Hôm nay,  

Cụng Đầu Nẩy Lửa

05/04/200100:00:00(Xem: 4175)
Vụ một chiếc phi cơ thám sát của Mỹ bị chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm, phải hạ cánh xuống một phi trường ở đảo Hải Nam, đã trở thành một ngọn đèn đỏ nhấp nháy báo động có khủng hoảng lớn. Mỹ yêu cầu được tiếp xúc ngay với 24 người trên phi cơ, Bắc Kinh khước từ. Tổng Thống George W. Bush đích thân lên tiếng, sửng sốt trước sự từ chối đó và yêu cầu Trung Quốc phải hoàn trả ngay 24 người trên phi cơ kể cả chiếc phi cơ siêu-gián điệp này nguyên vẹn, không được táy máy gì đến những trang bị tối tân trên phi cơ. Bắc Kinh thủng thẳng nói đến tối thứ ba nới cho gặp phi hành đoàn, không nói gì đến việc trao trả.

Cái gì đã làm xẹt tia lửa đốt cháy sợi dây cốt-mìn vậy" Mối quan hệ Mỹ-Trung đã lâm vào tình trạng leo thang căng thẳng, kiểu leo thang lầu xoáy chôn ốc từ mấy tháng nay, khi Tổng Thống Bush tỏ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, gia tăng áp lực về vụ nhân quyền và đàn áp Pháp Luân Công. Ông Bush đã từng nói nếu Đài Loan bị tấn công, quân Mỹ sẽ đến giúp Đài Loan. Bắc Kinh leo thang bằng cách gia tăng ngân sách quốc phòng 17.7% và mua của Nga chiến đấu cơ tối tân SU-30, đàn áp đối lập mạnh hơn, bắt giữ một một nữ khoa học gia Mỹ gốc Hoa khi bà này về thăm Trung Quốc. Và cuối tuần này khi Mỹ sẽ cho biết quyết định bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan, thì ngày chủ nhật 1-4 phi cơ do thám Mỹ bị lâm nạn.

Phi cơ do thám là loại EP-3E Aries II, 4 động cơ bán phản lực (turbo-prop), lớn vào cỡ chiếc Boeing 737 chở hành khách, mang theo 7 sĩ quan và 17 binh sĩ chuyên viên, có nhiệm vụ theo dõi, tìm kiếm phá sóng radar địch và còn nhiệm vụ gì nữa chỉ có lên phi cơ khám xét mới biết. EP-3E là công cụ “lao động hạng nặng” của Hải quân Mỹ, nó có căn cứ ở Okinawa, Nhật Bản. Đây không phải lần đầu tiên EP-3E bay ở vùng biển Trung Hoa, từ khi không khí bang giao ngột ngạt, nó bay hàng ngày. Và cũng không phải lần đầu tiên các chiến đấu cơ Trung Quốc bay lên bám sát. Vậy tại sao xẩy ra “tai biến”"

Bắc Kinh nói thám sát cơ Mỹ phạm vào vùng trời thuộc lãnh hải Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Hải Nam và chính phi cơ Mỹ đụng vào một chiến đấu cơ Trung Quốc. Mỹ nói chiếc EP-3E bay cách bờ biển Hải Nam 50 dậm và chiến đấu cơ Trung Quốc đã lao vào phi cơ Mỹ. Đụng ở đâu cũng dễ biết thôi vì sau khi bị hư một động cơ bên cánh trái để rồi phải hạ xuống căn cứ Lingshui ở Tây Nam đảo Hải Nam, chiếc thám sát cơ Mỹ vẫn gửi tín hiệu “Mayday, Mayday” (báo nguy) về căn cứ cách chừng 1,000 dậm. Còn nói phi cơ Mỹ đụng vào chiến đấu cơ Trung Quốc là chuyện khôi hài. Thám sát cơ là loại nặng, động cơ bán phản lực bay chậm rì giống như con bò đi cầy để dễ dàng làm phận sự. Nó không phải là loại phi cơ gián điệp chuyên chui vào vùng trời địch nên không cần bay nhanh. Còn chiến đấu cơ hiện đại bay siêu thanh, nhào lộn né tránh lẹ như cắt. Chẳng lẽ một con bò đi cày lỡ đụng phải một con ruồi đang bay" Đô đốc Dennis Blair, Tổng tư lệnh Quân lực Mỹ Thái Bình Dương nói chiến thuật bay của các phi công Trung Quốc trong các vụ bám sát và ngăn chặn thường rất liều lĩnh, đã nhiều lần suýt gây tai nạn. Chỉ có một người có thể lên tiếng rõ ràng, đó là viên phi công của chiến đấu cơ Trung Quốc. Phi cơ của anh này đã rớt và như một sự ngẫu nhiên kỳ diệu, 48 giờ đồng hồ sau Bắc Kinh vẫn nói anh này còn “mất tích”.

