giọng léo nhéo bên trong đáp:

- Có nhà... Ai đấy, vào đây đã...

Nghe giọng nói cũng đủ điên tiết rồi. Tớ sẵng giọng đáp:

- Tôi không vào. Cô ra đây có chuyện cần phải nói.

Hình như cô ả thì thào gì đó vói bà mẹ trong nhà ngang, rồi lát sau, mới dò dò bước ra ngõ, vừa đi vừa bứt lá dâm bụt vo:

- Anh...

Cô ả chưa kịp mở miệng chào, tớ đã nói luôn:

- Cô là cô Thuận phải không"

Cô ả bẽn lẽn cúi đầu:

- Vâng ạ.

Kỳ thực tớ lạ đếch gì cô làng. Ngày tết, mồng hai tháng chín nào, tối biểu diễn văn nghệ hoặc chiếu bóng nào trai gái hai thôn chẳng chạm mặt nhau. Hồi đó, tớ đã bảo lũ bạn trai: con bé Thuận đã cong môi lại cận thị, mắt lúc nào cũng gườm gườm như lườm trời, mặt lại gãy thế kia thì đứa nào rước đi cho... Không ngờ, con bé đó lại rơi vào đúng tay mình. Nghĩ tới đoạn ấy, tớ cáu kỉnh nói:

- Ông cụ nhà cô hứa gả cô cho tôi có phải không"

Cô ả ngước đôi mắt cận thị, hấp háy nhìn mình. Tuồng như cô nàng vừa sợ lại vừa xấu hổ:

- Em thấy bác sang đây...

Tớ hỏi dồn:

- Thầy tôi sang nhà cô làm gì"

Con bé bắt đầu run, tay dứt lá lia lịa:

- Hình như sang hỏi, hỏi...

Tới đó, cô ả tắc tị không nói được nữa. Tớ đâm thương hại nàng. Tớ dịu giọng nói:

- Tôi chẳng thù ghét gì cô cả. Nhưng tôi với cô không thương yêu nhau, không thành vợ thành chồng được. Tôi sang nói trước với cô để cô trả lời ông cụ. Chúng ta đều là đoàn viên thanh niên, nên thẳng thắn... Thôi, chào cô tôi về...

Không chờ cô ả đáp lại, tớ cút thẳng.

Đám tân binh ngồi nghe chuyện xì xào:

- Khiếp qúa, thẳng như mực Tàu thế thì ai chịu được...

Đỏ hùng hổ đáp:

- Thẳng như mực Tàu thế còn chưa ăn thua. Huống hồ quanh quéo thì chết với ông cụ. Ông cụ cứ mang trấu cau sang ăn hỏi, cứ cho cưới thật to. Ông cụ nói với họ hàng: Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Cưới vợ cho nó đã rồi nó sẽ phải yêu vợ, đẻ con... Tao đã hứa một lời vói ông Hương Mộc trước thiên hạ thì nó có sáu mắt, mười hai tay cũng không chống được. Cha cha cha... Ông cụ cho ngả lợn, giã giò, quế chả, gói nem... Làm đủ hai mươi mâm cỗ ba tầng. pháo đốt ba tràng, xác rải đầy ngõ. Nhưng tớ cứ lang thang hết nhà nọ tới nhà kia. Lúc ở làng, lúc bên nhà trọ ngoài tỉnh. Lúc nào đói qúa ra đồng bới khoai nướng. Còn khi nào ông cụ giao lò ấp cho bà cụ trông tớ lẻn đến luộc một chục qủa liền... Cứ như thế nửa năm, ông cụ phải chịu thua. Cô ả Thuận cắp gói áo quần về nhà bố mẹ. Còn ông cụ phải ngả lợn lần thứ hai cưới Tính cho tớ. Để đỡ thẹn, ông cụ đành nói vói hàng xóm, láng giềng: thôi đất chẳng chịu trời thì trời chịu đất. Cái lý của thời mình hóa hỏng mất rồi.

Một cậu lém tán theo:

- Chính là anh hỏng chứ không phải cái lý của ông gìa hỏng. Đã mất công cưới, tội gì không làm chồng vài bữa chơi.

