Hôm nay,  

Liên Danh Dân Chủ Và Ngoại Thương

03/08/200400:00:00(Xem: 4729)
Sau Đại hội đảng tại Boston, Liên danh Kerry-Edwards là đại diện đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ. Hai ông chủ trương ra sao về kinh tế đối ngoại và điều đó ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế Mỹ-Việt ra sao"
Đài RFA trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề tài trên, như sau.
Hỏi: Thưa ông, trước khi nói về lập trường kinh tế đối ngoại của liên danh Dân chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ, chúng ta cần đề cập đến một đề tài liên hệ là cuối tuần qua, Tổ chức Thương mại Quốc tế WTO đã đạt thỏa thuận sơ bộ giữa 147 hội viên về việc xóa bỏ trợ cấp nông phẩm tại các nước giàu và hạ thấp hàng rào quan thuế. Trước đây, ông dự báo kết quả lạc quan đó vì cuộc bầu cử tại Mỹ. Tại sao vậy"
-- Thưa vâng, trong chương trình ngày 22 tháng Sáu, tôi có nêu nhiều lý do khách quan giúp WTO có thể vượt qua mâu thuẫn giữa các nước giàu nghèo về trợ giá nông phẩm tại các nước giàu để đẩy tiếp tiến trình thảo luận của vòng đàm phán Doha sau vụ tan vỡ hồi tháng Chín năm ngoái tại Cancun của Mexico. Kết quả cuối tuần đã được như vậy: các nước giàu đã thỏa thuận cắt giảm trợ cấp nông phẩm, đổi lại các nước nghèo đồng ý giải tỏa một số hạn chế trong khu vực chế biến công nghiệp và dịch vụ. Từ đấy 147 nước hội viên có thể đàm phán tiếp và đẩy cho bánh xe Doha tiếp tục lăn, thay vì đi vào bế tắc. Phía Mỹ tỏ ý hài lòng và các nước nghèo cũng vậy, vì mỗi bên nhượng bộ một chút. Đấy là điều lạc quan khi trợ giá nông phẩm là chính sách nhạy cảm của các nước giàu, từ Âu châu qua Mỹ, nhất là vào mùa bầu cử tại Mỹ.
Hỏi: Và ta trở về đề tài chính kỳ này, là chuyện bầu cử tại Mỹ và ảnh hưởng về ngoại thương với các nước khác, đặc biệt là Việt Nam.
-- Thưa vâng, về cuộc bầu cử tại Mỹ, đáng chú ý nhất là cuộc bầu cử Tổng thống, thì tuần qua, đảng Dân chủ đã họp xong Đại hội Toàn quốc và nhất trí đề cử hai Nghị sĩ John Kerry và John Edwards là thụ ủy trong liên danh tranh cử Tổng thống. Khi kết quả đàm phán của WTO tại Geneva được thông báo thì liên danh Kerry-Edwrads chưa có ý kiến chính thức, ít ra cho đến cuộc trao đổi của chúng ta hôm nay. Nhưng từ đảng Dân chủ thì ta có phản ứng của Dân biểu Sander Levin, tiểu bang Michigan, nhân vật then chốt trong Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện về Mậu dịch. Ông cho rằng thỏa thuận của WTO mới chỉ là một bước tiến nhỏ, và phê phán Tổng thống Bush là chưa làm đủ để bảo vệ công ăn việc làm của công nhân Mỹ trong các khu vực chế biến và dịch vụ trước loại biện pháp mậu dịch ông gọi là bất công của các nước khác. Nôm na là phía Dân chủ muốn chính quyền phải đòi hỏi nhiều hơn để bảo vệ việc làm của giới lao động. Quan điểm đó phản ảnh chủ trương bảo hộ mậu dịch từ đảng Dân chủ.
Hỏi: Bây giờ ta mới đi vào đề tài là chủ trương kinh tế đối ngoại của Liên danh Kerry.
-- Vâng, trước khi nói về chuyện đó, tôi xin được nhắc lại là các nước đều đề cao tự do mậu dịch, nhưng chỉ tự do trong lãnh vực mình có ưu thế, còn lại thì họ nói đến "mậu dịch công bằng", tức là khó người khó ta, dễ người dễ ta, thực chất chỉ là bảo vệ quyền lợi của thành phần ủng hộ mình ở trong nước. Tổng thống Bush từng đề cao tự do mậu dịch, vậy mà năm kia vẫn có biện pháp bảo vệ ngành thép vì muốn nâng đỡ thành phần cử tri ngành thép, ở các tiểu bang chưa dứt khoát ủng hộ ông trong cuộc tranh cử năm 2000 và có thể sẽ bỏ rơi ông trong cuộc tranh cử năm nay. Vụ thép khiến ông bị đả kích nặng nên cuối cùng ông đã bỏ. Nghị sĩ John Kerry cũng có phản ứng tương tự. Trước đây, ông ủng hộ tự do mậu dịch, nhưng khi có ý định tranh cử là đổi lập trường còn triệt để hơn, trở thành người chống tự do mậu dịch, thậm chí tự do kinh tế nữa.