Nhưng lỗi tại ai không quan trọng bằng chiếc thám sát cơ đang nằm chình ình trên phi trường quân sự của Trung Quốc. Cố nhiên nó đã đáp xuống êm thấm vì tất cả 24 quân nhân Mỹ còn sống. Các giới bộ Quốc phòng Mỹ nói “các nhân viên quân sự Trung Quốc không được phép lên chiếc thám sát cơ”. Các ông nói như nói đùa. Cả thế giới đều biết EP-3E là phi cơ do thám và Trung Quốc biết hơn ai hết. Một chiếc phi cơ do thám bị thương phải đáp xuống lãnh thổ của mình, Trung Quốc có họa đồ ngu mới không biết “táy máy”. Sáng thứ ba, có tin nói chuyên viên Trung Quốc đã vào phi cơ từ đầu, không những “táy máy” mà còn lục lọi từng góc nhỏ. Các giới quân sự Mỹ nói thủ tục tiêu chuẩn khi thám sát cơ rơi vào tay nước khác là phi hành đoàn phải phá hủy ngay mọi trang bị và tài liệu tối mật. Nhưng từ lúc phi cơ đáp xuống mọi liên lạc đã bị cắt đứt, hiển nhiên không kịp làm “thủ tục”.

Trung Quốc đã có lời to rồi, dù có trao trả 24 người cho Mỹ, kể cả chiếc phi cơ cũng chẳng sao. Bao nhiêu bí mật tối quan trọng của Mỹ về do thám bằng kỹ thuật cao trên không trung, dụng cụ trang bị, phương pháp thu nghe và truyền mật mã, kể cả những dữ kiện đã thu được trong chuyến bay, đã nằm trong tay Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc còn bắt bí nhiều chuyện rồi mới trao trả, khởi đầu là đòi Mỹ phải xin lỗi nhục nhã, chưa kể những yêu sách khác có tính chiến lược. Sau đó là khủng hoảng được giải quyết chăng" Mọi việc còn đang diễn tiến. Đây là một thử thách gay go nhất cho chính sách đối ngoại của Tổng Thống Bush mới khoảng 100 ngày sau khi ông vào Bạch Cung. Nếu Mỹ chịu lép vế trước sự đối đầu tàn nhẫn của Bắc Kinh và ngậm bồ hòn làm ngọt để lấy người về, phải nói thật chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ không còn kí-lô nào nữa trên khắp thế giới, kể cả với những nước đồng minh.

Căng thẳng không phải là một cơn lốc xoáy và các nấc thang của nó cũng không xoắn chôn ốc như các ông ký giả Tây phương tượng hình văn vẻ. Căng thẳng là hình hai cái thang chụm đầu vào nhau còn chân doãi ra thành hình tam giác. Hai anh, mỗi anh leo một bên thang, càng thi đua leo cao càng dễ đụng nhau. Bây giờ đã leo đến gần ngọn, còn tiếp tục đua nhau leo nữa là phải cụng đầu vào nhau nẩy lửa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.