Đỏ đáp lại:

- Cậu là đểu nhé. Cậu lưu manh nhé... Phải cái đứa con gái không biết sĩ diện nó mới chịu cưới ép như vậy. Mình lại ấm ớ thì còn ra sao nữa"... Mà thú vị gì cơ chứ"... Tớ đã chẳng yêu, cứ gọi là trát thêm vàng tớ cũng chịu...

- Ha ha ha...

Đám tân binh cười rộ lên. Rồi anh chàng tiểu đội trưởng của Đỏ nói:

- Thằng này trông vậy mà cũng gan cóc tía đấy. Thế nào mà cô vợ mê như ăn phải bùa.

Đỏ cười:

- Cả hai đứa cùng mê nhau thì mới quyết tâm được chứ...

Vũ Sinh lắng nghe tiếng cười giòn gĩa của đám tân binh. Nhưng anh không cười. Câu chuyện giản dị của Đỏ đã thức tỉnh trong anh một điều giản dị mà gần chục năm trời, anh không thể nào bước qua được cái ranh giới mỏng manh của sự phân vân.

Nói đúng hơn, sự thức tỉnh đó được báo hiệu bởi cảnh sống ấm áp của cặp vợ chồng thợ rèn gần bến đò ngày kháng Pháp, và đã kết thúc bởi câu chuyện chân thực của cậu tân binh Đỏ. Vũ Sinh được gỡ khỏi lớp sương mù của sự mệt mỏi, lười nhác và buồn nản. Anh biết rằng mình cần hiểu tới cội nguồn cuộc sống của mình và chịu trách nhiệm với chính nó. Từ ngày đó, hầu như rất tự nhiên, anh ly thân với vợ. Cảm giác tự ý thức tràn ngập. Nó khiến anh trở nên mạnh mẽ hơn, khao khát sống hơn bên dưới cái vỏ lặng lẽ, ưu tư thường ngày...

Khi cầm cốc nước chè nóng bỏng do một tân binh đưa cho, anh chợt nhìn những đám cỏ cứng sáng chói lọi trước sân, nhìn mảnh trờ xanh có đôi sơn ca vừa vút bay lên vừa cất tiếng hót kêu gọi chào mừng. Anh thấy trái tim mình cũng cất cánh bay như đôi chim ấy, nó cũng cất tiếng hót chờ đợi, mời mọc tình yêu. nó cũng rực rỡ như những ngọn cỏ xanh đẫm sương và nắng... Anh mới hai tám tuổi. Cuộc đời còn dành chỗ cho anh. Giống như khoảng trời kia còn dành chỗ cho những rạng đông, những làn mây và những tia chớp lóa.

- Thủ trưởng cười gì thế ạ"...

Hạ sỉ Đỏ cất tiếng hỏi.

- Không, không...

Vũ Sinh trả lời vội vã. Anh nhận ra mình đã mỉm cười khi theo đuổi những ý nghĩ riêng và đám tân binh ngạc nhiên, tò mò trước nụ cười đó.

- Chè của các cậu ngon thật. Uống nước chè, ăn thử bánh chè lam xem sao" Bà cụ nhà tôi đặt làm tại nhà một người quen đấy... - Anh nói lảng sang chuyện khác.

*

Hạnh phúc giống như con súc sắc trong trò chơi. Khi ta cầu mãi một con lục, thì nó không tới. Và khi ta chưa kịp cầu nguyện, nó đã tới ngay, đỏ chót sáu cái chấm tròn trên mặt xương trắng mài nhẵn. Vũ Sinh về trường huấn luyện được nửa năm, bỗng có tin đoàn văn công quân khu về tỉnh biểu diễn. Ban giám hiệu trường cử anh lên tỉnh đội, mời đoàn về trường:

- Chúng ta ở xa thị xã qúa. Suốt năm anh em chỉ được xem mấy bộ phim cũ bạc cả màu. Đồng chí chịu khó thuyết phục đoàn về phục vụ tại trường cho học viên phấn khởi. - Hiệu trưởng nói vói Vũ Sinh như vậy.

Anh nhận nhiệm vụ lấy chiếc mô-tô ba bánh của trường phóng lên thị xã. Tỉnh đội trưởng tiếp anh trong phòng riêng một căn buồng nhỏ ở tầng hai trụ sở của Tỉnh đội. ở đó, anh nhìn được toàn bộ các khu doanh trại ở ba phía, mảnh hồ ven chân thành, bãi cỏ rộng mênh mông nằm giữa các khu doanh trại và trụ sở. Một góc bãi cỏ về phía tây sân khấu đã dựng lên.