Hỏi: Vì sao lại có hiện tượng ấy"
-- Vì một quy luật kinh tế chính trị học mà các cụ ta gọi là "ăn cây nào rào cây nấy". Ông John Kerry nổi tiếng là có nhiều lập trường bất nhất trong sự nghiệp chính trị của ông, kể từ khi có tham vọng rồi hy vọng tranh cử tổng thống. Xuất phát từ cánh tả, với thành tích bỏ phiếu thiên tả được nghi nhận trong 19 năm làm Nghị sĩ, ông Kerry gay gắt kết án các doanh gia truy tìm lợi nhuận là phản quốc, qua ẩn dụ của một kẻ phản quốc thời cách mạng độc lập Mỹ, như một Trần Ích Tắc chả hạn. Ông có dịu giọng khi hy vọng được đề cử nhưng vẫn chủ trương bảo hộ mậu dịch. Về phần Nghị sĩ Edwards thì còn rõ hơn, ông thuần nhất trong lập trường bảo hộ mậu dịch. Cả hai đều ngả theo xu hướng bảo hộ rất mạnh hiện nay trong đảng Dân chủ, và đả kích việc doanh nghiệp Mỹ đầu tư hoặc đặt làm gia công ở nước ngoài, khiến công nhân Mỹ mất việc. Họ đề nghị tu chỉnh chính sách thuế vụ để trừng phạt loại doanh nghiệp ấy.
Hỏi: Trên quan điểm thuần túy kinh tế, ông nghĩ sao về chủ trương đó"

-- Từ khi nước Mỹ là nước Mỹ thì việc đầu tư ở nơi nào có lợi nhất, nhờ phí tổn thấp hay thị trường lớn, là quy luật khách quan đúng đắn khiến Hoa Kỳ trở thành cường quốc kinh tế. Tuy nhiên, vào mùa bầu cử và nhất là khi Mỹ vừa qua một trận suy trầm ngắn nhưng có hậu quả kéo dài trên nạn thất nghiệp, người ta quên quy luật đó và ngả theo lập trường gọi là "đại chúng", nhuốm mùi mị dân, để tỏ ra quan tâm đến quyền lợi của thành phần có thể bỏ phiếu cho mình. Thực tế thì nạn thất nghiệp tại Mỹ không do việc công ty Mỹ đặt làm gia công ở ngoài và việc đầu tư ra ngoài có lợi cho cả nền kinh tế Mỹ lẫn các nước tiếp nhận đầu tư. Thí dụ là từ 1991 đến 2001, doanh nghiệp Mỹ tạo thêm gần ba triệu công việc làm ở các xứ khác, trong đó có Việt Nam, nhưng nhờ đó cũng tuyển dụng thêm năm triệu rưởi việc làm mới cho dân Mỹ. Nếu hạn chế việc ấy thì cả kinh tế Mỹ lẫn các nước nghèo, trong đó có Việt Nam, đều gặp bất lợi, chủ yếu chỉ vì muốn bảo vệ việc làm cho một thành phần dân chúng lao động Mỹ. Một thí dụ nóng hổi là việc bảo vệ ngành tôm tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, chủ yếu cũng chỉ vì muốn bảo vệ lợi tức cho bảy vạn người Mỹ, nhưng làm hàng triệu người dân xứ khác, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc hay Thái Lan hoặc Ấn Độ, gặp khó khăn vì phải vượt qua một hàng rào quan thuế cao hơn xưa.