Mấy người đàn ông làm hậu đài đang lom khom móc dây điện dẫn từ bộ máy phóng thanh đến các loa treo lửng lơ trên không trung và hai chiếc mi-crô có chân đứng. Tấm màn nhung đỏ được túm lại hai bên, còn những chiếc cánh gà bằng lụa thì gió thổi căng phồng như những lá buồm. Phía trước sân khấu, dàn nhạc đang ngồi thử lại dây, chuẩn bị biểu diễn. Người kéo phong cầm chốc chốc lại nhấn phím đàn lấy âm thanh chuẩn cho tốp nhạc dây. Hai nhạc công thổi kèn Cor và Cla-ti-nét đứng riêng một góc, hoà tấu một bản nhạc êm ái nghe như tiếng gió thênh thang trên đồng nội. Các nữ diễn viên đi lại, vẻ thong dong. Những tấm thân mảnh mai của họ, với những màu áo trẻ trung khiến khung trời đã tắt nắng và cả ngôi nhà trụ sở Tỉnh đội cũ kỹ cũng như tươi sáng lên.

Vũ Sinh nhìn tất cả những hình ảnh đó, lòng nao nao vì một lý do khó nhận biết. Trước đây hồi trai trẻ, hoạt động trong đoàn thanh niên anh đã từng gẩy ghi-ta và hát mê say những bài hát thời kháng pháp:

Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi Đã ra đi trong lòng không nề Ra đi, ra đi báo thù sông núi...

Từ ngày gặp cô Thái trắng trên Tây Bắc, trái tim trống trải của anh ấp ủ hình bóng xa xôi đó và những giai điệu mơ màng của bài ca. Nụ cười sơn cước:Tôi nhớ mãi một mùa xuân chia phôi, mây mờ buông kín núi đồi... Nàng ơi, sau dãy núi xang lơ, tình tôi chưa phai mờ, hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trắng, một chiếc vòng sáng long lanh, và nụ cười nàng qúa xinh...

Thời gian trôi như dòng nước... Thời gian không quay trở lại. Bây giờ, người ta hát những bài hát khác xưa. Nhưng dẫu vậy, tiếng hát êm dịu tiếng kèn nao nao ngoài sâm kia vẫn cứ gợi lên trong đại đội trưởng Vũ Sinh điều gì đó, giống như một câu hỏi chưa có tiếng trả lời, một cơn khát chưa tìm được nguồn nước thỏa thuê mong ước.

Tỉnh đội trưởng nhìn vẻ thẫn thờ thoáng qua gương mặt Vũ Sinh:

- Nghĩ ngợi gì thế" Hút thuốc đi...

Ông rút bao Thủ đô bọc giấy bạc chìa cho anh.

- Tôi biết ở trường các anh không thiếu thuốc ngon, nhưng cứ mời tạm một điếu... Sao, chương trình huấn luyện có gì khó khăn không" Tôi chắc anh lên đây chẳng phải vì việc đó chứ"

- Vâng. Báo cáo đồng chí, anh em dưới trường muốn...

- Tôi biết, tôi biết rồi. Muốn văn công quân khu về phục vụ một tối, phải không"...

Tỉnh đội trưởng cắt ngang lời Vũ Sinh với vẻ cảm thông nhạy bén:

- Tôi đã làm việc với ban lãnh đạo đoàn rồi. Lịch phân phối cho các đơn vị như sau: hôm nay, ngày mai, ở lại đây. Ngày kia, ngược lên chỗ đoàn pháo binh Sao Đỏ. Ngày kìa, xuống trường các anh. Liệu về lo đón tiếp, nơi ăn chốn ở cho chu đáo. Hễ có điều gì sơ suất là lần sau các anh nhịn suông đấy... Nào mọi chuyện rõ chưa"

- Báo cáo đồng chí, rõ! - Vũ Sinh trả lời.

- Tôi phải về nhà bây giờ đây... - Tỉnh đội trưởng vừa nói vừa đứng lên - Về cho bà vợ với mấy đứa con đi xem kẻo muộn. Lỡ bữa cơm không sao chứ mất tối văn công là cả vợ lẫn con kỳ kèo hàng nửa năm liền.

Vũ Sinh chào ông ra trước. Anh phóng mô-tô qua cổng thành nghe tiếng xe của ông đuổi theo sau.

Từ lúc anh về báo tin cho tới khi đoàn văn công xuất hiện. Cả trường xôn xao như chờ đợi ngày hội lớn. Các đại đội cắt nhau làm vệ sinh từng khu vực, sắp sửa lại giường chiếu, phòng khách, quét sạch đường vào trường, rải lớp sỏi trắng lên, tưới tắm mảnh vườn hoa con con trước sân và trồng thêm mấy chậu cúc vàng dọc hàng hiên nhà khách. Ban quản lý thì bàn nhau thịt con lợn nào trong chuồng và làm những món gì bữa trưa, bữa chiều, nấu cháo hay đổi bánh làm phở cho diễn viên ăn sau khi biểu diễn"... Háo hức nhất là đám thanh niên. Họ vui sướng vá hồi hộp ra mặt. Từ ngày vào trường, ngoài mấy buổi xem phim, họ chưa hề được tham dự một cuộc vui nào lớn, ngoại trừ mấy trò vặt như đánh tú- lơ-khơ bôi râu, đánh cờ ca-rô, tam cúc...

Chín giờ sáng ngày thứ ba, Đoàn văn công quân khu xuất hiện. Một chiếc xe chở diễn viên đi trước, rồi chiếc xe tải chở sân khấu, phông màn, đèn điện với các thứ cồng kềnh khác theo sau. Họ làm sân khấu rất nhanh, với sự giúp đỡ của các chàng học viên hạ sĩ quan trẻ trung, lực lưỡng. Sau đó, đám nữ diên viên được tắm rửa, giặt giũ trước để về nhà nghỉ. Họ khép cửa phòng, đám nam diễn viên cùng những người làm công tác hậu đài mới vắt khăn, vắt áo ra giếng.

Vũ Sinh thấy trong cái tập thể nhỏ bé đó, những người đàn bà và những cô gái được chiều chuộng như ở trong một gia đình mới. Cử chỉ của những người đàn ông trong đoàn đánh thức trong anh nỗi thèm khát chập chờn. Hình như anh cũng muốn được chiều chuộng người đàn bà nào đó, được đưa tay cho cô vịn khi nhảy qua rãnh, được múc nước đổ vào chiếc thau tráng men cho cô rửa mặt, được chờ đợi cho tới khi cô đã thay áo quần, vào phòng ngủ mới lo việc tắm rửa của cá nhân mình...

Những ý nghĩ của anh chỉ mình anh biết. Còn tới bữa cơm chiều, buổi chiêu đãi chính thức của trường với đoàn, anh lại bận làm việc với một cán bộ huấn luyện trên trường của bộ về. Cuối cùng, chỉ còn tới buổi biểu diễn. Như những người đàn ông trẻ trung tự do khác, anh hồi hộp khi được ngắm nhìn những gương mặt xinh xắn với nhiều hy vọng run rẩy. Biết đâu, trong những gương mặt xinh đẹp đó, sẽ có một gương mặt mãi mãi là của mình"... Quãng đời đơn chiếc của một người đàn ông chưa toại nguyện về tình yêu, biết bao lần niềm hy vọng đó bay đến"...

Ánh sáng rực rỡ của hai chùm đèn lớn bật lên khiến mọi người lóa mắt. Vũ Sinh cũng phải cúi xuống chờ người làm hậu đài quay máng đèn che sáng, anh mới dám ngửng lên. Luồng ánh sáng chói lọi chiếu lên sân khấu. Làn tuyết nhung đỏ bắt sáng, lóng lánh. Lát nữa, hai tấm màn nhung kia sẽ kéo sang hai bên, và giữa khoảng trống tràn ngập thứ ánh sáng chói chang đó, những diễn viên sẽ xuất hiện. Hẳn là họ phải có một sức chống đõ dạn dầy mới có thể chịu nổi những tia phóng mãnh liệt của hai chùm đèn lớn... Ý nghĩ đó khiến Vũ Sinh bùi ngùi. Anh rút thuốc, châm lửa hút.

- Nữ diễn viên quân khu nổi tiếng là xinh đấy. Còn khá hơn các cô Đoàn Tổng Cục Chính Trị cơ.