Hỏi: Còn về mậu dịch, lập trường của Liên danh Dân chủ ra sao"
-- Nói chung, trên chính trường Mỹ và so với đảng Cộng hòa thì đảng Dân chủ có quan điểm hữu vi, chủ trương can thiệp nhiều hơn vào sinh hoạt kinh tế, với lý do là bảo vệ công bằng xã hội. Quan điểm đó trong lãnh vực kinh tế đối ngoại cũng dẫn tới việc can thiệp hay kiểm soát nhiều hơn. Đó là nói chung; hiện tại thì xu hướng đó lại đang thắng thế trong đảng Dân chủ. Trước đây, Nghị sĩ John Kerry ủng hộ Thỏa ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ, gọi tắt là NAFTA, nay ông đòi xét lại. Nghị sĩ John Edwards còn triệt để hơn. Liên danh này đòi duyệt lại mọi Hiệp định Thương mại Song phương mà chính quyền Bush đã thỏa thuận với các nước trong thời gian qua.
Hỏi: Người Việt Nam theo dõi nhiều về thành tích lãnh đạo của một Tổng thống Dân chủ là ông Bill Clinton. Ông ta cũng chủ trương tự do mậu dịch vậy"
-- Xuất thân từ một tiểu bang cực nhỏ là Arkansas, ông Clinton cũng có chủ trương duy ý chí vì lý tưởng thiên tả. Nhưng, là người thực tiễn, khi đắc cử ông hiểu ra là chủ trương ấy gây họa cho kinh tế nên thay đổi ngay và áp dụng một số biện pháp của phía Cộng hòa nhờ vậy ông dễ có được đồng thuận. Liên danh Dân chủ ngày nay có chủ trương thiên tả chứ không ôn hòa như thời Clinton. Vì vậy mâu thuẫn dễ xảy ra với các nước khác, trong đó tất nhiên có cả Việt Nam.
Hỏi: Cho đến nay, dường như dư luận tại Việt Nam lại có cảm tình với ông Kerry nhiều hơn ông Bush, điều đó có là một nghịch lý không"
-- Trong lãnh vực kinh tế, một biện pháp nào đó gọi là có lợi thì ta phải hỏi có lợi cho ai, và đồng thời, phải hỏi thêm là có hại cho ai không mà mình chưa biết. Trong địa hạt chính trị cũng vậy. Cho đến nay, truyền thông Việt Nam vẫn tiếp nhận và phổ biến loại thông tin có chọn lọc, cho thấy ông John Kerry ôn hòa và dễ thương hơn ông George Bush. Nhìn từ Hà Nội, điều đó không sai vì ông Kerry chống chiến tranh Việt Nam thời xưa, gần đây thì cản trở dự luật đòi hỏi Nhân quyền cho Việt Nam và không giấu thiện cảm với lãnh đạo Việt Nam. Nhưng, ông ta do dân Mỹ bầu lên để phục vụ nước Mỹ và về mặt nội chính thì có quan điểm bảo hộ mậu dịch khả dĩ phương hại cho người Việt Nam qua những hạn chế về mậu dịch và đầu tư. Cái lợi về chính trị cho giới lãnh đạo là điều được Hà Nội nhấn mạnh, cái hại cho việc buôn bán đầu tư của người dân tiếp cận với thị trường Mỹ thì có khi lãnh đạo không biết, hoặc không cần biết. Mâu thuẫn về cá da trơn, tôm hay thậm chí ngành dệt sợi sở dĩ xảy ra một phần vì Việt Nam chưa có kinh tế thị trường đích thực, một phần vì sức ép chính trị trong nội tình Hoa Kỳ, tại các tiểu bang thuộc loại có vấn đề, nhất là ở miền Nam, vì cả hai phe Cộng hòa hay Dân chủ đều cần tranh thủ để thắng cử.
Hỏi: Câu hỏi cuối, nếu bên Dân chủ thắng cử thì quan hệ kinh tế đối ngoại sẽ ra sao"
-- Liên danh Kerry-Edwards có mâu thuẫn lớn về quan điểm khi chủ trương là Mỹ không thể đơn phương định đoạt mọi chuyện trên thế giới, theo kiểu tự tiện như ông Bush, vậy mà về kinh tế thì lại có chủ trương bảo hộ mậu dịch để bảo vệ quyền lợi trước mắt của người Mỹ. Chủ trương đó dẫn tới nhiều lập trường đơn phương về kinh tế và gây mâu thuẫn về quyền lợi với các nước khác, nếu ông Kerry không kịp hiểu và thay đổi như ông Clinton đã từng thay đổi. Khốn nỗi, từ nay đến ngày bầu cử và nhất là qua năm 2005, là năm bản lề cho Việt Nam và cả Trung Quốc vì nhiều khó khăn kinh tế trong khu vực, mâu thuẫn mà xảy ra, các nước, kể cả Hoa Kỳ và Việt Nam, đều gặp bất lợi. Điều đó, có khi dư luận trong nước chưa biết.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.