Hiệu phó, một tiểu đoàn trưởng ngồi bên Vũ Sinh hích anh, nói thì thầm. Vũ Sinh gật đầu. đúng lúc đó hồi chuông điện kêu reng reng báo hiệu giờ mở màn. Người giới thiệu bước ra sân khấu trong bộ váy áo gọn gàng có thắt lưng, kiểu trang phục riêng cho những nữ diễn viên phục vụ quân đội. Cô còn rất trẻ, hơi dại khờ nên cách nói cứng cỏi, khó thu phục người xem. Họ chỉ tán thưởng gương mặt xinh tươi, căng đầy sinh lực và đôi bím tóc ngoe nguẩy như hai bím tóc một con búp bê lớn.

Màn đồng ca nhiều bè đệm với giọng lĩnh xướng nam trầm, hùng hổ trình bầy ca khúc Du Kích Sông Thao mở đầu trương trình. sau đó mấy tiết mục đơn ca nam, đơn ca nữ. Rồi múa Tây Nguyên, Chàm Rồng và Cà Tu.

Sau hai tiết mục múa, người giới thiệu thứ hai bước ra sân khấu. Khác hẳn cô búp bê trước, người con gái này có một thân hình rắn chắc nhưng thanh mảnh, mái tóc đen dày óng ả đổ xuống lưng. Đôi mắt cô mênh mông, hơi buồn. Cô cúi đầu chào khán giả với nụ cười đằm thắm và cất giọng nói. Cũng những câu chữ ấy, cũng những thứ văn chương tầm thường chỉ để trình bày vắn tắt nội dung một bài ca, nhưng với giọng nói dịu dàng, ấm áp của cô, người xem cảm thấy mình bị lôi cuốn vào một thế giới sau những âm thanh ấy. Một thế giới phong phú, rực rỡ nhưng hẳn sẽ vương vất nỗi ưu tư. Chưa bao giờ, người ta hoan hô diễn viên giới thiệu nồng nhiệt như vậy. Chắc chắn khán giả bị sắc đẹp, sự duyên dáng thầm lặng và vô cùng mãnh liệt của cô mê hoặc. Những tiếng hoan hô kéo dài khiến người con gái phải ra chào lần nữa. Rồi cô hối hả bước vào để những diễn viên tốp ca nam trình bày tiết mục của họ.

Vũ Sinh cũng như những người khác nghe bài hát với một tâm trạng hối hả, gấp gáp. Ai cũng như cầu mong cho nó chóng kết thúc để được nhìn người nữ diễn viên giới thiệu và nghe giọmg nói dịu dàng, mê hoặc của cô. Khi cô bước ra sân khấu lần này, không phải trong bộ váy áo quân phục mà trong tấm áo dài màu cam mềm mại, đám đông bật lên một tiếng ồ... kinh ngạc. Rồi tràng sấm vỗ tay vang khắp nơi, giòn giã, kéo dài như một vòng âm thanh bao vây sân khấu. Người thiếu nữ nghiêng mình cảm tạ. Cử chỉ của cô toát lên vẻ khiêm nhường, lòng biết ơn chân thực, lại xen lẫn cả nỗi buồn thầm kín của sự từng trải. Dường như trong ánh mắt đang nheo cười đó, hàm chứa một ý nghĩ trần tục: Rồi đêm nay sẽ qua, những tiếng vỗ tay kia sẽ tắt, người diễn với người xem sẽ chia xa, các anh ở lại và tôi đi nơi khác, tôi sẽ có các buổi diễn mới, những người hâm mộ nồng nhiệt mới. Rồi với thời gian tôi sẽ già đi. Có một cô gái lạ bước lên sân khấu, vòng hào quang mới lạ trên đầu... Lúc đó tôi ở dâu nhỉ"... Và lúc đó, các anh có còn nhớ đến tôi như nhớ đến một cái tên"...

Vũ Sinh giật mình vì những ý tưởng miên man trong óc. Cha anh là một thầy đồ kiêm nghề bốc thuốc. Ngoài những giờ thăm bệnh, bào chế thuốc ông ngồi ngâm thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ. Ông cắt nghĩa cho đứa con trai từng câu từng chữ trong những bài thơ mình yêu thích từ khi nó mới lên năm tuổi. Vũ Sinh không nhớ được trọn vẹn thơ. Nhiều lắm, anh chỉ nhớ được đôi câu gợi cảm nhất:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương...

Nhưng tính đa cảm và ưu tư của ông cụ đã truyền sang anh như một căn bệnh qua máu huyết. Anh không nghe những cô gái trên sân khấu đang hát gì. Họ cười gì và họ giơ tay nhí nhảnh chỉ trỏ gì đó xuống đám đông khiến các tràng trai trẻ cười phá lên vì khoái trá. Anh cứ theo đuổi mãi những ý nghĩ mà đôi mắt đen mênh mông và giọng nói huyền bí của người nữ diễn viên giới thiệu đã gợi lên. Cứ như vậy cho tới tiết mục kịch nói, những âm thanh chỉ lướt qua óc não Vũ Sinh như làn gió. Anh mải mê nhìn người nữ diễn viên kỳ lạ, bị chi phối bởi sự tò mò và muôn ngàn ý tưởng nảy sinh ra khi đoán biết cô. Tấm màn nhung đỏ bỗng dưng khép lại. Vũ Sinh chưa kịp hiểu vì sao thì hiệu phó vỗ đét một cái vào đùi anh:

- Khá thật, khá qúa... Văn công quân khu mình không thua đoàn Tổng cục Chính trị tý nào.

Vũ Sinh ầm ừ.

Tiểu đoàn trưởng rút thuốc đưa cho anh:

- Làm điếu thuốc đã. Chờ họ bày phông cảnh, chuẩn bị cho vở kịch. Vở này được huy trương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm ngoái đấy.

- Thế à... Tôi không chú ý theo dõi báo.

Vũ Sinh đáp qua loa. Anh đưa mắt nhìn quanh. Đám học viên được thỏa mãn đang tươi cười chọc ghẹo nhau, tán tỉnh tươi hơn hớn. Mắt họ liếc lên tấm màn nhung đỏ buông trước sân khấu với vẻ chờ đợi háo hức. Một cơn gió mạnh thổi ào ào qua khung trời. Tiếng những rặng thông và bạch đàn trên đồi reo vi vút. Vũ Sinh bỗng thấy hơi lạnh và hắt xì hơi và chợt nhớ bỏ quên mùi xoa ở phòng ngủ. Anh bảo tiểu đoàn trưởng hiệu phó ngồi bên:

- Tôi phải về nhà lấy khăn tay.

Thiếu tá ngạc nhiên:

- Lấy khăn xong thì cậu làm cách nào len vào cho được"... Đông thế này cơ mà"... Mượn tạm khăn cậu nào vậy.

Vũ Sinh nhìn quanh, ngần ngừ. Nhưng rồi anh lắc đầu, cương quyết:

- Thôi, không vào được thì đứng vòng ngoài. Ai lại đi mượn khăn tay, phiền chết.

Anh khẽ đập tay lên vai một học viên ngồi phệt trên cỏ, chỉ cho cậu ta chiếc ghế dành cho mình rồi lách ra ngoài. Về phòng lấy khăn tay, uống nước xong, Vũ Sinh chưa tới bãi xem vội mà lại vòng ra cửa doanh trại xem bộ phận gác.

- Hôm nay cậu nào phải gác chắc hậm hực lắm đây. Cả năm mới có một lần... - Anh nghĩ.

Qủa nhiên, khi anh chưa tới chòi gác đã có tiếng kêu mừng rỡ:

- Thủ trưởng, sao thủ trưởng lại ra đây ạ"...

Vũ Sinh cười.

- Ra xem các cậu gác có nghiêm không"... Cậu nào đấy" Đỏ à"...

Học viên nói như hét:

- Vâng ạ...

Rồi ngoẹo đầu ngoẹo cổ:

- Báo cáo thủ trưởng, kỳ này về phép, dứt khoát em ra ủy ban huyện xin đổi tên thôi.

- Sao"

- Dứt khoát em phải đổi tên thôi. Tên là Đỏ mà số đen sì. Cả năm mới được một lần xem văn công thì lại trùng phiên gác.

Vũ Sinh cười. Đỏ nói tiếp:

- Em toàn phải đứng dỏng tai lên. Coi như thằng mù nghe hát vậy. Mà sao thủ trưởng còn đứng đây. Thủ trưởng vào đi chứ... Sắp tới kịch nói rồi. Vở này được huy trương vàng cơ đấy...

Đại úy Vũ Sinh bảo:

- Này, tôi gác cho. Cậu vào mà xem.

Đỏ ngơ ngác:

- Thủ trưởng bảo gì cơ ạ"

Vũ Sinh cười, đáp rành rẽ:

- Nói gì nữa" Tôi gác cho. Tôi xem nửa trước, cho cậu xem nửa sau. Như vậy là công bằng nhé: Cậu nghe hát, còn tôi thì nghe kịch.

Đỏ vỡ lẽ, nhảy cẫng lên:

- Úi giời ơi, thủ trưởng nói thật chứ ạ"... Thế thì nhất em rồi. Số em đúng là đỏ thật. Đen trước rồi đỏ sau...

Cậu ta dúi cây súng cho Vũ Sinh rồi cắm đầu chạy vào bãi diễn. Một mình anh đứng trong bóng tối. Anh thèm thuốc nhưng kỷ luật không cho phép người lính được hút thuốc trong giờ gác. Vũ Sinh đành đứng yên, đưa mắt nhìn bầu trời. Từ những vì sao li ti mờ nhạt tới các ngọn cây lắc lư sau mái nhà. Vẫn chưa thấy vở kịch bắt đầu biểu diễn. Phía sân khấu, tiếng ồn ào của đám khán giả vẳng tới tai anh. Khu doanh trại che khuất nên anh hoàn toàn không thể nhìn thấy vật gì ngoài quầng sáng hắt lên bầu trời. Sau vùng ánh sáng màu cam nhạt đó, vài cây thông trên ngọn núi sát kề doanh trại in bóng đến im lặng vào đêm. Những cơn gió thỉnh thoảng lại thổi tới, gần như gió heo may, mát mẻ, lay động cây cỏ và lòng người. Người đàn ông trẻ đứng trong chòi gác, vừa nhớ thấp thoáng những vần thơ thuở nhỏ cha anh đã dạy anh, vừa nhìn quãng đời vô vị vừa qua, vừa hé mở những tia hy vọng và theo đuổi dòng liên tưởng mà cô diễn viên kỳ lạ đã khơi dậy... Các ý nghĩ trong anh lộn xộn, thoát tới thoát đi. Lúc đó, có bóng người bước đến.

- Ai" Đứng lại.

Vũ Sinh quát khẽ, nhưng giằn giọng.

- Tôi, diễn viên trong đoàn văn công quân khu. Báo cáo đồng chí cho tôi ra đồi một lát.

Bóng người đáp lại rắn rỏi mạch lạc đúng tư cách một quân nhân. Vũ Sinh đứng lặng. Những ngón tay anh nắm cứng khẩu súng. Anh nhận ra người giới thiệu tiết mục đã khiến mình nảy ra bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu phỏng đoán tò mò...

Người thiếu nữ chờ đợi một lát, cất tiếng hỏi:

- Báo cáo đồng chí, tôi đi được chứ"

Vũ Sinh chợt nhớ ra, đáp:

- Đồng chí có thể đi được. Nhưng phải trở về trước giờ biểu diễn kết thúc.

Cô gái đáp:

- Rõ.

Cô dập hai gót chân theo đúng kiểu chào quân nhân rồi thong thả bước về phía cổng trường. Đứng trong chòi, Vũ Sinh dán đôi mắt vì cảm động và bối rối nhìn theo cô. Trái tim anh cồn cào như thể cô bước ra khỏi cổng trường thì anh mất mát cái gì đó. Hai tai anh tự dưng nóng ran. Trong lúc đó, giọng nói từ miệng anh bật lên, khô khốc:

- Này, đồng chí...

Người con gái đang đi đứng sững lại. Cô quay người, tiến sát tới chòi gác. Ánh đèn vàng đục đủ cho anh thấy rõ gương mặt cô, đôi mắt ngước nhìn ngơ ngác:

- Đồng chí gọi tôi"

Vũ Sinh hỏi:

- Vâng. Đồng chí có thể cho tôi biết đồng chí ra đồi làm gì không"

Cô gái đáp:

- Tôi đi chơi mà. Ở ngoài kia, thoáng hơn.

Đại úy cảm thấy giọng nói của mình cứng nhắc, thật vô duyên trong hoàn cảnh này. Anh cố gắng làm cho nó mềm đi nhưng không được:

- Theo tôi, đồng chí không nên đi... (Còn tiếp…)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.